Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 124/2021/NQ-HĐND

Ninh Bình, ngày 10 tháng 12 năm 2021

NGHỊ QUYẾT

QUY ĐỊNH VIỆC XỬ LÝ CÁC CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH KHÔNG BẢO ĐẢM YÊU CẦU VỀ PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY ĐƯỢC ĐƯA VÀO SỬ DỤNG TRƯỚC NGÀY LUẬT PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY NGÀY 29 THÁNG 6 NĂM 2001 CÓ HIỆU LỰC

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH
KHÓA XV, KỲ HỌP THỨ 4

n cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001;

Căn cứ khoản 33 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 22 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Nghị quyết số 99/2019/QH14 ngày 27 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy;

Căn cứ Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;

Căn cứ Thông tư số 149/2020/TT-BCA ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;

Căn cứ Thông tư số 02/2021/TT-BXD ngày 19 tháng 5 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành QCVN 06:2021/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình;

Xét Tờ trình số 137/TTr-UBND ngày 19 tháng 11 năm 2021 của của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình về việc đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết quy định xử lý các cơ sở trên địa bàn tỉnh Ninh Bình không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001 có hiệu lực; Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Quy định việc xử lý đối với các cơ sở trên địa bàn tỉnh Ninh Bình không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001 có hiệu lực như sau:

1. Về bố trí mặt bằng, công năng sử dụng

Bố trí, sắp xếp lại mặt bằng, công năng của các tầng, các khu vực trong cơ sở phải bảo đảm theo quy định hiện hành. Trường hợp không thể thực hiện theo quy định hiện hành thì hạn chế số người hoạt động tại các tầng hầm, tầng cao của công trình; bố trí ở các tầng thấp đối với các phòng có nhóm người hạn chế về vận động như trẻ em, người già, người bệnh, người tàn tật.

2. Về giao thông phục vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Lối vào cho xe chữa cháy phải bảo đảm theo quy định hiện hành; trong trường hợp không thể thực hiện được thì áp dụng một trong các giải pháp sau nhưng phải bảo đảm yêu cầu kỹ thuật theo quy định:

a) Sử dụng đường giao thông của các công trình liền kề hoặc đường giao thông bên ngoài tiếp giáp công trình.

b) Bổ sung các họng tiếp nước từ chỗ xe chữa cháy có thể triển khai tiếp nước đến hệ thống chữa cháy của công trình; trang bị máy bơm chữa cháy khiêng tay đối với cơ sở có nguồn nước chữa cháy ngoài công trình; lắp đặt bổ sung hệ thống lăng phun nước được điều khiển bằng tay trong công trình dọc theo chiều dài phía xe chữa cháy không tiếp cận được.

3. Về khoảng cách an toàn về phòng cháy, chữa cháy

Khoảng cách an toàn về phòng cháy, chữa cháy phải bảo đảm theo quy định hiện hành; trong trường hợp không thể thực hiện được thì áp dụng một trong các giải pháp sau nhưng phải bảo đảm yêu cầu kỹ thuật theo quy định:

a) Trang bị bổ sung đầu phun Sprinkler tự động hoặc màn nước ngăn cháy tại vị trí bố trí các vật liệu không bảo đảm giới hạn chịu lửa. Bố trí chất cháy cách xa tường phía tiếp giáp với công trình xung quanh, đồng thời giảm tải trọng chất cháy bố trí trong công trình.

b) Tạo vùng ngăn cháy trong công trình phía tiếp giáp với tường ngoài, bảo đảm tổng chiều rộng của vùng ngăn cháy không nhỏ hơn khoảng cách phòng cháy, chữa cháy theo quy định hiện hành.

4. Về bậc chịu lửa

Bậc chịu lửa của cơ sở phải bảo đảm theo quy định hiện hành; trong trường hợp không thể thực hiện được thì áp dụng giải pháp sau nhưng phải bảo đảm yêu cầu kỹ thuật theo quy định: Bổ sung các giải pháp gia cố, tăng cường bảo vệ các cấu kiện xây dựng, cụ thể gồm sơn chống cháy, bọc bằng gạch, trát bằng vữa xi măng hoặc các chất không cháy lên cấu kiện, lắp đặt các trần treo, tường ngăn sử dụng vật liệu ngăn cháy phù hợp để tăng giới hạn chịu lửa của công trình theo quy định.

5. Về lối ra thoát nạn

Lối ra thoát nạn tại các cơ sở phải bảo đảm theo quy định hiện hành; trong trường hợp không thể thực hiện được thì áp dụng một trong các giải pháp sau nhưng phải bảo đảm yêu cầu kỹ thuật theo quy định:

a) Bổ sung thêm lối ra thoát nạn thứ hai là thang sắt ngoài cơ sở; trang bị một trong các thiết bị phục vụ thoát nạn như mặt nạ lọc độc, thang dây, thang móc, ống tụt; bổ sung hệ thống hướng dẫn công tác thoát nạn bằng âm thanh.

b) Bổ sung các hành lang kết nối giữa các tầng của công trình liền kề có độ cao tương ứng; hạn chế số người có mặt đồng thời trong công trình để bảo đảm mật độ, dòng người thoát nạn.

c) Bổ sung các cửa ngăn cháy trước lối vào buồng thang, sơn phản quang chỉ dẫn tại các bậc thang rẻ quạt để nhận biết; trang bị bổ sung đầu phun chữa cháy Sprinkler tự động tại vị trí hành lang trước khi vào cầu thang hở hoặc có giải pháp mở các ô thoáng ở mặt ngoài của cầu thang bộ trong công trình để bảo đảm cầu thang được thông gió, thoát khói tự nhiên.

6. Về ngăn cháy, chống cháy lan

Cơ sở phải bảo đảm về ngăn cháy, chống cháy lan theo quy định hiện hành; trong trường hợp không thể thực hiện được thì áp dụng một trong các giải pháp sau nhưng phải bảo đảm yêu cầu kỹ thuật theo quy định:

a) Nâng bậc chịu lửa của công trình, xây tường ngăn cháy phân chia mặt bằng thành các khoang cháy có diện tích bảo đảm theo quy định; bổ sung màn nước ngăn cháy thay thế tường ngăn cháy.

b) Tạo vùng ngăn cháy với chiều rộng không nhỏ hơn 12m. Các phòng trong vùng ngăn cháy không được sử dụng, bảo quản các chất khí, chất lỏng và vật liệu dễ cháy cũng như các quá trình tạo ra bụi dễ cháy. Giới hạn chịu lửa của các cấu kiện và bộ phận của công trình trong vùng ngăn cháy phải bảo đảm quy định hiện hành.

Trong các công trình một tầng có bậc chịu lửa III, IV, V, không sử dụng, bảo quản các chất khí, chất lỏng dễ cháy cũng như không có các quá trình tạo ra bụi dễ cháy cho phép thay thế tường ngăn cháy bằng vùng ngăn cháy với chiều rộng không nhỏ hơn 6m.

7. Về trang bị phương tiện, hệ thống phòng cháy, chữa cháy và hệ thống kỹ thuật có liên quan về phòng cháy, chữa cháy

Yêu cầu và định mức trang bị phương tiện, hệ thống phòng cháy, chữa cháy và hệ thống kỹ thuật có liên quan về phòng cháy, chữa cháy thực hiện theo quy định hiện hành; trong trường hợp không thể thực hiện được thì áp dụng các giải pháp sau nhưng phải bảo đảm yêu cầu kỹ thuật theo quy định:

a) Sử dụng hệ thống báo cháy tự động không dây để thay thế hệ thống báo cháy thông thường, hệ thống chữa cháy Sol khí để thay thế hệ thống chữa cháy bằng khí cục bộ phù hợp với công trình hiện hữu, không phải thi công, sửa chữa ảnh hưởng đến kết cấu của công trình.

b) Mở các ô thoáng, lam gió, nóc gió ở mặt ngoài và phía trên mái của công trình để thoát khói tự nhiên thay thế cho hệ thống hút khói đối với các công trình có kết cấu không bảo đảm.

c) Khi trang bị các hệ thống, thiết bị chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy của Việt Nam quy định thì thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

8. Đối với các cơ sở không có khả năng thực hiện các giải pháp khắc phục quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 Điều này thì phải thay đổi tính chất sử dụng công trình để bảo đảm quy định về phòng cháy và chữa cháy.

9. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2024, các cơ sở trên địa bàn tỉnh Ninh Bình không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình tổ chức thực hiện Nghị quyết này.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình khóa XV, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 10 tháng 12 năm 2021 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022./.

Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ;
- Văn phòng: Quốc hội, Chính phủ;
- Các Bộ: Công an, Xây dựng, Tư pháp;
- Cục Kiểm tra VBQPPL - Bộ Tư pháp;
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- TT HĐND tỉnh, UBND tỉnh, UBMTTQVN tỉnh;
- Các Ban của HĐND tỉnh;
- Các đại biểu HĐND tỉnh khóa XV;
- VP: Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh, UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh;
- Ban Thường vụ các Huyện ủy, Thành ủy;
- TT HĐND, UBND, UBMTTQVN các huyện, thành phố;
- Báo Ninh Bình, Đài PT&TH tỉnh;
- Website Chính phủ, Công báo tỉnh;
- Lưu: VT, phòng CTHĐND.

CHỦ TỊCH




Trần Hồng Quảng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 124/2021/NQ-HĐND quy định về việc xử lý đối với các cơ sở trên địa bàn tỉnh Ninh Bình không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy có hiệu lực

  • Số hiệu: 124/2021/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 10/12/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Bình
  • Người ký: Trần Hồng Quảng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản