Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 118/2007/NQ-HĐND

Việt Trì, ngày 16 tháng 7 năm 2007

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ ĐẢM BẢO AN TOÀN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ GIAI ĐOẠN 2007 – 2010

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
KHÓA XVI, KỲ HỌP THỨ MƯỜI MỘT

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 12 tháng 7 năm 2001; Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004; Luật Đường sắt ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông;

Sau khi xem xét Tờ trình số 1397/TTr ngày 27 tháng 6 năm 2007 của ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị ban hành Nghị quyết về đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2007 - 2010; Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế và thảo luận,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Tán thành thông qua đề án đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2007 - 2010. Hội đồng nhân dân tỉnh nhấn mạnh một số nội dung sau:

I - CÁC MỤC TIÊU CHỦ YẾU ĐẢM BẢO AN TOÀN GIAO THÔNG

GIAI ĐOẠN 2007 - 2010

1. Mục tiêu chung:

- Nhằm tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, chặn đứng và đẩy lùi tai nạn giao thông (TNGT). Tăng cường công tác giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông (ATGT) cho mọi tầng lớp nhân dân khi tham gia giao thông, đồng thời có trách nhiệm trong việc giữ gìn và bảo vệ các công trình giao thông.

- Phấn đấu giảm thiểu vững chắc tai nạn giao thông, nhất là các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Hạn chế tới mức thấp nhất những thiệt hại về người và của do tai nạn giao thông gây ra.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Năm 2007, phấn đấu giảm 30% số vụ TNGT, giảm 37,9% số người chết do TNGT gây ra so với năm 2006 theo chỉ tiêu của Chính phủ giao tại Quyết định số 128/QĐ-TTg ngày 29 tháng 01 năm 2007.

- Từ năm 2008 trở đi phấn đấu thực hiện giảm 5% cả 3 chỉ tiêu về: Số vụ, số người chết và số người bị thương so với số tai nạn giao thông bình quân trong 5 năm 2002 - 2006 (số TNGT bình quân trong 5 năm 2002 - 2006 là: 174 vụ/năm. 147 người chết/năm, 120 người bị thương/năm).

- Xóa bỏ các “điểm đen” thường xảy ra TNGT. Kiên quyết loại bỏ phương tiện không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật tham gia giao thông. Xóa bỏ các bến bãi mở trái phép trên đường bộ, đường sông.

- Xây dựng các địa bàn, các khu dân cư đảm bảo ATGT, nhóm tự quản an toàn giao thông.

- Tập trung giải tỏa các vi phạm lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, theo tinh thần Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ và Chỉ thị số 09/CT-TU ngày 22 tháng 02 năm 2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

II - CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật về trật tự ATGT cho mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong các nhà trường THCS, THPT, các trường Cao đẳng, Trung cấp, Đại học trên địa bàn tỉnh. Mục đích nhằm làm chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành luật lệ của mọi người dân khi tham gia giao thông. Lấy địa bàn khu dân cư làm trọng điểm, hộ gia đình là cơ sở; xây dựng các khu dân cư an toàn, có sự cam kết không vi phạm Luật Giao thông của các hộ gia đình.

- Công tác thông tin, tuyên truyền phải làm thường xuyên, sâu rộng và phải thực hiện một cách trọng tâm, trọng điểm; cần kết hợp nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau, tăng cường hình thức đưa tin, bài, hình ảnh các vụ TNGT, những người vi phạm Luật Giao thông trên sóng truyền hình, tăng thời lượng phát sóng, mở chuyên mục ATGT. Thiết lập đường dây nóng để đưa các thông tin vi phạm về trật tự ATGT.

- Tăng cường hệ thống truyền thanh ở các xã, phường nhằm tuyên truyền giáo dục và phản ánh việc chấp hành Luật Giao thông và đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn.

2. Nâng cao vai trò trách nhiệm chỉ đạo của các cấp, các ngành đối với công tác đảm bảo trật tự ATGT:

- Xác định đảm bảo ATGT, giảm tai nạn giao thông là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp bách, thường xuyên, lâu dài của tất cả các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, các cơ quan, đơn vị đến cộng đồng dân cư, hộ gia đình.

- Kiện toàn Ban chỉ đạo ATGT các cấp, bảo đảm hoạt động có hiệu quả thiết thực.

- Hàng năm các cấp, các ngành phải tổ chức sơ kết, tổng kết về công tác bảo đảm trật tự ATGT.

- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp xã, phường trong việc giữ gìn và giải tỏa vi phạm hành lang ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy. Nghiêm cấm việc lấn chiếm hành lang ATGT để làm nơi tập trung họp chợ, buôn bán kinh doanh, xây dựng các công trình…

- Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị đối với công tác đảm bảo trật tự ATGT thuộc ngành, địa phương, đơn vị quản lý. Đưa các tiêu chí ATGT vào tiêu chuẩn bình xét thi đua hàng tháng, quý, năm đối với cá nhân, đơn vị. Trong báo cáo hàng năm của các cơ quan, đơn vị phải có nội dung kiểm điểm về công tác bảo đảm trật tự ATGT. Yêu cầu các địa phương phải xây dựng quy chế, quy ước thực hiện đảm bảo ATGT đến từng khu dân cư, tổ dân phố, hộ gia đình, quy định hạn chế uống rượu, bia trong các đám hiếu, hỷ… để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.

- Tăng cường xét xử lưu động những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự trên địa bàn để xảy ra tai nạn giao thông.

- Giao chỉ tiêu giảm thiểu TNGT và giải tỏa vi phạm lấn chiếm hành lang ATGT hàng năm cho các địa phương thực hiện.

3. Nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về trật tự ATGT:

- Thực hiện đổi mới và chấn chỉnh các mặt công tác quản lý Nhà nước về trật tự ATGT, không ngừng phát triển mạng lưới giao thông, tăng cường nâng cao chất lượng đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, đường thủy.

- Tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng giảng dạy ATGT trong các trường học, tăng cường trang thiết bị hỗ trợ giảng dạy, nâng cao năng lực cán bộ quản lý giáo viên giảng dạy ATGT. Thực hiện đầy đủ chương trình giảng dạy, tiêu chuẩn giáo viên, cơ sở đào tạo, phù hợp với tình hình thực tế. Thiết lập cơ sở dữ liệu về sát hạch lái xe, đào tạo cán bộ quản lý ATGT trong các đơn vị vận tải.

- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương có trách nhiệm quản lý các tuyến đường bộ, đường sắt và đường sông để bảo đảm ATGT trên địa bàn.

- Nhân rộng mô hình đội thanh niên xung kích trong các trường học tham gia duy trì trật tự ATGT, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng Công an với Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh để huy động thanh niên tình nguyện tham gia giữ gìn trật tự ATGT tại các điểm nút giao thông quan trọng.

- Thực hiện bắt buộc người ngồi trên xe môtô, xe gắn máy khi tham gia giao thông phải đội mũ bảo hiểm theo quy định của Chính phủ.

- Tăng cường quan hệ hợp tác với các tỉnh bạn trong lĩnh vực giao thông vận tải, đảm bảo trật tự ATGT, làm tốt công tác đào tạo cán bộ chuyên ngành và cung cấp thông tin kịp thời về tai nạn giao thông.

4. Nâng cao điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông:

- Tích cực phối hợp với các Bộ, ngành ở Trung ương đẩy mạnh tiến độ đầu tư hệ thống giao thông, tranh thủ mọi nguồn vốn đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông theo Nghị quyết số 62/2006/NQ-HĐND ngày 17 tháng 5 năm 2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

- Triển khai và giám sát thực hiện Quy hoạch hệ thống đường ngang, đường gom vào hệ thống đường chính. Thực hiện lộ trình “Lập lại trật tự hành lang ATGT đường bộ” như Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ và Chỉ thị số 09/CT-TU ngày 22 tháng 02 năm 2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

- Theo dõi, tổng hợp, thống kê các vị trí thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông trên các tuyến đường để có phương án khắc phục.

- Tăng cường công tác quản lý và xử lý nghiêm đối với việc mở đường ngang dân sinh trái phép. Lập đề án xây dựng hàng rào hộ lan cứng giữa đường sắt và đường bộ. Thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp luồng tuyến, triển khai việc cắm mốc giới hạn hành lang bảo vệ luồng, đặc biệt là trên tuyến sông Lô có nhiều phương tiện khai thác cát, sỏi và tàu thuyền vận tải qua lại.

5. Giải pháp về phương tiện giao thông:

- Tập trung ưu tiên phát triển phương tiện vận tải giao thông công cộng, hạn chế phát triển phương tiện vận tải giao thông cá nhân. Các huyện, thành, thị cần nghiên cứu xây dựng, quy hoạch các bãi trông giữ phương tiện, các điểm đỗ xe để đảm bảo an toàn giao thông.

- Từ ngày 01 tháng 01 năm 2008, đình chỉ lưu hành xe ô tô đã hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3 hoặc 4 bánh. Trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị tịch thu xử lý bán phế liệu, sung vào công quỹ.

6. Tăng cường hiệu quả công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm:

- Xây dựng phương án tuần tra, kiểm soát cụ thể trên tất cả các tuyến đường, địa bàn trọng điểm nơi thường xảy ra TNGT. Tăng cường lực lượng làm công tác chỉ huy, điều khiển giao thông vào những giờ cao điểm.

- Kiện toàn tổ chức, tăng cường số lượng, chất lượng đội ngũ làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm ATGT. Tăng cường đầu tư phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Trang bị hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trên tuyến quốc lộ trọng điểm, lồng ghép các dự án, chương trình quốc gia về bảo đảm trật tự ATGT.

- Tập trung kiểm tra, xử phạt nghiêm các lỗi vi phạm Nghị định số 152/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ; Nghị định số 09/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2005 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa và Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao:

- Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai và chỉ đạo thực hiện Nghị quyết này.

- Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban và đại biểu của Hội đồng nhân dân tỉnh tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ khóa XVI, kỳ họp thứ mười một thông qua ngày 13 tháng 7 năm 2007.

 

 

CHỦ TỊCH




Ngô Đức Vượng

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 118/2007/NQ-HĐND về đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2007 - 2010

  • Số hiệu: 118/2007/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 16/07/2007
  • Nơi ban hành: Tỉnh Phú Thọ
  • Người ký: Ngô Đức Vượng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/07/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản