Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 1929/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 20 tháng 11 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CẤP NƯỚC ĐÔ THỊ VÀ KHU CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2025 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2007 về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt định hướng phát triển cấp nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 với các nội dung sau:

1. Quan điểm:

- Hoạt động cấp nước là loại hình hoạt động sản xuất kinh doanh chịu sự kiểm soát của Nhà nước nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị cấp nước và khách hàng sử dụng nước, trong đó có xét đến việc hỗ trợ cấp nước cho người nghèo, các khu vực đặc biệt khó khăn.

- Phát triển hoạt động cấp nước bền vững trên cơ sở khai thác tối ưu mọi nguồn lực, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch; cung cấp nước ổn định, bảo đảm chất lượng, dịch vụ tốt và kinh tế.

- Khai thác, sản xuất và cung cấp nước sạch không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Ưu tiên khai thác các nguồn nước để cấp nước cho mục đích sinh hoạt của cộng đồng.

- Khuyến khích sử dụng nước sạch hợp lý, tiết kiệm, an toàn và áp dụng công nghệ tái sử dụng nước cho các mục đích khác.

- Ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ để từng bước hiện đại hóa ngành cấp nước, tiến dần tới trình độ quản lý và vận hành của các nước tiên tiến trên thế giới.

- Xã hội hóa ngành cấp nước, huy động mọi thành phần kinh tế bao gồm các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển cấp nước. Nâng tỷ trọng các thành phần tư nhân tham gia vào hoạt động cấp nước.

2. Tầm nhìn các đô thị, khu công nghiệp (bao gồm khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế) được đáp ứng đầy đủ các nhu cầu cấp nước trên cơ sở cấp nước ổn định, chất lượng đảm bảo, dịch vụ tốt và kinh tế.

3. Mục tiêu:

a) Mục tiêu tổng quát:

Định hướng cho phát triển lĩnh vực cấp nước đô thị và khu công nghiệp phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trên cơ sở đó lập kế hoạch, chương trình hành động cụ thể nhằm cấp nước ổn định, chất lượng bảo đảm, dịch vụ tốt và kinh tế cho các nhu cầu sử dụng trong từng giai đoạn.

b) Mục tiêu và các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2015:

- Tỷ lệ bao phủ dịch vụ cấp nước sạch tại các đô thị từ loại III trở lên đạt 90%, với tiêu chuẩn cấp nước 120 lít/người/ngày đêm; các đô thị loại IV đạt 70%, với tiêu chuẩn cấp nước là 100 lít/người/ngày đêm; các đô thị loại V đạt 50% được cấp nước từ hệ thống cấp nước tập trung; chất lượng nước đạt quy chuẩn quy định.

- Tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch dưới 25% đối với các đô thị loại IV trở lên và các hệ thống cấp nước mới, dưới 30% đối với các đô thị loại V đã có hệ thống cấp nước xây dựng trước đây.

- Dịch vụ cấp nước ổn định, liên tục. Tại các đô thị từ loại III trở lên có số thời gian cấp nước liên tục trong ngày là 24 giờ. Đối với các đô thị loại IV, loại V có thời gian cấp nước phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế.

- Các khu công nghiệp được cấp nước đầy đủ theo yêu cầu về áp lực và lưu lượng.

c) Mục tiêu và các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2020:

- Tỷ lệ bao phủ cấp nước đối với các đô thị loại IV trở lên đạt 90%, tiêu chuẩn cấp nước là 120 lít/người/ngày đêm; các đô thị loại V đạt 70% được cấp nước từ hệ thống cấp nước tập trung với tiêu chuẩn cấp nước 100 lít/người/ngày đêm; chất lượng nước đạt quy chuẩn quy định.

- Tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch dưới 18% đối với các đô thị loại IV trở lên, dưới 25% đối với các đô thị loại V; cấp nước liên tục 24 giờ đối với các đô thị loại IV trở lên.

d) Mục tiêu và các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025:

- Tỷ lệ bao phủ dịch vụ cấp nước sạch tại các đô thị đạt 100%, với tiêu chuẩn cấp nước bình quân đạt 120 lít/người/ngày đêm, chất lượng nước đạt quy chuẩn quy định.

- Tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch tại các đô thị dưới 15%.

- Dịch vụ cấp nước ổn định, liên tục 24 giờ trong ngày, áp lực nước trên toàn mạng đạt quy chuẩn quy định.

Điều 2. Các giải pháp thực hiện:

1. Nguồn nước:

- Ưu tiên khai thác nguồn nước mặt, khai thác sử dụng nguồn nước ngầm hợp lý và từng bước giảm lưu lượng khai thác nước ngầm tại các đô thị lớn như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh …, đặc biệt là các thành phố có trữ lượng nước ngầm hạn chế.

- Điều tra, khảo sát, thăm dò, đánh giá lập cơ sở dữ liệu nguồn nước. Đánh giá và nâng cấp trữ lượng khai thác nguồn nước ngầm. Đánh giá trữ lượng, chất lượng nguồn nước mặt, bao gồm nguồn nước từ các dòng sông, hồ, đập trên toàn quốc. Xây dựng kế hoạch khai thác, sử dụng hồ đập đa mục đích, ưu tiên cho khai thác cung cấp nước sinh hoạt.

- Đẩy mạnh công tác lập quy hoạch khai thác sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước.

- Tăng cường công tác quản lý, giám sát và bảo vệ nguồn nước, thành lập các Ủy ban quản lý nước theo lưu vực sông. Đẩy mạnh công tác bảo vệ đầu nguồn sông và giám sát chặt chẽ việc xả nước thải vào nguồn nước.

2. Đầu tư, phát triển và quản lý hệ thống cấp nước:

- Tăng cường triển khai thực hiện quy hoạch cấp nước vùng liên tỉnh, vùng tỉnh và liên đô thị; kết hợp chặt chẽ giữa cấp nước đô thị và các vùng nông thôn phụ cận. Ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình cấp nước vùng.

- Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển cấp nước.

- Đầu tư xây dựng đồng bộ giữa nhà máy xử lý và mạng lưới đường ống cấp nước, bảo đảm hoạt động hết công suất thiết kế.

- Ưu tiên các dự án chống thất thoát thất thu nước sạch.

- Kiểm tra, đánh giá chất lượng hoạt động, cải tạo và đầu tư mở rộng mạng lưới đường ống cấp nước nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước, phát huy hết công suất thiết kế và giảm tỷ lệ thất thoát nước.

- Thực hiện Quy chế bảo đảm an toàn cấp nước.

3. Cơ chế, chính sách cho lĩnh vực cấp nước:

- Huy động các nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước.

- Thành lập Quỹ quay vòng cấp nước tạo nguồn tài chính hỗ trợ, đầu tư các dự án phát triển cấp nước tại các đô thị nhỏ và khu dân cư tập trung.

- Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước theo quy định của pháp luật.

- Giá nước được tính đúng, tính đủ, bảo đảm hoàn vốn đầu tư, kinh doanh có lãi và thu hút các nhà đầu tư. Xây dựng lộ trình tăng giá nước nhằm đáp ứng các yêu cầu trên.

- Rà soát, điều chỉnh đồng bộ hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành nước.

4. Nghiên cứu và phát triển công nghệ, vật tư và thiết bị lĩnh vực cấp nước:

- Các nhà máy mới xây dựng cần lựa chọn công nghệ và thiết bị hiện đại, có chế độ tự động hóa cao, tiết kiệm năng lượng.

- Từng bước cải tạo, nâng cấp, thay thế thiết bị cho các nhà máy hiện có nhằm đáp ứng yêu cầu giảm thất thoát nước, giảm chi phí về năng lượng, hóa chất và vận hành.

- Nghiên cứu, tổ chức sản xuất vật tư, thiết bị trong nước có chất lượng cao, đến năm 2025 có khả năng cung cấp đầy đủ các chủng loại vật tư, thiết bị ngành nước. Trong công trình đầu tư xây dựng mới, khuyến khích sử dụng các vật tư, thiết bị có chất lượng cao được sản xuất trong nước.

- Ưu tiên nghiên cứu sản xuất các thiết bị sử dụng nước tiết kiệm và tiết kiệm năng lượng.

5. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực:

- Nâng cao chất lượng và số lượng kỹ sư chuyên ngành cấp thoát nước tại các cơ sở đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển ngành nước.

- Củng cố, mở rộng các trường dạy nghề và nâng cao chất lượng đào tạo công nhân ngành nước phục vụ yêu cầu quản lý, vận hành và bảo dưỡng hệ thống cấp nước.

- Xây dựng cơ chế và môi trường hoạt động trong ngành nước để thu hút các cán bộ khoa học có năng lực nghiên cứu phát triển công nghệ, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ cao của thế giới.

- Bồi dưỡng nâng cao năng lực lập kế hoạch và quản lý ngành nước cho các cán bộ chuyên ngành từ trung ương đến địa phương.

6. Tổ chức quản lý lĩnh vực cấp nước:

- Thống nhất tổ chức quản lý nhà nước về ngành nước từ trung ương đến địa phương đối với hoạt động cấp nước.

- Tại mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có các đơn vị cấp nước chuyên ngành, chịu trách nhiệm trước chính quyền về cấp nước cho các đô thị.

- Thực hiện quá trình sắp xếp, đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động đối với các doanh nghiệp nhà nước hoạt động cấp nước theo lộ trình và điều kiện cụ thể của từng địa phương.

- Củng cố và phát triển các trung tâm đào tạo ngành nước tại 3 miền Bắc, Trung, Nam.

- Nghiên cứu thành lập Viện nghiên cứu ngành nước và các phòng thí nghiệm và các trạm quan trắc cho 3 miền Bắc, Trung, Nam để kiểm tra đánh giá chất lượng, trữ lượng nguồn nước, chất lượng nước sau xử lý.

7. Giáo dục và truyền thông:

- Đưa vào chương trình giảng dạy bậc phổ thông các kiến thức cơ bản về nguồn nước, hệ thống cấp nước và bảo vệ môi trường; tổ chức tham quan, tìm hiểu và đánh giá về thực trạng nguồn nước, hệ thống cấp nước cho học sinh.

- Đẩy mạnh công tác truyền thông về vai trò của nước sạch đối với cuộc sống con người; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với hệ thống cấp nước.

- Thông tin các chính sách của Nhà nước về lĩnh vực cấp nước và nguồn nước; các chế tài trong việc quản lý hệ thống cấp nước và bảo vệ nguồn nước.

8. Hợp tác quốc tế:

Tăng cường trao đổi và hợp tác khoa học và công nghệ với các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nhằm:

- Trao đổi và học hỏi kinh nghiệm trong lĩnh vực cấp nước.

- Đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước.

- Tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và đào tạo.

Điều 3. Tổ chức thực hiện:

1. Bộ Xây dựng:

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện Định hướng phát triển cấp nước đô thị và khu công nghiệp đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050; lập kế hoạch, chương trình cho giai đoạn ngắn hạn (đến năm 2015) và dài hạn (đến năm 2025);

- Tổng hợp xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển cấp nước đô thị giai đoạn đến năm 2015 và năm 2025;

- Củng cố và phát triển các trung tâm đào tạo ngành nước.

- Tổng kết đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch và các văn bản pháp luật lĩnh vực cấp thoát nước.

- Rà soát hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành cấp nước đáp ứng yêu cầu đồng bộ; ban hành, hướng dẫn xác định kinh phí lập quy hoạch, tư vấn, thẩm định các dự án cấp nước, chi phí quản lý vận hành các hệ thống cấp nước.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng cơ sở dữ liệu ngành cấp thoát nước đô thị.

2. Các Bộ, ngành liên quan

Các Bộ ngành căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ giao, lập kế hoạch, chương trình hành động thực hiện. Định hướng phát triển cấp nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2050, phối hợp với Bộ Xây dựng triển khai thực hiện các chương trình này.

3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

- Tổ chức thực hiện Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch.

- Thực hiện quá trình sắp xếp, đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động đối với các doanh nghiệp nhà nước hoạt động cấp nước theo lộ trình và điều kiện cụ thể của từng địa phương.

- Tổ chức kiện toàn các công ty cấp nước, công tác quản lý về nguồn nước bao gồm khai thác, bảo vệ nguồn nước tại địa phương.

- Tổ chức thực hiện Quy chế bảo đảm an toàn cấp nước.

- Phối hợp với các địa phương khác lập kế hoạch khai thác bảo vệ nguồn nước theo lưu vực sông.

- Khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, nghiên cứu, vận hành hệ thống cấp nước cho các đô thị.

- Xây dựng các quy hoạch, kế hoạch về cấp nước phù hợp với sự phát triển của đô thị và tổ chức, giám sát quá trình thực hiện.

- Tuyên truyền nâng cao nhận thức và vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ và khai thác nguồn nước; sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh và tiết kiệm.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTN (5b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Hoàng Trung Hải

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1929/QĐ-TTg năm 2009 phê duyệt định hướng phát triển cấp nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 1929/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 20/11/2009
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Hoàng Trung Hải
  • Ngày công báo: 01/12/2009
  • Số công báo: Từ số 549 đến số 550
  • Ngày hiệu lực: 20/11/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản