Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 124/2015/NQ-HĐND

Sơn La, ngày 10 tháng 12 năm 2015

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CHƯƠNG TRÌNH VIỆC LÀM TỈNH SƠN LA GIAI ĐOẠN 2016 – 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA
KHOÁ XIII, KỲ HỌP THỨ 11

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND năm 2004; Bộ luật Lao động ngày 18 tháng 6 năm 2012; Luật Việc làm ngày 16 tháng 11 năm 2013; Nghị định số 03/2014/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ về việc Quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động về việc làm;

Xét Tờ trình số 332/TTr-UBND ngày 23 tháng 11 năm 2015 của UBND tỉnh Sơn La về việc đề nghị ban hành Nghị quyết về Chương trình việc làm tỉnh Sơn La giai đoạn 2016 - 2020; Báo cáo thẩm tra số 598/BC-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2015 của Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh và ý kiến thảo luận tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành Chương trình việc làm tỉnh Sơn La giai đoạn 2016 - 2020 với những nội dung sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

1.1. Giải quyết việc làm cho người lao động, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế và phát huy thế mạnh nguồn lực lao động ở các địa phương trong tỉnh vào tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục sự lãng phí nguồn nhân lực lao động, tạo nguồn thu nhập ổn định, vững chắc, từng bước làm giàu cho người lao động, cho gia đình, cho phát triển cộng đồng - xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

1.2. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng suất lao động, chất lượng việc làm và giá trị lao động, đảm bảo phát triển thị trường lao động lành mạnh, ổn định, tạo ra nhiều việc làm, đưa lao động trong tỉnh đi làm việc tại các khu công nghiệp, đẩy mạnh xuất khẩu lao động, khuyến khích các hình thức tạo việc làm tại chỗ.

1.3. Cơ cấu lao động nông, lâm, ngư nghiệp là 68,7%; công nghiệp và xây dựng là 15,5%; thương mại, du lịch, dịch vụ khác là 15,8%.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Giai đoạn 2016 - 2020 giải quyết việc làm mới cho 85.000 lao động, gồm:

- Giải quyết việc làm từ chương trình phát triển kinh tế - xã hội: 67.320 lao động.

- Giải quyết việc làm từ cho vay vốn giải quyết việc làm: 13.680 lao động;

- Giải quyết việc làm từ xuất khẩu lao động: 500 lao động;

- Cung ứng lao động cho các khu công nghiệp ngoài tỉnh: 3.500 lao động

2.2. Tỷ lệ lao động thất nghiệp và lao động chưa có việc làm ở khu vực thành thị trung bình là 3,8%/năm; ổn định tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn ở mức 89%.

II. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI, THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Đối tượng: Người lao động từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc.

2. Phạm vi: Giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn toàn tỉnh Sơn La.

3. Thời gian thực hiện: Từ năm 2016 đến năm 2020.

III. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Nhiệm vụ chủ yếu

1.1. Tạo việc làm từ phát triển kinh tế - xã hội

a) Phát triển nông, lâm, ngư nghiệp

- Cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi một số cây trồng không hiệu quả sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao, áp dụng khoa học công nghệ nhằm tăng năng suất, chất lượng. Phát triển trồng rau, hoa và các cây trồng có giá trị kinh tế cao, cây dược liệu, cây chè, cà phê, mía, cây ăn quả chất lượng cao, nâng cao chất lượng sản phẩm.

- Trồng rừng tập trung, trồng rừng nguyên liệu, rừng kinh tế gắn với chế biến; trồng các cây đa mục tiêu như: Cây sơn tra, cây Macca, tre, song, mây. Bảo vệ, chăm sóc có hiệu quả rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.

- Phát triển ngành chăn nuôi, trọng tâm là phát triển chăn nuôi đại gia súc; chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang đầu tư trang trại phát triển chăn nuôi tập trung; tăng cường công tác phòng, chống rét, dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.

- Xây dựng và củng cố các cơ sở sản xuất giống thủy sản. Phát triển các dự án nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi cá lồng, bè trên các sông, suối. Khai thác có hiệu quả nguồn lợi thủy sản trên các hồ chứa nước Thủy điện Hòa Bình và Thủy điện Sơn La. Triển khai dự án nuôi, chế biến, xuất khẩu thịt và trứng cá tầm đen.

- Thực hiện có hiệu quả các quy hoạch phát triển sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã được phê duyệt, góp phần tạo thêm nhiều việc làm mới cho lao động trong nông nghiệp, nông thôn.

b) Phát triển công nghiệp

- Chỉ đạo các doanh nghiệp đẩy mạnh và mở rộng sản xuất tạo thêm việc làm; Thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp của tỉnh, đặc biệt là công nghiệp chế biến nông, lâm sản. Đổi mới và nâng cấp công nghệ trong các cơ sở hiện có để nâng cao chất lượng gắn với bảo vệ môi trường.

- Thực hiện có hiệu quả các biện pháp tháo gỡ, khắc phục những vướng mắc trong thu hút đầu tư của tỉnh, khuyến khích thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất giầy da, may mặc xây dựng nhà xưởng tại địa phương để thu hút lao động phổ thông, đặc biệt là lao động trong độ tuổi thanh niên, lao động nữ, lao động thuộc hộ tái định cư thủy điện Sơn La, lao động là người dân tộc thiểu số, lao động thuộc hộ gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh.

- Thực hiện có hiệu quả công tác khuyến công, đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn, hình thành điểm sản xuất tiểu thủ công nghiệp quy mô hộ gia đình, hướng vào sản xuất hàng tiêu dùng là chính. Chú trọng phát triển các ngành nghề truyền thống như: Dệt thổ cẩm, mây tre đan... và thủ công mỹ nghệ ở vùng nông thôn, để giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp ở nông thôn.

c) Phát triển lĩnh vực xây dựng

Thực hiện hiệu quả công tác quản lý đầu tư xây dựng, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng đầu tư vào xây dựng các công trình thuỷ điện vừa và nhỏ, xây dựng các nhà máy sản xuất, chế biến tại các cụm, khu công nghiệp, khu du lịch. Phát triển và nâng cấp mạng lưới giao thông, đặc biệt là chương trình làm đường giao thông nông thôn, đầu tư các dự án thuỷ lợi, kiên cố hoá hệ thống kênh mương, xây dựng và nâng cấp các khu đô thị tại trung tâm các huyện, thành phố Sơn La, góp phần tạo thêm nhiều việc làm mới cho lao động trong lĩnh vực xây dựng.

d) Phát triển thương mại và dịch vụ

- Xúc tiến thương mại, tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển các loại hình dịch vụ. Duy trì các sản phẩm xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh như: Chè, cà phê..., đồng thời, từng bước phát triển các sản phẩm xuất khẩu qua chế biến. Quy hoạch các điểm kinh doanh trung tâm cụm xã. Tổ chức các hội chợ xúc tiến thương mại ở địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa, đẩy mạnh giao thương hàng hoá nông, lâm sản và hàng bách hoá tổng hợp, hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân.

- Phát triển hệ thống dịch vụ vận tải đường bộ và đường thủy trên lòng hồ Thủy điện Sơn La, Thủy điện Hòa Bình, nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng được yêu cầu về vận chuyển hàng hóa, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa, góp phần tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ.

đ) Phát triển du lịch

- Khai thác có hiệu quả các tiềm năng du lịch, tạo ra các tour, tuyến du lịch, kết nối giữa các điểm du lịch Vân Hồ, Mộc Châu, Thành phố Sơn La, Quỳnh Nhai, các tour du lịch trong và ngoài nước, nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng tốt nhu cầu của du khách trong, ngoài tỉnh và khách quốc tế.

- Nâng cao nhận thức cho cộng đồng về hoạt động du lịch. Đẩy mạnh việc xây dựng các sản phẩm du lịch mang đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Bắc, nâng cao chất lượng sản phẩm hiện có và đa dạng hóa các sản phẩm mới.

- Đầu tư và thu hút đầu tư để nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển hạ tầng du lịch, góp phần tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động trong lĩnh vực du lịch.

1.2. Tạo việc làm từ hoạt động xuất khẩu lao động

a) Nâng cao nhận thức của người lao động, làm cho người lao động có ý thức tích cực tham gia xuất khẩu lao động. Triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đối với người lao động đi xuất khẩu lao động theo quy định của nhà nước, đặc biệt là chính sách hỗ trợ đối với người lao động để tham gia xuất khẩu lao động theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ và Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động.

b) Phối hợp với các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động triển khai hoạt động dạy nghề, giáo dục định hướng cho người lao động, khai thác các thị trường lao động phù hợp với trình độ và đặc tính của lao động tỉnh Sơn La, Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ cho người xuất khẩu lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia lao động xuất khẩu, nâng cao hiệu quả của công tác xuất khẩu lao động trong giai đoạn 2016 - 2020.

1.3. Tạo việc làm từ hoạt động cho vay vốn giải quyết việc làm

a) Tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, người lao động được vay vốn với lãi suất ưu đãi từ quỹ giải quyết việc làm và các chính sách hỗ trợ lãi suất khác của nhà nước hiện hành, để đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất, tạo việc làm ổn định cho người lao động trong doanh nghiệp và thu hút thêm lao động vào làm việc tại doanh nghiệp.

b) Cho vay với các dự án thành lập doanh nghiệp mới, phát triển sản xuất của thanh niên; các dự án giải quyết việc làm cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự và lao động bị thu hồi đất nông nghiệp, lao động nữ nông thôn.

c) Thực hiện có hiệu quả cho vay ủy thác đối với các tổ chức chính trị - xã hội thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội; nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động có thêm nhiều việc làm mới, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động nông thôn và chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm dần tỷ lệ lao động trong nông nghiệp, tăng dần tỷ lệ lao động trong lĩnh vực phi nông nghiệp.

2. Giải pháp thực hiện

2.1. Nhóm giải pháp thông tin, tuyên truyền

a) Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ chương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về giải quyết việc làm và chương trình giải quyết việc làm của tỉnh bằng nhiều hình thức như: Tờ rơi, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt khai thác tốt hệ thống truyền thanh tại các tổ, bản, tiểu khu, thông qua hệ thống các tổ chức chính trị xã hội từ tỉnh đến cơ sở, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, gắn với giải quyết việc làm, từ đó tích cực tham gia vào chương trình giải quyết việc làm của tỉnh, chủ động tạo thêm việc làm, tự tạo việc làm cho bản thân và thu hút lao động vào làm việc.

b) Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản lý lao động, việc làm và kỹ năng tư vấn, giới thiệu việc làm của đội ngũ công chức, viên chức nhằm chuẩn hoá và phổ biến kiến thức, kỹ năng quản lý lao động, kỹ năng triển khai các Chương trình phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành gắn với giải quyết việc làm cho người lao động.

2.2. Nhóm giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trên mọi lĩnh vực

a) Tận dụng mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển nâng cao tỷ trọng công nghiệp, thương mại và dịch vụ.

b) Làm tốt công tác quy hoạch vùng kinh tế, phát triển ngành phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

c) Ưu tiên đầu tư phát triển các ngành, các lĩnh vực, sản phẩm có thế mạnh; hỗ trợ xây dựng thương hiệu và tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa nông sản. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, hiện đại hóa công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ trên thị trường. Tăng cường ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao hàm lượng khoa học và giá trị sản phẩm hàng hóa.

d) Khai thác tốt diện tích nước mặt vùng lòng hồ Sông Đà để phát triển thủy sản nuôi cá lồng; nhân rộng các mô hình nuôi cá hồi, cá tầm, cá giống cao sản...

đ) Đẩy mạnh công tác trồng rừng tập trung, chú trọng trồng rừng kinh tế, rừng nguyên liệu gắn với chế biến, triển khai tốt công tác quản lý, khoanh nuôi và bảo vệ rừng hiện có; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát khai thác và chế biến lâm sản, phòng chống cháy rừng.

e) Nâng cao năng lực, tăng sức cạnh tranh và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn. Đầu tư phát triển các cụm công nghiệp, có chính sách thu hút đầu tư của các doanh nghiệp ngoài tỉnh như áp dụng những chính sách ưu đãi cụ thể về thuế, hạ tầng, cơ chế tài chính, hỗ trợ tuyển lao động.

f) Tập trung đầu tư, thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế để nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển hạ tầng du lịch trên địa bàn tỉnh, khai thác có hiệu quả tiềm năng của khu du lịch Quốc gia Mộc Châu, du lịch vùng lòng hồ Thủy điện Sơn La, du lịch văn hóa cộng đồng, các sản phẩm dịch vụ và quà lưu niệm phục vụ khách du lịch. Đẩy mạnh triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, quảng bá giới thiệu sản phẩm.

2.3. Nhóm giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

a) Khai thác có hiệu quả các cơ sở dạy nghề hiện có, đồng thời đầu tư nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất cho các trường nghề, cơ sở dạy nghề và định hướng cho chương trình dạy nghề đảm bảo nâng cao chất lượng dạy nghề gắn với giải quyết việc làm sau dạy nghề cho người lao động.

b) Tập trung đào tạo các nghề phục vụ cho chương trình xây dựng nông thôn mới. Đào tạo nghề theo hướng đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động, của thị trường lao động và phù hợp với chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tăng tỷ trọng lao động phi nông nghiệp, trong đó ưu tiên doanh nghiệp cho nhóm lao động dịch vụ và du lịch.

c) Thực hiện tốt các chính sách tín dụng ưu đãi đối với các đơn vị, doanh nghiệp có hoạt động dạy nghề, tuyển lao động vào dạy nghề và bố trí việc làm tại đơn vị, doanh nghiệp. Phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức đào tạo các ngành nghề phù hợp cho người lao động có trình độ đáp ứng được nhu cầu sử dụng trong các loại hình doanh nghiệp, phục vụ các khu công nghiệp.

d) Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, đáp ứng được yêu cầu hội nhập WTO, ASEAN và Hiệp định thương mại tư do giai đoạn 2016 - 2020.

2.4. Nhóm giải pháp xuất khẩu lao động

a) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin cho người lao động về chính sách của nhà nước về xuất khẩu lao động. Xác định rõ xuất khẩu lao động là một giải pháp quan trọng trong giải quyết việc làm, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, góp phần tăng thu nhập, nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động.

b) Chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, giới thiệu các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu đến tỉnh Sơn La để tuyển dụng lao động tham gia xuất khẩu lao động.

c) Tăng cường các biện pháp chỉ đạo nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp xã, phường trong việc phối hợp với doanh nghiệp tuyển lao động đi xuất khẩu lao động; phối hợp giáo dục, quản lý lao động để khắc phục tình trạng lao động bỏ trốn, vi phạm pháp luật của nước sở tại, tạo tâm lý tin tưởng cho người lao động tích cực tham gia xuất khẩu lao động.

2.5. Nhóm giải pháp cho vay vốn tạo việc làm

a) Thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi từ quỹ giải quyết việc làm và các chính sách ưu đãi lãi suất vay vốn tạo việc làm của nhà nước hiện hành tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, trang trại và người lao động vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng ngành nghề, nhằm tạo thêm nhiều chỗ làm việc cho người lao động. Gắn việc cho vay vốn tạo việc làm mới với dịch chuyển cơ cấu lao động, góp phần thực hiện tốt Chương trình giảm nghèo bền vững, Chương trình xây dựng nông thôn mới.

b) Tranh thủ huy động nguồn vốn ngân sách Trung ương và bố trí ngân sách địa phương phù hợp, để tăng thêm nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm.

c) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn, kết quả giải quyết việc làm cho người lao động của các dự án cho vay.

2.6. Nhóm giải pháp phát triển thị trường lao động, thông tin thị trường lao động

a) Xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động theo hướng hiện đại hóa bằng công nghệ thông tin, cập nhật thông tin việc làm của người lao động, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh một cách đầy đủ, chính xác, kịp thời để xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác dự báo cung - cầu lao động và hoạch định các chính sách về lao động, việc làm trên địa bàn tỉnh.

b) Phát huy hiệu quả hoạt động của Trung tâm dịch vụ việc làm hiện có, nghiên cứu xây dựng các điểm giao dịch về thị trường lao động trên địa bàn các huyện, thành phố, đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, cung cấp thông tin về thị trường lao động cho người lao động, người sử dụng lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tìm kiếm được việc làm; làm cầu nối giữa người lao động và người sử dụng lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, người sử dụng lao động có đầy đủ thông tin, lựa chọn lao động và lựa chọn việc làm phù hợp, tăng số lượng lao động đi làm việc tại các thị trường trong nước và ngoài nước.

2.7. Nhóm giải pháp về huy động nguồn vốn

a) Sử dụng, khai thác có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư công, nguồn vốn sự nghiệp trong các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

b) Quản lý chặt chẽ các nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, cho vay đầu tư phát triển kinh tế, đảm bảo sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, duy trì và phát triển được nguồn vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân được vay vốn đầu tư và sản xuất, kinh doanh.

c) Tích cực tháo gỡ khó khăn trong thu hút đầu tư, đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp ngoài tỉnh đầu tư vào sản xuất trên địa bàn tỉnh; tập trung thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất trong các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động phổ thông như: Giày da, dệt may, chế biến nông lâm sản.

d) Huy động, khuyến khích các hộ gia đình, các thành phần kinh tế sử dụng nguồn vốn tích lũy đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, tự tạo việc làm và thu hút thêm lao động.

2.8. Nhóm giải pháp về cải cách hành chính

a) Tập trung rà soát các thủ tục hành chính, loại bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ của các đơn vị hành chính, nhất là quy trình thủ tục liên quan đến các nhà đầu tư; tổ chức tốt các hoạt động một cửa, một cửa liên thông, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất trên địa bàn tỉnh; Thực hiện công bố công khai danh mục dự án, kêu gọi thu hút đầu tư.

b) Nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, thực hiện tốt văn hóa công sở, kiểm soát chặt chẽ việc thực thị công vụ của công chức, viên chức, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

IV. CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH

1. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách hiện có như: Chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm. Chính sách hỗ trợ chuyển dịch việc làm đối với người lao động ở khu vực nông thôn, chính sách việc làm công, chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, chính sách hỗ trợ việc làm cho thanh niên, hỗ trợ phát triển thị trường lao động; tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tự tạo việc làm cho bản thân và thu hút thêm lao động.

2. Nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ người lao động của tỉnh khi đi làm việc cho doanh nghiệp trong các khu công nghiệp ngoài tỉnh, nhằm khuyến khích người lao động tích cực tìm kiếm việc làm tăng thu nhập, góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động theo hướng tích cực.

3. Ban hành chính sách ưu đãi về thuế, thuê đất; hỗ trợ về cước phí vận chuyển; hỗ trợ về tuyển dụng lao động, đào tạo nghề cho lao động trước khi tuyển dụng, nhằm thu hút các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, đầu tư vào sản xuất, tạo việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh. Trọng tâm là đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông lâm sản, các lĩnh vực sản xuất công nghiệp dệt may, giày da có sử dụng nhiều lao động.

V. NGUỒN VỐN THỰC HIỆN GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

1. Các nguồn vốn đầu tư phát triển; nguồn vốn hỗ trợ tái định cư Thuỷ điện Sơn La; nguồn vốn thực hiện Chương trình Nghị quyết số 30ª/2008/NQ-CP của Chính phủ và các nguồn hỗ trợ khác được duyệt trong dự toán chi ngân sách của tỉnh hàng năm.

2. Nguồn bổ sung Quỹ quốc gia giải quyết việc làm: 25 tỷ đồng; nguồn bổ sung Quỹ giải quyết việc làm của tỉnh: 20 tỷ đồng.

3. Nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp, việc làm và an toàn lao động.

4. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo.

5. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

6. Nguồn vốn hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất và các nguồn vốn xã hội hóa khác hỗ trợ cho phát triển sản xuất, tạo việc làm cho lao động.

Điều 2. Hiệu lực thi hành

Nghị quyết có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày HĐND tỉnh thông qua.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. UBND tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết.

2. Thường trực HĐND, các Ban của HĐND và đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh Sơn La khóa XIII, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 10 tháng 12 năm 2015./.

 

 

Nơi nhận:
- Uỷ Ban TV Quốc Hội, Chính phủ;
- VP Quốc hội, VP Chính phủ;
- Cục kiểm tra VB - Bộ Tư pháp;
- Các Bộ: LĐTBXH, Tài Chính, KH&ĐT;
- TT Tỉnh uỷ, HĐND, UBMTTQVN tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể;
- TT huyện ủy, HĐND,UBND các huyện, thành phố;
- VP Tỉnh ủy, VP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh,
VP UBND tỉnh;
- TT Công báo; Chi cục Văn thư - Lưu trữ tỉnh;
- Lưu: VT. VHXH. 450b.

CHỦ TỊCH




Hoàng Văn Chất

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 124/2015/NQ-HĐND về Chương trình việc làm tỉnh Sơn La giai đoạn 2016 - 2020

  • Số hiệu: 124/2015/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 10/12/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Sơn La
  • Người ký: Hoàng Văn Chất
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/12/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản