Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/2018/NQ-HĐND

Hà Giang, ngày 10 tháng 7 năm 2018

 

NGHỊ QUYẾT

QUY ĐỊNH NHIỆM VỤ CHI, PHÂN BỔ CHI PHÍ QUẢN LÝ CHUNG VÀ MỘT SỐ MỨC CHI NHIỆM VỤ, DỰ ÁN VỀ TÀI NGUYÊN MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG
KHOÁ XVII - KỲ HỌP THỨ BẢY

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Thông tư số 136/2017/TT-BTC ngày 22 tháng 12 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định lập, quản lý, sử dụng kinh phí chi hoạt động kinh tế đối với các nhiệm vụ chi về tài nguyên môi trường;

Xét Tờ trình số: 50/TTr-UBND ngày 12 tháng 6 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quy định nhiệm vụ chi, phân bổ chi phí quản lý chung và một số mức chi nhiệm vụ, dự án về tài nguyên môi trường trên địa bàn tỉnh Hà Giang; Báo cáo thẩm tra số: 18/BC-KTNS ngày 08 tháng 7 năm 2018 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; Ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Quy định nhiệm vụ chi hoạt động kinh tế về tài nguyên môi trường trên địa bàn tỉnh Hà Giang, như sau:

1. Nhiệm vụ chi của cấp tỉnh:

a) Quản lý đất đai:

- Điều tra, đánh giá tài nguyên đất đai cấp tỉnh theo định kỳ và theo chuyên đề; điều tra, đánh giá chất lượng, thoái hóa đất;

- Lập bản đồ địa chính, chỉnh lý, quản lý bản đồ địa chính, xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu địa chính, đất đai;

- Thống kê đất đai cấp tỉnh, cấp huyện. Kiểm kê đất đai và xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất toàn tỉnh;

- Lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh;

- Điều tra thu thập thông tin xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất; Xác định giá đất cụ thể để tính tiền giao đất, cho thuê đất không qua hình thức đấu giá nộp tiền thuê đất một lần; lập bản đồ giá đất;

- Đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất; xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai;

- Xây dựng, cập nhật hệ thống hạ tầng kỹ thuật đo đạc và bản đồ; cập nhật dữ liệu nền địa lý thuộc phạm vi của tỉnh.

b) Đo đạc và bản đồ:

- Các hoạt động điều tra cơ bản về đo đạc và bản đồ phục vụ yêu cầu quản lý của tỉnh; thiết lập các điểm đo đạc cơ sở chuyên dụng; xây dựng hệ thống không ảnh chuyên dụng; thành lập bản đồ hành chính cấp huyện, cấp xã; lập bản đồ chuyên đề phục vụ mục đích chuyên dụng của tỉnh;

- Đo đạc và lập bản đồ về địa giới hành chính cấp tỉnh, huyện, xã; xây dựng, quản lý thông tin, dữ liệu đo đạc và bản đồ, địa giới hành chính của toàn tỉnh;

- Hoạt động điều tra cơ bản khác thuộc lĩnh vực quản lý đất đai theo quy định của luật.

c) Địa chất và khoáng sản:

- Bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn của tỉnh; thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản đã được phê duyệt;

- Khoanh định khu vực cấm hoặc tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền của tỉnh;

- Lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh; điều tra cơ bản, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chất về khoáng sản;

- Điều tra, đánh giá tai biến địa chất, địa chất công trình, địa chất đô thị, địa chất môi trường và hoạt động khác theo quy định của luật; lưu trữ, quản lý thông tin về khoáng sản của tỉnh.

d) Tài nguyên nước:

- Điều tra, đánh giá tài nguyên nước đối với các nguồn nước nội tỉnh, nguồn nước liên tỉnh trên địa bàn; kiểm kê tài nguyên nước đối với các nguồn nước nội tỉnh;

- Điều tra, tổng hợp hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước; xả nước thải vào nguồn nước đối với nguồn nước nội tỉnh, nguồn nước trên địa bàn. Hoạt động quan trắc, giám sát tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh;

- Xây dựng, duy trì hệ thống cảnh báo, dự báo lũ, lụt, hạn hán và các tác hại khác do nước gây ra thuộc phạm vi tỉnh quản lý;

- Các hoạt động bảo vệ tài nguyên nước; phòng chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra ở nguồn nước nội tỉnh; xác định danh mục hồ, ao không được san lấp;

- Khoanh định vùng cấm, vùng hạn chế, vùng đăng ký khai thác nước dưới đất, vùng cần bổ sung nhân tạo nước dưới đất, dòng chảy tối thiểu, ngưỡng khai thác nước dưới đất. Khoanh định khu vực cấm, tạm cấm khai thác cát sỏi và khoáng sản trên sông;

- Các hoạt động điều tra cơ bản; lập quy hoạch, kế hoạch điều tra cơ bản, phân phối, điều hòa tài nguyên nước;

- Lập, hành lang bảo vệ nguồn nước, vùng bảo hộ vệ sinh khu vực khai thác nước sinh hoạt. Khảo sát, đo đạc tài nguyên nước trong phạm nội tỉnh;

- Xây dựng, cập nhật hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước.

đ) Khí tượng thủy văn và giám sát biến đổi khí hậu:

- Hoạt động trạm quan trắc khí tượng thủy văn quy mô cấp tỉnh; thu thập dữ liệu khí tượng thủy văn của tỉnh;

- Hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, truyền thông tin thiên tai trên địa bàn tỉnh;

- Xây dựng, cập nhật, quản lý thông tin, cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu của tỉnh;

- Giám sát biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.

e) Hoạt động viễn thám: xây dựng, quản lý, lưu trữ, cập nhật cơ sở dữ liệu viễn thám thuộc phạm vi toàn tỉnh.

g) Đa dạng sinh học:

- Đánh giá hiện trạng, phân tích nguy cơ xâm hại và mức độ xâm hại, cô lập diệt trừ các loài ngoại lai xâm hại tại địa bàn tỉnh;

- Xây dựng và thử nghiệm mô hình bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học tại địa phương;

- Chi hoạt động của Ban quản lý Khu bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học thuộc cấp tỉnh quản lý;

- Các nhiệm vụ khác có liên quan đến đa dạng sinh học của tỉnh.

h) Các nhiệm vụ khác:

- Lập, điều chỉnh nhiệm vụ quy hoạch các lĩnh vực theo quy định của pháp luật;

- Xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch về tài nguyên môi trường; thống kê các chỉ tiêu tài nguyên môi trường cấp tỉnh (không bao gồm thống kê lĩnh vực môi trường chi từ nguồn sự nghiệp bảo vệ môi trường);

- Xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật; xây dựng đơn giá sản phẩm về quản lý đất đai, đo đạc và bản đồ, địa chất và khoáng sản, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, viễn thám, đa dạng sinh học, nhiệm vụ chi khác thuộc nhiệm vụ của tỉnh;

- Xây dựng, tích hợp, lưu trữ, quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu chung về tài nguyên của tỉnh theo quy định của pháp luật chuyên ngành; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác điều tra, đánh giá, quản lý tài nguyên theo quy định của pháp luật chuyên ngành, nội dung có tính chất chi thường xuyên từ nguồn kinh phí chi hoạt động kinh tế;

- Quản trị, vận hành hạ tầng kỹ thuật, lưu trữ, duy trì và đảm bảo hoạt động của cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử đảm bảo cung cấp dịch vụ hành chính công trên mạng thuộc phạm vi quản lý của Sở Tài nguyên và Môi trường;

- Tuyên truyền, phổ biến pháp luật của lĩnh vực theo quy định của pháp luật chuyên ngành được chi từ nguồn hoạt động kinh tế; tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về tài nguyên môi trường do cấp tỉnh thực hiện;

- Vốn đối ứng các dự án hợp tác quốc tế có tính chất chi thường xuyên từ nguồn hoạt động kinh tế về tài nguyên môi trường (nếu có);

- Sửa chữa lớn, mua sắm trang thiết bị phục vụ nhiệm vụ chuyên môn đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực chi hoạt động kinh tế (trừ đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư);

- Nhiệm vụ chi khác về quản lý đất đai, đo đạc và bản đồ, địa chất và khoáng sản, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn và giám sát biến đổi khí hậu, viễn thám, đa dạng sinh học, chi khác (nếu có) của tỉnh.

2. Nhiệm vụ chi của cấp huyện:

a) Quản lý đất đai:

- Lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện;

- Điều tra thu thập thông tin xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất tại địa bàn huyện; xác định giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường khi nhà nước thu hồi đất;

- Theo dõi biến động đất đai; thực hiện việc lập, quản lý, cập nhật và chỉnh lý hồ sơ địa chính; xây dựng hệ thống thông tin đất đai cấp huyện;

- Cập nhật, quản lý thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai của các xã.

b) Đo đạc và bản đồ:

- Trích đo bản đồ phục vụ yêu cầu quản lý huyện; lập bản đồ chuyên đề phục vụ mục đích chuyên dụng của huyện;

- Trích đo bản đồ địa chính, trích lục bản đồ, chỉnh lý hồ sơ địa chính;

- Quản lý thông tin, dữ liệu đo đạc và bản đồ, địa giới hành chính các xã thuộc địa bàn huyện.

c) Địa chất và khoáng sản:

- Cập nhật, lưu trữ, quản lý thông tin về hoạt động khoáng sản tại địa bàn cấp huyện;

- Bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn huyện.

d) Tài nguyên nước:

- Hoạt động giám sát tài nguyên nước thuộc địa bàn huyện;

- Duy trì cảnh báo, dự báo lũ, lụt, hạn hán và các tác hại khác do nước gây ra thuộc phạm vi huyện quản lý;

- Các hoạt động bảo vệ tài nguyên nước, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra ở nguồn nước nội huyện;

- Cập nhật, quản lý thông tin và cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước phục vụ công tác quản lý;

- Tổ chức ứng phó khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước; theo dõi, phát hiện và tham gia giải quyết sự cố ô nhiễm nguồn nước liên quốc gia theo thẩm quyền;

- Quản lý, bảo vệ mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn huyện.

d) Khí tượng thủy văn và giám sát biến đổi khí hậu:

- Duy trì trạm quan trắc khí tượng thủy văn thuộc phạm vi quản lý của huyện; theo dõi, thu thập dữ liệu khí tượng thủy văn trên địa bàn huyện phục vụ công tác quản lý;

- Cập nhật, truyền thông tin thiên tai trên địa bàn huyện;

- Theo dõi diễn biến của biến đổi khí hậu trên địa bàn huyện.

đ) Viễn thám: Quản lý cơ sở dữ liệu viễn thám (nếu có).

e) Đa dạng sinh học:

- Chi hoạt động của Ban quản lý Khu bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học thuộc cấp huyện quản lý (nếu có);

- Đánh giá hiện trạng, phân tích nguy cơ xâm hại và mức độ xâm hại, cô lập diệt trừ các loài ngoại lai xâm hại tại địa bàn huyện;

- Xây dựng và thử nghiệm mô hình bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học tại địa bàn huyện;

- Cứu hộ, tái thả động vật, thực vật hoang dã thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ về môi trường sinh sống tự nhiên, các khu bảo tồn; chi giám định, vận chuyển mẫu vật và tiêu hủy mẫu vật chết trong quá trình cứu hộ;

- Các nhiệm vụ khác có liên quan đến đa dạng sinh học phục vụ công tác quản lý của huyện.

g) Các nhiệm vụ chi khác:

- Lập, điều chỉnh nhiệm vụ quy hoạch các lĩnh vực theo quy định của pháp luật phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế của huyện;

- Điều chỉnh kế hoạch về tài nguyên môi trường theo quy định của luật; Thống kê các chỉ tiêu tài nguyên môi trường của huyện (không bao gồm thống kê lĩnh vực môi trường chi từ nguồn sự nghiệp bảo vệ môi trường);

- Tích hợp, lưu trữ, quản lý cơ sở dữ liệu chung về tài nguyên của huyện theo quy định của pháp luật chuyên ngành; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác điều tra, đánh giá, quản lý tài nguyên theo quy định của pháp luật chuyên ngành để phục vụ công tác quản lý tài nguyên môi trường của huyện, nội dung có tính chất chi thường xuyên thuộc nhiệm vụ của huyện từ nguồn kinh phí chi hoạt động kinh tế (nếu có);

- Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên môi trường trên địa bàn huyện; tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về tài nguyên môi trường cho các đối tượng liên quan của cấp huyện, cấp xã;

- Sửa chữa lớn, mua sắm trang thiết bị phục vụ nhiệm vụ chuyên môn thuộc lĩnh vực tài nguyên môi trường.

3. Nhiệm vụ chi của cấp xã:

a) Quản lý đất đai: thực hiện việc quản lý hồ sơ địa chính; theo dõi biến động đất đai và chỉnh lý hồ sơ địa chính; bảo quản tư liệu về đất đai, tư liệu về đo đạc và bản đồ; thực hiện quản lý dấu mốc địa chính và mốc địa giới hành chính trên địa bàn xã theo quy định của pháp luật.

b) Tài nguyên nước:

- Thực hiện thống kê, giám sát tình hình khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước; tham gia công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả do nước gây ra trên địa bàn xã;

- Thực hiện các biện pháp bảo vệ tài nguyên nước theo quy định của pháp luật; tổ chức quản lý trạm quan trắc, giám sát tài nguyên nước, công trình thăm dò, khai thác nước, xả nước thải vào nguồn nước để bảo vệ các công trình này;

- Thực hiện biện pháp khẩn cấp để bảo đảm nước sinh hoạt trong trường hợp có thiên tai hoặc sự cố gây ra thiếu nước; tổ chức ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước; theo dõi, phát hiện và tham gia giải quyết sự cố ô nhiễm nguồn nước liên quốc gia theo thẩm quyền.

c) Địa chất và khoáng sản: thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, khoáng sản chưa khai thác, tài nguyên thiên nhiên khác theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Quy định một số mức chi và phân bổ chi phí quản lý chung thực hiện nhiệm vụ, dự án (hoặc hạng mục công việc của nhiệm vụ, dự án) về tài nguyên môi trường như sau:

1. Phụ lục số 01: Khung mức chi và mức chi thực hiện nhiệm vụ, dự án (hoặc hạng mục công việc của nhiệm vụ, dự án) về tài nguyên môi trường.

2. Phân bổ chi phí quản lý chung thực hiện nhiệm vụ, dự án (hoặc hạng mục công việc của nhiệm vụ, dự án) về tài nguyên môi trường:

a) Phụ lục số 02: Phân bổ chi phí quản lý chung;

b) Việc phân bổ cho nội dung chi phí cụ thể theo thẩm định của cơ quan có thẩm quyền.

Điều 3. Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện. Các nội dung không quy định tại Nghị quyết này thực hiện theo Thông tư số 136/2017/TT-BTC ngày 22 tháng 12 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định lập, quản lý, sử dụng kinh phí chi hoạt động kinh tế đối với các nhiệm vụ chi về tài nguyên môi trường.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang khóa XVII, Kỳ họp thứ Bảy thông qua ngày 10 tháng 7 năm 2018 và có hiệu lực từ ngày 20 tháng 7 năm 2018./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Ban Công tác đại biểu, UBTVQH;
- Văn phòng Quốc hội; Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tài chính; Bộ Tài nguyên và MT;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- TTr. Tỉnh ủy; HĐND; UBND; UBMTTQ tỉnh;
- Đoàn ĐBQH khóa XIV tỉnh Hà Giang;
- Đại biểu HĐND tỉnh khóa XVII;
- Các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- TTr.HĐND-UBND các huyện, thành phố;
- Báo Hà Giang; Đài PT-TH tỉnh;
- Cổng TTĐT tỉnh; Trung tâm-CB-TH tỉnh;
- Lưu VT, HĐND (1b).

CHỦ TỊCH




Thào Hồng Sơn

 

PHỤ LỤC 01

KHUNG MỨC CHI VÀ MỨC CHI NHIỆM VỤ, DỰ ÁN VỀ TÀI NGUYÊN MÔI TRƯỜNG
(Kèm theo Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 10 tháng 7 năm 2018 của HĐND tỉnh Hà Giang)

Đơn vị tính: 1.000 đồng

TT

Nội dung chi

Đơn vị tính

Khung mức chi và mức chi

Ghi chú

Tỉnh

Huyện

1

Chi lập đề cương nhiệm vụ, dự án

 

 

 

 

a

Lập đề cương nhiệm vụ

Nhiệm vụ

800 - 1.600

1.000

 

b

Lập đề cương dự án

Dự án

2.400 - 4.000

1.800 - 3.000

 

2

Họp hội đồng xét duyệt đề cương nhiệm vụ, dự án

Buổi họp

 

 

 

a

Chủ tịch hội đồng

người/buổi

400

300

Không tính chi họp hội đồng đối với nhiệm vụ được giao thường xuyên hàng năm

Chỉ áp dụng trong trường hợp quy chế của cấp có thẩm quyền quy định phải có nhận xét đánh giá của ủy viên phản biện và ủy viên hội đồng

b

Thành viên, Thư ký

người/buổi

250

200

c

Đại biểu được mời tham dự

người/buổi

120

100

d

Nhận xét đánh giá của ủy viên phản biện

Bài viết

400

300

đ

Nhận xét đánh giá của ủy viên hội đồng

Bài viết

250

200

3

Lấy ý kiến thẩm định dự án bằng văn bản của chuyên gia và nhà quản lý (tối đa không quá 5 bài viết)

Bài viết

400

300

Trường hợp không thành lập Hội đồng xét duyệt

4

Điều tra, khảo sát

 

 

 

 

a

Lập mẫu phiếu điều tra

Mẫu phiếu được duyệt

400

300

 

b

Chi cho đối tượng cung cấp thông tin

 

 

 

 

 

 - Cá nhân

Phiếu

40

 

 

 

 - Tổ chức

Phiếu

80

 

 

c

Chi cho điều tra viên: Công quan trắc, khảo sát, lấy mẫu (trường hợp thuê ngoài theo vụ việc nếu có)

người/ngày công

120

 

Trường hợp thuê ngoài

d

Chi cho người dẫn đường

người/ngày

100

 

Chỉ áp dụng cho điều tra thuộc vùng ĐBKK cần có người địa phương dẫn đường và phiên dịch cho điều tra viên

đ

Chi cho người phiên dịch tiếng dân tộc

người/ngày

150

 

5

Báo cáo tổng kết nhiệm vụ, dự án:

 

 

 

Tùy theo tính chất, quy mô của dự án, nhiệm vụ

a

 Nhiệm vụ

Báo cáo

4.000

3.000

Đối với báo cáo tổng kết về điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản theo Khoản 2 phần III Phụ lục số 04 - Thông tư số 136/2017/TT-BTC

b

 Dự án

8.000 - 12.000

6.000 - 9.000

6

Hội thảo (nếu có)

 

 

 

 

a

Người chủ trì

người/buổi hội thảo

400

300

 

b

Thư ký hội thảo

250

180

 

c

Đại biểu được mời tham dự

120

100

 

d

Báo cáo tham luận

bài viết

300

200

 

 

PHỤ LỤC 02

PHÂN BỔ CHI PHÍ QUẢN LÝ CHUNG NHIỆM VỤ, DỰ ÁN VỀ TÀI NGUYÊN MÔI TRƯỜNG
(Kèm theo Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 10 tháng 7 năm 2018 của HĐND tỉnh Hà Giang)

TT

Nhóm công việc

Phân bổ chi phí quản lý chung

Nhiệm vụ, dự án (hoặc hạng mục công việc có định mức kinh tế kỹ thuật)

Nhiệm vụ, dự án (hoặc hạng mục công việc không có định mức kinh tế kỹ thuật)

I

Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; đơn vị thực hiện cơ chế như doanh nghiệp; doanh nghiệp tham gia thực hiện nhiệm vụ, dự án (1)

Tính trên chi phí trực tiếp

Tính trên chi phí trực tiếp

1

Ngoại nghiệp

 

 

 

Nhóm I

28%

23%

 

Nhóm II

25%

18%

 

Nhóm III

20%

15%

2

Nội nghiệp (nhóm I, II, III)

15%

12%

II

Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên tham gia thực hiện nhiệm vụ, dự án (1)

tỷ lệ chi phí chung bằng 95% mức quy định tại mục I

III

Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan quản lý nhà nước được NSNN cấp kinh phí chi thường xuyên thực hiện nhiệm vụ, dự án

 

 

1

Đối với nhiệm vụ, dự án có tổng chi phí trực tiếp đến 5 tỷ đồng

22 triệu đồng/năm/nhiệm vụ, dự án

2

Đối với nhiệm vụ, dự án có tổng chi phí trực tiếp trên 5 tỷ đồng

Chi phí tăng thêm 1 tỷ đồng được bổ sung 0,003 của phần tăng thêm

Ghi chú: - Không áp dụng cho nhiệm vụ thường xuyên

 - (1): Phân bổ cho nội dung chi phí cụ thể giao cho cơ quan Tài chính thẩm định