Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 148/2021/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2021

NGHỊ ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NGUỒN THU TỪ CHUYỂN ĐỔI SỞ HỮU DOANH NGHIỆP, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP, NGUỒN THU TỪ CHUYỂN NHƯỢNG VỐN NHÀ NƯỚC VÀ CHÊNH LỆCH VỐN CHỦ SỞ HỮU LỚN HƠN VỐN ĐIỀU LỆ TẠI DOANH NGHIỆP

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Quản lý thuế ngày 13 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, nguồn thu từ chuyển nhượng vốn nhà nước và chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ tại doanh nghiệp.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định các nội dung sau:

1. Việc quản lý các nguồn thu, gồm:

a) Thu từ cổ phần hóa và các hình thức sắp xếp, chuyển đổi sở hữu khác của doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (doanh nghiệp cấp 1), cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây gọi là nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập).

b) Thu từ chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, thu chuyển nhượng quyền mua cổ phần phát hành thêm đối với phần vốn nhà nước và quyền góp vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

c) Thu chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ tại doanh nghiệp cấp 1 đang hoạt động,

d) Thu từ chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (sau đây gọi là SCIC) thực hiện chuyển nhượng vốn để nộp về ngân sách nhà nước.

2. Các khoản chi từ ngân sách nhà nước để xử lý, hỗ trợ kinh phí khi thực hiện chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, chuyển nhượng vốn nhà nước tại doanh nghiệp và chi đầu tư phát triển quy định tại Nghị định này.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các đối tượng áp dụng Nghị định này bao gồm:

a) Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan đại diện chủ sở hữu (sau đây gọi là Cơ quan đại diện chủ sở hữu trung ương); Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh).

b) Doanh nghiệp cấp 1:

- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là Công ty mẹ của Tập đoàn kinh tế, Công ty mẹ của Tổng công ty nhà nước (bao gồm cả ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ), Công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con.

- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

c) Doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước là các công ty cổ phần (bao gồm cả ngân hàng thương mại cổ phần, công ty cổ phần hình thành từ cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập), công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

d) Người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên (sau đây gọi là người đại diện phần vốn nhà nước).

đ) Đơn vị sự nghiệp công lập chuyển thành công ty cổ phần theo quy định của Chính phủ.

e) Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp và chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập.

2. Các đơn vị không thuộc đối tượng quản lý thu, chi từ ngân sách nhà nước theo quy định tại Chương II Nghị định này gồm:

a) Các Ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mua lại bắt buộc theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.

b) Các doanh nghiệp do SCIC tiếp nhận từ các cơ quan đại diện chủ sở hữu để thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước theo quy định của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của SCIC.

c) Các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập do các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp làm chủ sở hữu.

Điều 3. Nguyên tắc quản lý, sử dụng nguồn thu

1. Các khoản thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, chuyển nhượng vốn nhà nước, chuyển nhượng quyền mua cổ phần, quyền góp vốn và chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ tại doanh nghiệp sau khi trừ các khoản chi phí liên quan đến chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, chi phí chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng quyền mua cổ phần, quyền góp vốn phải nộp đầy đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.

Khoản thu từ doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc trung ương nộp vào ngân sách trung ương; khoản thu từ doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc địa phương nộp vào ngân sách địa phương. Cơ quan thuế thực hiện thu theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về quản lý thuế và quy định tại Nghị định này.

2. Thực hiện cân đối các khoản thu quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định này trong dự toán ngân sách để chi đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và chi đầu tư cho các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng của quốc gia, địa phương theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định này.

3. Các khoản chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển quy định tại Nghị định này do ngân sách trung ương, ngân sách địa phương đảm bảo đối với các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc trung ương và địa phương theo quy định phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1. DOANH NGHIỆP, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP THUỘC TRUNG ƯƠNG VÀ ĐỊA PHƯƠNG

Điều 4. Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc trung ương

1. Doanh nghiệp cấp 1 và các doanh nghiệp có vốn nhà nước do Cơ quan đại diện chủ sở hữu trung ương thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu.

2. Các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc:

a) Cơ quan đại diện chủ sở hữu trung ương và các đơn vị thuộc Cơ quan đại diện chủ sở hữu trung ương,

b) Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

c) Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Cơ quan đại diện chủ sở hữu trung ương, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

d) Doanh nghiệp cấp 1 do Cơ quan đại diện chủ sở hữu trung ương thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu.

Điều 5. Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc địa phương

1. Doanh nghiệp cấp 1 và các doanh nghiệp có vốn nhà nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu.

2. Các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc:

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

b) Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp huyện) thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

c) Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

d) Doanh nghiệp cấp 1 do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu.

Mục 2. CÁC KHOẢN THU, CHI CỦA NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Điều 6. Các khoản thu và thủ tục thu, nộp

1. Các khoản thu:

a) Thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp cấp 1, đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập.

b) Thu từ các hình thức sắp xếp, chuyển đổi sở hữu khác của doanh nghiệp cấp 1 theo quy định của pháp luật đối với các hình thức sắp xếp, chuyển đổi sở hữu khác.

c) Thu từ chuyển nhượng vốn nhà nước, chuyển nhượng quyền mua cổ phần, phát hành thêm và quyền góp vốn tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.

d) Thu phần chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ của doanh nghiệp cấp 1 đang hoạt động theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.

2. Bộ Tài chính hướng dẫn khai, nộp ngân sách nhà nước các khoản thu quy định tại khoản 1 Điều này, trong đó:

a) Đối tượng khai, nộp, thời gian nộp về ngân sách nhà nước căn cứ quy định của pháp luật về chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.

b) Việc khai nộp ngân sách nhà nước thực hiện theo từng lần phát sinh số phải nộp ngân sách theo quy định của pháp luật về chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.

c) Danh mục tờ khai tại Phụ lục I kèm theo Nghị định này. Đơn vị kê khai gửi kèm theo tờ khai các tài liệu xác định các khoản phải nộp.

Điều 7. Các khoản chi và thủ tục chi

1. Các khoản chi thường xuyên, gồm:

a) Hỗ trợ phần kinh phí còn thiếu đối với chi phí xử lý lao động dôi dư, tinh giản biên chế, chi phí liên quan đến cổ phần hóa và các hình thức sắp xếp, chuyển đổi sở hữu khác thuộc trách nhiệm chi của Nhà nước tại các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa và các hình thức sắp xếp, chuyển đổi sở hữu khác.

b) Bù đắp phần kinh phí còn thiếu đối với chi phí chuyển nhượng vốn nhà nước, chuyển nhượng quyền mua cổ phần phát hành thêm và quyền góp vốn nhà nước tại các doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.

c) Xử lý chênh lệch giữa số doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập đã nộp cao hơn so với số tiền phải nộp theo quyết toán của cơ quan đại diện chủ sở hữu theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa, chuyển nhượng vốn nhà nước và các hình thức sắp xếp, chuyển đổi sở hữu khác.

2. Các khoản chi đầu tư phát triển, gồm:

a) Đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp theo quy định tại các Điều 10, 13, 16 và 19 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

b) Các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công.

3. Bộ Tài chính hướng dẫn chi ngân sách nhà nước đối với các khoản chi theo quy định tại Điều này, trong đó việc thanh toán chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước thực hiện theo Phụ lục II kèm theo Nghị định này.

Mục 3. LẬP DỰ TOÁN

Điều 8. Quy trình lập, quyết định dự toán ngân sách

1. Việc lập, tổng hợp, quyết định dự toán ngân sách thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn và hướng dẫn cụ thể tại Điều 9, Điều 10 Nghị định này.

2. Cơ quan đại diện chủ sở hữu trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ quy định tại Nghị định này để xác định số dự toán thu, chi theo từng đối tượng (doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập), tổng hợp gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

3. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cơ quan đại diện chủ sở hữu trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh rà soát số dự toán thu, chi để cân đối, đưa vào dự toán ngân sách nhà nước hằng năm báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước.

4. Căn cứ vào nhiệm vụ thu ngân sách được giao và tình hình thực tế tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định dự toán thu, chi theo quy định.

Điều 9. Lập dự toán thu

1. Thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và các hình thức sắp xếp chuyển đổi sở hữu khác của doanh nghiệp:

Căn cứ tiêu chí phân loại doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập; danh mục, phương án cổ phần hóa của doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và phương án sắp xếp, chuyển đổi sở hữu được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Cơ quan đại diện chủ sở hữu trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định số dự toán thu và tổng hợp vào dự toán thu ngân sách theo phân cấp; gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước.

2. Thu từ chuyển nhượng vốn nhà nước, chuyển nhượng quyền mua cổ phần phát hành thêm và quyền góp vốn tại doanh nghiệp:

Căn cứ danh mục, phương án chuyển nhượng vốn nhà nước, phương án chuyển nhượng quyền mua cổ phần phát hành thêm và quyền góp vốn tại doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Cơ quan đại diện chủ sở hữu trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định số dự toán thu và tổng hợp vào dự toán thu ngân sách theo phân cấp; gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước.

3. Thu chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ tại doanh nghiệp cấp 1 đang hoạt động:

Căn cứ quyết định của cơ quan đại diện chủ sở hữu về thu phần chênh lệch vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, Cơ quan đại diện chủ sở hữu trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định số dự toán/dự kiến thu và tổng hợp vào dự toán thu ngân sách theo phân cấp; gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước.

Điều 10. Lập dự toán chi

1. Chi thường xuyên:

a) Căn cứ phương án đã được phê duyệt, quyết toán của cơ quan có thẩm quyền về kinh phí xử lý lao động dôi dư, tinh giản biên chế, các khoản chi liên quan đến chuyển đổi sở hữu và thực tế số tiền đã nộp, Cơ quan đại diện chủ sở hữu trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định số tiền ngân sách nhà nước chi hỗ trợ, bù đắp số tiền còn thiếu để xử lý lao động dôi dư, tinh giản biên chế, chi liên quan đến chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, chi phần chênh lệch giữa số doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập nộp cao hơn so với số phải nộp, tổng hợp vào dự toán chi ngân sách theo phân cấp; gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước.

b) Căn cứ kết quả chuyển nhượng vốn nhà nước, chuyển nhượng quyền mua cổ phần, vốn góp tại doanh nghiệp được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và số tiền đã nộp ngân sách nhà nước, Cơ quan đại diện chủ sở hữu trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định số tiền được bù đắp trong trường hợp số tiền thu từ chuyển nhượng vốn không đủ bù đắp chi phí chuyển nhượng vốn và tổng hợp vào dự toán chi ngân sách theo phân cấp; gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước.

c) Quy trình lập dự toán, tổ chức thực hiện, phương thức thực hiện đối với các nội dung chi thường xuyên thực hiện theo Phụ lục III Nghị định này.

2. Chi đầu tư phát triển:

a) Căn cứ quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Cơ quan đại diện chủ sở hữu trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định số vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 7 Nghị định này tổng hợp vào dự toán chi ngân sách đầu tư phát triển theo phân cấp; gửi Bộ Tài chính tổng hợp nhu cầu ngân sách nhà nước chi đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp để thông báo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp chung dự toán chi đầu tư phát triển của ngân sách nhà nước.

b) Căn cứ quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về đầu tư công, Cơ quan đại diện chủ sở hữu trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh dự toán chi đầu tư phát triển trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; kế hoạch tài chính 05 năm, kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước, khả năng cân đối các nguồn lực trong năm dự toán theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 7 Nghị định này tổng hợp vào dự toán chi ngân sách đầu tư phát triển theo phân cấp; gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước.

Chương III

QUY ĐỊNH CHUYỂN TIẾP

Điều 11. Thu vào ngân sách trung ương

1. Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại các Công ty mẹ của Tập đoàn kinh tế, Công ty mẹ của Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con thuộc trung ương theo báo cáo quyết toán tại thời điểm ngày 31 tháng 12 năm 2017 (nếu có).

2. Các khoản phải thu về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp (sau đây gọi là Quỹ) từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, chuyển nhượng vốn nhà nước tại doanh nghiệp thuộc trung ương.

Cơ quan đại diện chủ sở hữu trung ương chịu trách nhiệm rà soát các khoản phải thu về Quỹ từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, chuyển nhượng vốn nhà nước tại doanh nghiệp thuộc trung ương và có văn bản thông báo gửi Bộ Tài chính để thu vào ngân sách trung ương theo quy định.

3. Các khoản tiền thu hồi giá trị cổ phần Nhà nước cấp cho người lao động để hưởng cổ tức, cổ phần bán trả chậm cho người lao động nghèo tại các doanh nghiệp thuộc trung ương theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa.

4. Các khoản thu từ chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp đã chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC phải nộp về Quỹ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành.

5. Đối với các tài sản khác của Quỹ, Bộ Tài chính tiếp tục theo dõi, xử lý theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tiền thu từ xử lý các tài sản này sau khi trừ các chi phí có liên quan được nộp về ngân sách trung ương.

6. Số dư bằng tiền của Quỹ tại thời điểm Nghị định có hiệu lực thi hành.

Điều 12.Thu vào ngân sách địa phương

1. Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại các Công ty mẹ của Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con thuộc địa phương theo báo cáo quyết toán tại thời điểm ngày 31 tháng 12 năm 2017 (nếu có).

2. Các khoản phải thu về Quỹ từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, chuyển nhượng vốn nhà nước tại doanh nghiệp thuộc địa phương.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm rà soát các khoản phải thu về Quỹ từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, chuyển nhượng vốn nhà nước tại doanh nghiệp thuộc địa phương để thu vào ngân sách địa phương theo quy định.

3. Các khoản tiền thu hồi giá trị cổ phần Nhà nước cấp cho người lao động để hưởng cổ tức, cổ phần bán trả chậm cho người Lao động nghèo tại các doanh nghiệp thuộc địa phương theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa.

Điều 13. Xử lý miễn lãi các khoản lãi chậm nộp về Quỹ phát sinh trước thời điểm Nghị định có hiệu lực thi hành

1 . Nguyên tắc tính lãi chậm nộp:

a) Thời gian tính lãi chậm nộp tính từ ngày hết hạn nộp tiền về Quỹ theo quy định đến thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành.

b) Mức lãi chậm nộp thực hiện theo quy định của pháp luật quản lý thuế về mức tính tiền chậm nộp (bằng 0,03%/ngày).

2. Thẩm quyền quyết định miễn lãi chậm nộp cho các doanh nghiệp:

a) Đối với doanh nghiệp cấp 1

- Cơ quan đại diện chủ sở hữu trung ương quyết định việc miễn lãi chậm nộp cho các doanh nghiệp thuộc trung ương sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính.

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc miễn lãi chậm nộp cho các doanh nghiệp thuộc địa phương.

b) Đối với doanh nghiệp do doanh nghiệp cấp 1 nắm giữ 100% vốn Điều lệ (doanh nghiệp cấp 2)

- Cơ quan đại diện chủ sở hữu trung ương quyết định việc miễn lãi chậm nộp cho các doanh nghiệp cấp 2 trên cơ sở đề xuất của doanh nghiệp cấp 1 thuộc trung ương.

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc miễn lãi chậm nộp cho các doanh nghiệp cấp 2 trên cơ sở đề xuất của doanh nghiệp cấp 1 thuộc địa phương.

3. Các trường hợp được xử lý miễn lãi chậm nộp và trình tự, thủ tục miễn lãi chậm nộp thực hiện theo Phụ lục IV, Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này.

4. Thời gian hoàn thành việc ra quyết định xử lý lãi chậm nộp theo quy định tại Điều này là trước ngày 01 tháng 4 năm 2023. Từ ngày 01 tháng 4 năm 2023, việc xử lý các khoản lãi chậm nộp (nếu còn) thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế.

Chương IV

TRÁCH NHIỆM THI HÀNH VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 14. Trách nhiệm thi hành

1. Trách nhiệm của Bộ Tài chính:

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn các điều, khoản được giao tại Nghị định này và các nội dung khác thuộc thẩm quyền quản lý.

b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan cân đối, bố trí dự toán chi thường xuyên cho các nội dung chi quy định tại khoản 1 khoản 1 Điều 10 Nghị định này theo phân cấp ngân sách.

c) Thực hiện chế độ thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm và cưỡng chế, xử lý tiền chậm nộp, việc quản lý, sử dụng nguồn thu, chi theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Quản lý thuế và các quy định của pháp luật có liên quan.

d) Tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý Quỹ theo các nội dung quy định chuyển tiếp tại Nghị định này.

đ) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định tại Nghị định này.

2. Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan bố trí dự toán chi đầu tư phát triển cho các nội dung chi quy định tại khoản 2 khoản 2 Điều 10 Nghị định này theo phân cấp ngân sách.

3. Trách nhiệm của Cơ quan đại diện chủ sở hữu trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:

a) Thanh tra, kiểm tra, giám sát, đôn đốc doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện nộp đầy đủ, kịp thời các khoản thu về ngân sách nhà nước theo quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật có liên quan.

b) Tổng hợp dự toán thu, chi ngân sách nhà nước hàng năm theo quy định tại Điều 9 và Điều 10 của Nghị định này.

c) Thực hiện chế độ báo cáo, tổ chức quản lý, sử dụng nguồn thu, nhiệm vụ chi theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý thuế và các quy định của pháp luật có liên quan.

d) Chủ trì giải quyết những vướng mắc, khiếu nại, tố cáo tại doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định pháp luật hiện hành.

đ) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm cân đối, bố trí dự toán chi thường xuyên chi đầu tư phát triển theo phân cấp ngân sách cho các nội dung chi quy định tại Điều 7 và Điều 10 của Nghị định này.

e) Báo cáo Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định các trường hợp giao SCIC thực hiện chuyển nhượng vốn theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 1 Nghị định này.

4. Trách nhiệm của các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập:

a) Thực hiện kê khai, nộp đầy đủ, kịp thời về ngân sách nhà nước đối với các khoản thu theo quy định tại Nghị định này và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

b) Chấp hành nghiêm túc, đầy đủ chế độ báo cáo và chịu sự thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về ngân sách, pháp luật thuế và các quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 15. Điều khoản thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 4 năm 2022.

2. Quyết định số 21/2012/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.

3. Sửa đổi quy định nộp tiền thu từ chuyển nhượng vốn nhà nước, tiền thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp cấp 1 về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp thành nộp về ngân sách nhà nước kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành tại các điều khoản sau:

a) Khoản 9, khoản 20 Điều 1 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần; Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp và Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP.

b) Khoản 2, khoản 4, khoản 6 Điều 21, khoản 1 Điều 33, khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 39 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP; khoản 1 Điều 39 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP.

4. Bãi bỏ quy định nộp tiền thu từ bán cổ phần của doanh nghiệp cấp 2 về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp quy định tại khoản 4 Điều 44 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP.

Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, các khoản thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp cấp 2 thuộc trung ương và địa phương (bao gồm cả doanh nghiệp cấp 2 đã hoàn tất việc bán cổ phần lần đầu nhưng chưa chính thức chuyển thành công ty cổ phần trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành) sau khi trừ các khoản chi liên quan đến cổ phần hóa (gồm: giá vốn là giá trị sổ sách của doanh nghiệp cấp 1, chi phí xử lý lao động dôi dư, tinh giản biên chế, ưu đãi cho người lao động, chi phí cổ phần hóa và nghĩa vụ thuế theo quy định nếu có) được hạch toán vào kết quả hoạt động tài chính của doanh nghiệp cấp 1.

Trường hợp, các doanh nghiệp cấp 2 đã nộp tiền thu cổ phần hóa, chuyển nhượng vốn về Quỹ trước khi Nghị định này có hiệu lực thi hành thì số tiền đã nộp được tổng hợp vào số tiền thực tế đã nộp để quyết toán các khoản chi liên quan đến chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp và phục vụ lập dự toán chi theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 Nghị định này.

5. Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp được áp dụng Nghị định này để sử dụng các nguồn thu quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định này đối với các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập do mình làm đại diện chủ sở hữu.

6. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty đối với doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 148/2021/NĐ-CP về quản lý, sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, nguồn thu từ chuyển nhượng vốn nhà nước và chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ tại doanh nghiệp

  • Số hiệu: 148/2021/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 31/12/2021
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Lê Minh Khái
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 115 đến số 116
  • Ngày hiệu lực: 01/04/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản