QUỐC HỘI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 31/1999/QH10 | Hà Nội, ngày 21 tháng 12 năm 1999 |
QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Căn cứ vào Điều 84 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;
Trên cơ sở xem xét báo cáo của Chính phủ, báo cáo của các cơ quan hữu quan và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội.
QUYẾT NGHỊ
Tán thành đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 1999; phương hướng nhiệm vụ năm 2000 với các chỉ tiêu, giải pháp được nêu trong báo cáo của Chính phủ và báo cáo của các ngành hữu quan.
Quốc hội nhấn mạnh một số vấn đề sau đây:
I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH NĂM 1999
Với sự lỗ lực vượt bậc của toàn dân, chúng ta đã phấn đấu đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu của năm 1999 mà Quốc hội đã đề ra. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 5%. Sản lượng lương thực quy thóc đạt 33,8 triệu tấn, mức cao nhất từ trước tới nay. Kim ngạch xuất khẩu đạt 10,7 tỉ đô la. Tạo việc làm cho 1,2 triệu lao động. Giảm được trên 40 vạn hộ đói nghèo; các lĩnh vực văn hoá - xã hội có bước tiến bộ. Đời sống nhân dân ổn định. Quan hệ đối ngoại được mở rộng. Quốc phòng - an ninh được giữ vững.
Tuy vậy, nền kinh tế nước ta vẫn còn nhiều yếu kém. Tốc độ tăng trưởng tiếp tục giảm so với năm trước; năng lực cạnh tranh và hiệu quả chưa cao. Sản phẩm tiêu thụ khó khăn, thị trường kém sôi động, vốn tín dụng tồn đọng lớn. Cơ cấu đầu tư có những mặt không hợp lý, còn dàn trải, hiệu quả thấp. Khu vực doanh nghiệp Nhà nước chuyển biến chậm. Lao động thiếu việc làm còn nhiều, tệ nạn xã hội và tội phạm chưa giảm. Bộ máy hành chính nhà nước còn nhiều cồng kềnh, kém hiệu lực. Tệ tham nhũng, quan liêu, cửa quyền chưa được đẩy lùi.
II. MỤC TIÊU TỔNG QUÁT VÀ CHỈ TIÊU CHỦ YẾU NĂM 2000
1. Mục tiêu tổng quát:
Đẩy mạnh phát triển kinh tế với tốc độ cao hơn năm 1999; phấn đấu thực hiện cho được các chỉ tiêu đã đề ra trong chiến lược 10 năm (1991 - 2000) và kế hoạch 5 năm (1996 - 2000). Tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế, về phát triển khoa học - công nghệ. Bồi dưỡng nguồn nhân lực và giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc. Cải thiện đời sống vật chất và văn hoá của các tầng lớp dân cư. Bảo đảm ổn định xã hội. Mở rộng quan hệ đối ngoại, củng cố quốc phòng - an ninh.
2. Các mục tiêu chủ yếu:
- Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng từ 5,5% đến 6%;
- Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng từ 3,5% đến 4%;
- Sản lượng lương thực quy thóc đạt từ 33,5% triệu đến 34 triệu tấn;
- Giá trị sản xuất công nghiệp tăng từ 10,5% đến 11%;
- Giá trị các ngành dịch vụ tăng từ 5,0% đến 5,5%;
- Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng từ 11,0% đến 12%;
- Lạm phát khoảng 6%;
- Bội chi ngân sách không vượt quá 5% GDP;
- Tạo việc làm mới cho 1,2 đến 1,3 triệu lao động;
- Đào tạo nghề cho khoảng 780.000 người;
- Giảm tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 10%;
- Mức giảm tỉ lệ sinh 0,05%.
(Những chỉ tiêu cụ thể của các ngành, lĩnh vực được ghi trong bảng phụ lục kèm theo)
1.1. Tiếp tục tăng đầu tư cho nông nghiệp và kinh tế nông thôn, ưu tiên cho thuỷ lợi, các loại giống cây trồng vật nuôi có năng suất cao; phát triển công nghiệp chế biến, dịch vụ. Khuyến khích phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại và các hình thức kinh tế hợp tác trong nông thôn. Ban hành cơ chế chính sách và tập trung chỉ đạo giải quyết có hiệu quả tốt việc tiêu thụ nông sản hàng hoá.
1.2. Sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước. Thực hiện kế hoạch cổ phần hoá, bán khoán, cho thuê và chuyển giao một bộ phận doanh nghiệp Nhà nước gắn với việc tiếp tục mở rộng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Có chính sách hỗ trợ các ngành sản xuất sản phẩm có khả năng cạnh tranh, nhất là sản phẩm xuất khẩu có quy mô lớn, như khai thác dầu thô, dệt may, da giày, thuỷ sản... Phát triển mạnh doanh nghiệp vừa và nhỏ, thu hút nhiều lao động.
1.3. Điều chỉnh cơ cấu đầu tư, cơ cấu kinh tế để nâng cao chất lượng, và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đình chỉ các dự án đầu tư không có hiệu quả, không có khả năng thu hồi vốn. Tập trung vốn cho các dự án khả thi. Sửa đổi ngay những bất hợp lý về cơ chế đấu thầu. Giao cho địa phương trực tiếp quản lý và tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các Bộ, ngành Trung ương có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra chặt chẽ. Khuyến khích các thành phần kinh tế và nhân dân đưa vốn nhàn rỗi vào đầu tư phát triển sản xuất. Khẩn trương giải quyết các khó khăn, vướng mắc để thu hút đầu tư nước ngoài. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân và quản lý chặt chẽ việc sử dụng nguồn vốn hỗ trợ đầu tư phát triển chính thức (ODA).
1.4. Tiếp tục khai thác và mở rộng thị trường, coi trọng lưu thông hàng hoá nội địa, nhất là nông thôn. Đẩy mạnh xuất khẩu. Khuyến khích và tạo điều kiện để các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường và được quyền trực tiếp xuất khẩu. Kiên quyết đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại.
1.5. Tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2000. Tăng quyền chủ động và nâng cao vai trò trách nhiệm trong công tác quản lý tài chính và ngân sách ở các cấp chính quyền địa phương.
Đổi mới cơ chế lãi xuất theo hướng áp dụng lãi xuất cơ bản. Điều hành tỉ giá thận trọng, linh hoạt, phù hợp với nhu cầu. Xây dựng cơ chế tạo nguồn vốn để hỗ trợ việc giải quyết các khoản nợ quá hạn. Khắc phục tình trạng ứ đọng vốn trong các ngân hàng thương mại.
Thực hiện đầy đủ quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động tín dụng. Chấm dứt việc ngân hàng thương mại cho vay theo lệnh hành chính. Sớm xây dựng, hoàn thiện mô hình Ngân hàng chính sách, tách cho vay tín dụng chính sách ra khỏi tín dụng ngân hàng, tín dụng ưu đãi ra khỏi tín dụng thương mại.
2. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động văn hoá - xã hội.
2.1. Đẩy mạnh các hoạt động thuộc lĩnh vực văn hoá - giáo dục bằng việc sử dụng có hiệu quả nguồn ngân sách Nhà nước kết hợp với việc thực hiện xã hội hoá. Phát triển mạnh các trường dạy nghề. Quan tâm đào tạo con em đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi thực hiện cử tuyển theo đúng luật giáo dục.
Xây dựng và phát triển cụm văn hoá dân cư.
Nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân và thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia. Tạo điều kiện để người nghèo được thụ hưởng các dịch vụ y tế. Giảm tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên... Chú trọng đầu tư phát triển và áp dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất. Nâng cao chất lượng thẩm định, giám định công nghệ, đặc biệt là công nghệ, thiết bị nhập khẩu.
2.2. Triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình xoá đói giảm nghèo, tập trung cho các xã đặc biệt khó khăn. Thực hiện tốt công tác định canh định cư, ổn định sản xuất, đời sống của đồng bào miền núi, dân tộc và di cư tự do.
Đẩy mạnh chương trình giải quyết việc làm, phát triển thị trường lao động. Giải quyết một bước chính sách tiền lương.
2.3. Chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn ngừa và xử lý kịp thời các tệ nạn xã hội nhất là buôn bán, sử dụng ma tuý. Đẩy mạnh công tác phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS.
3.1. Đẩy mạnh quan hệ hữu nghị hợp tác với các nước, trước hết là các nước láng giềng và trong khu vực. Tích cực thúc đẩy các cuộc đàm phán về biên giới, vùng biển với các nước. Nâng cao hơn nữa hiệu quả kinh tế đối ngoại, chú trọng thị trường và đối tác lớn, củng cố thị trường và đối tác khu vực. Tiếp tục đàm phán để ký kết hiệp định thương mại song phương và đa phương. Chủ động hội nhập vào kinh tế khu vực và thế giới.
3.2. Thường xuyên nâng cao cảnh giác, chủ động ngăn chặn và đối phó kịp thời, có hiệu quả với mọi tình huống phức tạp có thể xảy ra. Tiếp tục chấn chỉnh và nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang. Đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc. Động viên toàn xã hội tham gia Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, tạo chuyển biến mạnh mẽ về an ninh trật tự xã hội. Gắn nhiệm vụ quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế xã hội. Phát huy vai trò của lực lượng vũ trang trong việc tham gia phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai.
4. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước.
4.1. Rà soát sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật làm cơ sở cho việc đẩy mạnh cải cách hành chính.
Tiếp tục cải tiến công tác chỉ đạo điều hành, bảo đảm sát thực, nhanh nhạy, kiên quyết và có hiệu quả. Soát xét sự phân công trách nhiệm trên các lĩnh vực giữa các cấp hành chính, trước hết là giữa Trung ương và cấp tỉnh, việc nào có thể giao cho chính quyền địa phương thì phân cấp ngay. Nâng cao trách nhiệm cá nhân trong việc quản lý và tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý các cán bộ, công chức Nhà nước ở bất kỳ cương vị công tác nào có thái độ và hành động sách nhiễu, gây khó khăn cản trở trong thi hành công vụ.
4.2. Tăng cường hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Nâng cao chất lượng hoạt động điều tra, kiểm sát, xét xử, giải quyết dứt điểm các vụ án phức tạp, tồn đọng kéo dài. Xử lý kịp thời, nghiêm minh các tội phạm về tham nhũng, buôn lậu....
4.3. Tăng cường năng lực và nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền địa phương nhiệm kỳ mới. Đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Tập trung giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo của công dân.
5.1. Ưu tiên đầu tư để khôi phục và củng cố cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội, nhất là các công trình thuỷ lợi, giao thông, trường học, cơ sở y tế. Tăng cường năng lực dự báo; bảo đảm các phương tiện kỹ thuật, cơ sở vật chất để sẵn sàng ứng phó khi thiên tai xảy ra.
5.2. Phát huy tinh thần tương thân, tương ái, động viên sự đóng góp của toàn dân, các ngành, các cấp, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và kiều bào ta ở nước ngoài nhằm sớm ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân vùng lũ lụt.
Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá X, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 22 tháng 12 năm 1999.
Nông Đức Mạnh (Đã ký) |
Nghị quyết số 31/1999/QH10 về nhiệm vụ năm 2000 do Quốc Hội ban hành
- Số hiệu: 31/1999/QH10
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 21/12/1999
- Nơi ban hành: Quốc hội
- Người ký: Nông Đức Mạnh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 7
- Ngày hiệu lực: 05/01/2000
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định