Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 34/2023/NQ-HĐND

Quảng Trị, ngày 28 tháng 3 năm 2023

 

NGHỊ QUYẾT

QUY ĐỊNH CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CHO HỘ GIA ĐÌNH, CÁ NHÂN THUỘC CHƯƠNG TRÌNH BỐ TRÍ, ỔN ĐỊNH DÂN CƯ CÁC VÙNG: THIÊN TAI, ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN, BIÊN GIỚI, DI CƯ TỰ DO, KHU RỪNG ĐẶC DỤNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ
GIAI ĐOẠN 2022-2025

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ
KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ 16

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25/6/2015;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;

Thực hiện Quyết định số 590/QĐ-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình Bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030;

Xét Tờ trình số 40/TTr-UBND ngày 10/3/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về dự thảo Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ cho hộ gia đình, cá nhân thuộc chương trình bố trí, ổn định dân cư trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2025; Báo cáo thẩm tra của Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Quy định chính sách hỗ trợ cho hộ gia đình, cá nhân thuộc Chương trình bố trí, ổn định dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, di cư tự do, khu rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2025 với nội dung và các phụ lục kèm theo như sau:

1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này quy định chính sách hỗ trợ cho hộ gia đình, cá nhân thuộc Chương trình bố trí, ổn định dân cư theo quy hoạch, kế hoạch của Nhà nước tại các vùng: Thiên tai (sạt lở đất, sụt lún đất, lốc, lũ, lũ quét, ngập lụt, nước dâng); đặc biệt khó khăn (thiếu đất, thiếu nước sản xuất, nước sinh hoạt, thiếu cơ sở hạ tầng thiết yếu; ô nhiễm môi trường; các làng chài trên sông nước, đầm phá); biên giới, vùng dân di cư tự do và khu rừng đặc dụng.

2. Đối tượng áp dụng

a) Hộ gia đình, cá nhân được bố trí ổn định theo hình thức tái định cư tập trung, xen ghép hoặc ổn định tại chỗ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022 - 2025 theo quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bao gồm:

- Hộ gia đình, cá nhân bị mất nhà ở, đất ở do sạt lở đất, sụt lún đất, lốc, lũ, lũ quét; hộ gia đình, cá nhân sinh sống ở vùng có nguy cơ bị sạt lở đất, sụt lún đất, lốc, lũ, lũ quét, ngập lụt, nước dâng.

- Hộ gia đình, cá nhân sống ở vùng đặc biệt khó khăn, thiếu đất, nước để sản xuất, thiếu nước sinh hoạt, thiếu cơ sở hạ tầng thiết yếu; các làng chài trên sông nước, ô nhiễm môi trường.

- Hộ gia đình, cá nhân tự nguyện đến các vùng biên giới đất liền, khu kinh tế - quốc phòng.

- Hộ gia đình, cá nhân đã di cư tự do đến các địa bàn trong tỉnh không theo quy hoạch, kế hoạch, đời sống còn khó khăn; hộ gia đình, cá nhân sinh sống hợp pháp trong khu rùng đặc dụng cần phải bố trí, ổn định lâu dài.

- Các hộ gia đình thuộc đối tượng của Chương trình bố trí, ổn định dân cư đã di chuyển đến làm nhà tại nơi ở mới trong năm 2022 nhưng chưa nhận hỗ trợ.

b) Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

3. Địa bàn áp dụng

Các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị (trừ địa bàn thuộc Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025).

4. Nguyên tắc thực hiện

a) Bố trí dân cư phải phù hợp các quy hoạch các cấp theo quy định của pháp luật về quy hoạch, đất đai, xây dựng và các quy hoạch có liên quan. Ưu tiên bố trí ổn định dân cư để phòng, tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai.

b) Bố trí ổn định dân cư là mục tiêu nhưng đồng thời cũng là giải pháp để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với quốc phòng an ninh; bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, an ninh quốc phòng, môi trường sinh thái, tài nguyên nước. Tuân thủ các quy định của pháp luật và điều ước Quốc tế về biên giới quốc gia. Bố trí ổn định dân cư phải tập trung, có trọng điểm, đảm bảo kết cấu hạ tầng thiết yếu và phát triển sản xuất để người dân đến nơi ở mới có điều kiện sống ổn định lâu dài; hướng tới hình thành các điểm dân cư đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; phù hợp với phong tục, tập quán văn hóa của từng dân tộc.

c) Bố trí ổn định dân cư là trách nhiệm của các ngành, các cấp chính quyền địa phương. Hộ gia đình, cá nhân bố trí ổn định theo quy hoạch, kế hoạch được Nhà nước hỗ trợ về di chuyển (nếu có) và các điều kiện để ổn định đời sống, phát triển bền vững cộng đồng dân cư. Ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện các nội dung thuộc Chương trình theo quy định và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác trên địa bàn để thực hiện Chương trình.

d) Việc bố trí ổn định dân cư chủ yếu trên địa bàn trong xã, huyện, tỉnh. Ưu tiên thực hiện bố trí dân cư xen ghép là chủ yếu, kết hợp với di dân tập trung và ổn định tại chỗ.

e) Đối với nội dung hỗ trợ trực tiếp hộ gia đình, người dân là chủ thể thực hiện, nhà nước hỗ trợ theo định mức. Trong cùng thời điểm mà có nhiều chính sách hỗ trợ cùng một nội dung thì hộ hưởng lợi được chọn chính sách hỗ trợ có lợi nhất.

5. Điều kiện hỗ trợ

Các hộ thuộc đối tượng của Chương trình chỉ được hỗ trợ khi đảm bảo các điều kiện sau:

- Hộ gia đình có nhà ở riêng tại vị trí cần phải di dời đến nơi ở mới theo quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Đất ở đảm bảo diện tích tối thiểu theo quy định của pháp luật và thực hiện làm nhà mới đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 30m2 (đối với những hộ đơn thân, có thể xây dựng nhà ở có diện tích sử dụng nhỏ hơn nhưng không thấp hơn 18m2); đảm bảo tiêu chuẩn an toàn “3 cứng” (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng), các công trình phụ trợ (bếp, nhà vệ sinh); đáp ứng yêu cầu công năng, an toàn trong sử dụng; đảm bảo mỹ quan và phù hợp với phong tục tập quán của địa phương.

6. Nội dung và định mức hỗ trợ

a) Hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình, cá nhân theo hình thức tập trung và xen ghép thuộc đối tượng của Chương trình, bao gồm: Di chuyển người và tài sản, nhà ở, lương thực, nước sinh hoạt.

- Vùng miền núi: 70 triệu đồng/hộ, trong đó: Ngân sách tỉnh 50 triệu đồng, ngân sách cấp huyện 20 triệu đồng.

- Vùng đồng bằng: 60 triệu đồng/hộ, trong đó: Ngân sách tỉnh 40 triệu đồng, ngân sách cấp huyện 20 triệu đồng.

b) Hỗ trợ ổn định dân cư tại chỗ: Hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống ở vùng có nguy cơ thiên tai nhưng không còn quỹ đất để di chuyển đến chỗ khác, phải bố trí ổn định tại chỗ được hỗ trợ để nâng cấp, sửa chữa nhà ở. Ngân sách tỉnh hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ.

c) Ngoài định mức hỗ trợ quy định tại các điểm a, b của khoản này, căn cứ tình hình thực tế, các huyện, thành phố, thị xã có thể hỗ trợ thêm cho các hộ dân từ những nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

7. Kinh phí quản lý

Kinh phí quản lý Chương trình để thực hiện các nội dung: Tuyên truyền, vận động; khảo sát, kiểm tra, nghiệm thu công tác bố trí ổn định dân cư; văn phòng phẩm. Mức hỗ trợ:

- Vùng đồng bằng: 600.000 đồng/hộ

- Vùng miền núi: 800.000 đồng/hộ

Trong đó, ngân sách tỉnh 50%, ngân sách cấp huyện 50%. Kinh phí cấp nào do cấp đó đảm bảo theo Luật Ngân sách nhà nước.

8. Nguồn kinh phí thực hiện

a) Kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách địa phương (ngân sách tỉnh và ngân sách cấp huyện), nguồn xã hội hóa và các nguồn hợp pháp khác.

b) Tổng kinh phí hỗ trợ trực tiếp thực hiện giai đoạn 2022-2025 là 14.875,8 triệu đồng, trong đó:

- Ngân sách tỉnh: 10.212,9 triệu đồng

- Ngân sách cấp huyện: 4.662,9 triệu đồng

c) Trong trường hợp thiên tai xảy ra, đối tượng bị ảnh hưởng buộc phải di dời với số lượng lớn hơn tổng kinh phí hỗ trợ tại điểm b, khoản 8, Điều 1 Nghị quyết này thì bố trí từ ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác để kịp thời hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã bố trí quỹ đất và tổ chức thực hiện Nghị quyết.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị khóa VIII, Kỳ họp thứ 16 thông qua ngày 28 tháng 3 năm 2023 và có hiệu lực từ ngày 08 tháng 4 năm 2023./.

 


Nơi nhận:
- UBTVQH, Chính phủ;
- Các Bộ: KHĐT, TC, NN&PTNT, LĐTBXH;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- TVTU, TTHĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- VP: Đoàn ĐBQH&HĐND, UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- TT HĐND, UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Công báo tỉnh;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Đăng Quang

 

PHỤ LỤC I

DỰ KIẾN KINH PHÍ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH BỐ TRÍ DÂN CƯ GIAI ĐOẠN 2022-2025
(Kèm theo Nghị quyết số 34/2023/NQ-HĐND ngày 28/3/2023 của HĐND tỉnh Quảng Trị)

ĐVT: Triệu đồng

STT

Đối tượng

Số hộ

Ngân sách hỗ trợ trực tiếp (1)

Chi phí quản lý (2)

Tổng kinh phí giai đoạn 2022-2025

 

(1 2)

 

Tổng

Ngân sách cấp tỉnh

Ngân sách huyện

 

Tổng

Tỉnh

Huyện

Tổng

Tỉnh

Huyện

 

I

Di dân tập trung, xen ghép

229

13.810

9.230,0

4.580

138,8

69,4

69,4

13.948,8

9.299,4

4.649,4

 

1

Di dân miền núi

7

490

350

140

5,6

2,8

2,8

495,6

352,8

142,8

 

2

Di dân đồng bằng

222

13.320

8.880

4.440

133,2

66,6

66,6

13.453,2

8.946,6

4.506,6

 

II

Ổn định tại chỗ

45

900

900

 

27,0

13,5

13,5

927,0

913,5

13,5

 

 

Tổng cộng

274

14.710

10.130

4.580

165,8

82,9

82,9

14.875,8

10.212,9

4.662,9

 

 

PHỤ LỤC II

DỰ KIẾN KINH PHÍ HỖ TRỢ CHƯƠNG TRÌNH BỐ TRÍ DÂN CƯ BÌNH QUÂN HÀNG NĂM
(Kèm theo Nghị quyết số 34/2023/NQ-HĐND ngày 28/03/2023 của HĐND tỉnh Quảng Trị)

ĐVT: Triệu đồng

STT

Đối tượng

Bình quân số hộ/năm

Ngân sách hỗ trợ trực tiếp (1)

Chi phí quản lý (2)

Tổng kinh phí (1 2)/năm

Tổng

Tỉnh

Huyện

Tổng

Tỉnh

Huyện

Tổng

Tỉnh

Huyện

I

Di dân tập trung, xen ghép

76

4.580

3.060

1.520

46

23

23

4.626

3.083

1.543

1

Di dân vùng núi

2

140

100

40

1,6

0,8

0,8

141,6

100,8

40,8

2

Di dân vùng đồng bằng

74

4.440

2.960

1.480

44,4

22,2

22,2

4.484,4

2.982,2

1.502,2

II

Ổn định tại chỗ

15

300

300

 

9,0

4,5

4,5

309,0

304,5

4,5

 

Tổng

91

4.880

3.360

1.520

55,0

27,5

27,5

4.935,0

3.387,5

1.547,5

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 34/2023/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ cho hộ gia đình, cá nhân thuộc Chương trình bố trí, ổn định dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, di cư tự do, khu rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2025

  • Số hiệu: 34/2023/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 28/03/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Trị
  • Người ký: Nguyễn Đăng Quang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/04/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản