Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/2011/NQ-HĐND

Thái Nguyên, ngày 03 tháng 4 năm 2011

 

NGHỊ QUYẾT

THÔNG QUA ĐỒ ÁN QUY HOẠCH CHUNG TỔ HỢP KHU ĐÔ THỊ, CÔNG NGHIỆP, NÔNG NGHIỆP VÀ DỊCH VỤ YÊN BÌNH TỈNH THÁI NGUYÊN ĐẾN NĂM 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN
KHOÁ XI, KỲ HỌP THỨ 16

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 2003;

Căn cứ Luật Xây dựng năm 2003;

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị năm 2009;

Căn cứ Nghị định số: 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 của Chính phủ về quy hoạch Xây dựng;

Căn cứ Nghị định số: 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về việc lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị;

Căn cứ Nghị định số: 42/2009/NĐ-CP ngày 07/5/2009 của Chính phủ về phân loại đô thị ;

Căn cứ Thông tư số: 07/2008/TT-BXD ngày 07/4/2008 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng; Thông tư số:

19/2008/TT-BXD ngày 20/11/2008 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn thực hiện việc lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng Khu công nghiệp, khu kinh tế;

Xét Tờ trình số: 14/TTr-UBND ngày 17/3/2011 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên về việc đề nghị thông qua Đồ án Quy hoạch chung Tổ hợp Khu Đô thị, Công nghiệp, Nông nghiệp và Dịch vụ Yên Bình tỉnh Thái Nguyên đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh, ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Đồ án Quy hoạch chung Tổ hợp Khu Đô thị, Công nghiệp, Nông nghiệp và Dịch vụ Yên Bình, tỉnh Thái Nguyên đến năm 2030 (có Báo cáo tóm tắt nội dung cơ bản của Đồ án quy hoạch kèm theo).

Điều 2. Giao Uỷ ban nhân dân tỉnh tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại kỳ họp để bổ sung, hoàn chỉnh và triển khai thực hiện Đồ án. Trong đó, cần nghiên cứu và có định hướng không gian hình thành đô thị Yên Bình trong tương lai, đảm bảo sự phát triển hài hoà với các huyện lân cận, đặc biệt là huyện Phổ Yên. Các dự án thuộc lĩnh vực giáo dục đào tạo tiêu chuẩn quốc tế, dự án sân golf, dự án khu công nghiệp… giao Uỷ ban nhân dân tỉnh báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan theo quy định của Luật Xây dựng năm 2003, Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, Nghị định số: 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng, Quyết định số: 04/2008/QĐ-BXD ngày 03/4/2008 của Bộ Xây dựng về việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng và các quy định hiện hành.

Điều 3. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban Kinh tế và Ngân sách, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên khoá XI, Kỳ họp thứ 16 thông qua ngày 23 tháng 3 năm 2011./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Vượng

 

BÁO CÁO TÓM TẮT

ĐỒ ÁN QUY HOẠCH CHUNG TỔ HỢP KHU ĐÔ THỊ, CÔNG NGHIỆP, NÔNG NGHIỆP VÀ DỊCH VỤ YÊN BÌNH TỈNH THÁI NGUYÊN ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số: 02/2011/NQ-HĐND ngày 03 tháng 4 năm 2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên)

1. Tên đồ án: Đồ án Quy hoạch chung Tổ hợp khu Đô thị, Công nghiệp, Nông nghiệp và Dịch vụ Yên Bình tỉnh Thái Nguyên đến năm 2030.

2. Địa điểm quy hoạch xây dựng

Huyện Phổ Yên và Huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.

3. Phạm vi, ranh giới và quy mô lập quy hoạch chung

3.1. Phạm vi quy hoạch và ranh giới khu đất

- Phía Bắc: giáp đường Tỉnh lộ 261.

- Phía Đông: giáp sông Cầu và huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang.

- Phía Nam: giáp sông Cầu và huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội.

- Phía Tây: giáp đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên.

3.2. Quy mô đất đai

Tổng diện tích qui hoạch 8.009,06 ha. Trong đó, diện tích thuộc huyện Phổ Yên là 5.267,59ha, diện tích thuộc huyện Phú Bình là 2.741,47ha.

- Diện tích đất quy hoạch phát triển mới: 4.789,90 ha;

- Diện tích đất bảo tồn, tôn tạo, vẫn thuộc quyền quản lý và sử dụng của người dân, các tổ chức và các cơ quan nhà nước nhưng được quy hoạch chỉnh trang lại và được hỗ trợ về hạ tầng và kỹ thuật sản xuất để phát triển hài hòa với diện tích đất cần quy hoạch phát triển mới là : 3.219,16 ha.

3.3. Quy mô dân số

- Tổng dân số tính đến năm 2009: 73.000 người.

- Dự báo năm 2020: 130.000 người, trong đó dân số đô thị là 76.000 người.

- Dự báo năm 2030: 215.000 người, trong đó dân số đô thị là 180.000 người.

4. Hiện trạng khu vực lập quy hoạch

- Khu vực lập quy hoạch thuộc vùng Trung du Bắc Bộ có địa hình đồng bằng xen lẫn đồi núi thấp;

- Hiện trạng là vùng nông nghiệp nông thôn, chưa được quy hoạch, kinh tế chưa phát triển, đời sống của người dân còn khó khăn;

- Số Khu dân cư hiện tại trong khu vực quy hoạch là: 11 Khu (các làng, xã).

5. Tính chất, chức năng đô thị

Tổ hợp khu đô thị, công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ Yên Bình sẽ phát triển thành Khu trung tâm phía Nam tỉnh Thái Nguyên; là trung tâm kết nối giữa Thủ đô Hà Nội với thành phố Thái Nguyên và các đô thị khác phía Đông Bắc và Tây Bắc Việt Nam, đồng thời là vệ tinh của Thủ đô Hà Nội.

Tổ hợp khu đô thị, công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ Yên Bình có quy hoạch và kiến trúc hiện đại. Là đô thị sinh thái mang nét đặc trưng của Vùng trung du miền núi Bắc bộ phát triển bền vững hài hoà giữa công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và các loại hình dịch vụ đồng bộ gắn liền với bảo vệ môi trường.

6. Mục tiêu, quan điểm phát triển và nhiệm vụ của đồ án

6.1. Mục tiêu và quan điểm phát triển của đồ án

Cơ cấu lại việc sử dụng đất một cách hợp lý để quản lý và khai thác hiệu quả các tiềm năng của khu vực; bảo vệ và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất; phát huy, gìn giữ văn hoá của địa phương và dân tộc; bảo vệ môi trường cảnh quan; duy trì cân bằng sinh thái; bảo đảm an ninh quốc phòng và phát triển bền vững. Quy hoạch và phát triển để trở thành một thành phố công nghệ và tri thức, văn minh và hiện đại, cộng đồng phát triển bền vững, thịnh vượng, thân thiện với thiên nhiên. Cuộc sống người dân thực sự giàu có, góp phần xây dựng đất nước phát triển vững mạnh, phồn thịnh.

Tạo sự bứt phá và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá theo tinh thần Nghị quyết số: 37-NQTW ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế- xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2010, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XVIII, Quyết định số: 58/2007/QĐ-TTg ngày 02/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020.

- Quy hoạch phát triển Tổ hợp Yên Bình thành thành phố kinh tế động lực với các chức năng chính như sau:

+ Khu vực Đô thị loại II có chức năng là: Trung tâm hành chính, chính trị, công cộng đô thị, trung tâm nghiên cứu, giáo dục đào tạo, dịch vụ, du lịch sinh thái, khu tái định cư.

+ Khu vực Công nghiệp tiên tiến và công nghệ cao, có đẳng cấp khu vực và Quốc tế.

+ Khu vực Nông nghiệp nông thôn mới, nông nghiệp công nghệ cao theo hướng sinh thái và phát triển theo mô hình Agropark.

+ Khu vực dịch vụ đa ngành, phục vụ nhu cầu của cả vùng;

- Quy hoạch Tổ hợp Yên Bình phát triển bền vững theo tinh thần quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020;

- Định hướng quá trình phát triển kinh tế theo hướng đô thị hóa, công nghiệp hóa - hiện đại hóa với việc cân đối mọi nguồn lực: dân số và lao động, tài nguyên môi trường, hạ tầng cơ sở, khả năng thu hút đầu tư.... trong đó quan tâm đến việc phát huy tối đa nguồn lực địa phương để xây dựng và phát triển, đồng thời có môi trường đầu tư hấp dẫn thông thoáng nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

- Bảo vệ môi trường tự nhiên;

- Đảm bảo các vấn đề về an sinh xã hội, gắn liền với giải quyết các vần đề tam nông. Trong đó, đặc biệt chú ý đến việc hạn chế sử dụng quỹ đất nông nghiệp chất lượng tốt cho các mục đích khác theo tinh thần Quyết định số: 391/QĐ-TTg ngày

18/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ;

- Đảm bảo đồng bộ và hiện đại về quy hoạch, kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật cũng như không gian đô thị mới hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc, có sự kết hợp hài hòa giữa các nền văn hóa Phương Đông và Phương Tây, mang tầm vóc Quốc tế ;

- Đồ án Quy hoạch dự án tổ hợp Yên Bình là cơ sở pháp lý để quản lý xây dựng, triển khai các quy hoạch chi tiết và các dự án đầu tư trong khu vực.

6.2. Nhiệm vụ của đồ án

Phân tích, đánh giá các điều kiện tự nhiên, hiện trạng sử dụng đất, môi trường, quỹ đất công cộng, hạ tầng xã hội, kiến trúc cảnh quan, di tích lịch sử - văn hoá. Trên cơ sở các điều kiện hiện trạng và liên hệ vùng, phân tích đánh giá về vị thế, tiềm năng và động lực của khu vực nghiên cứu quy hoạch, đối chiếu với mục tiêu quy hoạch để có thể đề ra chiến lược phát triển đô thị đúng đắn.

Phát triển đô thị phù hợp với quy mô dân số trên cơ sở tăng trưởng tự nhiên và cơ học, trong đó xác định Tổ hợp Yên Bình là trung tâm kinh tế động lực vùng.

Xác định các quỹ đất cải tạo, quỹ đất xây dựng mới và tái định cư, các nhu cầu xây dựng công trình công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và dịch vụ, đảm bảo sự phát triển bền vững cho khu vực.

Định hướng phát triển không gian, kiến trúc cảnh quan, sử dụng đất và hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho đô thị.

Xác định cơ cấu chức năng sử dụng đất với các chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc cụ thể, tuân thủ Tiêu chuẩn thiết kế, Quy chuẩn xây dựng Việt Nam, hướng tới tiêu chuẩn Quốc tế.

Xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành, hướng tới tiêu chuẩn Quốc tế, khớp nối đồng bộ với các dự án đã và đang triển khai trong khu vực.

Xác định chỉ giới đường đỏ các tuyến phố chính và chỉ giới xây dựng cho các khu vực quy hoạch, hành lang bảo vệ các tuyến hạ tầng kỹ thuật.

Xác lập căn cứ pháp lý để các cơ quan, chính quyền địa phương quản lý quy hoạch xây dựng, làm cơ sở để lập các dự án đầu tư xây dựng theo quy định.

7. Các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật chính

- Quy hoạch xây dựng đáp ứng tiêu chuẩn đô thị loại III, tiến lên đô thị loại II.

- Các chỉ tiêu và tiêu chuẩn Quốc tế được khuyến nghị áp dụng trong đồ án, nhưng không thấp hơn các chỉ tiêu theo tiêu chuẩn Việt Nam hiện hành.Các chỉ tiêu chính thức sẽ được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt cùng với đồ án quy hoạch xây dựng.

- Các chỉ tiêu môi trường, tiếng ồn, khí thải, rác thải, nước thải, phòng chống cháy nổ, vệ sinh công nghiệp, khoảng cách ly, hành lang bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật… theo tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành hiện hành.

7.1. Các chỉ tiêu về quy mô dân số

- Quy mô dân số năm 2020: 130.000 người, trong đó: Dân số đô thị: 76.000 người; Dân số nông thôn: 54.000 người.

- Quy mô dân số năm 2030: 215.000 người, trong đó: Dân số đô thị: 180.000 người; Dân số nông thôn: 35.000 người.

7.2. Các chỉ tiêu đất xây dựng đô thị và công nghiệp

- Đất xây dựng đô thị: 80-90m2/ người. Trong đó đất đơn vị ở khoảng 50m2/người;

- Đất xây dựng giao thông: 20 m2/người;

- Đất xây dựng công trình công cộng: 5 m2/người;

- Đấy cây xanh: 8 m2/người;

- Đất xây dựng Công nghiệp: 30-40 lao động/ha;

- Đất xây dựng dịch vụ chuyên biệt: áp dụng các tiêu chuẩn Quốc tế.

7.3. Các chỉ tiêu hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật khác

- Đến năm 2020: áp dụng các chỉ tiêu cho Đô thị loại III.

- Đến năm 2030: áp dụng các chỉ tiêu cho Đô thị loại II.

8. Các yêu cầu đạt được khi quy hoạch

- Đảm bảo vai trò là trung tâm động lực phát triển phía Nam tỉnh Thái Nguyên và trung tâm giao lưu cửa ngõ từ Thủ đô Hà Nội lên vùng Trung du Bắc Bộ, trong đó phát triển Công nghệ cao là thế mạnh chủ đạo.

- Hòa đồng với tổng thể phát triển các không gian kinh tế - xã hội và hạ tầng kỹ thuật của tỉnh Thái Nguyên: định hướng phát triển thành phố Thái Nguyên, thị xã Sông Công, khu du lịch Hồ Núi Cốc, quy hoạch giao thông vận tải, cấp điện, cấp nước..

- Tối ưu hóa các tiềm năng, thế mạnh của khu vực quy hoạch trong việc bố trí các chức năng sử dụng đất khác nhau.

- Tuân thủ nguyên lý phát triển bền vững: phát triển gắn liền với bảo vệ môi trường và đảm bảo an sinh xã hội (đặc biệt quan tâm đến vấn đề tam nông).

- Quy hoạch kiến trúc đồng bộ, hiện đại, có bản sắc kiến trúc riêng, bảo tồn và phát huy các giá trị nhân văn truyền thống.

- Hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật được thiết kế, xây dựng hiện đại, đáp ứng mục tiêu và quan điểm phát triển chung.

9. Phân khu chức năng

9.1. Định hướng phân khu chức năng

a. Khu đô thị mới hiện đại, thân thiện và nhân văn b. Khu công nghiệp

c. Khu Nông nghiệp

d. Khu dịch vụ với các dịch vụ đa ngành e. Các loại đất khác

9.2. Các khu chức năng

a. Khu đô thị công nghiệp1 có diện tích 1.020 ha b. Khu đô thị công nghiệp 2 có diện tích 850 ha c. Khu đô thị tri thức có diện tích 970 ha

d. Khu đô thị nông nghiệp có diện tích 2.670 ha (có 2.374 ha đất lúa nước)

e. Khu đô thị sinh thái có diện tích 1.500 ha

f. Khu bảo tồn văn hóa nông nghiệp có diện tích 1.000 ha

10. Định hướng tổ chức không gian:

- Hướng phát triển không gian chủ đạo của Tổ hợp Yên Bình là đường Đông - Tây (nối Quốc lộ 3 và Quốc lộ 37): Hai bên đường Đông - Tây sẽ phát triển các quỹ đất cơ quan công nghệ cao dưới dạng "thành phố thông minh", công nghiệp sạch và khu dân cư hỗn hợp; vùng trung tâm nông nghiệp phía Nam đường Đông - Tây.

- Hướng phát triển thứ hai là quỹ đất giữa đường cao tốc và đường sắt Hà Nội- Thái Nguyên: Trung tâm giao thương cấp vùng tại khu vực ga Ba Hàng mới và xung quanh nút giao phức hợp giữa đường Đông - Tây và đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên; các điểm nhấn không gian dân dụng trên đường cao tốc; xen kẽ giữa các không gian dân cư hỗn hợp là các khu công nghiệp tổng hợp.

Hướng phát triển không gian thứ ba là từ vùng trung tâm đô thị đến khu vực hồ Núi Ngọc: Vùng trung tâm đô thị; vùng dịch vụ dân dụng chuyên ngành; vùng du lịch sinh thái.

11. Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật:

11.1. Chuẩn bị kỹ thuật

- Hướng thoát nước mặt là về phía sông Cầu ở phía Nam khu vực quy hoạch.

- Lựa chọn và xác định cao độ nền xây dựng phù hợp với cao độ khống chế toàn khu vực, bám sát địa hình tự nhiên, phát huy được đặc điểm tự nhiên của địa hình đồi núi thấp, hạn chế tối đa việc đào đắp, đảm bảo thuận lợi cho sử dụng đất và phát triển giao thông.

- Có các giải pháp phòng chống thiên tai, lũ lụt, sạt lở đất; vị trí ta luy, kè tường chắn; tạo khoảng cách an toàn đối với các công trình xây dựng dọc theo sông, suối và ven theo sườn dốc địa hình.

- Có các giải pháp thoát nước mưa ưu tiên tự chảy, phù hợp với địa hình tự nhiên. Quy hoạch hệ thống hồ điều hòa và khơi thông chỉnh trang dòng chảy hiện có nhằm nâng cao năng lực thoát nước mặt, đồng thời góp phần làm đẹp cảnh quan môi trường và đáp ứng nhu cầu khai thác nước mặt trong khu vực nghiên cứu.

- Chú ý hành lang bảo vệ đê điều trên Sông Cầu là 25m phía trong đê và 20m phía ngoài đê.

11.2. Giao thông:

a. Giao thông đường sắt: Đường sắt Hà Nội- Thái Nguyên.

b. Giao thông đường thuỷ: Cảng Đa Phúc.

c. Hệ thống đường bộ: Đường cao tốc Hà Nội- Thái Nguyên; Đại lộ Đông - Tây; đường chính đô thị; đường liên khu vực; đường chính khu vực; đường khu vực; hệ thống đường liên huyện, liên xã hiện có bên ngoài ranh giới khu vực quy hoạch; bến xe liên tỉnh.

d. Các công trình giao thông quan trọng khác:

- Có 5 cầu vượt đường sắt dự kiến.

- Có 3 cầu cứng vượt sông Cầu.

- Các nút giao trên đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên có 3 cầu vượt trực thông, 2 nút giao khác mức liên thông dạng kim cương và 01 nút giao khác mức liên thông phức hợp ba tầng khi giao cắt với đại lộ Đông - Tây.

- Các nút giao khác mức trên đường đại lộ Đông - Tây với các đường đô thị bao gồm 7 nút giao khác mức liên thông dạng kim cương.

e. Quy hoạch mạng lưới giao thông công cộng

11.3. Định hướng quy hoạch trị thủy

- Bảo tồn hệ thống đê hiện có của sông Cầu và suối Giao.

- Các sông chính trong khu vực sẽ được quy hoạch sao cho không bị ngập kể cả với lũ với tần suất mưa 50 năm (tiêu chuẩn cho đô thị loại 2).

- Quy hoạch các hồ điều hòa lũ sao cho lưu lượng chảy cực đại không tăng thêm so với trước khi phát triển.

- Bố trí các cống cùng với các trạm bơm tại các điểm khó thoát lũ do mực nước sông Cầu dâng cao.

11.4. Định hướng quy hoạch thoát nước mưa:

- Quy hoạch thoát nước mưa dựa trên sự phù hợp với quy hoạch trị thủy.

- Quy hoạch mặt cắt công trình thoát nước sử dụng cường độ mưa thỏa mãn điều kiện của đô thị loại 2 được nêu trong quy chuẩn Việt nam.

- Cho thoát nước mưa theo hướng chảy xuôi tự nhiên đến các hướng thoát tại các sông và hồ điều hòa.

- Thoát nước mưa và nước bẩn qua các hệ thống riêng.

11.5. Định hướng quy hoạch Cấp nước:

Tổng nhu cầu dùng nước cho tổng thể khu quy hoạch là 126.000 m3/ngđ.

- Nước được cấp cho toàn bộ Tổ hợp Yên Bình là từ hồ Núi Cốc, với chất lượng và trữ lượng đều đảm bảo.

- Bố trí hồ chứa nước rộng 5 ha, sâu 2.5m, chứa 12000m3.

- Nhà máy xử lý nước: đến năm 2020 xây dựng trạm xử lý nước số 1 với công suất 50.500m3; đến năm 2030 xây dựng trạm xử lý nước số 2 với công suất 50.500m3.

11.6. Cấp điện và chiếu sáng:

Tổng phụ tải tính toán đến năm 2020 là 325,529 MVA; đến 2030 là 411,976 MVA (tăng trưởng khoảng 30%).

11.7. Quy hoạch mạng lưới thông tin liên lạc đến năm 2030

Đối với sinh hoạt : 28.71 thuê bao/100 dân cho điện thoại cố định và 9.2 thuê bao/100 dân cho thuê bao internet

Đối với các công trình công cộng và dịch vụ thương mại: 1 thuê bao/500 m2

11.8. Quy hoach xử lý nước bẩn

Để giữ cho môi trường nước của khu vực quy hoạch cũng như khu vực hạ lưu được tốt, nước đã qua sử dụng tại các hộ gia đình và nhà máy sẽ được quy hoạch để tất cả được sử lý làm sạch.

- Tách riêng luồng nước bẩn và nước mưa, nước bẩn sẽ được thu gom lại và được làm sạch.

- Chất lượng nước bẩn sau khi được làm sạch sẽ phải đạt Tiêu chuẩn chất lượng nước thải của Việt Nam.

- Để đạt tiêu chuẩn chất lượng nước thải, sẽ áp dụng kỹ thuật làm sạch phù hợp và có độ tin cậy cao.

- Nước sau khi được làm sạch sẽ đóng vai trò tuần hoàn nước trong khu vực như tận dụng làm nước tưới cho cây, sử dụng cho nông nghiệp...

11.9. Quy hoạch xử lý chất thải

Tính toán lượng rác thải phát sinh từ quy mô của quy hoạch đô thị. Dự tính lượng rác thải cực đại trong ngày là 512 tấn.

- Trước mắt, chất thải sẽ được chuyển về công trình công cộng ngoài khu quy hoạch.

- Trong tương lai, trường hợp công trình công cộng ngoài khu quy hoạch không đáp ứng được thì sẽ thực hiện xây dựng công trình xử lý chất thải để phân loại, tái chế, đốt, thu hồi năng lượng trong khu quy hoạch.

11.10. Vệ sinh môi trường:

- Xây dựng nghĩa trang cát táng dưới dạng công viên nghĩa trang tập trung phục vụ tái định cư các nghĩa địa và mộ độc lập hiện trạng trong quá trình phát triển dự án.

- Các nghĩa địa rải rác trong vùng nông nghiệp - nông thôn sẽ được quy tập dần theo thời gian về các nghĩa trang tập trung của đơn vị hành chính.

12. Quy hoạch phân kỳ đầu tư

12.1. Định hướng cơ bản phân kỳ xây dựng

- Quy hoạch sao cho phù hợp với chính sách của Chính phủ và yêu cầu của địa phương.

- Quy hoạch sao cho các công trình như văn phòng, nhà ở, công trình dịch vụ, công trình vui chơi giải trí được xây dựng cân đối với quy mô thị theo từng giai đoạn.

- Thiết lập các phạm vi xây dựng theo giai đoạn tập trung chứ không phân tán; nhờ vậy có thể xây dựng hạ tầng hiệu quả, tránh lãng phí.

- Tại các giai đoạn, quy hoạch phân kỳ xây dựng đảm bảo tính khả thi và thu hồi được đủ vốn đầu tư.

- Xây dựng các công trình gắn liền với việc nâng cao tính hấp dẫn của khu quy hoạch ngay từ giai đoạn đầu và nỗ lực hình thành thương hiệu cho khu đất quy hoạch.

12.2. Nội dung phân kỳ xây dựng

Kỳ 1:

- Hiện nay đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đang được xây dựng nên xây dựng đại lộ Đông Tây kết nối với đường cao tốc này.

- Đối với khu vực xung quanh ga Ba Hàng, KCN sạch, Business Park, Agro Park thì triển khai phát triển từ xung quanh đại lộ Đông Tây và hướng tới việc nâng cao sức hấp dẫn dọc tuyến đại lộ này và sớm hình thành thương hiệu.

- Đối với Agro Park thì xây dựng trung tâm thực nghiệm phát triển nông nghiệp, khu nghiên cứu, một phần nông nghiệp công nghệ cao kết hợp đất nông nghiệp - nhà ở.

- Phát triển sân golf (course bên hồ) có khản năng tiếp cận từ đại lộ Đông Tây, một phần resort nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư đa dạng ngay từ giai đoạn đầu.

- Xây dựng nhà ở xã hội ở khu vực xung quanh ga Ba Hàng cho người tái định cư - cần thiết cho phát triển - và người lao động liên quan tới xây dựng.

- Xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật như đường xá, cấp điện, cấp nước, thoát nước thải, v.v… cho khu vực nêu trên.

Kỳ 2:

- Mở rộng xây dựng khu vực xung quanh ga Ba Hàng, KCN sạch, Business Park, Agro Park.

- Đối với Agro Park, triển khai xây dựng trung tâm thương mại giao lưu quốc tế, Consolidation Center, công viên chủ đề.

- Thực hiện xây dựng một phần City Center nhằm đáp ứng dân số gia tăng, xây dựng một phần trường đại học, bệnh viện quốc tế nhằm hướng tới hoàn bị về giáo dục, y tế.

- Xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật như đường xá, cấp điện, cấp nước, thoát nước thải, v.v… cho khu vực nêu trên.

Kỳ 3:

- Mở rộng xây dựng City Center, khu vực xung quanh ga Ba Hàng, KCN sạch, Business Park, Agro Park.

- Xây dựng một phần công viên TDTT, hướng tới hoàn bị về công trình vui chơi giải trí cho người dân.

- Triển khai phát triển KCN phổ thông.

- Xây dựng một phần nhà ở tại khu nhà ở sinh thái.

- Thực hiện mở rộng trường đại học, xây dựng trường trung cấp nghề, bệnh viện trọng yếu của khu vực.

- Thực hiện mở rộng và hoàn thiện sân golf, resort. Kỳ 4:

- Hoàn thiện xây dựng KCN sạch, KCN phổ thông, Business Park, Agro Park.

- Tiếp tục xây dựng City Center, khu vực xung quanh ga Ba Hàng.

- Thực hiện xây dựng cảng sông Cầu, hướng tới cải thiện việc lưu thông hàng hóa.

- Xây dựng bến du thuyền sông Cầu hướng tới hoàn thiện về vui chơi giải trí du lịch.

Kỳ 5:

- Hoàn thiện xây dựng City Center, khu vực xung quanh ga Ba Hàng.

- Hoàn thiện xây dựng nhà ở tại khu vực nhà ở sinh thái.

- Hoàn thiện toàn bộ quy hoạch, xây dựng các khu trong tổ hợp khu đô thị công nghiệp nông nghiệp và dịch vụ Yên Bình.

12.3. Chi phí xây dựng

Tổng mức đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của quy hoạch là: 15.938 tỷ đồng, theo phân kỳ đầu tư như sau:

Kỳ 1: Tổng chi phí phát triển cho giai đoạn này là: 3.300 tỷ đồng. Kỳ 2: Tổng chi phí phát triển cho giai đoạn này là: 2.650 tỷ đồng. Kỳ 3: Tổng chi phí phát triển cho giai đoạn này là: 5.500 tỷ đồng. Kỳ 4: Tổng chi phí phát triển cho giai đoạn này là: 3.100 tỷ đồng. Kỳ 5: Tổng chi phí phát triển cho giai đoạn này là: 1.388 tỷ đồng./.

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 02/2011/NQ-HĐND thông qua đồ án quy hoạch chung tổ hợp khu đô thị, công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ Yên Bình đến năm 2030 do tỉnh Thái Nguyên ban hành

  • Số hiệu: 02/2011/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 03/04/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thái Nguyên
  • Người ký: Nguyễn Văn Vượng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 13/04/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản