Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 60/2013/NQ-HĐND

Thanh Hóa, ngày 12 tháng 12 năm 2013

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, QUỐC PHÒNG – AN NINH NĂM 2014

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
KHÓA XVI, KỲ HỌP THỨ 8

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 114/2009/QĐ-TTg ngày 28/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 163/2010/NQ-HĐND ngày 08/12/2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh 5 năm 2011 – 2015;

Sau khi xem xét Báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014; báo cáo thẩm tra của các ban của HĐND tỉnh và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NĂM 2013

Năm 2013, trong bối cảnh của nền kinh tế đất nước vẫn còn nhiều khó khăn, tỉnh ta còn gặp những khó khăn do bão, lụt, dịch bệnh diễn ra ở một số địa phương, gây thiệt hại đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Song, được sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời của Trung ương; sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy; giám sát của HĐND; sự phối hợp của MTTQ, các đoàn thể nhân dân; sự chủ động, quyết liệt, sáng tạo trong điều hành của UBND tỉnh, chính quyền các cấp; đặc biệt là sự nỗ lực phấn đấu của cộng đồng các doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh; kinh tế - xã hội tỉnh ta tiếp tục ổn định và có bước phát triển mới. 15/16 chỉ tiêu kinh tế - xã hội được thực hiện đạt và vượt kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng kinh tế 11,2%, đưa tỉnh ta vào nhóm tỉnh có mức tăng trưởng cao. Văn hóa – xã hội có chuyển biến tiến bộ. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Những kết quả đã đạt được trong năm 2013 cùng với các sự kiện: Khánh thành Cảng hàng không Thọ Xuân; khởi công Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn; tổ chức thành công Diễn đàn xúc tiến đầu tư cấp quốc gia vào Khu kinh tế Nghi Sơn và vùng phụ cận, cùng với một số dự án trọng điểm đã và đang triển khai xây dựng, củng cố thêm tiềm lực, tạo tiền đề, thời cơ, vận hội mới để tỉnh ta tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Những thành tựu đạt được trong năm 2013 là rất quan trọng, tuy nhiên, cũng còn những hạn chế, yếu kém, đó là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế tuy vượt kế hoạch năm nhưng còn thấp so với mục tiêu tăng trưởng của kế hoạch 5 năm 2011-2015. Chất lượng tăng trưởng; sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa có nhiều chuyển biến. Sản xuất nông nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, có mặt lúng túng, hiệu quả thấp; tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đời sống của một bộ phận nhân dân chậm được cải thiện. Hoạt động của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. Hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn hạn chế; một số vấn đề xã hội bức xúc chậm được giải quyết, khắc phục. Cải cách hành chính, cải cách tư pháp chưa có chuyển biến rõ nét; phối kết hợp giữa các ngành, các cấp có lúc có việc chưa tốt, nặng về giấy tờ, hành chính, mệnh lệnh, thiếu kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, xử lý… Đó là những vấn đề đặt ra cần tập trung giải quyết kịp thời.

II. MỤC TIÊU VÀ CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU NĂM 2014

1. Mục tiêu:

Tranh thủ thời cơ và vận hội mới, nỗ lực phấn đấu để đạt tốc độ tăng trưởng cao, gắn với nâng cao chất lượng và tái cơ cấu kinh tế, trọng tâm là tái cơ cấu ngành, tái cơ cấu doanh nghiệp và tái cơ cấu đầu tư; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển; nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa – xã hội; tăng cường quản lý Nhà nước để giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc; đảm bảo vững chắc quốc phòng – an ninh.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 11,5% trở lên, trong đó: nông, lâm, thủy sản tăng 3,2%; công nghiệp - xây dựng tăng 13,5%; dịch vụ tăng 12,6%.

- Cơ cấu các ngành kinh tế: nông, lâm, thủy sản chiếm 18,6%; công nghiệp – xây dựng chiếm 44,5%; dịch vụ chiếm 36,9%.

-GDP bình quân đầu người đạt 1.320 USD.

- Sản lượng lương thực đạt 1,6 triệu tấn.

- Kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ USD trở lên,

- Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn khoảng 70.000 tỷ đồng.

- Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 5.644 tỷ đồng.

- Giải quyết việc làm cho 61.000 lao động (xuất khẩu 9.000 lao động).

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 52%.

- Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3% trở lên.

- Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên dưới 0,67%.

- Tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế 25%.

- Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 18,2%.

- Tỷ lệ che phủ rừng đạt 51,5%.

- Tỷ lệ dân số nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh đạt 81%.

- Tỷ lệ chất thải rắn, chất thải y tế được thu gom, xử lý đạt 82%.

III. NHIỆM VỤ VÀ CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Rà soát, bổ sung, điều chỉnh, xây dựng mới các quy hoạch và các cơ chế, chính sách cho phù hợp với thời cơ, vận hội mới.

Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030; các quy hoạch vùng, quy hoạch ngành và quy hoạch sản phẩm chủ yếu cho phù hợp với quy hoạch tổng thể, gắn quy hoạch của tỉnh với quy hoạch của quốc gia; kết hợp chặt chẽ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng-an ninh. Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chung Khu kinh tế Nghi Sơn theo hướng mở rộng, hướng tới mục tiêu xây dựng đô thị công nghiệp Nghi Sơn; rà soát, điều chỉnh lại một số khu chức năng, một số khu công nghiệp trong Khu kinh tế Nghi Sơn cho phù hợp với tình hình mới. Triển khai thực hiện quy hoạch khu công nghiệp công nghệ cao Lam Sơn – Sao Vàng. Kiên trì tổ chức thực hiện quy hoạch chung phát triển thanh phố Thanh Hóa đến năm 2035; đầu tư hạ tầng đồng bộ theo tiêu chuẩn đô thị loại I kết nối giữa thành phố Thanh Hóa với thị xã Sầm Sơn.

Rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh để điều chỉnh, bổ sung, xây dựng các chính sách mới theo hướng thúc đẩy tăng trưởng nhanh, nâng cao chất lượng, phát triển bền vững, hỗ trợ các lĩnh vực gặp nhiều khó khăn, từng bước thu hẹp về trình độ phát triển và chênh lệch về thu nhập giữa các vùng miền; xem xét, bổ sung chính sách đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân và nhà đầu tư trong triển khai thực hiện quy hoạch, đáp ứng yêu cầu phát triển của Tỉnh.

2. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng xúc tiến đầu tư, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn cho đầu tư phát triển.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 02-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Chương trình hành động cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh đến năm 2015. Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là công khai, minh bạch, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, phục vụ tổ chức và công dân.

Xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư năm 2014 với các chương trình xúc tiến đầu tư quy mô lớn, ưu tiên các dự án phụ trợ sau lọc hóa dầu, cảng biển, dịch vụ phục vụ Khu kinh tế Nghi Sơn. Đổi mới nội dung, phương thức xúc tiến đầu tư; kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy làm công tác xúc tiến đầu tư.

Thực hiện tốt các cam kết của tỉnh đối với các nhà đầu tư; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; đầy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng sạch đúng tiến độ cho các nhà đầu tư. Nghiên cứu, chuẩn bị kỹ các nội dung hợp tác với các đối tác, các tỉnh, thành phố, các tổ chức tài chính quốc tế để khai thác tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên. Ngoài thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), nguồn tổ chức phi chính phủ (NGO), phải chuyển mạnh sang huy động các nguồn vốn khác để đầu tư theo các hình thức Hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT), Hợp đồng – xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT), Hợp tác công – tư (PPP). Huy động các nguồn vốn và sử dụng có hiệu quả nhằm tăng nguồn vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng Khu kinh tế Nghi Sơn, thành phố Thanh Hóa, các khu công nghiệp và khu vực miền núi.

Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, khắc phục tình trạng bố trí vốn phân tán, dàn trải. Kiểm soát chặt chẽ các dự án, công trình khởi công mới. Tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước, nuôi dưỡng và khai thác có hiệu quả các nguồn thu, điều hành chi ngân sách theo kế hoạch, đồng thời quản lý chặt chẽ việc sử dụng ngân sách, tiết kiệm chi.

3. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển gắn với tái cơ cấu kinh tế, theo hướng phát triển nhanh, bền vững.

Tiến hành xây dựng Đề án tái cơ cấu kinh tế, trọng tâm là tái cơ cấu ngành, tái cơ cấu doanh nghiệp và tái cơ cấu đầu tư. Tập trung cao cho chỉ đạo phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa và xây dựng nông thôn mới. Rà soát, đánh giá lại các quy hoạch sản xuất nông nghiệp bao gồm: Trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản để tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp; tập trung tích tụ ruộng đất; chú trọng phát triển giống cây trồng, con nuôi có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, gắn với tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm; khuyến khích hộ nông dân chuyển nhượng hiến tặng, chuyển quyền sử dụng đất; thực hiện thí điểm việc nông dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất cùng doanh nghiệp kinh doanh và hưởng lợi. Đẩy mạnh liên kết giữa Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp; bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nông dân trong việc thực hiện các hợp đồng với doanh nghiệp; đất được giao sản xuất nông nghiệp phải sử dụng đúng mục đích, không để đất hoang; rà soát lại các chính sách đã có, xây dựng các chính sách mới có độ mở rộng, ưu đãi đặc biệt để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và miền núi. Đảm bảo công tác phòng chống hạn hán, úng, lụt bão và phòng chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi.

Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho sản xuất, chế biến, là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng để phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững. Sơ kết hoạt động của các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, kinh tế trang trại và các hình thức hợp tác; theo hướng chuyển từ dịch vụ đầu vào cho sản xuất sang cung cấp thông tin thị trường, định hướng sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, phù hợp với từng vùng, miền, trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; tổng kết Nghị định 170/2004/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển nông trường quốc doanh.

Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ của đội ngũ khuyến nông viên để chuyển giao tiến bộ khoa học – công nghệ, cung cấp thông tin thị trường và kết nối các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Điều chỉnh lại chủ trương xây dựng nông thôn mới phù hợp với khả năng và điều kiện thực tế của từng vùng, miền, trong đó phải hết sức coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tiểu thủ công nghiệp để nâng cao thu nhập cho nông dân. Ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho sản xuất, các công trình văn hóa, phúc lợi xã hội thực hiện sau. Trong xây dựng nông thôn mới cần tăng sự hỗ trợ của nhà nước, giảm sự đóng góp của nhân dân đối với những xã có thể hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới trong hai năm 2014, 2015; các xã còn lại, phấn đấu bình quân tăng thêm 2 tiêu chí/năm.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, nhất là về thị trường tiêu thụ, tiếp cận vốn vay, cấp điện, mặt bằng, thủ tục hành chính, tạo điều kiện để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; triển khai các dự án công nghiệp, các công trình trọng điểm của tỉnh, nhất là dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn đúng tiến độ; tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát huy năng lực sản xuất, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh. Phát triển công nghiệp theo hướng ưu tiêu phát triển công nghiệp nặng trong Khu kinh tế Nghi Sơn, công nghiệp công nghệ cao tại các khu công nghiệp, thành phố, thị xã, công nghiệp sử dụng nhiều lao động ở một số huyện và tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn sử dụng lao động nhàn rỗi ở tất cả các huyện. Ban hành tiêu chí để lựa chọn các nhà đầu tư phù hợp với từng vùng, miền; kiểm soát chặt chẽ, không cho phép các doanh nghiệp sử dụng thiết bị công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường; xây dựng chính sách khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đầu tư thiết bị công nghệ tiên tiến.

Phát triển thương mại nội địa, quan tâm đến thị trường nông thôn, miền núi gắn với thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Người Thanh Hóa ưu tiên dùng hàng Thanh Hóa” tăng cường xúc tiến thương mại; cung cấp thông tin thị trường giá cả cho doanh nghiệp. Củng cố thị trường xuất khẩu truyền thống, tìm kiếm và mở thêm thị trường mới.

Phát triển mạnh các ngành dịch vụ có lợi thế, đáp ứng nhu cần sản xuất và tiêu dùng, đóng góp nhiều cho tăng trưởng kinh tế; trọng tâm là dịch vụ vận tải, viễn thông, tài chính, du lịch, thương mại nội địa; khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng, các khách sạn cao cấp. Đẩy mạnh thực hiện chủ trương về cải tạo, nâng cấp các chợ theo đúng quy định của nhà nước; thực hiện dân chủ, phải bàn bạc và thống nhất với dân.

Phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa; đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng các khu, điểm du lịch; đào tạo nhân lực, văn hóa giao tiếp và phục vụ du khách, chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức thành công Năm du lịch quốc gia 2015 tại Thanh Hóa.

Đầu tư hạ tầng Cảng hàng không Thọ Xuân để mở thêm các đường bay mới; khai thác lợi thế cụm cảng nước sâu Nghi Sơn và các cảng sông, đáp ứng yêu cầu vận tải hành khách và hàng hóa.

4. Tăng cường quản lý về đầu tư xây dựng, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, nhất là các dự án trọng điểm.

Nâng cao chất lượng lập, thẩm định dự án, hạn chế tối đa việc điều chỉnh dự án. Kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn, thi công vi phạm quy định về quản lý chất lượng, gây thất thoát, lãng phí; tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ.

Tập trung cao cho nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, bảo đảm tiến độ các dự án công nghiệp và các công trình trọng điểm của tỉnh, gồm: nhóm dự án phục vụ các sự kiện lớn năm 2015 (Trung tâm Triển lãm – hội chợ - quảng cáo; Thư viện tỉnh, Bảo tàng tỉnh, Trường Đại học Văn hóa, thể thao và du lịch; Phát triển toàn diện kinh tế - xã hội thành phố); nhóm dự án phát triển sản xuất kinh doanh (Lọc hóa dầu Nghi Sơn, nhiệt điện Nghi Sơn 2, xi măng Công Thanh (mở rộng), nhiệt điện Công Thanh, thủy điện Trung Sơn…); nhóm dự án lớn về hạ tầng (hạ tầng KKT Nghi Sơn; hạ tầng Cảng hàng không Thọ Xuân; tuyến đường kết nối Cảng hàng không Thọ Xuân với KKT Nghi Sơn, với tỉnh Ninh Bình, các huyện miền núi phía Tây, các tỉnh Tây Bắc và nước bạn Lào; nâng cấp QL1A, QL217, đường QL 47 đến đường Hồ Chí Minh, hạ tầng khu đô thị trung tâm Ngọc Lặc, hệ thống tưới Bắc sông Chu – Nam sông Mã); và một số công trình hạ tầng của TP. Thanh Hóa để chuẩn bị trở thành đô thị loại I.

5. Nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, xã hội; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực.

Xây dựng đề án thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 Khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; trong đó chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh, nhất là yêu cầu cho Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; duy trì và phát huy thành tích của giáo dục mũi nhọn; tiếp tục chấn chỉnh, ngăn chặn tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định, lạm thu tại các trường học và cơ sở đào tạo.

Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất y tế, tập trung xử lý quá tải các bệnh viện tuyến tỉnh; thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, quản lý thuốc tân dược, vật tư y tế; tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao y đức cho đội ngũ thầy thuốc, xử lý nghiêm những biểu hiện tiêu cực, vi phạm tại các cơ sở y tế. Làm tốt công tác y tế dự phòng; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục về dân số và kế hoạch hóa gia đình; duy trì mức sinh hợp lý, hạn chế tình trạng mất cân bằng giới tính. Chuẩn bị các điều kiện để đưa Phân hiệu Đại học Y Hà Nội tại Thanh Hóa đi vào hoạt động.

Tiếp tục thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, nâng cao văn hóa ứng xử trong cán bộ, công chức thực thi công vụ. Đẩy mạnh xã hội hóa và đa dạng hóa nguồn lực đầu tư lĩnh vực văn hóa đi đôi với tăng cường kiểm tra, bảo đảm hoạt động văn hóa theo hướng tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng đời sống văn hóa cơ sở gắn với xây dựng nông thôn mới. Nâng cao chất lượng các hoạt động báo chí, xuất bản; sớm đưa kênh truyền hình TTV2 đi vào hoạt động. Tổ chức Đại hội thể dục thể thao toàn tỉnh lần thứ 7; chuẩn bị các điều kiện để tổ chức Năm du lịch quốc gia 2015 tại Thanh Hóa và Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ 9 năm 2015 tại tỉnh ta.

Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội; đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động; thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 09-NQ/TU của Tỉnh ủy về công tác giảm nghèo nhanh và bền vững ở miền núi; thực hiện lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án để xóa đói, giảm nghèo; nâng cao nhận thức, trách nhiệm và khuyến khích người dân vươn lên thoát nghèo.

6. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc; thực hành tiết kiệm; tăng cường công tác thanh tra, phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; nhanh chóng xây dựng các văn bản cụ thể hóa các quy định của pháp luật để nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, phân rõ trách nhiệm, thẩm quyền của các cấp, các ngành, đề cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, đồng thời kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về công tác quản lý nhà nước ở tất cả các cấp, các ngành, từng cơ quan, đơn vị.

Tập trung chỉ đạo, giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc; xác định rõ người, rõ việc, gắn trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị để giải quyết từng nội dung công việc cụ thể, nhằm tạo chuyển biến rõ nét về hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực: Quản lý vật tư nông nghiệp; quản lý đất đai, khoáng sản, môi trường; vệ sinh an toàn thực phẩm; xét công nhận thương binh, người nhiễm chất độc da cam, hộ nghèo; chất lượng các công trình xây dựng và xe chở quá tải, quá khổ.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trên tất cả các lĩnh vực, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực như: Quản lý xây dựng cơ bản, đất đai, khoáng sản, thực hiện các chính sách xã hội. Thực hiện nghiêm các quy định chi tiêu nội bộ trong các cơ quan, đơn vị, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo thành ý thức, nếp sống của mỗi cá nhân và cả cộng đồng.

7. Chủ động phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai; tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường.

Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; xây dựng phương án di chuyển nhân dân ra khỏi vùng xung yếu có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; chủ động xử lý các điểm xung yếu trên các tuyến đê, kè, cống, các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn.

Hoàn thiện các quy định về quản lý tài nguyên, khoáng sản và bảo vệ môi trường; thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất, các hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản; kiên quyết thu hồi các dự án thực hiện chậm, sử dụng đất sai mục đích và các mỏ khoáng sản đã cấp quyền khai thác nhưng không hiệu quả, gây bức xúc trong nhân dân; ngăn chặn, xử lý nghiêm các hoạt động khai thác, tập kết, vận chuyển tài nguyên, khoáng sản trái phép.

Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường; giải quyết ô nhiễm môi trường tại các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, các cơ sở sản xuất, làng nghề, khu đô thị và các bệnh viện. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư thu gom, xử lý và tái chế rác thải, ưu tiên các dự án ứng dụng công nghệ mới.

8. Tăng cường quốc phòng – an ninh, ổn định chính trị, xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội gắn với phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện tốt công tác nắm bắt tình hình, không để bị động và bất ngờ về an ninh trật tự. Tiếp tục duy trì các phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đấu tranh trấn áp tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức can thiệp vào các hoạt động đấu thầu, đấu giá tài sản; kiềm chế các tai, tệ nạn xã hội. Kết hợp giữa việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật với việc xử lý nghiêm các hành vi, vi phạm an ninh trật tự, an toàn giao thông. Hoàn thành tốt nhiệm vụ quân sự quốc phòng; xây dựng Quỹ quốc phòng – an ninh. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và bản lĩnh chính trị cho lực lượng công an, nhất là công an cấp huyện và cấp xã. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra giải quyết tốt đơn thư khiếu nại, tố cáo, tạo sự ổn định ở cơ sở.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Ủy ban nhân dân tỉnh thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các ngành, các cấp tổ chức thực hiện.

Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 12 tháng 12 năm 2013./.

 

 

Nơi nhận:
- VPQH, VPCTN, VPCP;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL – Bộ Tư pháp;
- TTr Tỉnh ủy, HĐND tỉnh; UBND tỉnh;
- Đại biểu Quốc Hội, Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành;
- UBMTTQ và các đoàn thể cấp tỉnh;
- VPTU, VPHĐND, VPUBND tỉnh;
- TTr HĐND, UBND các huyện, TX, TP;
- Lưu VT, TH.

CHỦ TỊCH




Mai Văn Ninh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 60/2013/NQ-HĐND về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2014 do tỉnh Thanh Hóa ban hành

  • Số hiệu: 60/2013/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 12/12/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
  • Người ký: Mai Văn Ninh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/12/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản