Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/2020/NQ-HĐND

 Thừa Thiên Huế, ngày 07 ttháng 12 năm 2020

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC PHÁT TRIỂN THỂ THAO THÀNH TÍCH CAO TỈNH THỪA THIÊN HUẾ GIAI ĐOẠN 2021 – 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
KHÓA VII, KỲ HỌP THỨ 11

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Thể dục, thể thao ngày 29 tháng 11 năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Thể dục, thể thao ngày 14 tháng 6 năm 2018;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019;

Xét Tờ trình số 10944/TTr-UBND ngày 03 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Đề án phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra của Ban văn hoá - xã hội và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Đề án phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 với các nội dung chủ yếu như sau:

1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

a) Phạm vi điều chỉnh

Phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

b) Đối tượng áp dụng

Vận động viên (VĐV), huấn luyện viên (HLV) các môn thể thao thành tích cao tỉnh Thừa Thiên Huế.

Các cơ quan, ban, ngành, địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Thừa Thiên Huế.

2. Mục tiêu chung

Tạo bước đột phá mạnh mẽ về thể thao thành tích cao, trong đó tập trung đầu tư trọng điểm phát triển các môn có tiềm năng và thế mạnh của tỉnh, các môn thể thao cơ bản trong Thế vận hội (Olympic), Đại hội Thể thao châu Á (Asiad), Đại hội Thể thao Đông Nam Á (Seagames), các giải trẻ quốc tế, khu vực và trong nước.

3. Mục tiêu cụ thể

a) Giai đoạn 2021 – 2025: Tập trung đầu tư các bộ môn thể thao trọng điểm:

Bộ môn thể thao trọng điểm nhóm 1: Vật, điền kinh, cờ vua, taekwondo, karatedo, bơi – lặn.

Bộ môn thể thao trọng điểm nhóm 2: Đá cầu, judo, cờ tướng, bắn cung, cầu lông, bóng đá.

Bộ môn thể thao trọng điểm nhóm 3: Vovinam.

Chú trọng phát triển các môn thể thao xã hội hoá: Bida, võ cổ truyền, bóng bàn, bi sắt, thể hình, bóng rổ, quần vợt, bóng đá bãi biển, bóng đá futsal, dance sport, bowling.

Tập trung đào tạo lực lượng VĐV tại các cơ sở đào tạo, huấn luyện thể dục thể thao (TDTT) của tỉnh với số lượng từ 400 - 500 VĐV năng khiếu. Hàng năm, tham gia thi đấu từ 60 giải thể thao quốc gia và quốc tế, phấn đấu đạt từ 300 - 315 huy chương các loại, trong đó có từ 20 - 30 huy chương quốc tế, đóng góp từ 15 - 20 VĐV vào các đội tuyển và tuyển trẻ quốc gia, có từ 75 – 90 vận động viên đạt đẳng cấp quốc gia.

Tham gia thi đấu tại Đại hội thể dục thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022 với lực lượng từ 125 đến 130 VĐV của 16 bộ môn, phấn đấu đạt 04 - 06 huy chương Vàng. Đại hội thể thao Đông Nam Á (Seagames): Lần thứ 31 năm 2021, tham gia thi đấu từ 02 - 03 môn phấn đấu đạt được 03 – 04 huy chương; Lần thứ 32 năm 2023, tham gia thi đấu từ 03 - 04 môn phấn đấu đạt được 04 - 05 huy chương; Lần thứ 33 năm 2025, tham gia thi đấu từ 04 - 05 môn phấn đấu đạt được 05 - 06 huy chương.

b) Giai đoạn 2026 – 2030

Tiếp tục phát triển các bộ môn thế mạnh giai đoạn trước, tập trung đầu tư thêm 02 môn thể thao thành tích cao là Cầu mây, Cử tạ (Nhóm 3).

Duy trì hệ thống đào tạo lực lượng VĐV tại các cơ sở đào tạo, huấn luyện thể dục thể thao của tỉnh với số lượng từ 500 đến 600 VĐV năng khiếu. Hàng năm, tham gia thi đấu và phấn đấu đạt từ 330 - 370 huy chương các loại, trong đó có từ 30 - 35 huy chương quốc tế, đóng góp từ 25 - 35 VĐV vào các đội tuyển và tuyển trẻ quốc gia, có từ 100 – 120 VĐV đạt đẳng cấp quốc gia.

Đại hội thể dục thể thao toàn quốc: lần thứ X năm 2026, tham gia thi đấu từ 16 đến 18 môn phấn đấu đạt được 06 - 08 huy chương vàng; lần thứ XI năm 2030, tham gia thi đấu từ 20 môn phấn đấu đạt được 08 - 10 huy chương vàng. Đại hội thể thao Đông Nam Á (Seagames) lần thứ 34 năm 2027, lần thứ 35 năm 2029 phấn đấu đạt từ 06 đến 08 huy chương.

4. Nhiệm vụ

Nghiên cứu, xây dựng, triển khai thực hiện cơ chế, chính sách tuyển chọn, đào tạo và sử dụng HLV và VĐV tài năng. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học trong đào tạo và phát triển tài năng thể thao thành tích cao.

Đầu tư có trọng điểm đối với VĐV, HLV có khả năng tranh chấp huy chương. Nâng cao năng lực của các đơn vị sự nghiệp khối thể dục thể thao.

Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại cho lĩnh vực thể dục thể thao.

Bảo đảm nguồn lực về tài chính.

5. Giải pháp thực hiện

a) Nhóm giải pháp về cơ chế chính sách: Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về các chế độ chính sách cho các VĐV, HLV thể thao thành tích cao. Đổi mới chính sách khuyến khích, đãi ngộ đội ngũ VĐV và HLV thể thao thành tích cao. Nghiên cứu điều chỉnh và ban hành những quy chế đặc thù để đãi ngộ xứng đáng các VĐV, HLV đạt được nhiều thành tích cao tại các giải thi đấu quốc tế. Xây dựng kế hoạch và tổ chức có hiệu quả cho các HLV, VĐV đi tập huấn và nâng cao trình độ ở nước ngoài. Xây dựng các chương trình đào tạo và tổ chức mời các chuyên gia trong lĩnh vực thể dục thể thao tham gia các chương trình đào tạo nâng cao trình độ cho HLV, VĐV ở Thừa Thiên Huế.

b) Nhóm giải pháp đầu tư có trọng điểm đối với VĐV, HLV có khả năng tranh chấp huy chương: Xây dựng kế hoạch tập luyện, tổ chức tập huấn ở nước ngoài hoặc các Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia, các địa phương có thế mạnh đối với các đội tuyển, vận động viên ưu tú của các môn thể thao trọng điểm, đặc biệt là các môn thể thao tham gia Đại hội TDTT toàn quốc, Đại hội Thể thao Đông Nam Á (Seagames), Đại hội Thể thao Châu Á (Asiad).

Hàng năm, tổ chức tập huấn chuyên sâu dành cho VĐV có khả năng tranh chấp huy chương tại các giải vô địch quốc gia, quốc tế và tập huấn trọng điểm trước mỗi kỳ Đại hội gồm:

Tập huấn hàng năm: Tập trung lựa chọn VĐV ưu tú nhóm 1:

Tập huấn trong nước: 06 môn x (03 VĐV 01 HLV)/môn x 01 tháng; tập huấn nước ngoài: 02 môn x (02 VĐV 01 HLV)/môn x 1 tháng;

Tập huấn trước kỳ Đại hội TDTT toàn quốc đối với số VĐV ưu tú trong các môn nhóm 1, 2 và 3 có khả năng đạt thành tích tại kỳ đại hội.

Tập huấn trong nước: 08 môn x (80 - 90 VĐV 16 HLV)/môn x 01 tháng; tập huấn nước ngoài: 02 môn x (10-12 VĐV 2 HLV)/môn x 01 tháng;

Hàng năm, thuê HLV giỏi (05 - 07 HLV) để huấn luyện vận động viên có khả năng tranh chấp huy chương.

c) Nhóm giải pháp nâng cao năng lực của các đơn vị sự nghiệp khối Thể dục thể thao: Đổi mới công tác quản lý hoạt động của các đơn vị sự nghiệp thể dục, thể thao; tiếp tục thực hiện lộ trình chuyển đổi hoạt động của các cơ sở thể dục, thể thao công lập sang phương thức cung ứng dịch vụ công. Đầu tư, xây dựng kế hoạch tuyển chọn, huấn luyện lực lượng HLV, VĐV thành tích cao từ nay đến 2030. Rà soát, đánh giá toàn diện về đội ngũ HLV, VĐV. Xây dựng kế hoạch, nội dung ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào công tác tuyển chọn, huấn luyện VĐV tài năng.

d) Nhóm giải pháp đầu tư tập trung xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại: Nâng cấp và hiện đại hóa cơ sở vật chất - kỹ thuật và trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ đạt chuẩn quốc tế phục vụ đào tạo, huấn luyện và thi đấu thể thao thành tích cao. Đảm bảo ổn định nguồn ngân sách cho việc sửa chữa, bổ sung cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ công tác huấn luyện thể thao. Đầu tư khu tập luyện thể thao (võ thuật, cầu lông...); cải tạo bể bơi, lắp đặt hệ thống nước nóng tại bể bơi 25m; nâng cấp và bảo dưỡng sân vận động Tự Do Huế; khu tập thể lực chung và hồi phục cho VĐV; khu ký túc xá, bếp ăn cho VĐV; trang thiết bị đảm bảo để phục vụ tập luyện, thi đấu...

đ) Giải pháp về nguồn lực: Hàng năm, ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án. Đồng thời, huy động các nguồn lực xã hội hóa để góp phần phát triển thể thao thành tích cao.

Điều 2. Điều khoản thi hành

Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 07/2013/NQ-HĐND ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh về phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết theo nhiệm vụ, quyền hạn đã được pháp luật quy định.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VII, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 07 tháng 12 năm 2020 và có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- UBTV Quốc hội, Chính phủ;
- Ban Công tác đại biểu QH;
- Các Bộ: Tài chính, VHTTDL;
- Cục Kiểm tra VBQPPL - Bộ Tư pháp;
- Thường vụ Tỉnh ủy, Đoàn Đại biểu QH tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- TT.HĐND, UBND các huyện, thị xã, TP.Huế;
- Công báo tỉnh;
- VP : LĐ và các CV ;
- Lưu VT, VX.

CHỦ TỊCH




Lê Trường Lưu

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 16/2020/NQ-HĐND về phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030

  • Số hiệu: 16/2020/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 07/12/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Lê Trường Lưu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản