Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
QUỐC HỘI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 54/2001/QH10 | Hà Nội, ngày 25 tháng 12 năm 2001 |
QUỐC HỘINƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Căn cứ vào Điều 84 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;
Trên cơ sở xem xét báo cáo của Chính phủ, báo cáo của các cơ quan hữu quan và ý kiến của đại biểu Quốc hội;
QUYẾT NGHỊ
Quốc hội tán thành đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2001, phương hướng nhiệm vụ năm 2002 với các chỉ tiêu, giải pháp được nêu trong báo cáo của Chính phủ và báo cáo của các cơ quan hữu quan; đồng thời nhấn mạnh một số vấn đề sau đây:
I- ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH NĂM 2001
Năm 2001, trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều khó khăn, thách thức, với sự phấn đấu cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành, đất nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng và đáng khích lệ: Nền kinh tế tiếp tục phát triển khá và ổn định. Cơ cấu kinh tế có bước chuyển biến tích cực. Các nguồn lực trong nước được huy động cho đầu tư phát triển tăng. Thu ngân sách nhà nước vượt dự toán và tăng hơn so với năm trước. Một số lĩnh vực văn hoá, xã hội có tiến bộ. Quốc phòng, an ninh được củng cố; độc lập, chủ quyền của đất nước được giữ vững. Vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế được nâng lên.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều mặt yếu kém. Một số chỉ tiêu kinh tế chưa đạt kế hoạch đề ra. Chất lượng tăng trưởng, hiệu qủa và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm. Việc khai thác các nguồn lực trong nước chưa tương xứng với khả năng và yêu cầu. Lĩnh vực xã hội còn nhiều vấn đề bức xúc đáng lo ngại. Triển khai cải cách hành chính chậm, hiệu quả thấp.
II- MỤC TIÊU TỔNG QUÁT VÀ CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU CỦA NĂM 2002
1. Mục tiêu tổng quát:
Tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế với nhịp độ cao và bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là trong nông nghiệp. Sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu qủa doanh nghiệp Nhà nước, phát huy mạnh mẽ tiềm năng của các thành phần kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đẩy mạnh xoá đói giảm nghèo. Giải quyết có hiệu quả một số vấn đề xã hội bức xúc. Bảo đảm vững chắc an ninh, quốc phòng trong mọi tình huống.
2. Các chỉ tiêu chủ yếu:
- Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 7%-7,3%;
- Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 4,2%;
- Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14%;
- Giá trị các ngành dịch vụ tăng 6,8% -7%;
- Kim ngạch xuất khẩu tăng 10%-13%;
- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 32% GDP;
- Chỉ số giá tiêu dùng tăng 3%-4%;
- Đào tạo nghề cho khoảng 1 triệu người;
- Tạo việc làm mới cho khoảng 1,4 triệu lao động;
- Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 14%-15%;
- Giảm tỷ lệ sinh 0,04%.
III- CÁC NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHÍNH
Tập trung đầu tư phát triển giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, đồng thời có biện pháp hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm. Chú trọng đầu tư phát triển thuỷ lợi và đưa công nghệ mới vào các vùng sản xuất chuyên canh muối, hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nhập muối, bảo đảm cho người làm muối có thu nhập cao hơn.
Đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước trên cơ sở bảo đảm quyền lợi của người lao động và lợi ích của Nhà nước, hạn chế những tiêu cực nảy sinh. Khẩn trương tổng kết việc chuyển đổi và thành lập mới các hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã; có các cơ chế, giải pháp đồng bộ để kinh tế tập thể phát triển đúng với vai trò của thành phần kinh tế này trong nền kinh tế quốc dân. Tăng cường chỉ đạo việc thi hành Luật Doanh nghiệp, chú trọng thực hiện cơ chế hậu kiểm để kịp thời phát hiện, xử lý những hoạt động kinh doanh trái pháp luật, đồng thời ngăn chặn những biểu hiện phân biệt đối xử nhằm thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng phát triển.
Tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động tiền tệ-tín dụng, tách việc cho vay chính sách ra khỏi hoạt động thông thường của các ngân hàng thương mại nhà nước, cơ cấu lại hệ thống ngân hàng; hạn chế việc sử dụng và thanh toán bằng tiền mặt.
Đẩy nhanh việc ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến, đặc biệt là công nghệ thông tin trong tất cả các ngành và lĩnh vực xã hội, nhất là trong nông nghiệp và sản xuất hàng xuất khẩu, bảo đảm nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh và tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế. Nghiên cứu ban hành các chính sách ưu đãi phát triển các khu công nghệ cao.
Triển khai các biện pháp cụ thể để bảo đảm thực hiện tốt chính sách đối với người có công, người bị tai nạn chiến tranh, đồng thời nghiên cứu bổ sung những chính sách mới và điều chỉnh những chính sách không còn phù hợp. Tăng cường đầu tư và nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe người nghèo, nhân dân các vùng khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đẩy mạnh việc thực hiện chương trình xoá đói, giảm nghèo; chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ của chương trình 135 có hiệu qủa.
Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá". Duy trì, phát triển các hoạt động văn hoá lành mạnh; tăng cường công tác quản lý các dịch vụ văn hoá. Thực hiện có hiệu qủa việc đưa các hoạt động văn hoá, thông tin về cơ sở, vùng sâu, vùng xa, biên giới và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tích cực chuẩn bị các điều kiện để tổ chức tốt và thi đấu đạt thành tích cao tại SEA GAMES 22.
Tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và hỗ trợ việc khắc phục hậu quả bão lụt ở các tỉnh miền Trung, nhất là các tỉnh vừa bị bão tàn phá.
Kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi huỷ hoại môi trường: phá rừng, đánh bắt cá bằng chất nổ, xung điện...; giải quyết rác thải đô thị, chất thải y tế, ô nhiễm các làng nghề.
Viện kiểm sát nhân dân thực hiện tốt chức năng công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Tăng cường công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức và cơ sở vật chất của các cơ quan tư pháp, đồng thời đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm sát, giám sát nhằm khắc phục kịp thời những tồn tại, khuyết điểm, góp phần bảo đảm cho pháp luật được thi hành nghiêm minh và thống nhất, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân.
Đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các mặt: thể chế, tổ chức bộ máy cán bộ công chức, quản lý tài chính công, đặc biệt tạo bước chuyển biến căn bản trong cải cách thủ tục hành chính, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Chính phủ, các bộ và chính quyền địa phương cho phù hợp với tình hình mới. Chấn chỉnh chế độ thi tuyển công chức. Chú trọng hơn nữa công tác quy hoạch đào tạo, sắp xếp, sử dụng đội ngũ cán bộ, đặc biệt quan tâm đến đội ngũ cán bộ cơ sở xã, phường, thị trấn.
Chính phủ, các ngành, các cấp nâng cao hơn nữa hiệu lực chỉ đạo, điều hành, cải tiến phương pháp tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Kịp thời dự báo, theo dõi chặt chẽ diễn biến, tác động của tình hình thế giới và những vấn đề phát sinh trong nước để có sự điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Khắc phục tình trạng yếu kém trong tổ chức thực hiện, không quy định rõ trách nhiệm cá nhân. Chấn chỉnh việc ban hành văn bản hướng dẫn chậm trễ, chồng chéo, không phù hợp với luật, pháp lệnh.
Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội giám sát chặt chẽ việc thực hiện Nghị quyết này.
Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận động viên các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt Nghị quyết của Quốc hội.
Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài nêu cao tinh thần yêu nước, đoàn kết, động viên mọi nguồn lực, vượt qua khó khăn, thử thách, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2002.
Nghị quyết này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá X, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 25 tháng 12 năm 2001.
Nguyễn Văn An (Đã ký) |
Nghị quyết số 54/2001/QH10 về nhiệm vụ năm 2002 do Quốc Hội ban hành
- Số hiệu: 54/2001/QH10
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 25/12/2001
- Nơi ban hành: Quốc hội
- Người ký: Nguyễn Văn An
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 10/01/2002
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra