Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 82/KH-UBND

Tiền Giang, ngày 24 tháng 4 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN TIÊU CHÍ VĂN HÓA GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG

Thực hiện Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông; Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 4 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 4 tháng 9 năm 2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”; Quyết định số 3500/QĐ-BVHTTDL ngày 09 tháng 10 năm 2013 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Tiêu chí Văn hóa giao thông đường bộ và Hướng dẫn số 3831/HD-BVHTTDL ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn triển khai thực hiện Tiêu chí Văn hóa giao thông đường bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Tiêu chí Văn hóa giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Nhằm tuyên truyền tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, Chính quyền và nhân dân trên địa bàn tỉnh trong việc thực hiện các nội dung về văn hóa giao thông, để mọi thành viên trong xã hội có ý thức và có trách nhiệm khi tham gia giao thông hoặc tham gia vào những hoạt động có liên quan đến giao thông nhằm xây dựng môi trường giao thông an toàn, văn minh, thân thiện và hiệu quả.

- Đưa nội dung Tiêu chí Văn hóa giao thông vào trong đời sống thực tiễn; Vận động nhân dân thực hiện nếp sống “văn hóa giao thông”, hình thành thói quen nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

- Nâng cao nhận thức an toàn giao thông là hạnh phúc của mỗi gia đình, là hạnh phúc của toàn xã hội để mỗi cá nhân tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông nhằm hướng tới sự ổn định trật tự an toàn chung cho toàn xã hội.

2. Yêu cầu:

- Công tác tuyên truyền phải được triển khai thực hiện đồng bộ; Các nội dung và hình thức tuyên truyền phải đa dạng, phong phú, sinh động, phù hợp với từng địa bàn, từng địa phương của tỉnh và chuyển tải được nội dung Tiêu chí Văn hóa giao thông đến nhân dân và cộng đồng dân cư.

- Trong quá trình tổ chức thực hiện, các Sở, ban, ngành có liên quan phải chủ động tích cực phối hợp thường xuyên, chặt chẽ để thực hiện các biện pháp tuyên truyền thiết thực, hiệu quả, tránh phô trương, hình thức.

- Việc triển khai thực hiện Tiêu chí Văn hóa giao thông đường bộ phải được tiến hành nghiêm túc, đồng bộ trên phạm vi toàn tỉnh để nếp sống văn hóa giao thông dần dần trở thành thói quen thường nhật của mỗi người dân và cộng đồng, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh.

II. CÁC NỘI DUNG TIÊU CHÍ VĂN HÓA GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

1. Tiêu chí chung:

- Tự giác chấp hành pháp luật về giao thông;

- Thực hiện nghiêm nhiệm vụ, tác phong chuẩn mực, văn minh;

- Tôn trọng, nhường nhịn, giúp đỡ mọi người khi tham gia giao thông;

- Có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng khi tham gia giao thông;

- Đi đúng làn đường, phần đường quy định;

- Không tham gia đua xe và cổ vũ đua xe trái phép;

- Tuân thủ pháp luật khi xử lý và bị xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông;

- Tạo dựng kết cấu hạ tầng giao thông chuẩn mực, an toàn;

- Có ý thức văn hóa xây dựng môi trường giao thông thân thiện, an toàn.

2. Tiêu chí cụ thể cho một số đối tượng

a) Đối với cơ quan quản lý nhà nước về giao thông

- Thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông.

- Xây dựng các văn bản quản lý, hướng dẫn về giao thông phù hợp tình hình địa phương, có tính khả thi, tạo điều kiện cho người dân và cơ quan nhà nước thực hiện.

- Tuân thủ các quy định của pháp luật trong quy hoạch và quản lý quy hoạch giao thông.

- Xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông hợp lý, phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn, đảm bảo mỹ quan và môi trường giao thông, tạo điều kiện thuận lợi và an toàn cho người tham gia giao thông.

- Giám định, cấp phép cho các phương tiện tham gia giao thông, vận tải phải đảm bảo các chỉ số kỹ thuật theo quy chuẩn Việt Nam.

- Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trật tự an toàn giao thông đến mọi người dân, phù hợp với từng đối tượng, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, đơn vị.

- Xây dựng hệ thống cấp cứu y tế, cứu hộ, cứu nạn chuẩn mực trên địa bàn tỉnh để xử lý các vụ tai nạn, sự cố giao thông.

b) Đối với lực lượng chức năng làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông

- Tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, thuận lợi cho người tham gia giao thông.

- Thực thi, hướng dẫn, cưỡng chế, thi hành pháp luật trật tự an toàn giao thông nghiêm minh, chuẩn mực, lịch sự.

- Nhanh nhạy, linh hoạt trong giải quyết các tình huống ùn tắc và tai nạn giao thông.

- Ứng xử văn minh, không sách nhiễu, tiêu cực khi thi hành công vụ.

- Tận tình hướng dẫn, giúp đỡ người tham gia giao thông thực hiện đúng quy định pháp luật trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là người tàn tật, người cao tuổi, trẻ em và phụ nữ.

c) Đối với người tham gia giao thông

- Không vi phạm và tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật, trật tự an toàn giao thông.

- Chấp hành nghiêm túc hệ thống báo hiệu đường bộ, đi đúng phần đường, làn đường quy định; không sử dụng rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, không điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định.

- Bảo đảm tình trạng sức khỏe về thể chất và tinh thần khi tham gia giao thông.

- Duy trì phương tiện tham gia giao thông an toàn, sạch đẹp.

- Có thái độ hợp tác, hành vi ứng xử văn minh, lịch sự khi xảy ra tai nạn giao thông.

- Có trách nhiệm phản ánh và lên án các hành vi tiêu cực; tích cực đề xuất các sáng kiến trong lĩnh vực giao thông.

- Tận tình giúp đỡ người bị nạn, người già, người khuyết tật, trẻ em, người có hoàn cảnh khó khăn khi tham gia giao thông.

- Tuyên truyền, vận động người tham gia giao thông tự giác chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.

d) Đối với cư dân sinh sống ven đường giao thông

- Tự giác chấp hành và tích cực tuyên truyền, vận động người dân không sử dụng đường, vỉa hè để kinh doanh, buôn bán, không lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ.

- Thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng về tình hình trật tự, an toàn giao thông; phối hợp với các lực lượng chức năng trong quá trình xử lý các sự cố về trật tự, an toàn giao thông.

- Hỗ trợ các lực lượng chức năng trong công tác sơ cứu, cấp cứu nạn nhân tai nạn giao thông.

- Phê phán, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

- Không tham gia các hoạt động cản trở, gây rối làm mất trật tự, an toàn giao thông. Không cổ vũ đua xe trái phép.

đ) Đối với chủ phương tiện tham gia giao thông

- Đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh vận tải; chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ của chủ phương tiện trong việc khắc phục, giải quyết tai nạn giao thông.

- Chủ động tổ chức, tích cực tham gia phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong công tác quản lý, nâng cao trình độ chuyên môn và phẩm chất của người lái xe.

- Tự giác thực hiện việc sang tên, đổi chủ khi chuyển nhượng, mua bán phương tiện theo quy định của pháp luật.

III. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM

1. Giao trách nhiệm Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh triển khai quán triệt các tiêu chí văn hoá giao thông đường bộ trong toàn cơ quan, đơn vị; thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị gương mẫu thực hiện tốt các tiêu chí văn hóa giao thông đường bộ, có hành vi ứng xử phù hợp, có văn hóa khi tham gia giao thông, để làm gương và tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện.

2. Ban An toàn giao thông tỉnh

- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giao thông Vận tải, Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ấp Bắc tiến hành các biện pháp tuyên truyền thiết thực về nội dung Tiêu chí văn hóa giao thông đường bộ.

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trật tự an toàn giao thông đến mọi người dân, phù hợp với từng đối tượng, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, đơn vị.

- Tham mưu đề xuất việc xây dựng hệ thống cấp cứu y tế, cứu hộ, cứu nạn chuẩn mực trên địa bàn tỉnh để xử lý các vụ tai nạn, sự cố giao thông.

3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Phối hợp với Công an tỉnh, Sở Giao thông Vận tải, Ban An toàn giao thông, Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ấp Bắc… tiến hành các biện pháp tuyên truyền thiết thực về nội dung các Tiêu chí văn hóa giao thông đường bộ; tổ chức các chương trình hoạt động thiết thực, phong phú, sinh động để tuyên truyền nội dung tiêu chí văn hóa giao thông đến mỗi người dân và cộng đồng.

- Chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thành, thị và các phòng ban chuyên môn, đơn vị trực thuộc sở có trách nhiệm tuyên truyền các Tiêu chí Văn hóa giao thông đường bộ qua các hình thức: tuyên truyền cổ động trực quan, kẻ vẽ pano áp phích, dựng tiểu phẩm sân khấu, viết tin bài, tổ chức liên hoan tuyên truyền… để nội dung các Tiêu chí đi vào cuộc sống.

- Hướng dẫn các địa phương vận dụng lồng ghép nội dung tiêu chí văn hóa giao thông đường bộ gắn với các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, ấp, khu phố văn hóa, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị phù hợp với từng địa phương để vận dụng triển khai thực hiện.

- Chỉ đạo Thanh tra Sở phối hợp với Thanh tra giao thông tiến hành kiểm tra việc thực hiện các Tiêu chí văn hóa giao thông trên địa bàn.

- Định kỳ 6 tháng, 1 năm, chủ động phối hợp với các Sở, ban ngành liên quan tổ chức sơ kết, đánh giá việc triển khai thực hiện các Tiêu chí văn hóa giao thông, những ưu điểm, hạn chế và đề xuất kiến nghị.

4. Sở Giao thông Vận tải

- Tổ chức thực hiện các công việc trong ngành đáp ứng các yêu cầu về tiêu chí văn hóa giao thông;

- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban An toàn giao thông tỉnh, Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ấp Bắc tiến hành các biện pháp tuyên truyền thiết thực về nội dung các Tiêu chí văn hóa giao thông đường bộ;

- Tổ chức triển khai quán triệt đến các đơn vị trong ngành, các doanh nghiệp và chủ phương tiện, các lái xe vận tải biết, thực hiện tốt các nội dung về Tiêu chí văn hóa giao thông đường bộ. Cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức trong ngành phải gương mẫu thực hiện để quần chúng, nhân dân noi theo.

5. Công an tỉnh

- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giao thông Vận tải, Ban An toàn giao thông, Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ấp Bắc tiến hành các biện pháp tuyên truyền thiết thực về nội dung các Tiêu chí văn hóa giao thông đường bộ.

- Tổ chức triển khai quán triệt đến các đơn vị trong ngành thực hiện tốt các nội dung về Tiêu chí văn hóa giao thông đường bộ.

- Chỉ đạo các lực lượng làm nhiệm vụ thực hiện tốt các nội dung về Tiêu chí văn hóa giao thông đường bộ, có hành vi ứng xử phù hợp, có văn hóa khi thi hành công vụ, để làm gương và tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện.

6. Sở Thông tin và Truyền thông

Chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan, Báo Ấp Bắc, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Đài Truyền thanh - Truyền hình các huyện, thành, thị, Trang thông tin điện tử của các sở, ngành xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền, phổ biến sâu rộng và đăng tải các nội dung Tiêu chí văn hóa giao thông đường bộ tới cán bộ, nhân dân trên địa bàn tỉnh; thực hiện chuyên trang, chuyên mục trên đài, chú ý thường xuyên nêu gương điển hình trong quá trình thực hiện, đồng thời phê phán những hành vi vi phạm văn hóa giao thông.

7. Sở Giáo dục và Đào tạo

Chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện, hệ thống các trường học, các trung tâm giáo dục thường xuyên… tuyên truyền, hướng dẫn cho đội ngũ giáo viên, học sinh, sinh viên thực hiện tốt các tiêu chí văn hóa giao thông đường bộ, có hành vi ứng xử phù hợp, có văn hóa khi tham gia giao thông. Phối hợp với phụ huynh, các, ban, ngành, đoàn thể tại địa phương trong công tác tuyên truyền văn hóa giao thông.

8. Sở Tư pháp

Chủ trì phối hợp với các ngành chức năng tỉnh và chính quyền các cấp thường xuyên tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật có liên quan đến trật tự an toàn giao thông để nâng cao nhận thức của người dân, góp phần thực hiện tốt tiêu chí văn hoá giao thông.

9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, tổ chức hội, đoàn thể các cấp phối hợp với các ngành chức năng tỉnh và chính quyền các cấp tổ chức tuyên truyền, vận động, giám sát việc thực hiện các nội dung tiêu chí văn hóa giao thông đường bộ; gắn việc tuyên tuyền, vận động thực hiện văn hóa giao thông với xây dựng các mô hình tự quản về an toàn giao thông ở các địa phương.

10. Đề nghị Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh chỉ đạo các tổ chức đoàn trên địa bàn tỉnh tuyên truyền, vận động và hướng dẫn thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên thực hiện tốt nội dung tiêu chí văn hóa giao thông đường bộ khi tham gia giao thông.

11. Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị tăng cường công tác tuyên truyền những nội dung tiêu chí văn hóa giao thông đường bộ; chỉ đạo thực hiện lồng ghép nội dung tiêu chí văn hóa giao thông gắn với các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, ấp, khu phố văn hóa, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị ở địa phương. Chỉ đạo Phòng Văn hóa Thông tin có trách nhiệm tuyên truyền Tiêu chí Văn hóa giao thông đường bộ qua các hình thức: tuyên truyền cổ động trực quan, kẻ vẽ pano áp phích, dựng tiểu phẩm sân khấu, viết tin bài, tổ chức liên hoan tuyên truyền… để nội dung các Tiêu chí đi vào cuộc sống; phối hợp với Thanh tra giao thông tiến hành kiểm tra việc thực hiện Tiêu chí văn hóa giao thông trên địa bàn.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Công tác tuyên truyền giáo dục thực hiện theo các tiêu chí văn hóa giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh phải thực hiện thường xuyên, liên tục, bằng nhiều hình thức phù hợp, lồng ghép với các công tác tuyên truyền về an toàn giao thông, để từng bước xây dựng, hình thành nếp sống văn hóa giao thông trong từng người dân trên địa bàn tỉnh. Trong đó, các đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang phải gương mẫu thực hiện để quần chúng, nhân dân noi theo.

2. Căn cứ nội dung Kế hoạch này, thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể của đơn vị, địa phương mình, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc để góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là đơn vị đầu mối kiểm tra, đôn đốc thực hiện Kế hoạch này. Định kỳ 6 tháng, 1 năm, các sở, ban, ngành, tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) trước ngày 25/6 và 15/11. Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp báo cáo về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, khó khăn các đơn vị, địa phương báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) để theo dõi, chỉ đạo kịp thời.

(Kèm: Quyết định số 3500/QĐ-BVHTTDL ngày 09 tháng 10 năm 2013 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Tiêu chí Văn hóa giao thông đường bộ).

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Kim Mai

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 82/KH-UBND năm 2014 thực hiện Tiêu chí Văn hóa giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang

  • Số hiệu: 82/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 24/04/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tiền Giang
  • Người ký: Trần Kim Mai
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/04/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản