Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 12 tháng 01 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 75/NQ-HĐND NGÀY 08 THÁNG 12 NĂM 2021 CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ QUY ĐỊNH VIỆC XỬ LÝ CÁC CƠ SỞ KHÔNG BẢO ĐẢM YÊU CẦU VỀ PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ ĐƯỢC ĐƯA VÀO SỬ DỤNG TRƯỚC KHI LUẬT PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY SỐ 27/2001/QH10 CÓ HIỆU LỰC

Thực hiện Nghị quyết số 75/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2021 của Hội đồng nhân dân thành phố quy định việc xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn thành phố Cần Thơ được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 75/NQ- HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2021 của Hội đồng nhân dân thành phố (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 75/NQ-HĐND);

b) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng cháy và chữa cháy (viết tắt là PCCC); nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện, người đứng đầu cơ sở đối với công tác PCCC;

c) Khắc phục các tồn tại, thiếu sót về PCCC đối với các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC số 27/2001/QH10 có hiệu lực.

2. Yêu cầu

a) Đánh giá đầy đủ và xử lý triệt để các tồn tại đối với các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC số 27/2001/QH10 có hiệu lực;

b) Thủ trưởng sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện và các đơn vị liên quan, nhất là các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có cơ sở thuộc phạm vi điều chỉnh được nêu trong Nghị quyết số 75/NQ-HĐND thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về PCCC, chỉ đạo khắc phục các tồn tại, thiếu sót của các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC;

c) Việc triển khai thực hiện Kế hoạch phải đảm bảo thống nhất, phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế của thành phố; các giải pháp áp dụng phải đảm bảo khả thi, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCCC; tập trung tuyên truyền, phổ biến, quán triệt việc thực hiện Nghị quyết số 75/NQ-HĐND để nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của xã hội trong công tác PCCC; tổ chức kiểm tra, hướng dẫn thực hiện các giải pháp khắc phục đối với loại hình cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC.

2. Lập danh sách cơ sở thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết số 75/NQ-HĐND; đánh giá các nội dung không bảo đảm yêu cầu về PCCC; xem xét, đề xuất thực hiện các giải pháp khắc phục theo quy định.

3. Phân loại đối tượng điều chỉnh theo ngành, lĩnh vực thuộc các sở, ban, ngành quản lý; xác định nguồn vốn đầu tư.

4. Tổng hợp, báo cáo để chỉ đạo xử lý cơ sở phải di chuyển và các cơ sở phải thực hiện các giải pháp khắc phục để bảo đảm an toàn về PCCC.

5. Đề xuất địa điểm phù hợp theo quy hoạch ngành, lĩnh vực để di dời cơ sở không có khả năng khắc phục, đảm bảo an toàn về PCCC.

6. Khảo sát, lập dự toán, bố trí, phê duyệt kinh phí thực hiện đối với các cơ sở thuộc sở hữu của nhà nước.

7. Phê duyệt phương án di chuyển của cơ sở, đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho cơ sở sản xuất, kinh doanh.

8. Chủ cơ sở thực hiện các biện pháp, giải pháp đảm bảo an toàn về PCCC như giảm trữ lượng, khối lượng tồn chứa, bảo quản hàng năm so với trữ lượng, khối lượng được cấp phép; đồng thời, trang bị, bổ sung phương tiện, hệ thống PCCC và hệ thống kỹ thuật liên quan nhằm tăng cường công tác bảo đảm an toàn về PCCC trong thời gian thực hiện di chuyển.

9. Đối với các cơ sở không tổ chức khắc phục các nội dung không bảo đảm yêu cầu về PCCC theo Nghị quyết số 75/NQ-HĐND, các cơ quan chức năng tổ chức xử lý theo quy định của pháp luật.

III. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM

1. Công an thành phố

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương phân loại đối tượng và đưa ra giải pháp khắc phục đối với từng cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt danh mục cơ sở phải di chuyển, cơ sở phải thực hiện các biện pháp khắc phục để bảo đảm an toàn PCCC, xác định lộ trình, thời gian thực hiện đối với từng cơ sở;

b) Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương, báo chí, Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Nghị quyết số 75/NQ-HĐND và Kế hoạch này. Kiểm tra các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC số 27/2001/QH10 có hiệu lực để hướng dẫn các giải pháp khắc phục về PCCC theo quy định;

c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương theo dõi, hướng dẫn, vận động, tuyên truyền, kiểm tra, đôn đốc và đề xuất áp dụng biện pháp xử lý đối với các cơ sở không thực hiện theo quy định của pháp luật;

d) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố trong việc phê duyệt phương án di chuyển của cơ sở, đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho cơ sở sản xuất, kinh doanh;

đ) Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện Kế hoạch. Định kỳ hàng năm hoặc đột xuất, tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết số 75/NQ-HĐND và Kế hoạch này, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố, Hội đồng nhân dân thành phố và Bộ Công an theo quy định.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với Công an thành phố, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố các nội dung có liên quan đến kinh phí sửa chữa, khắc phục cho các cơ sở do Nhà nước quản lý thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết số 75/NQ-HĐND.

3. Sở Tài chính

a) Tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố các nội dung có liên quan đến kinh phí cho công tác khắc phục các nội dung không bảo đảm yêu cầu về PCCC cho các cơ sở do Nhà nước là chủ sở hữu;

b) Phối hợp với Công an thành phố tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố bố trí kinh phí tổ chức thực hiện Kế hoạch.

4. Sở Tư pháp

a) Phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến các nội dung có liên quan đến Nghị quyết số 75/NQ-HĐND;

b) Phối hợp kiểm tra việc xử lý vi phạm của cơ quan có thẩm quyền đối với các trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đảm bảo theo quy định.

5. Sở Xây dựng

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện việc thẩm định, cấp phép đối với các cơ sở thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết số 75/NQ-HĐND khi tiến hành cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, xây dựng lại theo phân cấp. Phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố trong việc phê duyệt phương án di chuyển của cơ sở.

6. Sở Công Thương

a) Phối hợp với Công an thành phố rà soát đối tượng thuộc loại hình cơ sở, kho chứa, công trình chế biến sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, hóa chất nguy hiểm về cháy, nổ và các cơ sở khác thuộc phạm vi quản lý;

b) Phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố trong việc phê duyệt phương án di chuyển của cơ sở; xem xét, tạo điều kiện thuận lợi đối với cơ sở phải di chuyển thuộc phạm vi quản lý.

7. Sở Tài nguyên và Môi trường

Xem xét, đánh giá tác động môi trường của cơ sở khi tiến hành di chuyển, xây dựng tại vị trí mới. Phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố khi tiến hành phê duyệt phương án của cơ sở.

8. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố, Báo Cần Thơ

Tổ chức thông tin, tuyên truyền Nghị quyết số 75/NQ-HĐND và Kế hoạch này đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân để tạo sự đồng thuận, thống nhất trong nhận thức và tổ chức thực hiện.

9. Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ

a) Phối hợp với Công an thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện và các đơn vị có liên quan tiến hành rà soát đối với các cơ sở thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết số 75/NQ-HĐND đang hoạt động tại các Khu công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở khắc phục những nội dung không bảo đảm yêu cầu về PCCC;

b) Phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố trong việc phê duyệt phương án di chuyển của cơ sở. Đề xuất, giới thiệu vị trí phù hợp để các cơ sở lựa chọn di dời đến các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố.

10. Ủy ban nhân dân quận, huyện

a) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị quyết số 75/NQ-HĐND và Kế hoạch này đến cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC số 27/2001/QH10 có hiệu lực;

b) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan xây dựng Kế hoạch và có biện pháp, đề xuất xử lý các cơ sở không thực hiện đúng Nghị quyết số 75/NQ-HĐND thuộc địa bàn quản lý. Phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố trong việc phê duyệt phương án di chuyển của cơ sở.

11. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố

Phối hợp tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật về PCCC nói chung và Nghị quyết số 75/NQ-HĐND nói riêng; vận động cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và người dân tích cực trong công tác triển khai thực hiện Nghị quyết số 75/NQ-HĐND; tham gia giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

12. Cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng áp dụng của Nghị quyết số 75/NQ-HĐND

a) Chấp hành nghiêm quy định tại Nghị quyết số 75/NQ-HĐND và các quy định của pháp luật về PCCC có liên quan;

b) Chủ động xây dựng kế hoạch, phương án khắc phục các nội dung không bảo đảm yêu cầu về PCCC; thực hiện đầy đủ các yêu cầu của các cơ quan chức năng, đảm bảo đúng lộ trình, thời gian quy định; chủ động xây dựng phương án di chuyển, gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt trước khi thực hiện việc di chuyển.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Giai đoạn 1

a) Tổ chức tuyên truyền đến các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân những nội dung quy định tại Điều 63a Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC; Nghị quyết số 75/NQ-HĐND;

b) Tổ chức tổng kiểm tra, khảo sát, lập danh sách, phân loại, đánh giá các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC (thực hiện trong Quý I năm 2022);

c) Tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt danh mục cơ sở phải di dời, các cơ sở cần thực hiện các biện pháp khắc phục để bảo đảm an toàn về PCCC và kế hoạch, lộ trình, thời gian thực hiện đối với từng cơ sở (hoàn thành trước ngày 30 tháng 6 năm 2022);

d) Hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân thực hiện các giải pháp khắc phục đối với từng nội dung không bảo đảm an toàn về PCCC theo quy định tại Nghị quyết số 75/NQ-HĐND;

đ) Đối với cơ sở thuộc loại hình kho chứa và công trình chế biến dầu mỏ, khí đốt, hóa chất nguy hiểm về cháy, nổ ở khu dân cư, nơi đông người không bảo đảm khoảng cách an toàn về PCCC, phải được phê duyệt phương án di chuyển (thực hiện trong năm 2022);

e) Yêu cầu cơ sở khắc phục hoàn thành những nội dung không bảo đảm yêu cầu về PCCC như: Giải pháp thoát nạn; giải pháp ngăn chặn cháy lan; trang bị hệ thống, phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy (hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 năm 2023),

Giao Công an thành phố chủ trì, phối hợp với sở, ban, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân quận, huyện tham gia kiểm tra, khảo sát, lập danh sách, phân loại, đánh giá các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC. Dự trù kinh phí báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt; chuẩn bị phương tiện và các điều kiện khác phục vụ việc kiểm tra, khảo sát tại các cơ sở được thuận lợi và đạt yêu cầu đề ra.

2. Giai đoạn 2

a) Tiếp tục tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các cơ sở thực hiện các giải pháp khắc phục đối với từng nội dung không bảo đảm an toàn về PCCC, tổ chức kiểm tra, giám sát, vận động các cơ sở thực hiện đúng tiến độ;

b) Trên cơ sở phương án di chuyển của cơ sở, xem xét, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở thực hiện di chuyển (thực hiện trong năm 2025);

c) Xử lý đối với các cơ sở không khắc phục các nội dung không bảo đảm yêu cầu về PCCC và cơ sở không tổ chức thực hiện hoặc thực hiện không đảm bảo theo thời gian quy định tại Nghị quyết số 75/NQ-HĐND (thực hiện trong Quý I năm 2026).

3. Thủ trưởng sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện và các đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn phụ trách và nội dung Kế hoạch này xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện. Định kỳ trước ngày 15 tháng 12 hàng năm, báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 75/NQ-HĐND và Kế hoạch này về Ủy ban nhân dân thành phố (qua Công an thành phố) để tổng hợp, báo cáo Thành ủy, Hội đồng nhân dân thành phố và các cơ quan có thẩm quyền theo quy định. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương phản ánh về Công an thành phố đê tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, chỉ đạo.

Trên đây là Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 75/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2021 của Hội đồng nhân dân thành phố quy định việc xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn thành phố Cần Thơ được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực./.

 

Nơi nhận:
- Bộ Công an (Cục C07);
- TT. Thành ủy, TT. HĐND TP;
- Ban Đô thị HĐND TP;
- Ủy ban MTTQVN TP;
- Sở, ban, ngành TP;
- UBND quận, huyện;
- Báo Cần Thơ, Đài PT và TH TP;
- VP UBND TP (3EA,5);
- Lưu: VT, M.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Việt Trường

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 07/KH-UBND năm 2022 thực hiện Nghị quyết 75/NQ-HĐND quy định về việc xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn thành phố Cần Thơ được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy và chữa cháy 27/2001/QH10 có hiệu lực

  • Số hiệu: 07/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 12/01/2022
  • Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ
  • Người ký: Trần Việt Trường
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/01/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản