Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH - BỘ TƯ PHÁP - BỘ NÔNG LÂM
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01-NĐ-LB

Hà Nội, ngày 19 tháng 01 năm 1956

NGHỊ ĐỊNH LIÊN BỘ

BỔ KHUYẾT NGHỊ ĐỊNH SỐ 08-LB-CN-TC-NĐ NGÀY 21-8-1954 VÀ NGHỊ ĐỊNH SỐ 09-LB-CN-TC-NĐ NGÀY 23-10-1954 VỀ ĐIỀU LỆ KIỂM THU LÂM SẢN

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG LÂM-BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH -BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

Chiếu Nghị định số 596-TTg ngày 03 tháng 10 năm 1955 ban hành điều lệ tạm thời về khai thác gỗ củi;
Chiếu Nghị định số 300-B ngày 16-11-1947 của Bộ nông lâm và các Nghị định số 08-LB-CN-TC-NĐ và 9-LB-CN-TC-NĐ ngày 21-8-1954 và 23-10-1954 của Bộ Nông lâm và Bộ Tài chính ấn định cách tính giá bán lâm sản;
Chiếu tình hình kiểm thu hiện tại,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1: Nay bổ khuyết Nghị định Liên bộ Nông lâm – Tài chính số 08-LB-CN-TC-NĐ ngày 21-8-1954 và số 09-LB-CN-TC-NĐ ngày 23-10-1954 và điều lệ kiểm thu như sau:

Điều 2: Nay quy định thêm một số lâm sản phải trả tiền bán như sau:

1) Nhựa thông nhựa trám : 20% giá thị trường

2) Bột rè hương : 20% -

3) Sa nhân : 15% -

4) Măng khô : 15% -

5) Dược thảo : 15% giá thị trường

6) Cánh kiến đỏ, cánh kiến trắng : 15%

Điều 3: Giá bán lâm sản do Bộ Nông lâm ấn định cho tất cả các địa phương, căn cứ một mặt vào giá vốn sản xuất lâm sản tại rừng (công trồng rừng + công quản lý) một mặt vào giá thị trường tại các địa phương.

Các Ủy ban hành chính tỉnh có nhiệm vụ cung cấp giá thị trường hàng tháng về các loại lâm sản cho Bộ lấy theo giá trung bình ở những thị trường lâm sản quan trọng nhất trong tỉnh.

Điều 4: Trên những luồng lâm sản phân tán, không tiện tổ chức trạm kiểm thu do cán bộ nông lâm phụ trách, có thể ủy nhiệm thu cho.

- Cơ quan thuế vụ, hải quan ở những nơi thuận tiện có các tổ chức đó.

Uỷ ban hành chính xã phụ trách.

Ủy nhiệm thu của xã được hưởng một khoản thù lao hàng tháng 3% số tiền thu, các cơ quan thuế vụ, hải quan không được hưởng thù lao.

Điều 5: Lâm sản khai thác ra phải trình kiểm điểm và trả tiền tại trạm kiểm thu gần nhất – sau khi lâm sản đã trả tiền bán rồi, cơ quan kiểm thu phát chứng nhận đã nộp tiền và giấy thông hành, lâm sản đã trả tiền rồi, phải có giấy chứng nhận đã nộp tiền và thông hành kèm theo khi chuyển vận. Các lâm sản tuy đã kiểm diện cũng bắt buộc ghé lại trạm phúc kiểm để kiểm soát lại.

Điều 6: Trong trường hợp cần thiết, cơ quan kiểm thu có thể kiểm tra sổ sách, bè mảng, kho tàng.

Điều 7: Những hành vi trái thể lệ, sẽ bị trừng phạt như sau:

a) Đối với việc trốn nộp tiền bán lâm sản, sẽ tùy trường hợp nặng nhẹ mà phê bình, cảnh cáo hoặc phạt một số tiền từ 1 đến 5 lần tiền bán lâm sản gian lậu (1); hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ lâm sản gian lậu; hoặc áp dụng cả hai hình phạt trên.

b) Đối với những hành vi kháng cự, không để cơ quan kiểm thu kiểm tra, hoặc những hành vi làm giấy tờ giả mạo, làm dấu giả, chống nộp tiền bán hoặc tiền phạt, tổ chức trốn nộp tiền bán thì ngoài việc trên sẽ bị truy tố trước tòa án nhân dân xét xử.

Điều 8: Những điều khoản nào trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 9: Các ông Chánh văn phòng Bộ Nông lâm, Bộ Tài chính, Bộ tư pháp, các ông Giám đốc Vụ Lâm nghiệp, Vụ Ngân sách, Vụ Kế toán và các ông Chủ tịch Ủy ban hành chính các liên khu, tỉnh, chiếu Nghị định thi hành.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG LÂM
THỨ TRƯỞNG




Lê Duy Trinh

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG




Trịnh Văn Bính

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP





Vũ Đình Hòe


(1)Những lâm sản nếu không bị tịch thu thì sau khi nộp tiền phạt vẫn phải trả tiền bán.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 01-NĐ-LB năm 1956 bổ khuyết Nghị định 08-LB-CN-TC-NĐ và Nghị định 09-LB-CN-TC-NĐ về điều lệ kiểm thu lâm sản do Bộ trưởng Bộ Nông lâm - Bộ trưởng Bộ Tài chính - Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành

  • Số hiệu: 01-NĐ-LB
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 19/01/1956
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Nông lâm
  • Người ký: Lê Duy Trinh, Trịnh Văn Bính, Vũ Đình Hoè
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 3
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản