Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 97/KH-UBND | Lạng Sơn, ngày 09 tháng 9 năm 2016 |
Thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; Chỉ thị số 05-CT/TU ngày 09/6/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng, chống ngộ độc thực phẩm, UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TU ngày 09/6/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng, chống ngộ độc thực phẩm giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh, như sau:
1. Mục đích
Các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm và mỗi người dân đều có trách nhiệm về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP); tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về ATTP, tạo bước chuyển biến tích cực trong công tác quản lý ATTP và phòng, chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2020.
2. Yêu cầu
Công tác đảm bảo ATTP và phòng, chống ngộ độc thực phẩm phải được thực hiện thường xuyên, liên tục; gắn với việc phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương; thực hiện theo nguyên tắc, đảm bảo an toàn ở tất cả các công đoạn của quá trình sản xuất, kinh doanh, sơ chế, chế biến và tiêu dùng sản phẩm.
Xác định cụ thể các nội dung, nhiệm vụ, phân công trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và đoàn thể trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TU ngày 09/6/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác đảm bảo ATTP và phòng, chống ngộ độc thực phẩm.
Tăng cường phối hợp, phân công trách nhiệm, phân cấp quản lý giữa các cấp, các ngành trong công tác quản lý ATTP tránh sự chồng chéo trong quản lý.
1. Mục tiêu chung
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm và đạo đức của mỗi người, mỗi cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức và của cộng đồng đối với công tác bảo đảm vệ sinh ATTP; nâng cao năng lực của hệ thống quản lý nhà nước về ATTP, kiểm soát tốt ATTP nhằm giải quyết căn bản những bức xúc nổi cộm hiện nay, cải thiện rõ tình trạng ATTP trên địa bàn tỉnh; chủ động phòng, chống có hiệu quả ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, góp phần bảo vệ, nâng cao chất lượng sức khỏe của bản thân, gia đình, cộng đồng, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế trong tình hình mới.
2. Một số mục tiêu cụ thể đến năm 2020
2.1. Nâng cao nhận thức, thực hành đúng về ATTP của người quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và của người tiêu dùng
- 90% người sản xuất, chế biến, kinh doanh, người tiêu dùng thực phẩm, có kiến thức thực hành đúng về ATTP.
- 95% người quản lý các cấp có kiến thức và thực hành đúng về ATTP.
2.2. Nâng cao năng lực quản lý đảm bảo chất lượng ATTP
- 100% các huyện, thành phố có cán bộ, chuyên trách làm công tác ATTP.
- 100% cán bộ làm công tác ATTP từ tuyến tỉnh đến các xã, phường, thị trấn được đào tạo, cập nhật kiến thức về quản lý, chuyên môn kỹ thuật về ATTP.
- Tuyến tỉnh có ít nhất 01 phòng kiểm nghiệm đạt chuẩn ISO 17025:2005.
2.3. Cải thiện rõ rệt tình trạng bảo đảm ATTP của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, bếp ăn tập thể và dịch vụ ăn uống
- Trên 90% các cơ sở sản xuất, kinh doanh do ngành Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý được cấp “Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm”.
- 100% bếp ăn tập thể được quản lý và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP.
- 100% cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống tuyến tỉnh và 90% cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống tuyến huyện được kiểm tra, đánh giá và phân loại hàng năm (trong đó 80% đạt điều kiện ATTP).
- 100% siêu thị được kiểm soát ATTP; 80% chợ được quy hoạch và kiểm soát về ATTP.
2.4. Đẩy mạnh và phát triển mô hình quản lý ATTP tiên tiến
- 100% các huyện, thành phố quy hoạch và phát triển các vùng sản xuất rau, quả, chè, thịt an toàn; 80% vùng nuôi trồng nhỏ lẻ được giám sát dư lượng hóa chất độc hại; 30% cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký cam kết bảo đảm ATTP theo quy định.
- 80% số doanh nghiệp sản xuất thực phẩm thuộc ngành Công Thương được hướng dẫn áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như GMP(thực hành sản xuất tốt), HACCP( phân tích mối nguy và điểm kiểm soát giới hạn).
- 60% diện tích sản xuất rau, chè áp dụng hệ thống đảm bảo chất lượng ATTP theo VietGAP (quy định về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt).
- Quy hoạch và đầu tư xây dựng 1 - 2 điểm giết mổ tập trung đảm bảo quy mô và công suất.
- Tiếp tục hỗ trợ duy trì, xây dựng mới chuỗi thực phẩm an toàn nông lâm thủy sản; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá các sản phẩm thế mạnh của tỉnh đảm bảo ATTP.
2.5. Ngăn ngừa có hiệu quả tình trạng ngộ độc thực phẩm cấp tính
- Không để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm ≥ 15 người mắc.
- Tỷ lệ mắc ngộ độc thực phẩm cấp tính trong các vụ ngộ độc thực phẩm được ghi nhận ≤ 5 người/100.000 dân.
- 100% vụ ngộ độc thực phẩm báo cáo được điều tra, xử lý kịp thời.
1. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy và chính quyền đối với công tác đảm bảo ATTP
- Tăng cường hiệu lực quản lý của Ban Chỉ đạo về vệ sinh ATTP các cấp. Quy định phân công trách nhiệm quản lý về ATTP trên địa bàn tỉnh.
- Xây dựng, ban hành kế hoạch, chương trình, dự án về bảo đảm vệ sinh ATTP theo giai đoạn phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác ATTP.
- Tiếp tục hoàn thiện công tác phân cấp quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống đến tuyến xã.
- Chỉ đạo các địa phương xây dựng phương án quy hoạch các vùng sản xuất rau, quả, thịt an toàn, các điểm cung cấp thực phẩm an toàn, khu giết mổ tập trung.
- Tăng cường hoạt động giám sát đối với công tác bảo đảm ATTP ở các địa phương. Thực hiện giám sát và vận động nhân dân giám sát lẫn nhau trong cộng đồng trong quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm an toàn.
2. Nâng cao nhận thức, kiến thức và thực hành về ATTP
- Tiếp tục triển khai mạnh mẽ và đồng bộ các hoạt động thông tin, giáo dục và truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng đối với tất cả các nhóm đối tượng (quản lý, sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng) nhằm thay đổi hành vi về ATTP. Xây dựng các nội dung tuyên truyền phù hợp với các đối tượng, các vùng dân cư khác nhau. Thực hiện tuyên truyền bằng nhiều hình thức, trên nhiều kênh thông tin để người dân tiếp cận với kiến thức ATTP.
- Nội dung tuyên truyền tập trung vào việc phổ biến Luật An toàn thực phẩm và các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định về đảm bảo ATTP; kiến thức về đảm bảo chất lượng, vệ sinh, an toàn trong trồng trọt, chăn nuôi sản phẩm nông sản thực phẩm, trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, trong xuất, nhập khẩu thực phẩm; quyền lợi của người tiêu dùng, nghĩa vụ của người sản xuất trong việc thực hiện các quy định về bảo đảm ATTP; tầm quan trọng của ATTP đối với đời sống xã hội, đến sức khỏe con người, sự phát triển giống nòi và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, giới thiệu các mô hình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn của tỉnh...
- Đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng chương trình truyền thông chủ động trên Đài phát thanh - Truyền hình tỉnh; sử dụng nhiều hình thức truyền thông có hiệu quả như in ấn, biên tập, phát hành tài liệu, sổ tay hướng dẫn, tờ rơi, pa nô, áp phích, mở các chuyên mục, chuyên trang về “An toàn thực phẩm” trên báo, đài của địa phương, Website ngành Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và các tạp chí khác...
- Các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và đoàn thể tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động tới từng hội viên, hộ nông dân, chủ trang trại, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực hiện các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm, ký cam kết bảo đảm vệ sinh ATTP thuộc phạm vi quản lý và theo phân cấp quản lý của từng địa phương.
- Đưa nội dung giáo dục ATTP vào các cấp học phổ thông; tổ chức các hội nghị, hội thảo trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tập huấn kiến thức về ATTP đến các chủ trang trại và người dân hoặc lồng ghép qua các buổi sinh hoạt khối phố, nói chuyện để cung cấp những kiến thức cơ bản về ATTP như lựa chọn, bảo quản thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm cho cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức, thái độ của người tiêu dùng, chủ động không sử dụng các thực phẩm không đảm bảo chất lượng.
- Kịp thời đưa tin và thông tin chính xác về tình hình ATTP trên địa bàn. Chú trọng tuyên truyền và giới thiệu các mô hình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn; công khai các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm vi phạm các quy định về đảm bảo ATTP để nâng cao nhận thức, thái độ của người tiêu dùng, đấu tranh mạnh mẽ với các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP, chủ động không sử dụng thực phẩm không đảm bảo chất lượng.
3. Tăng cường năng lực hệ thống quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về ATTP
- Củng cố, kiện toàn các cơ quan quản lý nhà nước về ATTP các tuyến đáp ứng yêu cầu công tác quản lý ATTP trên địa bàn tỉnh. Nâng cao năng lực quản lý, nghiệp vụ chuyên môn, thanh kiểm tra cho cán bộ làm công tác ATTP.
- Tiếp tục hoàn thiện công tác phân công, phân cấp quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống đến tuyến xã, phường, thị trấn; tăng cường trách nhiệm quản lý giữa các cấp, các ngành trong công tác quản lý ATTP để tạo hiệu quả rõ rệt, tránh chồng chéo.
- Xây dựng quy chế phối hợp quản lý ATTP giữa 3 Sở Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công Thương.
- Tập trung đầu tư về hạ tầng, trang thiết bị cho các phòng kiểm nghiệm hiện có. Trước mắt, đầu tư nâng cấp phòng xét nghiệm của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh thuộc Sở Y tế đạt tiêu chuẩn ISO 17025; tăng số lượng các chỉ tiêu kiểm nghiệm đạt chuẩn ISO/IEC17025:2005, từng bước đáp ứng yêu cầu về kiểm nghiệm phục vụ công tác quản lý ATTP trên địa bàn tỉnh.
- Chú trọng công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về ATTP tại các tuyến, thu hút nguồn nhân lực có chuyên môn, nghiệp vụ thực hiện nhiệm vụ quản lý ATTP.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đột xuất về ATTP, quản lý chặt chẽ chất lượng ATTP đối với từng công đoạn của “Chuỗi cung cấp thực phẩm”. Kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật về ATTP, thực hiện truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm, nhất là đối với tình trạng lạm dụng hóa chất độc hại trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; việc lưu thông thực phẩm giả, kém chất lượng, thực phẩm không rõ nguồn gốc.
- Đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh hóa chất bảo vệ thực vật và các vật tư nông nghiệp, đảm bảo sử dụng đúng chất lượng, chủng loại, liều lượng, thời gian cách ly của các loại vật tư nông nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản, chế biến nông sản thực phẩm.
- Thường xuyên thực hiện giám sát, kiểm tra tồn dư hóa chất độc hại trong nông sản, thủy sản thực phẩm. Kiểm soát chặt chẽ các điểm giết mổ gia súc, gia cầm, kiên quyết xử lý các cơ sở giết mổ tự phát, không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y. Kiểm tra việc thực hiện các quy định bảo đảm điều kiện ATTP trong toàn bộ chuỗi sản xuất.
- Ngăn chặn việc kinh doanh hàng thực phẩm giả, kém chất lượng, quá hạn sử dụng, vi phạm quy định ghi nhãn hàng hóa, gian lận thương mại, nhập lậu, không rõ nguồn gốc và hàng thực phẩm vi phạm pháp luật về ATTP.
- Quản lý chặt chẽ về vệ sinh ATTP các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể; tăng cường giám sát, thanh tra các cơ sở dịch vụ ăn uống, chủ động giám sát các mối nguy ATTP để thông tin cảnh báo cho cộng đồng.
- Tăng cường công tác quản lý và giám sát chất lượng nguồn nước sử dụng trong sản xuất thực phẩm, ăn uống, sinh hoạt.
4. Nâng cao năng lực phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm
- Tăng cường năng lực và hiệu quả của hệ thống giám sát, chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Tổ chức giám sát mối nguy các sản phẩm thực phẩm có nguy cơ cao nhằm kịp thời cảnh báo về nguy cơ mất ATTP.
- Kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện các quy định pháp luật về ATTP, đặc biệt các điều kiện ATTP của các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, nhà hàng, khách sạn, khu du lịch, lễ hội, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể trường học...; quy định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị liên quan, kiên quyết không để các cơ sở không đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cung ứng dịch vụ ăn uống.
- Tăng cường công tác cấp giấy tiếp nhận công bố hợp quy và xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP; giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; nâng cao tỷ lệ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện và ký cam kết bảo đảm ATTP ở các tuyến từ tỉnh, huyện đến xã.
- Xây dựng hệ thống cảnh báo và giám sát tình hình ô nhiễm thực phẩm làm cơ sở khoa học cho công tác quản lý ATTP. Chủ động xử lý nhanh chóng các sự cố về ATTP, đề xuất các biện pháp khắc phục hậu quả. Điều tra xử lý kịp thời, khắc phục và hạn chế hậu quả ngộ độc thực phẩm.
5. Đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, quản lý ATTP tiên tiến
- Quy hoạch các vùng sản xuất thực phẩm an toàn; tập trung vào đối tượng sản xuất, rau quả, thịt gia súc, gia cầm và thủy sản. Xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu thực phẩm, chế biến, kinh doanh thực phẩm với quy mô tập trung gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới.
- Tăng cường chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến thực phẩm; hỗ trợ đối với các sản phẩm an toàn thông qua mô hình sản xuất, khâu tiêu thụ và xây dựng thương hiệu sản phẩm, quảng bá các sản phẩm thế mạnh của tỉnh như rau cải ngồng, rau bò khai, măng ớt, quýt, na, hồng Bảo Lâm, vịt quay, lợn quay Lạng Sơn… Tăng cường kết nối sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn tới người tiêu dùng.
- Tiếp tục khuyến khích, động viên các doanh nghiệp, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh thực phẩm đổi mới công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến và chấp hành, tuân thủ các quy định của pháp luật về ATTP; duy trì và nhân rộng các mô hình điểm về ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quản lý, sản xuất và kinh doanh thực phẩm an toàn (GMP, GHP, HACCP, ISO, VietGAP…), qua đó kiểm soát được các mối nguy về ATTP và tạo ra các sản phẩm đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
6. Quản lý giết mổ gia súc, gia cầm
- Xây dựng Đề án quản lý giết mổ tập trung gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2016 - 2020 có từ 1 - 2 điểm giết mổ tập trung đảm bảo quy mô và công suất.
- Tiếp tục đầu tư mua sắm thiết bị, nâng cấp khu tiêu hủy động vật và sản phẩm động vật.
- Triển khai đồng bộ các hoạt động đảm bảo ATTP trong chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, bảo quản, kinh doanh sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh.
- Tăng cường kiểm tra các cơ sở giết mổ, dẹp bỏ các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không đảm bảo ATTP.
7. Quản lý các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại
- Triển khai đầu tư phát triển hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh thông qua việc kết hợp giữa cải tạo và nâng cấp hệ thống chợ hiện có với việc mở rộng và phát triển thêm các chợ mới theo quy hoạch.
- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, rà soát tại các chợ cóc, chợ tạm, trung tâm thương mại trên địa bàn.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm nghiệm, giám sát, hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP tại chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, kiên quyết xử lý các vi phạm, đặc biệt đối với những loại thực phẩm có nguy cơ cao mất an toàn kinh doanh trong các chợ.
8. Đảm bảo kinh phí cho công tác ATTP
- Tăng cường đầu tư kinh phí cho công tác đảm bảo ATTP. Xã hội hóa, đa dạng các nguồn lực tài chính và từng bước tăng mức đầu tư cho công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh.
- Đẩy mạnh xã hội hóa một số khâu dịch vụ kỹ thuật phục vụ công tác quản lý ATTP; phát huy vai trò của các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, các tổ chức đoàn thể trong việc tham gia đảm bảo ATTP; phát triển, khuyến khích các cá nhân, tổ chức tham gia đầu tư, liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ về kiểm nghiệm ATTP và các tổ chức chứng nhận; có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ đối với các cơ sở mạnh dạn đầu tư áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, duy trì tốt điều kiện ATTP.
1. Sở Y tế (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo về vệ sinh ATTP tỉnh)
- Chủ trì, phối hợp cùng các sở, ban, ngành có liên quan thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo về vệ sinh ATTP tỉnh thường xuyên kiểm tra thực hiện các quy định pháp luật về ATTP; tham mưu cho Ban Chỉ đạo tỉnh thực hiện có hiệu quả các hoạt động bảo đảm vệ sinh ATTP.
- Tham mưu xây dựng kế hoạch hoạt động ATTP từng giai đoạn và triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án.
- Phối hợp với các cơ quan liên quan, căn cứ các văn bản hướng dẫn và tình hình thực tế tại địa phương để quy định cụ thể phân công trách nhiệm, phân cấp quản lý giữa các cấp, các ngành trong công tác quản lý ATTP để tạo ra hiệu quả rõ rệt, tránh chồng chéo.
- Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội của tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bảo đảm ATTP, tăng cường công tác truyền thông về ATTP bằng nhiều hình thức, phù hợp với đặc thù của từng địa phương; tuyên truyền các chính sách pháp luật về ATTP đến người dân, các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh thực phẩm và cơ quan quản lý. Cung cấp thông tin về cơ sở chấp hành tốt các quy định về ATTP, cơ sở cung cấp thực phẩm an toàn để người dân biết và lựa chọn. Công bố công khai cá nhân, tổ chức vi phạm về ATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường các hoạt động chuyên môn về thông tin truyền thông, cấp giấy chứng nhận; thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATTP; chủ động giám sát mối nguy, đảm bảo ATTP các dịp cao điểm lễ, tết, các sự kiện trên địa bàn tỉnh.
- Tăng cường củng cố nâng cao năng lực hoạt động của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm và năng lực kiểm soát ATTP của ngành tại tuyến huyện, tuyến xã. Xây dựng hệ thống kiểm nghiệm ATTP của ngành theo hướng tập trung, hiệu quả đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về ATTP.
- Phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các kế hoạch, tổng hợp kết quả báo cáo UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh ATTP.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ động phối hợp với các huyện, thành phố chỉ đạo xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất nông sản thực phẩm an toàn; thúc đẩy áp dụng rộng rãi mô hình VietGAP và hình thành hệ thống phân phối thực phẩm an toàn; kết nối người tiêu dùng với thực phẩm an toàn.
- Chủ trì phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tăng cường quản lý ATTP trong suốt quá trình sản xuất, thu gom, giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh sản phẩm nông lâm, thủy hải sản theo phân cấp quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đột xuất về ATTP đối với ngành hàng được phân công; siết chặt quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, quy trình sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản nông sản thực phẩm, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi; kiểm soát hiệu quả điều kiện vệ sinh, ATTP đối với hoạt động giết mổ, vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát vệ sinh thú y; định kỳ lấy mẫu các loại thực phẩm thuộc ngành quản lý lưu thông trên thị trường kiểm nghiệm để đánh giá chất lượng ATTP nhằm khuyến cáo cho người tiêu dùng và các cơ quan liên quan.
- Tập trung chỉ đạo xây dựng và phát triển các mô hình liên kết sản xuất, phân phối tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn theo chuỗi giá trị (trọng tâm là các sản phẩm đặc trưng của tỉnh như rau cải ngồng, bò khai, măng ớt, quýt, na, hồng Bảo Lâm, chè, lợn quay, vịt quay…); tăng cường kết nối người tiêu dùng với thực phẩm an toàn.
- Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố quy hoạch và đầu tư xây dựng 1 - 2 điểm giết mổ tập trung đảm bảo quy mô và công suất phù hợp tại địa phương.
- Tăng cường đầu tư nâng cao năng lực Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản; xây dựng phòng Kiểm nghiệm thực phẩm nông lâm thủy sản đạt tiêu chuẩn ISO 17025 để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về lĩnh vực này.
- Phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và các ban, ngành liên quan trong việc triển khai các giải pháp đảm bảo ATTP, các chương trình, đề án trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm khi có xảy ra sự cố về ATTP.
3. Sở Công Thương
- Chủ trì, tham mưu cho Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường lực lượng để kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, thực phẩm không rõ nguồn gốc, nhập lậu, kém chất lượng, quá hạn sử dụng; ngăn chặn gian lận thương mại trong lưu thông thực phẩm. Tập trung xử lý nghiêm việc vận chuyển, lưu thông các loại thực phẩm tươi sống nhập lậu không an toàn, không rõ nguồn gốc.
- Tăng cường quản lý suốt quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh đối với rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột, tinh bột, bánh, mứt, kẹo, dụng cụ, vật liệu bao gói chuyên dụng và các thực phẩm khác theo phân cấp quản lý của Chính phủ để ngăn chặn các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng.
- Thực hiện phân cấp quản lý, chỉ đạo tăng cường hoạt động thẩm định, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP đối với cơ sở thuộc phạm vi quản lý.
- Xây dựng, triển khai các mô hình điểm đảm bảo vệ sinh ATTP tại các siêu thị, trung tâm thương mại. Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể hướng dẫn UBND các huyện, thành phố xây dựng thí điểm cửa hàng, điểm bán thực phẩm sạch an toàn tại chợ, tuyến phố trên địa bàn tỉnh (mỗi huyện, thành phố ít nhất có một cửa hàng bán thực phẩm sạch).
- Tăng cường năng lực, trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu trong quản lý ATTP theo nhiệm vụ được giao.
- Phối hợp với Sở Y tế và các ban, ngành liên quan trong việc xây dựng kế hoạch chi tiết, triển khai các giải pháp đảm bảo ATTP trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
4. Sở Khoa học và Công nghệ
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan rà soát việc thực hiện các quy định về quản lý chất lượng, tiêu chuẩn và nhãn mác sản phẩm thực phẩm theo quy định của Nhà nước. Tăng cường công tác kiểm tra nhãn mác, chất lượng hàng hóa trên địa bàn tỉnh.
- Ứng dụng hiệu quả các đề tài nghiên cứu khoa học về ATTP nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý.
- Tham mưu chính sách khuyến khích, thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa kỹ thuật vào sản xuất thực phẩm đảm bảo chất lượng ATTP.
5. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Chủ trì phối hợp với các Sở: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh kế hoạch đầu tư về cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các đơn vị quản lý ATTP. Trước mắt tham mưu cho UBND tỉnh phương án đầu tư xây dựng trụ sở cho Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm và Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản.
- Tham mưu phân bổ kinh phí các chương trình về ATTP và có kế hoạch đảm bảo nguồn kinh phí cho các hoạt động về ATTP trên địa bàn tỉnh. Huy động các nguồn tài trợ trong và ngoài nước đầu tư cho công tác đảm bảo ATTP.
6. Sở Tài chính
- Tham mưu cho UBND tỉnh đảm bảo kinh phí cho công tác quản lý, bảo đảm ATTP.
- Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan xây dựng phương án sử dụng kinh phí từ số tiền xử phạt vi phạm hành chính về ATTP và từ ngân sách nhà nước để đầu tư trang thiết bị kỹ thuật và công tác kiểm tra, kiểm nghiệm, xử lý tiêu hủy thực phẩm không an toàn.
7. Công an tỉnh
- Chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ, công an các huyện, thành phố tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, chủ động nắm tình hình, phát hiện đấu tranh, ngăn chặn đối với hành vi vận chuyển thực phẩm nhập lậu qua biên giới. Ngăn chặn các hành vi kinh doanh, vận chuyển sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch thú y, không đảm bảo ATTP.
- Phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, điều tra, thanh tra, kiểm tra về ATTP đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP và thông tin cho các cơ quan liên quan.
8. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc quản lý tốt công tác đảm bảo ATTP trường học. Không để xảy ra ngộ độc thực phẩm, dịch bệnh truyền qua thực phẩm.
- Chỉ đạo các trường học có bếp ăn tập thể xây dựng và nâng cấp các bếp ăn tập thể bảo đảm ATTP; chấp hành và thực hiện đầy đủ các điều kiện về vệ sinh ATTP theo quy định của pháp luật; thực hiện cam kết bảo đảm ATTP và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP theo quy định. Đảm bảo 100% các bếp ăn tập thể, bếp ăn bán trú có hợp đồng với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn và kiểm tra nguồn gốc thực phẩm.
- Phối hợp với các cơ quan liên quan đưa nội dung giáo dục ATTP vào các cấp học phổ thông; thường xuyên tuyên truyền, giáo dục cho học sinh các biện pháp đảm bảo ATTP để các em thực hành đúng về ATTP. Phối hợp tổ chức đào tạo tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về ATTP cho cán bộ quản lý ATTP tại các cơ sở giáo dục có bếp ăn bán trú; thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra các điều kiện đảm bảo vệ sinh ATTP tại các bếp ăn tập thể.
9. Sở Thông tin và Truyền thông
- Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về ATTP, Luật ATTP và các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP bằng nhiều hình thức thiết thực, hiệu quả. Chỉ đạo các đơn vị truyền thông trong ngành viết bài, đưa tin về các hoạt động ATTP trên địa bàn, ưu tiên các phương tiện truyền thông đại chúng dành thời lượng thích hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATTP. Đồng thời xử lý nghiêm khắc những cá nhân, đơn vị đưa tin sai lệch làm ảnh hưởng không tốt đến công tác bảo đảm ATTP, gây hoang mang tạo ra dư luận xấu trong xã hội.
- Thông báo chính xác, rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng các mặt hàng, sản phẩm, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đảm bảo ATTP và các cơ sở chưa đảm bảo ATTP. Tuyên truyền Luật ATTP, Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP và các văn bản quy phạm pháp luật mới về ATTP; tuyên truyền trách nhiệm của các cá nhân đặc biệt là của người sản xuất, kinh doanh trong việc đảm bảo ATTP cho mọi người; tuyên truyền cho người dân các phương pháp tự bảo vệ bản thân khi sử dụng thực phẩm; giới thiệu rộng rãi các cơ sở cung cấp thực phẩm sạch; nêu kinh nghiệm ở một số địa phương làm tốt công tác ATTP.
10. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Lạng Sơn
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vệ sinh ATTP trên các kênh phát thanh, truyền hình, trang thông tin điện tử của tỉnh... Phát huy vai trò là cơ quan truyền thông đại chúng, định hướng và nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong việc chấp hành quy định pháp luật.
- Tăng cường thời lượng phát sóng, đưa tin bài ảnh, phóng sự, chuyên mục về thực trạng tình hình ATTP trên địa bàn, tuyên truyền phổ biến kiến thức, các quy định pháp luật về ATTP; thường xuyên cập nhật đưa tin bài, ảnh phản ánh về các vấn đề liên quan đến vệ sinh ATTP, thông tin tình hình quản lý an toàn thực phẩm trên toàn tỉnh. Đăng tải đầy đủ các thông tin thời sự liên quan đến ATTP trên các số báo ra hàng ngày và các kênh thông tin truyền thông khác. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền như sản xuất, phát sóng các tin, bài, phóng sự, tọa đàm, chạy chữ truyền hình, bình luận chuyên sâu vấn đề nổi cộm về ATTP, khách mời trường quay về các nội dung ATTP, tổ chức các cuộc Tọa đàm trực tuyến theo định kỳ hoặc khi có sự kiện thời sự...
- Nâng cao chất lượng nội dung, chất lượng các chuyên mục; tăng cường tin bài, chuyên mục, chuyên trang, chương trình về ATTP. Chú trọng tuyên truyền và giới thiệu các mô hình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn; đồng thời công khai các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm vi phạm các quy định về đảm bảo ATTP để nâng cao nhận thức, thái độ của người tiêu dùng, chủ động không sử dụng các thực phẩm không đảm bảo chất lượng.
11. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định về ATTP, tập trung tại các khu du lịch trọng điểm thu hút số lượng lớn du khách.
- Phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế trong công tác đảm bảo vệ sinh ATTP tại các sự kiện văn hóa, du lịch trên địa bàn, tạo ấn tượng tốt đẹp cho du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại địa phương.
- Phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng tiêu chí về ATTP gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, vận động các hộ nông dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn đăng ký, cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.
12. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh
Chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng tại cửa khẩu kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh hàng hóa, đặc biệt là việc nhập lậu hàng thực phẩm qua biên giới vào nội địa. Phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức và thực hành về ATTP, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm cho cán bộ và chiến sỹ và nhân dân trên địa bàn. Phối hợp với ngành Y tế triển khai các hoạt động sơ cấp cứu, phòng chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn phụ trách.
13. Cục Hải quan
- Tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm soát thực phẩm nhập khẩu, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo quy định các lô hàng không đảm bảo chất lượng vệ sinh ATTP, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Chú trọng kiểm soát các sản phẩm nông, lâm, thủy sản; vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất tăng trưởng, thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu, phụ gia để chế biến nông sản và thủy, hải sản.
- Phối hợp với các lực lượng kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm thực phẩm nhập lậu. Cung cấp các thông tin cho hệ thống cảnh báo nhanh thực phẩm qua biên giới.
14. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và các tổ chức hội nghề nghiệp
Triển khai công tác vận động, giáo dục, đẩy mạnh và phát động các phong trào bảo đảm ATTP gắn với cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, khu phố văn hóa, gia đình văn hóa, nhằm khuyến khích hình thành hành vi sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu dùng các sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trong cộng đồng. Tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động hội viên và cộng đồng phát huy hiệu quả từ các mô hình đảm bảo vệ sinh ATTP của hội như các mô hình điểm về nuôi trồng, sản xuất thực phẩm an toàn, sản xuất rượu an toàn, mô hình “Trồng rau sạch”...
Phối hợp với các ngành tổ chức tập huấn, tuyên truyền phổ biến kiến thức ATTP cho các hội viên, đoàn viên và nhân dân để phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm. Thực hiện giám sát và vận động nhân dân giám sát lẫn nhau trong cộng đồng trong quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm an toàn.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh chủ trì, phối hợp với sở, ngành liên quan tổ chức triển khai chương trình phối hợp vận động và giám sát bảo đảm ATTP giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn và theo dõi kết quả triển khai thực hiện; tổ chức tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện, xã triển khai thực hiện chương trình.
15. UBND các huyện, thành phố
- Chủ tịch UBND các huyện, thành phố trực tiếp làm Trưởng ban Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP của địa phương, chủ động tổ chức lực lượng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm ATTP trên địa bàn.
- Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về công tác ATTP trên địa bàn theo phân cấp quản lý.
- Căn cứ kế hoạch đảm bảo ATTP của tỉnh và tình hình thực tế tại địa phương để xây dựng kế hoạch đảm bảo ATTP trên địa bàn quản lý; coi đây là nhiệm vụ cần tập trung chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội; ưu tiên bố trí đủ nguồn lực cho công tác đảm bảo vệ sinh ATTP.
- Trực tiếp chỉ đạo và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, thực hiện nhiệm vụ quản lý ATTP của UBND cấp xã, phường, thị trấn và các đơn vị liên quan trên địa bàn; kiên quyết xử lý cán bộ, công chức, viên chức thiếu trách nhiệm và buông lỏng quản lý về ATTP.
- Tổ chức, triển khai quy hoạch các vùng sản xuất nông sản ATTP phù hợp với điều kiện thực tế của các địa phương; xây dựng và phát triển nhân rộng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và khai thác nông - thủy sản an toàn, quản lý ATTP theo chuỗi; khuyến khích xây dựng và phát triển mô hình cửa hàng thực phẩm sạch tại các thị trấn, xã, phường nơi đông dân cư (mỗi huyện, thành phố ít nhất có một cửa hàng bán thực phẩm sạch).
UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ kế hoạch này xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện. Định kỳ 6 tháng, năm và đột xuất các sở, ngành, đoàn thể liên quan và UBND các huyện, thành phố báo cáo tình hình thực hiện về Sở Y tế (thông qua Chi cục An toàn thực phẩm) - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành về VSATTP tỉnh để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, báo cáo Chính phủ./.
| CHỦ TỊCH |
- 1Chỉ thị 05/CT-UBND năm 2014 tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
- 2Chỉ thị 04/2014/CT-UBND tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
- 3Chỉ thị 03/CT-UBND năm 2014 về tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Quảng Bình
- 4Kế hoạch 6295/KH-UBND năm 2016 đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016-2020
- 5Kế hoạch 245/KH-UBND năm 2016 công tác An toàn thực phẩm năm 2017 do thành phố Hà Nội ban hành
- 6Công văn 2574/VPCP-KGVX năm 2017 về vụ việc ngộ độc rượu xảy ra tại xã Ma Ly Chải huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 7Kế hoạch 16/KH-UBND năm 2024 đáp ứng công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trong tình hình mới, giai đoạn 2024-2025
- 1Luật an toàn thực phẩm 2010
- 2Nghị định 38/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật an toàn thực phẩm
- 3Chỉ thị 05/CT-UBND năm 2014 tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
- 4Chỉ thị 04/2014/CT-UBND tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
- 5Chỉ thị 03/CT-UBND năm 2014 về tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Quảng Bình
- 6Chỉ thị 13/CT-TTg năm 2016 về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Kế hoạch 6295/KH-UBND năm 2016 đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016-2020
- 8Kế hoạch 245/KH-UBND năm 2016 công tác An toàn thực phẩm năm 2017 do thành phố Hà Nội ban hành
- 9Công văn 2574/VPCP-KGVX năm 2017 về vụ việc ngộ độc rượu xảy ra tại xã Ma Ly Chải huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 10Kế hoạch 16/KH-UBND năm 2024 đáp ứng công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trong tình hình mới, giai đoạn 2024-2025
Kế hoạch 97/KH-UBND năm 2016 thực hiện Chỉ thị 05-CT/TU về tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng, chống ngộ độc thực phẩm giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn
- Số hiệu: 97/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 09/09/2016
- Nơi ban hành: Tỉnh Lạng Sơn
- Người ký: Phạm Ngọc Thưởng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 09/09/2016
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra