Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 29/2011/NQ-HĐND

Phú Thọ, ngày 12 tháng 12 năm 2011

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ PHÂN BỔ CÁC NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ TỪ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2012

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
KHOÁ XVII, KỲ HỌP THỨ BA

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Quyết định số 2113/QĐ-TTg ngày 28 tháng 11 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2012; Quyết định số 2880/QĐ- BTC ngày 28 tháng 11 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2012;

Căn cứ Nghị quyết số 28/2011/NQ- HĐND ngày 12 tháng 12 năm 2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh khoá XVII về dự toán thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa phương, phương án phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm 2012;

Sau khi xem xét Tờ trình số 4282/TTr-UBND ngày 22 tháng 11 năm 2011 của ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết phân bổ các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước năm 2012, kèm theo Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển năm 2011 và kế hoạch đầu phát triển năm 2012; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách, và thảo luận,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Tán thành Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển năm 2011 và Kế hoạch đầu phát triển năm 2012 của Uỷ ban nhân dân tỉnh. Về bố trí vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước 2012, phân bổ như sau:

1. Về nguồn vốn đầu tư

Tổng số vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước kế hoạch 2012 (chưa bao gồm vốn chương trình mục tiêu, vốn TPCP) là 1.242,857 tỷ đồng, trong đó:

- Vốn đầu tư XDCB tập trung cân đối qua ngân sách (bao gồm cả tiền thu sử dụng đất) 515,4 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách cấp tỉnh: 332,68 tỷ đồng (bao gồm 26 tỷ đồng hỗ trợ công tác lập hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất); ngân sách cấp huyện, xã 182,72 tỷ đồng.

- Vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương 725,457 tỷ đồng.

2. Về nguyên tắc, bố trí vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước

Việc bố trí các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước phải phù hợp với khả năng huy động và cân đối nguồn vốn đầu tư của các cấp ngân sách năm 2012 và đảm bảo việc điều hành linh hoạt để thực hiện giải ngân và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư theo đúng tinh thần Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ; cụ thể như sau:

a) Về bố trí vốn NSNN thực hiện theo thứ tự ưu tiên như sau

- Ưu tiên bố trí vốn cho các dự án đã hoàn thành và đã bàn giao, đưa vào sử dụng trước ngày 31/12/2011 nhưng chưa bố trí đủ vốn; các công trình sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2012; trả nợ vay đến hạn; vốn đối ứng các dự án ODA, các dự án bộ ngành Trung ương cần triển khai năm 2012; vốn chuẩn bị đầu tư; hỗ trợ đầu tư trụ sở xã (lồng nghép vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương).

- Số vốn còn lại (nếu có) bố trí cho dự án mới (phải hạn chế tối đa). Chỉ bố trí khởi công mới các dự án thực sự cấp bách, có quyết định đầu tư, tổng dự toán được duyệt trước ngày 25/10/2011; đồng thời thực hiện theo nguyên tắc:

Việc bố trí vốn cho dự án mới năm 2012 phải bảo đảm tổng số vốn bố trí cho từng dự án (gồm vốn ngân sách trung ương, vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác) tối thiểu bằng 15% đối với dự án nhóm A; 20% đối với dự án nhóm B; 35% đối với dự án nhóm C so với tổng vốn đầu tư được duyệt; dự án nhóm B phải hoàn thành trong 5 năm, dự án nhóm C phải hoàn thành trong 3 năm.

- Đối với các dự án đang được đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước nhưng không bố trí được vốn kế hoạch năm 2012 sẽ phân loại và xử lý, như sau:

+ Đối với các dự án có khả năng chuyển đổi sang các hình thức đầu tư khác: Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các chủ đầu tư tiến hành đánh giá, phân tích và lập danh mục các dự án có khả năng chuyển đổi sang các hình thức đầu tư khác trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

+ Đối với các dự án không thể chuyển đổi được sang các hình thức đầu tư khác: Các cấp, các ngành chủ động xây dựng phương án huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện; trường hợp không huy động được nguồn vốn hợp pháp, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định tạm dừng năm 2012.

b) Đối với phần vốn cân đối ngân sách của huyện, xã và các nguồn vốn có tính chất NSNN khác; căn cứ nghị quyết của Hội đồng nhân dân, quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh về kế hoạch đầu tư phát triển năm 2012.

Giao trách nhiệm cho huyện, thành, thị cân đối ngân sách từ các khoản thu tiền sử dụng đất theo tỷ lệ điều tiết (ngân sách huyện được hưởng), các nguồn vượt thu để bố trí vốn đối ứng cho các công trình trên địa bàn do huyện làm chủ đầu tư và bổ sung cho các công trình đã phân cấp cho các huyện, thành, thị.

c) Về bố trí vốn các dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ 5 năm 2011 - 2015 và kế hoạch năm 2012.

Để đảm bảo cân đối và sử dụng có hiệu quả vốn trái phiếu Chính phủ phải thực hiện nghiêm túc chủ trương không bổ sung thêm dự án mới, đồng thời triển khai việc rà soát, sắp xếp các dự án đã có trong danh mục sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ và phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ 5 năm 2011 - 2015 và kế hoạch năm 2012 theo các nguyên tắc:

- Tập trung bố trí vốn cho các dự án hoàn thành và đã bàn giao, đưa vào sử dụng trước ngày 31 tháng 12 năm 2011 nhưng chưa bố trí đủ vốn.

- Ưu tiên bố trí vốn cho các dự án cần phải hoàn thành năm 2012; nếu còn nguồn vốn sẽ xem xét bố trí cho các dự án có khả năng hoàn thành năm 2013.

Danh mục dự án còn lại sẽ phân loại và xử lý như đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

- Vốn chương trình mục tiêu quốc gia: Bố trí đúng mức vốn, nhiệm vụ chương trình theo hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương. Riêng đối với các chương trình mục tiêu được cân đối ngân sách địa phương, sẽ linh hoạt trong việc phân bổ, điều chỉnh vốn phù hợp với khả năng hoàn thành chương trình, dự án.

3. Phương án bố trí

a) Đối với nguồn vốn đầu tư XDCB tập trung cân đối qua ngân sách (bao gồm cả tiền thu sử dụng đất):

Tổng số 515,4 tỷ đồng, trong đó:

- Ngân sách cấp tỉnh: 332,68 tỷ đồng, chiếm 64,5%; bố trí trả nợ ngân hàng phát triển 15 tỷ đồng; vốn đối ứng ODA 25 tỷ đồng; hỗ trợ hạ tầng các xã nông thôn mới (lồng ghép trụ sở xã) 6 tỷ đồng; chuẩn bị đầu tư 5 tỷ đồng; thực hiện dự án 255,6 tỷ đồng; hỗ trợ công tác lập hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 26 tỷ đồng.

- Bố trí cân đối ngân sách huyện, xã theo tỷ lệ điều tiết: 182,72 tỷ đồng, chiếm 35,5%: ưu tiên bố trí cho giáo dục- đào tạo, dạy nghề; trả nợ ngân sách tỉnh (vốn vay ưu đãi) và thanh toán cho các công trình, dự án do huyện, thành, thị làm chủ đầu tư.

b) Vốn hỗ trợ có mục tiêu ngân sách Trung ương

Tổng số 725,457 tỷ đồng, được bố trí cho 19 nhóm chương trình, dự án, đảm bảo đúng mục tiêu, mức vốn được giao, định hướng của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương.

(Nội dung cụ thể theo các biểu phân bổ chi tiết kèm theo)

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao:

- Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết;

- Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh khoá XVII, kỳ họp thứ ba thông qua ngày 09 tháng 12 năm 2011.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Doãn Khánh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 29/2011/NQ-HĐND về phân bổ các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước năm 2012 do tỉnh Phú Thọ ban hành

  • Số hiệu: 29/2011/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 12/12/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Phú Thọ
  • Người ký: Nguyễn Doãn Khánh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 19/12/2011
  • Ngày hết hiệu lực: 16/03/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản