Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/2015/NQ-HĐND

Hà Nội, ngày 02 tháng 12 năm 2015

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG VÀ PHÂN BỔ NGÂN SÁCH CẤP THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2016

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KHÓA XIV, KỲ HỌP THỨ 14

(Từ ngày 01/12 đến ngày 04/12/2015)

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16/12/2002;

Căn cứ Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 29/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2016;

Căn cứ Quyết định số 2100/QĐ-TTg ngày 28/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2016; Quyết định số 2502/QĐ-BTC ngày 28/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2016; Thông tư số 127/2015/TT-BTC ngày 21/8/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc cấp mã số và phân công cơ quan thuế quản lý đối với doanh nghiệp thành lập mới;

Xét Báo cáo số 203/BC-UBND ngày 13/11/2015 của UBND Thành phố về đánh giá tình hình thực hiện ngân sách năm 2015, Dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp Thành phố năm 2016; Báo cáo số 204/BC-UBND ngày 13/11/2015 của UBND Thành phố về Kế hoạch đầu tư công năm 2016 của thành phố Hà Nội; tờ trình số 74/TTr-UBND ngày 13/11/2015 của UBND Thành phố về phân công cơ quan thuế quản lý doanh nghiệp thành lập mới năm 2016; báo cáo số 202/BC-UBND ngày 13/11/2015 của UBND Thành phố về tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại các cơ quan, đơn vị nhà nước năm 2015; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND Thành phố và ý kiến thảo luận của các vị đại biểu HĐND Thành phố,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua dự toán ngân sách địa phương và phương án phân bổ dự toán ngân sách cấp thành phố Hà Nội năm 2016 với những nội dung chính như sau:

1. Dự toán thu ngân sách thành phố Hà Nội năm 2016

a. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn: 169.420.000 triệu đồng (Một trăm sáu mươi chín nghìn, bốn trăm hai mươi tỷ đồng); không bao gồm các khoản thu quản lý qua ngân sách theo quy định của Trung ương.

Trong đó:

- Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu: 14.990.000 triệu đồng (Mười bốn nghìn, chín trăm chín mươi tỷ đồng);

- Thu nội địa: 152.130.000 triệu đồng (Một trăm năm mươi hai nghìn, một trăm ba mươi tỷ đồng);

- Thu từ dầu thô: 2.300.000 triệu đồng (Hai nghìn ba trăm tỷ đồng).

(Kèm theo phụ lục số 1 về dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2016)

b. Tổng thu ngân sách địa phương: 73.773.149 triệu đồng (Bảy mươi ba nghìn, bảy trăm bảy mươi ba tỷ, một trăm bốn mươi chín triệu đồng).

- Thu sau điều tiết: 69.977.640 triệu đồng (Sáu mươi chín nghìn, chín trăm bảy mươi bảy tỷ, sáu trăm bốn mươi triệu đồng).

- Thu ngân sách địa phương từ nguồn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương: 1.795.509 triệu đồng (Một nghìn, bảy trăm chín mươi năm tỷ, năm trăm linh chín triệu đồng).

- Thu huy động: 2.000.000 triệu đồng (Hai nghìn tỷ đồng).

c. Tổng thu các khoản quản lý qua ngân sách: 4.053.569 triệu đồng (Bốn nghìn không trăm năm mươi ba tỷ, năm trăm sáu mươi chín triệu đồng).

2. Dự toán chi ngân sách địa phương năm 2016

a. Tổng chi ngân sách địa phương: 73.773.149 triệu đồng (Bảy mươi ba nghìn, bảy trăm bảy mươi ba tỷ, một trăm bốn mươi chín triệu đồng); gồm: Chi đầu tư phát triển: 31.112.633 triệu đồng (trong đó: chi giáo dục đào tạo: 3.884.250 triệu đồng; chi khoa học công nghệ: 461.260 triệu đồng; chi trả nợ và hoàn trả kinh phí giải phóng mặt bằng các dự án xã hội hóa 4.591.320 triệu đồng); Chi thường xuyên: 40.975.966 triệu đồng (trong đó: chi sự nghiệp giáo dục đào tạo 10.556.278 triệu đồng; chi sự nghiệp khoa học công nghệ 455.914 triệu đồng); Dự phòng ngân sách 1.674.090 triệu đồng; Chi bổ sung Quỹ dự trữ tài chính địa phương 10.460 triệu đồng, được phân bổ như sau:

a1. Tổng chi ngân sách cấp Thành phố: 56.350.796 triệu đồng, bao gồm:

- Bổ sung từ ngân sách Thành phố cho các quận, huyện, thị xã: 14.407.733 triệu đồng (bổ sung cân đối 7.272.405 triệu đồng và hỗ trợ vốn đầu tư XDCB 1.800.000 triệu đồng; bổ sung vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia và thành phố 1.006.000 triệu đồng; bổ sung chi thường xuyên, bao gồm cả kinh phí cải cách tiền lương, 4.329.328 triệu đồng).

- Chi ngân sách cấp Thành phố trực tiếp quản lý: 41.943.063 triệu đồng; gồm: chi đầu tư phát triển là 20.296.503 triệu đồng (trong đó chi trả nợ và hoàn trả kinh phí giải phóng mặt bằng các dự án xã hội hóa là 4.591.320 triệu đồng); chi thường xuyên là 20.505.718 triệu đồng; dự phòng ngân sách là 1.130.382 triệu đồng; bổ sung Quỹ dự trữ tài chính 10.460 triệu đồng.

a2. Tổng số chi ngân sách quận, huyện, thị xã (gồm cả xã, phường, thị trấn): 31.874.525 triệu đồng (bao gồm chi từ nguồn bổ sung có mục tiêu và nhiệm vụ khác từ ngân sách Thành phố: 7.135.328 triệu đồng).

b. Tổng chi các khoản quản lý qua ngân sách: 4.053.569 triệu đồng.

(Kèm theo phụ lục số 2 về cân đối thu, chi ngân sách địa phương; phụ lục số 3 về dự toán chi ngân sách địa phương; phụ lục số 4 về chi ngân sách cấp Thành phố và chi ngân sách cấp quận, huyện; phụ lục số 5 về dự toán ngân sách cấp Thành phố theo lĩnh vực; phụ lục số 6 về cân đối thu chi ngân sách quận, huyện; phụ lục số 7 về tổng hợp dự toán chi ngân sách các quận, huyện, thị xã).

Điều 2. Thống nhất nội dung phân công cơ quan thuế quản lý đối với doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2016.

(Chi tiết theo phụ lục số 8 đính kèm)

Điều 3. Thống nhất phát hành trái phiếu xây dựng Thủ đô năm 2016 là 4.000 tỷ đồng (trong đó 2.000 tỷ đồng thực hiện phân bổ ngay trong dự toán đầu năm) để bổ sung nguồn vốn đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình trọng điểm của Thành phố. Giao UBND Thành phố xây dựng Đề án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương theo quy định, thống nhất với Thường trực HĐND Thành phố và Bộ Tài chính để triển khai thực hiện, đảm bảo tính bền vững, hiệu quả trong hoạt động đầu tư.

Điều 4. Thực hiện triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, ngoài tiết kiệm 10% chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương, thực hiện tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) ngay từ khâu dự toán và giữ lại phần tiết kiệm thêm 10% nêu trên ở các cấp ngân sách để bố trí chi thực hiện cải cách tiền lương theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 5. Thống nhất thực hiện một số cơ chế về tài chính ngân sách như sau:

1. Tiếp tục thực hiện cơ chế thưởng cho ngân sách các quận, huyện, thị xã 30% số thu thuế, phí, lệ phí (đối với các khoản thu phân cấp cho quận, huyện, thị xã quản lý) tăng thêm so với dự toán năm 2016 và số thực hiện năm 2015 nộp về ngân sách Thành phố (trong trường hợp ngân sách Thành phố có tăng thu).

2. Tiếp tục thực hiện cơ chế hỗ trợ ngân sách (tiền lương) cho các đơn vị giáo dục công lập chất lượng cao năm thứ 2 thực hiện chuyển đổi và tiếp tục thực hiện hỗ trợ, đầu tư trang thiết bị cho các trường thí điểm mô hình chất lượng cao trong năm học 2015-2016.

Điều 6. Thông qua các mục tiêu, nguyên tắc, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện dự toán ngân sách năm 2016 do UBND Thành phố trình, nhấn mạnh một số nhiệm vụ sau:

1. Tổ chức triển khai thực hiện tốt các Luật thuế sửa đổi, bổ sung và nhiệm vụ thu NSNN theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết HĐND Thành phố. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, hoàn thuế theo quy định, công tác chống thất thu ngân sách, chống buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt là các hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác quản lý, đôn đốc thu hồi nợ thuế theo luật định và đúng quy trình; thực hiện công khai danh sách những doanh nghiệp nợ thuế theo quy định; kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế kịp thời theo quy định hiện hành đối với các đơn vị nợ chây ỳ, có dấu hiệu trốn thuế, các đơn vị đã có kết luận của Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, các dự án được gia hạn tiền sử dụng đất nhưng quá hạn không nộp vào ngân sách nhà nước, các dự án đã triển khai và thu tiền của khách hàng nhưng không nộp nợ thuế; Tăng cường sự phối hợp các cơ quan liên quan trong công tác đôn đốc, cưỡng chế thu hồi nợ thuế, đảm bảo đúng quy định và hiệu quả cao.

2. Tập trung tổ chức phân bổ, điều hành dự toán ngân sách ngay từ đầu năm trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt và đúng chế độ quy định; bám sát tồn quỹ ngân sách của cấp mình để đảm bảo nguồn thực hiện các nhiệm vụ chi, trong đó đặc biệt đảm bảo chi lương và các khoản liên quan đến con người, đảm bảo hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị.

3. Thực hiện quản lý chặt chẽ các dự án đầu tư công, tăng cường quản lý nợ công, rà soát kỹ các dự án sử dụng vốn vay, để đảm bảo hiệu quả, tránh dàn trải; không yêu cầu, không cho phép các đơn vị ứng vốn thi công, không để phát sinh nợ xây dựng cơ bản mới. Rà soát các dự án đầu tư chậm tiến độ, tháo gỡ khó khăn, hoàn thành đưa dự án vào sử dụng hiệu quả. Rà soát, quản lý chặt chẽ các khoản chi ngân sách nhà nước, bảo đảm đúng dự toán được giao. Nâng cao hiệu quả hoạt động, khả năng huy động nguồn vốn của các quỹ tài chính địa phương, tạo bước chuyển biến quan trọng trong thực hiện chủ trương sử dụng các nguồn quỹ phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn Thủ đô.

4. Tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội cho đầu tư phát triển; thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý, khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai, tài sản nhà nước và các quỹ tài chính địa phương phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, trong đó: tiếp tục đẩy mạnh thu hồi đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tạo quỹ đất “sạch” để đấu giá quyền sử dụng đất; công khai danh mục các dự án có sử dụng đất công bố lựa chọn nhà đầu tư trên địa bàn Thành phố. Thực hiện rà soát, đổi mới các quy định liên quan đến việc thực hiện đấu thầu các dự án có sử dụng đất theo hướng hạn chế tối đa tình trạng giao đất, cho thuê đất theo phương thức chỉ định. Rà soát và kiên quyết thu hồi đất đối với những dự án có sử dụng đất chậm triển khai kéo dài, vi phạm pháp luật đất đai do nguyên nhân chủ quan, tổ chức đấu giá đất và tài sản trên đất để bổ sung thêm nguồn lực ngân sách cho đầu tư phát triển. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính về đất đai, tập trung tháo gỡ vướng mắc trong khâu tổ chức thực hiện, nhất là trong việc giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất, xác định giá đất, nghĩa vụ tài chính đất đai và bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai. Quản lý, sử dụng hiệu quả tài sản công, đặc biệt là quỹ đất, nhà chuyên dùng; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Thực hiện các phương án sắp xếp, xử lý nhà, đất theo hướng tăng cường bán đấu giá để tạo nguồn lực đầu tư phát triển, sử dụng hiệu quả tài sản nhà đất. Thực hiện rà soát, sắp xếp lại số xe ô tô phục vụ công tác trong cơ quan nhà nước, đơn vị, ban quản lý dự án; ban hành Quy chế quản lý, sử dụng và quyết định hình thức quản lý số xe ô tô hiện có tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Thành phố theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính, đảm bảo việc quản lý, sử dụng xe ô tô đúng tiêu chuẩn, định mức; Nghiên cứu phương án khoán xe công theo Nghị quyết của Quốc hội.

5. Thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi, khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường, giám định tư pháp; đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) để thu hút các nguồn vốn đầu tư, khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, kể cả đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế, quản lý quy hoạch, xây dựng, đô thị, cải thiện chất lượng môi trường,...

6. Triển khai thực hiện Luật NSNN năm 2015 và cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập; xây dựng Đề án phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, tỷ lệ phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách và định mức phân bổ dự toán chi ngân sách thuộc thành phố Hà Nội cho thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020.

7. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 21/12/2012 của Ban Bí thư và Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 26/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tiếp tục quán triệt quan điểm triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, phù hợp khả năng cân đối nguồn lực ngay từ khâu xác định nhiệm vụ quan trọng, trọng tâm cần thực hiện năm 2016 và kế hoạch trung hạn 2016-2020. Nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra và thực hiện nghiêm túc các kết luận của cơ quan thanh tra, Kiểm toán Nhà nước, các kết luận và kiến nghị giám sát của HĐND Thành phố.

Điều 7. Điều khoản thi hành

1. Giao UBND Thành phố:

- Triển khai giao kế hoạch dự toán ngân sách cho các đơn vị đúng quy định. Đối với các khoản chưa phân bổ theo đầu mối, UBND xây dựng phương án, thống nhất với Thường trực HĐND phân bổ và giao dự toán cho các đơn vị trong quý I/2016. Đối với các khoản chi hỗ trợ ngành dọc và hỗ trợ các địa phương chưa phân bổ chi tiết, UBND Thành phố thống nhất với Thường trực HĐND Thành phố nội dung cụ thể trước khi thực hiện theo nguyên tắc đã được HĐND thông qua. Không bố trí dự toán, không phân bổ dự toán các khoản chi chưa được HĐND thống nhất về chế độ chi, mức chi.

- Kịp thời lập phương án sử dụng các nguồn tăng thu, thưởng vượt thu trong năm để trình HĐND hoặc Thường trực HĐND giữa 2 kỳ họp quyết định phân bổ theo nguyên tắc: tập trung cho công trình, dự án trọng điểm và những nhiệm vụ quan trọng, đột xuất, bức xúc mới phát sinh; lập phương án điều chỉnh dự toán (nếu có), thống nhất với Thường trực HĐND Thành phố xem xét quyết định và báo cáo lại với HĐND Thành phố tại kỳ họp gần nhất.

2. Giao Thường trực HĐND Thành phố, các Ban của HĐND, các tổ đại biểu và các vị đại biểu HĐND Thành phố giám sát thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này được HĐND thành phố Hà Nội khóa XIV, kỳ họp thứ 14 thông qua ngày 02/12/2015./.

 

 

Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Ban công tác Đại biểu của Quốc hội:
- VP Quốc hội, VP Chính phủ;
- Các Bộ: Tài chính, KH&ĐT, Nội vụ, Tư pháp;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Thường trực Thành ủy;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội;
- TT HĐND, UBND, UBMTTQ TP;
- Các vị Đại biểu HĐND TP;
- Các Ban HĐND Thành phố;
- VP Thành ủy, Các Ban Đảng;
- VP Đoàn ĐBQH&HĐND, VP UBND TP;
- Các Sở, Ban, ngành Thành phố có liên quan;
- TT HĐND, UBND các quận, huyện, thị xã;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Bích Ngọc

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 11/2015/NQ-HĐND về dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp thành phố Hà Nội năm 2016

  • Số hiệu: 11/2015/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 02/12/2015
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Nguyễn Thị Bích Ngọc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/12/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản