Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 04-TTg-NN | Hà Nội, ngày 09 tháng 01 năm 1965 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC TRỒNG CÂY VÀ PHÁT ĐỘNG TẾT TRỒNG CÂY 1965
Hiện nay nhu cầu về gỗ, nứa, củi và các loại lâm sản khác phục vụ cho yêu cầu của Nhà nước và nhân dân ngày càng đòi hỏi rất lớn và cấp bách. Nhưng ngược lại rừng núi thiên nhiên của ta ngày càng bị tàn phá rất nhiều, nếu cứ khai thác mãi mà không chú ý đến trồng thì không bao lâu rừng sẽ kiệt. Vì vậy, cần phải đẩy mạnh phong trào trồng cây gây rừng trong nhân dân để giải quyết vật liệu cho xây dựng, nguyên liệu cho nhiều ngành công nghiệp và thủ công nghiệp, củi đun hàng ngày của nhân dân. Trồng cây gây rừng cũng là một biện pháp bảo vệ mùa màng, chống gió, chống bão, chắn sóng, chắn cát bay, chống xói mòn và tạo thêm nguồn phân xanh rất lớn ở nông thôn, ngoài ra còn để thu hoạch các loại hoa quả, cây làm thuốc và các lâm sản khác, rất cần thiết cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu, góp phần làm tăng thêm thu nhập của xã viên hợp tác xã.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, từ trước đến nay toàn dân ta đã nhiệt liệt tham gia Tết trồng cây. Phong trào trồng cây gây rừng ngày càng phát triển mạnh mẽ trong các hợp tác xã nông nghiệp, các cơ quan, trường học, đơn vị quân đội…
Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp từ 1960 đến nay toàn miền Bắc đã trồng được 375.000.000 cây các loại, với hơn 200.000.000 cây nước mặn bảo vệ đê biển. Do sự quan tâm chỉ đạo chặt chẽ của các cấp đảng và chính quyền các địa phương, số hợp tác xã trồng cây ngày càng phát triển, đến nay đã có 8.000 hợp tác xã nông nghiệp đặt công tác trồng cây gây rừng thành nội dung kinh doanh trong hợp tác xã, thu hút được năng lực tiềm tàng về sức lao động trong nông nghiệp, kể cả cụ già, trẻ em, như ở Vĩnh Phúc số hợp tác xã này chiếm tỷ lệ 87%.
Hiện nay ở đồng bằng có phong trào thi đua đuổi kịp và vượt hợp tác xã Lạc Trung và ở nhiều địa phương có những điển hình tốt về trồng cây như điển hình làm xanh đồi trọc (Vinh Quang, Phú Thọ), trồng cây phục hồi nương rẫy (hợp tác xã Nà Vó Hòa Bình); trồng cây ven biển chống cát bay (hợp tác xã Lê Hồng Phong, Hà Tĩnh); trồng cây thành những giải rừng phòng hộ như Vinh Thành, Nghi Thu (Nghệ An), Hiệp Hòa (Thái Bình), Liên Phương, Ninh Phúc (Ninh Bình), Lý Thường Kiệt (Hưng Yên), Bình Giang (Hải Dương) v.v…
Tuy nhiên, số cây được trồng so với diện tích rừng bị tàn phá và diện tích khai thác qua các năm còn quá ít. Trong tổng số hợp tác xã toàn miền Bắc mới có 26% hợp tác xã có kế hoạch trồng cây. Nhiều cơ quan, trường học và địa phương chưa có kế hoạch cụ thể về trồng cây; các ngành, các cấp chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác trồng cây; chưa thấy thật rõ khả năng tiềm tàng và sức mạnh to lớn của quần chúng trong phong trào trồng cây gây rừng để bảo đảm kế hoạch trồng trên 6.800.000 công mẫu đồi trọc (năm 1960 chỉ có 5.000.000 công mẫu).
Để đẩy mạnh hơn nữa phong trào trồng cây nhân dân đang ngày càng vươn lên, thực hiện lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch, Thủ tướng Chính phủ giao trách nhiệm cho các ngành, các cấp có kế hoạch phát động một phong trào nhân dân trồng cây gây rừng rộng rãi khắp mọi nơi trong năm 1965, bắt đầu bằng Tết trồng cây năm nay nhằm đạt ba yêu cầu chính sau đây:
1. Trồng rừng phòng hộ: chống xói mòn, chống gió mùa đông bắc, gió Lào khu 4, chống lũ, lụt nhằm bảo vệ sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng, làm xanh đồi trọc, chống xói mòn, cải tạo đất, phục hồi nguồn nước ở trung du và miền núi.
2. Trồng rừng và tái sinh rừng, kết hợp giải quyết gỗ làm nhà, củi đun cho nhân dân và cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp (gỗ trụ mỏ , nứa giấy…) cây ăn quả, cây thuốc và các lâm sản khác.
3. Đưa nội dung kinh doanh trồng cây vào phong trào cải tiến quản lý hợp tác xã, cố gắng đạt 80% hợp tác xã kinh doanh trồng cây, đồng thời huy động lực lượng thanh niên, học sinh, cán bộ, quân đội… trồng cây trong phạm vi đất đai do cơ sở quản lý và giúp đỡ nhân dân, chủ yếu là hợp tác xã trong việc trồng cây gây rừng.
Để thực hiện tốt các yêu cầu trên, cần chú trọng những biện pháp lớn sau đây:
1. Từng cấp, từng ngành phải xây dựng kế hoạch trồng cây, có chỉ tiêu và biện pháp thực hiện cụ thể.
- Đối với huyện, xã, Ủy ban hành chính tỉnh phải giao kế hoạch chi tiêu rõ ràng về số lượng hợp tác xã kinh doanh trồng cây. Đối với hợp tác xã , huyện và xã phải giao chỉ tiêu số lượng, chất lượng cây trồng về các tổ, các đội chuyên trách, chỉ tiêu về vườn ươm, về hạt giống.
- Đối với các xí nghiệp, trường học, cơ quan, đơn vị bộ đội… từng ngành dọc cũng phải có kế hoạch giao chỉ tiêu cụ thể cho từng cơ sở.
Đồng thời phải tăng cường kiểm tra đôn đốc, nắm tình hình thực hiện ở cơ sở, chấp hành nghiêm chỉnh kỷ luật báo cáo.
2. Tăng cường việc xây dựng quy hoạch trồng cây và thực hiện quy hoạch cho từng vùng, đề ra nhiệm vụ chủ yếu và thích hợp để hướng dẫn cho từng cơ sở.
3. Có kế hoạch củng cố và bồi dưỡng các điển hình trồng cây đã có, đồng thời xây dựng rộng rãi các điển hình mới, chủ yếu là các điển hình trồng rừng phòng hộ chống gió ở đồng bằng như hợp tác xã Liên Phương và trồng rừng đồi trọc như các hợp tác xã của Vinh Quang để đúc kết kinh nghiệm mở rộng phong trào.
4. Tăng cường phổ biến kinh nghiệm, kỹ thuật trồng cây đã tổng kết được, nhất là kỹ thuật trồng rừng phòng hộ. Đặt biệt chú trọng vấn đề giống, đồng thời đẩy mạnh việc đào tạo kỹ thuật viên cho hợp tác xã để bảo đảm đạt được số lượng nhiều và chất lượng cao. Ngành lâm nghiệp phải chú ý hướng dẫn giúp đỡ các địa phương và các ngành khác trong công tác này.
Chỉ tiêu kế hoạch của Nhà nước về trồng cây gây rừng năm 1965, kể cả quốc doanh và nhân dân trồng là 100.000 công mẫu, gần gấp đôi năm 1964, trong khi khối lượng công tác các mặt của các cấp, các ngành cũng rất lớn. Vì vậy Ủy ban hành chính các địa phương phải chú ý kết hợp công tác trồng cây gây rừng với sản xuất nông nghiệp và các công tác khác ở địa phương cho tốt. Trước mắt đối với Tết trồng cây năm nay có nhiều ý nghĩa chính trị và tác dụng kinh tế quan trọng, các cơ quan tuyên truyền, báo chí, văn nghệ cần có kế hoạch phục vụ kịp thời. Tổng cục Lâm nghiệp cần phối hợp với các ngành, các cấp có kế hoạch cụ thể phát động phong trào toàn Đảng, toàn dân tham gia trồng cây ngay từ Tết trồng cây năm nay, làm cơ sở thúc đẩy mạnh mẽ việc hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch trồng cây gây rừng năm 1965.
| KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
- 1Nghị quyết số 183-CP về công tác trồng cây gây rừng do Chính phủ ban hành
- 2Chỉ thị 45-TTg năm 1974 Về công tác trồng cây xanh ở các đô thị do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Chỉ thị 44-LN về việc phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ năm 1984 do Bộ Nông lâm ban hành.
- 4Chỉ thị 165-TTg năm 1979 về tổng kết 20 năm thực hiện Tết trồng cây của Hồ Chủ Tịch do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1Nghị quyết số 183-CP về công tác trồng cây gây rừng do Chính phủ ban hành
- 2Chỉ thị 45-TTg năm 1974 Về công tác trồng cây xanh ở các đô thị do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Chỉ thị 44-LN về việc phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ năm 1984 do Bộ Nông lâm ban hành.
- 4Chỉ thị 165-TTg năm 1979 về tổng kết 20 năm thực hiện Tết trồng cây của Hồ Chủ Tịch do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Chỉ thị 04-TTg-NN về đẩy mạnh công tác trồng cây và phát động Tết trồng cây năm 1965 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 04-TTg-NN
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 09/01/1965
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Lê Thanh Nghị
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 09/01/1965
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra