Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 51-HĐBT | Hà Nội, ngày 17 tháng 5 năm 1983 |
Dưới ánh sáng của nghị quyết Đại hội lần thứ IV, lần thứ V, các nghị quyết của hội nghị Ban chấp hành trung ương, và nghị quyết của Bộ Chính trị về chính sách khoa học và kỹ thuật, công tác khoa học và kỹ thuật, trong hai năm 1981 - 1982 đã được đẩy mạnh thêm một bước và có những chuyển biến mới, tiến bộ mới:
1. Lãnh đạo của các Bộ, các ngành, các địa phương, các cơ sở bước đầu coi trọng công tác khoa học và kỹ thuật. Các nghị quyết của Đảng về khoa học và kỹ thuật đã được tổ chức nghiên cứu và phổ biến rộng rãi trong cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ khoa học, kỹ thuật, nhiều nơi phổ biến đến tận huyện và cơ sở. Nhiều địa phương đã xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình tiến bộ khoa học và kỹ thuật, gắn liền với yêu cầu sản xuất và đời sống của địa phương, kết hợp với các chương trình của trung ương. Phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất đang ngày càng phát triển.
2. Hoạt động của các cơ quan nghiên cứu khoa học và triển khai kỹ thuật, của các chương trình tiến bộ khoa học kỹ thuật trọng điểm cấp Nhà nước đã hướng vào phục vụ thiết thực cho việc thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hội và đã đạt được một số kết quả đáng kể. Một số thành tựu khoa học và tiến bộ kỹ thuật đã được kết luận và áp dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, một số ngành công nghiệp, xây dựng cơ bản, giao thông vận tải, v.v...
3. Phương thức quản lý khoa học và kỹ thuật đã có những chuyển biến tốt, bước đầu phát huy được tính năng động và sáng tạo trong hoạt động khoa học và kỹ thuật. Kế hoạch khoa học và kỹ thuật 5 năm 1981 - 1985 đã được xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả.
Hệ thống các cơ quan quản lý khoa học và kỹ thuật từ trung ương đến địa phương và cơ sở đã được tăng cường một bước. Nhiều nghị định, quyết định, chỉ thị về quản lý khoa học và kỹ thuật được Hội đồng bộ trưởng ban hành đã có tác dụng đưa một số mặt hoạt động khoa học và kỹ thuật vào nền nếp, thúc đẩy quá trình gắn khoa học với sản xuất, đưa nhanh các thành tựu khoa học và tiến bộ kỹ thuật áp dụng vào thực tiễn.
4. Có những tiến bộ nhất định trong việc sử dụng và phát huy tiềm lực khoa học và kỹ thuật. Tích cực triển khai chỉ thị của Hội đồng bộ trưởng về việc kiểm kê lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật, công nhân kỹ thuật trong cả nước và tiến hành xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ hợp lý trước mắt cũng như về lâu dài. Đã hoàn thành kiểm kê máy móc thiết bị hiện có và đã bắt đầu thực hiện sử dụng chung một số thiết bị quý hiếm, cải tiến một bước việc quản lý cung ứng và bảo đảm vật tư thiết bị cho hoạt động khoa học và kỹ thuật.
Tuy nhiên trong hai năm qua, công tác khoa học và kỹ thuật còn một số thiếu sót và nhược điểm:
1. Nhiều tiến bộ khoa học và kỹ thuật đã được kết luận có hiệu quả kinh tế rõ rệt nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, chủ yếu là do tổ chức chỉ đạo và cơ chế quản lý, nên chưa được áp dụng rộng rãi vào sản xuất và đời sống.
2. Các nghị quyết của Đảng về khoa học và kỹ thuật chưa được cụ thể hoá kịp thời bằng các chính sách, chế độ, nên chưa phát huy hết khả năng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ khoa học và kỹ thuật, công nhân kỹ thuật, các cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện có.
3. Công tác kiện toàn tổ chức các cơ quan nghiên cứu cũng như cơ quan quản lý khoa học và kỹ thuật làm chậm. Hiệu lực của bộ máy quản lý còn yếu. Công tác quản lý kỹ thuật chưa được chặt chẽ, chưa thực hiện nghiêm chỉnh các tiêu chuẩn, định mức, các quy định về đo lường và kiểm tra chất lượng sản phẩm. Công tác thông tin khoa học và kỹ thuật tiến bộ chậm, đặc biệt là thông tin trong nước; thông tin ở huyện và cơ sở chưa được quan tâm đúng mức. Việc tổng kết và phổ biến kinh nghiệm và điển hình tiên tiến làm chưa tốt.
4. Công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị và hiểu biết về kinh tế cho đội ngũ cán bộ khoa học và kỹ thuật chưa được quan tâm đúng mức. Một số cán bộ khoa học và kỹ thuật chưa quán triệt đầy đủ và chưa tập trung sức vào việc giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội quan trọng và bức thiết. Quan hệ hợp tác xã hội chủ nghĩa giữa một số cán bộ và cơ quan khoa học chưa tốt.
Nhìn chung, công tác khoa học và kỹ thuật đang trên đà phát triển và dần dần đi vào nền nếp. Nhưng cần ra sức khắc phục những thiếu sót và nhược điểm, bám sát các yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế và xã hội trong từng thời kỳ, tạo nên một bước chuyển biến mới mạnh mẽ hơn nữa.
Trong năm 1983 và những năm 1983 - 1985, các hoạt động khoa học và kỹ thuật (khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và khoa học xã hội) cần tập trung phục vụ đắc lực hơn nữa cho việc thực hiện các mục tiêu kinh tế và xã hội do Đại hội Đảng lần thứ V, nghị quyết Hội nghị trung ương lần thứ 3, kế hoạch Nhà nước 5 năm 1981 - 1985 đề ra; tiếp tục thực hiện nghị quyết 37 của Bộ Chính trị về chính sách khoa học và kỹ thuật; đồng thời chuẩn bị những căn cứ khoa học cho kế hoạch 5 năm 1986 - 1990 và các kế hoạch tiếp theo.
Nhiệm vụ của công tác khoa học và kỹ thuật là:
Ứng dụng nhanh chóng và rộng rãi những thành tựu khoa học và tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, triển khai có hiệu quả các chương trình tiến bộ khoa học và kỹ thuật trọng điểm của Nhà nước, làm cho khoa học và kỹ thuật từng bước trở thành một trong những nhân tố hàng đầu trong việc nâng cao năng suất lao động, năng suất cây trồng, vật nuôi, chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế, hiệu suất sử dụng máy móc, thực hiện tiết kiệm, góp phần thúc đẩy quá trình tái sản xuất mở rộng, tăng thêm thu nhập quốc dân và tổng sản phẩm xã hội, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Phát huy sức mạnh sáng tạo và ra sức khai thác chiều sâu tiềm lực khoa học và kỹ thuật, phục vụ tốt cho mục tiêu ổn định và từng bước cải thiện đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân trên cơ sở đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp toàn diện, từng bước đưa nông nghiệp lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa trong một cơ cấu kinh tế công - nông nghiệp hợp lý, tích cực giải quyết vấn đề lương thực - thực phẩm, nâng cao khả năng cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp, tăng nguồn hàng xuất khẩu.
Đồng thời hướng hoạt động khoa học và kỹ thuật vào việc đẩy mạnh các ngành công nghiệp nhẹ, sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu, hàng xuất khẩu và một số ngành công nghiệp nặng quan trọng như năng lượng và nhiên liệu (điện, than, dầu mỏ và khí đốt, ...), nguyên liệu và vật liệu, cơ khí, luyện kim, hoá chất, giao thông vận tải và thông tin bưu điện..., nhằm từng bước xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, thực hiện công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa trong chặng đường trước mắt của thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Các ngành khoa học tự nhiên cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu cơ bản có định hướng những vấn đề khoa học gắn liền với tài nguyên thiên nhiên, điều kiện tự nhiên và con người Việt Nam, xây dựng cơ sở khoa học cho việc phát triển các kỹ thuật mũi nhọn, tạo thêm điều kiện thuận lợi tiếp thu có chọn lọc các thành tựu khoa học và kỹ thuật hiện đại của thế giới, phục vụ đắc lực cho các yêu cầu phát triển kinh tế và xã hội do Đại hội Đảng lần thứ V đã đề ra.
Các ngành khoa học xã hội cần tập trung nghiên cứu góp phần tích cực vào việc cụ thể hoá đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong chặng đường trước mắt của thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội; trước hết là vấn đề quản lý kinh tế, quản lý xã hội, thúc đẩy quá trình cải tạo xã hội chủ nghĩa, lập lại trật tự xã hội chủ nghĩa trên mặt trận phân phối lưu thông, chống chủ nghĩa cơ hội dưới mọi hình thức, chống chủ nghĩa Mao, chống mọi biểu hiện tiêu cực hiện nay trong xã hội.
Kết hợp chặt chẽ khoa học xã hội với khoa học tự nhiên và khoa học kỹ thuật, tập trung lực lượng vào những mục tiêu trọng điểm, tạo ra sức mạnh tổng hợp, góp phần tích cực vào việc tổ chức lại sản xuất, đổi mới hệ thống quản lý và kế hoạch hoá, làm cho cách mạng khoa học - kỹ thuật thực sự trở thành then chốt trong 3 cuộc cách mạng, phục vụ thiết thực cho sự nghiệp xây dựng chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, nền văn hoá mới và con người mới xã hội chủ nghĩa ở nước ta; đồng thời đáp ứng tích cực những yêu cầu của quốc phòng và an ninh.
Các hoạt động khoa học và kỹ thuật phải nhằm phục vụ các yêu cầu cấp bách nhất của nền kinh tế, bao gồm kinh tế trung ương và kinh tế địa phương trong một cơ cấu kinh tế quốc dân thống nhất. Đẩy mạnh hoạt động khoa học và kỹ thuật tại các địa phương trên cơ sở kết hợp chặt chẽ lực lượng khoa học và kỹ thuật của trung ương và của địa phương, đưa nhanh tiến bộ khoa học và kỹ thuật phục vụ sản xuất và đời sống ở địa phương, đặc biệt là trên địa bàn huyện.
Để thực hiện tốt các mục tiêu và nhiệm vụ nói trên, Hội đồng bộ trưởng nhấn mạnh cần kết hợp chặt chẽ cách mạng khoa học kỹ thuật với tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội, tập trung phục vụ tốt cho phát triển kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể, chú trọng thích đáng đến kinh tế gia đình và phát huy các mặt tích cực của các thành phần kinh tế khác.
Vấn đề hết sức quan trọng đối với hoạt động khoa học và kỹ thuật là phải tìm ra cách làm và bước đi thích hợp và tích cực, năng động và sáng tạo, tìm ra những biện pháp có hiệu quả cho từng ngành, từng địa phương, từng lĩnh vực trong từng thời kỳ.
Thực hiện triệt để nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ V: "Tiến bộ khoa học và kỹ thuật phải trở thành một nội dung chủ yếu của kế hoạch kinh tế - xã hội ở tất cả các ngành, các cấp. Cơ chế quản lý kinh tế và kế hoạch hoá cần được đổi mới theo hướng đòi hỏi và khuyến khích áp dụng thành tựu khoa học và tiến bộ kỹ thuật".
Sau đây là những công tác lớn về khoa học và kỹ thuật trong năm 1983 và những năm tới:
Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước phối hợp với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế và các ngành hữu quan nghiên cứu xây dựng và trình Thường vụ Hội đồng bộ trưởng trong năm 1983 một cơ chế đồng bộ nhằm đẩy mạnh việc áp dụng nhanh chóng và rộng rãi các thành tựu khoa học và tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống. Trước mắt các ngành, các cấp phải làm tốt các việc sau đây:
a) Bộ trưởng các Bộ, chủ tịch Uỷ ban nhân dân các địa phương, thủ trưởng các ngành, các cấp phải trực tiếp chỉ đạo việc áp dụng thành tựu khoa học và tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, vào quản lý và phải chịu trách nhiệm về trình độ kỹ thuật sản xuất trong phạm vi phụ trách.
b) Phải coi kế hoạch áp dụng các thành tựu khoa học và tiến bộ kỹ thuật là một bộ phận hữu cơ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở các ngành, các cấp. Việc xây dựng kế hoạch này phải theo trình tự sau:
- Tất cả các thành tựu khoa học và tiến bộ kỹ thuật đều phải được đánh giá chặt chẽ ở các hội đồng khoa học các cấp về mặt khoa học và kết luận về khả năng áp dụng vào sản xuất.
- Mỗi tiến bộ khoa học và kỹ thuật dự kiến đưa vào áp dụng đều phải có luận chứng kinh tế - kỹ thuật và phương án tổ chức áp dụng, bao gồm cả những điều kiện bảo đảm về tài chính, vật tư, thiết bị... cho việc thực hiện.
- Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý khoa học và kỹ thuật ở từng cấp bàn bạc với cơ quan kế hoạch cấp tương ứng và các cơ sở sản xuất để đề xuất một danh mục các thành tựu khoa học và tiến bộ kỹ thuật đưa vào áp dụng trong kỳ kế hoạch.
- Cơ quan kế hoạch các cấp có trách nhiệm xem xét việc cân đối các điều kiện thực hiện, bố trí dự án kế hoạch để trình cấp quản lý quyết định.
Sau khi được cấp có thẩm quyền duyệt, các nhiệm vụ áp dụng thành tựu khoa học và tiến bộ kỹ thuật được chính thức ghi vào kế hoạch và được bảo đảm các điều kiện thực hiện.
c) Để khuyến khích và tạo nguồn tài chính thuận lợi cho việc đẩy mạnh nghiên cứu triển khai và nhanh chóng mở rộng áp dụng các thành tựu khoa học và tiến bộ kỹ thuật, nay quy định:
- Các cơ sở sản xuất - kinh doanh được sử dụng quỹ phát triển sản xuất để dùng vào việc áp dụng thành tựu khoa học và tiến bộ kỹ thuật. Bộ Tài chính và Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước hướng dẫn cụ thể việc sử dụng quỹ này để tăng thêm khả năng đầu tư cho việc áp dụng kỹ thuật mới tại các cơ sở.
Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính trong quý III năm 1983 có thông tư hướng dẫn thi hành các quy đinh nói trên.
d) Thành lập thí điểm một số trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật hoạt động theo nguyên tắc hạch toán kinh tế. Các trung tâm này có nhiệm vụ giúp đỡ các địa phương, cơ sở sản xuất, xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
2. Đẩy mạnh việc thực hiện các chương trình tiến bộ khoa học - kỹ thuật trọng điểm:
a) Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước cần cùng với Viện khoa học Việt Nam, Uỷ ban Khoa học xã hội, Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp và các ngành có liên quan, bắt đầu từ quý II năm 1983, trên cơ sở tổng kết hoạt động của các chương trình và xuất phát từ các mục tiêu kinh tế - xã hội do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V và hội nghị trung ương lần thứ 3 đề ra mà xem xét lại hệ thống các chương trình, xác định thêm một bước các trọng tâm, trọng điểm của từng chương trình, đề tài, tập trung hơn nữa vào các hướng trọng điểm, các nhiệm vụ cấp bách của nền kinh tế quốc dân, để sớm có kết luận về những tiến bộ khoa học và kỹ thuật kiến nghị đưa vào kế hoạch năm 1984 - 1985 và phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 1986 - 1990 và những kế hoạch tiếp theo. Đặc biệt chú trọng đến việc thực hiện các nhiệm vụ sản xuất thử. Nếu cần thiết có thể thêm hoặc bớt một số chương trình nhằm tập trung lực lượng khoa học và kỹ thuật phục vụ thiết thực cho các mục tiêu kinh tế - xã hội.
b) Để giải quyết tốt mối quan hệ phối hợp giữa các chương trình cùng nhằm phục vụ cho một mục tiêu kinh tế - xã hội nhất định và để tăng thêm hiệu quả hoạt động của các chương trình, cần tập hợp các chương trình đó lại thành những nhóm lớn, có sinh hoạt thường kỳ để thực hiện việc điều hoà phối hợp.
c) Các chương trình tiến bộ khoa học - kỹ thuật trọng điểm của Nhà nước cần kết hợp chặt với các chương trình của địa phương nhằm thúc đẩy quá trình áp dụng nhanh chóng và rộng rãi các thành tựu khoa học và tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống trên từng vùng, tiểu vùng, nhất là trên địa bàn huyện.
d) Hội đồng bộ trưởng đã ban hành nghị định số 122-HĐBT ngày 20-7-1982 về quy chế quản lý các chương trình tiến bộ khoa học kỹ thuật trọng điểm của Nhà nước. Bộ trưởng các Bộ, thủ trưởng các ngành, chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh và thành phố cần nghiêm chỉnh thực hiện nghị định nêu trên.
Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước, Bộ Tài chính phối hợp ban hành ngay trong quý II năm 1983 thông tư hướng dẫn cụ thể thực hiện nghị định này (kể cả chế độ cấp phát, chế độ phụ cấp trách nhiệm) đáp ứng các nhu cầu của việc quản lý và thực hiện các chương trình.
3. Tăng cường tổ chức và chỉ đạo công tác điều tra cơ bản.
a) Công tác điều tra cơ bản phải kết hợp chặt chẽ với công tác phân vùng quy hoạch nhằm bước đầu hình thành cơ cấu kinh tế xã hội cho từng vùng sinh thái, từng vùng chuyên canh, từng tỉnh, từng huyện, đề xuất được kiến nghị về bảo vệ và khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, phục vụ các mục tiêu kinh tế - xã hội cụ thể.
Cần huy động lực lượng của các viện nghiên cứu, các trường đại học, các trường trung học chuyên nghiệp, trường phổ thông, các cơ quan nghiệp vụ của các ngành có liên quan, bao gồm cả cán bộ khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và khoa học xã hội, tiếp tục tiến hành điều tra cơ bản tổng hợp các vùng kinh tế trong nước một cách có trọng điểm, có định hướng để sớm có kết luận phục vụ cho những mục tiêu cụ thể đã định.
Trên các vùng lãnh thổ lớn, có thể lập ra những chương trình điều tra cơ bản tổng hợp có mục tiêu như đối với các tỉnh Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long (giai đoạn 2) các vùng biển và thềm lục địa, thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, v.v...
b) Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước cùng với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, kết hợp với các ngành có liên quan nghiên cứu đề ra các chế độ quản lý, sử dụng các tài liệu nhằm tổ chức khai thác tốt các số liệu điều tra cơ bản đã tích luỹ. Các tài liệu điều tra được phải được quản lý thống nhất và cung cấp theo đúng chế độ cho các cơ quan cần thiết.
4. Tiếp tục triển khai công tác dự báo và xây dựng chiến lược khoa học và kỹ thuật.
Để kịp thời phục vụ cho việc xây dựng chiến lược kinh tế - xã hội trong chặng đường đầu tiên của quá trình công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, cho việc xây dựng các chương trình và kế hoạch khoa học và kỹ thuật 5 năm 1986 - 1990 và cho việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 1986 - 1990, cần đẩy mạnh việc triển khai xây dựng dự báo và chiến lược khoa học và kỹ thuật.
Dưới sự chỉ đạo của Hội đồng bộ trưởng, Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước có nhiệm vụ phối hợp với Viện Khoa học Việt Nam, Uỷ ban Khoa học xã hội, Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp và các ngành, và dựa vào các nhóm tổng hợp các chương trình tiến bộ khoa học kỹ thuật trọng điểm cấp Nhà nước, đã điều chỉnh và bổ sung, tổ chức tập hợp lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật và kinh tế để triển khai công tác này khẩn trương hơn; chú trọng tiếp thu kinh nghiệm của Liên Xô và của các nước xã hội chủ nghĩa anh em trong Hội đồng Tương trợ kinh tế.
Trong khi tiến hành xây dựng dự báo và chiến lược khoa học và kỹ thuật, cần kết hợp chặt chẽ với việc nghiên cứu xây dựng chiến lược kinh tế và tổng sơ đồ phân bố và phát triển lực lượng sản xuất ở nước ta cho tới năm 2000.
5. Tăng cường công tác tiêu chuẩn hoá, đo lường; kiểm tra chất lượng sản phẩm.
a) Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước cùng các Bộ, các ngành và các địa phương cần có kế hoạch và biện pháp đẩy mạnh công tác tiêu chuẩn hoá để bảo đảm đến năm 1985 những sản phẩm chủ yếu, trước hết là các sản phẩm xuất khẩu, các tư liệu sản xuất quan trọng, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, đều phải có tiêu chuẩn đồng bộ.
b) Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước cùng với Bộ Cơ khí và luyện kim và các ngành, các địa phương có liên quan xây dựng kế hoạch sản xuất (kể cả đầu tư) và từng bước trang bị đầy đủ các loại thiết bị và dụng cụ đo lường cho các cơ sở sản xuất và dịch vụ, có biện pháp cụ thể tổ chức kiểm tra việc thực hiện. Thiết bị và dụng cụ đo lường phải được định kỳ kiểm định để bảo đảm độ chính xác.
c) Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước phải cùng các Bộ, các ngành, các địa phương đẩy mạnh việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, đặc biệt là các mặt hàng xuất khẩu, chú trọng ở cả ba khu vực kinh tế quốc doanh, tập thể và tư nhân; xử lý nghiêm khắc, kịp thời những trường hợp sản xuất hàng giả, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế và cho người sử dụng.
d) Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước cùng Uỷ ban Vật giá Nhà nước và các ngành có liên quan khác sớm xây dựng chính sách giá khuyến khích sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng cao, các sản phẩm được cấp dấu chứng nhận chất lượng, trình Hội đồng bộ trưởng ban hành.
e) Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước cần chuẩn bị trình Thường vụ Hội đồng bộ trưởng đề án kiện toàn hệ thống tổ chức các cơ quan tiêu chuẩn, đo lường, kiểm tra chất lượng từ trung ương đến tỉnh, thành phố, quận, huyện và cơ sở sản xuất.
6. Tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng đội ngũ cán bộ khoa học và kỹ thuật.
a) Cần hết sức coi trọng việc nâng cao phẩm chất và trình độ mọi mặt cho đội ngũ cán bộ khoa học và kỹ thuật, làm cho anh chị em nắm vững đường lối, chính sách của Đảng, trau dồi đạo đức cách mạng và nâng cao tinh thần hợp tác xã hội chủ nghĩa; Bộ trưởng các Bộ, thủ trưởng các cơ quan, chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp cần có kế hoạch tổ chức bồi dưỡng và sử dụng có hiệu quả lực lượng khoa học và kỹ thuật phục vụ các mục tiêu kinh tế - xã hội.
b) Hoàn thành trong năm nay công tác điều tra lực lượng lao động kỹ thuật trên phạm vi cả nước và có kế hoạch định kỳ điều tra bổ sung. Trên cơ sở đó xây dựng và thực hiện đề án điều chỉnh, bồi dưỡng, sử dụng hợp lý cán bộ khoa học và kỹ thuật, công nhân lành nghề.
Kiên quyết bố trí cán bộ đúng khả năng và trình độ chuyên môn, tập trung cán bộ nghiên cứu khoa học giỏi vào các viện nghiên cứu và các trường đại học; tăng cường mạnh mẽ cho các địa phương và cơ sở (xí nghiệp, hợp tác xã), nhất là cấp huyện, những cán bộ khoa học và kỹ thuật có năng lực thực hành, chú trọng cán bộ quê ở địa phương, cán bộ người dân tộc.
Đối với cán bộ khoa học và kỹ thuật và công nhân thuộc các ngành nghề quan trọng nhưng tạm thời chưa phát triển, hội đồng đào tạo và phân phối cán bộ khoa học và kỹ thuật phối hợp với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước, Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp, Ban Tổ chức của Chính phủ xác định một biên chế cần thiết cho các cơ quan hữu quan (kể cả các bộ môn ở trường đại học) để các cơ quan này có thể duy trì và xây dựng đội ngũ cán bộ và công nhân nói trên phục vụ cho nhu cầu phát triển sau này, không phân tán các cán bộ, công nhân này đi làm những ngành nghề khác.
c) Trên cơ sở hoàn thành vững chắc việc công nhận chức vụ khoa học trong năm nay, Hội đồng xét duyệt trung ương cần tổ chức rút kinh nghiệm để xây dựng quy chế công nhận chức vụ khoa học một cách liên tục và thường xuyên hàng năm.
Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước cùng các Bộ hữu quan xây dựng chế độ chức vụ kỹ thuật trình Hội đồng bộ trưởng ban hành trong 6 tháng cuối năm.
d) Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Lao động và các cơ quan hữu quan trình Thường vụ Hội đồng bộ trưởng ban hành các chế độ:
- Thưởng cho những tập thể và cá nhân hoàn thành tốt kế hoạch nghiên cứu và triển khai.
- Thưởng cho những tập thể và cá nhân có những công trình khoa học có giá trị.
- Thưởng cho những tập thể và cá nhân tổ chức áp dụng và hỗ trợ áp dụng có hiệu quả các thành tựu khoa học và tiến bộ kỹ thuật.
Xây dựng chính sách, chế độ khuyến khích cán bộ nói chung, cán bộ khoa học và kỹ thuật nói riêng về công tác tại các địa phương (đặc biệt chú trọng cấp huyện và cơ sở), các vùng hiện còn ít cán bộ khoa học và kỹ thuật (như đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên), các vùng xa xôi (chú trọng các vùng dân tộc thiểu số, biên giới, ...) theo hướng rút ngắn thời gian xét nâng bậc lương, cho hưởng phụ cấp thâm niên, tạo điều kiện để ổn định cán bộ về lâu dài (nhà ở, đất tăng gia, hợp lý hoá gia đình).
Xây dựng chính sách và chế độ cụ thể nhằm giải quyết những yêu cầu cấp thiết về điều kiện làm việc và điều kiện sinh hoạt của cán bộ khoa học và kỹ thuật và công nhân lành nghề. Riêng đối với vấn đề nhà ở, hướng giải quyết là Nhà nước trích một khoản đầu tư về xây dựng cơ bản, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước cấn đối nguyên liệu, vật liệu, giao cho các cơ quan có nhiều cán bộ khoa học kỹ thuật (Viện Khoa học Việt Nam, Uỷ ban Khoa học xã hội, Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước, các viện nghiên cứu, các viện thiết kế, các trường đại học, ...) để xây dựng nhà ở cho cán bộ khoa học và kỹ thuật của mình.
7. Kiện toàn hệ thống các cơ quan nghiên cứu và triển khai.
a) Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước phối hợp với Ban Tổ chức của Chính phủ, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp, Viện Khoa học Việt Nam và Uỷ ban Khoa học xã hội sớm trình ra Hội đồng bộ trưởng phê duyệt quy chế về tổ chức và hoạt động của các cơ quan nghiên cứu khoa học và triển khai kỹ thuật.
b) Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước phối hợp với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Viện Khoa học Việt Nam, Uỷ ban Khoa học xã hội, Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp, các Bộ, các ngành và các tỉnh, thành phố có liên quan xây dựng và trình Hội đồng bộ trưởng quy hoạch mạng lưới các cơ quan nghiên cứu và triển khai và có kế hoạch từng bước chấn chỉnh các cơ quan ấy theo hướng:
- Kiện toàn các viện của Viện Khoa học Việt Nam, Uỷ ban Khoa học xã hội, các viện trọng điểm của các Bộ về các mặt tổ chức, cán bộ và cơ sở vật chất kỹ thuật để đủ sức nghiên cứu giải quyết những vấn đề khoa học kỹ thuật lớn;
- Đưa các đơn vị nghiên cứu chuyên đề, chuyên từng cây, từng con, từng ngành kỹ thuật hẹp trực thuộc các công ty, liên hiệp xí nghiệp hoặc xí nghiệp liên hợp tương ứng, nhằm gắn chặt nghiên cứu với sản xuất;
- Hình thành các cơ quan khoa học - kỹ thuật có tính chất tổng hợp cho các vùng (liên kết với các trường đại học và chuyên nghiệp trong vùng) cũng như mạng lưới các trạm, trại, phòng thí nghiệm tỉnh, huyện về giống, bảo vệ thực vật và thú y...;
- Sớm thành lập thí điểm một số liên hợp khoa học - sản xuất, tổ hợp đào tạo - nghiên cứu - sản xuất để rút kinh nghiệm và xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động;
- Việc thành lập và giải thể các cơ quan nghiên cứu và triển khai tại các Bộ, Tổng cục, địa phương đều phải có sự thoản thuận của Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước.
c) Để mở rộng quyền chủ động của các cơ quan nghiên cứu triển khai nhằm phát huy khả năng của đội ngũ cán bộ và cơ sở vật chất kỹ thuật sẵn có, cho phép các cơ quan này ngoài nhiệm vụ chính là hoàn thành kế hoạch nghiên cứu triển khai được giao, được ký kết hợp đồng phục vụ các nhu cầu khác về khoa học và kỹ thuật của sản xuất, bảo đảm các dịch vụ kỹ thuật cần thiết (hướng dẫn sử dụng, bảo dưỡng, sửa chữa máy móc, thiết bị, phân tích thí nghiệm, thiết kế kỹ thuật, ...), tổ chức sản xuất các sản phẩm là kết quả nghiên cứu của mình, mà chưa có cơ sở sản xuất nào đảm nhiệm.
Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước, Trọng tài kinh tế Nhà nước và Bộ Tài chính trong quý II năm 1983 phải có văn bản hướng dẫn thực hiện quyết định số 175-CP ngày 29-4-1981 về chế độ ký kết hợp đồng kinh tế trong nghiên cứu khoa học và triển khai kỹ thuật.
d) Để tiến tới thành lập viện hàn lâm khoa học một cách vững chắc và có tác dụng thiết thực, trong năm 1983 cần tiến hành hội nghị đại biểu các ngành khoa học nhằm hình thành tại Viện Khoa học Việt Nam và Uỷ ban khoa học xã hội các ban khoa học của ngành (hay liên ngành), thực hiện cho được yêu cầu tập hợp lực lượng tiêu biểu cho từng ngành trong cả nước.
Xây dựng quan hệ làm việc chặt chẽ giữa Viện Khoa học Việt Nam, Uỷ ban Khoa học xã hội và các cơ quan khoa học thuộc lĩnh vực nông lâm, thuỷ sản, y học và dược học, giáo dục học; tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập Viện hàn lâm khoa học Việt Nam.
8. Kiện toàn hệ thống các cơ quan quản lý khoa học và kỹ thuật.
a) Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước phải có kế hoạch toàn diện kiện toàn về cơ cấu tổ chức, cải tiến lề lối làm việc, từng bước bổ sung thêm cán bộ có chất lượng để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ thống nhất quản lý Nhà nước về khoa học và kỹ thuật, thực hiện chính sách phát triển khoa học và kỹ thuật của Đảng và Nhà nước, theo đúng tinh thần nghị định số 192-CP ngày 13-10-1975 của Hội đồng Chính phủ.
b) Cần kiện toàn các cơ quan quản lý khoa học và kỹ thuật từ Bộ, Tổng cục tới cơ sở nhằm quản lý tốt hoạt động khoa học và kỹ thuật trong các ngành.
c) Kiện toàn cơ quan quản lý khoa học và kỹ thuật của các tỉnh và thành phố và thống nhất gọi là Uỷ ban khoa học và kỹ thuật tỉnh hoặc thành phố. Xây dựng các tổ chức quản lý khoa học và kỹ thuật tại các ngành của tỉnh, thành phố, các huyện và các cơ sở sản xuất, chú trọng cấp huyện.
9. Về đầu tư và bảo đảm vật tư thiết bị cho công tác khoa học và kỹ thuật.
a) Để bảo đảm triển khai có kết quả các chương trình khoa học kỹ thuật trọng điểm, cũng như để đẩy mạnh các hoạt động khoa học kỹ thuật khác, chuẩn bị tiền đề khoa học kỹ thuật cho các kế hoạch 1984 - 1985, kế hoạch 5 năm 1986 - 1990, sẽ điều chỉnh tổng mức kinh phí trong ngân sách dành cho khoa học và kỹ thuật trong dịp điều chỉnh ngân sách Nhà nước năm 1983.
b) Trong quý II năm 1983, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước cùng với Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước và Bộ Tài chính nghiên cứu đề nghị mức đầu tư, kể cả định mức ngoại tệ, cho khoa học năm 1984, để làm cơ sở xây dựng kế hoạch khoa học - kỹ thuật năm 1984, và mức tăng đầu tư cho những năm sau nhằm từng bước thực hiện tinh thần nghị quyết 37 của Bộ Chính trị về vấn đề này.
c) Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước cần cân đối đủ vật tư và vật liệu xây dựng để thực hiện vốn xây lắp dành cho công tác khoa học và kỹ thuật, chú trọng bảo đảm điều kiện nhà cửa cho việc tiếp nhận viện trợ và lắp đặt thiết bị cũng như bảo quản các tư liệu khoa học quý (kho sách Hán - Nôm, kho tư liệu sáng chế...) cho các cơ quan khoa học và kỹ thuật.
d) Để nâng cao hiệu quả sử dụng vật tư, thiết bị khoa học, phải tăng cường và mở rộng các hình thức sử dụng chung, tổ chức dịch vụ sửa chữa và cho thuê thiết bị, đẩy mạnh sản xuất trong nước đồng thời cải tiến việc nhập khẩu và phân phối. Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước cũng với các ngành tổ chức việc định kỳ kiểm kê và đánh giá tình hình sử dụng, có biện pháp xử lý các trường hợp sử dụng không hợp lý; trong trường hợp cần thiết, Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước có quyền điều động thiết bị giữa các cơ quan khoa học.
10. Nâng cao hiệu quả của công tác hợp tác quốc tế về khoa học và kỹ thuật.
Với quy mô ngày càng mở rộng, công tác hợp tác quốc tế về khoa học và kỹ thuật cần được quản lý thống nhất và được kế hoạch hoá, gắn chặt với hợp tác kinh tế và quán triệt đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, ưu tiên tập trung vào phục vụ các chương trình tiến bộ khoa học kỹ thuật trọng điểm của Nhà nước. Tăng cường và tổ chức có hiệu quả công tác hợp tác khoa học - kỹ thuật với Liên Xô và các nước trong Hội đồng Tương trợ kinh tế, phát triển hợp tác khoa học kỹ thuật với hai nước Lào và Cam-pu-chia. Tranh thủ sử dụng vốn viện trợ về khoa học và kỹ thuật để tăng thêm thiết bị cho các cơ quan nghiên cứu khoa học. Cần sử dụng một tỷ lệ thích đáng quỹ viện trợ của các tổ chức quốc tế vào việc hợp tác khoa học và kỹ thuật.
Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước phối hợp với Uỷ ban quan hệ kinh tế với nước ngoài, Viện khoa học Việt Nam, Uỷ ban Khoa học xã hội, Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp và các Bộ có liên quan nghiên cứu và trình Thường vụ Hội đồng bộ trưởng vào quý II năm 1983 điều lệ về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật.
11. Đẩy mạnh hoạt động khoa học và kỹ thuật ở các địa phương nhất là cấp huyện.
Công tác khoa học và kỹ thuật có ý nghĩa ngày càng to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp phải tăng cường hơn nữa việc chỉ đạo công tác này.
a) Huy động lực lượng cán bộ khoa học và kỹ thuật tham gia xây dựng khoa học và kỹ thuật phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nghiên cứu giải quyết các vấn đề khoa học và kỹ thuật được đặt ra.
b) Làm tốt công tác điều tra cơ bản về tài nguyên và điều kiện tự nhiên và kinh tế, xã hội làm cơ sở cho việc xác định cơ cấu kinh tế hợp lý của địa phương.
c) Xác định đúng và triển khai thực hiện tốt các chương trình tiến bộ khoa học và kỹ thuật của địa phương nhằm đưa nhanh các thành tựu khoa học và tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống. Cần đặc biệt chú trọng các chương trình và đề tài thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, công nghiệp chế biến, thủ công nghiệp, tiểu công nghiệp, các vùng trọng điểm thâm canh, cao sản, vùng chuyên canh và vùng đặc sản.
d) Trên cơ sở kết quả điều tra lao động kỹ thuật, xây dựng quy hoạch, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ khoa học và kỹ thuật, công nhân kỹ thuật của địa phương. Sử dụng tốt lực lượng giáo viên và học sinh các trường phổ thông và chuyên nghiệp vào các hoạt động khoa học và kỹ thuật. Quan tâm tạo điều kiện làm việc và sinh hoạt cho cán bộ khoa học và kỹ thuật. Có biện pháp tăng cường cán bộ cho các huyện và cơ sở.
e) Xây dựng quan hệ chặt chẽ với các cơ quan khoa học và kỹ thuật của trung ương, trước hết là các cơ quan đóng tại địa phương.
g) Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước cần tăng cường chỉ đạo các uỷ ban khoa học và kỹ thuật tỉnh và thành phố về mặt nghiệp vụ, hướng dẫn công tác khoa học kỹ thuật ở huyện, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, tổ chức trao đổi kinh nghiệm; tăng cường công tác thông tin khoa học và kỹ thuật, nhằm làm cho công tác khoa học và kỹ thuật ở các địa phương được đẩy mạnh, sớm đi vào nền nếp và ngày càng có hiệu quả.
Chính quyền và cơ quan quản lý khoa học và kỹ thuật các cấp cần phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể quần chúng (công đoàn, đoàn thanh niên, hội liên hiệp phụ nữ) và các hội khoa học và kỹ thuật trong việc phổ biến và tổ chức áp dụng các tiến bộ khoa học và kỹ thuật, tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh các tiêu chuẩn và định mức kinh tế - kỹ thuật trong sản xuất, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, sáng chế phát minh...
Hết sức coi trọng kinh nghiệm sáng tạo của nhân dân lao động, có kế hoạch chỉ đạo tốt việc sơ kết, tổng kết các điển hình, xây dựng các mô hình, nghiên cứu phương pháp mở rộng và có hình thức động viên, khen thưởng thích đáng và kịp thời.
Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước cần cùng các địa phương tổ chức các cuộc triễn lãm, xây dựng các cơ sở trình diễn kỹ thuật mới để giới thiệu các thành tựu khoa học và tiến bộ kỹ thuật đã được kết luận và có thể áp dụng rộng rãi, giới thiệu các kinh nghiệm tiên tiến với đông đảo quần chúng lao động, lực lượng sáng tạo và trực tiếp áp dụng kỹ thuật mới trong sản xuất và đời sống.
| Tố Hữu (Đã ký) |
- 1Quyết định 134 - HĐBT năm 1987 về một số biện pháp khuyến khích công tác khoa học và kỹ thuật do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 2Thông tư liên tịch 3-TC/KHKT năm 1984 về chế độ trích lập và sử dụng các quỹ trong các cơ quan nghiên cứu khoa học và triển khai kỹ thuật do Bộ Tài chính- Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước ban hành
- 3Thông tư liên tịch 28-TC/KHKT năm 1986 hướng dẫn trích lập và sử dụng quỹ phát triển khoa học - kỹ thuật tập trung do Bộ Tài chính-Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước ban hành
- 4Nghị định 122-HĐBT năm 1982 về chế độ quản lý các chương trình tiến bộ khoa học kỹ thuật trọng điểm của Nhà nước do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
Nghị quyết số 51-HĐBT về một số vấn đề trong công tác khoa học và kỹ thuật năm 1983 và những năm tiếp theo do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- Số hiệu: 51-HĐBT
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 17/05/1983
- Nơi ban hành: Hội đồng Bộ trưởng
- Người ký: Tố Hữu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 3
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra