Hệ thống pháp luật

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 511-TTg

Hà Nội, ngày 19 tháng 11 năm 1958

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH NHỮNG ĐIỂM CỤ THỂ VỀ CHẾ ĐỘ CỦA SĨ QUAN TẠI NGŨ BIỆT PHÁI NÓI TRONG LUẬT SỐ 109-SL/L11 NGÀY 31-05-1958

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ vào luật số 109-SL/L11 ngày 31 tháng 05 năm 1958 quy định chế độ phục vụ của sĩ quan Quân đội nhân dân Việt nam;
Theo đề nghị của ông Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ;

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. – Nghị định này quy định những điểm cụ thể về chế độ của sĩ quan tại ngũ biệt phái nói trong điều 26, 27, 28 luật số 109-SL/L11 ngày 31 tháng 05 năm 1958.

Điều 2. – Những sĩ quan tại ngũ biệt phái được cử đến công tác tại các ngành ngoài quân đội có thể đảm nhiệm những chức vụ sau đây:

- Huấn luyện viên quân sự tại các trường học, các xí nghiệp doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước;

- Huấn luyện viên thể dục, thể thao quốc phòng trong các cơ quan thể dục, thể thao;

- Chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan thể dục, thể thao;

- Những chức vụ khác có tính chất quân sự hoặc liên quan đến quốc phòng trong các cơ quan Nhà nước.

Điều 3. - Thủ tục biệt phái sĩ quan tại ngũ đến công tác tại các ngành ngoài quân đội định như sau:

- Ở trung ương: Bộ sở quan trực tiếp thảo luận với Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định việc biệt phái và định thời hạn biệt phái sĩ quan tại ngũ. Công tác của sĩ quan tại ngũ biệt phái đến ngành nào ngoài quân đội, do Bộ trưởng ngành ấy quyết định sau khi được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đồng ý.

- Ở Khu Tự trị, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Ủy ban Hành chính Khu Tự trị, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trực tiếp thảo luận với quân khu sở tại. Sau khi được Bộ Quốc phòng đồng ý về nguyên tắc, Tư lệnh hoặc Chính ủy quân khu quyết định việc biệt phái và định thời hạn biệt phái sĩ quan tại ngũ. Công tác của sĩ quan tại ngũ biệt phái do Ủy ban Hành chính Khu Tự trị, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định, sau khi được Quân khu sở tại đồng ý.

Điều 4. - Thời hạn biệt phái của sĩ quan tại ngũ mỗi lần nhiều nhất là ba năm. Bộ Quốc phòng và các Quân khu, sau khi thỏa thuận với Bộ sở quan hay với Ủy ban Hành chính sở quan, có thể thay đổi sĩ quan tại ngũ biệt phái hoặc rút về phục vụ trong quân đội trước thời hạn.

Điều 5. – Trong khi công tác ở các ngành ngoài quân đội, sĩ quan tại ngũ biệt phái có những nghĩa vụ và quyền lợi ghi trong điều 28 của luật số 109-SL/L11, đồng thời chịu sự lãnh đạo của cơ quan sử dụng và phải chấp hành mọi chế độ công tác, học tập, sinh hoạt áp dụng trong cơ quan ấy.

Điều 6. – Trong khi công tác ở các ngành ngoài quân đội, mỗi khi sĩ quan tại ngũ biệt phái phạm kỷ luật, thì cơ quan sử dụng xét hình thức kỷ luật và đề nghị Bộ Quốc phòng hoặc Quân khu ra quyết định về hình thức kỷ luật. Trong trường hợp phạm kỷ luật nhẹ, chưa đến mức phải ghi vào lý lịch thì quyết định hình thức kỷ luật sẽ do cơ quan sử dụng phụ trách.

Điều 7. – Ông Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ





Phạm Văn Đồng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 511-TTg năm 1958 quy định chế độ của sĩ quan tại ngũ biệt phái nói trong luật 109-SL/L11 do Thủ Tướng ban hành

  • Số hiệu: 511-TTg
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 19/11/1958
  • Nơi ban hành: Phủ Thủ tướng
  • Người ký: Phạm Văn Đồng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 40
  • Ngày hiệu lực: 04/12/1958
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản