Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5533/KH-BLĐTBXH-BGDĐT

Hà Nội, ngày 19 tháng 12 năm 2019

 

KẾ HOẠCH PHỐI HỢP

VỀ PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC, XÂM HẠI TRẺ EM TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC MẦM NON, GIÁO DỤC PHỔ THÔNG ĐẾN NĂM 2025

Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em;

Căn cứ Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường;

Căn cứ Quyết định số 950/QĐ-UBQGVTE ngày 04/7/2019 của Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về trẻ em ban hành Chương trình công tác năm 2019 của Ủy ban Quốc gia về trẻ em;

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất ban hành Kế hoạch phối hợp về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông đến năm 2025, với các nội dung chính như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý ngành Lao động - Thương binh và Xã hội; cán bộ quản lý giáo dục các cấp, giáo viên, nhân viên và trẻ em trong cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông (gọi chung là cơ sở giáo dục) trong công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em;

b) Tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em nhằm bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.

2. Yêu cầu

a) Phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi cơ quan, đơn vị trong việc gắn các hoạt động phối hợp với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ;

b) Bảo đảm thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao của mỗi cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật; sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan;

c) Các hoạt động phải cụ thể, khả thi, bám sát nội dung nhiệm vụ được giao; thực hiện có trọng tâm, xác định thứ tự ưu tiên theo yêu cầu công tác hàng năm của hai ngành;

d) Bảo đảm tính thống nhất, thường xuyên và hiệu quả trong công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, thực hiện quyền trẻ em theo quy định của pháp luật.

II. NỘI DUNG PHỐI HỢP

1. Nghiên cứu, rà soát các quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, sửa đổi, bổ sung, ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách để phòng ngừa hiệu quả và xử lý nghiêm các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em trong các cơ sở giáo dục.

2. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền, bổn phận của trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong các cơ sở giáo dục

a) Xây dựng và tổ chức chiến dịch truyền thông về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em;

b) Biên soạn tài liệu, sản phẩm truyền thông mẫu về quyền, bổn phận của trẻ em, bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em cho cán bộ quản lý giáo dục các cấp, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục và trẻ em;

c) Quảng bá, giới thiệu Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111) trong các cơ sở giáo dục, trong sách giáo khoa và một số sản phẩm, ấn phẩm dành cho học sinh và giáo viên.

3. Nâng cao năng lực về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em

a) Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý các cấp của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, ngành Giáo dục về công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em;

b) Tập huấn cho giáo viên về kiến thức pháp luật, kỹ năng, phương pháp xử lý tình huống, đạo đức nghề nghiệp, lòng yêu nghề, yêu trẻ và sự gương mẫu trong việc phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em;

c) Tập huấn cho trẻ em về kiến thức pháp luật, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ; đưa nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, bổn phận của trẻ em, kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, an toàn trên môi trường mạng, kỹ năng phòng ngừa, lên tiếng thông tin, thông báo, tố giác hành vi, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em vào nội dung một số chương trình, hoạt động giáo dục.

4. Hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị bạo lực, xâm hại

a) Xây dựng, ban hành quy trình phối hợp trong việc phát hiện, hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị bạo lực, xâm hại trong các cơ sở giáo dục;

b) Triển khai, hướng dẫn thực hiện quy trình phối hợp đến các cơ sở giáo dục, cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp.

5. Kiểm tra, thanh tra, đánh giá

a) Hướng dẫn kiểm tra việc thực hiện tiêu chuẩn an toàn, bảo vệ trẻ em đối với các cơ sở giáo dục, đặc biệt là các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập ở khu công nghiệp, khu đô thị;

b) Tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành tại địa phương, cơ sở giáo dục về thực hiện các quy định của pháp luật, các chỉ đạo của cơ quan cấp trên, công tác phát hiện, can thiệp, xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em;

c) Đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch phối hợp về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

III. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

a) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức nghiên cứu, rà soát các quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, sửa đổi, bổ sung, ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách phòng ngừa và xử lý nghiêm các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; tổ chức thực hiện chiến dịch truyền thông về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em;

b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, ngành Giáo dục các tỉnh, thành phố và trẻ em nòng cốt về quyền, bổn phận của trẻ em, các giải pháp, kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em;

c) Chủ trì tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành tại các bộ, ngành, địa phương về thực hiện quy định của pháp luật về trẻ em, công tác xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em;

d) Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành liên quan xây dựng quy trình hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị bạo lực, xâm hại trong các cơ sở giáo dục.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo

a) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức nghiên cứu, rà soát các quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, sửa đổi, bổ sung, ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách phòng ngừa và xử lý nghiêm các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em trong các cơ sở giáo dục;

b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan chỉ đạo, tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục về quyền, bổn phận của trẻ em, bảo vệ trẻ em; triển khai các giải pháp phòng, chống bạo lực học đường, xâm hại trẻ em trong các cơ sở giáo dục; thực hiện chiến dịch truyền thông về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong các cơ sở giáo dục;

c) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức liên quan chỉ đạo, tổ chức tập huấn cho trẻ em về kiến thức pháp luật, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ; đưa nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, bổn phận của trẻ em, kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, an toàn trên môi trường mạng, kỹ năng phòng ngừa, lên tiếng thông tin, thông báo, tố giác hành vi, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em vào nội dung một số chương trình, hoạt động giáo dục;

d) Tăng cường công tác tư vấn tâm lý, công tác xã hội trong các cơ sở giáo dục;

đ) Triển khai quảng bá, giới thiệu về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111) trong các cơ sở giáo dục; trong sách giáo khoa và một số sản phẩm, ấn phẩm dành cho học sinh, giáo viên;

e) Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan có liên quan xây dựng, triển khai thực hiện quy trình phát hiện, hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị bạo lực, xâm hại;

g) Hướng dẫn công tác kiểm tra việc thực hiện các tiêu chuẩn an toàn, bảo vệ trẻ em đối với các cơ sở giáo dục.

3. Tổ chức thực hiện

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động bố trí từ nguồn kinh phí thực hiện của các chương trình, đề án liên quan do hai Bộ chủ trì để thực hiện Kế hoạch này; đối với các hoạt động phối hợp thường xuyên, mỗi cơ quan, đơn vị tự bảo đảm kinh phí thực hiện; những hoạt động phối hợp có kế hoạch dài hạn, cần nhiều nguồn lực, hai Bộ cùng trao đổi thống nhất, đề xuất nguồn kinh phí thực hiện.

Giao Cục Trẻ em thuộc Bộ Lao động - Thương binh và xã hội và Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo là hai đơn vị đầu mối phối hợp thực hiện Kế hoạch này; đánh giá tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch hằng năm, giữa kỳ vào năm 2022 và tổng kết vào năm 2025.

Mọi vấn đề phát sinh ngoài Kế hoạch này, hai Bộ cùng trao đổi, thống nhất trước khi thực hiện./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Hữu Độ

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Hà


Nơi nhận:
- PTTgCP Vũ Đức Đam (để báo cáo);
- Bộ trưởng Bộ LĐTBXH (để báo cáo);
- Bộ trưởng Bộ GDĐT (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ;
- Các cục, vụ liên quan thuộc Bộ LĐTBXH, Bộ GDĐT (để thực hiện);
- Sở LĐTBXH, Sở GDĐT các tỉnh, Tp trực thuộc TW (để thực hiện);
- Lưu: VT, Cục TE, Vụ GDCTHSSV.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch phối hợp 5533/KH-BLĐTBXH-BGDĐT năm 2019 về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông đến năm 2025 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

  • Số hiệu: 5533/KH-BLĐTBXH-BGDĐT
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 19/12/2019
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Nguyễn Hữu Độ, Nguyễn Thị Hà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản