Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH-UỶ BAN KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 28-TC/KHKT

Hà Nội, ngày 24 tháng 9 năm 1986

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ TÀI CHÍNH - UỶ BAN KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT NHÀ NƯỚC SỐ 28-TC/KHKT NGÀY 24 THÁNG 9 NĂM 1986 HƯỚNG DẪN VIỆC TRÍCH LẬP VÀSỬ DỤNG QUỸ PHÁT TRIỂN KHOA HỌC - KỸ THUẬT TẬP TRUNG

Thực hiện Nghị quyết số 51-HĐBT ngày 17-5-1983 của Hội đồng Bộ trưởng về việc cho các Bộ, Tổng cục được lập quỹ phát triển khoa học - kỹ thuật tập trung, sau khi trao đổi thống nhất với các Bộ, Liên Bộ Tài chính - Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước hướng dẫn việc trích lập và sử dụng quỹ phát triển khoa học - kỹ thuật tập trung ở các Bộ, Tổng cục (dưới đây gọi tắt là các Bộ) như sau:

I. MỤC ĐÍCH CỦA VIỆC LẬP QUỸ

1. Các Bộ được phép lập quỹ phát triển khoa học - kỹ thuật tập trung để thực hiện các nhiệm vụ khoa học - kỹ thuật của ngành nhằm phát triển và đổi mới sản phẩm, giống cây con, phương pháp công nghệ, kỹ thuật canh tác, chế tạo mới máy móc, thiết bị, công cụ, kể cả một số vấn đề về nghiên cứu, điều tra thăm dò cần thiết phù hợp với những đòi hỏi của kinh tế quốc dân về hiệu quả sản xuất, tăng năng suất lao động, giảm giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm.

2. Việc trích lập quỹ phát triển khoa học - kỹ thuật tập trung là để mỗi Bộ có điều kiện tự chủ về tài chính, chịu trách nhiệm cấp phát tài chính cho các hoạt động khoa học - kỹ thuật, nâng cao trình độ kinh tế - kỹ thuật của sản xuất và sản phẩm, phát triển sản xuất theo chiều sâu của ngành mình.

II. NỘI DUNG SỬ DỤNG QUỸ

Quỹ phát triển khoa học - kỹ thuật tập trung dùng để chi cho các nhiệm vụ thuộc kế hoạch hoạt động khoa học - kỹ thuật của ngành, bao gồm:

- Các nhiệm vụ về điều tra bảo vệ tài nguyên và điều kiện thiên nhiên.

- Các đề tài nghiên cứu khoa học, triển khai kỹ thuật sản xuất thử.

- Hỗ trợ cho các nhiệm vụ áp dụng kỹ thuật tiến bộ.

- Các hoạt động về quản lý kỹ thuật của ngành (để nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng và soát xét tiêu chuẩn ngành, sản xuất và sửa chữa trang, thiết bị đo lường).

- Hỗ trợ cho các hoạt động thông tin khoa học - kỹ thuật, các hoạt động sáng kiến, sáng chế và cho hợp tác quốc tế về khoa học và kỹ thuật của ngành.

Các nội dung chi cụ thể của mỗi nhiệm vụ cũng như các chế độ, tiêu chuẩn chi tiêu áp dụng theo các văn bản Nhà nước hiện hành như đối với các nhiệm vụ kế hoạch Nhà nước về khoa học và kỹ thuật.

III. THÀNH LẬP VÀ QUẢN LÝ QUỸ

A. Thành lập quỹ

Nguồn tài chính để thành lập quỹ phát triển khoa học - kỹ thuật tập trung của các Bộ, bao gồm:

1. Khoản trích đóng góp lên Bộ từ 10-25% quỹ khuyến khích phát triển sản xuất của cơ sở, xí nghiệp sản xuất, kinh doanh trực thuộc Bộ. Mức đóng góp cụ thể của mỗi đơn vị, cơ sở do Bộ trưởng, Tổng cục trưởng quyết định (trong phạm vi tỷ lệ nêu trên) căn cứ vào khối lượng quỹ phát triển sản xuất có ở cơ sở và nhu cầu đầu tư cho kế hoạch phát triển khoa học - kỹ thuật của Bộ, ngành.

2. Khoản trích 20% từ số được trích ở các xí nghiệp trực thuộc Bộ theo chế độ tiết kiệm mà Thông tư số 05-TC/VP ngày 6-3-1982 của Bộ Tài chính quy định nộp vào quỹ phát triển khoa học - kỹ thuật và áp dụng kỹ thuật tiến bộ thì nay nộp vào quỹ phát triển khoa học - kỹ thuật tập trung này.

3. Khoản trích 30% số thu về bán sản phẩm chế thử, bán phế liệu, phế phẩm trong nghiên cứu và triển khai.

Khoản trích này được quy định ở điểm 2 mục B, phần V, Thông tư Liên Bộ số 03-TC/KHKT ngày 28-1-1984 của Bộ Tài chính - Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước.

4. Trích 10-20% lợi nhuận do áp dụng kỹ thuật tiến bộ mang lại.

5. Các Bộ có các Liên hiệp xí nghiệp, công ty, Tổng công ty cần quy định cụ thể mức trích nộp vào quỹ phát triển khoa học - kỹ thuật tập trung của Bộ và số để lại cho các Liên hiệp, Công ty... quản lý quỹ này như quy định ở điểm 2, phần II, Thông tư số 02-TC/VP ngày 18-1-1980 của Bộ Tài chính quy định về chế độ tài chính của Liên hiệp xí nghiệp quốc doanh.

Sau này, qua thực tiễn áp dụng, Liên Bộ sẽ xem xét điều chỉnh về tỷ lệ các nguồn trích để đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu đề ra cho quỹ về quy mô và về mặt quản lý, sử dụng quỹ trong mối quan hệ với các quỹ khác của xí nghiệp.

B. Quản lý quỹ

1. Lập dự toán thu, chi quỹ phát triển khoa học - kỹ thuật tập trung:

a. Dự toán thu:

Mức trích lập quỹ phát triển khoa học - kỹ thuật tập trung từ các nguồn nói ở điểm A, phần III phụ thuộc vào kết quả thực hiện kế hoạch Nhà nước của các xí nghiệp và các cơ quan nghiên cứu và triển khai. Khi lập dự toán thu hàng năm về quỹ phát triển khoa học - kỹ thuật tập trung, các Bộ căn cứ vào báo cáo quyết toán 9 tháng của đơn vị cơ sở để ước thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh, kế hoạch tiết kiệm năng lượng, vật tư, nguyên liệu của các xí nghiệp trực thuộc, kế hoạch thu về bán sản phẩm chế thử, bán phế liệu, phế phẩm của các cơ quan nghiên cứu và triển khai năm kế hoạch để lập dự thu về quỹ phát triển khoa học - kỹ thuật tập trung cho năm sau.

Khi duyệt dự toán, Bộ chủ quản duyệt và thông báo cho các xí nghiệp và cho các cơ quan nghiên cứu và triển khai về các khoản tiền phải trích nộp vào quỹ phát triển khoa học - kỹ thuật tập trung của Bộ theo các tỷ lệ quy định ở phần III nói trên.

b. Dự toán chi:

Dự toán chi từ quỹ phát triển khoa học - kỹ thuật tập trung là một bộ phận của toàn bộ dự toán chi về hoạt động khoa học - kỹ thuật của các Bộ. Quỹ này chỉ cấp cho những nhiệm vụ đã được ghi vào kế hoạch khoa học - kỹ thuật hàng năm của Bộ và được Bộ chủ quản duyệt.

Thời hạn và biểu mẫu lập dự toán chi bằng quỹ phát triển khoa học - kỹ thuật tập trung đều phải theo quy định hiện hành như lập dự toán chi tiêu quỹ sự nghiệp khoa học - kỹ thuật.

Biểu mẫu tính kế hoạch thu, chi quỹ phát triển khoa học - kỹ thuật tập trung hàng năm của các Bộ được quy định tại phụ lục kèm theo Thông tư này. Các Bộ có trách nhiệm hướng dẫn các biểu mẫu chi tiết cần thiết cho các đơn vị trực thuộc.

Toàn bộ kế hoạch thu chi bằng quỹ phát triển khoa học - kỹ thuật tập trung được Bộ chủ quản duyệt, nhưng phải có báo cáo với Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước và Bộ Tài chính để kiểm tra, xem xét, đảm bảo việc sử dụng đúng mục đích quy định.

2. Cấp phát:

Việc cấp kinh phí từ quỹ phát triển khoa học - kỹ thuật tập trung cho các xí nghiệp sản xuất, kinh doanh và các đơn vị hành chính sự nghiệp vẫn theo chế độ cấp phát hiện hành (đối với đơn vị hành chính sự nghiệp dùng giấy phân phối kinh phí). Trong giấy phân phối kinh phí, Bộ chủ quản phải ghi rõ nguồn cấp là "Quỹ phát triển khoa học - kỹ thuật tập trung" để các đơn vị phân biệt được với các nguồn kinh phí khác.

Các đơn vị cơ sở nhận được kinh phí này phải mở sổ theo dõi riêng và hạch toán, quyết toán theo chế độ hiện hành. Đối với đơn vị hành chính sự nghiệp, hạch toán vào tài khoản "kinh phí được cấp" (Tài khoản 24, tiểu khoản 24.2), cuối năm kinh phí còn thừa được tiếp tục chuyển sang năm sau (qua tài khoản 26). Đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh, hạch toán vào tài khoản "thanh toán nội bộ ngành về các nghiệp vụ vãng lai" (tài khoản 78, tiểu khoản 78.3).

Quỹ phát triển khoa học - kỹ thuật tập trung được gửi ở một tài khoản riêng tại Ngân hàng, gọi là "Tiền gửi quỹ phát triển khoa học - kỹ thuật tập trung" do Bộ quản lý. Số dư đến cuối năm được chuyển sang năm sau tiếp tục sử dụng, không phải nộp vào ngân sách Nhà nước.

3. Báo cáo quyết toán:

Hàng năm, hàng quý cùng với việc lập báo cáo quyết toán theo chế độ hiện hành, các đơn vị cơ sở nhận kinh phí từ quỹ phát triển khoa học - kỹ thuật tập trung phải lập báo cáo quyết toán gửi lên Bộ chủ quản. Bộ chủ quản có trách nhiệm duyệt quyết toán của các đơn vị cơ sở và tổng hợp quyết toán về thu chi của quỹ phát triển khoa học - kỹ thuật tập trung gửi Bộ Tài chính và Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước.

Đối với trường hợp đề tài sử dụng vừa nguồn kinh phí do Ngân sách Nhà nước cấp, vừa nguồn bổ sung từ quỹ phát triển khoa học - kỹ thuật tập trung của Bộ thì khi duyệt dự toán cũng như khi quyết toán cần tách riêng và ghi rõ để tránh trùng lặp.

4. Thu hồi:

Quá trình thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu và triển khai sẽ có các nguồn thu sau đây:

- Thu do bán các kết quả nghiên cứu, các sản phẩm của sản xuất thử.

- Thu do thanh lý hoặc nhượng bán các trang, thiết bị phục vụ đề tài nghiên cứu và triển khai được đầu tư bằng quỹ phát triển khoa học - kỹ thuật tập trung của Bộ, Tổng cục.

Các đơn vị chỉ được bán hoặc thanh lý tài sản khi đề tài kết thúc và các thiết bị không cần dùng đến. Thể thức nhượng bán, thanh lý tài sản phải theo đúng các quy định hiện hành.

- Thu do bán các phế liệu, phế phẩm trong nghiên cứu và triển khai.

Các Bộ cần hướng dẫn cụ thể các đơn vị cơ sở tích cực thu hồi phế liệu, phế phẩm để tiết kiệm chi phí, số thu được trích một tỷ lệ nhất định để lại cho đơn vị, số còn lại nộp vào quỹ phát triển khoa học - kỹ thuật tập trung của Bộ.

IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

1. Thông tư này bắt đầu thực hiện kể từ ngày ký và được áp dụng cho các Bộ, Tổng cục, các Uỷ ban Nhà nước có nguồn tài chính để thành lập quỹ quy định tại mục A, phần III nói trên.

2. Các đồng chí Vụ trưởng Vụ quản lý khoa học - kỹ thuật, Vụ trưởng Vụ Tài vụ - kế toán có trách nhiệm giúp Bộ trưởng trong việc lập, quản lý và sử dụng quỹ phát triển khoa học - kỹ thuật tập trung theo đúng chế độ quy định trong Thông tư này.

3. Những quy định trái với Thông tư này về trích lập quỹ phát triển khoa học - kỹ thuật tập trung ở Bộ, Tổng cục đều bãi bỏ.

Hoàng Đình Phu

(Đã ký)

Lý Tài Luận

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 28-TC/KHKT năm 1986 hướng dẫn trích lập và sử dụng quỹ phát triển khoa học - kỹ thuật tập trung do Bộ Tài chính-Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước ban hành

  • Số hiệu: 28-TC/KHKT
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 24/09/1986
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính, Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước
  • Người ký: Hoàng Đình Phu, Lý Tài Luận
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/09/1986
  • Ngày hết hiệu lực: 09/12/1999
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản