Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 19-CP | Hà Nội, ngày 03 tháng 02 năm 1968 |
NGHỊ ĐỊNH
BAN HÀNH CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI ANH HÙNG, CHIẾN SĨ THI ĐUA
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
Để tỏ lòng quý trọng và chăm sóc của Nhà nước đối với anh hùng và chiến sĩ thi đua, tinh hoa của dân tộc và là lực lượng ưu tú của quần chúng;
Để đẩy mạnh công tác bồi dưỡng anh hùng và chiến sĩ thi đua tạo điều kiện để anh hùng và chiến sĩ thi đua phát huy mạnh mẽ hơn nữa tác dụng đầu tàu, hạt nhân trong phong trào thi đua yêu nước;
Căn cứ vào nghị quyết của Hội nghị thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 11 tháng 01 năm 1968.
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành chính sách đối với anh hùng và chiến sĩ thi đua, kèm theo nghị định này.
Điều 2. Thủ trưởng các ngành ở trung ương và Ủy ban hành chính khu tự trị, tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.
TM. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ |
CHÍNH SÁCH
ĐỐI VỚI ANH HÙNG VÀ CHIẾN SĨ THI ĐUA
(ban hành kèm theo nghị định số 19-CP ngày 03-02-1968 của Hội đồng Chính phủ )
Anh hùng và chiến sĩ thi đua là tinh hoa của dân tộc, là người tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân ta, là lực lượng tiên tiến nhất trong sản xuất, chiến đấu, công tác và là lực lượng quan trọng để đào tạo thành cán bộ ưu tú của Đảng và Nhà nước. Bồi dưỡng anh hùng và chiến sĩ thi đua là yêu cầu cấp thiết không những để đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước chống Mỹ mà còn là để thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng và Nhà nước. Hội đồng Chính phủ đã nhiều lần nhắc nhở các ngành, các cấp phải hết sức chú ý chăm lo bồi dưỡng các anh hùng và chiến sĩ thi đua và đã ban hành một số quy định về vấn đề này.
Để đẩy mạnh việc bồi dưỡng anh hùng và chiến sĩ thi đua và để quán triệt đầy đủ chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ và quản lý anh hùng và chiến sĩ thi đua, Hội đồng Chính phủ quyết định:
1. Về đào tạo, bồi dưỡng.
Đào tạo và bồi dưỡng anh hùng và chiến sĩ thi đua là nhằm mục đích giúp anh chị em phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực cánh sinh, nâng cao không ngừng trình độ về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, hoàn thành tốt nhất mọi nhiệm vụ cấp trên giao cho, luôn luôn dẫn đầu và làm hạt nhân trong phong trào thi đua yêu nước. Do đó, việc bồi dưỡng phải được thực hiện với tinh thần tích cực, khẩn trương và thường xuyên, có kế hoạch và biện pháp cụ thể.
Nội dung bồi dưỡng phải toàn diện, bao gồm mọi mặt: chính trị và tư tưởng, văn hóa, khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ, chủ yếu là bồi dưỡng về chính trị và tư tưởng nhằm không ngừng nâng cao phẩm chất chính trị, trung thành với Đảng, với giai cấp công nhân, với dân tộc, giữ vững đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đồng thời hết sức coi trọng bồi dưỡng trình độ văn hóa, khoa học-kỹ thuật và nghiệp vụ (nhất là đối với anh chị em mà trình độ văn hóa còn thấp) để họ có đủ kiến thức làm việc tốt hơn nữa.
Việc bồi dưỡng có thể làm bằng nhiều hình thức như học tại chức, học ngắn hạn, học dài hạn theo hệ chính quy ở trong và ngoài nước, đi tham quan ở trong và ngoài nước, dự các hội nghị chuyên đề hoặc tổng kết về kỹ thuật và nghiệp vụ, cung cấp sách báo, tài liệu để nghiên cứu v.v…; nhưng chủ yếu và thường xuyên là động viên anh chị em nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh, tổ chức tốt việc tự học, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, tự rèn luyện mình trong thực tế sản xuất, chiến đấu và công tác, biết dựa vào sự giúp đỡ của tập thể mà nâng cao không ngừng trình độ về mọi mặt.
Việc bồi dưỡng phải có kế hoạch cụ thể: yếu về mặt nào thì bồi dưỡng về mặt ấy trước và phải sát với từng loại đối tượng (công nhân, nông dân tập thể, trí thức) thích hợp với từng lứa tuổi và với trình độ khác nhau. Hết sức chú ý đến các anh hùng, chiến sĩ thi đua nữ, miền Nam tập kết và công tác ở miền núi.
Cần chú ý những điểm cụ thể sau đây:
- Thủ trưởng các ngành ở trung ương và Ủy ban hành chính các tỉnh, thành phố, hàng năm (kết hợp với các kỳ sơ kết, tổng kết) cần tổ chức gặp gỡ đông đủ anh hùng và đại biểu các chiến sĩ thi đua để nhắc nhở anh chị em thấy rõ hơn nữa trách nhiệm và vinh dự của mình, động viên anh chị em phấn khởi, hăng hái nêu cao vai trò đầu tàu, gương mẫu, giúp anh chị em nắm vững nhiệm vụ của ngành hoặc địa phương để vận dụng vào thực tế được sáng tạo. Ngoài ra, mỗi khi ngành và địa phương có những nhiệm vụ bất thường và khẩn trương, cần thông báo cho anh chị em rõ tình hình, đặt rõ yêu cầu để anh chị em thông suốt chủ trương, tích cực và gương mẫu cùng với quần chúng thi đua hoàn thành nhiệm vụ.
- Đối với anh hùng và chiến sĩ thi đua mà trình độ văn hóa còn thấp hoặc quá thấp, cần có kế hoạch giúp đỡ tích cực và cụ thể: quy định rõ thời gian nào phải học xong cấp I, thời gian nào phải học xong cấp II; thu xếp cho anh chị em được đi học ở các lớp bổ túc văn hóa tập trung, đi học các lớp chuyên tu hoặc chuyên nghiệp trung cấp, rồi dần dần nâng lên trình độ cao hơn. Thời gian học tập trung về kỹ thuật, nghiệp vụ không nên kéo dài, học xong một chương trình thì trở về sản xuất một thời gian, sau đó lại đi học tiếp.
- Đối với anh chị em mà khả năng có thể phát triển nhanh hoặc tuổi đời còn trẻ thì nên cho theo học các lớp dài hạn tập trung.
- Đối với các anh hùng và chiến sĩ thi đua đang thí nghiệm cải tiến công cụ, cải tiến kỹ thuật hoặc đang nghiên cứu những đề tài khoa học-kỹ thuật thì cơ sở cần giúp đỡ kịp thời và thiết thực, chú ý cung cấp tài liệu, phương tiện thí nghiệm, cử cán bộ có trình độ khá về kỹ thuật, chuyên môn và có kinh nghiệp giúp đỡ v.v… Nếu xét thấy dự án đó có giá trị phổ biến rộng rãi thì cơ sở cần báo cáo kịp thời lên cơ quan khoa học, kỹ thuật cấp trên để có sự giúp đỡ thêm.
2. Về sử dụng, đề bạt.
Trong việc sử dụng, cần bố trí anh chị em vào những vị trí sát nhất với thực tế sản xuất, công tác và chiến đấu. Nếu anh chị em được giao những nhiệm vụ khó khăn, mới mẻ thì sự bồi dưỡng, giúp đỡ càng phải tích cực hơn để anh chị em có đủ khả năng vươn lên, phát huy tác dụng của mình. Cần hết sức tránh giao một lúc quá nhiều công tác, quá nhiều chức vụ, sinh ra tình trạng anh chị em đó phải hội họp liên miên, xa rời cơ sở hoặc bố trí vào những công tác trái nghề, không hợp với sở trường của anh chị em. Trong trường hợp cần bố trí anh chị em vào cương vị lãnh đạo thì phải nghiên cứu kỹ trình độ, khả năng để sắp xếp cho phù hợp với khả năng thực tế.
Trong việc đề bạt, cần chú ý nhiều đến anh chị em trực tiếp sản xuất và chiến đấu. Cần mạnh dạn đề bạt các anh hùng và chiến sĩ thi đua (nhất là những chiến sĩ thi đua xuất sắc hoặc được bầu liên tục nhiều năm) vào giữ những cương vị chủ chốt trong sản xuất, công tác và chiến đấu, có sự chú ý thích đáng đến phụ nữ. Việc đề bạt cũng là biện pháp bồi dưỡng, sau khi đã đề bạt càng phải chú ý tiếp tục bồi dưỡng để anh chị em làm việc được tốt.
3. Về chế độ đãi ngộ.
Anh hùng và chiến sĩ thi đua ở những cương vị công tác khác nhau, đã có chế độ và tiêu chuẩn đãi ngộ khác nhau. Chế độ đãi ngộ quy định dưới đây có dành mức ưu tiên cho anh hùng và chiến sĩ thi đua nhưng không làm cho anh hùng, chiến sĩ thi đua tách biệt với anh chị em cùng cương vị sản xuất hoặc công tác với mình mà chỉ nhằm giúp đỡ anh chị em có thêm điều kiện thuận lợi trong khi được cử đi học hoặc trong khi gặp những khó khăn bất thường. Việc chăm lo đến đời sống của các anh hùng và chiến sĩ thi đua một cách toàn diện và thường xuyên, chủ yếu là trách nhiệm của cơ sở trực tiếp quản lý anh hùng và chiến sĩ thi đua, đồng thời cũng là trách nhiệm của bản thân anh chị em.
a) Khi được cử đi học ở các trường:
Anh hùng được cử đi học ở các trường tập trung, nếu có lương được hưởng 100% tiền lương. Chiến sĩ thi đua liên tục từ 2 năm trở lên trước năm được cử đi học, nếu có lương và do đi học mà mức lương giảm xuống dưới 95% thì nay được hưởng 95% tiền lương. Anh hùng thuộc khu vực tập thể và chiến sĩ thi đua, cũng với điều kiện liên tục từ 2 năm trở lên trước năm được cử đi học, thuộc khu vực kinh tế tập thể được hưởng mọi chế độ như cán bộ chủ chốt xã. Chế độ này được áp dụng cả trong trường hợp anh chị em được cử đi báo cáo thành tích và kinh nghiệm thi đua.
b) Về bảo vệ sức khỏe:
Chiến sĩ thi đua liên tục từ 2 năm trở lên không phân biệt là người ở khu vực kinh tế Nhà nước hoặc kinh tế tập thể hàng năm được kiểm tra sức khỏe toàn diện do cơ quan y tế cơ sở phối hợp với cơ quan y tế cấp trên thực hiện. Khi cần nằm điều trị, được ưu tiên thu nhận vào bệnh viện. Nếu là người ở khu vực kinh tế tập thể thì khi nằm điều trị còn được hưởng chế độ đãi ngộ của cán bộ chủ chốt xã.
Các anh hùng, không phân biệt là người ở khu vực kinh tế Nhà nước hoặc kinh tế tập thể, được hưởng chế độ nghỉ ngơi, bồi dưỡng, kiểm tra sức khỏe và điều trị khi ốm đau như đối với cán bộ trung-cao cấp. Trường hợp bệnh tật vượt quá khả năng cứu chữa của bệnh viện địa phương thì được chuyển lên bệnh viện hữu nghị Việt-Xô. Khi có điều kiện thực hiện việc nghỉ mát thì cơ sở cố gắng thu xếp công việc để anh chị em được đi nghỉ được đầy đủ, bảo đảm sức khỏe làm việc lâu dài.
c) Về trợ cấp khó khăn:
Anh hùng và chiến sĩ thi đua là những người lao động giỏi, có năng suất lao động và hiệu suất công tác cao, có khả năng tổ chức đời sống tốt, lại có sự săn sóc của tập thể nên, nói chung, đời sống của bản thân và gia đình được ổn định. Nhưng cũng có những gia đình anh hùng và chiến sĩ thi đua do đông con, điều kiện sức khỏe kém, bản thân lại quá bận về sản xuất và công tác v.v… nên đời sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Trong trường hợp này, cơ sở và địa phương cần hết sức quan tâm giúp đỡ bằng mọi cách: Thu xếp cho những người trong gia đình có công ăn, việc làm thích hợp; giúp đỡ con cái được học hành, khoẻ mạnh; khéo điều hòa lương thực bảo đảm mức ăn bằng mức của lao động tích cực ở địa phương v.v…
Riêng mức trợ cấp khó khăn bằng tiền mặt, được quy định như sau:
- Chiến sỹ thi đua được ưu tiên xét trợ cấp theo quy định chung. Nếu là chiến sỹ thi đua thuộc khu vực kinh tế tập thể thì được xét trợ cấp như đối với cán bộ chủ chốt xã.
- Anh hùng, không phân biệt là anh hùng ở khu vực kinh tế Nhà nước hay kinh tế tập thể, được xét trợ cấp như đối với cán bộ trung-cao cấp. Nếu anh hùng đã là cán bộ cao cấp thì được xét trợ cấp ưu tiên hơn.
Đối với anh hùng đã chết, nếu gia đình gặp khó khăn về đời sống thì cũng được hưởng sự giúp đỡ theo quy định trên đây. Anh hùng là liệt sĩ thì đối với gia đình càng cần có sự giúp đỡ ân cần và thường xuyên của cơ sở và việc trợ cấp cũng được xét ưu tiên hơn.
Các anh hùng thuộc khu vực kinh tế tập thể khi già yếu được thôi công tác, sản xuất còn được hưởng chế độ đãi ngộ như đối với các đồng chí bí thư, phó bí thư, thường trực đảng ủy xã (hoặc chi ủy nơi chưa có đảng ủy), Chủ tịch Ủy ban hành chính xã đến tuổi già yếu theo các điều quy định hiện hành của Nhà nước.
Trường hợp các anh hùng gặp khó khăn về nhà cửa (nhà quá chật hẹp hoặc thiếu vật liệu xây cất…) và có những nhu cầu rất cần thiết về mặt sinh hoạt thì cơ quan có trách nhiệm ở địa phương căn cứ vào khả năng cụ thể, cần hết sức cố gắng ưu tiên giải quyết cho anh chị em, chú ý thích đáng đến các anh hùng nữ; công tác ở miền núi, ở vùng chiến sự ác liệt, miền Nam tập kết và già yếu.
4. Công tác quản lý anh hùng và chiến sĩ thi đua.
Trong công tác quản lý anh hùng và chiến sĩ thi đua, không những cần phải nắm chắc lý lịch mà còn phải nắm chắc tác dụng, trình độ, tư tưởng và đời sống.
Việc quản lý toàn diện và trực tiếp các anh hùng và chiến sĩ thi đua trước hết là trách nhiệm của các cơ sở có anh hùng và chiến sĩ thi đua. Các cơ sở phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết sức chăm lo bồi dưỡng các anh hùng và chiến sĩ thi đua và chịu trách nhiệm trước Đảng và Nhà nước về công tác này.
Trách nhiệm quản lý các anh hùng và chiến sĩ thi đua của các ngành, các cấp được quy định như sau:
- Ban thi đua trung ương có nhiệm vụ giúp Trung ương Đảng và Chính phủ: nghiên cứu đặt các danh hiệu và tiêu chuẩn thi đua, xét tuyển lựa các anh hùng, nghiên cứu các chính sách đối với anh hùng, chiến sĩ thi đua; theo dõi và chỉ đạo việc thi hành chính sách đối với anh hùng và chiến sĩ thi đua, nắm danh sách và hoạt động của các anh hùng.
- Bộ Quốc phòng và Bộ Công an chịu trách nhiệm quản lý mọi mặt các anh hùng, nắm danh sách và hoạt động của các chiến sĩ thi đua thuộc các lực lượng vũ trang nhân dân, hướng dẫn thi hành cụ thể chính sách này trong các lực lượng vũ trang nhân dân. Riêng đối với anh hùng và chiến sĩ thi đua là dân quân, tự vệ và công an xã thì các Bộ nói trên chịu trách nhiệm chủ yếu về mặt bồi dưỡng, nâng cao trình độ.
- Các Bộ và Tổng cục chịu trách nhiệm quản lý mọi mặt các anh hùng, nắm danh sách và hoạt động của các chiến sĩ thi đua thuộc các cơ sở do trung ương trực tiếp quản lý và bảo đảm việc thi hành chính sách này trong phạm vi phụ trách, đồng thời phối hợp với Ủy ban hành chính địa phương tổ chức tốt việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ, kỹ thuật cho các anh hùng và chiến sĩ thi đua thuộc ngành mình ở các địa phương.
- Ủy ban hành chính tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm quản lý mọi mặt các anh hùng, nắm danh sách và hoạt động của các chiến sĩ thi đua do địa phương trực tiếp quản lý và bảo đảm việc thi hành chính sách này trong phạm vi quản lý, kể cả dân quân, tự vệ và công an xã, đồng thời có trách nhiệm theo dõi hoạt động của các anh hùng và chiến sĩ thi đua ở các cơ sở do trung ương quản lý đóng ở địa phương mình.
Các đoàn thể nhân dân (công đoàn, thanh niên, phụ nữ) cần phối hợp với các ngành và các địa phương; phát hiện kịp thời những điển hình mới của phong trào thi đua, qua đó mà tuyển lựa anh hùng, chiến sĩ thi đua; tổ chức tốt việc quản lý các anh hùng và chiến sĩ thi đua; chăm lo việc giáo dục, động viên và đời sống của anh hùng và chiến sĩ thi đua; đồng thời theo dõi, giúp đỡ các ngành và các địa phương chấp hành tốt chính sách này.
Hội đồng Chính phủ giao cho Ban thi đua trung ương và các ngành liên quan trách nhiệm tổ chức việc phổ biến, giải thích và hướng dẫn thi hành chính sách này.
Nghị định 19-CP năm 1968 về chính sách đối với anh hùng, chiến sĩ thi đua do Hội đồng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 19-CP
- Loại văn bản: Nghị định
- Ngày ban hành: 03/02/1968
- Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
- Người ký: Lê Thanh Nghị
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 3
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra