Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/2022/NQ-HĐND

Quảng Ninh, ngày 09 tháng 12 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ QUYẾT SỐ 21/2021/NQ-HĐND NGÀY 16/7/2021 CỦA HĐND TỈNH QUẢNG NINH QUY ĐỊNH CHÍNH SÁCH TRỢ GIÚP XÃ HỘI ĐỐI VỚI ĐỐI TƯỢNG BẢO TRỢ XÃ HỘI VÀ CÁC ĐỐI TƯỢNG KHÓ KHĂN KHÁC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
KHÓA XIV - KỲ HỌP THỨ 12

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước năm 2015;

Căn cứ Luật Người cao tuổi năm 2009; Luật Người khuyết tật năm 2010; Luật Trẻ em năm 2016;

Căn cứ Luật Bảo hiểm y tế năm 2008; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ Quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội;

Căn cứ Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025;

Xét Tờ trình số 5969/TTr-UBND ngày 23/11/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Nghị quyết Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; Báo cáo thẩm tra 161/BC-HĐND ngày 30/11/2022 của Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh “Quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”:

1. Sửa đổi khoản 2 Điều 1 như sau:

“2. Đối với người nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội: Mức chuẩn trợ cấp xã hội là 650.000 đồng/tháng.”

2. Sửa đổi Điều 2 như sau:

a) Sửa đổi nội dung “Áp dụng đối với công dân có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” thành “Áp dụng đối với công dân đăng ký thường trú trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”.

b) Bổ sung điểm e, điểm g vào khoản 3 Điều 2 như sau:

“e. Người từ đủ 75 tuổi đến dưới 80 tuổi không thuộc đối tượng quy định tại điểm a, điểm b khoản 3 Điều 2 Nghị quyết này, không có lương hưu, không có trợ cấp bảo hiểm xã hội, chưa được hưởng trợ cấp xã hội và có hoàn cảnh khó khăn”.

“g. Người từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi không có vợ hoặc chồng, không có con, không có lương hưu, không có trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hàng tháng khác và có hoàn cảnh khó khăn”.

c) Bổ sung khoản 5 vào Điều 2 như sau:

“5. Người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, thuộc hộ nghèo không có khả năng lao động.”

3. Sửa đổi khoản 2 và khoản 3 Điều 3 như sau:

“2. Hỗ trợ chi phí khám bệnh, chữa bệnh: Chỉ hỗ trợ đối với trường hợp khám bệnh, chữa bệnh đúng tuyến (bao gồm cả thông tuyến) tại các cơ sở y tế công lập trong nước theo quy định hiện hành của Bộ Y tế, không hỗ trợ các trường hợp sử dụng các loại dịch vụ theo yêu cầu. Đối với đối tượng thuộc điểm l khoản 1 Điều 2 Nghị quyết này được hưởng chính sách hỗ trợ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đến hết ngày 31/12/2025”

“3. Đối với đối tượng quy định tại điểm b khoản 3 Điều 2 được hưởng các chính sách hỗ trợ theo quy định của Nghị quyết này đến hết ngày 31/12/2025.”

4. Sửa đổi điểm c khoản 1 Điều 4 như sau:

“c) Đối với đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 2; điểm a, b, c, d, e, g khoản 3 Điều 2; khoản 4 Điều 2: Hệ số trợ cấp là 1,0.”

5. Sửa đổi điểm a khoản 9 Điều 4 như sau:

“a) Hộ nghèo không có khả năng lao động (không có khả năng thoát nghèo) có thành viên đang hưởng trợ cấp xã hội; có đối tượng quy định tại điểm e khoản 1 Điều 2, khoản 2 Điều 2, điểm d khoản 3 Điều 2, khoản 4 Điều 2, khoản 5 Điều 2 Nghị quyết này thì được hưởng mức trợ cấp xã hội hằng tháng như sau:

- Các đối tượng sinh sống tại khu vực nông thôn: Mức trợ cấp hằng tháng bằng mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn (tiêu chí thu nhập) theo quy định chuẩn nghèo đa chiều tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ “quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025”.

- Các đối tượng sinh sống tại khu vực thành thị: Mức trợ cấp hằng tháng bằng mức chuẩn nghèo của khu vực thành thị (tiêu chí thu nhập) theo quy định chuẩn nghèo đa chiều tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ “quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025”.

- Mức trợ cấp xã hội hằng tháng được điều chỉnh khi Chính phủ điều chỉnh mức chuẩn nghèo theo từng giai đoạn. Các đối tượng thuộc hộ nghèo không có khả năng lao động theo quy định của Chính Phủ hoặc quy định của tỉnh thì được hưởng chính sách này.

- Thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng của đối tượng kể từ tháng Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ký quyết định trợ cấp hàng tháng.

Hộ nghèo không có khả năng lao động thoát nghèo thì đối tượng tiếp tục được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng thêm 24 tháng kể từ tháng được cấp có thẩm quyền công bố thoát nghèo.”

Điều 2. Nguồn kinh phí thực hiện

Do ngân sách địa phương đảm bảo theo phân cấp ngân sách hiện hành. Các địa phương tự cân đối ngân sách có trách nhiệm bố trí đủ ngân sách cấp mình để thực hiện nghị quyết.

Điều 3. Hội đồng nhân dân tỉnh giao

1. Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết, đảm bảo công khai, minh bạch, kịp thời, đúng đối tượng và nội dung hỗ trợ. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã và thủ trưởng cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm toàn diện trong chỉ đạo, quản lý, tổ chức thực hiện chính sách, nhất là xác định đối tượng thụ hưởng; chú trọng công tác kiểm soát, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách này, không để xảy ra vi phạm trục lợi chính sách, thất thoát ngân sách nhà nước, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có).

2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các ban, các tổ và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh Khóa XIV, Kỳ họp thứ 12 thông qua ngày 09 tháng 12 năm 2022 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2023./.

 


Nơi nhận:
- UBTV Quốc hội, Chính phủ (b/c);
- Ban CTĐB của UBTV Quốc hội;
- Các bộ, ngành: Tài chính, LĐ-TB&XH, Tư pháp; Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh, UBND tỉnh;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh khóa XIV;
- Các ban xây dựng Đảng và VP Tỉnh ủy;
- UBMTTQ tỉnh và các tổ chức CT-XH tỉnh;
- VP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành của tỉnh;
- TT.HĐND, UBND các huyện, TX, TP;
- Trung tâm Truyền thông tỉnh;
- Lưu VT, VX1.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Ký

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 08/2022/NQ-HĐND sửa đổi Nghị quyết 21/2021/NQ-HĐND Quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

  • Số hiệu: 08/2022/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 09/12/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh
  • Người ký: Nguyễn Xuân Ký
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản