Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 183-CP | Hà Nội, ngày 25 tháng 09 năm 1966 |
VỀ CÔNG TÁC TRỒNG CÂY GÂY RỪNG
Hội đồng chính phủ trong phiên họp Hội nghị thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 30-3-1966, sau khi nghe đồng chí Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp báo cáo và đại biểu Bộ Nông nghiệp, Bộ Thủy lợi, Bộ Tài chính, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Ban Nông nghiệp trung ương, Văn phòng Nông nghiệp Phủ Thủ tướng phát biểu ý kiến, đã kết luận một số vấn đề sau đây về công tác trồng cây gây rừng.
Từ ngày hòa bình lập lại đến nay Trung ương Đảng và Chính phủ đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết về công tác trồng cây gây rừng, bảo vệ rừng, khai thác rừng. Riêng về trồng cây gây rừng, Trung ương Đảng và Chính phủ đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết cụ thể. Đặc biệt Hồ Chủ tịch rất quan tâm, ngay từ vụ đông xuân 1959 – 1960, hàng năm Người đều có hiệu triệu “Tết trồng cây” và tham gia “Tết trồng cây”.
Thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng và Chính phủ, hưởng ứng lời hiệu triệu của Hồ Chủ tịch, các ngành, các cấp đã có nhiều cố gắng, đến nay công tác trồng cây gây rừng đã thu được những kết quả bước đầu, nhất là hai năm gần đây đã có những chuyển biến tốt.
Cuối năm 1965, toàn miền Bắc đã trồng được khoảng 300.000 hécta (hợp tác xã và nhân dân trồng 270.000 hécta, lâm trường quốc doanh trồng 30.000 hécta). Kỹ thuật trồng cây và bảo vệ cây trồng có nhiều tiến bộ, ở nhiều hợp tác xã sản xuất nông nghiệp cây trồng sống tới 90 đến 95%. Những nơi trồng sớm và trồng tốt, cây trồng đã bắt đầu có tác dụng như cung cấp củi đun, phân xanh, vật liệu xây dựng cho hợp tác xã, phục vụ nông nghiệp, phục vụ quốc phòng v.v…
Trong phong trào trồng cây gây rừng đã tạo ra hàng nghìn hợp tác xã trồng cây tốt như: Nà-vó ở Hòa-bình, Lạc-trung ở Vĩnh-phúc, Đào-xá ở Phú-thọ, Liên-phương ở Ninh-bình, Lê Hồng Phong ở Hà-tĩnh, Vĩnh-thành ở Nghệ-an,v.v…hàng chục huyện trồng cây tốt như: Tùng-thiện (Hà-tây), Yên-mỹ (Hưng-yên), Yên-thành (Nghệ-an), Hậu-lộc (Thanh-hóa), Trấn-yên (Yên-bái) và toàn tỉnh trồng cây tốt như Vĩnh-phúc. Đó là những kinh nghiệm quý báu cho phong trào trồng cây gây rừng ngày càng phát triển rộng lớn sau này.
Đạt được những kết quả trên là do đường lối của Đảng của Chính phủ ta đúng. Các cấp, các ngành, Tổng cục Lâm nghiệp và cán bộ, công nhân chuyên trách việc trồng cây đã có nhiều cố gắng; nhiều địa phương đã biết dựa vào hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp dần dần nhận rõ trồng cây gây rừng phải là một bộ phận trong phương hướng kinh doanh của hợp tác xã nên đã tự góp phần đẩy mạnh công tác trồng cây gây rừng.
Tuy nhiên trong việc trồng cây gây rừng vẫn còn nhiều nhược điểm và khuyết điểm.
1. Từ ngày hòa bình lập lại đến nay, thời gian khá dài, lại có nhiều điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh việc trồng cây gây rừng, nhưng mới trồng được khoảng 300.000 hécta là quá ít. Trồng rừng phòng hộ để phục vụ cho việc thâm canh tăng năng suất nông nghiệp, trồng rừng để cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp và xây dựng, trồng cây đặc sản để phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu là hết sức quan trọng và bức thiết nhưng chưa chú ý đúng mức. Ngay cả việc quy hoạch đất đai, chuẩn bị cơ sở vật chất kỹ thuật cũng chưa đáp ứng được nhu cầu trồng cây gây rừng. Khai thác rừng ngày càng lớn, nạn phá rừng ngày càng trầm trọng, nhưng việc trồng cây gây rừng quá chậm, bảo vệ rừng làm chưa tốt, nhiều nơi làm cho rừng ngày càng tàn lụi, đó là một vấn đề hết sức nghiêm trọng.
2. Phong trào trồng cây gây rừng trong nhân dân gần đây có chuyển biến tốt, nhưng không đều, chưa rộng khắp, đến nay mới có khoảng 46% số hợp tác xã nông nghiệp toàn miền Bắc tham gia trồng cây và phần lớn ở đồng bằng và trung du, còn miền núi thì quá ít. Trung ương Đảng và Chính phủ đã có nhiều chỉ thị: “Trồng cây gây rừng là phải dựa vào lực lượng nhân dân, chủ yếu là hợp tác xã nông nghiệp”… “Phương hướng kinh doanh của hợp tác xã nông nghiệp phải toàn diện”, “gắn chặt công tác trồng cây gây rừng với nhiệm vụ sản xuất nông nghiệp”… “nội dung các kế hoạch sản xuất nông nghiệp phải có phần trồng cây gây rừng”. Đó là những chỉ thị rất quan trọng nhưng đến nay thực hiện chưa tốt.
3. Tuy có xây dựng được 109 lâm trường và trạm trồng cây gây rừng của Nhà nước, có lâm trường đã bắt đầu có tác dụng thúc đẩy phong trào trồng cây gây rừng trong nhân dân, phục vụ nông nghiệp, quốc phòng, rút được một số kinh nghiệm có giá trị về khoa học, kỹ thuật v.v…nhưng phổ biến là kỹ thuật trồng cây chưa tốt, tỷ lệ cây chết quá cao, quản lý kinh tế còn kém, giá thành trên một đơn vị diện tích còn đắt, bố trí các lâm trường quá phân tán, chưa tập trung vào những nơi quan trọng và cấp thiết. Kết quả đem lại chưa tương xứng với công sức bỏ ra, hạn chế vai trò gương mẫu của lâm trường quốc doanh đối với phong trào trồng cây gây rừng trong hợp tác xã sản xuất nông nghiệp.
Nguyên nhân của những khuyết điểm trên là:
- Tuy phương hướng, nhiệm vụ trồng cây gây rừng Trung ương Đảng và Chính phủ đề ra từ trước tới nay là đúng, nhưng việc tổ chức thực hiện có nhiều thiếu sót, cho đến nay nhiều cán bộ, ngay cả cán bộ chỉ đạo công tác trồng cây gây rừng vẫn chưa thấy hết tầm quan trọng của trồng cây gây rừng, chưa nắm vững đặc điểm tình hình khí hậu, đất đai, nhân dân ta đối với việc trồng cây gây rừng, cho nên có nhận thức chưa đúng trong việc sử dụng đất đai, vốn liếng, lực lượng, chưa mạnh dạn, quyết tâm dựa vào lực lượng nhân dân, chủ yếu là hợp tác xã nông nghiệp để đẩy mạnh công tác trồng cây gây rừng, còn nặng về quốc doanh, làm ảnh hưởng đến tốc độ của việc trồng cây gây rừng mà Trung ương Đảng và Chính phủ đã đề ra.
- Tổng cục Lâm nghiệp là cơ quan chịu trách nhiệm trước Đảng và Chính phủ về việc trồng cây gây rừng, nhưng trong việc tổ chức thực hiện, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng và Chính phủ chưa chặt chẽ, chưa tích cực và chủ động cùng với Ủy ban hành chính các cấp và các ngành có liên quan để thực hiện tốt chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng và Chính phủ.
Một số Ủy ban hành chính các cấp chưa chấp hành tốt chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng và Chính phủ về trồng cây gây rừng, chưa tranh thủ sự giúp đỡ, hướng dẫn của Tổng cục Lâm nghiệp. Các ngành có liên quan chưa tích cực giúp đỡ ngành lâm nghiệp trong công tác quy hoạch đất đai, quản lý tài vụ, quản lý lao động, vật tư kỹ thuật, xây dựng các chế độ, chính sách cần thiết để đẩy mạnh công tác trồng cây gây rừng trong lâm trường và hợp tác xã nông nghiệp.
II. PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ TRỒNG CÂY GÂY RỪNG.
Trồng cây gây rừng là vấn đề lớn và quan trọng, có tác dụng nhiều mặt như phục vụ thâm canh tăng năng suất nông nghiệp, phục vụ công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, phục vụ văn hóa, giáo dục, phục vụ quốc phòng,…và nhu cầu hàng ngày của nhân dân.
Nước ta lại có nhiều thuận lợi cho việc trồng cây gây rừng như điều kiện thiên nhiên, khí hậu nhiệt đới giúp cho cây trồng bốn mùa xanh tốt; ở đâu cũng có đất để trồng trọt, chăn nuôi, trồng cây gây rừng; từ bờ bể đến rẻo cao đâu cũng có nhân dân và mặc dầu nhân lực còn phân bố không đều do chế độ cũ để lại, nhưng nếu biết kết hợp với việc vận động đồng bào miền núi định canh định cư, đồng bào miền xuôi lên tham gia xây dựng kinh tế và văn hóa miền núi vào việc trồng cây gây rừng thì ở đâu cũng sẽ có lực lượng nhân dân to lớn. Nhân dân ta có nhiệt tình cách mạng, có óc sáng tạo trong thực tiễn sản xuất, luôn luôn tin tưởng và phấn khởi chấp hành mọi chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ, hơn nữa việc trồng cây gây rừng vừa góp phần quan trọng vào việc xây dựng đất nước, vừa đem lại quyền lợi thiết thân cho người trồng cây, do đó nhân dân càng hăng hái phấn khởi thực hiện.
Vì vậy phương hướng nhiệm vụ trồng cây gây rừng là nắm vững các đặc điểm nói trên, vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo, thích hợp với từng nơi, từng vùng; có kế hoạch cụ thể, thiết thực để cổ vũ, động viên, tổ chức, hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân chủ yếu là hợp tác xã sản xuất nông nghiệp tham gia phong trào trồng cây gây rừng làm cho phong trào trồng cây gây rừng của hợp tác xã tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc, sớm đem lại quyền lợi cho nhân dân; góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của toàn dân, đồng thời ra sức củng cố và phát triển tốt các lâm trường quốc doanh để làm nòng cốt cho phong trào.
Đặc biệt hai năm 1966 – 1967 cần tập trung lực lượng làm các việc sau đây;
1. Về mặt trồng cây gây rừng phải:
- Đẩy mạnh việc trồng cây phòng hộ phục vụ cho việc thâm canh tăng năng suất nông nghiệp, phấn đấu hoàn thành các dải rừng chắn gió quanh đồng ruộng, quanh vườn cây, hai bên đường cái, quanh làng mạc, trên bãi cỏ chăn nuôi, hướng chính là vùng trọng điểm lúa và vùng cây công nghiệp lớn. Hoàn chỉnh các dải rừng chống cát bay, chắn gió, chắn bão, chắn sông, hộ đê từ Móng-cái đến Vĩnh-linh. Có kế hoạch đầy đủ và bắt đầu trồng một số đầu nguồn xung yếu quan trọng, trước mắt là đầu nguồn sông Đà. Trồng loại cây gì là tùy khả năng đất đai và khí hậu của mỗi nơi.
- Tích cực chuẩn bị và tiếp tục trồng các loại cây nhằm phục vụ cho công nghiệp và xây dựng như gỗ trụ mỏ, gỗ đóng tàu, thuyền, gỗ để xây dựng và cho giao thông, gỗ để làm nguyên liệu vit-cô và giấy báo…trước mắt là gỗ để làm trụ mỏ.
- Chuẩn bị và bắt đầu trồng các loại cây đặc sản quan trọng và cần thiết cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu như quế, hồi, mỡ, bồ đề, thông lấy nhựa, trúc, luồng v.v…
- Kết hợp việc trồng cây phục vụ cho từng mục đích nói trên với việc giải quyết các nhu cầu khác như gỗ làm nhà, làm công cụ cải tiến, cây ăn quả, cây lấy dầu, cây làm phân xanh, củi đun…cho hợp tác xã và phục vụ cho quốc phòng, văn hóa, giáo dục…, chống xói mòn, cải tạo đất…
- Trước hết là làm cho cán bộ làm công tác trồng cây gây rừng, nhất là cán bộ chỉ đạo, nhận thức đầy đủ, chuyển biến mạnh mẽ theo phương hướng và nhiệm vụ nói trên. Hướng công tác tuyên truyền, vận động vào bề sâu, kết hợp chặt chẽ cuộc vận động trồng cây gây rừng với cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã nông nghiệp, cuộc vận động đồng bào miền núi định canh, định cư và cuộc vận động đồng bào miền xuôi lên tham gia xây dựng kinh tế và văn hóa miền núi; làm cho hợp tác xã sản xuất nông nghiệp hiểu rõ mục đích ý nghĩa việc trồng cây gây rừng, trách nhiệm của các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đối với việc trồng cây gây rừng, lợi ích của việc trồng cây gây rừng đối với Nhà nước, đối với hợp tác xã và đối với xã viên, để họ tự nguyện đưa việc trồng cây gây rừng vào phương hướng kinh doanh của hợp tác xã.
- Mạnh dạn giao chỉ tiêu kế hoạch trồng cây gây rừng cho hợp tác xã kể cả việc trồng rừng cung cấp nguyên liệu cho Nhà nước. Mạnh dạn giao đất đai, giúp vốn liếng và phương tiện, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xã sản xuất nông nghiệp trong việc trồng cây gây rừng.
Những nơi cần trồng rừng nhưng thiếu nhân lực, hoặc chưa có nhân lực, cần đưa người đến tổ chức thành hợp tác xã nông nghiệp, lấy việc sản xuất lương thực làm bàn đạp mà tiến hành công tác trồng cây gây rừng. Những hợp tác xã sản xuất nông nghiệp hiện có mà phương hướng sản xuất chưa thích hợp với điều kiện tự nhiên, nếu chuyển sang trồng cây gây rừng, tu bổ rừng thích hợp hơn, thì mạnh dạn chuyển sang trồng cây gây rừng là chủ yếu.
Công tác trồng cây gây rừng trong hợp tác xã ngày càng cần thiết và quan trọng, có hợp tác xã dần dần đưa nghề rừng trở thành nhiệm vụ chủ yếu, ban quản trị hợp tác xã phải bao quát cả trồng trọt, chăn nuôi, trồng cây, nuôi cá v.v…không được xem nhẹ mặt nào. Phải có người chuyên trách việc kinh doanh lâm nghiệp trong hợp tác xã. Phải có đội, hoặc tổ chuyên trách trồng cây gây rừng.
Tổng cục Lâm nghiệp cùng với các ngành có liên quan và các địa phương tổ chức thực hiện các chính sách đã có cho tốt, đồng thời cần nghiên cứu bổ sung thêm một số cầnthiết cho phù hợp với tình hình hiện nay như vấn đề sử dụng đất công để trồng rừng, bán lâm sản cho Nhà nước, nộp thuế lâm sản, giúp và cho vay vốn để mua hạt giống, cây con, công cụ; cung cấp lương thực cho những nơi mới đến xây dựng hợp tác xã chưa tự túc được; việc ăn chia công điểm trong các hợp tác xã v.v…
Phải xây dựng các lâm trường quốc doanh trở thành lực lượng tiền phong, gương mẫu của phong trào trồng cây gây rừng; phải tập trung trồng những câu khó trồng, đất khó trồng, những nơi xa xôi hẻo lánh mà nhân dân chưa trồng được. Phải phấn đấu xây dựng các lâm trường quốc doanh thành những nơi trung tâm khoa học kỹ thuật, nơi nghiên cứu và thực nghiệm công cụ, nơi rút kinh nghiệm, đào tạo cán bộ, sản xuất hạt giống, cây con v.v…để cung cấp và phổ biến rộng rãi cho phong trào trồng cây gây rừng.
Phải kết hợp chặt chẽ cuộc vận động “3 xây 3 chống”, việc phân cấp quản lý, mà tiến hành việc củng cố và phát triển lâm trường quốc doanh. Trong khi tiến hành việc củng cố và phân cấp quản lý lâm trường quốc doanh, cần xác định lại vị trí và phương hướng sản xuất của từng lâm trường; những lâm trường không phù hợp với những điểm nói trên thì mạnh dạn giao lại cho hợp tác xã tiếp tục trồng và quản lý; chuyển nhân lực, phương tiện, vốn liếng để xây dựng lâm trường mới. Trong việc xây dựng lâm trường quốc doanh cần phải tính toán kỹ, phải trên cơ sở tăng năng suất, hạ giá thành, rút bớt người, vốn, phương tiện trên những lâm trường cũ, để xây dựng lâm trường mới, nếu cần thiết thì động viên thêm thanh niên xung phong để xây dựng lâm trường, trong những năm gần đây chưa nên tăng thêm biên chế.
Tổng cục Lâm nghiệp, các ngành có liên quan; Ủy ban hành chính các địa phương cần bàn bạc kỹ, xác định vị trí và phương hướng sản xuất cho những lâm trường hiện có và các lâm trường sẽ mở thêm. Việc xây dựng các lâm trường phải đi vào nề nếp, phải làm đúng thủ tục của Nhà nước; mỗi lâm trường đều phải quy hoạch, có nhiệm vụ thiết kế được Nhà nước phê chuẩn mới thi công. Những lâm trường quốc doanh xây dựng từ trước nếu chưa làm đúng phải làm lại đầy đủ.
Các cơ quan, đơn vị nói trên phải coi việc trồng cây gây rừng là nghĩa vụ đối với Nhà nước, phải tự nguyện tham gia vào việc trồng cây gây rừng. Đặc biệt hai năm 1966 – 1967 đối với nông trường quốc doanh, phải hoàn chỉnh các đai rừng chắn gió trong nông trường, nhất là các vườn cây công nghiệp quý và trên các bãi cỏ chăn nuôi.
Trong hai năm 1966 – 1967 phải làm xong quy hoạch trồng cây cho từng hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, cho từng xã, từng huyện, từng tỉnh và toàn ngành lâm nghiệp. Trong quy hoạch phải kết hợp chặt chẽ giữa trồng rừng với bảo vệ, khai thác rừng, giữa lâm nghiệp với các ngành kinh tế khác, giữa nhu cầu của địa phương và nhu cầu của trung ương cho hợp lý. Đây là vấn đề phức tạp có liên quan đến nhiều ngành; vì vậy ở trung ương cũng như ở địa phương, cơ quan phụ trách lâm nghiệp ở mỗi cấp cần được sự lãnh đạo của chính quyền và sự giúp đỡ của các ngành có liên quan. Ủy ban hành chính và các ngành có liên quan ở mỗi cấp có trách nhiệm giúp cơ quan phụ trách lâm nghiệp làm quy hoạch trồng rừng để bảo đảm cho việc làm quy hoạch được nhanh, gọn, tốt, tránh tình trạng tranh chấp đất đai, làm cản trở cho việc trồng cây gây rừng, hoặc cản trở việc phát triển các ngành kinh tế khác.
Về xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật cho công tác trồng cây gây rừng phải đẩy mạnh hơn nữa, phải có kế hoạch chu đáo, thiết thực cho hiện nay và sau này, trước hết phải có hạt giống, vườn ươm, đảm bảo đủ giống cho nhu cầu phát triển, cần tận dụng giống hiện có trong nước, đồng thời tính toán nhập thêm một số giống tốt trong những năm đầu. Phải có công cụ để trồng rừng, chủ yếu là công cụ cải tiến, nửa cơ giới; những nơi có điều kiện có thể trang bị một số cơ giới để thí nghiệm. Phải có kế hoạch đào tạo cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý, chủ yếu là cán bộ trồng rừng và bảo vệ rừng ở xã và hợp tác xã, cán bộ người dân tộc. Chú trọng việc nghiên cứu khoa học kỹ thuật trồng rừng và bảo vệ rừng, chương trình và đề tài nghiên cứu phải hướng vào phục vụ trồng rừng, bảo vệ rừng, sử dụng công cụ để trồng rừng và tu bổ rừng, không nên đi quá xa xôi chưa cần thiết. Cơ sở để nghiên cứu chủ yếu là dựa vào các lâm trường quốc doanh, các hợp tác xã có trồng rừng, các trạm, trại, viện hiện có, nơi thật cần thiết mới mở thêm.
Tổng cục Lâm nghiệp có trách nhiệm tổ chức phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện tốt nghị quyết này. Trước hết phải làm cho cán bộ, công nhân, nhân viên từ Tổng cục đến các tổ chức trực thuộc, các lâm trường quốc doanh và các ty lâm nghiệp nhận thức đầy đủ sâu sắc nội dung của nghị quyết, đánh giá đúng mức những thành tích đã đạt được, kiểm điểm, phê phán nghiêm túc những thiếu sót từ trước tới nay, làm cho mỗi cá nhân, mỗi tổ chức có tinh thần trách nhiệm đầy đủ đối với việc thực hiện nghị quyết, mạnh dạn chuyển hướng công tác, chuyển hướng tổ chức, xây dựng quan hệ tốt hơn nữa với các ngành có liên quan ở trung ương và chính quyền địa phương để đẩy mạnh phong trào trồng cây gây rừng, củng cố các lâm trường quốc doanh trồng rừng, mạnh dạn phân cấp quản lý lâm trường quốc doanh cho địa phương; giao chỉ tiêu kế hoạch, tiền vốn, vật tư, cán bộ cho các tỉnh, thành phố trực thuộc, tạo điều kiện cho các tỉnh, thành phát huy tính chủ động sáng tạo và tiềm lực của địa phương để đẩy mạnh công tác trồng cây gây rừng tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc hơn nữa.
Các ngành có liên quan ở trung ương phải phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Lâm nghiệp và trong phạm vi trách nhiệm của mình có kế hoạch phục vụ tích cực cho việc trồng cây gây rừng như điều hòa nhân lực, lương thực, vật tư, tiền vốn v.v…Riêng Ủy ban Kế hoạch Nhà nước phải giúp Tổng cục Lâm nghiệp làm kế hoạch trồng cây gây rừng dài hạn và hàng năm, giao chỉ tiêu cho từng địa phương thực hiện.
Ủy ban hành chính các cấp phải đặt công tác trồng cây gây rừng là trách nhiệm của mình; dưới sự chỉ đạo của cơ quan lâm nghiệp và chính quyền cấp trên, phải ra sức trồng cây gây rừng trong địa phương mình cho tốt. Phải kiểm tra việc xây dựng kế hoạch Nhà nước của mỗi cấp và phương hướng sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã, nơi nào thiếu phần trồng rừng thì bổ sung thêm, nơi nào có rồi thì đôn đốc và giúp đỡthực hiện tốt hơn. Địa phương nào có lâm trường quốc doanh phải ra sức xây dựng thành những lâm trường mẫu mực trồng cây gây rừng để rút kinh nghiệm chỉ đạo phong trào trồng cây của hợp tác xã trong địa phương mình.
Yêu cầu nhiệm vụ chống Mỹ, cứu nước hiện nay, và của sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa đối với công tác trồng cây gây rừng rất to lớn và khẩn trương, khả năng của chúng ta còn nhiều, và điều kiện thiên nhiên vùng nhiệt đới hết sức thuận lợi; Hội đồng Chính phủ yêu cầu các ngành có liên quan ở trung ương và Ủy ban hành chính các địa phương có kế hoạch, biện pháp tích cực để chấp hành đầy đủ phương hướng, nhiệm vụ trồng cây gây rừng của Đảng và Chính phủ đã đề ra. Ngành lâm nghiệp từ Tổng cục đến các ty, các tổ chức trực thuộc và các lâm trường quốc doanh, cần có một chuyển biến mạnh mẽ để cùng các ngành, các cấp đề ra được kế hoạch và biện pháp đúng đắn nhằm phát huy được triệt để khả năng tiềm tàng to lớn của nhân dân và đất nước ta, đưa phong trào trồng cây tiến lên một bước mới.
T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ |
- 1Chỉ thị 04-TTg-NN về đẩy mạnh công tác trồng cây và phát động Tết trồng cây năm 1965 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Chỉ thị 3-CT năm 1990 về đẩy mạnh phong trào nhân dân trồng cây, gây rừng kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh do Chủ tịch Hội đồng Bộ truởng ban hành
- 3Nghị quyết liên tịch về việc tổ chức động viên nhân dân trồng cây gây rừng, bảo vệ rừng và phát triển kinh tế vườn do Ủy ban trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam - Bộ Lâm nghiệp ban hành
- 1Chỉ thị 3-CT năm 1990 về đẩy mạnh phong trào nhân dân trồng cây, gây rừng kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh do Chủ tịch Hội đồng Bộ truởng ban hành
- 2Nghị quyết liên tịch về việc tổ chức động viên nhân dân trồng cây gây rừng, bảo vệ rừng và phát triển kinh tế vườn do Ủy ban trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam - Bộ Lâm nghiệp ban hành
- 3Chỉ thị 04-TTg-NN về đẩy mạnh công tác trồng cây và phát động Tết trồng cây năm 1965 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Nghị quyết số 183-CP về công tác trồng cây gây rừng do Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 183-CP
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 25/09/1966
- Nơi ban hành: Chính phủ
- Người ký: Phạm Hùng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 12
- Ngày hiệu lực: 10/10/1966
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra