Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 8295/KH-UBND

Đắk Lắk, ngày 17 tháng 10 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN CẤP NƯỚC SẠCH ĐÔ THỊ GIAI ĐOẠN 2016-2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK

I. Mục đích và sự cần thiết

1. Mục đích:

Làm cơ sở để các sở, ban, ngành tỉnh, các cấp chính quyền phối hợp với các đơn vị cấp nước hoạt động trên địa bàn tỉnh thực hiện các chỉ tiêu cấp nước theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương được duyệt; phối hợp thực hiện chương trình cấp nước an toàn.

Đánh giá sơ bộ nhu cầu cấp nước sạch đô thị, xác định danh mục dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn trung hạn; áp dụng các cơ chế chính sách kêu gọi đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước đô thị; đầu tư phát triển mạng lưới mở rộng vùng phục vụ cấp nước sạch đô thị.

2. Cơ sở xây dựng kế hoạch:

Quyết định số 1929/QĐ-TTg ngày 20/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng phát triển cấp nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050;

Quyết định số 2147/QĐ-TTg ngày 24/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia chống thất thoát, thất thu nước sạch đến năm 2025;

Quyết định số 87/2009/QĐ-TTg ngày 17/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk thời kỳ đến năm 2020;

Quyết định số 1196/QĐ-TTg ngày 23/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt”;

Quyết định số 1566/QĐ-TTg ngày 09/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn giai đoạn 2016 - 2025;

Nghị quyết số 186/NQ-HĐND ngày 07/01/2016 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng tỉnh Đắk Lắk 5 năm giai đoạn 2016 - 2020;

Quyết định số 3451/QĐ-UBND ngày 16/12/2008 của UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống cấp nước đô thị tỉnh Đắk Lắk đến năm 2025.

3. Hiện trạng cấp nước đô thị trên địa bàn tỉnh:

- Tổng công suất thiết kế toàn bộ công trình cấp nước tập trung tại đô thị trên địa bàn tỉnh đến Quý I/2016 gần 76.600m3/ngày đêm. Tổng công suất thực tế bình quân 56.600m3/ngày đêm, đạt 66% công suất thiết kế. Trong đó, tỷ lệ công suất của các đơn vị cấp nước so với tổng công suất thiết kế, gồm: Công ty TNHH MTV Cấp nước và Đầu tư xây dựng Đắk Lắk chiếm 85,12%; Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn chiếm 12,13%; 02 huyện M’Drắk và Lắk quản lý công trình cấp nước tập trung chiếm khoảng 2,75%.

- Nguồn nước khai thác: Từ nước mặt (hồ, sông, suối) chiếm khoảng 10%; khai thác từ nguồn nước ngầm (giếng khoan, giếng đào) chiếm khoảng 90%.

- Tỷ lệ dân số đô thị được cấp nước sạch đến năm 2015 khoảng 72%, trong đó, thành phố Buôn Ma Thuột bình quân 87,4%; khu vực ngoại thành khoảng 21%. Mức cấp nước toàn tỉnh bình quân đạt 67 lít/người/ngày đêm (thấp hơn so với tiêu chuẩn bình quân là 100 lít/người/ngày đêm); tại thành phố Buôn Ma Thuột bình quân 115 lít/người/ngày đêm (thấp hơn so với tiêu chuẩn loại I là 180lít/người/ ngày đêm).

- Tỷ lệ thất thoát nước bình quân khoảng 22,80% (cao hơn so với chỉ tiêu bình quân là dưới 20%). Nguồn cấp nước tại các đô thị thiếu hụt nghiêm trọng, dịch vụ cấp nước không ổn định, duy trì lịch cúp nước luân phiên, áp lực nước trên toàn mạng chưa đạt quy chuẩn quy định (nhất là thành phố Buôn Ma Thuột; thị trấn Phước An; huyện Ea Kar...).

- Các đô thị đang có dự án cấp nước được triển khai gồm: thị trấn Krông Năng; huyện lỵ Buôn Đôn. Các đô thị chưa có công trình cấp nước tập trung gồm: thị trấn Ea K’Nốp; trung tâm huyện lỵ Cư Kuin; huyện Krông Búk.

- Khu công nghiệp Hòa Phú, các cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn chưa có hệ thống cấp nước tập trung phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

4. Đánh giá thuận lợi, khó khăn thách thức:

a) Thuận lợi:

- Giai đoạn 2011 - 2015, công tác phát triển cấp nước đô thị đã được quan tâm, việc đầu tư phát triển cấp nước đô thị đã đạt được những kết quả nhất định một số dự án, công trình cấp nước được thực hiện và đưa vào vận hành, như hệ thống cấp nước thị xã Buôn Hồ, thị trấn Buôn Trấp, dự án cấp nước từ hồ Ea Chư Cáp, mở rộng mạng cấp nước ở các khu vực đô thị. So với năm 2010, thì đến 2015 tổng công suất tăng thêm trên 9.500m3/ngày đêm, tỷ lệ dân cư đô thị được cấp nước sạch tăng bình quân 3%/năm.

Công tác chuyển giao công trình cấp nước tập trung do các địa phương quản lý tại các đô thị về Công ty TNHH MTV Cấp nước và Đầu tư xây dựng Đắk Lắk quản lý từ năm 2010, đã phát huy hiệu quả, hệ thống cấp nước tại các địa phương được chuyển giao đã được nâng cấp, mở rộng mạng lưới phục vụ và chất lượng nước cấp được cải thiện.

- Chính quyền các đô thị, đặc biệt là UBND thành phố Buôn Ma Thuột xác định hệ thống cấp nước đô thị là hạng mục công trình được ưu tiên đầu tư khi thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu dân cư (giao thông, cấp thoát nước, cấp điện). Từ đó, góp phần cho việc mở rộng hệ thống mạng cấp nước từ nhiều nguồn lực khác nhau, nâng tỷ lệ dân cư đô thị được cấp nước.

b) Những khó khăn, tồn tại:

- Danh mục các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư có các dự án cấp nước đô thị. Tuy nhiên, đầu tư cho công trình cấp nước đô thị đòi hỏi nguồn vốn lớn, chủ yếu từ các chương trình mục tiêu quốc gia của chính phủ, các nguồn vốn ODA, việc thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển cấp nước đô thị còn hạn chế, đến nay một số thị trấn, trung tâm huyện lỵ chưa được đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung (như thị trấn Ea K’Nốp, huyện lỵ Cư Kuin, huyện Krông Búk); một số thị trấn được đầu tư từ chương trình quốc gia về nước sạch nông thôn có công suất nhỏ, tỷ lệ cấp nước thấp, cần đầu tư mới (như thị trấn Ea Kar, Liên Sơn, huyện M’Drắk...). Vì vậy đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn để cải thiện công tác cấp nước sạch đô thị.

- Nguồn nước sử dụng cấp cho đô thị chủ yếu là nguồn nước ngầm, chiếm khoảng 90% tổng công suất, có trữ lượng không ổn định, chênh lệch trữ lượng nước giữa mùa khô và mùa mưa cao (khoảng 30%). Hiện tượng cạn kiệt dần nguồn nước ngầm trong thời gian gần đây đã làm thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cấp nước, chênh lệch giữa công suất thiết kế và công suất thực tế ngày càng lớn.

- Nguồn vốn phát triển sản xuất của các doanh nghiệp cấp nước trên địa bàn còn hạn chế, ảnh hưởng nhất định đến việc đầu tư mở rộng mạng phân phối (mạng cấp III), nâng cấp và hiện đại hóa ngành cấp nước. Thiết bị và mạng lưới đường ống cấp nước chưa đầu tư cải tạo, hiện đại hóa kịp thời, khai thác chưa hiệu quả, tỷ lệ thất thoát nước cao.

II. Định hướng phát triển cấp nước giai đoạn 2016 - 2020:

1. Quan điểm:

- Hoạt động cấp nước đô thị là loại hình hoạt động sản xuất kinh doanh có sự quản lý của Nhà nước nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị cấp nước và khách hàng sử dụng nước.

- Phát triển hoạt động cấp nước bền vững trên cơ sở khai thác tối ưu mọi nguồn lực, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch; cung cấp nước ổn định, bảo đảm chất lượng, dịch vụ tốt và kinh tế.

- Khuyến khích sử dụng nước sạch hợp lý, tiết kiệm, an toàn và áp dụng công nghệ tái sử dụng nước cho các mục đích khác.

- Xã hội hóa ngành cấp nước, huy động mọi thành phần kinh tế bao gồm các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển cấp nước.

2. Mục tiêu tổng quát:

- Cụ thể hóa chỉ tiêu cấp nước đô thị theo Nghị quyết số 186/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng tỉnh Đắk Lắk 5 năm giai đoạn 2016 - 2020; đề ra các giải pháp sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên nước; phát triển hệ thống cấp nước đô thị một cách bền vững và ổn định, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư và giảm thiểu thất thoát, thất thu nước.

- Tạo điều kiện huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống cấp, nước sạch đô thị theo Quyết định số 1196/QĐ-TTg ngày 23/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt”.

3. Mục tiêu cụ thể:

- 100% các đô thị trên địa bàn tỉnh được đầu tư (hoặc có dự án đầu tư) hệ thống cấp nước sạch tập trung.

- Tỷ lệ cấp nước sạch bình quân tại các đô thị đạt 90% (riêng thành phố Buôn Ma Thuột đạt 95%; khu vực ngoại thành đạt trên 50%).

- Tiêu chuẩn cấp nước bình quân 130 lít/người/ngày đêm (riêng thành phố Buôn Ma Thuột 180 lít/người/ngày đêm).

- Chất lượng nước đạt quy chuẩn quy định tại tất cả các đô thị trong tỉnh, dịch vụ cấp nước ổn định, liên tục 24h/ngày.

- Tỷ lệ thất thoát nước bình quân tại các đô thị ≤ 20%; áp lực nước trên toàn mạng đạt quy chuẩn quy định.

- Khu công nghiệp Hòa Phú, Cụm công nghiệp Tân An 1, 2, thành phố Buôn Ma Thuột triển khai dự án cấp nước tập trung, đáp ứng dịch vụ cơ bản theo yêu cầu về áp lực và lưu lượng.

- Ưu tiên khai thác nguồn nước mặt, từng bước giảm lưu lượng khai thác nước ngầm hợp lý. Đối với thành phố Buôn Ma Thuột, tỷ lệ khai thác nước ngầm đến năm 2020 không quá 40% so với công suất khai thác của năm 2015.

III. Nhiệm vụ cụ thể phát triển cấp nước giai đoạn 2016 - 2020:

1. Nhu cầu cấp nước đô thị giai đoạn đến năm 2020:

Để đảm bảo mục tiêu và các chỉ tiêu cấp nước đô thị giai đoạn đến năm 2020 theo các chỉ tiêu của Nghị quyết số 186/NQ-HĐND ngày 07/01/2016 của HĐND tỉnh, tổng nhu cầu nước sạch cho hệ thống các đô thị trên địa bàn tỉnh khoảng 168.600 m3/ngày đêm. Dự báo nhu cầu cấp nước sạch đô thị giai đoạn đến năm 2020, như sau:

STT

Tên đơn vị hành chính

Cấp quản lý đô thị

Công suất thiết kế hiện tại (m3/ng.đ)

Nhu cầu đến 2020 (m3/ng.đ)

Công suất dự án đang lập (m3/ng.đ)

Dự kiến nhu cầu (m3/ng.đ)

 

Toàn tỉnh

 

76.575

174.200

45.100

86.487

1

TP Buôn Ma Thuột

Tỉnh Đắk Lắk

55.000

97.400

40.000

2.400

 

(Giảm 40% nước ngầm đến 2020)

 

 

 

33.000

2

Thị xã Buôn Hồ

Tỉnh Đắk Lắk

9.800

17.000

 

7.200

3

Thị trấn Ea Drăng

H. Ea H’leo

2.562

6.400

 

3.800

4

Thị trấn Ea Súp

H. Ea Súp

1.000

3.200

 

2.200

5

Thị trấn Krông Năng

H. Krông Năng

0

4.800

1.600

3.200

6,7

Thị trấn Quảng Phú và Thị trấn Ea Pốk

H. Cư M’gar

3.200

9.100

 

5.900

8,9

Thị trấn Ea Kar và Thị trấn Ea K’Nốp

H. Ea Kar

500

9.000

2.500

6.000

10

Thị trấn M’Drắk

H. M’Drắk

713

2.500

 

1.787

11

Thị trấn Phước An

H. Krông Pắc

2.000

8.200

 

6.200

12

Thị trấn Krông K’mar

H. Krông Bông

600

3.200

 

2.600

13

Thị trấn Buôn Trấp

H. Krông Ana

950

7.000

 

6.050

14

Thị trấn Liên Sơn

H. Lắk

250

2.400

 

2.150

15

Huyện lỵ Krông Búk

H. Krông Búk

0

1.500

 

1.500

16

Huyện lỵ Buôn Đôn

H. Buôn Đôn

0

1.000

1.000

 

17

Huyện lỵ Cư

H. Cư Kuin

0

1.500

 

1.500

2. Công tác cấp nước sạch cho thành phố Buôn Ma Thuột:

- Hệ thống cấp nước thành phố Buôn Ma Thuột hiện do Công ty TNHH MTV Cấp nước và Đầu tư xây dựng Đắk Lắk quản lý, khai thác vận hành. Đến Quý II/2016, tổng công suất thiết kế của hệ thống thành phố Buôn Ma Thuột đạt khoảng 55.000m3/ngày đêm, trong đó hệ thống các trạm nước ngầm khoảng 50.000m3/ngày đêm, trạm cấp nước mặt từ hồ Ea Chư Cáp có công suất 5.000m3/ ngày đêm.

- Đến năm 2020: Giảm dần lượng khai thác nước ngầm đến năm 2020 còn dưới 40% lượng khai thác so với năm 2016. Dự kiến khoảng 22.000-25.000m3/ ngày đêm.

- Nhu cầu đầu tư phát triển nguồn nước cấp cho thành phố Buôn Ma Thuột đến năm 2020 khoảng trên 35.000m3/ngày đêm.

3. Các dự án cấp nước đô thị đang triển khai:

- Dự án Cấp nước thành phố Buôn Ma Thuột và 03 thị trấn Krông Năng, huyện Krông Năng; thị trấn Ea Kar, huyện Ea Kar và thị trấn Buôn Đôn, huyện Buôn Đôn tỉnh Đắk Lắk do Công ty TNHH MTV cấp nước và Đầu tư xây dựng Đắk Lắk làm chủ đầu tư, từ nguồn vốn ODA của Ngân hàng Châu Á (ADB). Trong đó, bổ sung công suất cấp nước cho thành phố Buôn Ma Thuột 35.000m3/ngày đêm từ nguồn nước mặt sông Srêpôk và cấp nước cho 03 đô thị, gồm: huyện lỵ Buôn Đôn, thị trấn Ea Kar, Krông Năng với tổng công suất thiết kế 5.100m3/ngày đêm.

- Dự án mở rộng mạng lưới cấp nước phân phối (mạng cấp III) tăng hiệu suất nhà máy nước Buôn Hồ theo thiết kế do KOICA tài trợ và Công ty TNHH MTV Cấp nước và Đầu tư xây dựng Đắk Lắk tham gia đối ứng.

- Dự án nâng cấp, mở rộng công trình cấp nước Krông K’mar thuộc Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả từ nguồn vốn vay của Ngân hàng thế giới (WB) do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn được giao làm chủ đầu tư

4. Danh mục các công trình cấp nước đô thị ưu tiên đầu tư trong giai đoạn đến năm 2020

STT

Tên dự án

Phạm vi phục vụ

Quy mô/ công suất (m3/ng.đ)

Tổng mức đầu tư dự kiến (tỷ đồng)

1

Bổ sung nguồn cấp nước TP Buôn Ma Thuột

Khu vực TP Buôn Ma Thuột, trong đó:

40.500

730,0

a

Nhà máy nước sạch Đạt Lý

 

5.000

80,0

b

Cấp nước liên huyện Cư Kuin và TP Buôn Ma Thuột

TP Buôn Ma Thuột; trung tâm huyện lỵ Cư Kuin và vùng phụ cận CCN

20.000

320,0

c

Nguồn khác

(Kêu gọi đầu tư)

15.500

330,0

2

Mở rộng mạng lưới phân phối và nâng công suất hệ thống cấp nước

Thị xã Buôn Hồ, vùng nội, ngoại thị trung tâm xã Pơng Drang

2.500

50,0

3

Nâng cấp hệ nước thị trấn Ea Drăng

Thị trấn Ea Drăng và vùng phụ cận, huyện Ea H’leo

2.000

40,0

4

Nâng cấp hệ nước thị trấn Ea Súp

Thị trấn Ea Súp, và vùng phụ cận, huyện Ea Súp

1.000

18,0

5

Nâng cấp hệ nước huyện Cư M’gar

Thị trấn Quảng Phú, Ea K’Nốp và vùng phụ cận huyện Cư M’gar

1.500

30,0

6

Hệ thống cấp nước thị trấn Ea K’Nốp

Thị trấn Ea K’Nốp và vùng phụ cận huyện Ea Kar

2.000

45,0

7

Hệ thống cấp nước thị trấn M’Drắk

Thị trấn M’Drắk và vùng phụ cận, huyện M’Drắk

2.000

45,0

8

Nâng cấp hệ thống cấp nước Phước An

Thị trấn Phước An và vùng phụ cận, trung tâm xã Ea Phê

2.500

43,0

9

Nâng cấp mở rộng công trình cấp nước tập trung Krông K’mar, Krông Bông

Thị trấn Krông K’mar và 02 xã lân cận

753

27,14

10

Hệ thống cấp nước thị trấn Buôn Trấp

Thị trấn Buôn Trấp và vùng phụ cận, huyện Krông Ana

1.000

14,0

11

Hệ thống cấp nước thị trấn Liên Sơn

Thị trấn Liên Sơn, xã Đắk Nuê, Đắk Liêng và vùng phụ cận huyện Lắk

2.000

45,0

12

Hệ thống cấp nước huyện lỵ Krông Búk

Trung tâm huyện lỵ Krông Búk và vùng phụ cận

1.500

32,0

13

Hệ thống cấp nước Khu công nghiệp Hòa Phú

Khu công nghiệp Hòa Phú

3.000

69,0

- Danh mục công trình cấp nước nêu trên được xác định theo công suất tối thiểu, làm cơ sở kêu gọi các nguồn lực đầu tư.

- Dự án Cấp nước liên huyện Cư Kuin và thành phố Buôn Ma Thuột được xác định theo Danh mục các dự án thành phần thuộc Chương trình phát triển ngành nước cho năm 2011 - 2012 tại Công văn số 1530/TTg-QHQT ngày 05/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

- Ưu tiên các dự án cấp nước đô thị sử dụng nguồn nước mặt.

IV. Giải pháp thực hiện:

1. Các tổ chức, đơn vị thực hiện cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh:

- Xây dựng và ban hành Kế hoạch cấp nước an toàn theo hướng dẫn tại Thông tư số 08/2012/TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn và thực hiện cấp nước an toàn. Trong đó, lồng ghép Chương trình chống thất thoát, thất thu nước sạch đến năm 2020 theo Quyết định số 2147/QĐ-TTg ngày 24/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

- Xây dựng phương án và lộ trình điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch, trình Sở Xây dựng tổng hợp, trình UBND tỉnh phê duyệt theo Điều 53 Nghị định 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch và cam kết với nhà tài trợ.

- Căn cứ phương án và lộ trình điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch, quy chế tính giá, nguyên tắc và phương pháp xác định giá tiêu thụ nước sạch xây dựng phương án giá nước sạch, trình Sở Tài chính chủ trì thẩm định.

- Các đơn vị cấp nước được giao làm chủ đầu tư các dự án cấp nước từ nguồn vốn vay ODA (Công ty TNHH MTV cấp nước và Đầu tư xây dựng Đắk Lắk, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn) tổ chức thực hiện quản lý dự án theo đúng tiến độ cam kết với nhà tài trợ.

- Tổ chức rà soát, đánh giá nhu cầu sử dụng nước cho từng đô thị, đề xuất mở rộng nguồn, vùng phục vụ. Mở rộng các hình thức đầu tư góp vốn, liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân của nước ngoài bằng các hình thức ODA, BOT, BT... để phát triển cấp nước đô thị.

2. Sở Nội vụ: Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh về Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cấp nước an toàn và chống thất thoát, thất thu nước sạch cấp tỉnh theo thẩm quyền.

3. Sở Xây dựng:

- Tham mưu UBND tỉnh xây dựng Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp nước an toàn và chống thất thoát, thất thu nước sạch cấp tỉnh theo hướng dẫn tại Thông tư số 08/2012/TT-BXD ngày 21/11/2012 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Quyết định số 1566/QĐ-TTg ngày 09/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

- Tổ chức đánh giá, rà soát Quy hoạch tổng thể hệ thống cấp nước đô thị tỉnh Đắk Lắk đến năm 2025 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3451/QĐ-UBND ngày 16/12/2008; đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phù hợp quy hoạch phát triển vùng tỉnh và định hướng phát triển hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch cấp nước an toàn, Chương trình chống thất thu nước sạch đến năm 2020 theo hướng dẫn tại Thông tư số 08/2012/TT-BXD ngày 21/11/2012 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Quyết định số 2147/QĐ-TTg ngày 24/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường quản lý bảo vệ nguồn cấp nước cho đô thị, xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt theo quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 32 Luật Tài nguyên nước năm 2012.

4. Sở Tài chính:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, đơn vị liên quan thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt giá tiêu thụ nước sạch phù hợp với lộ trình điều chỉnh giá được đăng ký hoặc theo dự án.

- Chủ trì tổ chức kiểm tra việc thực hiện quyết định giá tiêu thụ nước sinh hoạt, tham mưu cho UBND tỉnh xử lý kịp thời những vướng mắc phát sinh thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành.

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tổng hợp danh mục các dự án cấp nước đô thị vào danh mục ưu tiên kêu gọi đầu tư.

- Đề xuất UBND tỉnh các cơ chế, chính sách để tạo mọi điều kiện huy động các nguồn lực tham gia đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước đô thị trên địa bàn tỉnh.

- Căn cứ nhu cầu đầu tư công trình cấp nước đô thị giai đoạn đến năm 2015, bổ sung danh mục dự án cấp nước đô thị trong danh mục dự án vay ưu đãi các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2016 - 2020.

6. Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Thực hiện công tác quản lý nhà nước theo phân cấp trong cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn tỉnh. Phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc thẩm định các dự án đầu tư khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước.

- Tổ chức triển khai dự án điều tra đánh giá hiện trạng về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh, theo dõi diễn biến chất lượng, trữ lượng nước mặt, nước ngầm trên địa bàn tỉnh; quản lý các hoạt động khai thác sử dụng nước mặt, nước ngầm xả nước thải vào nguồn nước; tham gia ý kiến đối với các dự án cấp nước, ưu tiên khai thác sử dụng nước mặt, khai thác sử dụng nước ngầm hợp lý, đảm bảo tài nguyên nước bền vững.

- Phối hợp với cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan trong kiểm tra, xử lý các vi phạm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động khoan thăm dò; khai thác, sử dụng nước ngầm, xả nước thải vào nguồn nước trái phép.

7. Sở Y tế: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt.

8. UBND các huyện, thị xã, thành phố:

- Phối hợp với các đơn vị thực hiện dịch vụ cấp nước sạch và dự án phát triển tỷ lệ cấp nước sạch đô thị trên địa bàn để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của địa phương.

- Thực hiện công tác thông tin giáo dục truyền thông của các cấp, các ngành có liên quan để giáo dục cộng đồng ý thức về sử dụng nguồn tài nguyên nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

- Dự án xây dựng hạ tầng tại các khu đô thị, khu dân cư phải đầu tư đồng bộ với các công trình tuyến ống phân phối, đủ điều kiện đấu nối vào hệ thống cấp nước toàn đô thị... đảm bảo hệ thống cấp nước đồng bộ với công trình hạ tầng khác;

- Đưa nội dung bảo vệ nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm... là một nội dung trong các Chương trình Quốc gia về vệ sinh môi trường, sức khỏe cộng đồng và chương trình liên quan khác theo chức năng được giao.

V. Tổ chức thực hiện:

1. Giám đốc các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan theo chức năng, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện chương trình Kế hoạch này. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu vướng mắc, các đơn vị có ý kiến gửi về Sở Xây dựng để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

2. Sở Xây dựng có trách nhiệm tổng hợp, kiểm tra, đôn đốc quá trình thực hiện Kế hoạch này, báo cáo UBND tỉnh theo định kỳ về tình hình thực hiện để theo dõi, chỉ đạo./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Xây dựng (b/c);
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh (b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Công ty TNHH MTV cấp nước và Đầu tư xây dựng Đắk Lắk;
- Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn;
- Báo Đắk Lắk, Đài PT&TH tỉnh;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- CVP, các PCVP UBND tỉnh;
- Các P, TT thuộc VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, CN. (T.90)

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Tuấn Hà

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 8295/KH-UBND năm 2016 phát triển cấp nước sạch đô thị giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

  • Số hiệu: 8295/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 17/10/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Lắk
  • Người ký: Nguyễn Tuấn Hà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản