Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 57/2012/NQ-HĐND

Quảng Nam, ngày 19 tháng 9 năm 2012

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CƠ CHẾ HỖ TRỢ KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI THEO HƯỚNG HÀNG HÓA, AN TOÀN DỊCH BỆNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM GIAI ĐOẠN 2012-2015

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ 05

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Quyết định số 10/2008/QĐ-TTg ngày 16 tháng 01 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020;

Sau khi xem xét Tờ trình số 3282/TTr-UBND ngày 06 tháng 9 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh về đề nghị thông qua Đề án cơ chế hỗ trợ khuyến khích phát triển chăn nuôi hàng hóa, an toàn dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2012-2015; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thống nhất thông qua cơ chế hỗ trợ khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, an toàn dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2012-2015 với các nội dung chủ yếu sau đây:

1. Mục tiêu

- Phấn đấu đến cuối năm 2015, tỷ trọng chăn nuôi đạt 34% trong cơ cấu giá trị sản phẩm ngành nông nghiệp.

- Khuyến khích cải tạo đàn bò, đến năm 2015 đàn bò lai đạt 45% tổng đàn.

- Hỗ trợ phát triển 32 trại lợn giống ngoại bố mẹ ở các địa phương để cung ứng con giống tốt cho chăn nuôi lợn thịt có tỷ lệ nạc cao.

- Hỗ trợ khuyến khích phát triển trên 60 tổ chức, cá nhân làm dịch vụ thú y trọn gói.

- Hỗ trợ nâng cấp và xây mới trên 21 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo quy hoạch.

2. Nội dung hỗ trợ

a) Về đất đai

Ưu tiên giao đất, cho thuê đất và có chính sách ưu đãi cho các đối tượng có nhu cầu sử dụng đất để phát triển chăn nuôi, xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

b) Cải tạo chất lượng đàn bò

- Ngân sách tỉnh đảm bảo kinh phí mua mới bình chứa ni-tơ để bảo quản tinh; đào tạo và đào tạo lại các dẫn tinh viên; cấp một lần 500 triệu đồng để mua tinh bò đông lạnh (các giống bò nhóm Zêbu, chuyên thịt), nitơ, dụng cụ phối giống, bảo toàn vốn để cải tạo đàn bò.

- Đối với các hộ, nhóm hộ thuộc các xã vùng cao, miền núi, xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có đàn bò cái sinh sản từ 30 con trở lên nhưng không có điều kiện phối giống bò bằng tinh đông lạnh thì Nhà nước hỗ trợ 50% giá trị 01 bò đực giống lai Zêbu để phối trực tiếp.

c) Nâng cao chất lượng giống lợn

- Ngân sách hỗ trợ lần đầu kinh phí mua 20 con nái ngoại hậu bị cho một chủ vật nuôi có đủ điều kiện chăn nuôi và có cam kết thực hiện tiêm phòng.

Tỷ lệ kinh phí hỗ trợ: 50% đối với các xã đồng bằng và 80% đối với các xã vùng cao, miền núi, xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo của tỉnh.

- Ngân sách hỗ trợ lần đầu 80% kinh phí mua 10 con lợn nái hậu bị giống Móng Cái, giống lợn địa phương miền núi cho một chủ vật nuôi ở các xã vùng cao, miền núi, xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo của tỉnh.

- Ngân sách hỗ trợ cho cơ sở chăn nuôi lợn đực giống đủ điều kiện khai thác tinh lỏng phục vụ truyền giống nhân tạo cho lợn theo Quyết định số 07/2005/QĐ-BNN ngày 31 tháng 01 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý và sử dụng lợn đực giống; chấp hành quy định phòng, chống dịch bệnh; định kỳ kiểm tra các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, với mức hỗ trợ 01 triệu đồng/01 con lợn đực giống ngoại/năm và 500.000 đồng/01 con lợn đực giống nội/năm.

d) Hỗ trợ lãi suất vay để đầu tư phát triển chăn nuôi

- Đối với chủ đầu tư vay vốn xây dựng trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm: Ngân sách hỗ trợ 50% lãi suất vay ngân hàng thương mại (cho một chu kỳ vay), nhưng phần lãi suất được hỗ trợ tối đa không quá 07%/năm, thời gian hỗ trợ lãi suất vay 24 tháng, mức vay được hỗ trợ lãi suất không quá 300 triệu đồng.

- Đối với chủ gia trại có vay vốn đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm (đạt một trong các tiêu chí: Chăn nuôi bò có quy mô từ 10 con trở lên, chăn nuôi lợn nái sinh sản có quy mô từ 05 con trở lên, lợn thịt có quy mô từ 100 con trở lên, gà sinh sản có quy mô từ 1.000 con trở lên, gà thịt có quy mô từ 2.000 con trở lên): Ngân sách hỗ trợ 50% lãi suất vay ngân hàng thương mại (cho một chu kỳ vay), nhưng phần lãi suất được hỗ trợ tối đa không quá 07%/năm, thời gian hỗ trợ lãi suất vay 24 tháng, mức vay tối đa được hỗ trợ không quá 50 triệu đồng.

e) Hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung

- Ngân sách hỗ trợ để xây dựng hệ thống xử lý chất thải, cơ sở hạ tầng và trang bị dây chuyền giết mổ treo cho các cơ sở giết mổ tập trung theo quy hoạch, có công suất giết mổ: Từ 50-100 con gia súc/ngày đêm, hoặc 200-500 con lợn sữa/ngày đêm, hoặc 1.000-2.000 con gia cầm/ngày đêm là 400 triệu đồng/01 cơ sở; các cơ sở giết mổ có công suất lớn hơn 25% so với mức trần nêu trên được hỗ trợ 500 triệu đồng/01 cơ sở.

- Ngân sách hỗ trợ 50% lãi suất vay ngân hàng thương mại (cho một chu kỳ vay), nhưng phần lãi suất được hỗ trợ tối đa không quá 07%/năm cho các chủ cơ sở giết mổ có vay vốn đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp cơ sở giết mổ tập trung, thời gian hỗ trợ lãi suất vay 24 tháng, với mức vay được hỗ trợ lãi suất không quá 500 triệu đồng.

g) Hỗ trợ phát triển dịch vụ thú y trọn gói

- Đối với nhà cung cấp dịch vụ

+ Ngân sách hỗ trợ một lần 10 triệu đồng cho nhà cung cấp dịch vụ ký kết hợp đồng với chủ vật nuôi trong một thôn hoặc liên thôn trong cùng một xã đảm bảo tối thiểu 100 hợp đồng dịch vụ (tương ứng với định mức 500 đơn vị vật nuôi. Quy ước 01 đơn vị vật nuôi bằng 06 lợn thịt, hoặc 01 lợn nái, hoặc 03 lợn đực giống, hoặc 02 trâu, hoặc 02 bò) đối với các xã là đồng bằng; 50 hợp đồng dịch vụ (tương ứng với định mức 100 đơn vị vật nuôi) đối với các xã vùng cao, miền núi, xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo của tỉnh để mua sắm các trang thiết bị và thuốc thú y cần thiết.

+ Được sử dụng vắc-xin hỗ trợ của Nhà nước để thực hiện tiêm phòng cho vật nuôi của các chủ vật nuôi tham gia dịch vụ (nếu có trong các trường hợp sau: Vắc-xin hỗ trợ chống dịch, các chủ vật nuôi tham gia dịch vụ thuộc đối tượng được Nhà nước hỗ trợ vắc-xin tiêm phòng, vắc-xin các chương trình hỗ trợ khác). Khi Nhà nước hỗ trợ gia súc, gia cầm bị chết hoặc tiêu huỷ bắt buộc do dịch bệnh (nếu có), phần hỗ trợ đó được tính giảm trừ vào phần đền bù theo hợp đồng của nhà cung cấp dịch vụ cho chủ vật nuôi có gia súc, gia cầm bị chết hoặc tiêu huỷ bắt buộc do dịch bệnh.

- Đối với chủ vật nuôi ký hợp đồng và cam kết tham gia vào dịch vụ liên tục trong thời gian còn chăn nuôi, được ngân sách hỗ trợ phí dịch vụ theo hợp đồng cho năm đầu tiên là 120.000 đồng/đơn vị vật nuôi và năm thứ hai là 80.000 đồng/đơn vị vật nuôi (không tính các loại vắc-xin và hỗ trợ khác của Nhà nước cho chủ vật nuôi nếu có); mức hỗ trợ cho một chủ vật nuôi không quá 15 đơn vị vật nuôi. Các trang trại, hợp tác xã và doanh nghiệp không được hưởng hỗ trợ này.

3. Kinh phí thực hiện

Nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ phân bổ theo kế hoạch hằng năm để thực hiện các chính sách nêu trên, với tổng kinh phí hỗ trợ trong giai đoạn 2012-2015 là: 25.156 triệu đồng (Hai mươi lăm tỷ, một trăm năm mươi sáu triệu đồng). Cụ thể:

ĐVT: Triệu đồng

STT

Nội dung

Tổng kinh phí thực hiện (giai đoạn 2012-2015)

Trong đó

Kinh phí đầu tư

Kinh phí hỗ trợ lãi suất vay

1

Hỗ trợ cải tạo chất lượng đàn bò

1.300

1.300

-

2

Hỗ trợ nâng cao chất lượng giống lợn

2.426

2.426

-

3

Hỗ trợ lãi suất vay để phát triển chăn nuôi

4.060

-

4.060

4

Hỗ trợ xây dựng cơ sở giết mổ tập trung

10.370

8.900

1.470

5

Hỗ trợ phát triển dịch vụ thú y trọn gói

7.000

7.000

-

 

Tổng cộng

25.156

19.626

5.530

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết này; định kỳ hằng năm báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện.

Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam Khóa VIII, Kỳ họp thứ 05 thông qua ngày 19 tháng 9 năm 2012./.

 

 

Nơi nhận:
- UBTVQH;
- VP: QH, CTN, CP;
- Các Bộ: Tài chính, NN và PTNT;
- Ban CTĐB-UBTVQH;
- Cục KT VBQPPL - Bộ Tư pháp;
- Ban TVTU, TT HĐND, UBND tỉnh;
- UBMTTQVN, Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Các Ban HĐND tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- VP: Tỉnh ủy, UBND tỉnh;
- Sở, Ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh;
- TT.HĐND, UBND các huyện, thành phố;
- TT Tin học - Công báo tỉnh;
- TTXVN tại QN;
- Báo QNam, Đài PT-TH QNam;
- CPVP, các Phòng chuyên môn, CV;
- Lưu VT, CVKT (Phiên).

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Sỹ

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 57/2012/NQ-HĐND về cơ chế hỗ trợ khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, an toàn dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2012-2015

  • Số hiệu: 57/2012/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 19/09/2012
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam
  • Người ký: Nguyễn Văn Sỹ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/09/2012
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản