Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG LÂM
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 17-NL/LN

Hà Nội, ngày 02 tháng 05 năm 1959

THÔNG TƯ

VỀ VẤN ĐỀ KHAI THÁC RỪNG

Cuối năm 1958 chủ trương khai thác toàn diện đã được Thủ tướng phủ thông qua và phổ biến cho các địa phương làm thí điểm. Đó là một chủ trương lâu dài hết sức quan trọng và quyết định trong đường lối quản lý và khai thác rừng theo hướng tiến lên xã hội chủ nghĩa. Trước mắt chỉ có khai thác toàn diện mới có thể đáp ứng nhu cầu về gỗ của Nhà nước và nhân dân. Một số địa phương đã thực hiện khai thác toàn diện: Phú Thọ, Lạng Sơn, Yên Bái, Tuyên Quang, nhưng chưa đặt thành một chủ trường quán triệt toàn bộ công tác khai thác, nơi nào có điều kiện mới làm và nội dung mới chỉ là tận dụng nguyên liệu còn lại sau khi thác gỗ của Nhà nước và nhân dân. Một số địa phương đã thực hiện khai thác toàn diện: Phú Thọ, Lạng Sơn, Yên Bái, Tuyên Quang, nhưng chưa đặt thành một chủ trương quán triệt toàn bộ công tác khai thác, nơi nào có điều kiện mới làm và nội dung mới chỉ là tận dụng nguyên liệu còn lại sau khi khai thác gỗ súc.

Năm nay Bộ đề nghị các địa phương kiên quyết thực hiện chủ trương khai thác toàn diện ít nhất mỗi tỉnh trong phạm vi một hạt, còn các Chi nhánh làm khẩn nhất thiết phải nghiêm chỉnh chấp hành để làm gương mẫu. Đối với các đơn vị bộ đội khai thác tự túc cần đôn đốc và hướng dẫn để họ thực hiện chủ trương này được tốt.

* Nội dung chủ trương khai thác toàn diện

Yêu cầu căn bản của chủ trương khai thác toàn diện là khai thác rừng nhằm mục đích tạo điều kiện cho những rừng tái sinh được tốt, có sản lượng cao. Nội dung có thể tóm tắt trong hai vấn đề chính:

1. Rừng có thứ gì thì khai thác thứ ấy và phải để lại những cây cần thiết cho việc tái sinh của rừng. Cụ thể rừng sẽ chia thành khoảnh và có bài cây. Việc bài cây sẽ dựa trên điều lệ khai thác hiện hành (kích thước tối thiểu) cây cho chặt có cả đẹp và xấu, có cả loại gỗ tốt và gỗ tạp, và rừng sau khi khai thác có điều kiện để tái sinh thành rừng tốt, sản lượng cao. Như vậy phải tu bổ phương pháp cũ chỉ chặt cây đẹp, bỏ lại cây tật bệnh, chỉ chọn thiết mộc và hồng sắc, bỏ lại tạp mộc.

2. Những cây đã chặt hạ phải tận dụng cho hết, những cây bị đỗ gẫy trong khi khai thác cũng phải đem dùng. Ở đây cũng cần nhắc đến việc chú ý khai thác và bồi dưỡng các lâm sản phụ.

Để thực hiện chủ trương khai thác toàn diện tất nhiên phải giải quyết vấn đề tiêu thụ và giá cả. Mỗi tỉnh cần phải làm gấp báo cáo về Cục Lâm nghiệp khả năng các khu rừng định khai thác năm 1959 có thể lấy được bao nhiêu thiết mộc, hồng sắc, tạp mộc, bao nhiêu gỗ cành ngọn, bao nhiêu để làm than, củi để Cục phân phối và có kế hoạch tiêu thụ. Vấn đề tiêu thụ tuy hiện nay có khó khăn nhưng chúng ta phải tìm thị trường, ở mỗi tỉnh cần đặt vấn đề cung cấp cho nhân dân địa phương. Cục cũng sẽ cố gắng tìm thị trường tiêu thụ. Nhất định chúng ta sẽ tiêu thụ hết vì hiện nay về giá cả Cục sẽ nghiên cứu điều hòa giữa giá gỗ súc và các loại khác. Nhưng chủ yếu là các Ty phải trực tiếp tổ chức sản xuất thí điểm, xây dựng những chỉ tiêu lao động chính xác trên phương châm nhanh, nhiều, tốt, rẻ.

Chúng ta phải tuyệt đối chống xu hướng kinh doanh món gì cũng phải có lãi; phải chấp hành nguyên tắc có món có lãi lớn, có món có lỗ, lấy lãi bù lỗ và toàn bộ kinh doanh sẽ lãi. Khâu chính trong vấn đề lãi lỗ không phải ở giá thị trường, mà là ở chỗ thường xuyên cải tiến dụng cụ, tăng năng suất lao động, tổ chức lao động hợp lý, không lãng phí.

Ngoài ra, một số vấn đề khác như bảo quản gỗ tạp, quy tắc chế biến gỗ, xẻ gỗ để tiêu thụ được dễ dàng cũng đáng được chuẩn bị một cách khẩn trương và sẽ được phổ biến trong quý 2.

Hiện nay trong sự chuyển biến chung của tình hình ở miền Bắc mọi công tác lâm nghiệp đã có nhiều điều kiện để phát triển và tiến lên con đường xã hội chủ nghĩa. Về phương diện khai thác, khai thác toàn diện là một sự cần thiết tất yếu, vì chúng ta có khả năng để thực hiện tốt chủ trương đó. Kinh nghiệm của một số địa phương và kinh nghiệm chỉ đạo thí điểm ở Bắc giang đã cho thấy chủ trương khai thác toàn diện rất phù hợp với quyền lợi của nhân dân và sơn tràng miền rừng và phù hợp với đường lối kinh doanh lâm nghiệp lại bảo đảm cung cấp gỗ và các lâm sản cho Nhà nước và nhân dân, bảo vệ cơ sở khai thác lâu dài cho nhân dân miền có rừng, đó là điểm căn bản. Mặt khác, phải tin rằng việc kiện toàn ngành lâm nghiệp hiện nay là thống nhất Lâm thổ sản và Lâm nghiệp sẽ tạo cho sự nghiệp kinh doanh rừng có nhiều thuận lợi hơn.

Nhận được thông tư này, đề nghị các Khu, Ty nghiên cứu thảo luận kỹ trong các cấp và chuẩn bị mọi vấn đề cần thiết để có thể thi hành bắt đầu từ quý 2 năm nay.

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG LÂM
THỨ TRƯỞNG





Nguyễn Tạo

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 17-NL/LN năm 1959 về vấn đề khai thác rừng do Bộ Nông Lâm ban hành.

  • Số hiệu: 17-NL/LN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 02/05/1959
  • Nơi ban hành: Bộ Nông lâm
  • Người ký: Nguyễn Tạo
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 22
  • Ngày hiệu lực: 17/05/1959
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản