Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 50/2002/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 25 tháng 4 năm 2002

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 50/2002/NĐ-CP NGÀY 25 THÁNG 4 NĂM 2002 VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC DU LỊCH

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 06 tháng 7 năm 1995;
Căn cứ Pháp lệnh Du lịch số 11/1999/PL-UBTVQH10 ngày 08 tháng 02 năm 1999;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch là những hành vi của cá nhân, tổ chức vô ý hoặc cố ý vi phạm các quy định của Nhà nước trong hoạt động du lịch nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch quy định trong Nghị định này bao gồm: Các hành vi vi phạm quy định quản lý nhà nước trong hoạt động của hướng dẫn viên du lịch; hoạt động kinh doanh lữ hành; hoạt động kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch; các hoạt động xâm hại đến cảnh quan, môi trường, trật tự, trị an tại các khu, điểm du lịch và những hành vi vi phạm khác trong lĩnh vực du lịch.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch đều bị xử phạt theo quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính có liên quan.

2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch trên lãnh thổ Việt Nam thì bị xử phạt như đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác.

3. Người chưa thành niên có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch bị xử phạt theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 và Điều 6 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Điều 3. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch

1. Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch phải do người có thẩm quyền tiến hành theo đúng quy định của pháp luật.

2. Mọi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch phải được phát hiện kịp thời, xử lý vi phạm theo đúng quy định của Nghị định này và phải bị đình chỉ ngay. Việc xử phạt phải được tiến hành nhanh chóng, công minh theo đúng quy định của pháp luật.

3. Một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch chỉ bị xử phạt một lần. Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm. Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt.

4. Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, nhân thân và những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng quy định tại các Điều 7 và Điều 8 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính để quyết định hình thức xử phạt, mức xử phạt và các biện pháp khác phù hợp với quy định của pháp luật.

5. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch phải lập thành văn bản, các hành vi vi phạm hành chính bị xử phạt đều phải lập thành hồ sơ và lưu giữ đầy đủ tại cơ quan xử phạt trong thời hạn theo pháp luật quy định.

6. Không xử phạt vi phạm hành chính trong các trường hợp thuộc tình thế cấp thiết, phòng vệ chính đáng, sự kiện bất ngờ hoặc vi phạm hành chính trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi.

Điều 4. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch áp dụng theo quy định tại Điều 9 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Điều 5. Áp dụng các hình thức xử phạt hành chính và biện pháp khác

1. Khi xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, người có thẩm quyền xử phạt chỉ được áp dụng các hình thức xử phạt và các biện pháp khác quy định trong Nghị định này và các quy định khác của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.

2. Các hình thức xử phạt chính:

a) Phạt cảnh cáo: áp dụng đối với những vi phạm nhỏ, lần đầu, có tình tiết giảm nhẹ;

b) Phạt tiền: Căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để quyết định mức phạt tiền trong khung phạt đã được quy định.

Vi phạm có tình tiết giảm nhẹ thì có thể phạt thấp hơn, nhưng không được dưới mức thấp nhất của khung phạt tiền đã được pháp luật quy định.

Vi phạm có nhiều tình tiết tăng nặng thì có thể phạt đến mức cao nhất của khung phạt tiền đã được pháp luật quy định.

3. Tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch còn bị xử phạt bằng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

a) Thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, thẻ hướng dẫn viên du lịch;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

4. Ngoài các hình thức xử phạt quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch còn có thể bị áp dụng một hoặc các biện pháp quy định tại khoản 3 Điều 11 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

5. Các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khác được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính.

6. Khi tiến hành xử phạt, nếu hành vi vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của cơ quan chức năng khác thì người xử phạt phải lập biên bản vi phạm và chuyển cho cơ quan chức năng có thẩm quyền để xử lý.

Chương 2:

HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC DU LỊCH, HÌNH THỨC VÀ MỨC PHẠT

Điều 6. Vi phạm các quy định về hoạt động của hướng dẫn viên du lịch

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không hướng dẫn đầy đủ cho khách du lịch việc tuân thủ pháp luật và các quy định pháp luật khác có liên quan về cư trú, đi lại, thủ tục hải quan, nội quy phòng ngừa tai nạn, nội quy nơi đến tham quan du lịch;

b) Không thực hiện đầy đủ chế độ ghi nhật ký chương trình du lịch;

c) Không đeo thẻ hướng dẫn viên khi hướng dẫn khách du lịch;

d) Không cung cấp đầy đủ thông tin về chương trình du lịch cho khách du lịch bao gồm cả quyền và nghĩa vụ của khách du lịch;

đ) Không hướng dẫn đầy đủ cho khách du lịch về biện pháp bảo đảm an toàn, tính mạng, tài sản của khách.

2. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Hướng dẫn khách du lịch là người nước ngoài mà không có hợp đồng lao động với doanh nghiệp có chức năng kinh doanh lữ hành;

b) Làm sai lệch nội dung thẻ hướng dẫn viên du lịch;

c) Cho người khác thuê, mượn thẻ hướng dẫn viên du lịch.

3. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi:

a) Có những hành vi, lời nói không phù hợp với thuần phong mỹ tục, gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh, bản sắc văn hóa Việt Nam;

b) Đưa khách du lịch đến những khu vực không được tới tham quan, du lịch trừ trường hợp được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

c) Tự ý thay đổi chương trình du lịch đã thông báo cho khách mà không có sự đồng ý của khách và của doanh nghiệp tổ chức chương trình;

d) Tạo cớ để thu tiền của khách du lịch không đúng với quy định;

đ) Tự ý cắt giảm các tiêu chuẩn, dịch vụ của khách du lịch;

e) Có thái độ phân biệt đối xử làm cho khách du lịch có phản ứng, bất bình.

4. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi hướng dẫn khách du lịch mà không có thẻ hướng dẫn viên du lịch.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

Hướng dẫn viên du lịch có thể bị thu hồi thẻ hướng dẫn viên du lịch có thời hạn hoặc không có thời hạn đối với một trong các hành vi quy định tại điểm a, b, c khoản 2 hoặc tại điểm a, b, c, d, đ, e khoản 3 Điều này.

Điều 7. Vi phạm các quy định về kinh doanh lữ hành

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:

a) Không thông báo bằng văn bản về thời điểm bắt đầu hoạt động kinh doanh lữ hành cho cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày doanh nghiệp chính thức đi vào hoạt động;

b) Không thông báo bằng văn bản về việc thay đổi giám đốc, trụ sở và việc tạm ngừng hoặc chấm dứt hoạt động kinh doanh cho cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày doanh nghiệp thay đổi giám đốc, trụ sở hay tạm ngừng hay chấm dứt hoạt động kinh doanh;

c) Không thông báo bằng văn bản về việc đổi tên địa chỉ của chi nhánh, văn phòng đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt chi nhánh, văn phòng đại diện trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày chi nhánh, văn phòng đại diện đổi tên hay chuyển tới địa điểm mới;

d) Không thông báo bằng văn bản về việc thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày chi nhánh, văn phòng đại diện chính thức đi vào hoạt động;

đ) Không cung cấp đầy đủ thông tin về chương trình du lịch tới khách du lịch;

e) Không hướng dẫn cho khách du lịch về việc tuân thủ pháp luật Việt Nam, các quy định của Nhà nước về an ninh và trật tự, an toàn xã hội; về bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên du lịch, bản sắc văn hoá và thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam;

g) Không có các biện pháp bảo đảm an toàn về sức khoẻ, tính mạng, tài sản của khách du lịch;

h) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng chế độ lưu trữ hồ sơ, tài liệu, chế độ báo cáo theo quy định của pháp luật;

i) Làm mất giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế mà không thông báo với cơ quan cấp phép trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày mất giấy phép.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:

a) Thực hiện không đúng chương trình du lịch đã cam kết;

b) Không cung cấp đầy đủ các dịch vụ cho khách du lịch đúng số lượng và chất lượng đã quảng cáo;

c) Sử dụng phương tiện vận chuyển không theo đúng quy định của pháp luật;

d) Đưa khách du lịch tới nghỉ tại các cơ sở lưu trú du lịch không có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật;

đ) Sử dụng hướng dẫn viên du lịch không có thẻ hướng dẫn viên để hướng dẫn khách du lịch là người nước ngoài;

e) Không quản lý khách vào Việt Nam du lịch kể từ khi nhập cảnh đến khi xuất cảnh;

g) Không quản lý khách từ Việt Nam ra nước ngoài du lịch kể từ khi xuất cảnh đến khi nhập cảnh;

h) Kinh doanh lữ hành quốc tế mà không có đủ từ 3 hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ trở lên.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:

a) Kinh doanh lữ hành mà không thành lập doanh nghiệp;

b) Không có chức năng kinh doanh lữ hành mà hoạt động kinh doanh lữ hành;

c) Cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng tư cách pháp nhân, tên doanh nghiệp của mình để hoạt động kinh doanh lữ hành;

d) Đã thông báo tạm ngừng hoặc chấm dứt hoạt động kinh doanh lữ hành mà vẫn tiếp tục kinh doanh lữ hành;

đ) Đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, bị buộc phải giải thể mà vẫn tiếp tục hoạt động kinh doanh lữ hành;

e) Hoạt động kinh doanh không đúng nội dung ghi trong giấy phép, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

g) Không bảo đảm đủ số tiền ký qũy theo quy định tại Điều 4 và Điều 6 Nghị định số 27/2001/NĐ-CP ngày 05 tháng 6 năm 2001 của Chính phủ về kinh doanh lữ hành, hướng dẫn du lịch;

h) Kinh doanh lữ hành quốc tế mà không có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế hoặc sử dụng giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế của doanh nghiệp khác;

i) Làm sai lệch nội dung giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế;

k) Cho người khác thuê, mượn giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế;

l) Không quản lý chi nhánh, Văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

Thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế có thời hạn hoặc không có thời hạn đối với một trong các hành vi quy định tại điểm e, g khoản 2, hoặc điểm c, d, đ, i, k khoản 3 Điều này.

5. Đối với hành vi vi phạm các quy định về việc thành lập, hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp, thương nhân nước ngoài tại Việt Nam trong lĩnh vực du lịch, xử phạt theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 01/2002/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2002 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/CP ngày 03 tháng 01 năm 1996 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại.

Điều 8. Vi phạm các quy định về kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:

a) Không thông báo bằng văn bản về thời điểm bắt đầu hoạt động, tạm ngừng hoặc chấm dứt hoạt động kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch cho cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày chính thức đi vào hoạt động, tạm ngừng hoặc chấm dứt hoạt động kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch;

b) Không làm thủ tục đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về du lịch có thẩm quyền để phân loại, xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch sau 6 tháng, kể từ khi chính thức đi vào hoạt động;

c) Không gắn biển loại, hạng khi cơ sở lưu trú du lịch đã được phân loại, xếp hạng hoặc gắn biển loại, hạng không đúng theo quy định của pháp luật;

d) Làm mất quyết định công nhận loại, hạng cơ sở lưu trú du lịch mà không thông báo với cơ quan ra quyết định công nhận trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày mất quyết định;

đ) Không có các biện pháp bảo đảm an toàn về sức khoẻ, tính mạng, tài sản của khách lưu trú;

e) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng chế độ lưu trữ hồ sơ, tài liệu về hoạt động kinh doanh, chế độ báo cáo theo quy định của pháp luật;

g) Không thực hiện đúng quy định về công bố nội quy tại cơ sở lưu trú du lịch;

h) Không thực hiện quản lý khách lưu trú theo quy định của pháp luật.

2. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi cho thuê hoặc cho mượn quyết định công nhận loại, hạng cơ sở lưu trú du lịch hoặc sử dụng quyết định công nhận loại, hạng cơ sở lưu trú du lịch được cấp cho cơ sở lưu trú du lịch này sử dụng cho cơ sở lưu trú du lịch khác.

3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:

a) Không có chức năng kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch mà kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch;

b) Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về đặt tên cơ sở lưu trú du lịch;

c) Đã thông báo tạm ngừng hoặc chấm dứt hoạt động kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch mà vẫn tiếp tục kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch;

d) Không thông báo với cơ quan có thẩm quyền trước khi kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ có điều kiện (áp dụng đối với cơ sở lưu trú đã được công nhận hạng từ 1 đến 5 sao).

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:

a) Không duy trì các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị quy định cho loại, hạng cơ sở lưu trú du lịch đã được cơ quan quản lý nhà nước về du lịch có thẩm quyền công nhận;

b) Kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ có điều kiện mà không có giấy phép theo quy định của pháp luật (áp dụng đối với cơ sở lưu trú chưa được công nhận hạng từ 1 đến 5 sao);

c) Không bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật trong quá trình kinh doanh loại hàng hoá, dịch vụ có điều kiện trong cơ sở lưu trú du lịch;

d) Sử dụng người không có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật để hành nghề dịch vụ kinh doanh có điều kiện tại cơ sở lưu trú du lịch;

đ) Đối với hành vi quảng cáo sai với loại, hạng của cơ sở lưu trú du lịch đã được công nhận thì bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 31/2001/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2001 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá - thông tin.

Điều 9. Vi phạm các quy định về quản lý khu, điểm du lịch

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 20.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

Bán hàng hoá, dịch vụ tại khu, điểm du lịch mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Sử dụng, khai thác trái phép tài nguyên du lịch nhằm mục đích kiếm lợi hoặc để phổ biến mê tín dị đoan;

b) Xây dựng công trình hoặc có các hành vi đào xới, tu sửa làm ảnh hưởng đến mỹ quan, cảnh quan môi trường tại khu, điểm du lịch;

c) Làm hư hỏng, biến dạng tài nguyên du lịch.

3. Đối với hành vi hành nghề mê tín dị đoan tại khu, điểm du lịch, xử phạt theo quy định tại Nghị định số 31/2001/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2001 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa - thông tin; đối với hành vi chèo kéo, đeo bám, ép khách du lịch mua hàng hóa dịch vụ, xử phạt theo quy định tại Nghị định số 49/CP ngày 15 tháng 8 năm 1996 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự; đối với hành vi lấn chiếm đất đai thuộc quy hoạch của khu, điểm du lịch, xử phạt theo quy định tại Nghị định số 04/CP ngày 10 tháng 01 năm 1997 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai.

Điều 10. Xử phạt vi phạm đối với các hành vi cản trở nhân viên, cơ quan nhà nước thi hành nhiệm vụ kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:

a) Không xuất trình hoặc xuất trình không đầy đủ các giấy tờ có liên quan đến việc kiểm tra, xử lý vi phạm;

b) Không khai báo hoặc khai báo không đúng, không đầy đủ về nội dung liên quan đến việc kiểm tra.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:

a) Cản trở việc kiểm tra, kiểm soát của nhân viên, cơ quan nhà nước đang thi hành công vụ;

b) Cố ý trì hoãn hoặc trốn tránh việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính;

c) Tẩu tán tang vật vi phạm đang bị kiểm tra hoặc tạm giữ;

d) Cố tình vắng mặt để cản trở việc tiến hành kiểm tra của nhân viên, cơ quan nhà nước.

Chương 3:

THẨM QUYỀN, THỦ TỤC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC DU LỊCH

Điều 11. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch của Thanh tra chuyên ngành du lịch

1. Thanh tra viên chuyên ngành du lịch đang thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 200.000 đồng;

c) áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khác quy định tại điểm c khoản 1 Điều 34 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

2. Chánh Thanh tra chuyên ngành du lịch cấp Sở có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 10.000.000 đồng;

c) Thu hồi thẻ hướng dẫn viên du lịch có thời hạn hoặc không có thời hạn;

d) áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khác quy định tại điểm c khoản 2 Điều 34 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

3. Chánh Thanh tra chuyên ngành Tổng cục Du lịch có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 20.000.000 đồng;

c) Thu hồi thẻ hướng dẫn viên du lịch có thời hạn hoặc không có thời hạn;

d) Kiến nghị Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế;

đ) áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khác quy định tại điểm c khoản 3 Điều 34 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Điều 12. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra chuyên ngành du lịch trong các lĩnh vực khác có liên quan

Thanh tra chuyên ngành du lịch có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động du lịch theo pháp luật xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định này.

Điều 13. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp

1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn có quyền áp dụng các hình thức xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 26 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính để xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch.

2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có quyền áp dụng các hình thức xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 27 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính để xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch.

3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có quyền áp dụng các hình thức xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 28 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính để xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch.

Điều 14. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch của cơ quan cảnh sát nhân dân, quản lý thị trường và các cơ quan thanh tra nhà nước chuyên ngành khác

Người có thẩm quyền của các cơ quan cảnh sát nhân dân, quản lý thị trường, các cơ quan thanh tra nhà nước chuyên ngành khác được quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch theo quy định tại Điều 29, Điều 33, Điều 34 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính trong phạm vi thẩm quyền của mình liên quan đến hoạt động du lịch.

Điều 15. Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch

Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch phải tuân theo quy định tại Điều 45, Điều 46, Điều 47, Điều 48, Điều 49, Điều 50, Điều 51, Điều 52, Điều 53, Điều 54, Điều 55 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Điều 16. Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch

Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch áp dụng theo quy định tại Điều 56 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Điều 17. Xử lý vi phạm đối với người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch

Việc xử lý vi phạm đối với người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động du lịch phải tuân theo các quy định tại Điều 91 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Điều 18. Khiếu nại, tố cáo

1. Công dân có quyền tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực du lịch quy định tại Nghị định này hoặc tố cáo những vi phạm của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

2. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

3. Trình tự, thủ tục khiếu nại, tố cáo và thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch được áp dụng theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo ngày 02 tháng 12 năm 1998 và các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo khác có liên quan.

Chương 4:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 19. Hiệu lực của Nghị định

Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 20. Trách nhiệm thi hành Nghị định

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Phan Văn Khải

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 50/2002/NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch

  • Số hiệu: 50/2002/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 25/04/2002
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 25
  • Ngày hiệu lực: 10/05/2002
  • Ngày hết hiệu lực: 05/11/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản