Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 62/2006/NQ-HĐND

Việt Trì, ngày 17 tháng 5 năm 2006

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG VẬN TẢI TỈNH PHÚ THỌ GIAI ĐOẠN 2006 - 2010

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ

KHOÁ XVI, KỲ HỌP THỨ BẢY

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2020;

Sau khi xem xét Tờ trình số 342/TTr-UBND ngày 06 tháng 3 năm 2006 của UBND tỉnh về kế hoạch đầu tư phát triển giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2006 đến 2010; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách; và thảo luận,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1: Tán thành thông qua Kế hoạch đầu tư phát triển GTVT tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2006 - 2010 với các nội dung chủ yếu sau:

1. Đánh giá tình hình phát triển GTVT giai đoạn 2001 - 2005

Phú Thọ là đầu mối giao thông trung chuyển giữa khu vực đồng bằng Bắc Bộ với khu vực Tây Bắc và Quốc tế; đã có hệ thống giao thông đường bộ, đường sông, đường sắt phân bố đều khắp, khép kín trên địa bàn, với 11.483km đường bộ, 248km đường sông và 90km đường sắt.

 5 năm qua GTVT Phú Thọ đã thực hiện được cơ bản các mục tiêu của quy hoạch trong giai đoạn, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo điều kiện cho các ngành khác phát triển. Giao thông nông thôn thực hiện "Quy chế dân chủ" với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" đã phát triển khá mạnh, đổi mới bộ mặt nông thôn, góp phần xoá đói giảm nghèo, xây dựng làng bản văn hoá, nếp sống văn minh ở nông thôn. Đã đầu tư nâng cấp, cải tạo được: 262 km đường quốc lộ đạt tiêu chuẩn từ cấp V - cấp III mặt đường nhựa; 286 km đường tỉnh lộ đạt tiêu chuẩn từ cấp V - cấp IV mặt đường nhựa; 40 km đường đô thị đạt tiêu chuẩn đường phố chính, mặt đường nhựa; 352 km đường nhựa và 1.043 km đường bê tông xi măng của giao thông nông thôn. Tổng vốn đầu tư cho đường tỉnh và giao thông nông thôn là 1.802 tỷ đồng.

Vận tải phát triển đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ đi lại cho nhân dân.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đầu tư còn một số tồn tại sau: Nguồn lực đầu tư cho xây dựng và bảo trì chưa đáp ứng được yêu cầu; đầu tư còn dàn trải, tiêu chuẩn kỹ thuật trong đầu tư xây dựng còn thấp, chưa đáp ứng được với tải trọng, mật độ giao thông ngày càng tăng.

2. Kế hoạch đầu tư phát triển GTVT giai đoạn 2006 - 2010

2.1. Giao thông đường bộ

2.1.1. Hệ thống đường quốc lộ

- Hoàn thành xây dựng 15km đường cấp IV quốc lộ 32A (đoạn Thu Cúc-Đèo Khế); 40km đường cấp III quốc lộ 2 (đoạn Đền Hùng - Đoan Hùng); 14km đường cấp III đường Hồ Chí Minh (đoạn Cổ Tiết - Phú Hộ); 22km đường cấp III - IV nối quốc lộ 32C với quốc lộ 70, cầu ấm Thượng; cải tạo mặt đường quốc lộ 70 và khởi công xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai; ưu tiên xây dựng đoạn Hà Nội - Việt Trì và cầu Đức Bác tiêu chuẩn 4 làn xe (giai đoạn I).

- Tổng kinh phí đầu tư: 1.979 tỷ VNĐ.

2.1.2. Hệ thống đường tỉnh

- Ưu tiên đầu tư nâng cấp, cải tạo và nhựa hoá 100% đạt tiêu chuẩn tối thiểu cấp IV miền núi; những tuyến quan trọng để phát triển các khu kinh tế trọng điểm, du lịch đạt tiêu chuẩn cấp II-III. Khởi công xây dựng đường cấp II nối thành phố Việt Trì với cầu Phong Châu và trả nợ các dự án đã hoàn thành.

- Tổng vốn đầu tư: 3.253,4 tỷ VNĐ.

2.1.3. Đường giao thông nông thôn

- Thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-TU: Đầu tư xây dựng mới 30km, nâng cấp cải tạo 3.700km (trong đó nhựa hoá được 50% đường huyện lộ) và xây dựng cầu, tràn 190 cái/4.300m.

- Tổng vốn đầu tư: 830 tỷ VNĐ.

2.1.4. Đường đô thị

- Đầu tư nâng cấp, cải tạo, xây mới, nhựa hoá 62km (khu vực thành phố Việt Trì và thị xã Phú Thọ) đạt tiêu chuẩn đường đô thị.

- Tổng mức đầu tư: 368 tỷ VNĐ.

2.1.5. Bảo trì đường bộ

- Mức đầu tư 33 triệu/km đối với đường quốc lộ; 20 triệu/km đối với đường tỉnh lộ; 5 triệu/km đối với đường huyện; đường xã, thôn kinh phí của địa phương và huy động sự đóng góp của nhân dân.

- Tổng vốn đầu tư: 135,38 tỷ VNĐ.

- Nguồn vốn đầu tư: Vốn sự nghiệp giao thông (ngân sách Trung ương cho đường quốc lộ, ngân sách tỉnh cho đường tỉnh lộ, ngân sách huyện cho đường huyện lộ).

2.2. Giao thông đường sông

Nâng cấp, mở rộng cảng Việt Trì lên 1 triệu tấn/năm, vốn đầu tư 150 tỷ VNĐ (do Tổng công ty Đường sông đầu tư).

2.3. Giao thông đường sắt

Do Tổng cục Đường sắt đầu tư theo kế hoạch của Bộ GTVT.

2.4. Vận tải đường bộ, đường sông trong giai đoạn 2006 - 2010

- Khối lượng vận tải hàng hoá: 66.608.546 tấn (đường bộ: 47.988.591 tấn, đường sông: 18.619.955 tấn); hành khách: 48.312.262 người (đường bộ: 36.750.453 người, đường sông: 11.561.809 người).

- Số lượng phương tiện phát triển đến năm 2010 có 5.344 xe tải, 1.255 xe khách, 60 xe buýt và 847 phương tiện thuỷ.

- Đầu tư xây dựng, nâng cấp các bến xe khách: Việt Trì 02 bến, thị xã Phú Thọ 01 bến đạt tiêu chuẩn cấp III; Thanh Sơn 03 bến, Hạ Hoà 02 bến và các huyện còn lại mỗi huyện có 01 bến đạt tiêu chuẩn cấp IV.

- Tổng vốn đầu tư: 3.746,7 tỷ VNĐ, trong đó đầu tư phương tiện: 3.734,6 tỷ VNĐ, đầu tư bến bãi: 12,1 tỷ VNĐ.

- Nguồn vốn đầu tư: Huy động từ các doanh nghiệp, tư nhân; tỉnh hỗ trợ một phần khi cần thiết.

3. Một số giải pháp chủ yếu

Để thực hiện được kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng GTVT giai đoạn 2006 - 2010, UBND các cấp rà soát, điều chỉnh, lập kế hoạch đầu tư của địa phương mình cho phù hợp với kế hoạch của tỉnh và thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:

3.1. Huy động mọi nguồn lực đầu tư cho GTVT gồm: Vốn từ các Bộ, ngành Trung ương, vốn ngân sách tỉnh và hỗ trợ của Trung ương, vốn ODA, NGO..., vốn lồng ghép các chương trình mục tiêu, vốn vay, vốn đổi đất lấy cơ sở hạ tầng, vốn huy động tập thể, nhân dân đóng góp cho giao thông nông thôn và vốn các doanh nghiệp, tư nhân tham gia đầu tư. Cân đối, phân bổ các nguồn vốn đầu tư cho giao thông theo kế hoạch, bố trí đủ vốn đối ứng để tranh thủ nguồn lực dự án vay vốn nước ngoài của các Bộ, ngành Trung ương để đảm bảo cho cơ sở hạ tầng giao thông đi trước một bước, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

3.2. Tổ chức đầu tư tập trung, không dàn trải theo đúng kế hoạch; thực hiện chặt chẽ, đảm bảo chất lượng, đúng trình tự, thủ tục đầu tư theo luật định, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, thực hiện tốt nhất tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng trong đầu tư xây dựng.

3.3. Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các sở, ban, ngành, các cấp chính quyền trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh quá trình đầu tư, sớm đưa công trình vào khai thác.

3.4. Chú trọng áp dụng những tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới nhằm nâng cao chất lượng công trình, giảm thời gian thi công tận dụng nhiều vật liệu địa phương, quan tâm thích đáng đầu tư cho bảo trì công trình, để phát huy hiệu quả vốn đầu tư.

3.5. Phân cấp quản lý đầu tư

- Đường quốc lộ: Do Bộ GTVT quản lý đầu tư.

- Đường tỉnh: Do tỉnh quản lý đầu tư.

- Đường đô thị: Do thành phố, thị xã, thị trấn quản lý đầu tư.

- Đường GTNT: Do huyện, xã quản lý đầu tư.

- Đầu tư phương tiện vận tải, bến bãi: Do các chủ đầu tư gồm các tổ chức, doanh nghiệp tư nhân quản lý đầu tư.

Điều 2: Giao Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai và chỉ đạo thực hiện Nghị quyết này.

Điều 3: Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ khoá XVI, kỳ họp thứ bảy thông qua ngày 12 tháng 5 năm 2006./.

 

 

CHỦ TỊCH




Ngô Đức Vượng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 62/2006/NQ-HĐND về Kế hoạch đầu tư phát triển giao thông vận tải tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2006 - 2010

  • Số hiệu: 62/2006/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 17/05/2006
  • Nơi ban hành: Tỉnh Phú Thọ
  • Người ký: Ngô Đức Vượng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/05/2006
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản