Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/NQ-HĐND

Quảng Nam, ngày 19 tháng 4 năm 2017

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÂY QUẾ TRÀ MY TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ 04

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng;

Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực sản phẩm chủ yếu;

Xét Tờ trình số 1588/TTr-UBND ngày 07 tháng 4 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị thông qua Quy hoạch phát triển cây Quế Trà My trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra số 14/BC-HĐND ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh và các ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Quy hoạch phát triển cây Quế Trà My trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với một số nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu

1.1 Mục tiêu chung: Xác định vùng quy hoạch phát triển cây Quế Trà My làm cơ sở tổ chức bảo tồn và đầu tư phát triển bền vững; đồng thời phát triển rừng trồng Quế Trà My theo hướng sản xuất hàng hóa, đưa nghề trồng cây quế tại các huyện vùng quy hoạch trở thành một nghề có thế mạnh trong sản xuất nông lâm nghiệp của tỉnh Quảng Nam.

1.2 Mục tiêu cụ thể:

a) Đến năm 2025:

- Phấn đấu đến năm 2025 phát triển và ổn định vùng nguyên liệu với diện tích trồng cây Quế Trà My đạt 7.777 ha, trong đó trồng mới 4.017 ha và 3.760 ha diện tích quế hiện có.

- Bảo tồn cây Quế Trà My thông qua tuyển chọn lâm phần Quế Trà My hiện có ở các xã đã được cấp chỉ dẫn địa lý để chuyển hóa thành rừng cung cấp giống Quế Trà My cho phát triển rừng.

- Hình thành chuỗi khép kín từ sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

- Ban hành các chính sách hỗ trợ bảo tồn, phát triển cây Quế Trà My, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm nhằm tăng giá trị hàng hóa, cải thiện đời sống của nhân dân góp phần giảm nghèo bền vững.

- Hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc Quế Trà My trên các vùng phù hợp.

- Quy hoạch các cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm nguyên liệu quế trong vùng nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm sau thu hoạch, đáp ứng yêu cầu thị trường trong và ngoài nước.

b) Giai đoạn 2025 - 2030:

- Phát triển trồng mới 2.223 ha, nâng tổng diện tích đạt 10.000 ha.

- Quản lý, tổ chức khai thác, chế biến các sản phẩm Quế Trà My theo chuỗi khép kín. Phấn đấu khoảng 25% diện tích cây Quế Trà My được tổ chức theo chuỗi khép kín từ sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

2. Nhiệm vụ

2.1. Phát triển vùng nguyên liệu:

- Duy trì và phát triển vùng trồng quế đến năm 2030 ổn định là 10.000 ha trên địa bàn 4 huyện (Bắc Trà My, Nam Trà My, Tiên Phước và Phước Sơn), theo hướng canh tác bền vững, nâng cao giá trị, hiệu quả mọi mặt của sản phẩm cây quế trong vùng.

- Trồng thay thế diện tích quế đã trồng có nguồn gốc nơi khác sau khi khai thác bằng nguồn giống Quế Trà My với diện tích 147,7 ha.

- Xây dựng 08 ha rừng Quế Trà My giống chuyển hóa cung cấp hạt giống đáp ứng cho nhu cầu gieo ươm, trồng quế tại địa phương.

- Tạo nguồn cây giống Quế Trà My đảm bảo chất lượng với 8,684 triệu cây con, đáp ứng phát triển diện tích 6.240 ha trồng tập trung và phân tán.

2.2. Phát triển cơ sở chế biến sản phẩm sau thu hoạch:

- Duy trì ổn định sản xuất đối với 04 cơ sở sơ chế và thu mua sản phẩm, 01 nhà máy sơ chế và chế biến tinh dầu (trên địa bàn huyện Bắc Trà My) hiện có;

- Khuyến khích kêu gọi xây dựng 01 nhà máy chế biến tinh dầu quế có quy mô lớn để bao tiêu các sản phẩm quế trong vùng. Thành lập 10 - 15 tổ hợp tác, hợp tác xã thu mua và sơ chế sản phẩm tại các xã phát triển quế trong vùng.

- Xây dựng 05 cơ sở sản xuất sản phẩm mỹ nghệ từ gỗ quế phục vụ cho nhu cầu thị trường nhằm tăng thu nhập từ rừng quế.

3. Nội dung quy hoạch

3.1. Quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu cây Quế Trà My:

a) Tổng diện tích quy hoạch bảo tồn, phát triển cây Quế Trà My là 10.000 ha, trong đó:

- Diện tích quế đã trồng hiện có: 3.760 ha; trong đó huyện Bắc Trà My 589 ha, huyện Nam Trà My 2.641 ha, huyện Phước Sơn 380 ha, huyện Tiên Phước 150 ha.

- Diện tích quy hoạch trồng mới: 6.240 ha; trong đó huyện Bắc Trà My 1.650 ha, huyện Nam Trà My 3.000 ha, huyện Phước Sơn 540 ha, huyện Tiên Phước 1.050 ha

b) Phân kỳ quy hoạch diện tích trồng mới:

- Giai đoạn 2017-2020: Trồng 1.798 ha, trong đó trồng tập trung 745 ha, trồng phân tán 1.053 ha.

- Giai đoạn 2021-2025: Trồng 2.219 ha, trong đó trồng tập trung 930 ha, trồng phân tán 1.289 ha.

- Giai đoạn 2026-2030: Trồng 2.223 ha, trong đó trồng tập trung 925 ha, trồng phân tán 1.298 ha.

c) Quy hoạch xây dựng rừng giống:

- Giai đoạn 2017 - 2020 quy hoạch chuyển hóa rừng giống diện tích 04 ha tại xã Trà Giác (Bắc Trà My); xã Trà Leng, Trà Mai (Nam Trà My).

- Giai đoạn 2021 - 2025 quy hoạch chuyển hóa tiếp 04 ha tại Trà Dơn, Trà Leng và Trà Vinh (Nam Trà My), đảm bảo ổn định cung cấp nguồn giống gốc Quế Trà My.

3.2. Phát triển các cơ sở chế biến sản phẩm sau thu hoạch:

a) Cơ sở chế biến tinh dầu quế:

- Giai đoạn 2017 - 2020 nâng cấp nhà máy chế biến tinh dầu Quế trên địa bàn huyện Bắc Trà My.

- Giai đoạn 2021 - 2025, xây dựng 01 nhà máy chế biến tinh dầu quế tại khu công nghiệp Thuận Yên, phường Trường Xuân, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

- Thành lập 10 - 15 tổ hợp tác, hợp tác xã thu mua và sơ chế sản phẩm tại các xã phát triển quế trong vùng nhằm hỗ trợ phát triển các cơ sở chế biến tinh dầu quế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

b) Cơ sở chế biến sản phẩm mỹ nghệ từ thân cây quế:

- Giai đoạn 2017 - 2025, xây dựng 4 cơ sở sản xuất sản phẩm mỹ nghệ từ gỗ quế: Thị trấn Bắc Trà My (Bắc Trà My) 01 cơ sở; xã Trà Mai (Nam Trà My) 01 cơ sở; Thị trấn Tiên Kỳ (Tiên Phước) 01 cơ sở; Thị trấn Khâm Đức (Phước Sơn) 01 cơ sở.

- Định hướng đến năm 2030, xây dựng 01 cơ sở sản xuất mỹ nghệ từ gỗ quế tại huyện Nam Trà My.

4. Một số giải pháp

4.1. Giải pháp về cơ chế chính sách:

- Khuyến khích, tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư chế biến để nâng cao chất lượng và giá trị cho sản phẩm Quế Trà My theo Quyết định số 12/2016/QĐ-UBND ngày 23/5/2016 của UBND tỉnh Quảng Nam về ban hành Quy định chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2016 - 2020 và các cơ chế, chính sách khuyến khích khác.

- Hỗ trợ người dân tiếp cận các thông tin thị trường, công tác xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm Quế Trà My.

- Thực hiện chính sách ưu đãi về vốn vay và thuế cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển, chế biến sản phẩm Quế Trà My.

4.2. Giải pháp về vốn đầu tư:

- Vốn hỗ trợ, vốn vay cho công tác phát triển Quế Trà My, chuyển hóa rừng giống được thực hiện theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 9/9/2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020.

- Nguồn vốn ngân sách tỉnh và lồng ghép các nguồn vốn hợp pháp khác như từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới; các nguồn vốn hỗ trợ các cơ chế khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, các dự án lớn vùng Tây của tỉnh để phát triển cây Quế Trà My.

- Vốn tự có của người dân bằng sức lao động cho việc trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng quế trong vùng.

4.3. Giải pháp về quản lý sử dụng đất:

- Giao, khoán quản lý, bảo vệ rừng vùng quy hoạch trồng quế dưới tán rừng nghèo đối với những diện tích chưa được giao khoán.

- Giao quyền sử dụng đất lâm nghiệp đối với những diện tích quy hoạch thuộc đối tượng đất trống có cây gỗ mọc tái sinh.

 - Khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích cây trồng lâm nghiệp hiệu quả thấp sang trồng cây quế đối với những diện tích quế trồng phân tán xen với cây trồng lâm nghiệp.

4.4. Giải pháp về nguồn nhân lực:

- Sử dụng nguồn lao động tại chỗ cho công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ và sản xuất, sơ chế sản phẩm quế.

- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng áp dụng các quy trình kỹ thuật, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho lao động thực hiện công tác phát triển và chế biến sản phẩm quế.

4.5. Giải pháp về giống:

- Hỗ trợ nguồn vốn để chuyển hóa rừng giống Quế Trà My, thực hiện tốt kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ và phòng trừ sâu, bệnh hại để có nguồn cung cấp giống đảm bảo chất lượng.

- Xây dựng quy chế quản lý rừng giống Quế Trà My đã được chuyển hóa từ nguồn vốn hỗ trợ, nhằm đảm bảo cung cấp giống ổn định, không khai thác các sản phẩm từ vườn quế giống.

- Kiểm soát chặt chẽ khâu quản lý và giám sát nguồn cung ứng giống trên địa bàn. Tổ chức bình tuyển, đánh giá chất lượng cây giống hằng năm, thay thế dần những cây giống kém chất lượng; xây dựng các vườn ươm giống Quế Trà My đảm bảo chất lượng; thay thế bằng nguồn giống Quế Trà My trên những diện tích Quế đã trồng có nguồn gốc nơi khác sau khi khai thác, nhằm phát triển thương hiệu vùng sản phẩm Quế Trà My.

4.6. Giải pháp về khoa học công nghệ:

- Áp dụng và thực hiện chặt chẽ các quy trình về kỹ thuật thu hái, bảo quản hạt giống; kỹ thuật gieo ươm tạo cây giống, trồng, chăm sóc cây con, phòng trừ sâu, bệnh hại.

- Hướng dẫn người dân kỹ thuật sơ chế, bảo quản vỏ quế sau khai thác, các biện pháp kỹ thuật chế biến, bảo quản vỏ quế và sơ chế nạo vỏ, làm sạch vỏ quế để nâng cao giá trị của sản phẩm quế.

- Xác định các yếu tố kỹ thuật từ các công trình nghiên cứu khoa học kết hợp kinh nghiệm thực tiễn từ những điển hình nông dân sản xuất giỏi trong vùng quy hoạch để xây dựng các mô hình sản xuất cây Quế Trà My ứng dụng công nghệ tiên tiến để nông dân học tập.

- Khuyến khích các doanh nghiệp chế biến tinh dầu quế đổi mới dây chuyền công nghệ trong việc chưng cất tinh dầu quế chất lượng cao và các sản phẩm tinh dầu khác có nguồn gốc từ tinh dầu quế; thu mua, sơ chế tiêu thụ vỏ quế.

- Tăng cường khả năng chế biến các sản phẩm từ Quế Trà My để đưa vào sử dụng đáp ứng các nhu cầu của người tiêu dùng. Thông tin giá trị dinh dưỡng, dược tính tốt đến người tiêu dùng. Phát triển và quảng bá thương hiệu Quế Trà My trong và ngoài nước. Bảo hộ nhãn hiệu Quế Trà My tại một số nước nhập khẩu Quế Trà My. Kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc và chất lượng từ sản xuất đến lưu thông, tiêu thụ; gắn tem nhãn, bao bì sản phẩm và phương tiện tuyên truyền quảng bá cho sản phẩm Quế Trà My.

- Thực hiện một số đề tài khoa học nghiên cứu về cây Quế Trà My như: đánh giá chất lượng tinh dầu Quế Trà My so với các loại quế khác; bảo tồn nguồn gen Quế Trà My; bệnh Tua mực trên cây Quế Trà My; mô hình trồng, biện pháp kỹ thuật thâm canh..., nhằm góp phần vào việc bảo tồn nguồn giống và phát triển vùng nguyên liệu Quế Trà My.

4.7. Giải pháp về thương mại và xúc tiến thị trường sản phẩm:

- Nghiên cứu thị trường, đa dạng sản phẩm sau chế biến, đáp ứng được yêu cầu về chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, châu Âu, Mỹ,... để đưa sản phẩm Quế Trà My của tỉnh tiếp cận sâu hơn vào thị trường trong và ngoài nước.

- Tăng cường công tác thông tin kinh tế, nhất là thông tin về thị trường, giá cả, đánh giá quan hệ cung cầu, tốc độ phát triển của ngành và khả năng tiêu thụ của quốc tế để người sản xuất nắm bắt kịp thời, xác định được kế hoạch sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường.

- Quảng bá thương hiệu cho sản phẩm Quế Trà My, tăng cường liên doanh với các đối tác có kinh nghiệm sản xuất, phân phối, tiêu thụ sản phẩm (đầu tư, bảo hộ, bao tiêu sản phẩm...); thực hiện liên kết giữa các nhà: nhà nước - nhà khoa học - nhà nông - nhà doanh nghiệp trong phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, nâng giá trị, năng lực cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

- Xây dựng chính sách khuyến mại nhằm khuyến khích xuất khẩu dựa trên một số ưu đãi về vốn, thuế và các điều kiện phục vụ hoạt động kinh doanh. Thành lập quỹ cho hoạt động xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ các đơn vị tham gia sản xuất, xuất khẩu.

- Đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng tiêu thụ nội địa như hàng thủ công mỹ nghệ từ thân cây, cành, lá làm dược liệu, đông y.

4.8. Giải pháp về đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng:

- Đầu tư hoàn thiện hệ thống công trình chung phục vụ sản xuất như đường giao thông trong khu vực quy hoạch để thuận lợi cho vận chuyển sản phẩm; xây dựng hệ thống đường điện, nhà thu gom, sơ chế bảo quản sản phẩm tại vùng quy hoạch để tạo ra các sản phẩm từ Quế Trà My có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.

- Về chế biến sản phẩm: Hỗ trợ nồi nấu tinh dầu quế tại chỗ cho các tổ hợp tác và hợp tác xã để tận dụng và giảm chi phí vận chuyển nguyên liệu như cành, lá quế.

5. Nhu cầu vốn và phân kỳ đầu tư

5.1. Tổng nguồn vốn đầu tư giai đoạn 2017 - 2030: 113.509,4 triệu đồng; trong đó:

- Vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước: 34.681,6 triệu đồng.

- Vốn vay: 39.120,0 triệu đồng.

- Vốn doanh nghiệp và người dân: 39.707,8 triệu đồng

5.2. Phân kỳ đầu tư:

- Giai đoạn 2017 - 2020: 32.655,1 triệu đồng (trong đó, vốn hỗ trợ của Nhà nước 10.009,8 triệu đồng, vốn vay 11.235,0 triệu đồng, vốn doanh nghiệp và người dân 11.410,3 triệu đồng).

- Giai đoạn 2021 - 2025: 40.560,5 triệu đồng (trong đó, vốn hỗ trợ của Nhà nước 12.336,7 triệu đồng, vốn vay 14.010,0 triệu đồng, vốn doanh nghiệp và người dân triệu đồng 14.213,8 triệu đồng).

- Định hướng đến năm 2030: 40.293,9 triệu đồng (trong đó, vốn hỗ trợ của Nhà nước 12.335,1 triệu đồng, vốn vay 13.875,0 triệu đồng, vốn doanh nghiệp và người dân 14.083,7 triệu đồng).

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ Nghị quyết này phê duyệt và tổ chức thực hiện, quản lý, hằng năm báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh kết quả thực hiện.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

3. Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam khóa IX, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 19 tháng 4 năm 2017 và có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành./.

 


Nơi nhận:
- UBTVQH;
- VP: QH, CTN, CP;
- Ban CTĐB-UBTVQH;
-Các Bộ:NN&PTNT,TN&MT,KH&CN;
- Ban TVTU, TT HĐND, UBND tỉnh;
- UBMTTQVN, Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Các Ban HĐND tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- VP: Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH, UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành đoàn thể thuộc tỉnh;
- TT UBND, HĐND các huyện, TX, TP;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- TTXVN tại Quảng Nam;
- Báo QN, Đài PT-TH tỉnh;
- CPVP, CV;
- Lưu: VT, TH (Hạnh).

CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Quang

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 06/NQ-HĐND năm 2017 về quy hoạch phát triển cây Quế Trà My trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

  • Số hiệu: 06/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 19/04/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Quang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 19/04/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản