Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/2012/NQ-HĐND

Bến Tre, ngày 10 tháng 7 năm 2012

 

NGHỊ QUYẾT

BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN, CÁC BAN HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN, TỔ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN, ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN VÀ VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE - KHOÁ VIII, NHIỆM KỲ 2011-2016

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE
KHOÁ VIII - KỲ HỌP THỨ 4

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Sau khi nghe Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh trình bày dự thảo Quy chế hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, Đại biểu Hội đồng nhân dân và Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre - khoá VIII;

Sau khi nghe báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế và ý kiến của Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này Quy chế hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, Đại biểu Hội đồng nhân dân và Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre - khoá VIII, nhiệm kỳ 2011-2016.

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp thu ý kiến đóng góp của đại biểu tại kỳ họp để chấn chỉnh, bổ sung Quy chế và tổ chức thực hiện.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khoá VIII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 10 tháng 7 năm 2012 và có hiệu lực sau 10 (mười) ngày kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Võ Thành Hạo

 

QUY CHẾ

HOẠT ĐỘNG CỦA THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN, CÁC BAN HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN, TỔ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN, ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN VÀ VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE KHOÁ VIII, NHIỆM KỲ 2011-2016
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 15/2012/NQ-HĐND ngày 10 tháng 7 năm 2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.

Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh do Hội đồng nhân dân tỉnh bầu ra tại kỳ họp thứ nhất của mỗi khoá.

Nhiệm kỳ của Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân bắt đầu từ khi được Hội đồng nhân dân bầu ra và kết thúc khi Hội đồng nhân dân khoá mới bầu ra Thường trực Hội đồng nhân dân và các Ban Hội đồng nhân dân.

Điều 2.

Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, Đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, quyết định theo đa số. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 2003, Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân năm 2005.

Hiệu quả hoạt động của Thường trực, các Ban Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, Đại biểu Hội đồng nhân dân được đảm bảo bằng hiệu quả của công việc:

- Tổ chức các kỳ họp của Hội đồng nhân dân tỉnh.

- Hoạt động của Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Uỷ viên Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh.

- Hoạt động của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

- Hoạt động của Trưởng các Ban Hội đồng nhân dân, Tổ trưởng Tổ đại biểu và Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh.

Điều 3.

Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh do Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định thành lập theo Nghị quyết số 545/2007/NQ-UBTVQH12 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 11 tháng 12 năm 2007 thành lập và quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh, là bộ máy giúp việc của Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có chức năng tham mưu, phục vụ cho hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh.

Điều 4.

Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh chịu sự giám sát và hướng dẫn hoạt động của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các Uỷ ban của Quốc hội, chịu sự hướng dẫn, kiểm tra của Chính phủ.

Chương II

THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH

Điều 5.

Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Uỷ viên Thường trực Hội đồng nhân dân. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại các Điều 53, 66, 67, 68, 69, 70, 71, 72 và 73 của Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 2003 và các Điều 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 57, 58, 59, 60, 61, 62, 63 của Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân năm 2005.

Thường trực Hội đồng nhân dân chủ toạ các kỳ họp Hội đồng nhân dân và bảo đảm các hoạt động của Hội đồng nhân dân giữa hai kỳ họp; chịu trách nhiệm và báo cáo kết quả hoạt động trước Hội đồng nhân dân, Chính phủ và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội theo quy định của pháp luật.

Điều 6.

Chủ tịch Hội đồng nhân dân hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, phụ trách chung. Ngoài ra có nhiệm vụ:

1. Chủ trì cùng tập thể Thường trực Hội đồng nhân dân dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh.

2. Chậm nhất 40 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp thường lệ, chủ trì hội nghị liên tịch để dự kiến nội dung, thời gian kỳ họp và phân công việc chuẩn bị kỳ họp. Trước khai mạc kỳ họp 05 ngày kiểm tra việc chuẩn bị nội dung kỳ họp.

3. Quyết định và thông báo triệu tập kỳ họp thường lệ và bất thường. Công bố chương trình, nội dung và thời gian kỳ họp.

4. Ký các Nghị quyết và biên bản kỳ họp; phê chuẩn kết quả bầu cử các chức danh của Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp.

5. Giữa hai kỳ họp, cùng Phó Chủ tịch, Uỷ viên Thường trực Hội đồng nhân dân phối hợp với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh giải quyết những vấn đề phát sinh khi thực hiện Nghị quyết Hội đồng nhân dân hoặc quyết định điều chỉnh bổ sung những biện pháp nhằm đảm bảo thực hiện Nghị quyết; sau đó báo cáo để Hội đồng nhân dân xem xét tại kỳ họp gần nhất.

6. Phê duyệt chương trình công tác của Thường trực Hội đồng nhân dân, đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của Hội đồng nhân dân tỉnh.

7. Chủ trì phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định việc bầu bổ sung hoặc bãi miễn Đại biểu Hội đồng nhân dân theo đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh hoặc bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu.

8. Chủ trì cuộc họp của Thường trực Hội đồng nhân dân ít nhất mỗi quý một lần với Trưởng, Phó các Ban và Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân (khi cần thiết có thể mời Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các cơ quan đoàn thể khác dự) để kiểm điểm thực hiện Nghị quyết Hội đồng nhân dân và xử lý những vụ việc cụ thể do Thường trực và các Ban Hội đồng nhân dân đề xuất kiến nghị.

9. Giữ mối quan hệ phối hợp công tác với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Sáu tháng, năm báo cáo tình hình tổ chức, hoạt động của Hội đồng nhân dân lên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ.

10. Phê duyệt kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn cho Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, huyện, thành phố.

Điều 7.

Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh hoạt động chuyên trách, có nhiệm vụ:

1. Chuẩn bị nội dung hội nghị liên tịch và các cuộc họp Thường trực Hội đồng nhân dân.

2. Tổ chức các kỳ họp, theo dõi đảm bảo việc chuẩn bị các báo cáo và các dự thảo Nghị quyết kỳ họp.

3. Xem xét văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban nhân dân cùng cấp, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp.

4. Tiếp nhận các kiến nghị chất vấn của Đại biểu Hội đồng nhân dân giữa hai kỳ họp để chuyển đến người bị chất vấn và quy định thời gian, hình thức trả lời chất vấn.

5. Chỉ đạo xây dựng và phân công thực hiện các chương trình công tác, kế hoạch kiểm tra, giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân giữa hai kỳ họp quy định tại các Điều 66, 67, 68, 69 của Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 2003; các Điều 57, 58, 59 Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân năm 2005.

6. Chỉ đạo xây dựng kế hoạch và triển khai lấy ý kiến đóng góp các dự án luật, phối hợp việc tuyên truyền giáo dục pháp luật.

7. Điều hoà phối hợp hoạt động thường xuyên của các Ban và phân công tham gia chuẩn bị các kỳ họp. Tham dự hoặc phân công Uỷ viên Thường trực dự các cuộc họp của các Ban khi cần thiết.

8. Tham dự các cuộc họp thường kỳ của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

9. Mỗi năm hai lần tổ chức trao đổi kinh nghiệm hoạt động với các Ban, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và Thường trực Hội đồng nhân dân các huyện, thành phố để nâng cao chất lượng hoạt động của Đại biểu Hội đồng nhân dân. Tổ chức đi trao đổi kinh nghiệm hoạt động với Hội đồng nhân dân tỉnh bạn.

10. Giữ mối liên hệ chặt chẽ với Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Chánh án Toà án nhân dân tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và người đứng đầu các đoàn thể tỉnh. Quan hệ chặt chẽ với Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, báo cáo hoặc xin ý kiến triển khai các hoạt động của Hội đồng nhân dân.

11. Đôn đốc Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, tổ chức để đại biểu tiếp xúc cử tri, tổ chức cho đại biểu nghiên cứu quán triệt các quy định của pháp luật.

12. Phụ trách lĩnh vực pháp chế và văn hoá - xã hội. Làm Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn thẩm phán, kiểm sát viên sơ cấp, trung cấp và chủ tài khoản.

Điều 8.

Uỷ viên Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh hoạt động chuyên trách, có nhiệm vụ:

1. Trực và xử lý các công việc hàng ngày của Thường trực Hội đồng nhân dân.

2. Chỉ đạo, chuẩn bị đề cương cho Đại biểu Hội đồng nhân dân tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp.

3. Phối hợp với Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổng hợp ý kiến kiến nghị của cử tri, Tổ đại biểu, Đại biểu Hội đồng nhân dân qua tiếp xúc cử tri và báo cáo tại các kỳ họp hoặc chuyển đến cơ quan hữu quan giải quyết.

4. Tổ chức tiếp công dân đến Thường trực Hội đồng nhân dân (khi cần thiết mời Trưởng các Ban có liên quan cùng tiếp). Theo dõi, đôn đốc các tổ chức và cá nhân có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, giải quyết các yêu cầu, kiến nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban, Tổ đại biểu và Đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật.

5. Theo dõi hoạt động của Tổ đại biểu và Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh.

6. Theo dõi tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân các huyện, thành phố.

7. Phụ trách khối, cụm thi đua của Hội đồng nhân dân.

8. Theo dõi giải quyết chính sách cho đại biểu và cán bộ, công chức, nhân viên Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh.

9. Mỗi năm hai lần vào giữa năm và cuối năm thông báo tình hình hoạt động Hội đồng nhân dân tỉnh, Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh cho Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh.

10. Phụ trách lĩnh vực kinh tế và ngân sách và Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh.

Chương III

CÁC BAN HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH

Điều 9.

Hội đồng nhân dân tỉnh có 03 Ban: Ban Kinh tế và Ngân sách, Ban Văn hoá -Xã hội, Ban Pháp chế. Mỗi Ban có Trưởng ban hoạt động chuyên trách, 02 Phó Trưởng ban và 06 thành viên hoạt động kiêm nhiệm, có chuyên viên nghiên cứu giúp việc thuộc biên chế Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh.

Điều 10.

Các Ban thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại các Điều 55, 74, 75, 76, 77, 78, 79, 80, 81 của Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 2003, các Điều 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32, 36, 37, 64, 65, 66 Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân năm 2005.

Giữa các Ban có mối quan hệ hợp tác trao đổi, cung cấp thông tin trong hoạt động. Khi cần thiết phối hợp giám sát, kiểm tra.

Điều 11.

Các Ban hoạt động theo chương trình, kế hoạch định kỳ hàng quý, sáu tháng, năm và lịch hoạt động giám sát hàng tháng. Kết quả hoạt động, các kiến nghị báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân. Sáu tháng, năm có họp Ban sơ, tổng kết hoạt động.

Các Ban ba tháng họp một lần do Trưởng ban chủ trì để đánh giá kết quả hoạt động, thông qua chương trình hoạt động kỳ tiếp theo và phân công các thành viên tham gia thực hiện.

Báo cáo thẩm tra của các Ban chuẩn bị trình tại kỳ họp phải được thông qua tập thể Ban.

Điều 12.

Các thành viên kiêm nhiệm của các Ban được phân công phụ trách một số công việc cụ thể và báo cáo kết quả thực hiện tại cuộc họp Ban. Đồng thời mỗi thành viên tham dự đầy đủ các cuộc họp Ban và các hoạt động của Ban theo chương trình, kế hoạch công tác đã được thống nhất.

Điều 13.

Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ theo Điều 10 của Quy chế này, các Ban còn có nhiệm vụ như sau:

1. Ban Kinh tế và Ngân sách theo dõi, đôn đốc kiểm tra giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân thuộc các lĩnh vực kinh tế, ngân sách, xây dựng cơ bản, quản lý sử dụng đất đai, giải toả đền bù, tài nguyên môi trường.

2. Ban Văn hoá - Xã hội theo dõi, đôn đốc kiểm tra giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân thuộc các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế, chính sách xã hội, lao động, việc làm.

3. Ban Pháp chế theo dõi, đôn đốc kiểm tra giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân thuộc các lĩnh vực nội chính, tranh chấp đất đai và các lĩnh vực khác còn lại.

Chương IV

TỔ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH

Điều 14.

Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh được tổ chức gồm 09 tổ theo số lượng đại biểu ở đơn vị được bầu của mỗi huyện và thành phố; đồng thời là tổ thảo luận tài liệu các kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh.

Tổ đại biểu có Tổ trưởng, Tổ phó và Thư ký do tổ bầu, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

Tổ trưởng điều hành các phiên họp thảo luận tổ và chủ trì các cuộc họp tổ. Tổ trưởng vắng thì Tổ phó thay.

Điều 15.

Tổ đại biểu giữ mối quan hệ chặt chẽ với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nơi đại biểu trong tổ được bầu để thực hiện nhiệm vụ đại biểu nhân dân.

Điều 16.

Chậm nhất 15 ngày trước khai mạc kỳ họp, Tổ đại biểu họp, thảo luận các tài liệu chính của kỳ họp, phân công đại biểu tiếp xúc cử tri ở một số địa phương và chuẩn bị ý kiến phát biểu tại kỳ họp.

Trước, sau kỳ họp, Tổ trưởng phân công đại biểu tiếp xúc cử tri và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân.

Chương V

ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH

Điều 17.

Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo các Điều 36, 37, 38, 39, 40, 41, 42, 43, 44, 45 của Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 2003; các Điều 1, 2, 3 Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân năm 2005. Gương mẫu chấp hành chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, nghị quyết Hội đồng nhân dân và tích cực tuyên truyền vận động cử tri cùng thực hiện.

Điều 18.

Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh phải tham dự đầy đủ các cuộc họp tổ, các kỳ họp Hội đồng nhân dân; vắng mặt họp tổ phải xin phép Tổ trưởng và phải được sự đồng ý. Vắng mặt kỳ họp phải xin phép Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh và phải được sự đồng ý. Nêu cao trách nhiệm đóng góp ý kiến tại diễn đàn Hội đồng nhân dân.

Điều 19.

Trước và sau các kỳ họp Hội đồng nhân dân, Đại biểu Hội đồng nhân dân phải tiếp xúc cử tri. Cuộc tiếp xúc cử tri cuối năm ngoài việc báo cáo kết quả kỳ họp, Đại biểu Hội đồng nhân dân báo cáo với cử tri về hoạt động trong năm, nhiệm vụ năm tới của mình và của Hội đồng nhân dân. Sau các cuộc tiếp xúc cử tri phải báo cáo kết quả đến Thường trực Hội đồng nhân dân và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh.

Điều 20.

Nếu có yêu cầu của cử tri, Đại biểu Hội đồng nhân dân phải có thời gian để tiếp công dân, thu thập ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng của cử tri; tiếp nhận, chuyển đơn, đôn đốc, theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri.

Chương VI

VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH

Điều 21.

Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, tổ chức thực hiện theo Nghị quyết số 545/2007/NQ-UBTVQH12 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 11 tháng 12 năm 2007, có Quy chế hoạt động riêng.

Chương VII

MỐI QUAN HỆ HOẠT ĐỘNG GIỮA THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN, ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH VỚI CÁC CƠ QUAN VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH

Điều 22.

Quan hệ với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh:

1. Phối hợp tiếp xúc cử tri, phản ánh nguyện vọng của cử tri đến các cơ quan hữu quan giải quyết.

2. Phối hợp kiểm tra, giám sát những vụ việc cụ thể.

Điều 23.

Quan hệ với Thường trực Tỉnh uỷ, tiếp nhận chủ trương, chỉ đạo và báo cáo thỉnh thị.

Điều 24.

Quan hệ với Uỷ ban nhân dân tỉnh và các cơ quan chuyên môn trực thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh:

1. Chuẩn bị nội dung các kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh.

2. Giám sát, kiểm tra việc thực hiện các Nghị quyết Hội đồng nhân dân. Bổ sung các biện pháp xử lý những vấn đề phát sinh trong thực hiện Nghị quyết Hội đồng nhân dân.

3. Yêu cầu báo cáo kết quả xử lý các kiến nghị của Hội đồng nhân dân và của cử tri.

4. Tham dự các cuộc họp của Uỷ ban nhân dân tỉnh.

5. Đảm bảo các yêu cầu cần thiết phục vụ cho hoạt động của Thường trực và các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh.

Điều 25.

Quan hệ với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh:

1. Phối hợp trong công tác tham gia xây dựng chính quyền.

2. Giám sát các hoạt động của Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh.

3. Thay đổi, bổ sung, bãi miễn Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh.

4. Thông báo cho Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tình hình hoạt động của Đại biểu Hội đồng nhân dân và kiến nghị với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh những vấn đề cần thiết.

5. Phối hợp tổ chức việc lấy kiến đóng góp các dự án luật và thực hiện công tác tuyên truyền pháp luật ở địa phương.

6. Tổ chức cho Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp xúc với cử tri.

7. Phối hợp, theo dõi, đôn đốc giải quyết các kiến nghị của cử tri.

Điều 26.

Quan hệ với các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh:

1. Phân công chuẩn bị các kỳ họp.

2. Điều hoà, phối hợp các hoạt động thường xuyên.

3. Giải quyết các yêu cầu, kiến nghị.

4. Công tác cán bộ.

Điều 27.

Quan hệ với Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh:

1. Tiếp xúc cử tri, tổng hợp ý kiến cử tri.

2. Cung cấp thông tin, tài liệu liên quan hoạt động của Đại biểu Hội đồng nhân dân.

3. Giải quyết các chế độ chính sách cho Đại biểu Hội đồng nhân dân.

Điều 28.

Quan hệ với Thường trực Hội đồng nhân dân các huyện, thành phố:

1. Hướng dẫn, trao đổi thông tin kinh nghiệm hoạt động Hội đồng nhân dân.

2. Phối hợp kiểm tra giám sát.

3. Công tác thi đua.

Chương VIII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 29.

Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh và các cơ quan có liên quan có trách nhiệm thực hiện Quy chế này.

Các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh cần cụ thể hoá Quy chế này để thực hiện phù hợp./.

 

 

CHỦ TỊCH




Võ Thành Hạo

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 15/2012/NQ-HĐND về quy chế hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, Đại biểu Hội đồng nhân dân và Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre - khoá VIII, nhiệm kỳ 2011-2016

  • Số hiệu: 15/2012/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 10/07/2012
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre
  • Người ký: Võ Thành Hạo
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/07/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản