Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH CAO BẰNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 32/NQ-HĐND

Cao Bằng, ngày 11 tháng 12 năm 2014

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ QUY HOẠCH BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC TỈNH CAO BẰNG ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG 
KHÓA XV KỲ HỌP THỨ 10

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Đa dạng sinh học ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 65/2010/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đa dạng sinh học;

Căn cứ Quyết định số 1250/QĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ, phê duyệt chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 08 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ, phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Xét Tờ trình số 3415/TTr-UBND ngày 18 tháng 11 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Nghị quyết thông qua Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Cao Bằng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Sau khi nghe báo cáo thẩm tra của Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của các Đại biểu Hội đồng dân tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nhất trí thông qua Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Cao Bằng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với các nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu, tầm nhìn

1.1. Mục tiêu chung

Bảo vệ và phát triển bền vững các hệ sinh thái (HST) tự nhiên, bảo tồn các nguồn gen tự nhiên nguy cấp quý hiếm, các nguồn gen cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao của tỉnh Cao Bằng, sử dụng bền vững tài nguyên đa dạng sinh học (ĐDSH); duy trì và phát triển dịch vụ hệ sinh thái nhằm thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh, thích ứng với biến đổi khí hậu góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh.

1.2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020

- Tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng trong bảo tồn ĐDSH;

- Thành lập hệ thống khu bảo tồn, bao gồm: 01 vườn quốc gia; mở rộng diện tích 01 khu bảo tồn loài sinh cảnh; thành lập 01 khu bảo vệ cảnh quan;

- Bảo vệ và phát triển bền vững các HST, bao gồm HST rừng kín thường xanh ôn đới trên núi cao; HST rừng kín thường xanh hỗn giao lá rộng - lá kim á nhiệt đới trên núi trung bình, độ cao 600 - 1600m; HST rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới, cây lá rộng trên núi thấp ở độ cao dưới 600m; HST rừng tre nứa; HST rừng trên núi đá vôi; HST trảng cỏ cây bụi, với tổng diện tích 444.080,11 ha (chiếm 66,25% DTTN). Đẩy mạnh trồng rừng và cây phân tán trên diện tích hệ sinh thái trảng cỏ, cây bụi để đưa độ che phủ rừng đạt trên 51% vào năm 2015 và 55% vào năm 2020;

- Ưu tiên bảo vệ và phát triển các nguồn gen quý hiếm, các loài cây trồng vật nuôi đặc sản của tỉnh, mở rộng dần tăng quy mô thông qua các dự án, các mô hình xã hội hóa bảo tồn ĐDSH học của cộng đồng;

- Bảo vệ và phát triển hệ sinh thái đất ngập nước; bảo vệ, phục hồi tái tạo nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là các giống loài thủy sản quý hiếm, có giá trị, bảo đảm cân bằng sinh thái, bảo tồn ĐDSH các vùng nước nội địa;

- Xây dựng các vườn thực vật, vườn cây thuốc, trung tâm cứu hộ động vật hoang dã;

- Kiểm soát chặt chẽ, giảm tối đa nạn buôn bán và tiêu thụ các loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ;

- Hoàn thiện hệ thống tổ chức, cơ chế, chính sách bảo tồn ĐDSH phù hợp với kế hoạch hành động bảo tồn ĐDSH và các chiến lược quốc gia.

1.3. Tầm nhìn đến năm 2030

- Đến năm 2030, hạn chế tối đa về suy giảm ĐDSH; bảo vệ và phát triển các HST tự nhiên, quản lý và kiểm soát chặt chẽ các loài sinh vật ngoại lai xâm hại; xây dựng và thực hiện chiến lược phòng ngừa các sự cố do chúng gây ra;

- Thành lập mới 04 khu bảo tồn loài - sinh cảnh; 04 khu bảo tồn cảnh quan; 01 khu bảo tồn vùng đất ngập nước nội địa;

- Thành lập 02 hành lang ĐDSH;

- Giải quyết từng bước sinh kế ổn định cho người dân vùng đệm tại các khu bảo tồn thông qua các mô hình, giải pháp phát triển kinh tế xã hội bền vững, người dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn ĐDSH;

- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo tồn ĐDSH, đặc biệt là cộng đồng dân cư sống trong và xung quanh các khu bảo tồn;

- Kết hợp giữa bảo tồn với phát triển du lịch sinh thái gắn với sinh kế của người dân vùng đệm, nâng cao đời sống cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo tồn ĐDSH;

- Xây dựng chương trình bảo tồn sử dụng và phát triển bền vững các giống cây trồng, vật nuôi bản địa, nhất là các giống loài đặc hữu, quý, hiếm, có giá trị kinh tế cao;

- Tăng cường năng lực quản lý Nhà nước về ĐDSH cho các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về ĐDSH.

2. Quy hoạch hệ thống các khu bảo tồn, cơ sở bảo tồn và các nguồn gen

2.1. Giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2020

a) Chuyển hạng 01 khu bảo tồn đa dạng sinh học

Chuyển hạng khu dự trữ thiên nhiên Phia Oắc thành Vườn quốc gia Phia Oắc - Phia Đén nhằm bảo vệ nguyên vẹn các hệ sinh thái rừng; nguồn gen động thực vật rừng quí, hiếm (gồm 47 loài thực vật và 66 loài động vật); cảnh quan thiên nhiên. Diện tích tự nhiên là 11.960ha, thuộc huyện Nguyên Bình, trên địa phận của các xã Ca Thành, Mai Long, Phan Thanh, Quang Thành, Thành Công và một phần nhỏ của thị trấn Tĩnh Túc và xã Vũ Nông.

b) Điều chỉnh và mở rộng 01 khu bảo tồn đa dạng sinh học

Điều chỉnh và mở rộng Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Vượn Cao Vít Trùng Khánh thành khu bảo tồn loài - sinh cảnh cấp quốc gia Vượn Cao Vít Trùng Khánh nhằm bảo tồn và phát triển quần thể Vượn Cao Vít, bảo vệ môi trường sống của chúng là HST rừng trên núi đá vôi và các HST rừng tự nhiên. Diện tích tự nhiên là 6.046,00ha nằm trong phạm vi các xã: Ngọc Côn, Ngọc Khê, Phong Nậm, Ngọc Chung, Khâm Thành và một phần nhỏ phía Bắc xã Lăng Yên, huyện Trùng Khánh.

c) Thành lập mới 01 khu bảo tồn đa dạng sinh học

Khu bảo vệ cảnh quan rừng Trần Hưng Đạo có diện tích tự nhiên khoảng 1.143,00ha, nằm trong địa bàn xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình. Mục đích: bảo vệ và phát triển các HST rừng tự nhiên, gồm HST rừng kín thường xanh hỗn giao lá rộng - lá kim á nhiệt đới trên núi trung bình, độ cao 600 - 1.600m; HST rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới, cây lá rộng trên núi thấp, độ cao dưới 600m và HST rừng tre nứa. Bảo tồn những giá trị ĐDSH của các HST rừng tự nhiên; nhằm tôn tạo giá trị lịch sử và cảnh quan của di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Rừng Trần Hưng Đạo phục vụ mục đích giáo dục, tham quan du lịch.

d) Phát triển và nâng cấp 03 cơ sở bảo tồn trên địa bàn tỉnh

- Nâng cấp vườn cây ăn quả tại khu di tích Pác Bó thành vườn thực vật Pác Bó: diện tích khoảng 0,1ha, tại xã Trường Hà, huyện Hà Quảng;

- Kế thừa và củng cố vườn thuốc Phia Đén, diện tích khoảng 4,0 ha, tại xã Thành Công và xã Phan Thanh, huyện Nguyên Bình;

- Kế thừa và củng cố vườn thuốc Giảo cổ lam với diện tích 13,0ha, tại xóm Bản Pát 2, xã Cao Chương, huyện Trà Lĩnh.

e) Thành lập mới các cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học

- Thành lập các vườn thực vật trong các khu bảo tồn;

- Thành lập Trung tâm Nghiên cứu cây trồng Nguyên Bình: diện tích khoảng 19,00ha, tại xã Thành Công, huyện Nguyên Bình;

- Thành lập Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Trùng Khánh: diện tích khoảng 9,5ha, nằm tại xã Phong Nậm.

f) Bảo tồn tại chỗ và chuyển chỗ các nguồn gen quý hiếm, gen đặc sản

Phát triển và bảo tồn tại chỗ theo Quyết định 1113/QĐ-UBND ngày 05 tháng 8 năm 2013 của UBND tỉnh, Phê duyệt đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh giai đoạn 2014 - 2020, bảo tồn 12 nguồn gen cây trồng, vật nuôi đặc sản, đặc hữu, quý hiếm của tỉnh, đồng thời tiếp tục đầu tư bằng các chương trình, dự án để bảo tồn tại chỗ 24 cây trồng đặc sản trên đồng ruộng như: lúa nếp hương vì pất, bí thơm, đậu nho nhe, mận máu Bảo Lạc, lê Trà Lĩnh, quýt Hà Trì, cam Trưng Vương, bưởi Phục Hòa, hạt dẻ Trùng Khánh, trúc sào, mác rạc, cây mác mật, chè đắng, chè Phia Đén… và 10 nguồn gen vật nuôi như bò H'Mông, lợn đen, gà xương đen (gà H'Mông), ngựa Nước Hai, chó lùn Bảo Lạc...

Phối hợp và duy trì 01 cơ sở bảo tồn chuyển chỗ vật nuôi là trại lợn giống cấp I Đức Chính diện tích là 1,44ha, tại xã Vĩnh Quang, thành phố Cao Bằng để phát triển và bảo tồn chuyển chỗ 2 nguồn gen lợn Táp Ná và lợn Móng Cái.

2.2. Giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030

Thành lập mới 9 khu bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh.

- Thành lập khu bảo tồn loài - sinh cảnh Trà Lĩnh - Thang Hen: diện tích tự nhiên khoảng 5.164,00ha, nằm trên địa bàn các xã Quang Vinh, Lưu Ngọc, Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh; các xã Hạ Thôn, Mã Ba huyện Hà Quảng; các xã Đức Xuân, Ngũ Lão huyện Hoà An. Nhằm bảo vệ và phát triển các HST rừng tự nhiên, đặc biệt là HST rừng trên núi đá vôi; bảo tồn những giá trị ĐDSH quan trọng của khu bảo tồn, gồm 21 loài thực vật quý hiếm và 29 loài động vật quý hiếm; bảo vệ và tôn tạo hồ Thang Hen và cảnh quan xung quanh phục vụ nghiên cứu khoa học, du lịch;

- Thành lập khu bảo tồn loài - sinh cảnh Hạ Lang: diện tích tự nhiên khoảng 7.343,00ha trên cơ sở khu rừng nguyên sinh trên núi đá vôi của huyện Hạ Lang, nằm trên địa bàn các xã Đồng Loan, Thắng Lợi, Đức Quang, Kim Loan, An Lạc, Quang Long. Nhằm bảo vệ và phát triển các HST rừng tự nhiên, chủ yếu là HST rừng trên núi đá vôi; giữ gìn, tôn tạo môi trường sống của các loài động, thực vật quý hiếm; bảo tồn những giá trị đa dạng sinh học của các HST rừng tự nhiên. Bảo tồn những loài động, thực vật quý hiếm; chú trọng các loài rất nguy cấp, nguy cấp; bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và môi trường phục vụ giáo dục, nghiên cứu, tham quan, du lịch;

- Thành lập khu bảo tồn loài - sinh cảnh Bảo Lạc: diện tích tự nhiên khoảng 3.996,00ha, trên cơ sở khu rừng nguyên sinh trên núi đá vôi và rừng tự nhiên trên núi trung bình trên địa bàn các xã Khánh Xuân, Xuân Trường, huyện Bảo Lạc. Nhằm bảo vệ và phát triển HST rừng trên núi đá vôi và HST rừng kín thường xanh hỗn giao cây lá rộng - lá kim á nhiệt đới trên núi trung bình ở độ cao 600-1600m; bảo vệ môi trường sống của các loài động, thực vật quý hiếm; Bảo tồn những giá trị đa dạng sinh học của các HST rừng tự nhiên; bảo tồn các loài động thực vật quý hiếm, chú trọng các loài rất nguy cấp và nguy cấp; bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và môi trường phục vụ giáo dục, nghiên cứu, và tham quan, du lịch;

- Thành lập khu bảo tồn loài - sinh cảnh Bảo Lâm: diện tích tự nhiên khoảng 4.569,00ha, trên cơ sở khu rừng nguyên sinh của huyện Bảo Lâm trong địa bàn xã Vĩnh Phong và một phần nhỏ xã Mông Ân. Nhằm bảo vệ và phát triển HST rừng kín thường xanh hỗn giao cây lá rộng - lá kim á nhiệt đới trên núi trung bình ở độ cao 600-1600m và HST rừng trên núi đá vôi; bảo vệ môi trường sống của các loài động, thực vật quý hiếm; Bảo tồn những giá trị đa dạng sinh học của các HST rừng tự nhiên; bảo tồn các loài động thực vật quý hiếm, chú trọng các loài rất nguy cấp và nguy cấp; bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và môi trường phục vụ giáo dục, nghiên cứu, và tham quan, du lịch;

- Khu bảo vệ cảnh quan Pác Bó: diện tích tự nhiên là 6.354,00ha, nằm trên địa bàn các xã Trường Hà, Kéo Yên, Lũng Nặm, Vân An, Nội Thôn, Thượng Thôn, huyện Hà Quảng. Mục đích: bảo vệ và phát triển các HST rừng tự nhiên, gồm HST rừng trên núi đá vôi; HST rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới, cây lá rộng trên núi thấp, độ cao dưới 600m và HST rừng kín thường xanh hỗn giao lá rộng - lá kim á nhiệt đới trên núi trung bình, độ cao 600 - 1.600m; bảo tồn những giá trị đa dạng sinh học của các HST rừng tự nhiên; bảo vệ và tôn tạo di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Pác Bó phục vụ mục đích giáo dục, tham quan du lịch;

- Khu bảo vệ cảnh quan Thạch An: diện tích tự nhiên là 3.997,00ha, nằm trên địa bàn các xã Đức Long, Danh Sĩ, Lê Lợi, huyện Thạch An; xã Mỹ Hưng, huyện Phục Hoà. Mục đích: bảo vệ và phát triển các HST rừng tự nhiên, gồm HST rừng trên núi đá vôi và HST rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới, cây lá rộng trên núi thấp, độ cao dưới 600m; bảo tồn những giá trị ĐDSH của các HST rừng tự nhiên; bảo vệ và tôn tạo các Di tích lịch sử đồn Đà Lạn và đài quan sát bộ chỉ huy chiến dịch biên giới năm 1950 phục vụ mục đích giáo dục, tham quan du lịch;

- Khu bảo vệ cảnh quan Bản Giốc: diện tích tự nhiên là 566,00ha, nằm trong địa bàn xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh. Mục đích: bảo vệ và phát triển các HST rừng tự nhiên, chủ yếu là HST rừng trên núi đá vôi và HST rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới, cây lá rộng trên núi thấp, độ cao dưới 600m. Bảo tồn những giá trị ĐDSH của các HST rừng tự nhiên; bảo vệ và tôn tạo cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ của thác Bản Giốc; bảo vệ và phát triển giá trị du lịch, nghệ thuật và tiềm năng thủy điện của khu bảo vệ cảnh quan Bản Giốc phục vụ mục đích tham quan du lịch, nghiên cứu và phát triển kinh tế - xã hội;

- Khu bảo vệ cảnh quan Lam Sơn: diện tích tự nhiên là 75ha, nằm trong địa bàn các xã Hồng Việt và Hoàng Tung, huyện Hoà An. Mục đích: bảo vệ và phát triển các HST rừng tự nhiên, gồm HST rừng trên núi đá vôi và HST rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới, cây lá rộng trên núi thấp, độ cao dưới 600m. Bảo tồn những giá trị ĐDSH của các HST rừng tự nhiên; bảo vệ và tôn tạo giá trị lịch sử và cảnh quan của các di tích trong khu vực; bảo vệ và phát triển giá trị du lịch, lịch sử của khu bảo vệ cảnh quan Lam Sơn phục vụ mục đích tham quan du lịch, giáo dục;

- Khu bảo tồn vùng nước nội địa sông Bằng: diện tích tự nhiên là 575,8ha, nằm trên địa bàn các huyện Hà Quảng, Hòa An, Phục Hòa và thành phố Cao Bằng. Mục đích: bảo vệ nơi cư trú của cá trầm hương, anh vũ và nhiều loài thân mềm quý hiếm như trai cóc bàn chân, trai cóc vuông.

3. Quy hoạch hành lang Đa dạng sinh học

Thành lập 2 hành lang đa dạng sinh học.

- Hành lang ĐDSH xuyên biên giới kết nối khu bảo tồn loài sinh cảnh vượn cao vít Trùng Khánh, Cao Bằng (Việt Nam) với Quảng Tây (Trung Quốc) nằm sát biên giới. Khu bảo tồn loài sinh cảnh vượn cao vít Trùng Khánh có chiều dài 21,7km. Chức năng: hợp tác quốc tế về bảo tồn và khôi phục hệ sinh thái rừng. Đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, hợp tác nghiên cứu hữu hiệu mang lại lợi ích kinh tế cho quốc gia và địa phương, bảo đảm việc kiểm soát xuyên biên giới về các mặt: Phòng chống cháy rừng, phòng trừ sâu bệnh, săn bắn trộm và buôn lậu, đồng thời đảm bảo việc giao lưu, di chuyển, mở rộng đàn và loài vượn cao vít;

- Hành lang ĐDSH nội tỉnh kết nối khu bảo tồn loài - sinh cảnh Hạ Lang với khu bảo tồn loài - sinh cảnh Trùng Khánh đi qua xã Kim Loan huyện Hạ Lang và các xã Cao Thắng, Đức Hồng, Thông Huề huyện Trùng Khánh với diện tích khoảng 4.175,00 ha. Chức năng: hỗ trợ việc giao lưu, di chuyển, mở rộng đàn của các loài động vật quý hiếm cần được bảo tồn, đặc biệt là loài vượn cao vít.

4. Quy hoạch hệ sinh thái tự nhiên

4.1. Bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng kín thường xanh ôn đới trên núi cao (độ cao trên 1600m)

- Diện tích: 146,34ha (chiếm 0,02% DTTN), phân bố ở vùng đỉnh núi Phia Ya thuộc khu vực ranh giới của xã Thái Sơn, huyện Bảo Lâm và xã Sơn Lập, huyện Bảo Lạc;

- Mục đích bảo tồn: bảo vệ và phát triển HST rừng kín thường xanh ôn đới trên núi cao ở độ cao trên 1600m đặc trưng của vùng núi cao Đông Bắc, nơi chịu ảnh hưởng mạnh và sớm của gió mùa Đông Bắc. Bảo vệ và phát triển nguồn gen tự nhiên quý hiếm có nguy cơ bị đe dọa, bao gồm 50 loài động thực vật quý hiếm.

4.2. Bảo vệ và phát triển hệ sinh thái kín thường xanh hỗn giao lá rộng - lá kim á nhiệt đới trên núi trung bình (độ cao 600 - 1.600m)

- Diện tích: 84.511,15ha (chiếm 12,61% DTTN), phân bố chủ yếu tại các huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc, Thông Nông, Nguyên Bình, đặc biệt phân bố thành dải phía bắc tỉnh Cao Bằng tập trung ở các huyện: Hà Quảng, Trà Lĩnh, Trùng Khánh, phía Tây và Bắc huyện Quảng Uyên, và vùng nhỏ tại xã Quang Trung và Trưng Vương huyện Hòa An; một phần diện tích lớn phân bố tại biên giới giữa huyện Trùng Khánh và huyện Hạ Lang;

- Mục đích bảo tồn: bảo vệ và phát triển HST rừng kín thường xanh hỗn giao lá rộng - lá kim á nhiệt đới trên núi trung bình (độ cao 600 - 1600m) đặc trưng của vùng núi trung bình Đông Bắc. Bảo vệ và phát triển nguồn gen tự nhiên quý hiếm có nguy cơ bị đe dọa.

4.3. Bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới, cây lá rộng trên núi thấp, ở độ cao dưới 600m

- Diện tích: 114.089,31ha (chiếm 17,02% DTTN), phân bố rải rác toàn bộ huyện Bảo Lâm, phía tây huyện Bảo Lạc, một diện tích nhỏ tại xã Sơn Lập và xã Sơn Lộ huyện Bảo Lạc; dải từ phía đông huyện Thông Nông sang phía Tây huyện Hà Quảng, kéo dài xuống huyện Hòa An, phía đông và nam huyện Nguyên Bình, nằm ở hầu hết các xã của huyện Thạch An, Quảng Uyên, Hạ Lang và nằm rải rác ở huyện Trùng Khánh với diện tích nhỏ;

- Mục đích bảo tồn: bảo vệ và phát triển HST rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới cây lá rộng trên núi thấp (độ cao dưới 600m) đặc trưng của vùng núi thấp Đông Bắc. Bảo vệ và phát triển nguồn gen tự nhiên quý hiếm có nguy cơ bị đe dọa bị tuyệt chủng.

4.4. Bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi

- Diện tích: 125.838,19ha (chiếm 18,77% DTTN), phân bố diện tích nhỏ tại các xã Đức Hạnh, Lý Bôn, Thạch Lâm, Quảng Lâm, Tân Việt, Nam Quang, thị trấn Pác Miầu, huyện Bảo Lâm; phía Bắc, Đông huyện Bảo Lạc; phía Bắc và Tây huyện Nguyên Bình; nằm rải rác hầu hết các xã huyện Thông Nông; và phân bố thành dải tập trung ở huyện Hà Quảng, Trà Lĩnh, Trùng Khánh, Hạ Lang, Quảng Uyên, Phục Hòa;

- Mục đích bảo tồn: bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi; bảo vệ các nguồn gen quý hiếm, có nguy cơ bị đe dọa.

4.5. Bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng tre nứa

- Diện tích: 3.526,74ha (chiếm 0,53% DTTN), phân bố nhỏ lẻ tại các xã Kim Cúc, Hưng Thịnh, Sơn Lộ, Huy Giáp, huyện Bảo Lạc; xã Dân chủ, Đức Long, Trương Lương, Bạch Đằng, Lê Chung, huyện Hòa An và xã Thịnh Vượng, huyện Nguyên Bình;

- Mục đích bảo tồn: trồng và phát triển, duy trì và nâng cao tỉ lệ che phủ rừng cho tỉnh Cao Bằng, có chức năng quan trọng về bảo vệ đất, dần thiết lập các vành đai xanh, xóa thế cô lập cho các khu bảo tồn.

4.6. Phát triển hệ sinh thái trảng cỏ cây bụi

Bảo vệ một phần diện tích của hệ sinh thái trảng cỏ, cây bụi 115.968,38ha (chiếm 17,30% DTTN) phân bố rải rác ở tất cả các huyện của tỉnh để phục hồi tăng độ che phủ rừng.

4.7. Bảo vệ và phát triển hệ sinh thái tự nhiên trên vùng đất ngập nước

Bảo vệ diện tích hệ sinh thái đất ngập nước 3.597,73ha (chiếm 0,54% DTTN) phân bố rải rác trong toàn tỉnh với các hệ thống sông suối lớn như: sông Bằng, sông Gâm, sông Bắc Vọng, sông Quây Sơn... nhằm giữ gìn nguồn nước trong sạch phục vụ đời sống dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, góp phần bảo tồn ĐDSH; bảo vệ và phát triển các giống loài thủy sản quý hiếm, có giá trị kinh tế và khoa học cao, bảo đảm cân bằng sinh thái.

5. Chương trình, dự án ưu tiên

Tổ chức triển khai theo phân kỳ đầu tư 08 nhóm chương trình, dự án ưu tiên thực hiện quy hoạch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (chi tiết tại phụ lục kèm theo Nghị quyết này).

6. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

6.1. Giải pháp tuyên truyền: tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về lợi ích và trách nhiệm của các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư trong việc bảo tồn ĐDSH đặc biệt là cộng đồng dân cư sống trong và xung quanh các khu bảo tồn. Phát huy vai trò của cộng đồng trong việc tổ chức quản lý, bảo vệ các khu bảo tồn, cơ sở bảo tồn ĐDSH trên địa bàn.

6.2. Giải pháp về vốn: huy động các nguồn lực tài chính để triển khai các chương trình dự án bảo tồn ĐDSH tỉnh Cao Bằng, bao gồm ngân sách Nhà nước, nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế, nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Kinh phí ngân sách để thực hiện các dự án ưu tiên đến năm 2020 là 20,5 tỷ đồng, định hướng thực hiện quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 52 tỷ VNĐ.

6.3. Giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực: xây dựng kế hoạch đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực quản lý của đội ngũ làm công tác bảo tồn ĐDSH từ các cấp, các ngành của địa phương.

6.4. Giải pháp về khoa học công nghệ: tăng cường công tác nghiên cứu; đẩy mạnh việc đưa khoa học công nghệ vào quản lý, bảo tồn ĐDSH trong các khu bảo tồn.

6.5. Giải pháp về cơ chế chính sách: nghiên cứu, điều chỉnh, hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý bảo tồn ĐDSH. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là cộng đồng địa phương tham gia thực hiện quy hoạch bảo tồn ĐDSH. Xây dựng chính sách hỗ trợ, đầu tư cho cộng đồng dân cư ở khu vực vùng đệm khu bảo tồn. Hoàn thiện, củng cố tổ chức, cơ chế quản lý đối với Ban quản lý các khu bảo tồn.

6.6. Giải pháp về hợp tác bảo tồn: tăng cường hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước, hợp tác quốc tế nhằm thu hút các nguồn tài trợ về tài chính và kỹ thuật để điều tra, nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ; mở rộng việc trao đổi, hợp tác khoa học với các nước. Tăng cường hợp tác với Trung Quốc trong công tác bảo tồn nguồn gen, xây dựng hành lang ĐDSH xuyên biên giới...

6.7. Giải pháp sinh kế bền vững cho người dân sinh sống trong các khu bảo tồn:

- Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo tồn ĐDSH đối với cán bộ quản lý và người dân trong các khu bảo tồn;

- Xây dựng, lưu giữ và phổ biến một số tập quán có tác dụng giảm quá trình tàn phá rừng, tài nguyên thiên nhiên và ĐDSH như: rừng thiêng, rừng ma, lùm cây thiêng, rừng bảo vệ nguồn nước của thôn bản, rừng của dòng họ...;

- Hỗ trợ vốn cho dân cư sống trong vùng đệm phát triển kinh tế, đảm bảo cuộc sống, bao gồm huy động các nguồn vốn, đề xuất các nguồn vốn sinh kế (vốn con người, tài chính, xã hội, tự nhiên và vật chất) ưu tiên để cải thiện;

- Triển khai thực hiện tốt chi trả dịch vụ môi trường rừng là một trong những giải pháp quan trọng để người dân tích cực tham gia bảo vệ rừng, bảo vệ ĐDSH;

- Triển khai thí điểm các mô hình hỗ trợ người dân: như mô hình quản lý rừng cộng đồng, mô hình du lịch cộng đồng, mô hình nuôi ong, nuôi dê, trồng cây thuốc, bếp đun tiết kiệm củi, mô hình trồng cây Trám đen…; tổ chức tham quan, học tập các mô hình áp dụng thành công đặc biệt là các mô hình cộng đồng tham gia quản lý rừng nghiến ở Hạ Lang hoặc cộng đồng tham gia phục hồi và phát triển rừng nghiến ở xã Phúc Sen...

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện với Hội đồng nhân dân tỉnh theo quy định.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát thực hiện Nghị quyết.

Điều 4. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày thông qua.

Nghị quyết đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng khóa XV, kỳ họp thứ 10 thông qua./.

 

 

Nơi nhận:
- Uỷ ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Ban công tác đại biểu UBTVQH;
- Văn phòng QH, Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Bộ Tài chính;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Cục Kiểm tra VBQPPL - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh uỷ;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- UBND tỉnh;
- UB MTTQ tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể tỉnh;
- Huyện uỷ, Thành ủy, HĐND, UBND các
huyện, thành phố;
- Trung tâm Thông tin (VP. UBND tỉnh);
- Lưu VT.

CHỦ TỊCH




Hà Ngọc Chiến

 

PHỤ LỤC

CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ƯU TIÊN TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUY HOẠCH
(Kèm theo Nghị quyết số 32/NQ-HĐND ngày 11 tháng 12 năm 2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng)

A. Danh mục các dự án thực hiện quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Cao Bằng đến năm 2020

Số TT

Tên chương trình, dự án ưu tiên

Mục tiêu

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

Tổng kinh phí (tỷ đồng)

 

 

I

TUYÊN TRUYỀN NÂNG CAO NHẬN THỨC CỘNG ĐỒNG VỀ BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC

5,0

 

I.1

Tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn ĐDSH tỉnh Cao Bằng

 

Nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, các đơn vị liên quan và cộng đồng dân cư về bảo tồn ĐDSH

Ban Tuyên giáo tỉnh Ủy

- Sở TN&MT; Các phòng TN&MT và các cơ quan, đơn vị KHCN liên quan;

- Tổ chức quốc tế, các cơ quan báo chí và các địa phương liên quan

5,0

 

II

QUY HOẠCH CHI TIẾT VÀ THÀNH LẬP CÁC KHU BẢO TỒN MỚI THEO LUẬT ĐA DẠNG SINH HỌC

3,5

 

II.1

Điều tra khảo sát, lập luận chứng quy hoạch chi tiết Vườn Quốc gia Phia Oắc - Phia Đén

Điều tra, khảo sát, đánh giá chi tiết điều kiện tự nhiên và ĐDSH để thành lập khu bảo tồn theo Luật Đa dạng sinh học

Sở TN&MT

Sở NN&PTNT và các cơ quan tổ chức, các đơn vị KHCN

1,0

 

II.2

Điều tra khảo sát, lập luận chứng quy hoạch chi tiết khu bảo tồn loài – sinh cảnh Trùng Khánh

Điều tra, khảo sát, đánh giá chi tiết điều kiện tự nhiên và ĐDSH để thành lập khu bảo tồn theo Luật Đa dạng sinh học

Sở TN&MT

Sở NN&PTNT và các cơ quan tổ chức, các đơn vị KHCN

2,0

 

II.3

Điều tra khảo sát, lập luận chứng quy hoạch chi tiết khu bảo vệ cảnh quan Trần Hưng Đạo

Điều tra, khảo sát, đánh giá chi tiết điều kiện tự nhiên và ĐDSH để thành lập khu bảo tồn theo Luật Đa dạng sinh học

Sở TN&MT

Sở NN&PTNT và các cơ quan tổ chức, các đơn vị KHCN

0,5

 

III

TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG CƠ SỞ BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC

2,0

 

III.1

Xây dựng các cơ sở bảo tồn ĐDSH (02 vườn thực vật, 02 vườn cây thuốc, 01 trạm cứu hộ động vật hoang dã và 01 cơ sở khác)

Thành lập các cơ sở bảo tồn ĐDSH nhằm bảo tồn chuyển chỗ các nguồn gen quý hiếm và đặc hữu của tỉnh

Các địa phương liên quan, Ban QL các khu bảo tồn

- Sở TN&MT và các cơ quan tổ chức, các đơn vị KHCN;

- Tổ chức quốc tế.

2,0

 

IV

ĐIỀU TRA, NGHIÊN CỨU PHÂN VÙNG SINH THÁI VÀ ĐÁNH GIÁ KHÔNG GIAN VỀ ĐA DẠNG SINH HỌC

4,0

 

IV.1

Điều tra, khảo sát, rà soát và xây dựng kế hoạch bảo vệ, phát triển diện tích các HST rừng tự nhiên tỉnh Cao Bằng

Xác định hiện trạng các HST rừng tự nhiên nhằm bảo vệ và phát triển toàn bộ diện tích các HST rừng tự nhiên nằm ngoài các khu bảo tồn đã được quy hoạch

Sở NN &PTNT

Sở TN&MT và các cơ quan tổ chức, các đơn vị khoa học công nghệ

2,0

 

IV.2

Xây dựng cơ sở dữ liệu về các khu bảo tồn tỉnh Cao Bằng

Tăng cường năng lực giảm sát, sử dụng và kết nối thông tin về đa dạng sinh học của các khu bảo tồn giữa các đơn vị có liên quan trong và ngoài tỉnh Cao Bằng

Sở TN&MT

Các ban quản lý Khu bảo tồn và các cơ quan tổ chức, các đơn vị khoa học công nghệ

2,0

 

V

ĐÀO TẠO, TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC THỰC HIỆN QUY HOẠCH BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC

2,0

 

V.1

Xây dựng kế hoạch đào tạo nâng cao nghiệp vụ chuyên môn và năng lực quản lý về bảo tồn đa dạng sinh học cho cán bộ quản lý các cấp

Tăng cường năng lực quản lý về bảo tồn đa dạng sinh học

Sở TN&MT

Sở NN&PTNT; Ban quản lý các khu bảo tồn, cơ sở bảo tồn ĐDSH , hành lang ĐDSH

2,0

 

VI

HOÀN THIỆN CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH QUẢN LÝ BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC

2,0

 

VI.1

Rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý bảo tồn Đa dạng sinh học tỉnh Cao Bằng

Điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý về bảo tồn ĐDSH phù hợp với điều kiện địa phương

Sở TN&MT

Sở Tư pháp, sở Khoa học và công nghệ, sở NN &PTNT và các sở ban ngành khác;

2,0

 

VII

NGHIÊN CỨU TRIỂN KHAI THÍ ĐIỂM CÁC MÔ HÌNH HỖ TRỢ NGƯỜI DÂN PHỤC VỤ CÔNG TÁC BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC

2,0

 

VII.1

Củng cố, phát triển và nhân rộng các mô hình cộng đồng tham gia bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Cao Bằng

Khuyến khích cộng đồng tham gia bảo vệ và phát triển các nguồn gen quý hiếm tỉnh Cao Bằng, nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế

Sở TN & MT, Sở NN & PTNT, Sở KH & CN

Ban quản lý các khu bảo tồn; Các cơ quan tổ chức, các đơn vị khoa học công nghệ

2,0

 

Tổng cộng

20,5

 

 

B. Danh mục các dự án định hướng thực hiện quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Cao Bằng giai đoạn từ 2021 đến 2030

Số TT

Tên chương trình, dự án ưu tiên

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

Kinh phí dự kiến (tỷ đồng)

I

TUYÊN TRUYỀN NÂNG CAO NHẬN THỨC CỘNG ĐỒNG VỀ BẢO TỒN ĐDSH

 

 

10,0

I.1

Tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Cao Bằng

Ban Tuyên giáo tỉnh Ủy

- Sở TN&MT; Các phòng TN&MT và các cơ quan tổ chức, các đơn vị KHCN;

- Tổ chức quốc tế, đài báo và các cơ quan trung ương

10,0

II

QUY HOẠCH CHI TIẾT VÀ THÀNH LẬP CÁC KHU BẢO TỒN MỚI THEO LUẬT ĐA DẠNG SINH HỌC

 

 

12,0

II.1

Điều tra khảo sát, lập luận chứng quy hoạch chi tiết các khu bảo tồn loài - sinh cảnh Hạ Lang, Trà Lĩnh - Thang Hen, Bảo Lâm, Bảo Lạc

Sở TN&MT

Sở NN&PTNT và các cơ quan tổ chức, các đơn vị KHCN

6,0

II.2

Điều tra khảo sát, lập luận chứng quy hoạch chi tiết khu bảo vệ cảnh quan Pác Bó, Thạch An, Bản Giốc, Lam Sơn

Sở TN&MT

Sở NN&PTNT và các cơ quan tổ chức, các đơn vị KHCN

4,5

II.3

Điều tra khảo sát, lập luận chứng quy hoạch chi tiết và thành lập khu bảo tồn vùng nước nội địa sông Bằng

Sở TN&MT

Sở NN&PTNT và các cơ quan tổ chức, các đơn vị KHCN

1,5

III

QUY HOẠCH CHI TIẾT CÁC HÀNH LANG ĐA DẠNG SINH HỌC

 

 

2,0

III.1

Điều tra khảo sát, lập luận chứng quy hoạch chi tiết các hành lang đa dạng sinh học

Sở TN&MT

Sở NN&PTNT và các cơ quan tổ chức, các đơn vị KHCN

2,0

IV

TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG CƠ SỞ BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC

 

 

4,0

IV.1

Điều tra, khảo sát đánh giá hiện trạng vật nuôi và đề xuất giải pháp bảo tồn tỉnh Cao Bằng

Sở NN &PTNT

Sở TN&MT và các cơ quan tổ chức, các đơn vị KHCN

4,0

V

ĐIỀU TRA, NGHIÊN CỨU PHÂN VÙNG SINH THÁI VÀ ĐÁNH GIÁ KHÔNG GIAN VỀ ĐA DẠNG SINH HỌC

 

 

10,0

V.1

Điều tra, khảo sát, rà soát và xây dựng kế hoạch bảo vệ, phát triển diện tích các HST rừng tự nhiên của tỉnh Cao Bằng

Sở NN &PTNT

Sở TN&MT và các cơ quan tổ chức, các đơn vị KHCN

2,0

V.2

Điều tra, thống kê, đánh giá định kỳ Đa dạng sinh học (hệ sinh thái, loài động vật, thực vật đặc hữu, quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng) tại các khu bảo tồn tỉnh Cao Bằng

Sở TN&MT

Các ban quản lý Khu bảo tồn và các cơ quan tổ chức, các đơn vị KHCN

6,0

V.3

Xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học các khu bảo tồn tỉnh Cao Bằng

Sở TN&MT

Các ban quản lý Khu bảo tồn và các cơ quan tổ chức, các đơn vị KHCN

2,0

VI

ĐÀO TẠO, TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC THỰC HIỆN QUY HOẠCH BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC

 

 

2,0

VI.1

Xây dựng kế hoạch đào tạo nâng cao nghiệp vụ chuyên môn và năng lực quản lý về bảo tồn ĐDSH cho cán bộ quản lý các cấp tỉnh Cao Bằng

Sở TN&MT

Sở NN&PTNT; Ban quản lý các khu bảo tồn, cơ sở bảo tồn ĐDSH, hành lang ĐDSH

2,0

VII

HOÀN THIỆN CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH QUẢN LÝ BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC CỦA ĐỊA PHƯƠNG

 

 

2,0

VII.1

Rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý bảo tồn Đa dạng sinh học tỉnh Cao Bằng

Sở TN&MT

Sở tư pháp, Sở khoa học và công nghệ, sở NN &PTNT và các sở ban ngành khác;

2,0

VIII

NGHIÊN CỨU TRIỂN KHAI THÍ ĐIỂM CÁC MÔ HÌNH HỖ TRỢ NGƯỜI DÂN PHỤC VỤ CÔNG TÁC BẢO TỒN ĐDSH

 

 

10,0

VIII.1

Củng cố, phát triển và nhân rộng các mô hình cộng đồng tham gia bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Cao Bằng

Sở TN & MT, Sở NN & PTNT, Sở KH&CN

Ban quản lý các khu bảo tồn; Các cơ quan tổ chức, các đơn vị KHCN

4,0

VIII.2

Xây dựng 02 mô hình trồng dược liệu cho dân cư vùng đệm khu bảo tồn Hạ Lang và Trùng Khánh.

Sở TN & MT, Sở NN & PTNT, Sở KH&CN

Ban quản lý các khu bảo tồn; Các cơ quan tổ chức, các đơn vị KHCN

2,0

VIII.3

Nhân rộng các mô hình trồng cây lấy củi cho dân cư vùng đệm các khu bảo tồn nhằm giảm thiểu sự tác động vào rừng tự nhiên và ĐDSH.

Sở TN & MT, Sở NN & PTNT, Sở KH&CN

Ban quản lý các khu bảo tồn và các cơ quan tổ chức, các đơn vị KHCN

2,0

VIII.4

Xây dựng mô hình phát triển chăn nuôi bền vững cho dân cư vùng đệm các khu bảo tồn

Sở TN & MT, Sở NN & PTNT

Ban quản lý các khu bảo tồn và các cơ quan tổ chức, các đơn vị KHCN

2,0

Tổng cộng

 

 

52,0

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 32/NQ-HĐND năm 2014 về Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Cao Bằng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

  • Số hiệu: 32/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 11/12/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Cao Bằng
  • Người ký: Hà Ngọc Chiến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/12/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản