Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 32-CP

Hà Nội, ngày 29 tháng 02 năm 1968

NGHỊ ĐỊNH

VỀ VIỆC THỐNG NHẤT CÔNG TÁC ĐĂNG KÝ HỘ TỊCH, HỘ KHẨU VÀ THỐNG KÊ DÂN SỐ

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Để cải tiến hơn nữa công tác đăng ký hộtịch và hộ khẩu, giảm bớt những phiền phức không cần thiết cho nhân dân trong việc đăng ký hộ tịch, hộ khẩu;
Để đảm bảo cung cấp cho các cơ quan Nhà nước những số liệu chính xác về nhân khẩu, hộ khẩu trong việc lập và chỉ đạo thực hiện kế hoạch Nhà nước tổ chức thực hiện các chính sách và pháp luật của Nhà nước về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội nhằm tăng cường hiệu lực công tác quản lý của Nhà nước, đáp ứng kịp thời những nhu cầu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước;
Theo đề nghị của các ông Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Tổng cục Trưởng Tổng cục Thống kê;
Căn cứ vào nghị quyết của Hội nghị thường vụ Hội đồng Chính phủ ngày 7 tháng 12 năm 1967,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Nay thống nhất việc đăng ký hộ tịch và đăng ký hộ khẩu vào một sổ duy nhất gọi là sổ đăng ký hộ tịch, hộ khẩu.

Điều 2. Sổ đăng ký hộ tịch, hộ khẩu là cơ sở duy nhất để tất cả các ngành, các cấp khai thác số liệu, lập các biểu báo thống kê dân số sử dụng trong mọi mặt công tác kế hoạch và quản lý của Nhà nước.

Những số liệu về dân số dựa vào những nguồn tài liệu khác sổ này đều không có giá trị.

Điều 3. Việc đăng ký, cấp giấy chứng nhận về hộ tịch, hộ khẩu, việc quản lý sổ và cung cấp các số liệu về dân số do những cơ quan sau đây đảm nhiệm:

- Ở nông thôn, do Ủy ban hành chính xã, thị trấn đảm nhiệm. Ủy ban hành chính xã, thị trấn phải cử một cán bộ chuyên trách công tác này.

- Ở thành thị, do Ủy ban hành chính thành phố, khu phố, thị xã đảm nhiệm với sự giúp đỡ của các cơ quan công an cùng cấp. Ủy ban hành chính có thể ủy nhiệm cho cơ quan công an phụ trách hẳn công tác đăng ký hộ khẩu.

Điều 4. Bộ Công an chỉ đạo các Ủy ban hành chính về công tác hộ tịch và hộ khẩu.

Bộ Công an và Tổng cục Thống kê quy định mẫu sổ; chế độ bảo quản và sử dụng sổ đăng ký hộ tịch, hộ khẩu, quy định các thể thức báo cáo thống kê dân số và hướng dẫn Ủy ban hành chính các cấp thi hành.

Điều 5. Việc thống nhất đăng ký hộ tịch, hộ khẩu và việc lập sổ đăng ký hộ tịch, hộ khẩu sẽ thi hành thống nhất trên miền Bắc kể từ ngày 01 tháng 7 năm 1968.

Điều 6. Những quy định về việc lập sổ đăng ký hộ tịch, về nhiệm vụ chỉ đạo công tác hộ tịch của Bộ Nội vụ ghi trong bản điều lệ đăng ký hộ tịch ban hành kèm theo nghị định số 04-CP ngày 16-1-1961 và những quy định về việc lập sổ hộ khẩu ghi trong điều lệ đăng ký hộ khẩu ban hành kèm theo nghị định số 104-CP ngày 27-6-1964 sẽ hết hiệu lực thi hành.

Điều 7. Bộ Nội vụ có nhiệm vụbàn giao công tác hộ tịch (tài liệu, sổ sách, biên chế) cho Bộ công an và hướng dẫn việc bàn giao công tác hộ tịch ở địa phương.

Điều 8. Các ông Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê chịu trách nhiệm thi hànhnghị định này.

TM. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Thanh Nghị

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 32-CP năm 1968 về việc thống nhất công tác đăng ký hộ tịch, hộ khẩu và thống kê dân số do Hội đồng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 32-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 29/02/1968
  • Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Người ký: Lê Thanh Nghị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 3
  • Ngày hiệu lực: 01/07/1968
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản