Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
THANH TRA BỘ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 145/KL-TTrB

Hà Nội, ngày 11 tháng 08 năm 2014

 

KẾT LUẬN THANH TRA

VIỆC THỰC HIỆN CÁC QUY ĐỊNH VỀ KINH DOANH, SỬ DỤNG HÓA CHẤT, CHẾ PHẨM DIỆT CÔN TRÙNG, DIỆT KHUẨN DÙNG TRONG LĨNH VỰC GIA DỤNG VÀ Y TẾ; CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA THUỐC LÁ TẠI HÀ TĨNH

Thực hiện Quyết định số 108/QĐ-TTrB ngày 07/7/2014 về thanh tra việc thực hiện các quy định về kinh doanh, sử dụng hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế; Công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá tại tỉnh Hà Tĩnh, từ ngày 08 - 11/7/2014, Đoàn đã tiến hành thanh tra tại 08 đơn vị là đối tượng thanh tra trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Xét Báo cáo kết quả thanh tra số 131/BC-TTrB ngày 05/8/2014 của Đoàn thanh tra, Chánh Thanh tra Bộ Y tế kết luận thanh tra như sau:

1. Khái quát chung về tỉnh Hà Tĩnh:

Hà Tĩnh là một tỉnh ven biển thuộc vùng Bắc Trung Bộ Việt Nam. Diện tích 5.997,2 km2, Dân số (2011) 1.229.300 người gồm các dân tộc Việt, Thái, Mường,... Hà Tĩnh cách thủ đô Hà Nội 340 km về phía nam, có 12 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: 01 thành phố, 01 thị xã và 10 huyện với 259 xã phường và thị trấn. Sở Y tế Hà Tĩnh là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo sự ủy quyền của UBND tỉnh và theo quy định của pháp luật.

2. Kết quả thanh tra:

2.1. Công tác quản lý nhà nước về kinh doanh, sử dụng hóa chất chế phẩm diệt côn trùng và diệt khuẩn; Công tác phòng, chống tác hại thuốc lá của Sở Y tế:

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Tĩnh, công tác quản lý về hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn (HCCP) dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế đã được Sở Y tế quan tâm và chỉ đạo. Hiện tại trên địa bàn tỉnh không có đơn vị nào sản xuất HCCP diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế. Có một số đơn vị sử dụng HCCP diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế như: Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) Hà Tĩnh, các TTYT huyện, Trung tâm phòng, chống sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Hà Tĩnh, Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, các bệnh viện tuyến huyện và các Trạm Y tế xã/phường. Ngoài ra có một số đơn vị kinh doanh và sử dụng HCCP diệt côn trùng và diệt khuẩn nhỏ lẻ Sở Y tế chưa quản lý được hết.

Đối với công tác chỉ đạo và triển khai thực hiện các quy định của Luật Phòng, chống tác hại (PCTH) của thuốc lá và Chỉ thị số 05/CT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc “Tăng cường thực thi quy định của Luật phòng chống tác hại (PCTH) của thuốc lá trong ngành y tế”: Ngay sau khi Luật PCTH của thuốc lá và các văn bản hướng dẫn có hiệu lực, Sở Y tế Hà Tĩnh đã tổ chức Hội nghị triển khai Luật PCTH của thuốc lá thành phần gồm: Đại diện các Ban, ngành thuộc Tỉnh, Lãnh đạo Sở Y tế, Chủ tịch Công Đoàn ngành Y tế, Trưởng, Phó các Phòng chức năng và chuyên viên thuộc Sở Y tế, các đơn vị trực thuộc Sở Y tế, các phóng viên, báo đài, Trung tâm truyền thông - Giáo dục sức khỏe của tỉnh.

Công tác PCTH của thuốc lá tại tỉnh Hà Tĩnh đã được Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo quyết liệt, thể hiện bằng các Quyết định số 33/QĐ-UBND ngày 03/11/2011, Quyết định số 33/QĐ-UBND ngày 09/7/2012, Quyết định số 1579/QĐ-UBND ngày 17/5/2013, kèm theo các Quyết định trên là các Quy chế công nhận danh hiệu “Cơ quan đạt chuẩn văn hóa”, trong đó lồng ghép công tác PCTH của thuốc lá.

2.2. Việc thực hiện các quy định về kinh doanh, sử dụng hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế:

Qua kết quả thanh tra tại 05 đơn vị, bao gồm: Trung tâm YTDP tỉnh Hà Tĩnh, Trung tâm Phòng, chống sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm YTDP huyện Thạch Hà và Trung tâm YTDP huyện Cẩm Xuyên cho thấy:

a. Tại các đơn vị thuộc hệ YTDP tuyến tỉnh:

TTYTDP Hà Tĩnh và Trung tâm phòng, chống Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng là 02 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Y tế, với chức năng phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh cho nhân dân. Tại 02 đơn vị, hóa chất chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn sử dụng được Bộ Y tế cung cấp để thực thi nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh. Nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng đối với từng loại hóa chất khi tiếp nhận từ phía Bộ Y tế đều được kiểm tra, đối chiếu theo hóa đơn xuất, nhập kho. Tất cả hóa chất nhập về được nhập vào kho của TTYTDP và Trung tâm Phòng, chống sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng tỉnh, sau đó lên kế hoạch cấp phát cho các TTYTDP huyện, thị xã, thành phố để các đơn vị chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh và xử lý nước, vệ sinh môi trường sau bão lụt; Các nhân viên giữ kho hóa chất được tập huấn cách kiểm tra, bảo quản, theo dõi vật tư hóa chất, cập nhật thông tin về các loại hóa chất được Bộ Y tế cho phép lưu hành và cấp về các Trung tâm, được huấn luyện về an toàn lao động, phòng chống cháy nổ tại các Trung tâm.

Theo báo cáo của Trung tâm phòng, chống sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng tỉnh, năm 2014 Trung tâm đã nhận 848 lít hóa chất ICON từ chương trình mục tiêu Quốc gia phòng chống sốt rét để tẩm màn theo Kế hoạch và đã phân bổ hết cho TTYTDP các huyện. Trung tâm không làm dịch vụ phun thuốc diệt muỗi. Hoạt động tẩm màn đã được thực hiện đúng chỉ định tại vùng có sốt rét lưu hành, tẩm màn đủ số lượng và đảm bảo chất lượng theo quy định. Hiện tại trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh không có bệnh nhân sốt rét ác tính và chưa có dịch sốt rét xảy ra.

Hằng năm, TTYTDP huyện, thị xã, thành phố tổ chức tập huấn và cập nhật kiến thức về cách sử dụng các loại HCCP diệt côn trùng, diệt khuẩn cho toàn thể cán bộ, viên chức từ tuyến tỉnh đến huyện, xã; Yêu cầu đơn vị cung ứng hóa chất cung cấp đầy đủ thông tin về các đặc tính nguy hiểm của HCCP, các bảo đảm hiệu lực, an toàn và bồi thường thiệt hại trong quá trình sử dụng hóa chất, chế phẩm do các thông tin sai lệch của nhà cung cấp theo quy định của pháp luật. Tập huấn về kỹ năng phun HCCP diệt côn trùng, diệt khuẩn và cách xử lý nước ăn uống sinh hoạt trong và sau mùa bão lụt, tuân thủ đúng hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất. HCCP chỉ được phép sử dụng đúng mục đích khi có các yếu tố nguy cơ gây dịch bệnh và thiên tai xảy ra.

Kiểm tra thực tế tại kho của 02 Trung tâm:

- Tại TTYTDP tỉnh: Có kho để hóa chất nhưng chưa riêng biệt, nhà kho chưa đảm bảo yêu cầu theo quy định: Chưa có hệ thống biển báo mức độ nguy hiểm của hóa chất, chưa có hệ thống xử lý chất thải, các trang thiết bị phòng hộ cho công tác đảm bảo an toàn còn hạn chế. Vì vậy, khi nhận hóa chất từ các Cục, Viện về thì TTYTDP tỉnh lên kế hoạch cấp phát ngay cho các TTYTDP huyện, thị xã, thành phố để giảm tải tại kho của YTDP tỉnh.

- Tại Trung tâm phòng, chống sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng: Kho riêng biệt rộng rãi, thoáng mát, có giá kệ đầy đủ theo quy định, có danh mục hóa chất và sổ sách chứng từ nhập, xuất đầy đủ, kho không còn tồn hóa chất (vì đã xuất hết cho các TTYTDP tuyến huyện để dự trữ và tẩm màn theo kế hoạch phân bổ đã được duyệt). Tuy nhiên, kho còn thiếu biển: “Kho hóa chất nguy hiểm”.

b. Tại các đơn vị thuộc YTDP tuyến huyện:

Tại 02 Trung tâm được kiểm tra đều đang trong tình trạng đang xây dựng mới, nên đang tạm thời phải nhờ tại 01 đơn vị khác (trường học và bệnh viện Đa khoa huyện) nên các phòng làm việc và kho bảo quản đều chưa được đảm bảo theo quy định.

Kiểm tra thực tế tại TTYTDP huyện Cẩm Xuyên và Thạch Hà đều còn tồn 02 loại hóa chất diệt côn trùng có hạn dùng ngắn (4-5 tháng). Theo phiếu nhập kho của Trung tâm Y tế Dự phòng huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh thì phiếu xuất kho tại Trung tâm y tế Dự phòng Hà Tĩnh cho TTYT huyện Thạch Hà là ngày 03/6/2014. Đoàn đã kiến nghị 02 TTYTDP trên có kế hoạch sử dụng hợp lý số lượng hóa chất chế phẩm nêu trên, tránh để hết hạn lãng phí.

c. Tại các đơn vị thuộc tuyến điều trị:

Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh là Bệnh viện hạng I, với quy mô điều trị 500 giường bệnh, việc sử dụng hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng có liên quan đến bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cho nhân viên y tế và cộng đồng nên đã được Bệnh viện đặc biệt quan tâm.

- Các hóa chất đều nằm trong danh mục được phép sử dụng của Bộ Y tế. Một số hóa chất diệt khuẩn được sử dụng hàng ngày cho các khoa, phòng tại bệnh viện, một số hóa chất chỉ được phép sử dụng khi có các yếu tố nguy cơ gây dịch và thiên tai dịch bệnh xảy ra; Các hóa chất đều được sử dụng đúng mục đích và theo hướng dẫn của nhà cung cấp.

+ Các hóa chất có hóa đơn chứng từ đầy đủ, được cung ứng theo nhu cầu sử dụng, không có hóa chất quá hạn sử dụng.

+ Các hóa chất được bảo quản theo đúng quy định tại khoa Dược và phòng Vật tư kỹ thuật.

- Cán bộ coi kho: Là dược sĩ trung học, thường xuyên được tập huấn cách kiểm tra, bảo quản, theo dõi vật tư hóa chất, cập nhật thông tin về các loại hóa chất và được đào tạo về công tác phòng, chống cháy nổ và phòng ngừa sự cố.

- Kho có hệ thống phòng, chống cháy nổ, mối mọt và ngập nước. Công tác phòng, chống cháy nổ theo hướng dẫn và giám sát của Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy.

- Bệnh viện đã tập huấn cho toàn bộ cán bộ, viên chức của Bệnh viện công tác sử dụng và bảo quản hóa chất chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn trong y tế và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan (đăng trên cổng thông tin điện tử của Bệnh viện). Công tác kiểm tra việc sử dụng, bảo quản hóa chất tiệt khuẩn được đưa vào chương trình kiểm tra hằng tuần (theo lịch kiểm tra chuyên môn của Bệnh viện), 6 tháng, cuối năm và kiểm tra đột xuất tại các khoa, phòng.

Kiểm tra thực tế tại Bệnh viện:

- Công tác bảo quản tại kho Dược tương đối tốt, có hệ thống sổ sách nhập xuất tồn đầy đủ. Tuy nhiên, kho còn thiếu biển cảnh báo “Kho hóa chất, dễ cháy nổ” ... theo quy định tại Thông tư số 29/2011/TT-BYT của Bộ Y tế.

- Công tác sử dụng hóa chất khử khuẩn tại các khoa còn thiếu “Quy trình rửa ống nội soi tiêu hóa”... và dụng cụ chứa đựng hóa chất dùng để tiệt khuẩn chưa đúng quy định (dùng xô chậu nhựa để chứa đựng và không dán nhãn theo quy định).

2.3. Về công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá:

06 đơn vị trên địa bàn tỉnh được thanh tra bao gồm: Sở Y tế Hà Tĩnh, Trung tâm YTDP tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS, Khách sạn Bình Minh và Bến xe khách tỉnh Hà Tĩnh.

- 04 đơn vị thuộc Sở Y tế Hà Tĩnh đã nắm được các quy định của Luật PCTH thuốc lá, đã thực hiện Chỉ thị số 05/CT-BYT ngày 28/5/2013 của Bộ Y tế về việc tăng cường thực thi quy định của Luật PCTH của thuốc lá trong ngành y tế và triển khai thực hiện tương đối tốt các hoạt động về PCTH của thuốc lá, cụ thể là:

+ Ban hành Quyết định về việc thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tác hại của thuốc lá do Lãnh đạo đơn vị làm Trưởng ban, đại diện các phòng, ban tham gia làm ủy viên.

+ Ban hành Kế hoạch về thực hiện PCTH của thuốc lá tại đơn vị nhằm mục đích nâng cao nhận thức về tác hại của khói thuốc ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân người hút và cộng đồng từ đó làm thay đổi hành vi hút thuốc lá trong toàn thể công chức, viên chức trong đơn vị.

+ Đưa quy định về PCTH của thuốc lá vào nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị và chấm điểm thi đua cuối năm; Các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện ký cam kết không hút thuốc tại cơ sở y tế.

+ Công tác tuyên truyền tác hại của thuốc lá được lồng ghép trong các cuộc họp, giao ban của đơn vị và cam kết thực hiện Bệnh viện không khói thuốc lá tới từng Khoa/Phòng, cụ thể tới từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Đưa quy định về PCTH của thuốc lá vào nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị và chấm điểm thi đua cuối năm;

+ Tại các cơ sở y tế có treo, dán các biển cảnh báo về tác hại của thuốc lá và biển “cấm hút thuốc lá” tại các hành lang, khoa, phòng...

- Có 01 đơn vị chưa triển khai các hoạt động về PCTH của thuốc lá (Khách sạn Bình Minh), cụ thể là:

+ Chủ khách sạn chưa chủ động đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm của đơn vị, chưa đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế hoạt động của đơn vị;

+ Chưa triển khai việc tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, vận động người khác không sử dụng thuốc lá, cai nghiện thuốc lá; Tuyên truyền các quy định về PCTH của thuốc lá cho nhân viên và người lao động tại Khách sạn;

+ Chưa có nội quy, quy định về cấm hút thuốc lá và thiếu các biển báo “Cấm hút thuốc” tại các vị trí cấm hút thuốc lá của khách sạn. Tại căng tin của khách sạn còn bầy bán nhiều loại thuốc lá, còn để gạt tàn tại một số nơi cấm hút (phòng lễ tân, trong nhà, thang máy, sảnh của khách sạn).

+ Chưa bố trí địa điểm dành riêng cho người hút thuốc theo quy định tại Điều 12 của Luật PCTH của thuốc lá;

- Có 01 đơn vị (Bến xe khách Hà Tĩnh) đã triển khai công tác PCTH của thuốc lá tại đơn vị: Đã được tập huấn về công tác PCTH của thuốc lá, đưa công tác này vào quy chế hoạt động của cơ quan, có cam kết của nhân viên không hút thuốc tại nơi làm việc.

Tuy nhiên, bến xe khách Hà Tĩnh còn một số tồn tại là:

+ Bán thuốc lá tại vị trí cấm bán theo quy định (Nhà chờ của bến xe) và bày bán quá số lượng một loại của một nhãn hiệu thuốc lá theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 25, Luật PCTH của thuốc lá;

+ Tại căng tin của bến xe: Không có biển “Cấm hút thuốc” và tại thời điểm kiểm tra có 01 hành khách đang hút thuốc lá tại đây.

3. Nhận xét và kết luận:

3.1. Ưu điểm:

3.1.1. Việc thực hiện các quy định trong kinh doanh, sử dụng hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế:

- Đối với công tác quản lý: Sở Y tế Hà Tĩnh đã thực hiện tốt công tác quản lý đối với việc sử dụng HCCP diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế.

- Các đơn vị được thanh tra đã có sổ sách xuất, nhập kho và ghi chép đầy đủ;

- Nhân viên kho hóa chất được tập huấn, cập nhật thông tin về cách kiểm tra, bảo quản, theo dõi vật tư hóa chất, cập nhật thông tin về các loại hóa chất và được đào tạo về công tác phòng, chống cháy nổ và phòng ngừa sự cố; Có kho bảo quản và thực hiện bảo quản hóa chất, chế phẩm theo đúng quy định (Trung tâm YTDP tỉnh, Trung tâm Phòng, chống sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng và Bệnh viện đa khoa tỉnh). Các công chức, viên chức của Bệnh viện đa khoa tỉnh, Trung tâm YTDP huyện, thị xã, thành phố được tập huấn công tác sử dụng và bảo quản hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế.

- Các hóa chất tại các đơn vị đều nằm trong danh mục được phép sử dụng của Bộ Y tế; Sử dụng đúng mục đích, theo hướng dẫn của nhà sản xuất, chưa phát hiện hóa chất quá hạn sử dụng.

- Các TTYTDP huyện đã lập kế hoạch tẩm màn đảm bảo an toàn và hiệu quả, bảo vệ cho người dân trong vùng sốt rét lưu hành.

3.1.2. Về công tác triển khai Luật phòng chống tác hại của thuốc lá:

Việc triển khai Luật PCTH của thuốc lá đã được hầu hết các đơn vị (nhất là các đơn vị trong ngành y tế Hà Tĩnh) quan tâm, triển khai thực hiện:

- Ban hành các văn bản chỉ đạo và tổ chức triển khai các hoạt động về PCTH của thuốc lá;

- Đưa quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc, tại địa điểm cấm hút thuốc vào nội quy, quy chế hoạt động và tiêu chí thi đua của đơn vị;

- Đặt, dán các biển “cấm hút thuốc lá” tại các địa điểm cấm hút thuốc theo quy định của Luật PCTH của thuốc lá.

- Tuyên truyền, phổ biến về tác hại của thuốc lá, các quy định về PCTH của thuốc lá cho các cán bộ, công chức, người lao động trong đơn vị.

3.2. Một số khó khăn, tồn tại:

3.2.1. Về việc thực hiện các quy định về kinh doanh, sử dụng HCCP diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế:

- Các kho bảo quản HCCP diệt côn trùng, diệt khuẩn của các cơ sở y tế còn mang tính tạm thời, chưa đúng theo quy định: Kho nhờ các đơn vị khác, thiếu những biển báo “khu vực bảo quản hóa chất”, thiếu các cảnh báo an toàn “Khu hóa chất dễ cháy nổ”, thiếu các nội quy quy định các biện pháp ứng phó sự cố hóa chất, công tác ứng phó sự cố hóa chất, xử lý chất thải...

- Chưa quản lý được một số cơ sở hoạt động dịch vụ phun hóa chất diệt muỗi tự phát trên địa bàn.

- Chứa đựng hóa chất dùng để tiệt khuẩn chưa đúng quy định (dùng xô chậu nhựa để chứa đựng và không dán nhãn theo quy định), thiếu Quy trình hướng dẫn cụ thể cho nhân viên trực tiếp sử dụng hóa chất, chế phẩm để tránh nhầm lẫn và tiệt khuẩn dụng cụ y tế (Bệnh viện đa khoa tỉnh).

3.2.2. Về công tác PCTH của thuốc lá

- Việc tuyên truyền, phổ biến tác hại của thuốc lá, Luật PCTH của thuốc lá chưa đồng đều và chưa đầy đủ; Kiến thức về PCTH của thuốc lá của một số đơn vị và cá nhân còn thiếu.

- Công tác phối hợp của các ban, ngành trong công tác PCTH của thuốc lá còn hạn chế; lực lượng tham gia kiểm tra, giám sát tại những nơi công cộng, nơi cấm hút thuốc chưa có; chưa áp dụng được các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính.

- Một số lãnh đạo đơn vị chưa thực sự quan tâm tới việc thực hiện các quy định về PCTH của thuốc lá trong đơn vị (Khách sạn Bình Minh, Bến xe khách Hà Tĩnh).

- Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về hút thuốc lá còn hạn chế, chủ yếu các đơn vị chỉ nhắc nhở (Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh vẫn còn người nhà bệnh nhân hút thuốc tại sân của bệnh viện).

- Chưa có quy định về bố trí địa điểm dành riêng cho người hút thuốc tại nơi công cộng, nên việc thực hiện nghiêm các quy định về cấm hút thuốc tại những nơi này khó thực hiện.

- Một số cơ sở kinh doanh thuốc lá chưa nắm được các quy định của Luật PCTH của thuốc lá như: Bán thuốc lá tại nơi cấm bán theo quy định, bày bán quá số lượng một loại thuốc, chưa treo biển thông báo “không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi” và khu vực quầy bán thuốc phải cách xa trường học, cơ sở y tế 100m tính từ ranh giới khuôn viên gần nhất của cơ sở đó nên chưa chấp hành đúng.

- Cơ quan chức năng chưa kiểm soát tình trạng mua, bán các sản phẩm thuốc lá bên ngoài các cơ sở y tế trong phạm vi 100 mét tính từ ranh giới khuôn viên gần nhất.

4. Các biện pháp xử lý:

Đoàn thanh tra yêu cầu Sở Y tế Hà Tĩnh kiểm tra, giám sát việc khắc phục các tồn tại nêu trên của các đơn vị được thanh tra, báo cáo kết quả về Thanh tra Bộ Y tế.

5. Kiến nghị:

5.1. Về việc thực hiện các quy định trong kinh doanh, sử dụng HCCP diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế

5.1.1. Đối với Cục Quản lý môi trường y tế:

- Tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật liên quan công tác sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng HCCP diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế cho các tỉnh, thành phố.

- Có chủ trương và cơ chế quản lý các cơ sở hoạt động phun hóa chất diệt muỗi tự phát nhằm quản lý chất lượng, kỹ thuật, độ an toàn và hiệu quả của dịch vụ phun diệt muỗi.

5.1.2. Đối với Sở Y tế:

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng HCCP diệt côn trùng và diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế.

- Cập nhật và triển khai thực hiện kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật về hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về kinh doanh, sử dụng HCCP diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế tại địa phương.

5.1.3. Đối với các cơ sở y tế sử dụng HCCP diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế:

- Đề nghị các cơ sở tiếp tục duy trì thực hiện tốt các quy định về kinh doanh, sử dụng hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế; nghiêm túc thực hiện các quy định hiện hành của các cơ quan chức năng và hướng dẫn của nhà sản xuất.

- Quan tâm đầu tư xây dựng mới kho bảo quản HCCP diệt côn trùng, diệt khuẩn của các cơ sở y tế đúng theo quy định: Kho riêng biệt, rộng rãi, có đủ các phương tiện bảo quản, biển báo... đáp ứng yêu cầu theo quy định tại Thông tư số 29/2011/TT-BYT ngày 30/6/2011 của Bộ Y tế.

- Thường xuyên cập nhật và thực hiện theo đúng quy định tại các văn bản pháp luật có liên quan trong kinh doanh, sử dụng hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế;

5.2. Về công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá

5.2.1. Đối với Các Vụ/Cục thuộc Bộ Y tế và các Bộ/ngành:

Các Vụ/Cục thuộc Bộ Y tế cũng như các Bộ/Ngành khác nên triển khai, thực hiện nghiêm Luật PCTH của thuốc lá để làm gương cho các địa phương và đơn vị cấp dưới cùng thực hiện.

5.2.2. Đối với Văn phòng phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTH của thuốc lá cũng như tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Bổ sung kinh phí cho công tác PCTH thuốc lá của các tỉnh để việc triển khai công tác này được thường xuyên, liên tục trong thời gian tới.

- Đề nghị bổ sung quy định về bố trí địa điểm dành riêng cho người hút thuốc tại các nơi cấm hút hoàn toàn và hướng dẫn cụ thể cho các cấp quản lý xử lý các trường hợp vi phạm hút thuốc lá tại nơi làm việc.

5.2.3. Đối với Sở Y tế Hà Tĩnh:

- Tiếp tục quan tâm, chỉ đạo và tăng cường sự phối hợp với các ban, ngành trong công tác PCTH của thuốc lá.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về PCTH của thuốc lá.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTH của thuốc lá.

5.2.4. Đối với các đơn vị được thanh tra:

- Tiếp tục duy trì thực hiện tốt các quy định về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Nhanh chóng, nghiêm túc khắc phục những tồn tại, hạn chế những tồn tại Đoàn đã nêu trong quá trình thanh tra.

- Chủ động đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm và quy chế hoạt động của đơn vị.

- Đặt, dán các biển cảnh báo về tác hại của thuốc lá và biển “cấm hút thuốc lá” tại những vị trí cấm hút thuốc theo quy định.

- Bố trí khu vực dành riêng cho người hút thuốc lá và có biển hướng dẫn cho khách.

- Kiểm soát chặt chẽ việc bán thuốc lá và việc trưng bày số lượng của một nhãn hiệu thuốc lá theo quy định.

- Thường xuyên cập nhật và thực hiện theo đúng quy định tại các văn bản pháp luật có liên quan đến công tác phòng chống tác hại của thuốc lá.

Trên đây là Kết luận thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh, sử dụng hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế và công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá tại tỉnh Hà Tĩnh.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ trưởng (để b/c);
- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long (để b/c);
- Sở Y tế Hà Tĩnh (để t/h);
- 08 cơ sở được thanh tra (để t/h);
- Lưu: TTrB; Đoàn thanh tra.

CHÁNH THANH TRA BỘ




Đặng Văn Chính

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kết luận thanh tra 145/KL-TTrB năm 2014 việc thực hiện quy định về kinh doanh, sử dụng hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế; Công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá tại tỉnh Hà Tĩnh do Thanh tra Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 145/KL-TTrB
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 11/08/2014
  • Nơi ban hành: Thanh tra Bộ Y tế
  • Người ký: Đặng Văn Chính
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/08/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản