Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 40 /2014/NQ-HĐND

Thái Nguyên, ngày 18 tháng 5 năm 2014

 

NGHỊ QUYẾT

THÔNG QUA ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ ĐIỆN TỬ PHỤC VỤ SỰ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA TỈNH THÁI NGUYÊN ĐẾN NĂM 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN
KHÓA XII, KỲ HỌP THỨ 9 (KỲ HỌP CHUYÊN ĐỀ)

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 2003;

Căn cứ Luật Công nghệ thông tin năm 2006;

Căn cứ Luật Công nghệ cao năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 71/2007/NĐ-CP ngày 03/5/2007 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Công nghệ thông tin về công nghiệp công nghệ thông tin;

Căn cứ Nghị định số 154/2013/NĐ-CP ngày 08/11/2013 của Chính phủ Quy định về khu công nghiệp công nghệ thông tin tập trung;

Căn cứ Quyết định số 246/2005/QĐ-TTg ngày 06/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển Công nghệ thông tin - Truyền thông tại Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 75/2007/QĐ-TTg ngày 28/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển công nghiệp điện tử Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg ngày 22/02/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ;

Xét Tờ trình số 13/TTr-UBND ngày 27/3/2014 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị thông qua Đề án Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin và điện tử phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh, ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Đề án Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin và điện tử phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020. Gồm các nội dung chính như sau:

1. Mục tiêu tổng quát

Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin và điện tử để Thái Nguyên trở thành tỉnh mạnh về công nghệ thông tin và điện tử, trung tâm giáo dục, kinh tế, tài chính thương mại của vùng trung du miền núi Bắc Bộ, là địa bàn cầu nối để trao đổi hợp tác kinh tế có hiệu quả với các tỉnh trong vùng, cả nước và quốc tế.

Từng bước phát triển công nghiệp công nghệ thông tin và điện tử thành động lực phát triển, ngành kinh tế - kỹ thuật, dịch vụ chủ lực trong xuất khẩu, sản xuất công nghiệp, giải quyết việc làm và đóng góp GDP của tỉnh. Hình thành được công viên phần mềm nội dung số, khu công nghệ cao - công nghệ thông tin và điện tử tập trung, hiện đại, thuận lợi thu hút đầu tư, phục vụ mục tiêu chuyển đổi cơ cấu kinh tế đến năm 2020, Thái Nguyên là tỉnh công nghiệp hiện đại.

Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin và điện tử theo định hướng công nghiệp xanh bền vững, có năng suất, năng lực cạnh tranh, chỉ số phát triển con người cao, có vai trò dẫn dắt, tạo nền tảng cho quá trình chuyển sang nền kinh tế tri thức của tỉnh. Sản xuất được thiết bị cấu phần thiết yếu của các công trình công nghệ thông tin và điện tử quốc gia và quan trọng của tỉnh, chủ động đảm bảo an toàn an ninh thông tin.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đến hết năm 2015

Hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý đầu tư, phát triển và đào tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp công nghệ thông tin và điện tử, công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao - công nghệ thông tin và điện tử trên địa bàn tỉnh; các cơ chế, chính sách đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng, Công viên phần mềm nội dung số, Khu công nghiệp công nghệ cao - công nghệ thông tin và điện tử tập trung hiện đại; xây dựng và công bố đề án, đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cho: Khu công nghiệp công nghệ cao-công nghệ thông tin và điện tử tập trung Yên Bình; Công viên phần mềm nội dung số Quyết Thắng.

Hoàn chỉnh các tài liệu, tư liệu, dữ liệu đa ngôn ngữ phục vụ xúc tiến đầu tư, nghiên cứu hợp tác và chuyển giao công nghệ trong phát triển công nghiệp công nghệ thông tin và điện tử.

b) Giai đoạn năm 2016 - 2020

Thái Nguyên là tỉnh mạnh về công nghệ thông tin và bằng công nghệ thông tin, các chỉ số xếp hạng về công nghệ thông tin trong nhóm 10 tỉnh thành phát triển nhất cả nước. Hình thành Công viên phần mềm nội dung số tại Khu Công nghiệp Quyết Thắng - thành phố Thái Nguyên, phát triển bền vững Khu công nghiệp công nghệ cao-công nghệ thông tin và điện tử tập trung Yên Bình với kết cấu hạ tầng đồng bộ hiện đại, có năng lực sản xuất cạnh tranh cao ở trong nước và quốc tế, từng bước làm cơ sở nền tảng cho phát triển tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020.

Công nghiệp công nghệ cao-công nghệ thông tin và điện tử trở thành lĩnh vực công nghiệp chủ lực của tỉnh, chiếm 30% đến 40% giá trị sản xuất công nghiệp, 60% đến 70% giá trị xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.

Công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao - công nghệ thông tin và điện tử phát triển đồng bộ, đáp ứng cơ bản nhu cầu đầu tư sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn thiện trên địa bàn tỉnh, trong nước và hướng đến xuất khẩu.

Năng lực đào tạo, dạy nghề đáp ứng cơ bản nhu cầu trong tỉnh và cả nước về cung ứng lao động cho thị trường công nghiệp công nghệ cao-công nghệ thông tin và điện tử. Hình thành ít nhất 01 trường dạy nghề về công nghệ cao-công nghệ thông tin và điện tử chất lượng cao đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Bước đầu làm chủ một số công nghệ quan trọng, ứng dụng, phát triển kinh tế - xã hội và sản xuất hàng tiêu dùng trong tỉnh và cả nước.

Có tối thiểu 20 doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm công nghệ thông tin và điện tử hoạt động trên địa bàn và khu công nghiệp công nghệ cao-công nghệ thông tin và điện tử tập trung, Công viên phần mềm nội dung số.

Doanh số các sản phẩm công nghệ thông tin và điện tử toàn tỉnh hằng năm đạt giá trị tối thiểu 20 tỷ USD (giá hiện hành).

Bước đầu hình thành hệ thống các nhà sản xuất công nghiệp hỗ trợ, có khả năng cung cấp 20% linh kiện phụ trợ cần thiết cho các sản phẩm công nghệ cao-công nghệ thông tin và điện tử trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cận.

Ngành công nghiệp công nghệ thông tin và điện tử giải quyết việc làm cho khoảng 100.000 lao động.

3. Nội dung

a) Xây dựng và hoàn thiện thể chế

Tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách đầu tư phát triển công nghiệp công nghệ thông tin và điện tử cho khu Công nghiệp công nghệ cao-công nghệ thông tin và điện tử Yên Bình, Công viên phần mềm và nội dung số Quyết Thắng bao gồm: Bộ thủ tục cấp, thu hồi, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư; các quy chế hỗ trợ, đầu tư gồm: xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ trong và ngoài khu công nghiệp, quy hoạch đất tái định cư, khu nhà ở cho chuyên gia, các công trình tiện ích công cộng; bồi thường, giải phóng mặt bằng; xúc tiến đầu tư, thương mại, phát triển và đào tạo nguồn nhân lực và các chính sách khác theo quy định của Nhà nước đối với khu Công nghệ cao và Công nghệ thông tin tập trung.

b) Đầu tư xây dựng và phát triển khu công nghiệp công nghệ cao-công nghệ thông tin và điện tử tập trung và Công viên phần mềm và nội dung số

Lập đề án, đồ án quy hoạch phân khu chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu công nghệ cao-công nghệ thông tin và điện tử Yên Bình.

Bổ sung điều chỉnh quy hoạch phân khu chi tiết 20ha tỷ lệ 1/500 cho Công viên phần mềm và nội dung số Quyết Thắng tại Khu công nghiệp Quyết Thắng thành phố Thái Nguyên.

Thực hiện chuẩn bị đầu tư, xúc tiến đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhà ở chuyên gia và người lao động, tổ chức đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư.

c) Phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ phát triển công nghiệp công nghệ cao-công nghệ thông tin và điện tử.

Hoàn thiện danh mục lĩnh vực sản phẩm (phụ kiện) ưu đãi phục vụ phát triển công nghiệp công nghệ cao-công nghệ thông tin và điện tử trên địa bàn tỉnh để đảm bảo tính đồng bộ, bền vững, tạo điều kiện và sẵn sàng cho sự phát triển.

Xây dựng không gian quy hoạch cụ thể, tập trung cho công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao-công nghệ thông tin và điện tử tại Khu Công nghiệp Điềm Thụy, Phú Bình và Khu Công nghiệp công nghệ cao - công nghệ thông tin và điện tử tập trung Yên Bình, đảm bảo phát triển công nghiệp hỗ trợ là khâu căn bản đột phá để phát triển nhanh và bền vững đối với công nghệ thông tin và điện tử.

d) Đẩy mạnh nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ, xúc tiến đầu tư và thương mại, tạo thị trường phát triển công nghiệp công nghệ thông tin và điện tử.

Xây dựng các tư liệu, tài liệu đa dạng về hình thức truyền thông cho xúc tiến đầu tư đạt chất lượng cao; xây dựng chương trình, nội dung liên kết ba nhà Quản lý - Nghiên cứu khoa học - Doanh nghiệp. Thực hiện hỗ trợ các nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, phát triển sản phẩm thương hiệu của tỉnh. Hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ thông tin và điện tử xây dựng và áp dụng quy trình quản lý, sản xuất, kinh doanh theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế; xây dựng Viện, Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghiệp công nghệ thông tin và điện tử trong Công viên phần mềm và nội dung số tại Khu Công nghiệp Quyết Thắng, thành phố Thái Nguyên.

e) Tăng cường và đẩy mạnh đào tạo, phát triển nguồn lực có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, doanh nghiệp công nghệ thông tin và điện tử.

Xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo và đảm bảo nguồn lực cho phát triển công nghệ thông tin và điện tử đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư nước ngoài; thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ, đạo đức, văn hóa nghề nghiệp cho người lao động. Khen thưởng, kỷ luật kịp thời và tuyên truyền hình tượng, gương lao động điển hình tiên tiến trên địa bàn tỉnh.

Xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ, đổi mới đào tạo, nâng cao chất lượng dạy nghề hướng đến chất lượng cao từ bậc trung cấp đến bậc cao đẳng nghề cho các ngành, lĩnh vực công nghệ cao-công nghệ thông tin và điện tử chủ đạo.

Hàng năm xây dựng kế hoạch tuyển chọn công nhân, sinh viên tham dự kỳ thi tay nghề giỏi trong nước và Asean tổ chức.

Hỗ trợ cơ sở đào tạo nghề, bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ (tiếng Anh và các tiếng bản địa theo yêu cầu của doanh nghiệp); đổi mới nâng cấp trang thiết bị thực hành và thí nghiệm; chuyển giao tài liệu, giáo trình, chương trình dạy nghề tiên tiến đạt tiêu chuẩn quốc tế; sát hạch nghề theo yêu cầu doanh nghiệp, đạt chuẩn quốc tế cho các bậc đào tạo nghề.

Xây dựng các chương trình hợp tác, phối hợp với doanh nghiệp đầu tư về công nghệ cao-công nghệ thông tin và điện tử trên địa bàn để nâng cao chất lượng dạy nghề của các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh.

Lựa chọn từ 01 đến 02 trường nghề thuộc tỉnh, tập trung đầu tư, xây dựng phát triển thành trường nghề chất lượng cao đạt tiêu chuẩn quốc tế trước năm 2020.

4. Tổ chức thực hiện

Thực hiện tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tăng cường vai trò lãnh đạo và kiện toàn cơ chế chính sách thuận lợi cho phát triển công nghiệp công nghệ thông tin và điện tử.

Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng hoàn thiện các cơ chế, chính sách đầu tư, xây dựng, giải phóng mặt bằng, tái định cư, hỗ trợ xây nhà ở cho công nhân và chuyên gia.

Tổ chức thực hiện linh động, mềm dẻo và đồng bộ các giải pháp, huy động các nguồn lực nhằm thúc đẩy đầu tư; phát triển thị trường, thị trường xuất khẩu; phát triển khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ; phát triển nguồn nhân lực, ưu tiên tập trung mạnh cho đào tạo nghề; bảo vệ môi trường và phát triển công nghiệp công nghệ cao-công nghệ thông tin và điện tử xanh.

5. Kinh phí và thời gian thực hiện

a) Tổng nhu cầu vốn đến năm 2020: 321,3 tỷ đồng

(Ba trăm hai mươi mốt tỷ, ba trăm triệu đồng)

- Giai đoạn 2014-2015: 12,5 tỷ đồng;

- Giai đoạn 2016-2020: 308,8 tỷ đồng.

b) Nguồn vốn: Ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác.

c) Thời gian thực hiện Đề án: Từ năm 2014 đến hết năm 2020.

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết, định kỳ hàng năm báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả và tiến độ thực hiện Đề án.

Điều 3. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên khóa XII, Kỳ họp thứ 9 (Kỳ họp chuyên đề) thông qua ngày 16 tháng 5 năm 2014./.

 

 

CHỦ TỊCH




Vũ Hồng Bắc

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 40/2014/NQ-HĐND thông qua Đề án Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin và điện tử phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020

  • Số hiệu: 40/2014/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 18/05/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thái Nguyên
  • Người ký: Vũ Hồng Bắc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 26/05/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản