Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 21/NQ-HĐND | Khánh Hòa, ngày 22 tháng 7 năm 2011 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TỈNH KHÁNH HÒA GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA
KHÓA V, KỲ HỌP THỨ 2
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
Căn cứ Quyết định 491/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới;
Căn cứ Quyết định 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới 2010 - 2020;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC ngày 13 tháng 4 năm 2011 của liên bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ;
Trên cơ sở xem xét Tờ trình số 3562/TTr-UBND ngày 13 tháng 7 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa và Báo cáo thẩm tra số 36/BC-HĐND ngày 20 tháng 7 năm 2011 của Ban văn hóa - xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2011 - 2015, gồm các nội dung chính sau:
1. Mục tiêu của Chương trình
a) Mục tiêu chung:
Xây dựng nông thôn mới Khánh Hoà đạt mục tiêu: Kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần người dân ngày càng được nâng cao; cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất phát triển phù hợp; gắn phát triển nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề nông thôn; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, văn minh, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị được tăng cường; an ninh trật tự xã hội được giữ vững. Phấn đấu đến năm 2015 toàn tỉnh Khánh Hòa đạt cơ bản các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16 tháng 04 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ.
- Năm 2011 - 2012: Tập trung hoàn thành quy hoạch xây dựng nông thôn mới 100% số xã. Rà soát, điều chỉnh Đề án các xã xây dựng nông thôn mới phù hợp với quy hoạch được duyệt.
- Giai đoạn 2011 - 2013: Song song với công tác quy hoạch, tập trung hỗ trợ, hướng dẫn nông dân tổ chức chuyển dịch cơ cấu, phát triển sản xuất nâng cao thu nhập; xem xét hỗ trợ các xã đầu tư hoàn thành cơ bản một số nội dung của các tiêu chí: giao thông, thủy lợi, trường học... đồng thời với đầu tư cơ sở hạ tầng về bưu điện, điện, nhà ở dân cư... nhằm bảo đảm có trên 50% số xã đạt từ 10 tiêu chí trở lên theo Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới;
- Giai đoạn 2013 - 2015: Tập trung chỉ đạo toàn diện, trong đó tiếp tục hỗ trợ đầu tư cho các xã để bảo đảm đến năm 2015 có 79/94 xã đạt từ 10 đến 19 tiêu chí, trong đó có 19 xã (20% số xã trên toàn tỉnh) đạt 19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới.
c) Phạm vi thực hiện: 94 xã trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
2. Các giải pháp và cơ chế chính sách thực hiện Chương trình
a) Phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư địa phương là chính, làm cho người dân ở nông thôn hiểu rõ họ là chủ thể xây dựng nông thôn mới, tạo sự đồng thuận cao trong dân. Nhà nước đóng vai trò định hướng, ban hành các quy chuẩn, chính sách, cơ chế hỗ trợ, đào tạo cán bộ và hướng dẫn thực hiện. Các hoạt động cụ thể do chính cộng đồng người dân ở thôn, xã bàn bạc dân chủ, quyết định và tổ chức thực hiện, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân.
b) Huy động cả hệ thống chính trị tham gia và thực hiện cuộc vận động xã hội sâu rộng về xây dựng nông thôn mới: Xác định nội dung xây dựng nông thôn mới là một nhiệm vụ chính trị của địa phương và các cơ quan có liên quan; phát động phong trào quần chúng.
c) Tăng cường công tác đào tạo, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở; nâng cao sức chiến đấu của tổ chức đảng, đoàn thể và chính quyền thực sự là hạt nhân lãnh đạo ở cơ sở; đào tạo bồi dưỡng nâng cao kiến thức, trình độ và phương pháp công tác của đội ngũ cán bộ cơ sở. Đào tạo nghề cho nông dân đồng thời trang bị những kiến thức cần thiết để họ chủ động tham gia quá trình xây dựng nông thôn mới và thích nghi với lối sống mới.
d) Xây dựng cơ chế huy động vốn hợp lý và bố trí đầu tư lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án. Kết hợp nhiều nguồn vốn huy động khác, khuyến khích và có cơ chế ưu đãi các doanh nghiệp đầu tư các công trình, dự án phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và các dự án khác có khả năng thu hồi vốn trực tiếp (cung cấp điện, nước sạch, thu gom rác thải, bảo vệ môi trường), huy động sự đóng góp của nhân dân vào xây dựng các cơ sở hạ tầng ở thôn, xóm và nội đồng khu sản xuất bằng nhiều hình thức đa dạng (sức lao động, góp vật tư, vật liệu xây dựng, hiến đất cho xây dựng các công trình, đóng góp bằng tiền), đồng thời tùy theo khả năng của từng địa phương mà huy động các nguồn khác...
đ) Tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ theo quy hoạch. Trong phát triển sản xuất cần phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, sản xuất sản phẩm hàng hoá mà địa phương có lợi thế. Xây dựng cơ chế chính sách phù hợp để tạo điều kiện phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế hộ gia đình, phát triển kinh tế trang trại, kinh tế tập thể như Tổ hợp tác, Hợp tác xã để đạt mục tiêu đưa sản xuất nông nghiệp trở thành sản xuất hàng hóa, mở rộng liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ để đạt mục tiêu nâng cao thu nhập của người dân.
e) Xây dựng đời sống văn hoá tinh thần lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, đồng thời với việc xây dựng các thiết chế văn hóa thể thao cơ sở.
g) Bảo vệ và phát triển môi trường ở nông thôn, trong đó lưu ý các lĩnh vực: Quy hoạch xây dựng và quản lý nghĩa trang, thu gom xử lý rác thải, xử lý chất thải chăn nuôi, tổ chức các hoạt động để cải thiện môi trường nông thôn…
3. Dự kiến nhu cầu và cơ chế bố trí vốn giai đoạn 2011 - 2015
a) Dự kiến nhu cầu vốn 2011 - 2015:
Tổng vốn : 5.739 tỷ đồng
Trong đó :
- Vốn ngân sách nhà nước : 2.583 tỷ đồng, tỷ lệ 45 %
- Vốn tín dụng : 1.205 tỷ đồng, tỷ lệ 21 %
- Vốn doanh nghiệp, HTX : 1.090 tỷ đồng, tỷ lệ 19 %
- Vốn cộng đồng, dân cư : 861 tỷ đồng, tỷ lệ 15 %
b) Cơ chế bố trí vốn: Thực hiện theo Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC ngày 13 tháng 4 năm 2011 của liên bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 15/2010/NQ-HĐND ngày 11 tháng 12 năm 2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa về nhiệm vụ chi đầu tư các cấp ngân sách giai đoạn 2011 - 2015 và Nghị quyết số 16/2010/NQ-HĐND ngày 11 tháng 12 năm 2010 của Hội đồng dân tỉnh Khánh Hòa về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2011 - 2015.
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.
Điều 3. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các ban Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này theo các lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi trách nhiệm được phân công.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa khóa V, kỳ họp thứ 2 thông qua./.
| CHỦ TỊCH |
- 1Nghị quyết 51/2012/NQ-HĐND thông qua Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Lai Châu đến năm 2020
- 2Kế hoạch 56/KH-UBND năm 2011 triển khai thực hiện chương trình hành động 08-CTR/TU về đầu tư phát triển nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 do Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên ban hành
- 1Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 2Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn do Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 491/QĐ-TTg năm 2009 về Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 800/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Thông tư liên tịch 26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC hướng dẫn nội dung thực hiện Quyết định 800/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Tài chính ban hành
- 6Nghị quyết 15/2010/NQ-HĐND về nhiệm vụ chi đầu tư các cấp ngân sách giai đoạn 2011 - 2015 do Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa khóa IV, kỳ họp thứ 15 ban hành
- 7Nghị quyết 16/2010/NQ-HĐND về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 do Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa khóa IV, kỳ họp thứ 15 ban hành
- 8Nghị quyết 51/2012/NQ-HĐND thông qua Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Lai Châu đến năm 2020
- 9Kế hoạch 56/KH-UBND năm 2011 triển khai thực hiện chương trình hành động 08-CTR/TU về đầu tư phát triển nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 do Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên ban hành
Nghị quyết 21/NQ-HĐND năm 2011 về Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2011 - 2015
- Số hiệu: 21/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 22/07/2011
- Nơi ban hành: Tỉnh Khánh Hòa
- Người ký: Lê Thanh Quang
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra