Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 45/2014/QĐ-UBND

Nghệ An, ngày 01 tháng 8 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP THỰC HIỆN NHIỆM VỤ ĐẢM BẢO TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG TẠI CÁC VỊ TRÍ XẢY RA ÁCH TẮC GIAO THÔNG DO THIÊN TAI GÂY NÊN TRÊN CÁC TUYẾN ĐƯỜNG THUỘC ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND&UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH/12 ngày 13/11/2008;

Căn cứ Luật Phòng chống thiên tai số 33/2013/QH13 ngày 19/6/2013;

Căn cứ Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ ban hành Quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Nghị định số 100/2013/NĐ-CP ngày 03/9/2013 của Chính phủ Quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Thông tư số 39/2011/TT-BGTVT ngày 18/5/2011 của Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP; Thông tư số 30/2010/TT-BGTVT ngày 01/10/2010 của Bộ Giao thông vận tải quy định về phòng, chống và khắc phục lụt, bão trong ngành đường bộ.

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 1967/TTr-SGTVT-QLKCHTGT ngày 29 tháng 7 năm 2014 về việc đề nghị ban hành “Quy chế phối hợp thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các vị trí xảy ra ách tắc giao thông do thiên tai gây nên trên các tuyến đường thuộc địa bàn tỉnh Nghệ An ”, đề nghị của Sở Tư pháp tại Báo cáo thẩm định số 791/BCTĐ-STP ngày 02/6/2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế Phối hợp thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các vị trí xảy ra ách tắc giao thông do thiên tai gây nên trên các tuyến đường thuộc địa bàn tỉnh Nghệ An.

Điều 2. Quyết định có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở, ngành: Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài Chính, Kế hoạch Đầu tư, Công Thương, Công an tỉnh, Đài PT&TH tỉnh, Báo Nghệ An; Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ II và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Huỳnh Thanh Điền

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP THỰC HIỆN NHIỆM VỤ ĐẢM BẢO TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG TẠI CÁC VỊ TRÍ XẢY RA ÁCH TẮC GIAO THÔNG DO THIÊN TAI GÂY NÊN TRÊN CÁC TUYẾN ĐƯỜNG THUỘC ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 45/2014 /QĐ.UBND ngày 01/8/2014 của UBND tỉnh Nghệ An)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Quy chế này quy định trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp giữa các Sở, ngành liên quan; Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã (UBND cấp huyện) và các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các vị trí xảy ra ách tắc giao thông do thiên tai gây nên trên các tuyến đường thuộc địa bàn tỉnh Nghệ An.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Thiên tai: Là hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội, bao gồm: bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nước dâng, động đất, sóng thần và các loại thiên tai khác.

2. Cơ quan quản lý đường bộ: Là Sở Giao thông vận tải, Cục Quản lý đường bộ II, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã.

3. Đơn vị thực hiện quản lý, bảo trì: Là các tổ chức, cá nhân được giao kế hoạch, đặt hàng hoặc tham gia trúng thầu thực hiện các hợp đồng về quản lý, bảo trì.

4. Đảm bảo giao thông bước 1: Bao gồm các công việc khắc phục tạm thời hậu quả do bão, lụt gây nên nhằm đáp ứng mục tiêu đảm bảo giao thông luôn thông suốt và an toàn.

5. Đảm bảo giao thông bước 2: Bao gồm các công việc được thực hiện sau khi đảm bảo xong bước 1 nhằm mục đích khôi phục hoặc xây dựng mới, đảm bảo công trình có quy mô tương đương như trước khi bị thiên tai phá hoại.

Điều 3. Mục đích và nguyên tắc phối hợp

1. Mục đích phối hợp thực hiện nhằm để nâng cao hiệu quả xử lý đảm bảo giao thông luôn thông suốt và an toàn tại các vị trí xảy ra ách tắc giao thông do thiên tai gây nên trên các tuyến đường thuộc địa bàn tỉnh Nghệ An.

2. Nguyên tắc phối hợp: Việc phối hợp được thực hiện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bên liên quan theo quy định của Pháp luật.

Chương II

NỘI DUNG PHỐI HỢP THỰC HIỆN XỬ LÝ ÁCH TẮC GIAO THÔNG

Điều 4. Quy định thực hiện báo cáo, thông tin

1. Khi có sự cố ách tắc giao thông xảy ra, đơn vị thực hiện quản lý, bảo trì đường bộ phải báo cáo ngay cho cơ quan trực tiếp quản lý được biết bằng các hình thức: Điện thoại, công văn. Nội dung báo cáo gồm: Vị trí xảy ra sự cố ách tắc giao thông, nguyên nhân xảy ra, ước tính mức độ thiệt hại do sự cố gây nên.

2. Cơ quan quản lý đường bộ chịu trách nhiệm tổng hợp thông tin liên quan đến ách tắc giao thông trên các tuyến đường thuộc phạm vi được phân công, phân cấp quản lý theo quy định, báo cáo cấp trên biết để chỉ đạo thực hiện.

3. Sở Giao thông vận tải là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm tổng hợp thông tin báo cáo từ Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Cục Quản lý đường bộ II, để báo cáo Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải.

4. Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh là cơ quan cập nhật kịp thời các diễn biến về sự cố ách tắc giao thông do thiên tai gây nên từ Sở Giao thông vận tải cung cấp, báo cáo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đồng thời cung cấp đầy đủ thông tin cho Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An để đưa tin.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đơn vị chủ trì phối hợp với các Sở, ban ngành có liên quan để đưa tin, cảnh báo về việc xã lũ các hồ chứa phục vụ nông nghiệp và các sự cố của công trình thuỷ lợi có ảnh hưởng đến an toàn hệ thống các công trình giao thông.

6. Sở Công Thương là đơn vị chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành liên quan chỉ đạo các đơn vị thực hiện quản lý, bảo trì, vận hành các hồ đập thủy điện trong vùng có thiên tai thực hiện đúng quy trình vận hành; đưa tin cảnh báo xã lũ các hồ đập thuỷ điện có ảnh hưởng đến an toàn công trình giao thông.

7. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An là cơ quan tiếp nhận các thông tin do Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Cơ quan quản lý đường bộ, các ngành liên quan để kịp thời đăng tải đầy đủ các thông tin về đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các vị trí xảy ra ách tắc giao thông trong mùa bão lụt và các sự cố bất thường khác gây nên trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Điều 5. Tổ chức trực gác

1. Cơ quan quản lý đường bộ chủ trì phối hợp với Thanh tra giao thông, Lực lượng công an và Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã nơi có sự cố ách tắc giao thông để tổ chức trực gác đảm bảo giao thông và trật tự an toàn giao thông tại các vị trí xảy ra ách tắc giao thông trên các tuyến đường thuộc phạm vi quản lý.

2. Công an tỉnh chịu trách nhiệm chỉ đạo Công an cấp huyện phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ; đơn vị thực hiện quản lý, bảo trì và các cơ quan chức năng liên quan khác bố trí lực lượng để trực gác tổ chức đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

3. Thời gian trực gác được tính từ khi có sự cố ách tắc giao thông xảy ra đến khi xử lý xong sự cố ách tắc giao thông, hoạt động giao thông trở lại trạng thái ban đầu.

Điều 6. Xử lý ách tắc giao thông

1. Bố trí lắp đặt hệ thống báo hiệu đường bộ:

Cơ quan quản lý đường bộ chỉ đạo đơn vị thực hiện quản lý, bảo trì, phối hợp lực lượng công an, Thanh tra giao thông, tổ chức bố trí lắp đặt đầy đủ hệ thống báo hiệu đường bộ (rào chắn, cọc tiêu, biển báo, đèn tín hiệu,…) theo đúng quy định tại các vị trí xảy ra ách tắc giao thông trên các tuyến đường thuộc phạm vi quản lý.

2. Tổ chức phương án phân luồng đảm bảo giao thông:

2.1. Cơ quan quản lý đường bộ chủ trì, phối hợp với lực lượng Công an, Quân đội, Thanh tra giao thông, chính quyền địa phương nơi xảy ra ách tắc triển khai phương án phân luồng đảm bảo giao thông thông suốt và an toàn.

2.2. Công an tỉnh chỉ đạo Công an cấp huyện, các phòng ban liên quan phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức phân luồng đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự tại các vị trí xảy ra ách tắc giao thông.

2.3. Khi có sự cố ách tắc xảy ra trên địa bàn, UBND cấp huyện phối hợp các cơ quan chức năng để tổ chức triển khai phương án phân luồng đảm bảo giao thông thuận lợi, hợp lý.

3. Xử lý phương án đảm bảo giao thông bước 1:

Đơn vị thực hiện quản lý, bảo trì chủ trì phối hợp với Chính quyền địa phương nơi công trình bị ảnh hưởng, xử lý sự cố ách tắc giao thông sau đó hoàn thiện thủ tục hồ sơ thiết kế, dự toán đảm bảo giao thông tạm do đơn vị Tư vấn thiết kế lập trên cơ sở thực tế công trình bị hư hỏng gồm: Bản vẽ, khối lượng, ảnh chụp hiện trường; biên bản thiệt hại có xác nhận của chính quyền địa phương.

4. Xử lý phương án đảm bảo giao thông bước 2:

Ngay sau khi thực hiện xong việc đảm bảo giao thông bước 1, Cơ quan quản lý đường bộ, đơn vị thực hiện quản lý, bảo trì, tuỳ theo chức năng, quyền hạn có trách nhiệm triển khai ngay thủ tục khôi phục lại công trình như trạng thái ban đầu (xin chủ trương đầu tư khôi phục hoặc nâng cấp cải tạo làm mới công trình).

Khi thực hiện đảm bảo giao thông bước 2, mọi thủ tục hồ sơ đầu tư xây dựng khôi phục công trình đều thực hiện theo đúng trình tự, quy định về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản hiện hành.

Điều 7. Kinh phí thực hiện

1. Sự cố xảy ra trên các tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường xã

1.1. Đối với nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông vận tải, Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh và các Ngành, đơn vị liên quan, tham mưu trình UBND tỉnh xem xét quyết định danh mục công trình và phân bổ kinh phí để khắc phục.

1.2. Đối với nguồn ngân sách tỉnh.

Sở Giao thông vận tải tổng hợp danh mục công trình và kinh phí bị thiệt hai do thiên tai gây nên báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Tài chính). Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu trình Uỷ ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí khắc phục.

2. Sự cố xảy ra trên các tuyến Quốc lộ.

Sở Giao thông vận tải, Cục Quản lý đường bộ II tổng hợp danh mục công trình thiệt hại trên tuyến quốc lộ thuộc phạm vi quản lý và kinh phí thiệt hại để báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải bố trí kinh phí khắc phục.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Khen thưởng, xử lý vi phạm

1. Khen thưởng: Hàng năm, các Sở, ngành, Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã và các tổ chức, đơn vị liên quan lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Quy chế đề nghị các hình thức khen thưởng theo đúng quy định hiện hành;

2. Xử lý vi phạm: Các tổ chức, cá nhân có hành vi cản trở, không chấp hành lệnh huy động của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc vi phạm các quy định của Pháp luật thì tuỳ theo mức độ vi phạm hậu quả xảy ra sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

3. Các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm gây thiệt hại cho Nhà nước, ngoài việc bị xử lý theo quy định tại Khoản 2, Điều 8 của Quy chế này còn phải bồi thường thiệt hại theo đúng quy định của Pháp luật hiện hành.

Điều 9. Tổ chức thực hiện

1. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, các đơn vị liên quan căn cứ các nội dung của Quy chế để triển khai thực hiện.

2. Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra và đôn đốc các đơn vị thực hiện theo chức năng nhiệm vụ tại quy chế này;

3. Trong quá trình thực hiện quy chế, nếu có vướng mắc phát sinh, các Sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã và đơn vị liên quan phản ánh bằng văn bản gửi về Sở Giao thông vận tải để tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, bổ sung, sửa đổi phù hợp với thực tế./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 45/2014/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại vị trí xảy ra ách tắc giao thông do thiên tai gây nên trên tuyến đường thuộc địa bàn tỉnh Nghệ An

  • Số hiệu: 45/2014/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 01/08/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
  • Người ký: Huỳnh Thanh Điền
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/08/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản