Hệ thống pháp luật

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06b /NQ-TLĐ

Hà Nội, ngày 03 tháng 8 năm 2015

 

NGHỊ QUYẾT
HỘI NGHỊ LẦN THỨ 6 BAN CHẤP HÀNH TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM KHÓA XI

VỀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG ỦY BAN KIỂM TRA CÔNG ĐOÀN

Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Khóa XI) họp ngày từ 02 đến 03 tháng 7 năm 2015, tại Hà Nội, đã thảo luận và thông qua Nghị quyết về nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động ủy ban kiểm tra công đoàn.

I. TÌNH HÌNH TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA ỦY BAN KIỂM TRA CÔNG ĐOÀN CÁC CẤP

1. Kết quả đã đạt được

Trong những năm qua, tổ chức và hoạt động ủy ban kiểm tra công đoàn đã có nhiều cố gắng đổi mới về nội dung và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

1.1. Về tổ chức, cán bộ ủy ban kiểm tra

Về số lượng, đến cuối năm 2014 có 51.982 ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp với 200.445 ủy viên ủy ban kiểm tra. Trong đó, ủy ban kiểm tra liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương có 524 ủy viên, cấp trên trực tiếp cơ sở có 7.883 ủy viên và công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn có 192.023 uỷ viên, Uỷ ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam 15 ủy viên. Cán bộ kiểm tra là nữ 76.268 người chiếm 38,05%. Có 176 ủy viên chuyên trách, có 16.943 đồng chí phó chủ tịch kiêm nhiệm, 11.260 đồng chí ủy viên ban thường vụ, 38.637 đồng chí ủy viên ban chấp hành. Tổng số cán bộ chuyên trách tại các văn phòng ủy ban kiểm tra là 195 người.

Về chất lượng, cán bộ ủy ban kiểm tra tiếp tục được ban chấp hành, ban thường vụ công đoàn các cấp quan tâm quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng; một số đồng chí đã được đào tạo cơ bản và chuyên sâu về tài chính và pháp luật để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; một số cán bộ công tác lâu năm có nhiều kinh nghiệm trong công tác kiểm tra; một số cán bộ ủy ban kiểm tra được cơ cấu hợp lý, đa số chủ nhiệm ủy ban kiểm tra là ủy viên ban thường vụ, trong đó nhiều đồng chí là phó chủ tịch công đoàn cùng cấp.

1.2. Kết quả hoạt động của ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp

Được sự quan tâm lãnh đạo của ban chấp hành và sự chỉ đạo, tạo điều kiện của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn, ban thường vụ công đoàn các cấp, uỷ ban kiểm tra công đoàn các cấp đã bám sát chương trình hàng năm của Uỷ ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn và công đoàn cấp trên để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của ủy ban kiểm tra; số lượng, chất lượng các cuộc kiểm tra được nâng lên, công tác giải quyết, tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được quan tâm chỉ đạo giải quyết kịp thời, đúng luật.

Kết quả thực hiện nhiệm vụ của ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam, nâng cao ý thức chấp hành Điều lệ Công đoàn; phát hiện và ngăn ngừa kịp thời các biểu hiện vi phạm Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị và các quy định của công đoàn, góp phần phát triển đoàn viên; tăng cường quản lý thu, chi tài chính, tài sản công đoàn, hạn chế tiêu cực tham nhũng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động, xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam ngày càng lớn mạnh.

2. Hạn chế và nguyên nhân

2.1. Hạn chế

- Một số ban chấp hành, ban thường vụ công đoàn các cấp ít quan tâm đến công tác kiểm tra, bố trí không đủ cán bộ chuyên trách ủy ban kiểm tra. Các công đoàn cơ sở và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở không có cán bộ chuyên trách ủy ban kiểm tra công đoàn. Còn nhiều công đoàn cơ sở đủ điều kiện nhưng chưa thành lập ủy ban kiểm tra.

- Một số nơi thiếu cán bộ ủy ban kiểm tra nhưng chậm được bổ sung; cán bộ ủy ban kiểm tra không chuyên trách không ổn định, phần lớn thay đổi theo nhiệm kỳ, trình độ nghiệp vụ, kinh nghiệm, bản lĩnh, ý chí trong công tác kiểm tra còn hạn chế, còn biểu hiện ngại va chạm, né tránh, nể nang trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra.

- Hiệu quả hoạt động của một số ủy ban kiểm tra công đoàn còn hạn chế, số lượng các cuộc kiểm tra còn ít, chất lượng kiểm tra chưa cao; chưa thực hiện tốt chế độ thông tin báo cáo, chế độ sinh hoạt và quy trình kiểm tra theo quy định.

- Công tác bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ công tác kiểm tra cho ủy viên ủy ban kiểm tra và cán bộ làm công tác kiểm tra công đoàn các cấp chưa đảm bảo yêu cầu.

2.2. Nguyên nhân

- Một bộ phận cán bộ công đoàn chưa nhận thức đầy đủ về công tác kiểm tra, chưa quan tâm quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp, tăng cường cán bộ làm công tác kiểm tra; trình độ, năng lực, bản lĩnh của một bộ phận cán bộ ủy ban kiểm tra còn hạn chế; một số nơi trang thiết bị làm việc chưa đảm bảo.

- Việc quy hoạch, lựa chọn, bố trí sắp xếp cán bộ ủy ban kiểm tra tại nhiều đơn vị chưa hợp lý, đặc biệt là ủy ban kiểm tra cấp trên cơ sở nên việc thực hiện nhiệm vụ của ủy ban kiểm tra gặp nhiều khó khăn.

- Đội ngũ cán bộ ủy ban kiểm tra ở các cấp hầu hết là kiêm nhiệm, thời gian dành cho hoạt động ủy ban kiểm tra ít, tích lũy kinh nghiệm chưa nhiều, điều kiện hoạt động khó khăn.

- Sự hướng dẫn, chỉ đạo của ủy ban kiểm tra công đoàn cấp trên đối với ủy ban kiểm tra công đoàn cấp dưới một số nơi chưa kịp thời, sâu sát.

II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU PHẤN ĐẤU

1. Quan điểm

- Kiểm tra là chức năng quan trọng của tổ chức công đoàn, là nhiệm vụ thường xuyên của ban chấp hành, ban thường vụ, ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp. Hoạt động kiểm tra phải được tiến hành chủ động, công khai, dân chủ, khách quan, thận trọng và chặt chẽ.

- Uỷ ban kiểm tra công đoàn là cơ quan kiểm tra của công đoàn, chịu sự lãnh đạo của ban chấp hành công đoàn cùng cấp và sự chỉ đạo của uỷ ban kiểm tra công đoàn cấp trên.

- Uỷ ban kiểm tra công đoàn hoạt động theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam và quy chế được ban chấp hành thông qua.

2. Mục tiêu

- Tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức trong cán bộ công đoàn các cấp trước hết trong ban chấp hành và người đứng đầu ban chấp hành về công tác kiểm tra và hoạt động ủy ban kiểm tra công đoàn.

- Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động ủy ban kiểm tra công đoàn góp phần phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm về Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị và các quy định của công đoàn. Bảo đảm công tác thu, phân cấp thu, phân phối nguồn thu, sử dụng, quản lý tài chính, tài sản, hoạt động kinh tế của công đoàn theo đúng quy định; giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân viên chức lao động.

- Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ uỷ ban kiểm tra, nòng cốt là đội ngũ cán bộ chuyên trách, cán bộ lãnh đạo ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

3. Chỉ tiêu phấn đấu

- Hàng năm có 100% ủy ban kiểm tra liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương; ít nhất 80% ủy ban kiểm tra công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, 50% công đoàn cơ sở tổ chức kiểm tra tài chính cùng cấp;

- Hàng năm ủy ban kiểm tra liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương tổ chức kiểm tra ít nhất 25% công đoàn cấp dưới về tài chính, 20% về chấp hành Điều lệ Công đoàn; công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức kiểm tra ít nhất 15% công đoàn cấp dưới về tài chính, 10% về chấp hành Điều lệ Công đoàn;

- 100% dấu hiệu vi phạm khi phát hiện được kiểm tra kịp thời;

- 100% đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền công đoàn được giải quyết và 70% đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền cơ quan nhà nước và tổ chức khác liên quan đến quyền lợi của đoàn viên và người lao động công đoàn có văn bản tham gia thể hiện rõ quan điểm giải quyết;

- 100% cán bộ chuyên trách ủy ban kiểm tra liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương; ít nhất 80% cán bộ chuyên trách ủy ban kiểm tra công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có trình độ đại học, trong đó số cán bộ được bố trí mới từ năm 2016 trở đi đảm bảo cơ cấu 50% được đào tạo về chuyên ngành luật và 50% về chuyên ngành tài chính, kế toán;

- Trong nhiệm kỳ 100% cán bộ ủy ban kiểm tra công đoàn cấp trên cơ sở và 70% trở lên cán bộ ủy ban kiểm tra công đoàn cơ sở được bồi dưỡng nghiệp vụ công tác kiểm tra và công đoàn.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Nâng cao nhận thức và tăng cường sự lãnh đạo của ban chấp hành, sự chỉ đạo của ban thường vụ công đoàn các cấp đối với tổ chức và hoạt động uỷ ban kiểm tra công đoàn

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu và những nội dung cơ bản của Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, các quy định của công đoàn về công tác kiểm tra nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đoàn viên công đoàn các cấp về vị trí, vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của tổ chức và hoạt động ủy ban kiểm tra công đoàn, giúp cho lãnh đạo công đoàn các cấp trong công tác quản lý, đảm bảo công tác phòng ngừa các hành vi vi phạm.

- Tăng cường vai trò, trách nhiệm của ban chấp hành, ban thường vụ, chủ tịch công đoàn các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác kiểm tra và hoạt động ủy ban kiểm tra công đoàn; tổ chức sơ kết, tổng kết hoạt động ủy ban kiểm tra hàng năm và nhiệm kỳ.

- Nâng cao vai trò của ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp trong việc tổ chức triển khai, thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam và chương trình công tác được ban chấp hành công đoàn cùng cấp thông qua.

2. Tiếp tục đổi mới phương pháp hoạt động ủy ban kiểm tra, tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng các cuộc kiểm tra

- Ban chấp hành công đoàn các cấp có trách nhiệm chỉ đạo xây dựng và thực hiện quy chế hoạt động, chương trình, kế hoạch công tác của ủy ban kiểm tra. Tập trung thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên như kiểm tra chấp hành Điều lệ; kiểm tra việc thu, phân phối, sử dụng, quản lý tài chính, tài sản; giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo. Chủ động tìm hiểu, thu thập thông tin, phát hiện và kiểm tra kịp thời các dấu hiệu vi phạm.

- Tăng cường về số lượng và nâng cao chất lượng các cuộc kiểm tra, lựa chọn nội dung kiểm tra phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm; bảo đảm nguyên tắc và quy trình kiểm tra; vận dụng đồng bộ và sáng tạo các hình thức, phương pháp kiểm tra; làm tốt khâu thẩm tra, xác minh. Kết luận kiểm tra phải khách quan, trung thực, đánh giá đúng ưu điểm, khuyết điểm, tồn tại, hạn chế, kiến nghị xử lý kịp thời các hành vi vi phạm. Phối hợp chặt chẽ với các ban liên quan trong quá trình hoạt động.

- Chú trọng kiểm tra ở cùng cấp và tăng cường kiểm tra cấp dưới, giám sát chặt chẽ việc thực hiện kết luận, kiến nghị của đoàn kiểm tra; đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn ủy ban kiểm tra cấp dưới thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, nhất là đối với cấp cơ sở.

- Đối với khiếu nại, tố cáo liên quan đến công đoàn, quyền, lợi ích của đoàn viên và người lao động, uỷ ban kiểm tra công đoàn các cấp chủ động tham mưu cho ban chấp hành, ban thường vụ xử lý, giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc thuộc thẩm quyền công đoàn và tích cực tham gia với cơ quan chức năng và người sử dụng lao động để giải quyết có hiệu quả, đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên và người lao động.

- Tổ chức hội thảo, trao đổi kinh nghiệm hoạt động và cập nhật, hệ thống hóa các văn bản, chính sách, tài liệu mới có liên quan đến hoạt động kiểm tra cho cán bộ kiểm tra công đoàn. Mở chuyên mục về hoạt động ủy ban kiểm tra trên trang tin điện tử của Tổng Liên đoàn và công đoàn các cấp để kịp thời giải quyết những vướng mắc trong hoạt động thực tiễn của uỷ ban kiểm tra công đoàn. Ủy ban kiểm tra thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo với ban chấp hành công đoàn cùng cấp và ủy ban kiểm tra công đoàn cấp trên theo quy định.

3. Thường xuyên kiện toàn, củng cố tổ chức ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp

- Ban chấp hành công đoàn các cấp phải thường xuyên rà soát, kiện toàn tổ chức, bố trí cán bộ và tăng cường hoạt động của ủy ban kiểm tra công đoàn cấp mình, khi khuyết ủy viên ủy ban kiểm tra và các chức danh ủy ban kiểm tra thì ban chấp hành bầu bổ sung trong kỳ họp gần nhất; khi công đoàn có đủ điều kiện thành lập ủy ban kiểm tra thì phải tiến hành thành lập theo quy định.

- Xây dựng đội ngũ cán bộ ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp có phẩm chất, năng lực, nhiệt tình, bản lĩnh, khách quan, trung thực và am hiểu công đoàn, chính sách pháp luật, thông thạo nghiệp vụ và có điều kiện hoạt động.

- Chuẩn bị tốt nhân sự uỷ ban kiểm tra công đoàn trước mỗi kỳ đại hội công đoàn, đảm bảo về số lượng, chất lượng và cơ cấu hợp lý. Chọn người đủ tiêu chuẩn và có kinh nghiệm về hoạt động kiểm tra, nhất là đối với cán bộ chuyên trách ủy ban kiểm tra, ưu tiên lựa chọn cán bộ trẻ. Cơ cấu chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra là uỷ viên ban thường vụ công đoàn cùng cấp.

- Xây dựng quy hoạch và quy định tiêu chuẩn, chức danh, định mức biên chế cán bộ văn phòng ủy ban kiểm tra công đoàn để đảm bảo chất lượng đội ngũ cán bộ. Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương phải xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ chuyên trách văn phòng ủy ban kiểm tra cấp mình, ít nhất là 3 cán bộ đối với cấp liên đoàn lao động tỉnh, thành phố và 02 cán bộ đối với cấp công đoàn ngành trung ương và tương đương. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có 04 cán bộ chuyên trách công đoàn trở lên thì bố trí đồng chí chuyên trách công đoàn làm chủ nhiệm ủy ban kiểm tra. Định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ công chức làm công tác kiểm tra chuyên trách tại các cấp công đoàn.

- Các văn bản do ủy ban kiểm tra hoặc đoàn kiểm tra ban hành phải đảm bảo thể thức quy định và đóng dấu của ban chấp hành công đoàn cùng cấp.

4. Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ uỷ ban kiểm tra công đoàn

- Ủy ban kiểm tra tăng cường phối hợp với ban tổ chức công đoàn cùng cấp và các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của tổ chức công đoàn để bồi dưỡng nghiệp vụ hàng năm cho cán bộ ủy ban kiểm tra công đoàn cấp mình và cấp dưới. Nội dung bồi dưỡng nghiệp vụ phải thiết thực, cụ thể, dễ hiểu, phù hợp với yêu cầu trình độ, đặc điểm của đối tượng được bồi dưỡng, sát với thực tiễn hoạt động của uỷ ban kiểm tra công đoàn mỗi cấp.

- Công đoàn cơ sở không có ủy ban kiểm tra thì bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ cho đồng chí ủy viên ban chấp hành làm nhiệm vụ kiểm tra theo những nội dung quy định của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn và hướng dẫn của công đoàn cấp trên.

- Xây dựng, củng cố đội ngũ báo cáo viên, giảng viên kiêm chức là cán bộ chuyên trách ủy ban kiểm tra, có kế hoạch đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ kiểm tra như tài chính, pháp luật và công đoàn tại các cơ sở đào tạo phù hợp với từng chuyên ngành để nâng cao trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng cho cán bộ ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp hàng năm.

5. Đảm bảo điều kiện làm việc và hoàn thiện cơ chế chính sách đối với cán bộ uỷ ban kiểm tra công đoàn

- Ban chấp hành, ban thường vụ công đoàn các cấp quan tâm, tạo điều kiện về cơ sở vật chất cho hoạt động ủy ban kiểm tra như phòng làm việc, phòng tiếp đoàn viên và người lao động; đảm bảo trang thiết bị cần thiết cho cán bộ ủy ban kiểm tra hoạt động.

- Sắp xếp thời gian và tạo điều kiện để cán bộ ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp tham gia các hoạt động của ủy ban kiểm tra. Có cơ chế đảm bảo hoạt động và can thiệp, bảo vệ kịp thời khi cán bộ uỷ ban kiểm tra bị xâm phạm; hỗ trợ, giúp đỡ cán bộ uỷ ban kiểm tra công đoàn khi gặp khó khăn.

- Quan tâm đầu tư về kinh phí hoạt động đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ kiểm tra, kinh phí cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cán bộ ủy ban kiểm tra hàng năm.

- Căn cứ vào các chế độ, chính sách đã có đối với cán bộ kiểm tra của Đảng và thanh tra Nhà nước, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn vận dụng, thực hiện đối với cán bộ ủy ban kiểm tra công đoàn cho phù hợp.

- Trong quá trình cải cách tiền lương cần nghiên cứu đề xuất Nhà nước đưa cán bộ chuyên trách ủy ban kiểm tra của công đoàn vào ngạch lương của ngành thanh tra, kiểm tra.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

- Ban Chấp hành giao Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết.

- Ủy ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai, thực hiện và định kỳ tham mưu, đề xuất tổ chức sơ kết, tổng kết thực hiện Nghị quyết.

2. Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương

- Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết phù hợp với đặc điểm tình hình của từng địa phương, ngành.

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến và chỉ đạo, hướng dẫn công đoàn các cấp tổ chức triển khai thực hiện, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và tổ chức thực hiện có chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ của ủy ban kiểm tra công đoàn.

 

 

Nơi nhận:
- Uỷ viên BCH TLĐ;
- Uỷ viên UBKT TLĐ;
- LĐLĐ tỉnh, TP, CĐ ngành TW và tương đương;
- UBKT LĐLĐ tỉnh, TP, CĐ ngành TW và tương đương;
- Các ban, đơn vị trực thuộc TLĐ;
- Lưu VP và UBKT TLĐ.

TM. BAN CHẤP HÀNH
CHỦ TỊCH




Đặng Ngọc Tùng

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 06b/NQ-TLĐ năm 2015 về nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Ủy ban kiểm tra Công đoàn do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 06b/NQ-TLĐ
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 03/08/2015
  • Nơi ban hành: Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
  • Người ký: Đặng Ngọc Tùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 03/08/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản