Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 50/NQ-HĐND

Lạng Sơn, ngày 08 tháng 12 năm 2023

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC THÔNG QUA ĐỀ ÁN ĐẨY MẠNH PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN
KHÓA XVII, KỲ HỌP THỨ HAI MƯƠI MỐT

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước;

Xét Tờ trình số 224/TTr-UBND ngày 30 tháng 11 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua Đề án đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Đề án đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn kèm theo Tờ trình số 224/TTr-UBND ngày 30/11/2023 của UBND tỉnh, với những nội dung chủ yếu sau:

1. Về quan điểm phân cấp

1.1. Việc phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật, gắn với hoàn thiện thể chế; bảo đảm quản lý nhà nước thống nhất.

1.2. Kế thừa và phát huy hiệu quả các quy định hợp lý về phân cấp quản lý nhà nước giữa Ủy ban nhân dân tỉnh với Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã và các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh đã được ban hành; tiếp tục đổi mới và hoàn thiện các quy định để đẩy mạnh phân cấp nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị.

1.3. Đẩy mạnh phân cấp phải bảo đảm cơ sở vật chất, nguồn lực tài chính để tổ chức thực hiện có hiệu quả, phù hợp với điều kiện, đặc điểm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương và yêu cầu quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực; bảo đảm một việc không quá 02 cấp hành chính quản lý.

1.4. Gắn việc phân định thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cấp, các ngành với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm sát thực tế, giải quyết kịp thời và phục vụ tốt hơn các yêu cầu của tổ chức và người dân.

1.5. Việc phân cấp trong quản lý nhà nước đi đôi với tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực gắn với cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.

2. Mục tiêu phân cấp

2.1. Đẩy mạnh và hoàn thiện cơ chế phân cấp nhằm phân định rõ nhiệm vụ và quyền hạn, thẩm quyền và trách nhiệm giữa Ủy ban nhân dân tỉnh với các cơ quan chuyên môn và Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã gắn với hoàn thiện hệ thống Văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ, đồng bộ thống nhất, kịp thời, khả thi, ổn định, công khai, minh bạch, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm, bảo đảm phát huy tính chủ động, sáng tạo, đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, nhất là người đứng đầu;

2.2. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn phân cấp một cách chặt chẽ, góp phần xây dựng nền hành chính của tỉnh chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả góp phần phục vụ người dân và doanh nghiệp.

3. Nguyên tắc phân cấp

3.1. Phân cấp phải tuân thủ các nguyên tắc và thẩm quyền theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực và các quy định của pháp luật.

3.2. Đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong quá trình phân cấp; tăng cường tính công khai, minh bạch và trách nhiệm thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước phân cấp, trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước được phân cấp trong việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực.

3.3. Phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước theo quy định pháp luật.

3.4. Phù hợp với điều kiện, trình độ quản lý và khả năng đảm nhận nhiệm vụ phân cấp của từng địa phương, đơn vị; bảo đảm giải quyết kịp thời và phục vụ tốt hơn các yêu cầu của tổ chức và công dân.

4. Nội dung phân cấp

4.1. Các nội dung đã thực hiện phân cấp sau khi có Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ

4.1.1. Ngành, lĩnh vực kế hoạch và đầu tư

a) Quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh.

b) Quyết định, điều chỉnh danh mục dự án đầu tư công trung hạn và hằng năm được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách cấp tỉnh phân bổ cho cấp huyện quản lý thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.

4.1.2. Ngành, lĩnh vực tài chính

a) Quản lý, sử dụng tài sản công.

b) Nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách các cấp ở địa phương; tỷ lệ phần trăm (%) phân chia khoản thu giữa ngân sách các cấp.

4.1.3. Ngành, lĩnh vực xây dựng

a) Lập, điều chỉnh danh mục công trình kiến trúc có giá trị; lập quy chế quản lý kiến trúc đối với các đô thị; lập, phê duyệt, ban hành quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

b) Trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, giải quyết sự cố công trình xây dựng, kiểm tra công tác nghiệm thu đối với công trình xây dựng trên địa bàn các huyện, thành phố.

c) Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở của dự án đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn hành chính của huyện, thành phố sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước ngoài đầu tư công, do Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn quyết định đầu tư.

d) Trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, giải quyết sự cố công trình xây dựng, kiểm tra công tác nghiệm thu đối với công trình xây dựng trên địa bàn các huyện, thành phố.

đ) Công bố chỉ số giá xây dựng; công bố giá vật liệu xây dựng, thiết bị công trình, đơn giá nhân công xây dựng, giá ca máy và thiết bị thi công, giá thuê máy và thiết bị thi công xây dựng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

e) Quản lý nhà nước đối với nghĩa trang, cơ sở hỏa táng.

f) Quyết định đầu tư xây dựng.

4.1.4. Ngành, lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội: Quản lý kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến.

4.1.5. Ngành, lĩnh vực nông nghiệp: Phê duyệt hỗ trợ liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

4.1.6. Ngành, lĩnh vực giao thông vận tải

a) Tổ chức thẩm định hồ sơ hoàn thành công trình khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo giao thông bước 1.

b) Phê duyệt hồ sơ hoàn thành công trình khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo giao thông bước 1.

c) Quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông; quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, thuộc hệ thống đường địa phương.

4.1.7. Ngành, lĩnh vực nội vụ: Quyết định về thành lập, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị sự nghiệp; tuyển dụng, bố trí, phân công công tác; bổ nhiệm vào ngạch, nâng ngạch, chuyển ngạch đối với cán bộ, công chức; bổ nhiệm, thay đổi, thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức; nhận xét, đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức; đào tạo, bồi dưỡng; quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, tiếp nhận, luân chuyển, biệt phái, cho thôi giữ chức vụ, tạm đình chỉ, đình chỉ chức vụ, cho từ chức, miễn nhiệm, thôi việc, nghỉ hưu, khen thưởng, kỷ luật, thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ, chính sách khác đối với cán bộ, công chức, viên chức.

4.2. Các nội dung đẩy mạnh phân cấp trong thời gian tới

4.2.1. Ngành, lĩnh vực tài chính

a) Nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách các cấp ở địa phương giai đoạn 2026-2030.

b) Quản lý sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Lạng Sơn.

4.2.2. Ngành, lĩnh vực xây dựng: Kiểm tra thực hiện pháp luật trong các lĩnh vực quản lý ngành xây dựng.

4.2.3. Ngành, lĩnh vực nội vụ: Quản lý cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố.

4.2.4. Ngành, lĩnh vực khoa học công nghệ: Cấp, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, cấp lại Giấy phép tiến hành công việc bức xạ - Sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế và cấp Chứng chỉ nhân viên bức xạ cho người phụ trách an toàn tại cơ sở X-quang chẩn đoán y tế trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

4.2.5. Ngành, lĩnh vực Công Thương: Ban hành danh mục địa điểm được tổ chức hội chợ triển lãm, thương mại và lĩnh vực được ưu tiên tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại trên địa bàn tỉnh.

4.2.6. Ngành, lĩnh vực nông nghiệp: Quản lý công trình thủy lợi.

4.3. Các nội dung tiếp tục đẩy mạnh phân cấp sau khi có văn bản hướng dẫn của Trung ương

4.3.1. Ngành, lĩnh vực Kế hoạch và đầu tư: ODA; phát triển liên kết vùng.

4.3.2. Ngành, lĩnh vực tài chính: Tài chính - ngân sách nhà nước; tín dụng đầu tư.

4.3.3. Ngành, lĩnh vực Công Thương: Công nghiệp.

4.3.4. Ngành, lĩnh vực Nông nghiệp và phát triển nông thôn: Chăn nuôi; lâm nghiệp.

4.3.5. Ngành, lĩnh vực Giao thông vận tải: An toàn giao thông; kết cấu hạ tầng giao thông; vận tải; quản lý phương tiện, thiết bị tham gia giao thông.

4.3.6. Ngành, lĩnh vực xây dựng: Tiếp nhận bàn giao quản lý đối với các khu đô thị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh.

4.3.7. Ngành, lĩnh vực Thông tin và Truyền thông: Bưu chính, viễn thông; tần số vô tuyến điện.

4.3.8. Ngành, lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Gia đình; văn hóa cơ sở.

4.3.9. Ngành, lĩnh vực Khoa học và công nghệ: Quản lý nhãn hiệu hàng hóa; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa, hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ, lĩnh vực năng lượng nguyên tử; quyết định xử lý tài sản trang thiết bị đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ và phê duyệt phương án xử lý tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc phạm vi quản lý của tỉnh.

4.3.10. Ngành, lĩnh vực Giáo dục và đào tạo: Giáo dục.

4.3.11. Ngành, lĩnh vực Y tế: Dược.

4.3.12. Ngành, lĩnh vực Thanh tra: Kiểm soát quyền lực.

5. Nhiệm vụ, giải pháp

5.1. Rà soát, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm giữa UBND tỉnh với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật.

5.2. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện gắn phân cấp với việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, ưu tiên bảo đảm các nguồn lực đẩy nhanh việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến, nâng cao chất lượng công vụ, công chức và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới, nhất là việc tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ và trách nhiệm của người đứng đầu, trong đó:

- Trên cơ sở hoàn thiện các quy định về phân cấp, phân quyền, các cơ quan trong hệ thống tổ chức hành chính nhà nước, các cơ quan, đơn vị, địa phương có trách nhiệm rà soát lại tổ chức bộ máy, vị trí việc làm, điều chỉnh số lượng biên chế công chức cho phù hợp để thực hiện có hiệu quả các quy định về phân cấp trong quản lý nhà nước.

- Bố trí đủ các nguồn lực và điều kiện cần thiết khác để các cơ quan, tổ chức sau khi được sắp xếp, kiện toàn có đủ điều kiện thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được giao, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).

5.3. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực đối với các cơ quan quản lý nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo phân cấp, phân quyền, trong đó:

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các nội dung quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực để kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc và xử lý các vi phạm trong quá trình tổ chức thực hiện các quy định về phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước.

- Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực, bảo đảm thẩm quyền đi đôi với trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm giải trình trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được phân cấp, phân quyền.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết, báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh kết quả thực hiện theo quy định.

Căn cứ Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ, các quy định của Bộ, ngành Trung ương, có nội dung cần phân cấp ngoài nội dung Đề án này, giao UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành Quy định phân cấp để tổ chức thực hiện đạt hiệu quả ngay sau khi có quy định của Bộ, ngành Trung ương.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn khoá XVII, kỳ họp thứ hai mươi mốt thông qua ngày 08 tháng 12 năm 2023./.


Nơi nhận:
- Chính phủ;
- Bộ Nội vụ;
- Thường trực Tỉnh uỷ;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Các đại biểu HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh;
- Các VP: Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, UBND tỉnh;
- TT HĐND, UBND các huyện, thành phố;
- Lưu: VT, HSKH.

CHỦ TỊCH




Đoàn Thị Hậu

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 50/NQ-HĐND năm 2023 thông qua Đề án đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

  • Số hiệu: 50/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 08/12/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lạng Sơn
  • Người ký: Đoàn Thị Hậu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/12/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản