Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 33/2015/NQ-HĐND

Lào Cai, ngày 11 tháng 12 năm 2015

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT NÔNG, LÂM NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI
KHÓA XIV - KỲ HỌP THỨ 15

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03/12/2004;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16/12/2002;

Căn cứ Nghị định số 02/2010/NĐ-CP ngày 08/01/2010 của Chính phủ về khuyến nông;

Căn cứ Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020;

Căn cứ Quyết định số 2621/QĐ-TTg ngày 31/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số mức hỗ trợ phát triển sản xuất quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NĐ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ;

Sau khi xem xét Tờ trình số 183/TTr-UBND ngày 01/12/2015 của UBND tỉnh về chính sách phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 - 2020; báo cáo thẩm tra số 93/BC-HĐND ngày 04/12/2015 của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh và ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh dự kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua chính sách phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 - 2020, gồm các nội dung sau:

1. Phạm vi điều chỉnh:

Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch tổng thể ngành nông nghiệp; các quy hoạch có liên quan đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và kế hoạch hàng năm trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Các lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản thuộc đề án “Tái cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp giai đoạn 2016 - 2020” và các dự án khác được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Đối tượng áp dụng:

Các tổ chức kinh tế hợp tác sản xuất trong nông nghiệp, hộ gia đình, cá nhân trong nước tham gia đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản (gọi chung là người sản xuất) trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020.

Trường hợp đối tượng được hưởng chính sách quy định tại Nghị quyết này, đồng thời thuộc đối tượng áp dụng của chính sách cùng loại quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khác, thì chỉ được hưởng một mức cao nhất của chính sách đó.

3. Nguyên tắc, cơ chế hỗ trợ:

a) UBND tỉnh phê duyệt đối với dự án có mức hỗ trợ từ 1,0 tỷ đồng trở lên.

b) Dự án có mức hỗ trợ dưới 1,0 tỷ đồng do UBND huyện, thành phố phê duyệt sau khi có ý kiến thẩm định của các sở chuyên ngành.

c) Thực hiện hỗ trợ sau đầu tư, sau khi dự án hoàn thành nghiệm thu đảm bảo theo quy định, được cấp có thẩm quyền thẩm định.

4. Nội dung và mức hỗ trợ:

4.1. Trồng trọt

Trồng, chế biến chè chất lượng cao: Hỗ trợ trồng mới chè và chăm sóc thời kỳ kiến thiết cơ bản, mức 30 triệu đồng/ha.

4.2. Phát triển chăn nuôi:

a) Hỗ trợ tiêm phòng cho đàn gia súc:

- Đối với đàn đại gia súc (trâu, bò, ngựa): Ngân sách địa phương hỗ trợ cấp không thu tiền các loại vắc xin đối với các bệnh phải tiêm phòng bắt buộc theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT (Trừ các huyện 30a); hỗ trợ công tiêm phòng các loại vắc xin 2.000 đồng/01 mũi tiêm.

- Đối với đàn lợn: Ngân sách địa phương hỗ trợ cấp không thu tiền các loại vắc xin để tiêm phòng cho đàn lợn, đối với các bệnh phải tiêm phòng bắt buộc theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT (Trừ các huyện 30a).

- Đối với gia cầm: Ngân sách địa phương hỗ trợ cấp không thu tiền vắc xin cúm gia cầm theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT, để tiêm phòng cho đàn gia cầm của các hộ, cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh (Trừ các huyện 30a).

- Phòng bệnh dại: Ngân sách địa phương hỗ trợ cấp không thu tiền vắc xin dại chó để tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó trên địa bàn tỉnh.

b) Hỗ trợ sản xuất giống vật nuôi:

- Hỗ trợ đào tạo dẫn tinh viên; cấp dụng cụ phối giống bò (bình Ni-tơ, súng bắn tinh) cho dẫn tinh viên đã qua đào tạo, có chứng chỉ. Mức hỗ trợ cụ thể theo dự toán được UBND tỉnh phê duyệt.

- Hỗ trợ cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo: Mức hỗ trợ là 500.000 đồng/con bê ra đời, trong đó: chi hỗ trợ tiền công phối giống cho dẫn tinh viên với mức 200.000 đồng/con; hỗ trợ tiền tinh và Ni-tơ bảo quản tinh mức 300.000 đồng/con.

- Hỗ trợ nuôi lợn đực giống để khai thác tinh nhân tạo (quy mô tối thiểu 3con/cơ sở). Mức hỗ trợ 40 triệu đồng/cơ sở đăng ký mới đảm bảo các tiêu chuẩn quy định giống chuẩn Quốc gia.

c) Phát triển trang trại, cơ sở chăn nuôi công nghiệp, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung

- Đầu tư mới trang trại chăn nuôi: Hỗ trợ một phần kinh phí làm chuồng trại, vệ sinh môi trường, mua giống mới. Mức hỗ trợ 50 triệu đồng/trang trại cho lần đầu được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chí trang trại theo quy định.

- Cơ sở chăn nuôi công nghiệp: Chăn nuôi lợn nái lai, ngoại sinh sản, quy mô thường xuyên 200 con lợn nái trở lên; chăn nuôi lợn thịt tối thiểu 2.000 con/năm; chăn nuôi gia cầm sản xuất giống tối thiểu 20.000 con/tháng hoặc nuôi gia cầm thịt với quy mô thường xuyên từ 30.000 con/lứa (gọi chung là cơ sở), được hỗ trợ một phần kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng, tiếp nhận và chuyển giao kỹ thuật, xúc tiến thương mại, vệ sinh môi trường. Mức hỗ trợ không quá 10% định mức đầu tư, nhưng tối đa không quá 02 tỷ đồng/cơ sở.

- Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung: Đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung phù hợp với quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, được hỗ trợ kinh phí để đầu tư trang thiết bị, vệ sinh môi trường. Mức hỗ trợ không quá 10% tổng mức đầu tư, nhưng tối đa không quá 2 tỷ đồng/ cơ sở.

4.3. Phát triển thủy sản:

a) Phát triển nuôi cá lồng trên sông, hồ chứa, mức hỗ trợ: 5 triệu đồng/01 lồng đóng mới thể tích từ 20m3 trở lên, ở địa phương được quy hoạch.

b) Hỗ trợ công tác đào tạo, tập huấn kỹ thuật; tiếp nhận ứng dụng công nghệ sản xuất, nuôi khảo nghiệm và chọn tạo các đối tượng giống đặc sản có giá trị kinh tế cao (cá lăng, cá chiên...) theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

4.4. Phát triển lâm nghiệp

a) Trồng rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ bảo vệ môi trường, rừng đặc dụng được hỗ trợ tối đa 15 triệu đồng/ha/4 năm.

b) Trồng rừng sản xuất áp dụng đối với các địa phương thuộc đối tượng quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ: Mức hỗ trợ 7 triệu đồng/ha.

c) Trồng rừng sản xuất áp dụng đối với các địa phương không thuộc đối tượng quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ: Mức hỗ trợ 4,5 triệu đồng/ha đối với trồng rừng gỗ nguyên liệu và trồng cây có gióng; Trồng rừng tại các xã biên giới được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/ha ngoài mức hỗ trợ trên.

d) Khoanh nuôi bảo vệ, xúc tiến tái sinh rừng phòng hộ, đặc dụng: Khoanh nuôi bảo vệ xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên được hỗ trợ: 500.000 đồng/ha/5 năm. Khoanh nuôi bảo vệ xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên có kết hợp trồng bổ sung được hỗ trợ 1 triệu đồng/ha/6 năm (riêng năm đầu 500.000 đồng/ha).

e) Khoán quản lý, bảo vệ rừng: Rừng tự nhiên là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; rừng trồng đặc dụng, phòng hộ đầu nguồn nước, khu vực xung yếu, rất xung yếu, nơi có nguy cơ xâm hại cao, rừng phòng hộ hai bên đường quốc lộ, tỉnh lộ; rừng cảnh quan ở trung tâm các đô thị, khu du lịch sinh thái; rừng trồng hết thời hạn chăm sóc và đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có trạng thái từ rừng trung bình trở lên thì được khoán quản lý, bảo vệ rừng với mức khoán là 200.000 đồng/ha. Mức hỗ trợ cụ thể theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán kinh phí được cấp có thẩm quyền phê duyệt hàng năm.

4.5. Phát triển sản xuất, tiêu thụ giống cây trồng sản xuất tại tỉnh:

a) Khuyến khích nghiên cứu chọn tạo giống mới: Hỗ trợ kinh phí phục vụ nghiên cứu, thu thập, chọn tạo, khảo nghiệm giống mới; đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật cho Trung tâm Giống nông, lâm nghiệp; khuyến khích chọn tạo các giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt bổ sung vào cơ cấu giống cây trồng của tỉnh. Kinh phí cụ thể theo dự toán hàng năm được UBND tỉnh duyệt.

b) Hỗ trợ sản xuất hạt giống:

- Đơn vị sản xuất (Trung tâm giống nông lâm nghiệp tỉnh) được ưu tiên đầu tư vốn để tổ chức sản xuất và cung ứng hạt giống lúa, rau, hoa, dược liệu theo kế hoạch UBND tỉnh phê duyệt hàng năm.

- Được ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật vùng sản xuất và nhân dòng giống lúa bố mẹ; vùng sản xuất hạt giống lúa; sản xuất giống rau, hoa, dược liệu theo dự án chuyên đề được tỉnh phê duyệt.

- Các hộ nông dân có ruộng trong vùng quy hoạch sản xuất hạt giống lúa được hỗ trợ một lần kinh phí chuyển đổi từ sản xuất lúa thịt sang sản xuất lúa giống là 15 triệu đồng/ha.

c) Hỗ trợ bảo hiểm sản xuất giống lúa: Các hộ nông dân sản xuất giống lúa tại tỉnh trong vùng quy hoạch được Nhà nước bảo hiểm sản xuất khi bị thất thu do điều kiện bất khả kháng. Mức bảo hiểm là phần bù đắp chi phí của người dân sản xuất. Quỹ bảo hiểm sản xuất được trích 40% từ lợi nhuận sản xuất giống lúa hàng năm. Giao Trung tâm Giống nông lâm nghiệp quản lý quỹ, có trách nhiệm quản lý, sử dụng đúng quy định.

d) Hỗ trợ tiêu thụ giống lúa sản xuất tại tỉnh: Toàn bộ giống lúa do Trung tâm Giống nông lâm nghiệp sản xuất ra được tỉnh ưu tiên tiêu thụ thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ giống lúa trên địa bàn tỉnh. Trung tâm giống nông lâm nghiệp tỉnh được tính đầy đủ các chi phí vào giá thành giống lúa, nhằm tạo điều kiện cho đơn vị đầu tư mở rộng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giống lúa sản xuất tại Lào Cai.

4.6. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các sản phẩm đặc thù: Chính sách hỗ trợ đối với sản xuất ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và các sản phẩm đặc thù của từng địa phương thực hiện theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

5. Nguồn kinh phí.

Tổng kinh phí khái toán: 568,490 tỷ đồng, trong đó:

- Ngân sách Trung ương: 351 tỷ đồng, hỗ trợ bảo vệ và phát triển rừng.

- Ngân sách địa phương: 217,490 tỷ đồng, hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp.

(Có biểu khái toán kinh phí kèm theo)

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao:

1. UBND tỉnh chịu trách nhiệm thực hiện Nghị quyết. Đối với các Dự án, Kế hoạch, trước khi ban hành Quyết định thực hiện, UBND tỉnh trình Thường trực HĐND tỉnh thỏa thuận và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất.

2. Thường trực HĐND, các Ban của HĐND và các đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh Lào Cai khóa XIV thông qua ngày 10/12/2015 và có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Vịnh

 

DỰ KIẾN KINH PHÍ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT NÔNG, LÂM NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2016-2020

(Kèm theo Nghị quyết số 33/2015/NQ-HĐND ngày 11/12/2015 của HĐND tỉnh)

STT

Nội dung hỗ trợ

Số lượng hỗ trợ

Dự kiến kinh phí (Tr. Đồng)

 

Phần I: Ngân sách Trung ương

 

351.000

 

Hỗ trợ bảo vệ và phát triển rừng

 

351.000

 

Phần II: Ngân sách địa phương

 

217.490

A

Chính sách hỗ trợ trồng trọt

 

63.000

I

Trồng, chế biến chè chất lượng cao

 

60.000

 

Trồng mới chè chất lượng cao: Mức hỗ trợ 30 triệu đồng/ha

2000 ha

60.000

II

Phát triển sản xuất, tiêu thụ giống cây trồng tại tỉnh

 

3.000

 

Phát triển sản xuất, tiêu thụ giống lúa lai sản xuất tại tỉnh

600 tr.đ/năm

3.000

B

Chính sách hỗ trợ chăn nuôi

 

59.750

I

Phát triển chăn nuôi

 

36.250

1

Hỗ trợ sản xuất giống vật nuôi

 

-

a

Hỗ trợ đào tạo dẫn tinh viên: cung cấp dụng cụ phối giống cho trâu, bò (bình ni tơ, súng bắn tinh) cho dẫn tinh viên đã qua đào tạo, có chứng chỉ.

50 người

550

b

Cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo: Mức hỗ trợ 500.000 đồng/con bê ra đời. Hỗ trợ thú y viên, dẫn tinh viên trong việc thiến bò đực với mức tối đa không quá 100.000 đồng/con

1.000 con

500

c

Hỗ trợ nuôi lợn đực giống để khai thác tinh nhân tạo (quy mô tối thiểu 3con/cơ sở). Mức hỗ trợ 40 triệu đồng/cơ sở đăng ký mới đảm bảo các tiêu chuẩn quy định giống chuẩn Quốc gia.

5 cơ sở

200

2

Phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm

 

35.000

 

Hỗ trợ tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm

 

35.000

II

Phát triển trang trại, cơ sở chăn nuôi công nghiệp, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung

 

23.500

1

Đối với các tổ chức, cá nhân xây dựng mới trang trại được hỗ trợ 01 lần bằng tiền mặt, sau đầu tư. Mức hỗ trợ không vượt quá 50 triệu đồng/trang trại

70

3.500

2

Đối với cơ sở chăn nuôi công nghiệp: Mức hỗ trợ không quá 10% định mức đầu tư, tối đa không quá 02 tỷ đồng/cơ sở.

5

10.000

3

Đối với cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung: Dự án dưới 10 tỷ đồng, định mức hỗ trợ tương ứng tối đa là 10% theo tổng mức đầu tư/1 cơ sở; Dự án từ 10 tỷ đồng trở lên định mức hỗ trợ tương ứng tối đa là 10% theo tổng mức đầu tư và không quá 02 tỷ đồng/1 cơ sở

5

10.000

C

Phát triển thủy sản

 

2.540

1

Hỗ trợ 5 triệu đồng/01 lồng đóng mới thể tích từ 20m3 trở lên đối với hộ gia đình phát triển nuôi cá lồng trên sông, hồ chứa

250 lồng

1.250

2

Hỗ trợ công tác đào tạo, tập huấn kỹ thuật; tiếp nhận ứng dụng công nghệ sản xuất, nuôi khảo nghiệm và chọn tạo các đối tượng giống đặc sản có giá trị kinh tế cao (cá lăng, cá chiên...) theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt

 

1.290

D

Phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

 

6.200

1

Chính sách hỗ trợ đối với sản xuất ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và các sản phẩm đặc thù của từng địa phương thực hiện theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt

5 Dự án

5.000

2

Xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao:

15 MH

1.200

E

Dịch vụ môi trường rừng

 

86.000

1

Bảo vệ rừng

 

60.000

2

Phát triển rừng

 

26.000

 

Tổng cộng

 

568.490

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 33/2015/NQ-HĐND về chính sách phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 - 2020

  • Số hiệu: 33/2015/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 11/12/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lào Cai
  • Người ký: Nguyễn Văn Vịnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/12/2015
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản