Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 987/QĐ-BGDĐT

Hà Nội, ngày 17 tháng 04 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG PHÒNG NGỪA, HỖ TRỢ, CAN THIỆP BẠO LỰC, XÂM HẠI TÌNH DỤC TRẺ EM TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC GIAI ĐOẠN 2020-2025

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 09 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 05 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Quyết định số 1863/QĐ-TTg ngày 23 tháng 12 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020-2025.

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2020-2025 (sau đây gọi tắt là Kế hoạch hành động).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Thủ trưởng đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; các sở giáo dục và đào tạo chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng CP Nguyễn Xuân Phúc (để b/c);
- Phó Thủ tướng CP Vũ Đức Đam (để b/c);
- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ (để b/c);
- VP Chính phủ, Ban Tuyên giáo TƯ, Ủy ban Văn hoá TNTNNĐ của Quốc hội (để b/c);
- Các bộ: Công an, Lao động-Thương binh và Xã hội, Thông tin - Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tư pháp, Y tế (để ph/h);
- TƯ Đoàn TNCSHCM, Hội LHPN Việt Nam (để ph/h);
- UBND các tỉnh, thành phố (để ph/h);
- UBQGĐMGD, Hội KHVN, Hội CGC (để ph/h);
- Như Điều 3 (để t/h);
- Đăng Cổng TTĐT Bộ;
- Lưu: VT, Vụ GDCTHSSV.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Hữu Độ

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

PHÒNG NGỪA, HỖ TRỢ, CAN THIỆP BẠO LỰC, XÂM HẠI TÌNH DỤC TRẺ EM TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC GIAI ĐOẠN 2020-2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 987/QĐ-BGDĐT ngày 16 tháng 4 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Xây dựng và bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và kịp thời hỗ trợ can thiệp đối với bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên

2. Mục tiêu cụ thể

- 100% các cơ sở giáo dục tổ chức tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về phòng ngừa bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em đến cán bộ, nhà giáo và người học;

- 100% các cấp quản lý giáo dục ban hành văn bản chỉ đạo theo phân cấp về công tác phòng ngừa, hỗ trợ can thiệp đối với bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em;

- 100% cơ sở giáo dục thực hiện nâng cao năng lực, bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên trong cơ sở giáo dục;

- 100% các cơ sở giáo dục công khai tuyên truyền về kế hoạch phòng ngừa bạo lực học đường, thông qua tổng đài bảo vệ trẻ em Quốc gia 111, các kênh tiếp nhận thông tin về bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em trong cơ sở giáo dục; thực hiện các biện pháp can thiệp hỗ trợ kịp thời khi phát hiện người học bị hoặc có nguy cơ bị bạo lực học đường, bị xâm hại tình dục;

- 100% cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương và cơ sở giáo dục có quy chế phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương về phòng ngừa, ngăn chặn, can thiệp hỗ trợ kịp thời và xử lý triệt để các vụ việc liên quan đến bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em trong cơ sở giáo dục.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về phòng ngừa, hỗ trợ can thiệp đối với bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em.

a) Xây dựng tài liệu, tổ chức tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, chấp hành pháp luật của người học, cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên trong cơ sở giáo dục, gia đình người học về mối nguy hiểm và hậu quả của bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em và trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác và ngăn ngừa hành vi bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em;

b) Tuyên truyền các gương điển hình trong công tác phòng ngừa, hỗ trợ can thiệp đối với bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em trên các trang mạng (website), cổng thông tin điện tử, các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức khác cho người học, cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên trong cơ sở giáo dục, gia đình người học và cộng đồng;

c) Xây dựng và chỉ đạo thực hiện, chiến dịch truyền thông về phòng, chống bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em trong cơ sở giáo dục;

d) Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ, kỹ năng phòng ngừa bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em;

đ) Tăng cường quảng bá Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111) trong các trường học, cơ sở giáo dục: trên sách giáo khoa và các ấn phẩm dành cho người học, giáo viên;

e) Xây dựng và thực hiện có hiệu quả bộ Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục.

2. Tích hợp nội dung giáo dục phòng ngừa, hỗ trợ can thiệp đối với bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em vào một số hoạt động giáo dục, nội dung chương trình, sách giáo khoa

a) Tăng cường lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức chấp hành pháp luật của người học vào nội dung, chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới;

b) Lồng ghép, tích hợp nội dung, kiến thức về bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng ngừa, hỗ trợ can thiệp đối với bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em vào kế hoạch giáo dục của cơ sở giáo dục;

c) Giáo dục, trang bị kiến thức, rèn luyện kỹ năng về phòng ngừa, hỗ trợ can thiệp đối với bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em cho người học, cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên của cơ sở giáo dục và gia đình người học;

d) Thực hiện các phương pháp giáo dục tích cực, không bạo lực đối với người học.

3. Nâng cao năng lực, phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên các cơ sở giáo dục

a) Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền sự phối hợp của các tổ chức đoàn thể trong việc quản lý, bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên trong cơ sở giáo dục;

b) Tổ chức đánh giá, rà soát, bố trí đội ngũ cán bộ, nhà giáo, nhân viên phù hợp với chuyên môn, năng lực cá nhân, đảm bảo trong cơ sở giáo dục không có cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên vi phạm đạo đức nhà giáo, vi phạm quy chế chuyên môn nghiệp vụ;

c) Cơ sở giáo dục thường xuyên tổ chức sinh hoạt chuyên đề về nâng cao đạo đức nghề nghiệp, đạo đức nhà giáo và việc áp dụng hiệu quả các phương pháp giáo dục tích cực trong nhà trường;

d) Các cơ sở đào tạo giáo viên rà soát, cập nhật, đổi mới nội dung, chương trình, giáo trình, hình thức đào tạo; gắn yêu cầu kiến thức, nghiệp vụ sư phạm với năng lực, phẩm chất nghề nghiệp cho sinh viên theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, chuẩn nghề nghiệp giáo viên. Tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khóa, thực hành, thực tập sư phạm để rèn các kỹ năng sư phạm, kỹ năng giải quyết tình huống sư phạm, kỹ năng tư vấn tâm lý, hỗ trợ học sinh, bồi dưỡng đạo đức nhà giáo, chuyên đề đào tạo về công tác chủ nhiệm lớp cho sinh viên sư phạm;

đ) Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực phòng ngừa bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em cho người học và đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên trong cơ sở giáo dục.

4. Hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục trong các cơ sở giáo dục

a) Thiết lập và vận hành hiệu quả các kênh thông tin về bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em của cơ sở giáo dục: hộp thư góp ý, đường dây nóng, hệ thống camera giám sát và các hình thức khác. Thiết lập kênh thông tin liên lạc giữa cơ sở giáo dục và gia đình người học để tăng cường phối hợp quản lý, xử lý các tình huống liên quan tới bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em;

b) Xây dựng hệ thống theo dõi, thu nhận, thống kê và phân tích các nhóm đối tượng có nguy cơ xảy ra bạo lực học đường, xâm hại tình dục trong cơ sở giáo dục của ngành Giáo dục;

c) Tổ chức triển khai hoạt động tư vấn tâm lý, công tác xã hội trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

(Các hoạt động cụ thể thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp và phân công thực hiện tại Phụ lục kèm theo)

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Kinh phí thực hiện Kế hoạch hành động bao gồm:

- Ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm;

- Nguồn chi thường xuyên của cơ sở giáo dục;

- Tài trợ, viện trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước;

- Các nguồn hợp pháp khác.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Đối với các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo

a) Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (GDCTHSSV) là đơn vị chủ trì tham mưu Lãnh đạo Bộ triển khai Kế hoạch hành động; phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các hoạt động:

- Xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện Kế hoạch hành động của ngành Giáo dục trong từng năm;

- Triển khai các nhiệm vụ cụ thể được giao;

- Lập dự toán kinh phí đảm bảo cho việc triển khai kế hoạch hàng năm;

- Phối hợp với các đơn vị triển khai ở các cấp, bậc học;

- Tổ chức theo dõi, kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết việc triển khai Kế hoạch hành động.

b) Văn phòng Bộ phối hợp với Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, các đơn vị thuộc Bộ, các cơ quan truyền thông chủ động tổ chức tuyên truyền, giới thiệu các nội dung, tình hình triển khai, kết quả đạt được của Kế hoạch hành động.

c) Vụ Kế hoạch - Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán và bảo đảm kinh phí hằng năm thực hiện các hoạt động của Kế hoạch hành động.

2. Các sở giáo dục và đào tạo

a) Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành của địa phương phối hợp) với ngành Giáo dục triển khai Kế hoạch hành động. Xây dựng kế hoạch triển khai Kế hoạch hành động trong các cơ sở giáo dục tại địa phương;

b) Chỉ đạo các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý thực hiện các nhiệm vụ được giao. Chỉ đạo triển khai việc cung cấp số liệu lên hệ thống thông tin điện tử về phòng, chống bạo lực học đường của ngành Giáo dục;

c) Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết và báo cáo việc thực hiện Kế hoạch hành động về Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Vụ GDCTHSSV) để tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng.

3. Các phòng giáo dục và đào tạo

a) Phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, các tổ chức xã hội của địa phương triển khai Kế hoạch của ngành Giáo dục và của địa phương;

b) Chỉ đạo các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý thực hiện các nhiệm vụ được giao. Chỉ đạo triển khai việc cung cấp số liệu lên hệ thống thông tin điện tử về phòng, chống bạo lực học đường của ngành Giáo dục;

c) Định kỳ báo cáo cơ quan quản lý cấp trên kết quả thực hiện Kế hoạch hành động.

4. Các cơ sở giáo dục

a) Lãnh đạo các cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên việc triển khai Kế hoạch hành động. Triển khai hiệu quả công tác phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp đối với bạo lực và xâm hại trẻ em;

b) Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các tổ chức đoàn thể xây dựng kế hoạch thực hiện Kế hoạch hành động tại cơ sở giáo dục. Tổ chức ký cam kết, phối hợp hằng năm giữa gia đình người học với cơ sở giáo dục và các tổ chức đoàn thể về việc quản lý, giáo dục người học không để xảy ra bạo lực học đường;

c) Thực hiện nghiêm túc các quy định liên quan đến năng lực, phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của cơ sở giáo dục. Xây dựng và triển khai bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học; các mô hình phòng chống bạo lực học đường; triển khai bộ công cụ hỗ trợ phòng ngừa các nguy cơ về bạo lực học đường và kịch bản ứng phó với các tình huống bạo lực.

d) Tổ chức các diễn đàn, hoạt động giáo dục tăng quyền tham gia của học sinh trong các hoạt động giáo dục.

đ) Khuyến khích, động viên đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, người lao động trong cơ sở giáo dục áp dụng các phương pháp giáo dục tích cực. Tăng cường giáo dục các kỹ năng tự bảo vệ, kỹ năng giao tiếp ứng xử tích cực cho học sinh.

e) Cung cấp số liệu lên hệ thống thông tin điện tử phòng, chống bạo lực học đường của ngành Giáo dục.

g) Định kỳ báo cáo cơ quan quản lý cấp trên kết quả thực hiện Kế hoạch hành động.

Trong quá trình triển khai nếu có khó khăn vướng mắc xin liên hệ với Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Vụ GDCTHSSV, số 35 Đại Cồ Việt, Hà Nội) để chỉ đạo kịp thời.

 

PHỤ LỤC

CÁC HOẠT ĐỘNG THUỘC KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG
PHÒNG NGỪA, HỖ TRỢ, CAN THIỆP BẠO LỰC, XÂM HẠI TÌNH DỤC TRẺ EM TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC GIAI ĐOẠN 2020-2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 987/QĐ-BGDĐT ngày 17 tháng 04 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

TT

Nội dung

Chủ trì

Phối hợp

Thời gian

I

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về phòng ngừa, hỗ trợ can thiệp đối với bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em.

1

Xây dựng tài liệu tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, chấp hành pháp luật của người học, cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên trong cơ sở giáo dục, gia đình người học về mối nguy hiểm và hậu quả của bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em và trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác và ngăn ngừa hành vi bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em.

Vụ GDCTHSSV

Các Vụ, cục liên quan thuộc bộ, các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan

2020-2025

2

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, chấp hành pháp luật của người học, cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên trong cơ sở giáo dục, gia đình người học về mối nguy hiểm và hậu quả của bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em và trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác và ngăn ngừa hành vi bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em.

Cơ sở giáo dục

Các cơ quan, các tổ chức liên quan

2020-2025

3

Tuyên truyền các gương điển hình trong công tác phòng ngừa, hỗ trợ can thiệp đối với bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em trên các trang mạng (website), cổng thông tin điện tử, các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức khác cho người học, cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên trong cơ sở giáo dục, gia đình người học và cộng đồng.

Văn phòng

Báo Giáo dục và Thời đại

2020-2025

4

Xây dựng và chỉ đạo thực hiện, chiến dịch truyền thông về phòng, chống bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em trong cơ sở giáo dục

Văn phòng

Các sở GDĐT

2020-2025

5

Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ, kỹ năng phòng ngừa bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em.

Vụ GDCTHSSV

Các Vụ, cục liên quan thuộc bộ, các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan

2020-2025

6

Tăng cường quảng bá Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111) trong các trường học, cơ sở giáo dục: trên sách giáo khoa và các ấn phẩm dành cho người học, giáo viên

Nhà xuất bản

Các cơ sở giáo dục

2020-2025

7

Xây dựng và thực hiện có hiệu quả bộ Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục

Cơ sở giáo dục

Các cơ quan, các tổ chức liên quan

2020-2025

II

Tích hợp nội dung giáo dục phòng ngừa, hỗ trợ can thiệp đối với bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em vào một số hoạt động giáo dục, nội dung chương trình, sách giáo khoa

1

Tăng cường lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức chấp hành pháp luật của người học vào nội dung, chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

Các đơn vị thuộc Bộ

Các bộ, ngành liên quan

2020-2025

2

Lồng ghép, tích hợp nội dung, kiến thức về bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng ngừa, hỗ trợ can thiệp đối với bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em vào kế hoạch giáo dục của cơ sở giáo dục.

Cơ sở giáo dục

Các cơ quan, các tổ chức liên quan

2020-2025

3

Giáo dục, trang bị kiến thức, rèn luyện kỹ năng về phòng ngừa, hỗ trợ can thiệp đối với bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em cho người học, cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên của cơ sở giáo dục và gia đình người học.

Vụ GDCTHSSV

Các bộ, ngành, tổ chức liên quan

2020-2025

4

Thực hiện các phương pháp giáo dục tích cực, không bạo lực đối với người học.

Vụ GDCTHSSV

Các bộ, ngành, đơn vị, tổ chức liên quan

2020-2025

III

Nâng cao năng lực, phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên các cơ sở giáo dục

1

Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền sự phối hợp của các tổ chức đoàn thể trong việc quản lý, bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục

Các cấp ủy Đảng

Các tổ chức đoàn thể liên quan

2020-2025

2

Tổ chức đánh giá, rà soát, bố trí đội ngũ cán bộ, nhà giáo, nhân viên phù hợp với chuyên môn, năng lực cá nhân, đảm bảo trong cơ sở giáo dục không có cán bộ quản lý, nhà giáo và nhân viên vi phạm đạo đức nhà giáo, vi phạm quy chế chuyên môn nghiệp vụ.

Cơ sở giáo dục

Các cơ quan, các tổ chức liên quan

2020-2025

3

Cơ sở giáo dục thường xuyên tổ chức sinh hoạt chuyên đề về nâng cao đạo đức nghề nghiệp, đạo đức nhà giáo và việc áp dụng hiệu quả các phương pháp giáo dục tích cực trong nhà trường.

Cơ sở giáo dục

Các cơ quan, các tổ chức liên quan

2020-2025

4

Các cơ sở đào tạo giáo viên rà soát, cập nhật, đối mới nội dung, chương trình, giáo trình, hình thức đào tạo; gắn yêu cầu kiến thức, nghiệp vụ sư phạm với năng lực, phẩm chất nghề nghiệp cho sinh viên theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, chuẩn nghề nghiệp giáo viên.

Các cơ sở đào tạo giáo viên

 

2020-2025

5

Tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khóa, thực hành, thực tập sư phạm để rèn các kỹ năng sư phạm, kỹ năng giải quyết tình huống sư phạm, kỹ năng tư vấn tâm lý, hỗ trợ học sinh, bồi dưỡng đạo đức nhà giáo, chuyên đề đào tạo về công tác chủ nhiệm lớp cho sinh viên sư phạm.

Cơ sở giáo dục

Các cơ quan, các tổ chức liên quan

2020-2025

6

Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực phòng ngừa bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em cho người học và đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên trong cơ sở giáo dục.

Bộ GDĐT, các Sở GDĐT, các cơ sở đào tạo giáo viên, các cơ sở giáo dục

Các cơ quan, các tổ chức liên quan

2020-2025

IV

Hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục trong các cơ sở giáo dục

1

Thiết lập và vận hành hiệu quả các kênh thông tin về bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em của cơ sở giáo dục: hộp thư góp ý, đường dây nóng, hệ thống camera giám sát và các hình thức khác.

Cơ sở giáo dục

Các cơ quan, các tổ chức liên quan

2020-2025

2

Thiết lập kênh thông tin liên lạc giữa cơ sở giáo dục với cơ quan chức năng và gia đình người học để tăng cường phối hợp quản lý, xử lý các tình huống liên quan tới bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em.

Cơ sở giáo dục

Các cơ quan, các tổ chức liên quan

2020-2025

3

Xây dựng hệ thống theo dõi, thu nhận, thống kê và phân tích các nhóm đối tượng có nguy cơ xảy ra bạo lực học đường, xâm hại tình dục trong cơ sở giáo dục của ngành Giáo dục.

Vụ GDCTHSSV

Cục CNTT, các Vụ cục liên quan thuộc Bộ. Các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan

2020-2025

4

Tổ chức triển khai hoạt động tư vấn tâm lý, công tác xã hội trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Vụ GDCTHSSV

Các Vụ cục liên quan thuộc Bộ. Các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan

2020-2025

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 987/QĐ-BGDĐT năm 2020 về Kế hoạch hành động phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp bạo lực, xâm hại tình dụng trẻ em trong cơ sở giáo dục giai đoạn 2020-2025 do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

  • Số hiệu: 987/QĐ-BGDĐT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 17/04/2020
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Người ký: Nguyễn Hữu Độ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 17/04/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản