THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ Số : 58/2007/QĐ-TTg | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 04 tháng 5 năm 2007 |
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH THÁI NGUYÊN ĐẾN NĂM 2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên,
QUYẾT ĐỊNH :
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020, với những nội dung chủ yếu sau:
I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN
Phát triển kinh tế - xã hội nhanh, hiệu quả và bền vững đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, giảm dần khoảng cách giàu, nghèo giữa vùng nông thôn, vùng núi cao với vùng đô thị; tiếp tục thực hiện xoá đói, giảm nghèo và đẩy lùi các tệ nạn xã hội; đẩy nhanh tốc độ đô thị hoá, phát triển mạng lưới đô thị và điểm dân cư tập trung kiểu đô thị hiện đại, gắn với vành đai nông thôn phát triển theo hướng văn minh, bền vững và bảo tồn được các giá trị văn hoá làng, bản; kết hợp đồng bộ giữa phát triển sản xuất với phát triển kết cấu hạ tầng trên tất cả các vùng, khu vực trên địa bàn Tỉnh; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị và nền hành chính vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị, xã hội và giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc.
Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương; huy động tối đa và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực; mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế với bên ngoài để phát triển, đặc biệt là các địa phương trong Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; tạo bước đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, thu hẹp khoảng cách chênh lệch và tiến tới vượt mức bình quân chung của cả nước về thu nhập bình quân đầu người; phấn đấu đưa tỉnh Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục và y tế của Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.
II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN CHỦ YẾU
1. Mục tiêu tổng quát
Xây dựng tỉnh Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế (công nghiệp, thương mại, du lịch), văn hóa, giáo dục, y tế của Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; có hệ thống kết cấu hạ tầng tương đối hiện đại và đồng bộ; có nền văn hóa lành mạnh và đậm đà bản sắc dân tộc; quốc phòng - an ninh vững mạnh; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân thời kỳ 2006 - 2010 đạt 12 - 13%/năm, thời kỳ 2011 - 2015 đạt 12,0 - 12,5%/năm và thời kỳ 2016 - 2020 đạt 11 - 12%/năm; trong đó, tăng trưởng bình quân của các ngành trong cả thời kỳ 2006 - 2020: nông, lâm nghiệp, thuỷ sản đạt 5 - 5,5%/năm, công nghiệp - xây dựng đạt 13,5 - 14,5%/năm, dịch vụ đạt 12,5 - 13,5%/năm;
b) GDP bình quân đầu người đạt trên 800 USD vào năm 2010, 1.300 - 1.400 USD vào năm 2015 và 2.200 - 2.300 USD vào năm 2020;
c) Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ và giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp (nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản), cụ thể: công nghiệp và xây dựng chiếm 45%, dịch vụ chiếm 38 - 39%, nông nghiệp chiếm 16 - 17% vào năm 2010; tương ứng đạt 46 - 47%, 39 - 40%, 13 - 14% vào năm 2015; đạt 47 - 48%, 42 - 43%, 9 - 10% vào năm 2020;
d) Kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 65 - 66 triệu USD vào năm 2010, đạt trên 132 triệu USD vào năm 2015 và trên 250 triệu USD vào năm 2020; tốc độ tăng xuất khẩu bình quân trong cả thời kỳ 2006 - 2020 đạt 15 - 16%/năm;
đ) Thu ngân sách trên địa bàn đạt 1.500 - 1.550 tỷ đồng vào năm 2010, 4.000 - 4.100 tỷ đồng vào năm 2015 và trên 10.000 tỷ đồng vào năm 2020; tốc độ tăng thu ngân sách trên địa bàn bình quân trong cả thời kỳ 2006 - 2020 đạt trên 20%/năm;
e) Tốc độ tăng dân số bình quân trong cả thời kỳ 2006 - 2020 đạt 0,9%/năm; trong đó, tốc độ tăng dân số tự nhiên đạt 0,8 - 0,82%/năm và tăng cơ học đạt 0,08 - 0,1%/năm;
g) Trước năm 2020, hoàn thành phổ cập giáo dục trung học phổ thông cho 95% dân số trong độ tuổi đi học ở khu vực thành phố, thị xã, thị trấn (trong đó 15% học nghề, 15% giáo dục chuyên nghiệp, 70% tốt nghiệp phổ thông và bổ túc) và 85% dân số trong độ tuổi đi học ở khu vực nông thôn; kiên cố hóa toàn bộ trường, lớp học; mỗi huyện có ít nhất ba trường trung học phổ thông;
h) Bảo đảm đủ cơ sở khám, chữa bệnh và nhân viên y tế; ưu tiên đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các cơ sở khám, chữa bệnh ở cả ba tuyến: tỉnh, huyện, xã; phấn đấu tăng tuổi thọ trung bình lên 72 tuổi vào năm 2010 và trên 75 tuổi vào năm 2020;
i) Giải quyết việc làm bình quân hàng năm cho ít nhất 15.000 lao động trong thời kỳ 2006 - 2010 và cho 12.000 - 13.000 lao động trong thời kỳ 2011 - 2020; bảo đảm trên 95% lao động trong độ tuổi có việc làm vào năm 2010; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 38 - 40% vào năm 2010 và đạt 68 - 70% vào năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo quy định tại Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg ngày 08 tháng 7 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ) giảm xuống còn dưới 15% vào năm 2010 và còn 2,5 - 3% vào năm 2020; chênh lệch giữa các vùng, các tầng lớp dân cư trong việc thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản được thu hẹp; chỉ số phát triển con người (HDI) tăng lên trên 0,7 vào năm 2010 và trên 0,8 vào năm 2020;
k) Bảo đảm trên 90% số hộ gia đình được dùng nước sạch vào năm 2010 và nâng tỷ lệ này lên 100% vào trước năm 2020; 100% số hộ có điện sử dụng vào trước năm 2010;
l) Tỷ lệ đô thị hoá đạt 35% vào năm 2010 và đạt 45% vào năm 2020;
m) Nâng cao chất lượng rừng và tỷ lệ che phủ rừng đạt 50% vào năm 2010;
n) Bảo đảm môi trường sạch cho cả khu vực đô thị và nông thôn;
o) Tốc độ đổi mới công nghệ bình quân thời kỳ 2006 - 2010 đạt 14 - 16%/năm và thời kỳ 2011 - 2020 đạt 16 - 18%/năm.
III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NGÀNH, LĨNH VỰC
1. Nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản
a) Phát triển nông nghiệp với tốc độ nhanh, ổn định, đa dạng, bền vững theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với công nghiệp chế biến (tỷ lệ nông sản chế biến đạt khoảng 40 - 50%) và thị trường; sử dụng có hiệu quả cao quỹ đất nông nghiệp bằng thâm canh tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản hàng hoá, thực hiện tốt chủ trương dồn điền, đổi thửa; bảo đảm an ninh lương thực; cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng: tăng tỷ trọng chăn nuôi, dịch vụ nông nghiệp, cây công nghiệp, cây ăn quả; phát triển các cây, con có giá trị cao phù hợp điều kiện của địa phương; phát triển các nông sản đặc sản của từng vùng trong Tỉnh; xây dựng các vùng sản xuất nông, lâm sản hàng hoá tập trung gắn với công nghiệp chế biến và tiêu thụ như vùng cây ăn quả đặc sản, vùng chè, vùng rau sạch, vùng lúa thâm canh...; gắn phát triển nông nghiệp của Tỉnh với phát triển nông nghiệp Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ và Vùng Hà Nội;
b) Kinh tế nông thôn phát triển theo hướng: tăng tỷ trọng giá trị sản phẩm và lao động các ngành công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng và lao động nông nghiệp; xây dựng nông thôn mới có đời sống vật chất và văn hoá không ngừng được nâng cao; phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật cơ bản cho sản xuất và đời sống của nông dân với trọng tâm là đường giao thông nông thôn, thủy lợi, hệ thống dịch vụ nông nghiệp;
c) Đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất nông, lâm nghiệp; chú trọng đầu tư cho công nghệ bảo quản sau thu hoạch; đặc biệt chú ý đến các tiến bộ về sử dụng đất hiệu quả, bền vững, tiến bộ về giống, chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, phòng trừ dịch bệnh;
d) Phát triển mạnh kinh tế trang trại, các loại hình kinh tế hợp tác; các loại hình doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ; phát triển bền vững các làng nghề; tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế hộ phát triển; khuyến khích nông dân góp quyền sử dụng đất và lao động của mình với các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại để phát triển sản xuất hàng hoá; khuyến khích hơn nữa đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp, nông thôn; đẩy nhanh việc sắp xếp lại và đổi mới quản lý các nông trường, lâm trường; kinh tế nhà nước tập trung sản xuất và cung ứng các loại giống cây trồng, vật nuôi, nghiên cứu ứng dụng, đổi mới kỹ thuật trong nông nghiệp;
đ) Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản bình quân thời kỳ 2006 - 2010 đạt 7 - 8%/năm và thời kỳ 2011 - 2020 đạt 6,5 - 7,5%/năm; giá trị sản xuất trồng trọt đạt trên 22 triệu đồng/ha đất canh tác (trên 15% diện tích đạt trên 50 triệu đồng/ha) vào năm 2010 và đạt trên 50 triệu đồng/ha canh tác (trên 40% diện tích đạt trên 70 triệu đồng/ha) vào năm 2020; giá trị sản xuất tính trên một nhân khẩu nông nghiệp đạt 3,5 triệu đồng vào năm 2010 và đạt gần 10 triệu đồng vào năm 2020; cơ cấu giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản: trồng trọt chiếm 50 - 51%, chăn nuôi chiếm 36 - 37%, lâm nghiệp chiếm 4%, thủy sản chiếm 5,5 - 6%, dịch vụ (nông, lâm nghiệp, thuỷ sản) chiếm 4 - 4,5% vào năm 2010 và cơ cấu tương ứng chiếm 33 - 34%, 46 - 47%, 6 - 7%, 7,5 - 8%, 6,5 - 7% vào năm 2020.
2. Công nghiệp và xây dựng
a) Phát triển công nghiệp với tốc độ nhanh, có chất lượng và hiệu quả; tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp và xây dựng thời kỳ 2006 - 2010 đạt khoảng 16,5 - 17%/năm và thời kỳ 2011 - 2020 đạt 12,5 - 13,5%/năm; ưu tiên về các nguồn lực, ưu đãi về chính sách cho một số ngành, sản phẩm công nghiệp chủ lực như: công nghiệp luyện kim, công nghiệp vật liệu xây dựng, công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, công nghiệp cơ khí, công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm, đồ uống, công nghiệp dệt may, da giày;
b) Chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng: tăng nhanh nhóm ngành chủ đạo, có lợi thế, có truyền thống; hình thành các ngành, sản phẩm công nghiệp mới; tăng nhóm ngành sản xuất hàng xuất khẩu; tăng thoả đáng các ngành công nghiệp phụ trợ; tăng tỷ trọng công nghiệp tư nhân, đặc biệt là đầu tư ngoài nước trong các ngành công nghiệp chủ lực; chuyển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động và lao động có trình độ không cao về khu vực nông thôn; huy động có hiệu quả các nguồn lực nội sinh; thu hút tối đa các nguồn lực bên ngoài;
c) Phát triển các khu, cụm công nghiệp tập trung, gắn với phát triển hệ thống đô thị; kết hợp các loại quy mô, loại hình sản xuất; hiện đại hóa và đổi mới thiết bị, công nghệ.
Một số nhóm ngành công nghiệp cụ thể:
- Công nghiệp luyện kim: là nhóm ngành chủ đạo, được xác định là một trong những khâu đột phá của Tỉnh trong thời kỳ 2006 - 2010; phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân thời kỳ 2006 - 2010 đạt 16 - 17%/năm và thời kỳ 2011- 2020 đạt 14 - 15%/năm; tỷ trọng ngành công nghiệp luyện kim đạt 40% giá trị sản xuất công nghiệp vào năm 2010;
- Công nghiệp cơ khí: phát triển đáp ứng cơ bản nhu cầu của Tỉnh về các thiết bị, máy móc phục vụ nông nghiệp và nông thôn, nhu cầu thị trường trong nước; đặc biệt là các sản phẩm động cơ đi-ê-zen đến 400 sức ngựa và các loại phụ tùng của ngành cơ khí cung cấp cho Vùng và cả nước; từng bước sản xuất một số sản phẩm phục vụ công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, luyện kim thay thế cho sản phẩm nhập khẩu; mở rộng thêm các sản phẩm xuất khẩu, tiến tới xuất khẩu một số loại phụ tùng;
- Công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản: tập trung khai thác và chế biến khoáng sản có giá trị kinh tế cao, trữ lượng lớn; đa dạng hoá quy mô khai thác, chế biến khoáng sản và đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường không bị ô nhiễm; chú trọng công tác điều tra, thăm dò tìm kiếm mỏ mới, trữ lượng mới... bảo đảm khai thác, chế biến cung cấp đủ nguyên liệu cho các cơ sở công nghiệp luyện kim và công nghiệp vật liệu của Tỉnh; duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân thời kỳ 2006 - 2010 đạt 13,5 - 14,5%/năm và thời kỳ 2011 - 2020 đạt 13 - 14%/năm;
- Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng: tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh bình quân thời kỳ 2006 - 2010 đạt 17 - 18%/năm và thời kỳ 2011 - 2020 đạt 16 - 17%/năm; tập trung sản xuất các sản phẩm có lợi thế, có thị trường (xi măng, gạch, ngói nung, tấm lợp...); phát triển các sản phẩm mới (đá ốp lát, sứ cao cấp, cấu kiện bê tông đúc sẵn, vật liệu chịu lửa...);
- Công nghiệp dệt may - da giày: nâng cao năng lực sản xuất của cơ sở hiện có, đổi mới công nghệ, đào tạo nâng cao tay nghề công nhân...; tập trung sản xuất các sản phẩm hiện đang có thị trường ổn định; nghiên cứu mẫu, mốt thời trang, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường...; tốc độ tăng trưởng bình quân thời kỳ 2006 - 2010 đạt trên 15%/năm và thời kỳ 2011 - 2020 đạt 16%/năm;
- Công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thực phẩm, đồ uống: tốc độ tăng trưởng bình quân thời kỳ 2006 - 2010 đạt trên 16,5%/năm và thời kỳ 2011 - 2020 đạt 22%/năm; phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thực phẩm phải gắn với vùng nguyên liệu và thị trường; từng bước đổi mới công nghệ, đa dạng hoá sản phẩm, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm; tăng các sản phẩm chế biến sâu, sản phẩm tiêu dùng cuối cùng và giảm các sản phẩm sơ chế để tăng giá trị của sản phẩm; tăng nhanh các sản phẩm chủ lực (bia, giấy, chè chế biến, rau quả chế biến, thịt hộp...).
3. Thương mại và dịch vụ
a) Nhanh chóng đưa Thái Nguyên trở thành một trung tâm phát triển dịch vụ lớn của Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất các ngành dịch vụ thời kỳ 2006 - 2010 đạt 12,5 - 13%/năm, thời kỳ 2011- 2020 đạt 13 - 13,5%/năm; tỷ trọng các ngành dịch vụ chiếm 38 - 39% GDP vào năm 2010 và chiếm trên 42% vào năm 2020; lao động dịch vụ chiếm 22,9% lao động xã hội vào năm 2010 và chiếm 30,9% vào năm 2020;
b) Tăng nhanh các dịch vụ chủ lực; hình thành các sản phẩm dịch vụ mới có giá trị gia tăng cao phù hợp với lợi thế của Tỉnh, phù hợp với yêu cầu phát triển của Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; tăng dần các dịch vụ chất lượng cao và tỷ trọng của khu vực dịch vụ tư nhân; có cơ chế, chính sách phù hợp đối với từng ngành, sản phẩm dịch vụ, ưu tiên các nguồn lực cho các ngành, sản phẩm dịch vụ chủ lực và có lợi thế của Tỉnh; phấn đấu là tỉnh có các dịch vụ: du lịch, thương mại, giáo dục và đào tạo, vận tải, tài chính, ngân hàng phát triển so với các tỉnh trong Vùng vào sau năm 2010;
c) Bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn và phát huy các giá trị đạo đức, truyền thống văn hoá, hài hoà lợi ích kinh tế với ổn định chính trị - xã hội và quốc phòng - an ninh;
d) Doanh thu dịch vụ du lịch - khách sạn - nhà hàng đạt 950 tỷ đồng vào năm 2010 và đạt 5.000 tỷ đồng vào năm 2020; khách du lịch đạt khoảng 1,2 triệu lượt (trong đó: khách quốc tế đạt 20 nghìn lượt) vào năm 2010 và đạt khoảng 3,1 triệu lượt (trong đó: khách quốc tế đạt trên 70 nghìn lượt) vào năm 2020; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội đạt 6.360 tỷ đồng vào năm 2010 và đạt trên 24.600 tỷ đồng vào năm 2020; một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: chè, quặng kẽm chế biến, sản phẩm may mặc, quặng đa kim.
4. Phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật
a) Giao thông
Ưu tiên phát triển mạng lưới giao thông đường bộ; gắn phát triển mạng lưới giao thông của Thái Nguyên với mạng lưới giao thông của Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ để gia tăng giao lưu giữa Thái Nguyên với Hà Nội và các tỉnh trong cả nước nhằm khai thác tốt hơn lợi thế của Thái Nguyên và tạo điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài vào Tỉnh;
Đầu tư xây dựng đường quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên; mở rộng, nâng cấp các tuyến tỉnh lộ gắn với các tuyến quốc lộ; nâng cấp các tuyến đường cấp huyện và liên xã; phấn đấu thời kỳ 2006 - 2010 nâng cấp đường tỉnh lộ đạt tiêu chuẩn đường cấp V và IV miền núi và thời kỳ 2011 - 2020 các tuyến đường tỉnh đạt tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi, các đường qua thị trấn, khu công nghiệp đạt tiêu chuẩn đường cấp III trở lên, mặt đường thảm bê tông nhựa hoặc bê tông xi măng đạt 100%; thay thế toàn bộ ngầm, tràn bằng cầu bê tông cốt thép vĩnh cửu; 70 - 80% đường huyện đạt tiêu chuẩn đường cấp V trở lên vào năm 2010 và đạt 100% đường huyện mặt nhựa hoặc bê tông xi măng vào năm 2020; 60 - 70% đường liên xã, đường đến trung tâm xã đạt tiêu chuẩn đường cấp V trở lên vào năm 2010 và đạt 100% đường liên xã, đường đến trung tâm xã mặt nhựa hoặc bê tông xi măng vào năm 2020; nâng cao năng lực các tuyến đường thuỷ nội tỉnh, khai thác hiệu quả hơn dịch vụ cảng và bến sông, tạo sự kết nối thuận lợi hơn giữa đường thuỷ, đường bộ; khai thác hiệu quả giao thông đường sắt.
b) Cấp điện, cấp, thoát nước và xử lý chất thải
- Tập trung đầu tư nâng cấp, xây mới đồng bộ hệ thống cấp điện, cấp nước, thoát nước mưa và nước thải, đặc biệt là hệ thống thoát nước ở các khu đô thị, công nghiệp; bảo đảm đạt 100% hộ dân thành thị, 90% hộ dân nông thôn được dùng nước sạch và 100% số hộ dân trên địa bàn Tỉnh có điện sử dụng vào năm 2010 và đạt 100% hộ dân trên địa bàn Tỉnh được dùng nước sạch, có điện sử dụng vào năm 2020;
- Xây dựng hệ thống thu gom và xử lý chất thải; bảo đảm 70% khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường và 90% chất thải đô thị được xử lý vào năm 2010; 100% khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường và 100% chất thải đô thị được xử lý vào năm 2020.
c) Thông tin liên lạc: phát triển mạng thông tin liên lạc hiện đại; đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là hệ thống thông tin lãnh đạo và quản lý; mật độ điện thoại đạt 32 máy/100 dân vào năm 2010 và 65 máy/100 dân vào năm 2020.
5. Các lĩnh vực xã hội
a) Phát triển dân số: đẩy mạnh công tác kế hoạch hoá gia đình và chăm sóc sức khoẻ sinh sản để nâng cao chất lượng dân số; dân số tăng bình quân thời kỳ 2006 - 2020 đạt 0,9%/năm, trong đó: tăng dân số tự nhiên đạt 0,8%/năm, tăng dân số cơ học đạt 0,08 - 0,1%/năm; dự kiến dân số đạt 1,16 triệu người vào năm 2010 và đạt 1,27 triệu người vào năm 2020;
b) Giáo dục và đào tạo
- Xây dựng Thái Nguyên trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; phát triển có chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông; củng cố vững chắc kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, đạt 80% trường tiểu học, 30% trường trung học cơ sở, 40% trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia vào năm 2010, đạt 100% số trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia vào năm 2015 và đạt 100% trường trung học cơ sở và trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia vào năm 2020;
- Đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục và đào tạo; mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục và đào tạo như: nâng cấp và mở rộng trường Đại học Thái Nguyên, hoàn thiện hệ thống trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm đào tạo cộng đồng; xây dựng các trung tâm đào tạo chất lượng cao, thành lập và phát triển các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề tỉnh và các Trung tâm kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp huyện nhằm đáp ứng nhu cầu học tập và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh, để phần lớn số thanh niên được học hết trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp hoặc đào tạo nghề; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 38 - 40% vào năm 2010 và đạt 68 - 70% vào năm 2020.
c) Y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân
Nâng cao khả năng cung cấp dịch vụ y tế cả về số lượng và chất lượng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhân dân trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân; đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động y tế; chú trọng y tế dự phòng, chăm sóc sức khoẻ ban đầu; bảo đảm các đối tượng chính sách, người nghèo, trẻ em và người già được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu; kết hợp chặt chẽ phát triển y học hiện đại với y học cổ truyền dân tộc; cải tạo, nâng cấp các trạm y tế xã bảo đảm 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế vào năm 2010; đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa tỉnh đủ khả năng đáp ứng chức năng bệnh viện vùng Đông Bắc; nâng cấp Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, huyện; nâng cấp Bệnh viện C thành Bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh với quy mô 500 giường; các chỉ tiêu đặt ra là giảm tỷ lệ tử vong trẻ dưới 1 tuổi xuống dưới 20‰, giảm tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng xuống dưới 20%, giảm tỷ lệ tử vong người mẹ do thai sản xuống 1,5‰ vào năm 2010 và giảm tỷ lệ tử vong trẻ dưới 1 tuổi xuống 10‰, giảm tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng xuống 10%, giảm tỷ lệ tử vong mẹ do thai sản xuống 0,8‰ vào năm 2020; bình quân có 9,5 bác sĩ/vạn dân và 35 giường bệnh/vạn dân vào năm 2010 và 12 bác sĩ/vạn dân và 45 giường bệnh/vạn dân vào năm 2020.
d) Văn hóa - thông tin và thể dục - thể thao
- Phát triển văn hoá - thông tin vì mục tiêu phát triển con người toàn diện, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; gắn văn hoá với đời sống xã hội, hướng mọi hoạt động của văn hoá - thông tin vào việc xây dựng con người mới, có văn hoá; tăng cường công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc; đẩy mạnh công tác xã hội hoá trong lĩnh vực văn hoá; tiếp tục thực hiện tốt phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá"; phấn đấu đạt 75% gia đình văn hóa, 50% làng, khu phố đạt danh hiệu và tiêu chuẩn văn hóa vào năm 2010 và đạt 85% gia đình văn hóa, 70% làng, khu phố đạt danh hiệu và tiêu chuẩn văn hóa vào năm 2020;
- Xây dựng Thái Nguyên trở thành trung tâm thể dục, thể thao của Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; mở rộng và duy trì thường xuyên phong trào toàn dân luyện tập, rèn luyện thân thể trong cơ quan, trường học, điểm dân cư góp phần nâng cao thể lực, phát triển nòi giống; phát triển các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian truyền thống và hiện đại như: vật, võ dân tộc, bóng đá nữ...; đẩy mạnh xã hội hoá công tác thể thao.
đ) Khoa học - công nghệ và môi trường
- Xây dựng nguồn lực về khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đầu tư chiều sâu, trang bị công nghệ hiện đại cho các ngành, cơ sở sản xuất quan trọng; sử dụng có hiệu quả Quỹ phát triển khoa học công nghệ; mở rộng hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ, có chính sách khuyến khích cán bộ khoa học kỹ thuật về công tác tại cơ sở;
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về môi trường; thực hiện xã hội hóa, đa dạng hóa đầu tư bảo vệ môi trường; tăng cường công tác quản lý, khai thác tài nguyên hợp lý và tiết kiệm, thực hiện nghiêm các quy định về phục hồi môi trường các khu khai thác khoáng sản và hệ sinh thái đã bị xâm phạm, bảo đảm cân bằng sinh thái; nâng cao năng lực quản lý, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh áp dụng khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế về môi trường; quan trắc và kiểm soát ô nhiễm môi trường, quản lý chất thải rắn và thuốc bảo vệ thực vật; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.
e) Xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm và an sinh xã hội
Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm và an sinh xã hội; chú trọng đào tạo nghề, khuyến khích người lao động tự tạo việc làm, phát triển nhanh các loại hình doanh nghiệp để thu hút nhiều lao động; tạo việc làm cho nông dân, tổ chức xuất khẩu lao động…; phấn đấu tạo việc làm bình quân hàng năm cho ít nhất 15.000 lao động trong thời kỳ 2006 - 2010 và cho 12.000 - 13.000 lao động trong thời kỳ 2011 - 2020; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 15% vào năm 2010 và còn 2,5 - 3% vào năm 2020.
6. Quốc phòng - an ninh
Tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh; xây dựng nền quốc phòng toàn dân kết hợp với thế trận an ninh nhân dân; xây dựng Thái Nguyên thành khu vực phòng thủ vững chắc; đẩy mạnh công tác phòng, chống tội phạm, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, kiềm chế tai nạn giao thông, bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, trật tự và an toàn xã hội.
IV. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN THEO LÃNH THỔ
1. Khu vực đô thị
a) Dân số đô thị đạt trên 405 nghìn người vào năm 2010 (chiếm 35% dân số) và đạt trên 570 nghìn người (chiếm 45% dân số) vào năm 2020; hệ thống đô thị Thái Nguyên phát triển theo hướng lấy công nghiệp và dịch vụ làm nền tảng và hệ thống đô thị hiện tại làm hạt nhân; về mặt không gian, hệ thống đô thị phát triển theo hai chiều bám theo hai trục Quốc lộ 3 và Quốc lộ 1B, lấy thành phố Thái Nguyên làm trung tâm;
b) Nâng cấp thành phố Thái Nguyên thành đô thị loại I vào năm 2020 tương xứng với vai trò trung tâm của Tỉnh, của Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; nâng cấp thị xã Sông Công thành đô thị loại III vào năm 2015; nâng cao chất lượng của 7 thị trấn huyện lỵ và 11 thị trấn, thị tứ; thành lập một khu đô thị mới ở khu vực du lịch hồ Núi Cốc.
2. Khu vực nông thôn
a) Phát triển hài hòa kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, giảm dần chênh lệch về trình độ phát triển với khu vực thành thị; ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn;
b) Phát triển mạnh công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nông thôn; khôi phục các làng nghề truyền thống, kết hợp kỹ thuật truyền thống với kỹ thuật tiên tiến, hiện đại;
c) Xây dựng các cụm, điểm công nghiệp tại các thị trấn, thị tứ, đầu mối giao thông làm vệ tinh cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp của Tỉnh, chế biến, cung cấp dịch vụ... thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn; các ngành nghề phát triển chủ yếu là chế biến nông sản thực phẩm, chế biến lâm sản, khai thác vật liệu xây dựng, cơ khí nhỏ và dịch vụ sửa chữa;
d) Phát triển hệ thống thuỷ lợi đồng bộ bảo đảm tưới tiêu chủ động cho rau màu, cây công nghiệp, cây ăn quả; bảo đảm đủ nước cho nuôi trồng thủy sản và bảo đảm an toàn chống lũ cho thành phố Thái Nguyên; tổ chức định canh, định cư và ổn định dân cư.
3. Phát triển các tiểu vùng
a) Vùng núi cao (gồm: huyện Võ Nhai, huyện Định Hoá, Bắc huyện Đại Từ và Bắc huyện Phú Lương): ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, ngành nghề nông thôn; phát triển mạnh cây công nghiệp (chè, hồi), cây ăn quả và chăn nuôi đại gia súc; lâm nghiệp và công nghiệp chế biến lâm sản, chế biến nông sản thực phẩm, khai thác vật liệu xây dựng;
b) Vùng núi thấp, đồi cao (gồm: huyện Đồng Hỷ, Nam huyện Phú Lương và Nam huyện Đại Từ): củng cố, nâng cấp, hoàn thiện từng bước hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn; phát triển các loại cây trồng như: rau thực phẩm, chè và cây ăn quả các loại cung cấp cho các khu công nghiệp, đô thị, cho công nghiệp chế biến; phát triển mạnh chăn nuôi đại gia súc và chăn nuôi lợn; bảo vệ vốn rừng hiện có, trồng mới rừng phòng hộ và đẩy mạnh trồng rừng sản xuất cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp giấy và gỗ ván nhân tạo; đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, phát triển công nghiệp chế biến lâm sản, công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm, công nghiệp khai thác vật liệu xây dựng; phát triển du lịch làng, bản và du lịch sinh thái;
c) Vùng đồi gò và vùng trung tâm (gồm: huyện Phú Bình, huyện Phổ Yên, thị xã Sông Công, thành phố Thái Nguyên và một số xã của huyện Đồng Hỷ, huyện Phú Lương giáp thành phố Thái Nguyên): tiếp tục đầu tư, nâng cấp, củng cố kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất như hệ thống giao thông, công trình thuỷ lợi, hệ thống trạm, trại kỹ thuật nông, lâm nghiệp; hình thành các khu công nghiệp tập trung dọc Quốc lộ 3 và Quốc lộ 1B; phát triển ngành du lịch, đặc biệt là du lịch hồ Núi Cốc, phát triển hệ thống dịch vụ dọc Quốc lộ 3 nối Hà Nội với Thái Nguyên; phát triển các cơ sở giáo dục đào tạo đại học, các khu văn hoá, thể thao; thâm canh tăng năng suất cây lương thực và cây thực phẩm; xây dựng một số vùng rau an toàn, chất lượng cao cung cấp cho các khu công nghiệp, đô thị và phục vụ du lịch; trồng và chế biến chè; phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sữa, chăn nuôi lợn và gà công nghiệp cung cấp cho các điểm đô thị, khu công nghiệp; bảo vệ và giữ gìn diện tích rừng hiện có kết hợp với trồng mới rừng trên các khu vực đất trống và đồi núi trọc.
V. CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ƯU TIÊN NGHIÊN CỨU ĐẦU TƯ (PHỤ LỤC KÈM THEO).
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Lựa chọn các khâu đột phá
a) Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và tiềm lực khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển;
b) Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ cả khu vực đô thị và khu vực nông thôn;
c) Cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cơ quan quản lý nhà nước;
d) Tập trung chỉ đạo để hình thành một hệ thống các sản phẩm chủ lực trong các ngành và lĩnh vực có lợi thế so sánh tạo ra thế và lực cho phát triển lâu dài của Tỉnh;
đ) Phát triển kinh tế đối ngoại, hình thành đồng bộ các loại thị trường;
e) Đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa; phát triển các đô thị trung tâm, đô thị ngoại vi và các điểm dân cư nông thôn nhằm tạo ra một bức tranh phân bố dân cư mới.
2. Một số giải pháp chủ yếu
a) Huy động các nguồn vốn đầu tư: xây dựng cơ chế, chính sách nhằm huy động tối đa các nguồn vốn trong nước, ngoài nước để phát triển kinh tế - xã hội; trong đó: nguồn vốn trong nước giữ vai trò quan trọng nhất và chiếm tỷ trọng cao trong tổng vốn đầu tư; vốn ngân sách nhà nước giảm dần tỷ trọng trong tổng số vốn đầu tư (52% thời kỳ 2006 - 2010 và 31,7% thời kỳ 2011 - 2020); đa dạng hoá các hình thức huy động vốn, các hình thức tạo vốn, mở rộng các nguồn thu; chú trọng thu hút vốn từ các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, xã hội hoá trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hoá - thể thao, tích cực thu hút vốn FDI và ODA...;
b) Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển: có chính sách thu hút, sử dụng và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho người lao động, đội ngũ cán bộ quản lý, kinh tế, kỹ thuật và cán bộ doanh nghiệp;
c) Phát triển khoa học và công nghệ: tăng cường nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống; trang bị công nghệ tiên tiến, thích hợp cho các ngành và phát triển nguồn lực khoa học và công nghệ;
d) Phối hợp chặt chẽ với Hà Nội, các địa phương trong Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước trên một số ngành, lĩnh vực quan trọng như: ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, phát triển du lịch, thu hút vốn FDI, sử dụng nguồn nước và chống ô nhiễm nguồn nước của các sông chảy qua Thái Nguyên, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực; giải quyết tốt vấn đề di dân tự do vào thành phố; phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;
đ) Tiếp tục hoàn thiện, đổi mới cơ chế, chính sách và cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển;
e) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế "một cửa"; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và tham nhũng;
g) Tổ chức thực hiện và giám sát Quy hoạch
- Thông báo Quy hoạch sau khi được phê duyệt theo quy định; lập, trình duyệt các quy hoạch ngành, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp huyện...; xây dựng các kế hoạch 5 năm, hàng năm và các chương trình, dự án cụ thể để triển khai, thực hiện Quy hoạch;
- Tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện Quy hoạch;
- Rà soát, đánh giá kết quả thực hiện Quy hoạch; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch khi có thay đổi;
- Cấp uỷ Đảng, cơ quan, đoàn thể các cấp và nhân dân trong Tỉnh có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Quy hoạch.
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên căn cứ vào mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh trong Quy hoạch được phê duyệt, chỉ đạo việc lập, trình duyệt và triển khai thực hiện:
1. Báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược.
2. Quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu; quy hoạch phát triển hệ thống đô thị và các điểm dân cư; quy hoạch xây dựng; quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp huyện, thị xã, thành phố.
3. Lập các kế hoạch 5 năm, hàng năm; các chương trình phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội trọng điểm; các dự án cụ thể để triển khai thực hiện Quy hoạch.
4. Nghiên cứu xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành một số cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển của Tỉnh và luật pháp của Nhà nước trong từng thời kỳ nhằm thu hút, huy động các nguồn lực để thực hiện Quy hoạch.
Điều 3. Các Bộ, ngành Trung ương liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của mình hỗ trợ Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên trong quá trình thực hiện Quy hoạch; đồng thời, nghiên cứu xây dựng, trình các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách đặc thù tạo điều kiện cho Thái Nguyên trong quá trình tổ chức thực hiện Quy hoạch; chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên thực hiện Quy hoạch phát triển ngành, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các công trình, dự án, nhất là các công trình trọng điểm, quy mô lớn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; kịp thời điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển ngành, kế hoạch đầu tư các công trình, dự án liên quan dự kiến đầu tư nêu trong Quy hoạch khi có thay đổi, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 5. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | THỦ TƯỚNG |
FILE ĐỰƠC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|
- 1Luật Đầu tư 2005
- 2Quyết định 21/2007/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ thời kỳ 2006 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 1081/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 260/QĐ-TTg năm 2015 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1Quyết định 170/2005/QĐ-TTg về chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2006 - 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Luật Đầu tư 2005
- 3Quyết định 21/2007/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ thời kỳ 2006 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 1081/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Quyết định 58/2007/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 58/2007/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 04/05/2007
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 318 đến số 319
- Ngày hiệu lực: 08/06/2007
- Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực