Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 764-TTg

Hà Nội, ngày 08 tháng 5 năm 1956

NGHỊ ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 764-TTG, NGÀY 8/5/1956 BAN HÀNH BẢN ĐIỀU LỆ ĐĂNG KÝ HỘ TỊCH

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Theo đề nghị của ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1: Nay ban hành bản Điều lệ đăng ký hộ tịch kèm theo nghị định này.

Điều 2: Bản điều lệ này bãi bỏ các thể lệ về đăng ký hộ tịch đã ban hành trước đây.

Điều 3: Bản điều lệ này thi hành kể từ ngày được công bố.

Điều 4: Ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Phan Kế Toại

ĐIỀU LỆ

ĐĂNG KÝ HỘ TỊCH

Mục I : ĐIỀU KHOẢN CHUNG

Điều 1: Bản điều lệ này quy định những nguyên tắc và thủ tục đăng ký các việc sinh, tử, kết hôn, sửa chữa các điều đã đăng ký ; ghi chú các việc thay đổi về hộ tịch và cấp phát giấy chứng nhận các việc ấy.

Điều 2: Việc đăng ký hộ tịch do Uỷ ban hành chính cấp cơ sở phụ trách (Uỷ ban hành chính xã, thị trấn, thị xã, khu phố) và phải làm tại trụ sở Uỷ ban hành chính có mặt các người có quan hệ như người đương sự, người đứng khai, người làm chứng tuỳ theo từng loại việc.

Giấy chứng nhận hộ tịch do chủ tịch Uỷ ban hành chính ký và đóng dấu Uỷ ban; chủ tịch có thể uỷ quyền cho phó chủ tịch hay một uỷ viên ký thay.

Điều 3: Trong sổ hộ tịch không được viết tắt, không được tẩy hoặc viết đè chữ nọ lên chữ kia, không được viết hai thứ mực; những chữ về ngày, tháng, năm không được viết bằng chữ số.

Nếu có sửa chữa điều gì thì phải chú thích ở dưới là xóa hay thêm mấy chữ và phải do uỷ viên phụ trách ký nhận.

Khi ghi chép xong phải đọc lại cho mọi người nghe nhận là đúng và ký tên. Nếu có người không ký được thì Uỷ ban phải ghi rõ.

Đăng ký xong, Uỷ ban phải cấp ngay cho người đứng khai một bản sao không lấy tiền.

Điều 4: Mỗi loại việc hộ tịch phải đăng ký vào một thứ sổ riêng; mỗi thứ sổ phải có hai quyển làm theo các mẫu đính kèm bản điều lệ này.

Đến cuối năm sau khi khoá sổ, thì gửi một quyển lên Uỷ ban hành chính tỉnh hay thành phố, và lưu một quyển ở Uỷ ban hành chính cấp cơ sở.

Điều 5: Đỗi với những việc sinh, tử, kết hôn trước ngày công bố thi hành bản điều lệ này, nếu chưa đăng ký thì có thể xin đăng ký quá hạn; nếu đăng ký rồi mà sổ sách giấy tờ bị thất lạc không xin được bản sao hoặc chỉ làm giấy khai danh dự, thì có thể xin đăng ký lại. Người đương sự sẽ làm đơn xin đăng ký ở nơi đã xảy ra sự việc. Trường hợp đặc biệt có thể xin đăng ký ở nơi hiện đang cư trú.

Điều 6: Sổ sách hộ tịch cũ và giấy chứng nhận hộ tịch cũ của chính quyền đối phương để lại, giấy chứng nhận hộ tịch của chính quyền miền Nam nói chung được công nhận.

Khi cấp bản sao cho nhân dân, Uỷ ban hành chính sẽ làm theo mẫu của bản điều lệ này.

Điều 7: Cán bộ, nhân viên nào vì sơ xuất hoặc cố ý làm hư hỏng, mất mát sổ sách hộ tịch, làm sai hoặc làm chậm việc đăng ký sẽ bị phạt theo pháp luật.

Điều 8: Người có nhiệm vụ xin đăng ký mà để quá hạn không khai, sẽ bị phê bình và có thể bị phạt vi cảnh.

Ai tự ý sửa chữa hoặc giả mạo giấy chứng nhận hộ tịch sẽ bị phạt theo luật pháp.

Mục II: ĐĂNG KÝ VIỆC SINH

Điều 9: Khi có việc sinh, phải đến khai với Uỷ ban hành chính sở tại trong hạn ba mươi ngày.

Điều 10: Người đứng khai là cha, mẹ đứa trẻ ; có thể là thân nhân, láng giềng hay người đã chứng kiến việc sinh. Khi đến khai phải trình giấy chứng nhận việc sinh do bác sĩ, y sĩ, y tá, bà đỡ cấp; hoặc giấy chứng nhận của trưởng xóm hay trưởng ban đại diện dân phố.

Trường hợp người cha hay mẹ đứa trẻ đứng khai thì không có giấy chứng nhận nói trên cũng được, nhưng phải có một người làm chứng.

Điều 11: Đối với trẻ con mới đẻ bị bỏ rơi thì việc đăng ký do chính quyền phụ trách. Ai trông thấy trẻ con mới đẻ bị bỏ rơi phải báo với Công an sở tại, Công an lập biên bản, tìm người nuôi đứa trẻ, rồi gửi biên bản sang Uỷ ban hành chính để đăng ký.

Điều 12: Nếu có việc sinh trên tàu hay trên xe, thì người phụ trách tàu hay xe phải cấp giấy chứng nhận việc sinh cho người mẹ để sau này khai sinh cho đứa trẻ.

Mục III: ĐĂNG KÝ VIỆC KẾT HÔN

Điều 13: Việc kết hôn phải đăng ký ở nơi người chồng hoặc vợ đang cư trú, và phải báo trước tám ngày với Uỷ ban hành chính sở tại. Khi xin đăng ký thì có hai vợ chồng phải cùng với hai người làm chứng đến Uỷ ban hành chính để khai và ký vào sổ.

Trường hợp người vợ hay người chồng chưa đến mười tám tuổi, thì phải có bố hay mẹ hoặc người giám hộ cùng đến khai và ký vào sổ.

Điều 14: Trước khi đăng ký, Uỷ ban hành chính phải nhắc lại cho hai bên quyền lợi và nghĩa vụ của họ. Sau khi nghe hai bên nói rõ bằng lòng lấy nhau. Uỷ ban tuyên bố cho họ chính thức kết hôn và đăng ký.

Điều 15: Vợ chồng đã ly hôn nay muốn kết hôn lại với nhau cũng phải xin đăng ký như đã nói ở các điều 13, 14 và ghi rõ là kết hôn lại.

Mục IV: ĐĂNG KÝ VIỆC TỬ

Điều 16: Khi có người chết, phải đến khai với Công an sở tại trong hạn hai mươi bốn giờ để xin phép mai táng. Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày chết, phải đem giấy phép mai táng đến Uỷ ban hành chính nơi chết xin đăng ký.

Người đứng khai là thân nhân người chết, có thể là láng giềng hoặc bạn bè quen thuộc.

Điều 17: Khi có người chết trong các bệnh viện công hay tư, nhà hộ sinh tư, trong cơ quan, xí nghiệp, trường học, công trường, nông trường, hàng cơm, quán trọ, v.v. thì người phụ trách hoặc người chủ các nơi đó có nhiệm vụ khai với Công an sở tại để xin phép mai táng.

Nếu thời hạn bảy ngày đã qua, thân nhân người chết không đến thì người phụ trách hoặc người chủ các nơi đó phải khai tử với Uỷ ban hành chính sở tại.

Điều 18: Khi có người chết trong các trại cải tạo, Ban Giám thị phải khai tử với Uỷ ban hành chính sở tại.

Điều 19: Khi có người chết ở trên tàu hay xe, thì tới bến hay ga đầu tiên, người phụ trách tàu hay xe, người phụ trách tàu hay xe phải báo với Công an sở tại. Công an đến khám nghiệm cho mai táng, rồi khai tử với Uỷ ban hành chính.

Trường hợp có người chết ngoài bể, thì khi tàu đến bến đầu tiên, viên thuyền trưởng phải báo Công an biết và phải khai tử với Uỷ ban hành chính nơi có bến ấy.

Điều 20: Khi xảy ra tai nạn có nhiều người chết còn xác, hoặc chết không tìm thấy xác, như sụt hầm, bị đắm thuyền, đắm tàu ngoài bể, lụt bão to, v.v. Uỷ ban hành chính sở tại lập biên bản chứng nhận việc ấy và đăng ký.

Điều 21: Khi thi hành xong một án tử hình, Toà án phải báo với Uỷ ban hành chính sở tại để đăng ký.

Điều 22: Trường hợp có người chết vô thừa nhận thì Công an sở tại lập biên bản, cho mai táng, rồi gửi biên bản sang Uỷ ban hành chính để đăng ký.

Điều 23: Trường hợp người đứng khai không phải là thân nhân người chết, Uỷ ban hành chính đã nhận đăng ký có nhiệm vụ gửi bản sao khai tử cho gia đình người chết.

Điều 24: Trẻ em mới đẻ ra chết ngay chỉ phải báo với Công an sở tại để xin phép mai táng, không phải khai sinh cũng không phải khai tử. Trẻ con đẻ ra chưa khai sinh đã chết thì phải báo với Công an để xin phép mai táng rồi phải đồng thời khai sinh và khai tử.

Mục V: SỬA CHỮA CÁC ĐIỀU ĐÃ ĐĂNG KÝ VÀ GHI CHÚ CÁC VIỆC THAY ĐỔI VỀ HỘ TỊCH

Điều 25: Khi đã đăng ký vào sổ hộ tịch, mà sau có đơn xin ghi thêm những điều thiếu sót, sửa chữa những điểm sai nhầm thì nếu là sai nhầm thiếu sót thường, Uỷ ban đã nhận đăng ký có quyền sửa chữa hoặc bổ sung. Đối với những điều sai nhầm thiếu sót quan trọng thì phải được Uỷ ban hành chính cấp trên cho phép.

Điều 26: Sau khi đã đăng ký các việc sinh và kết hôn, nếu có sự thay đổi về tình hình hộ tịch của người đương sự như ly hôn, thay đổi quốc tịch, thay đổi họ tên, nhận con đẻ, truy nhận cha mẹ đẻ, nuôi con nuôi, v.v. thì khi nhận được quyết định về những sự thay đổi đó, Uỷ ban hành chính phải ghi chú ngay vào bản lưu trong hộ tịch.

Nếu trước chưa đăng ký việc sinh hoặc việc kết hôn, thì người đương sự phải xin đăng ký quá hạn, rồi Uỷ ban mới được ghi chú và cấp bản sao. Các việc ghi chú phải do Uỷ ban hành chính ký nhận.

Điều 27: Khi đã có quyết định của Uỷ ban hành chính hay Toà án công nhận một việc mất tích, thì thân nhân người mất tích đem bản trích lục của quyết định ấy đến Uỷ ban hành chính để xin đăng ký vào sổ khai tử.

Mục VI: ĐỐI VỚI VIỆT KIỀU VỀ NƯỚC

Điều 28: Giấy chứng nhận hộ tịch do Đại sứ, Lãnh sự hay đại diện ngoại giao của Nước Việt Nam dân chủ công hoà cấp cho việt kiều ở nước ngoài, có giá trị như giấy chứng nhận cấp ở trong nước.

Điều 29: Giấy chứng nhận hộ tịch do chính quyền nước ngoài cấp, chỉ có giá trị sau khi được Uỷ ban hành chính tỉnh hay thành phố nơi người đương sự hiện đang cư trú xét và công nhận.

Điều 30: Việt kiều nào không có giấy chứng nhân hộ tịch có thể tạm thời làm giấy khai danh dự.

Mục VII: ĐỐI VỚI NGOẠI KIỀU

Điều 31: Đối với ngoại kiều cư trú ở Việt Nam thì các việc sinh, tử đều phải đăng ký theo điều lệ này.

Đối với việc kết hôn, nếu họ tự nguyện đến xin đăng ký thì Uỷ ban đăng ký theo điều lệ này.

Mục VIII: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 32: Bộ Nội vụ sẽ quy định chi tiết việc thi hành bản điều lệ này.

Điều 33: Đối với những vùng dân tộc thiểu số và đối với những người ở miền Nam ra Bắc, việc áp dụng bản điều lệ này sẽ có sự châm chước và sẽ do Bộ Nội vụ quy định sau.

Điều 34: Đối với quân nhân, thể lệ đăng ký việc tử trong thời kỳ chiến tranh sẽ do Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng nghiên cứu và quy định sau.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 764-TTg năm 1956 Điều lệ đăng ký hộ tịch

  • Số hiệu: 764-TTg
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 08/05/1956
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phan Kế Toại
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 14
  • Ngày hiệu lực: 02/06/1956
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản