Hệ thống pháp luật

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 3-CT

Hà Nội, ngày 03 tháng 1 năm 1990

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH PHONG TRÀO NHÂN DÂN TRỒNG CÂY, GÂY RỪNG KỶ NIỆM
100 NGÀY SINH CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Lúc sinh thời Hồ Chủ tịch rất quan tâm đến công tác trồng cây gây rừng. Đầu xuân năm 1959, Người phát động "Tết trồng cây" và thường xuyên theo dõi, cổ vũ phong trào phát triển mạnh mẽ, sâu rộng dần dần trở thành phong tục tốt đẹp của nhân dân ta. Thực hiện lời dạy của Người, sau 30 năm (1959 - 1989), nhân dân ta đã trồng được 1,9 triệu hécta rừng tập trung và 5,5 tỷ cây phân tán đã đem lại lợi ích thiết thực về kinh tế xã hội và môi sinh. Tuy nhiên, phong trào phát triển chưa đều, chưa mạnh, việc chăm sóc và bảo vệ rừng còn yếu kém, năng suất, chất lượng rừng còn thấp, do đó diện tích rừng gây trồng được chưa bù kịp diện tích rừng bị chặt phá, tài nguyên rừng tiếp tục giảm sút, lũ lụt xảy ra ngày càng nghiêm trọng, nhu cầu củi đốt của nhân dân, kể cả nhân dân ở trung du, miền núi cũng trở nên cấp bách.

Để lập thành tích kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Hồ Chủ tịch và 30 năm ngày Người phát động Tết trồng cây, nhanh chóng khắc phục những tồn tại hiện nay, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu Bộ Lâm nghiệp và Uỷ ban nhân dân các cấp có kế hoạch đẩy mạnh phong trào nhân dân trồng cây, gây rừng kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Hồ Chủ tịch, phấn đầu hoàn thành với chất lượng cao kế hoạch trồng 12 vạn hécta rừng tập trung và 450 triệu cây phân tán trong năm 1990 và chuẩn bị tốt cơ sở vật chất kỹ thuật để đẩy nhanh nhịp độ phủ xanh đất trống, đồi núi trọc từ năm 1990 đến năm 2000. Để đạt mục tiêu trên, cần thực hiện tốt các công tác cụ thể sau đây:

1- Chuẩn bị đầy đủ điều kiện (vật tư, vốn, hạt giống, cây con, địa bàn, hồ sơ, thiết kế...) để tổ chức phát động Tết trồng cây ngay từ đầu xuân 1990 (các tỉnh phía Nam vào ngày 19-5) mạnh mẽ, sâu rộng, thiết thực trong cả nước. Cổ vũ phong trào thi đua ngày càng có nhiều huyện trồng 1 triệu cây/năm, xã và hợp tác xã trồng từ 3 đến 5 vạn cây/năm. Phải đặc biệt chú ý đến trồng rừng phòng hộ, đầu nguồn, trồng cây ở thành phố, thị trấn, nơi tập trung dân cư; kết hợp chặt chẽ việc trồng cây, trồng rừng kinh tế với phòng hộ và xây dựng công viên.

Mỗi tỉnh, thành phố, huyện, thị xã và các đoàn thể quần chúng, cơ quan, trường học, đơn vị vũ trang cần xây dựng các công trình (rừng cây, hàng cây, vườn rừng, trại rừng...) mang tên công trình kỷ niệm 100 ngày sinh Bác Hồ.

2- Đẩy mạnh việc giao đất, giao rừng đến hộ gia đình để các hộ xây dựng vườn rừng trại rừng thâm canh, nông-lâm kết hợp có giá trị kinh tế và môi sinh cao. Phải thực hiện chế độ khoán bằng nhiều hình thức thích hợp, bảo đảm mỗi hécta rừng, mỗi hàng cây đều có chủ cụ thể.

3- Các tổ chức lâm nghiệp từ Trung ương đến cơ sở có trách nhiệm cung cấp đủ giống, vật tư và bố trí cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở giúp đỡ nhân dân. Các lâm trường quốc doanh (trung ương, địa phương) có trách nhiệm vận động, hướng dẫn và tổ chức tốt khâu dịch vụ, giúp nhân dân trên địa bàn.

4- Đồng thời với việc đẩy mạnh công tác trồng cây gây rừng, Uỷ ban nhân dân các cấp phải tăng cường biện pháp có hiệu lực dể quản lý bảo vệ rừng; khai thác, sử dụng hết sức tiết kiệm tài nguyên rừng, đặc biệt các loại gỗ và đặc sản quý hiếm; đẩy mạnh công tác chế biến gỗ và lâm sản khác, thực hiện không xuất khẩu gỗ tròn theo tinh thần Quyết định số 99-CT ngày 24-4-1989 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

5- Bộ Lâm nghiệp, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương và các ngành có liên quan kiểm điểm, đánh giá công tác trồng cây thời gian qua để xây dựng chỉ tiêu phấn đấu gây trồng cụ thể trong năm 1990 và thời kỳ 1991-1995; kiểm tra, hướng dẫn việc sử dụng tiền nuôi rừng để đầu tư hỗ trợ và tổ chức tốt mạng lưới dịch vụ; nghiên cứu bổ sung chính sách nhằm khuyến khích toàn dân tham gia trồng cây gây rừng, bảo vệ rừng. Đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ sản xuất, bồi dưỡng cán bộ, tuyên truyền giáo dục nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về tâm quan trọng và lợi ích nhiều mặt của công tác trồng cây, gây rừng và tạo điều kiện để mỗi cơ quan, đơn vị sản xuất, đơn vị quân đội và hộ gia đình thực hiện tốt nhiệm vụ trồng cây ở đơn vị mình.

6- Bộ Lâm nghiệp chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này và báo cáo kết quả lên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng vào dịp 19-5 và cuối năm 1990. Các cơ quan tuyên truyền báo chí phối hợp với Bộ Lâm nghiệp cổ vũ phong trào đạt được thành tích to lớn xứng đáng với Di chúc thiêng liêng của Bác.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 3-CT năm 1990 về đẩy mạnh phong trào nhân dân trồng cây, gây rừng kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh do Chủ tịch Hội đồng Bộ truởng ban hành

  • Số hiệu: 3-CT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 03/01/1990
  • Nơi ban hành: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Võ Văn Kiệt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 1
  • Ngày hiệu lực: 18/01/1990
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản