Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/2010/NQ-HĐND

Đông Hà, ngày 23 tháng 7 năm 2010

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ GIAO QUYỀN TỰ CHỦ VỀ SỬ DỤNG BIÊN CHẾ VÀ KINH PHÍ QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH ĐỐI VỚI CƠ QUAN NHÀ NƯỚC; GIAO QUYỀN TỰ CHỦ VỀ BIÊN CHẾ VÀ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ
KHÓA V, KỲ HỌP THỨ 21

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND, UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị định 130/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2005 của Chính phủ Quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với cơ quan nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ Quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập;

Xét Tờ trình số 1901/TTr-UBND, ngày 07 tháng 7 năm 2010 của UBND tỉnh về Phê chuẩn Đề án giao quyền tự chủ về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với cơ quan hành chính; giao quyền tự chủ về biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập (Kèm theo Đề án); Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND tỉnh và ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Đề án Giao quyền tự chủ về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với cơ quan Nhà nước; giao quyền tự chủ về biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Giao quyền tự chủ về sử dụng biên chế và kinh phí trong thời kỳ ổn định ngân sách 5 năm (2011- 2015) nhằm tạo điều kiện để các cơ quan, đơn vị, địa phương phát huy quyền chủ động trong quản lý, tuyển dụng, sử dụng biên chế và sử dụng có hiệu quả kinh phí được giao phục vụ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

- Giảm áp lực đối với cơ quan xét duyệt biên chế và giảm áp lực trong việc cân đối ngân sách do tăng biên chế và quỹ lương hàng năm;

- Từng cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng cơ cấu chức danh công chức phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao, trên cơ sở đó, sắp xếp, bố trí, tuyển dụng đội ngũ cán bộ, công chức phù hợp đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ và sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí để tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, nhân viên và người lao động;

- Các cơ quan, đơn vị và UBND các huyện, thị xã, thành phố sắp xếp lại hệ thống trường lớp, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên trường học theo đúng quy định hiện hành; đến năm 2015, số học sinh/lớp so với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo đạt tỷ lệ 95- 100% đối với thành phố, thị xã; 85- 90% đối với đồng bằng và 70- 80% đối với miền núi; năm học 2012- 2013, cơ bản không còn trường có dưới 10 lớp ở vùng đồng bằng, đô thị;

- Các cơ sở khám chữa bệnh chủ động sắp xếp, sử dụng đội ngũ hoặc liên kết với bệnh viện tuyến trên để đảm bảo đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân; các trung tâm y tế dự phòng đáp ứng ngày càng tốt hơn công tác phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân;

- Các đơn vị sự nghiệp chủ động tạo nguồn thu, tìm giải pháp mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm tăng nguồn thu, tăng khả năng tự chủ của đơn vị để giảm bớt phần ngân sách chi cho hoạt động sự nghiệp. Đến năm 2015, tăng số đơn vị tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động và chuyển một số đơn vị sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

3. Yêu cầu

- Đẩy mạnh phân cấp, giao quyền tự chủ gắn với tăng cường kỹ cương pháp luật;

- Các đơn vị hoàn thành nhiệm vụ được giao năm sau cao hơn năm trước;

- Rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế khoa học, hợp lý, bảo đảm sử dụng biên chế thấp hơn định mức quy định;

- Phân bổ biên chế và kinh phí khách quan, công bằng giữa các ngành, các cấp và giữa các đơn vị trong ngành;

- Sử dụng kinh phí tiết kiệm, hiệu quả; thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức năm sau cao hơn năm trước;

- Giảm chi ngân sách và tăng chi từ nguồn thu sự nghiệp.

4. Nguyên tắc xác định biên chế:

a) Về biên chế hành chính:

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, khối lượng công việc của cơ quan, đơn vị;

- Số biên chế sử dụng thấp hơn so với chỉ tiêu biên chế do Trung ương giao;

- Đối với đơn vị giảm chức năng, nhiệm vụ thì giảm biên chế tương ứng;

- Những tổ chức được thành lập theo văn bản hướng dẫn của cơ quan cấp trên nhưng chưa có quyết định thành lập thì chưa bổ sung biên chế. Khi có quyết định thành lập của cơ quan có thẩm quyền thì trình HĐND tỉnh bổ sung biên chế để trình Bộ Nội vụ phê duyệt;

- Hằng năm, cơ quan, đơn vị nào có bổ sung chức năng, nhiệm vụ hoặc thành lập mới tổ chức bên trong thì trình HĐND tỉnh bổ sung biên chế và trình Bộ Nội vụ phê duyệt biên chế tương ứng với nhiệm vụ được giao.

b) Về biên chế sự nghiệp:

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tính chất, quy mô và hiệu quả hoạt động của từng loại hình tổ chức sự nghiệp;

- Giảm chi từ ngân sách và tăng chi từ nguồn thu đơn vị sự nghiệp;

- Đảm bảo tuân thủ đúng quy định của Trung ương về định mức biên chế đối với các loại hình đơn vị sự nghiệp;

- Đối với trường trung học phổ thông, mầm non bán công, trong khi đề án chuyển đổi loại hình theo Thông tư 11/2009/TT-BGDĐT ngày 08/5/2009 của Bộ Trưởng Bộ Giáo dục- Đào tạo, chưa được HĐND tỉnh thông qua thì giữ nguyên biên chế như hiện nay;

- Công khai, minh bạch biên chế hưởng lương từ ngân sách và biên chế hưởng lương từ nguồn thu hoạt động của đơn vị sự nghiệp.

c) Nhà nước không giao chỉ tiêu biên chế và kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội- nghề nghiệp; tổ chức xã hội; tổ chức xã hội nghề nghiệp. Ngân sách nhà nước hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đối với hoạt động gắn với nhiệm vụ Nhà nước giao.

II. TỔNG SỐ BIÊN CHẾ CỦA TỈNH TRONG KẾ HOẠCH 2011- 2015

Tổng biên chế hành chính, sự nghiệp: 16.852

Trong đó:

1. Biên chế hành chính: 2.005 biên chế

2. Biên chế sự nghiệp: 14.639, Trong đó:

- Sự nghiệp Giáo dục:  11.612 biên chế;

- Sự nghiệp Y tế: 2.206 biên chế;

- Sự nghiệp Văn hóa- Thể thao: 360 biên chế;

- Sự nghiệp khác:  461 biên chế.

3. Hợp đồng 68:  158 chỉ tiêu

4. Biên chế dự phòng: 50 biên chế

Biên chế hưởng lương từ nguồn thu hoạt động sự nghiệp: 770 biên chế

Hợp đồng y tế cơ sở: 627 chỉ tiêu

Điều 2. Các giải pháp thực hiện

1. Đối với biên chế quản lý hành chính:

a) Sắp xếp cơ cấu tổ chức, biên chế theo quy định hiện hành và triển khai thực hiện Nghị quyết này;

b) Các cơ quan Nhà nước xây dựng và sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức theo cơ cấu chức danh từng phòng, ban, bộ phận phù hợp.

2. Đối với biên chế sự nghiệp:

a) UBND các huyện, thị xã, thành phố, đơn vị rà soát, bố trí, sắp xếp lại tổ chức và biên chế sự nghiệp hợp lý đảm bảo các quy định hiện hành; thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 132/2007/NĐ-CP ngày 08/8/2007 của Chính phủ;

b) Thực hiện chuyển đổi mô hình các trường mầm non, trường phổ thông theo Thông tư 11/2009/TT-BGD-ĐT ngày 08/5/2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều 3. Giao UBND tỉnh

1. Tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.

2. Trình HĐND tỉnh quyết định bổ sung biên chế cho các đơn vị, tổ chức mới được thành lập hoặc được bổ sung chức năng, nhiệm vụ theo quy định của cấp có thẩm quyền; hằng năm rà soát, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng chuyển dần sang đơn vị sự nghiệp đảm bảo 100% kinh phí và giảm số đơn vị được ngân sách bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động; thống nhất với Thường trực HĐND tỉnh về việc Phân bổ biên chế dự phòng, chỉ tiêu hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp và báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp gần nhất.

3. Xây dựng, ban hành quy chế tuyển dụng, quản lý, sử dụng biên chế khách quan, khoa học, minh bạch và phân cấp, giao quyền tự chủ cho cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

4. Trình Bộ Nội vụ phê duyệt biên chế hành chính hàng năm và giao biên chế cho từng cơ quan, đơn vị trong tỉnh.

Điều 4. Giao Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh, các đại biểu HĐND tỉnh phối hợp với UBMTTQVN tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này được HĐND tỉnh khóa V, kỳ họp thứ 21 thông qua ngày 23 tháng 7 năm 2010 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2011./.

 

 

CHỦ TỊCH




Lê Hữu Phúc

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 10/2010/NQ-HĐND giao quyền tự chủ về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với cơ quan nhà nước; giao quyền tự chủ về biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập do tỉnh Quảng Trị ban hành

  • Số hiệu: 10/2010/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 23/07/2010
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Trị
  • Người ký: Lê Hữu Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản