Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 34-TTg | Hà Nội, ngày 11 tháng 03 năm 1970 |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Để động viên, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước, Đảng và Nhà nước ta đã bốn lần mở Đại hội anh hùng và chiến sĩ thi đua. Qua bốn kỳ Đại hội này và hai lần tuyên dương anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Nhà nước đã tuyên dương 85 đơn vị anh hùng và 289 anh hùng. Đây là đội ngũ những tập thể và cá nhân lập được những thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu và công tác, có đạo đức cách mạng, được đông đảo quần chúng tin yêu và học tập. Những tập thể và cá nhân đó đã nêu cao vai trò nòng cốt thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước tiến lên không ngừng. Từ thực tiễn đó của phong trào thi đua yêu nước và căn cứ vào điều 53 của Hiến pháp nước ta, Hội đồng Chính phủ đã đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành pháp lệnh đặt các danh hiệu vinh dự Nhà nước: Anh hùng lao động và Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ngày 15-01-1970, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua pháp lệnh này và ngày 27-01-1970, Chủ tịch nước đã ký lệnh công bố.
Sự kiện này đánh dấu bước tiến bộ mới của phong trào thi đua, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với công lao to lớn của nhân dân và của các lực lượng vũ trang nhân dân mà anh hùng là những người tiêu biểu trong sự nghiệp đấu tranh cho độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, góp phần động viên nhân dân và các lực lượng vũ trang nhân dân ta phát huy mạnh mẽ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, ra sức lao động sản xuất nhằm xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Về nội dung bản pháp lệnh, Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn một số điểm sau đây:
1. Về danh hiệu và đối tượng tặng danh hiệu anh hùng
Pháp lệnh này quy định hai danh hiệu sau đây là danh hiệu vinh dự Nhà nước:
- Anh hùng lao động
- Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân
Anh hùng lao động là danh hiệu lâu nay vẫn dùng, nay giữ nguyên. Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân là danh hiệu thay thế danh hiệu anh hùng quân đội cho phù hợp với những đối tượng khác nhau trong lực lượng vũ trang nhân dân. Những tập thể và cá nhân trước đây được tuyên dương là anh hùng quân đội nay thống nhất gọi là anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Đối tượng tặng danh hiệu Anh hùng lao động:
a) Những đơn vị sản xuất hoặc công tác như: nhà máy, công trường, nông trường, lâm trường, đoàn xe, đoàn tầu, đội cầu, đội phà, đoàn địa chất, hợp tác xã, bệnh viện, cửa hàng, trường học, cơ quan v .v…
Cũng có thể là nhà máy liên hợp hoặc công ty bao gồm nhiều đơn vị sản xuất khác nhau. Cũng có thể là những bộ phận nhỏ của những đơn vị sản xuất hoặc công tác đã nói ở trên như : tổ, đội sản xuất hoặc công tác, phân xưởng hoặc tổ chức tương đương.
b) Những công dân của nước Việt-nam dân chủ cộng hòa bất kỳ làm việc ở một ngành nào hoặc một lĩnh vực nào bao gồm: công nhân, xã viên, cán bộ, nhân viên, viên chức, kể cả cán bộ và công nhân trong các xí nghiệp quốc phòng và những người làm công tác văn học, nghệ thật.
Những người đã về hưu hoặc dưỡng lão…, nếu có đủ điều kiện cũng được xét.
Đối tượng tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân:
a) Nói chung, tất cả các đơn vị và cá nhân trong lực lượng vũ trang nhân dân, bất kỳ công tác ở ngành nào, nếu có thành tích xứng đáng đều xét tuyên dương anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Cụ thể là:
- Các đơn vị trong Quân đội nhân dân gồm cả ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân, tự vệ.
- Các đơn vị trong công an nhân dân bao gồm công an nhân dân vũ trang, cảnh sát nhân dân và các lực lượng công an xã, xóm,bảo vệ xí nghiệp, cơ quan, dân phố.
- Cán bộ và chiến sĩ trong bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương.
- Cán bộ và chiến sĩ trong công an nhân dân vũ trang và cảnh sát nhân dân.
- Đối với cán bộ và chiến sĩ dân quân, tự vệ và công an xã, xóm, bảo vệ xí nghiệp, cơ quan, dân phố thì tùy theo thành tích của họ mà xét tặng danh hiệu anh hùng lao động hoặc anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
- Những công dân khác gồm: những người không có trong lực lượng vũ trang nhân dân, nếu có đủ điều kiện như đã quy định trong điều 3, cũng được xét tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Những đối tượng của cả hai loại danh hiệu nói trên bao gồm cả những người còn sống hoặc đã hy sinh.
Những ngoại kiều làm ăn sinh sống trên đất nước ta (ví dụ: các Hoa kiều), nếu có đủ điều kiện quy định, cũng được xét.
Riêng đối với các địa phương. Từ xã trở lên cho đến huyện, tỉnh, khu, thì tùy theo thành tích chủ yếu của địa phương đó là lao động sản xuất hay chiến đấu và phục vụ chiến đấu mà xét tặng là đơn vị anh hùng lao động hay đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Tiêu chuẩn anh hùng ghi trong pháp lệnh là một thể thống nhất, gồm nhiều yêu cầu có liên quan mật thiết đến nhau. Có thể phân ra hai yêu cầu lớn:
Yêu cầu về đạo đức cách mạng:
- Đặc trưng chủ yếu nhất của đạo đức cách mạng là lòng trung thành với Tổ quốc, với chế độ xã hội chủ nghĩa thể hiện ở tinh thần nghiêm chỉnh thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, hy sinh quên mình cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, của giai cấp.
- Có ý thức làm chủ tập thể, ý thức tổ chức và kỷ luật, tinh thần cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, tác phong khiêm tốn, giản dị.
- Có tinh thần đoàn kết: nếu là một tập thể thì nội bộ đoàn kết nhất trí. Nếu là cá nhân thì người đó phải là hạt nhân xây dựng sự đoàn kết nhất trí trong tập thể của họ, tùy theo cương vị người đó.
Yêu cầu về thành tích:
Yêu cầu về thành tích của anh hùng là phải đạt mức đặc biệt xuất sắc, có nghĩa là thành tích đó phải đạt mức cao, tiêu biểu cho thành tích thi đua yêu nướccủa nhân dân ta trong một thời kỳ lịch sử nhất định.
Đơn vị anh hùng lao động hoặc người anh hùng lao động phải là tập thể hoặc người lao động giỏi, nắm vững kỹ thuật sản xuất, có tinh thần lao động quên mình, vượt qua được mọi khó khăn, có sáng kiến và kinh nghiệm có giá trị về khoa học, kỹ thuật, hoặc được áp dụng rộng rãi đem lại nhiều hiệu quả kinh tế, chấp hành nghiêm chỉnh và sáng tạo các chế độ, chính sách về quản lý sản xuất, quản lý kinh tế của Đảng và Nhà nước, nhờ đó mà đạt năng suất lao động hoặc hiệu suất công tác cao, tiêu biểu cho thành tích thi đua yêu nước của nhân dân ta.
Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân hoặc người anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân phải là tập thể hoặc người chiến đấu dũng cảm, có tinh thần hy sinh quên mình, vượt qua mọi gian khổ, khó khăn, vận dụng chiến thuật và kỹ thuật một cách mưu trí và linh hoạt, chấp hành nghiêm chỉnh chỉ thị và mệnh lệnh của cấp trên, hiệp đồng tốt với đồng đội và đơn vị bạn, đạt hiệu suất chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu cao, tiêu biểu cho thành tích thi đua yêu nước của lực lượng vũ trang nhân dân ta.
Các ngành và các địa phương, dựa vào nội dung giải thích có tính chất hướng dẫn trên đây, cụ thể hóa hơn nữa cho sát hợp với ngành và địa phương mình.
3. Về hình thức thưởng anh hùng
Anh hùng là những tập thể và người có công lao lớn cần được hưởng ở mức cao. Trong kỳ Đại hội anh hùng và chiến sỹ thi đua năm 1962, các anh hùng đều nhất loạt được thưởng huân chương Lao động hạng nhất và huy chương anh hùng. Việc thưởng huân chương ở mức cao cho anh hùng là hợp lý nhưng nhất loạt ai cũng được thưởng huân chương khi được tuyên dương anh hùng thì có trường hợp thưởng trùng. Vì có một số người đã được thưởng quân chương rồi, nay được tuyên dương anh hùng chủ yếu cũng vì thành tích đó lại được thưởng huân chương một lần nữa.
Pháp lệnh này quy định: mỗi đơn vị, mỗi người khi được tuyên dương anh hùng được cấp một huy chương anh hùng (huy chương anh hùng lao động hoặc huy chương anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân), đó là phần thưởng cao quý khi được tuyên dương anh hùng. Còn việc thưởng huân chương sẽ tiến hành như thường lệ, ai có thành tích xứng đáng thì sẽ xét thưởng huân chương ngay. Khi tuyên dương anh hùng, chỉ thưởng xét huân chương cho anh hùng nào chưa được thưởng huân chương.
Huy chương anh hùng đeo ở phía trái ngực, trên chỗ đeo huân chương. Nếu là đơn vị anh hùng thì huy chương đó sẽ gắn vào lá cờ. Hình dáng và kích thước lá cờ này như sau:
Cờ đỏ tua vàng xung quanh.
Trên cờ thêu ngôi sao vàng năm cánh và hai dòng chữ. Dòng chữ trên thêu danh hiệu:
Đơn vị anh hùng lao động:
(hoặc đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân)
Dòng chữ dưới thêu tên đơn vị đó
Ví dụ : Hợp tác xã Vĩnh-kim
hoặc: Phân xưởng nhiệt điện, nhà máy điện Hàm-rồng.
Kích thước cỡ: 1m00 x x0m80
4. Về việc tuyên dương anh hùng nhiều lần và tước danh hiệu anh hùng
Đơn vị anh hùng và người anh hùng phải là những đầu tầu xuất sắc của phong trào thi đua. Do đó, họ có trách nhiệm thường xuyên chăm lo rèn luyện đạo đức cách mạng, phát triển tài năng, cần cù và khiêm tốn, ra sức học tập để nâng cao trình độ về mọi mặt và tiến bộ không ngừng. Để khuyến khích anh hùng vươn lên mãi, pháp lệnh quy định chế độ tuyên dương anh hùng nhiều lần (lần thứ hai, lần thứ ba v .v… ) cho những tập thể và cá nhân đã được tuyên dương anh hùng rồi mà nay lại lập được thành tích mới đặc biệt xuất sắc. Mỗi lần được tuyên dương anh hùng đều được thưởng một huy chương anh hùng mới. Nếu là đơn vị anh hùng thì ngoài việc được thưởng huy chương anh hùng mới còn được Chính phủ tặng một lá cờ mới. Ngược lại nhữngtập thể và cá nhân đã tuyên dương anh hùng rồi mà sau đó phạm khuyết điểm, sai lầm nghiêm trọng, không xứng đáng với danh hiệu vinh dựđónữa thìỦyban thườngvụQuốc hội sẽ xét và quyếtđịnh tước anh hùng, Chính phủ sẽ thu hồi huy chương anh hùng, và cả cờ nếu là đơn vị anh hùng. Mức sai lầm, khuyết điểm nghiêm trọng nói ở đây chỉ mức độ cố tình vi phạm đạo đức cách mạng một cách nặng nề, liên tục, có hệ thống, gây nhiều tác hại trong sản xuất và công tác, làm hại đến thanh danh anh hùng, bị đông đảo quần chúng đề nghị tước danh hiệu anh hùng của họ. Những trường hợp này cần phải xét thận trọng.
Những anh hùng phát huy được tác dụng tốt trong sản xuất, công tác, nhưng lại phạm khuyết điểm, sai lầm nghiêm trọng về đạo đức cách mạng thì cần hết sức giáo dục, thuyết phục để họ sửa chữa khuyết điểm, lập công mới, tạo điều kiện cho họ tiếp tục vươn lên.
Việc đề nghị tước danh hiệu anh hùng là quyền hạn của chính quyền các cấp, cao nhất là Hội đồng Chính phủ; cũng có thể do Tòa án nhân dân đề nghị, nếu anh hùng là người phạm pháp bị bắt quả tang hoặc đã bị kết án. Ngoài ra, bất kỳ người công dân nào khác cũng có quyền đề nghị nếu xét thấy anh hùng đó không xứng đáng. Cơ quan nào nhận được ý kiến đề nghị này thì phải tổ chức kiểm tra ngay.
Những anh hùng chưa lập được thành tích đặc biệt xuất sắc mới thì tất nhiên không xét tuyên dương anh hùng lần nữa nhưng họ vẫn là anh hùng, vẫn được hưởng mọi chế độ đãi ngộ đối với anh hùng.
Đi đôi với trách nhiệm tự bồi dưỡng của các anh hùng là trách nhiệm của các cấp chính quyền và đoàn thể đối với việc bồi dưỡng anh hùng: Về mặt này, nhiều ngành, nhiều cấp còn có thiết sót, chấp hành chưa đầy đủ chính sách của Chính phủ đối với anh hùng và chiến sĩ thi đua (nghị định số 19-CP ngày 03-02-1968). Các cấp chính quyền và đoàn thể cần nhân dịp này kiểm điểm lại việc bồi dưỡng anh hùng, rút ra những kinh nghiệm cần thiết để góp phần cổ vũ anh hùng và chiến sĩ thi đua cố gắng vươn lên lập thành tích mới.
Trên đây là ý nghĩa việc ban hành pháp lệnh và nội dung một số điểm cần hướng dẫn, yêu cần Thủ trưởng các ngành ở trung ương, Chủ tịch Ủy ban hành chính các cấp địa phương có kế hoạch phổ biến tới các cơ sở để góp phần tăng cường động viên phong trào thi đua lao động sản xuất hiện nay và tích cực chuẩn bị cho Đại hội anh hùng và chiến sĩ thi đua lần thứ V.
KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
- 1Nghị định 19-CP năm 1968 về chính sách đối với anh hùng, chiến sĩ thi đua do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 2Pháp lệnh về việc đặt các danh hiệu vinh dự Nhà nước: Anh hùng lao động và Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1970
- 3Nghị quyết số 670A/NQ/HĐNN7 về việc bổ sung vào Điều 3 của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước do Hội đồng nhà nước ban hành
- 4Lệnh tặng danh hiệu anh hùng lao động cho đồng chí Phạm Tuân, nhà du hành – nghiên cứu vũ trụ năm 1980
- 1Nghị định 19-CP năm 1968 về chính sách đối với anh hùng, chiến sĩ thi đua do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 2Pháp lệnh về việc đặt các danh hiệu vinh dự Nhà nước: Anh hùng lao động và Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1970
- 3Nghị quyết số 670A/NQ/HĐNN7 về việc bổ sung vào Điều 3 của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước do Hội đồng nhà nước ban hành
- 4Lệnh tặng danh hiệu anh hùng lao động cho đồng chí Phạm Tuân, nhà du hành – nghiên cứu vũ trụ năm 1980
Thông tư 34-TTg-1970 hướng dẫn thi hành Pháp lệnh đặt các danh hiệu vinh dự Nhà nước: Anh hùng lao động và Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 34-TTg
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 11/03/1970
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Lê Thanh Nghị
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 6
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra