Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 680/KH-UBND | Nghệ An, ngày 15 tháng 11 năm 2016 |
Thực hiện Nghị quyết 26/NQ-TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020; Quyết định số 2468/QĐ-TTg ngày 29/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết 26/NQ-TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết 01-NQ/TU ngày 18/12/2015 của Tỉnh ủy về Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2015 - 2020;
Căn cứ Thông báo số 429-TB/TU ngày 07/10/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 2468/QĐ-TTg ngày 29/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ,
Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch Triển khai thực hiện Quyết định số 2468/QĐ-TTg ngày 29/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung bộ đến năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết 26/NQ-TW của Bộ Chính trị, như sau:
1. Mục đích
Tạo sự thống nhất và hành động để triển khai thực hiện thắng lợi Đề án phát triển thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung bộ đến năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết 26/NQ-TW của Bộ Chính trị được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2468/QĐ-TTg ngày 29/12/2015.
2. Yêu cầu
Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân thành phố Vinh và các huyện, thị xã, các đơn vị có liên quan cần nắm vững quan điểm, mục tiêu phát triển, nhiệm vụ và giải pháp phát triển thành phố Vinh trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung bộ đến năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW, được cụ thể hóa tại Kế hoạch này; đồng thời căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp các cấp, ngành, các tổ chức, đơn vị liên quan để triển khai thực hiện Kế hoạch một cách hiệu quả, đảm bảo thời gian và tiết kiệm nguồn lực.
1. Xây dựng, quản lý thực hiện quy hoạch
1.1. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
Trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An đến năm 2020 được điều chỉnh tại Quyết định số 620/QĐ-TTg ngày 12/5/2015, căn cứ vào tình hình thực trạng phát triển kinh tế, xã hội, tiềm năng lợi thế của Tỉnh và Thành phố để tổ chức điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Vinh đến năm 2025 nhằm xác định lại các mục tiêu, các chỉ tiêu và nhiệm vụ phát triển phù hợp với thành phố.
Giao Ủy ban Nhân dân thành phố Vinh chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan thực hiện, hoàn thành trong Quý II/2017.
1.2. Quy hoạch xây dựng
a. Nhiệm vụ:
Tổ chức lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu chức năng, thiết kế đô thị tuân thủ Quy hoạch chung điều chỉnh thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 52/QĐ-TTg ngày 14/01/2015. Ưu tiên quy hoạch phạm vi thành phố Vinh đang quản lý và các xã phường ở Cửa Lò, Nghi Lộc có nhiều biến động về quy hoạch so với trước đây.
Tăng cường công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc, trật tự đô thị. Tập trung chỉnh trang đô thị, đặc biệt là hạ tầng đô thị đảm bảo xây dựng thành phố Vinh xanh - sạch - đẹp, phát triển bền vững, hướng đến trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung bộ vào năm 2020. Hoàn thiện các đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu các phường, xã trong năm 2016-2017.
Rà soát lại hiện trạng quỹ đất, nhu cầu các hộ dân phải di dời khi thực hiện giải phóng mặt bằng thực hiện đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng kỹ thuật quan trọng, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối các khu chức năng, làm cơ sở để lựa chọn địa điểm, bổ sung vào quy hoạch một số khu tái định cư tập trung trên địa bàn.
Xây dựng quy định cụ thể về quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị gắn với việc trình duyệt, ban hành các quyết định phê duyệt quy hoạch.
Tổ chức lập đề án để mở rộng địa giới hành chính thành phố với quy mô diện tích tự nhiên khoảng 250 (km2) phù hợp với Quy hoạch chung thành phố Vinh đến năm 2030 tầm nhìn 2050.
b. Phân công thực hiện:
- Giao Ủy ban Nhân dân thành phố Vinh chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan tổ chức thực hiện;
+ Tập trung điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, hoàn thành trong năm 2017; điều chỉnh quy hoạch phân khu các phường, xã trong năm 2016-2017.
+ Đề xuất về quy mô, lựa chọn địa điểm để trình duyệt bổ sung vào quy hoạch một số khu tái định cư tập trung trên địa bàn. Hoàn thành trong quý I năm 2017.
- Giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò và các huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc, tham mưu xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt đề án: Điều chỉnh địa giới hành chính các huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò để mở rộng địa giới hành chính thành phố Vinh.
- Các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường theo chức năng trên lĩnh vực, chủ trì phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Vinh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng và sử dụng đất đai đảm bảo việc tuân thủ Giấy chứng nhận đầu tư được cấp, đúng mục đích sử dụng đất và quy hoạch được duyệt, tham mưu các giải pháp xử lý kịp thời (nếu có).
- Ủy ban Nhân dân các huyện: Nghi Lộc, Hưng Nguyên và thị xã Cửa Lò chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao trong Đề án Điều chỉnh địa giới hành chính các huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò để mở rộng địa giới hành chính thành phố Vinh. Tổ chức xây dựng, trình duyệt quy hoạch và chuẩn bị các bước đầu tư xây dựng trung tâm hành chính mới của các huyện Nghi Lộc và Hưng Nguyên.
1.3. Quy hoạch sử dụng đất
Tập trung rà soát, xây dựng, phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch sử dụng đất hàng năm đảm bảo tiết kiệm, phát huy hiệu quả sử dụng đất.
Tiếp tục rà soát hiện trạng thực hiện các dự án có sử dụng đất trên địa bàn để có các giải pháp điều chỉnh thích hợp nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý sử dụng đất đai, sử dụng hiệu quả tránh lãng phí nguồn tài nguyên đất, quản lý tốt hệ thống kết cấu hạ tầng.
Giao Ủy ban Nhân dân thành phố Vinh chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện xong trước ngày 30/6/2017.
2. Phát triển các ngành, lĩnh vực trọng tâm để trở thành trung tâm vùng Bắc Trung bộ
2.1. Xây dựng thành phố Vinh trở thành trung tâm về tài chính
a. Nhiệm vụ:
- Phát triển các loại hình dịch vụ tài chính như: Kiểm toán, bảo hiểm, cho thuê tài chính, tư vấn tài chính, giao dịch bất động sản; xây dựng trung tâm giao dịch chứng khoán, ... từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ.
- Thu hút các Ngân hàng thương mại lớn trong và ngoài nước, công ty tài chính, công ty bảo hiểm và công ty chứng khoán thành lập chi nhánh ở thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò. Tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành và phát triển các thị trường vốn, củng cố hệ thống quỹ tín dụng nhằm tăng cường năng lực huy động vốn trong và ngoài địa bàn.
- Hình thành đa dạng các công cụ tài chính gắn với đảm bảo tính hiệu quả, tính cạnh tranh và tính thanh khoản cao, an toàn và minh bạch. Khuyến khích các doanh nghiệp đã cổ phần hóa từng bước niêm yết trên sàn chứng khoán.
- Quy hoạch địa điểm, tạo điều kiện để hình thành trung tâm tài chính - ngân hàng của tỉnh, của khu vực trên địa bàn.
b. Phân công thực hiện: Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Nghệ An, các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Vinh và các đơn vị liên quan tham mưu tổ chức thực hiện.
2.2. Xây dựng thành phố Vinh trở thành trung tâm về thương mại
a. Nhiệm vụ:
- Phát triển hệ thống hạ tầng thương mại hiện đại, trong đó tập trung phát triển các trung tâm thương mại hạng 3 trở lên tại các địa bàn phường Bến Thủy, Ga Vinh, xã Nghi Ân, Hưng Lộc, Nghi Liên, Nghi Đức. Phát triển mạng lưới siêu thị hiện đại, chuỗi cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tổng hợp. Từng bước cải tạo các chợ truyền thống thành công trình đa năng, bao gồm: Trung tâm thương mại, siêu thị gắn với chợ dân sinh phục vụ nhu cầu tiêu dùng của dân cư hoặc nâng cấp chợ truyền thống theo hướng văn minh, hiện đại; phát triển phố chuyên doanh hiện đại mang tính tập trung cao, xây dựng thương hiệu cho một số phố chuyên doanh như: phố Nguyễn Thị Minh Khai (hàng điện tử-vi tính), Phố Nguyễn Văn Cừ (thời trang), phố Quang Trung (hàng điện máy) v.v...
- Xây dựng Trung tâm hội chợ triển lãm khu vực Bắc Trung hộ bằng hình thức xã hội hóa nguồn vốn đầu tư. Kết hợp hình thức thương mại truyền thống với thương mại điện tử, hiện đại.
- Phát triển hệ thống tổng kho và kho trung chuyển, phân phối hàng hóa gắn với phát triển trung tâm logistic tại khu vực ngoại vi thành phố.
- Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Thu hút các tập đoàn, nhà đầu tư lớn đầu tư xây dựng các công trình thương mại hoặc tổ hợp dịch vụ, thương mại, đô thị v.v... đồng thời quan tâm các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, các hộ kinh doanh phát triển, có hệ thống phân phối khoa học, có vai trò dẫn dắt thị trường trên địa bàn.
- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn thành phố; quản lý chặt chẽ việc thực hiện quy hoạch phát triển các loại hình thương mại trên địa bàn. Tăng cường mạnh mẽ quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm.
b. Phân công thực hiện: Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các Sở ngành liên quan và Ủy ban Nhân dân thành phố Vinh tổ chức triển khai thực hiện.
2.3. Xây dựng thành phố Vinh trở thành trung tâm về du lịch
a. Nhiệm vụ: phấn đấu đưa thành phố Vinh trở thành một trung tâm du lịch, điểm đến hấp dẫn của vùng Bắc Trung bộ, một trong ba vùng động lực quan trọng nhất của tỉnh.
Tập trung quy hoạch và thu hút đầu tư phát triển các khu, điểm du lịch hiện đại, có chất lượng cao tại thành phố Vinh và phụ cận, bao gồm: Khu du lịch tâm linh kết hợp vui chơi giải trí Lâm viên Núi Quyết - Bến Thuỷ - Phượng Hoàng Trung đô; Cụm du lịch phía Nam sông Vinh; Khu vui chơi giải trí tổng hợp, ẩm thực phía Nam, Tây Nam thành phố; Khu du lịch sinh thái ven sông Lam gắn với rừng ngập mặn Hưng Hoà - Hưng Lợi; Tuyến du lịch ven sông Cửa Tiền nối khu Lâm viên Núi Quyết - Bến Thuỷ - Phượng Hoàng Trung đô với công viên vui chơi giải trí hồ Cửa Nam; Phát triển dịch vụ du lịch ven bờ và trên sông Lam, sông Cửa Tiền, hình thành tuyến du lịch trên sông Lam từ Bến Thuỷ đi Nam Đàn, Cửa Hội - Đảo Ngư.
Đầu tư nâng cấp và xây dựng mới các cơ sở lưu trú du lịch ở Thành phố Vinh, Thị xã Cửa Lò theo hướng chất lượng, hiệu quả, thân thiện môi trường; phát triển đa dạng các dịch vụ vui chơi giải trí văn hóa, thể thao, khu giới thiệu và mua bán đặc sản địa phương, hệ thống nhà hàng, khu ẩm thực, hình thành phố nghề, phố chợ đêm, phố bán hàng lưu niệm và các phố chuyên doanh khác.
Phát huy giá trị các di tích lịch sử và di sản văn hóa phi vật thể: các bảo tàng, Thành cổ, đền Quang Trung, Núi Quyết - Phà Bến Thủy - Phượng hoàng Trung đô, làng Đỏ, Dân ca Ví, giặm, ...để xây dựng các tua du lịch nội thành; kết nối Vinh, Cửa Lò với các trọng điểm du lịch trong tỉnh: Nam Đàn, Đô Lương, Con Cuông, Nghĩa Đàn, Quỳ Châu, Quế Phong, Hoàng Mai, cửa khẩu Thanh Thủy để hình thành các tuyến du lịch nội tỉnh hấp dẫn.
Tăng cường các hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch với 4 tỉnh Bắc miền Trung, 14 tỉnh Bắc - Nam Trung Bộ, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng... và các nước trong khu vực để gắn Nghệ An nói chung, Vinh, Cửa Lò nói riêng vào các tuyến du lịch trong nước, quốc tế bằng đường bộ và đường hàng không, trong đó tập trung khai thác có hiệu quả các tuyến du lịch đã có: Vinh - Hà Tĩnh - Quảng Bình và các tỉnh phía Nam, Vinh - Thanh Hoá - Ninh Bình - Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, Vinh - Cửa khẩu Cầu Treo - các tỉnh của Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan theo Quốc lộ 8, Vinh - Nậm Cắn - Xiêng Khoảng - Luang Prabăng - Viên Chăn theo Quốc lộ 7...; các tuyến du lịch bằng đường hàng không Vinh - thành phố Hồ Chí Minh, Vinh - Hà Nội, Vinh - Đà Nẵng, Vinh - Nha Trang, Vinh - Đà Lạt...; từng bước hình thành và khai thác tuyến du lịch quốc tế theo đường bay Vinh - Bangkok, Vinh - Đài Loan, Vinh - Singapore, Vinh - Hàn Quốc, Vinh - Nhật Bản...
Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý và nhân viên làm du lịch trong tỉnh và trong vùng trên cơ sở xây dựng 1-2 cơ sở đào tạo nghề du lịch chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.
Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch hấp dẫn, giá trị như: du lịch nghỉ dưỡng, phục hồi sức khỏe, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - tâm linh, du lịch thể thao biển... Khuyến khích đầu tư từ nguồn lực của cộng đồng xã hội để hình thành các mô hình du lịch trải nghiệm và cung ứng dịch vụ đa dạng nhằm mục tiêu phát triển bền vững.
Tranh thủ sự hỗ trợ của Dự án EU về hợp tác quản lý điểm đến du lịch 4 tỉnh Bắc miền Trung trong phát triển sản phẩm du lịch, đào tạo nguồn nhân lực và maketing sản phẩm.
Xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có phát triển du lịch thành phố Vinh, hoàn thành trong năm 2016-2017. Xây dựng quy hoạch chi tiết các khu du lịch trên địa bàn phù hợp quy hoạch tổng thể, trong đó từng bước hình thành các tuyến phố đặc trưng như: phố hoa, phố sách, phố ẩm thực, phố vui chơi giải trí v.v...
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch, các chương trình hợp tác phát triển du lịch, đào tạo nguồn nhân lực du lịch; gắn kết các chương trình du lịch với các hoạt động văn hóa cộng đồng, khai thác cảnh quan thiên nhiên...
b. Phân công thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Sở ngành, Ủy ban Nhân dân thành phố Vinh và các huyện, thị xã liên quan tổ chức triển khai thực hiện.
2.4. Xây dựng thành phố Vinh trở thành trung tâm khoa học - công nghệ
a. Nhiệm vụ:
- Nâng cấp một số các tổ chức khoa học công nghệ thuộc các lĩnh vực, ngành mà tỉnh ưu tiên đầu tư phát triển như công nghệ cao, công nghệ mới, hiện đại.
- Tăng cường sự hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương để thành lập một số trung tâm KH & CN gắn với mở rộng chức năng nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN của Trường Đại học Vinh; Trung tâm Tiêu chuẩn đo lường chất lượng vùng Bắc Trung bộ; Trung tâm kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm vùng Bắc Trung bộ; Nâng cấp Trung tâm kiểm nghiệm dược phẩm Nghệ An thành Trung tâm vùng Bắc Trung Bộ; Nâng cấp, phát triển sàn giao dịch công nghệ đảm bảo cung cấp đầy đủ các thông tin KH&CN để phục vụ nghiên cứu và chuyển giao công nghệ vùng Bắc Trung Bộ.
- Phối hợp và tranh thủ sự giúp đỡ của Bộ, ngành Trung ương để phát triển các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh đại tiêu chuẩn chất lượng cấp quốc gia, khu vực và hợp tác quốc tế.
- Hình thành và phát triển các doanh nghiệp ươm tạo KH&CN và ứng dụng công nghệ cao. Phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ: nâng cấp các trường đại học, cao đẳng đào tạo nguồn nhân lực KH&CN đa ngành, đa lĩnh vực, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ theo hướng tự chủ; nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ KH&CN, công nghệ cao cho cán bộ KH&CN; nâng cao trình độ về quản lý công nghệ và đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp.
- Tăng cường đầu tư nguồn lực và nâng cao chất lượng hoạt động KH&CN để thành phố Vinh trở thành thành phố đi đầu trong việc ứng dụng các thành tựu KH&CN, trong đó tập trung ở một số lĩnh vực: về công nghệ y dược: ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao trong khám, chữa bệnh; nghiên cứu đầu tư, tiếp thu, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất các loại thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng; về công nghệ điện tử và vật liệu mới: ứng dụng công nghệ tự động hóa ở một số khâu trong sản xuất; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất vật liệu mới, vật liệu xây dựng phục vụ các công trình giao thông và xây dựng.
- Đổi mới nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoa học công nghệ: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của KH&CN trong phát triển kinh tế xã hội; tăng cường đầu tư cho KH&CN một cách hợp lý, đến năm 2020 tỷ lệ đầu tư từ ngân sách nhà nước cho KH&CN đạt 2% chi ngân sách thường xuyên của tỉnh; đẩy mạnh xã hội hóa nguồn kinh phí cho hoạt động KH&CN; hướng dẫn doanh nghiệp thành lập quỹ phát triển KH&CN; kêu gọi, thu hút đầu tư trong và ngoài nước đối với các dự án ứng dụng công nghệ cao, xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghệ cao. Nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN: tăng cường hợp tác, liên kết, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động quản lý KH&CN, nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KH&CN với khu vực trong, ngoài nước, với các Viện nghiên cứu, Trường Đại học của Trung ương; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về KH&CN; nghiên cứu xây dựng các dự án khoa học công nghệ mang tính vùng và liên vùng. Nghiên cứu xây dựng chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ đội ngũ giảng viên trình độ cao ở các trường đại học, cao đẳng, các viện nghiên cứu trên địa bàn tỉnh Nghệ An; tạo cơ chế thúc đẩy sự hợp tác giữa các nhà khoa học với các doanh nghiệp trong nghiên cứu ứng dụng KH&CN vào sản xuất, hỗ trợ đổi mới, sáng tạo công nghệ; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, đổi mới công nghệ. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá độc lập, phản biện, giám định xã hội đối với các hoạt động khoa học công nghệ.
b. Phân công thực hiện: Sở Khoa học - Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Sở ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Vinh, các trường Đại học và các đơn vị liên quan tham mưu tổ chức thực hiện.
2 5. Xây dựng thành phố Vinh trở thành trung tâm công nghệ thông tin
- Nhiệm vụ:
Phát triển nhanh lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông của thành phố đảm bảo tính đồng bộ, hiện đại và an ninh, an toàn thông tin, đáp ứng nhu cầu thông tin, liên lạc của cơ quan, doanh nghiệp và người dân. Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông để phát triển các ngành kinh tế. Khuyến khích, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử để tiết kiệm thời gian, chi phí và minh bạch hóa thủ tục hành chính trong khâu gia nhập thị trường. Tổ chức tốt công tác thông tin doanh nghiệp, thông tin kinh tế - xã hội tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận thông tin một cách minh bạch, dễ dàng giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Thu hút các ngành, lĩnh vực tạo ra giá trị gia tăng lớn như: Sản xuất thiết bị phần cứng, phần mềm, dịch vụ phụ trợ của ngành công nghiệp công nghệ thông tin, truyền thông; chú trọng hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đào tạo, cung ứng nhân lực chất lượng cao. Hình thành các sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng giá trị gia tăng, hệ thống quản lý dây chuyền cung ứng.
Tập trung thu hút đầu tư xây dựng vào các Dự án công nghệ phần mềm, công nghệ thông tin và nghiên cứu phát triển khoa học kỹ thuật tại vùng phía Đông thành phố (xã Nghi Thái, Nghi Lộc và xã Hưng Hòa, thành phố Vinh)1.
Đến năm 2020, đảm bảo 50-70% tổng số giao dịch của các ngành kinh tế được thực hiện thông qua hệ thống giao dịch điện tử; 100% cơ quan đơn vị quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý và điều hành; 100% các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức kinh doanh ứng dụng công nghệ thông tin một cách thường xuyên trong hoạt động sản xuất kinh doanh; trên 80% doanh nghiệp tại thành phố Vinh thực hiện báo cáo thống kê, khai báo thuế, đăng ký và được cấp phép kinh doanh qua mạng.
b. Phân công thực hiện: Sở Thông tin - Truyền thông chủ trì, phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ, các trường đại học, cao đẳng, Ủy ban Nhân dân thành phố Vinh và các đơn vị liên quan tham mưu tổ chức thực hiện.
2.6. Xây dựng thành phố Vinh trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao
a. Nhiệm vụ:
- Phát triển Khu công nghệ cao trong Khu kinh tế Đông Nam để ưu tiên phát triển các ngành: công nghiệp máy tính và mạng máy tính, công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa, cụm công nghiệp cơ khí chính xác, công nghệ sinh học, vật liệu mới sử dụng công nghệ nano.
- Tạo điều kiện thuận lợi về hạ tầng, tăng cường cải cách hành chính và các cơ chế, chính sách thông thoáng để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong Khu kinh tế Đông Nam.
b. Phân công thực hiện: Sở Công thương chủ trì, phối hợp các Sở ngành và Ủy ban Nhân dân thành phố Vinh, huyện Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò và Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam tham mưu tổ chức thực hiện.
2.7. Xây dựng thành phố Vinh trở thành trung tâm y tế
a. Nhiệm vụ:
* Giai đoạn 2016 - 2017:
- Các bệnh viện trên địa bàn thành phố phát triển 100% kỹ thuật tương đương với phân hạng bệnh viện và 30% kỹ thuật của tuyến trên đối với bệnh viện hạng III; 25% kỹ thuật của tuyến trên đối với bệnh viện hạng II và 20% kỹ thuật của tuyến Trung ương đối với bệnh viện hạng I. Ưu tiên tập trung phát triển kỹ thuật chuyên ngành và các kỹ thuật hỗ trợ.
- Củng cố và hoàn thiện các kỹ thuật cao đã triển khai tại một số cơ sở y tế trên địa bàn thành phố Vinh như: can thiệp tim mạch, mổ hở tim, ghép thận, ghép tế bào gốc để điều trị một số bệnh lý như ung thư, phẫu thuật thần kinh. Lồng ghép, phối hợp thực hiện một số kỹ thuật cao trong điều trị giữa các cơ sở y tế nhằm phát huy tối đa công suất các thiết bị y tế hiện đại và năng lực các bệnh viện lớn.
Cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị y tế, đào tạo cán bộ chuyên sâu, chất lượng cao cho Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh để đạt chuẩn quốc gia về Trung tâm Y tế dự phòng.
Tiếp tục thực hiện các dự án đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt: khu B (dự án công tư kết hợp) thuộc Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh; Bệnh viện ung bướu; Bệnh viện chấn thương - chỉnh hình; Bệnh viện mắt; cải tạo, nâng cấp và đầu tư trang thiết bị y tế cho Bệnh viện y học cổ truyền Nghệ An theo hướng đa khoa y dược cổ truyền.
Thành lập Bệnh viện thực hành và một số trung tâm nghiên cứu, thực hành tại trường Đại học Y khoa Vinh: Trung tâm thực hành thí nghiệm; Trung tâm nghiên cứu chuyển giao tiến bộ kỹ thuật Y - Dược.
Khuyến khích và tạo điều kiện để các bệnh viện ngoài công lập hoạt động đúng hướng, phát huy tiềm lực, triển khai thành công nhiều kỹ thuật cao về y tế.
* Giai đoạn 2018 - 2020:
- Triển khai ứng dụng mới các kỹ thuật cao trong y học như: thụ tinh trong ống nghiệm (IVF); sàng lọc chẩn đoán trước sinh; xạ trị và y học hạt nhân; ghép giác mạc, vi phẫu tạo hình...
- Xây dựng và triển khai các dự án thuộc lĩnh vực Y - Dược đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 7343/QĐ-UBND ngày 25/12/2014 về việc phát triển Nghệ An thành Trung tâm khoa học - công nghệ vùng Bắc Trung bộ, giai đoạn 2015 - 2020.
- Xây dựng các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng về công nghệ sinh học, công nghệ gen, tế bào gốc phục vụ nghiên cứu và điều trị tại khoa Sinh, Đại học Vinh.
- Xây dựng Trung tâm kiểm nghiệm Dược phẩm - Mỹ phẩm và vệ sinh An toàn thực phẩm thành Trung tâm kỹ thuật khu vực Bắc Trung bộ.
- Đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với các cơ sở y tế công lập nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo và nâng cao tinh thần trách nhiệm của cơ sở.
- Phối hợp với các Trường đại học Y, các bệnh viện tuyến Trung ương để đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
- Tăng cường hợp tác quốc tế, hợp tác với các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành trong việc hỗ trợ chuyển giao các kỹ thuật cao; tranh thủ tối đa sự hỗ trợ về kỹ thuật của các bệnh viện tuyến Trung ương theo đề án 1816.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành hoạt động của các đơn vị và của ngành; trong hội chẩn, hội nghị, tập huấn nâng cao năng lực, chăm sóc và điều trị. Ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong chẩn đoán, điều trị và lĩnh vực y học dự phòng.
- Ưu tiên sử dụng ngân sách cho hoạt động triển khai các kỹ thuật cao mũi nhọn; kêu gọi và tạo mọi điều kiện thu hút đầu tư trong và ngoài nước cho các dự án triển khai nghiên cứu và ứng dụng y tế kỹ thuật cao. Từng bước chuyển việc đầu tư trực tiếp từ ngân sách Nhà nước cho các cơ sở dịch vụ công đang đầu tư trực tiếp cho người hưởng dịch vụ bằng cách mua thẻ bảo hiểm y tế.
- Kêu gọi đầu tư xây dựng thêm Bệnh viện đạt tiêu chuẩn quốc tế tại Nghệ An; khuyến khích các nhà đầu tư xã hội hóa vào lĩnh vực pháp triển dịch vụ cao có chất lượng ngang tầm quốc tế.
- Tăng cường sự phối hợp, liên kết giữa bệnh viện công - bệnh viện ngoài công lập và các bệnh viện ngành đóng trên địa bàn để phát huy cao nhất hiệu quả nguồn lực y tế.
- Xác định nhu cầu thực tế, tăng cường cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng đội ngũ để từng bước mở rộng thêm một số ngành đào tạo đại học, sau đại học về y khoa.
b. Phân công thực hiện: Sở Y tế chủ trì, phối hợp các Sở ngành liên quan, Ủy ban Nhân dân thành phố Vinh tổ chức triển khai thực hiện.
2.8. Xây dựng thành phố Vinh trở thành trung tâm văn hóa
a. Nhiệm vụ:
- Xây dựng các công trình mới, đồng thời có kế hoạch nâng cấp để phát huy giá trị các công trình văn hóa hiện có đủ tiêu chuẩn tổ chức các sự kiện lớn của khu vực, của cả nước.
- Xây dựng các công trình văn hóa hiện đại: Trung tâm bảo tồn và phát huy di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, Cung văn hóa thanh thiếu niên... Tiếp tục tu bổ, tôn tạo phát huy các di tích lịch sử, văn hóa: phục dựng di tích Văn Miếu Vinh, công viên thành cổ Vinh, các nhà bảo tàng trên địa bàn và một số di tích khác.... Phấn đấu đến năm 2020, có 100% các di tích cấp quốc gia và di tích cấp tỉnh được trùng tu tôn tạo, chống xuống cấp.
- Phát huy giá trị các công trình văn hóa đã được đầu tư xây dựng: Thư viện tỉnh, Trung tâm chiếu phim đa chức năng, nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, đền Hồng Sơn, chùa Cần Linh, Phượng hoàng Trung Đô, đền thờ vua Quang Trung, khu di tích ngã ba Bến Thủy, đền Trần Hưng Đạo, công viên trung tâm...
- Triển khai thực hiện quy hoạch hệ thống tượng đài, tranh hoành tráng. Điều chỉnh và triển khai quy hoạch quảng cáo, thông tin tuyên truyền theo quy hoạch đã được phê duyệt.
- Nâng cấp Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật theo hướng chất lượng, hiệu quả đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực về văn hóa trên địa bàn. Nâng tầm Trung tâm Khoa học, Xã hội và Nhân văn thành Viện Văn hóa và Nghệ thuật vùng Bắc Trung bộ.
- Phát triển văn học nghệ thuật chuyên nghiệp: Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hoạt động văn học, nghệ thuật; Tạo điều kiện khuyến khích các văn nghệ sĩ tích cực sáng tạo nhiều công trình có giá trị tư tưởng và nghệ thuật.
- Phát triển văn hóa vinh có bản sắc, văn minh, hiện đại đủ sức lan tỏa và ảnh hưởng đến các đô thị khác trong khu vực: xây dựng môi trường và nếp sống văn hóa có bản sắc văn hóa xứ Nghệ; xây dựng con người thành phố có văn hóa, đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập.
- Đề xuất với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phối hợp với các tỉnh Bắc Trung bộ để tổ chức các sự kiện cấp quốc gia và cấp vùng trên địa bàn.
b. Phân công thực hiện:
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Sở ngành và Ủy ban Nhân dân thành phố Vinh tham mưu tổ chức thực hiện.
- Ủy ban Nhân dân thành phố Vinh triển khai có hiệu quả nhiệm vụ phát triển văn hóa theo kế hoạch hàng năm; tiếp tục thực hiện sâu rộng Nghị quyết số 06 của Thành ủy Vinh về xây dựng và phát triển văn hóa đô thị thành phố Vinh.
2.9. Xây dựng thành phố Vinh trở thành trung tâm thể dục, thể thao
a. Nhiệm vụ: xây dựng Vinh trở thành trung tâm thể thao vùng Bắc Trung bộ đủ sức đăng cai các hoạt động thể thao lớn cấp quốc gia và khu vực như Đại hội thể dục thể thao, Hội khỏe Phù Đổng, các giải thể thao khu vực.
- Đối với Thể thao quần chúng:
Xây dựng các công trình thể thao thành phố (cấp huyện) đảm bảo tiêu chuẩn 3 công trình cơ bản: Nhà thi đấu thể thao, sân vận động, bể bơi. Cấp xã: có trên 50% xã, phường, thị trấn có sân vận động, nhà tập luyện đơn giản và hồ bơi.
Phấn đấu đến năm 2020, có khoảng 34 - 35% dân số luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên; tỷ lệ gia đình thể thao đạt 25%.
- Đối với Thể thao thành tích cao:
Ưu tiên phát triển các môn thể thao trọng điểm, cụ thể: Taekwondo, Cử tạ, Cầu mây, Wushu, Pencatsilat, Boxing, Đá cầu, Bi sắt, Vionam, Võ cổ truyền; Kickboxing, Điền kinh, Vật, Karatedo, Cờ vua, Bóng chuyền, Bơi, Lặn, Bóng bàn.
Tăng số lượng vận động viên đầu tư tập trung từ 500 vận động viên năm 2016 lên 750 vận động viên vào năm 2020; huấn luyện viên thể thao thành tích cao tăng lên 80 người vào năm 2020; tăng cường bổ sung các lực lượng bác sỹ, cán bộ nghiên cứu khoa học về thể dục thể thao....
- Đầu tư phát triển cơ sở vật chất phục vụ tập luyện và thi đấu:
+ Nâng cấp sân vận động Vinh: hệ thống ghế ngồi tại các khán đài; mặt sân thi đấu bóng đá; làm mới hệ thống đường chạy bằng nhựa tổng hợp hiện đại; cải tạo phía dưới bậc ngồi khán giả là các nhà chức năng phục vụ thi đấu, làm việc, sinh hoạt của huấn luyện viên, vận động viên….
+ Cải tạo và nâng cấp hệ thống nhà tập tại Trung tâm đào tạo huấn luyện thể dục thể thao tỉnh phục vụ các môn Vovinam, Pencatsilat; vật, Wushu; bóng bàn; đá cầu, cầu mây; quần vợt. Tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống nhà ăn, nhà ở vận động viên Trung tâm đào tạo - huấn luyện thể dục thể thao; nâng cấp Nhà thi đấu tỉnh đáp ứng về yêu cầu chuyên môn phục vụ thi đấu các giải trong nước và quốc tế; Đầu tư nhà tập luyện tại Trường năng khiếu thể dục thể thao phục vụ công tác đào tạo năng khiếu.
Tạo điều kiện để tập trung thu hút đầu tư xây dựng trung tâm thể thao tại Nghi Phong 180ha. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất thể dục, thể thao các khu vệ tinh lân cận thành phố Vinh như thị xã Cửa Lò, Nghi Lộc.
- Nâng cao năng lực quản lý, đội ngũ vận động viên:
Tăng cường hợp tác, phối hợp với các địa phương trong cả nước tập huấn VĐV, đề xuất Trung ương tập huấn một số đội tuyển trẻ, quốc gia tại tỉnh; Tổ chức các giải thể thao quốc gia, quốc tế nhằm tạo cơ hội tăng cường các mối quan hệ cho thể thao Nghệ An.
Tiến hành rà soát lại toàn bộ các tuyến đào tạo vận động viên và sắp xếp lại cho phù hợp với yêu cầu phát triển, xu thế hội nhập của Nghệ An và cả nước. Nâng cao chất lượng và số lượng cán bộ quản lý, huấn luyện viên. Ưu tiên tuyển chọn vận động viên có đóng góp thành tích cho tỉnh, quốc gia. Có cơ chế phù hợp để thuê những huấn luyện viên, chuyên gia giỏi trong và ngoài nước trên lĩnh vực thể dục thể thao.
b. Phân công thực hiện:
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và Ủy ban Nhân dân thành phố Vinh, các huyện, thị xã liên quan tham mưu tổ chức thực hiện.
- Ủy ban Nhân dân thành phố Vinh triển khai có hiệu quả nhiệm vụ phát triển văn hóa theo kế hoạch hàng năm; phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc tổ chức đăng cai các sự kiện thể thao các cấp khi được phân công.
2.10. Xây dựng thành phố Vinh trở thành trung tâm giáo dục và đào tạo
a. Nhiệm vụ:
- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý giáo dục, đẩy mạnh đào tạo đội ngũ giáo viên, giảng viên tại các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp đủ về số lượng, đảm bảo cơ cấu và chất lượng. Tổ chức đánh giá, xếp loại giáo viên các cấp học theo chuẩn nghề nghiệp; đẩy mạnh công tác bồi dưỡng giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo;
- Tăng cường nề nếp, kỷ cương, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong giảng dạy, quản lý giáo dục. Thực hiện cơ chế giám sát của các chủ thể trong nhà trường và xã hội, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, coi trọng vai trò phản biện xã hội đảm bảo tính công khai, minh bạch.
- Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở giáo dục và đào tạo với yêu cầu đồng bộ, chuẩn hóa, kiên cố hóa và hiện đại hóa. Triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng Trường trung học phổ thông chuyên Phan Bội Châu giai đoạn 2010 - 2015 và những năm tiếp theo”, tạo điều kiện để chăm lo công tác mũi nhọn học sinh giỏi và nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh.
- Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi và miễn học phí trước năm 2020; phát triển giáo dục mầm non dưới 5 tuổi có chất lượng phù hợp với điều kiện của từng phường xã và cơ sở giáo dục; nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. Phấn đấu đến năm 2020, đạt tiêu chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3, có 100% trường mầm non và phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia; 1 - 2 trường phổ thông, 2 trường đại học trở thành trường trọng điểm quốc gia.
- Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng dạy học ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
- Xây dựng và triển khai chương trình hợp tác quốc tế trong đào tạo bậc cao đẳng, đại học; thu hút đầu tư xây dựng trường đại học quốc tế tại khu vực Vinh (bao gồm cả Cửa Lò);
- Nâng tầm Trường Đại học Vinh, Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh đến năm 2020 đạt ngang tầm chất lượng khu vực ASEAN; Nâng cấp và phát triển trường Đại học Y khoa Vinh đủ điều kiện trực thuộc Bộ Y tế; Nâng cao chất lượng Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực trong tỉnh và vùng; hoàn thiện các tiêu chí, các điều kiện đối với trường cao đẳng, đại học mới được nâng cấp hoặc mới thành lập đảm bảo đúng quy định.
- Hoàn chỉnh quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đào tạo trên địa bàn thành phố Vinh từ bậc mầm non đến đại học đáp ứng nhu cầu dạy và học trên địa bàn và khu vực.
- Hình thành các trung tâm lĩnh vực khoa học và công nghệ trong cơ cấu chức năng các trường đại học, cao đẳng khi có đủ điều kiện, tập trung chủ yếu ở Đại học Vinh, Đại học Y khoa Vinh, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh.
- Tập trung thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội và yêu cầu hội nhập quốc tế. Chú trọng nâng cao phẩm chất và năng lực của người học, trong đó đặc biệt chú ý kỹ năng ngoại ngữ và tin học.
- Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và đào tạo. Khuyến khích phát triển các cơ sở giáo dục và đào tạo ngoài công lập. Ưu tiên thu hút các nhà đầu tư nước ngoài mở các cơ sở giáo dục và đào tạo tại Nghệ An. Đẩy mạnh các hình thức liên kết đào tạo để mở rộng quy mô, hình thức và ngành nghề đào tạo.
- Nâng cao chất lượng công tác thông tin và dự báo về nhu cầu nhân lực theo từng ngành nghề, lĩnh vực, từng trình độ, từng giai đoạn nhằm chuẩn bị tốt nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.
b. Phân công thực hiện:
- Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và các đơn vị liên quan, Ủy ban Nhân dân thành phố Vinh tổ chức triển khai thực hiện.
- Ủy ban Nhân dân thành phố Vinh triển khai có hiệu quả nhiệm vụ phát triển giáo dục và đào tạo các bậc học theo kế hoạch hàng năm gắn với triển khai thực hiện Đề án quy hoạch mạng lưới, xây dựng cơ sở vật chất trường lớp gắn với xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2016-2020.
3. Phát triển kết cấu hạ tầng
3.1. Xây dựng danh mục các chương trình, dự án
a. Nhiệm vụ: Nghiên cứu lựa chọn các công trình, dự án quan trọng để bổ sung vào danh mục các chương trình, dự án cần kêu gọi đầu tư đến năm 2020, trong đó khuyến khích đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP), thu hút đầu tư nước ngoài, các nguồn vốn ODA, FDI, NGO... thực hiện xã hội hóa đầu tư, trên cơ sở đó đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, xúc tiến đầu tư nhằm thu hút đầu tư, nhất là trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, du lịch, phát thanh - truyền hình, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường.
b. Phân công thực hiện: Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các Sở ngành, thành phố Vinh và các huyện, thị xã liên quan tham mưu tổ chức thực hiện.
3.2. Phát triển hệ thống giao thông thiết yếu (giao thông đối ngoại)
a. Nhiệm vụ:
- Tích cực huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước, từ các thành phần kinh tế, vận động nguồn vốn ODA để đầu tư cho các công trình trọng điểm, cấp bách có sức lan tỏa và tạo đột phá. Đẩy nhanh tiến độ các công trình dở dang để sớm đưa vào vận hành, khai thác.
- Đa dạng hóa các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước nhằm nâng cấp, cải tạo các tuyến giao thông quan trọng.
- Đầu tư xây dựng các tuyến đường bộ: bến xe phía Bắc; mở rộng nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn Quán Bánh - cầu Bến Thủy theo quy hoạch đô thị Vinh; đường bộ cao tốc đoạn qua tỉnh Nghệ An; một số đoạn của tuyến ven biển Nghi Sơn - Cửa Lò; các tuyến đi qua phía Tây thị xã Cửa Lò; cầu Bến Thủy 3 và một số nút giao khác cốt quan trọng khác...; tổ chức quy hoạch chi tiết, từng bước đầu tư hai bên trục giao thông “động lực tăng trưởng” (chuỗi liên kết đô thị) Vinh - Cửa Lò, Vinh - Hưng Nguyên; nâng cấp mở rộng trục giao thông chính Vinh - Cửa Hội.
- Nâng cấp đường sắt Bắc Nam qua địa bàn, hệ thống các cầu vượt, hầm chui, hàng rào đường gom dọc tuyến.
- Nâng cấp, mở rộng cụm cảng Cửa Lò: Thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2 Dự án nâng cấp luồng vào cảng Cửa Lò, mở rộng kéo dài luồng thêm 2.000m về thượng lưu; xây dựng bến số 5 và số 6 cho tàu 2-3 vạn tấn ra vào; xây dựng cảng nước sâu Cửa Lò cho tàu 3-5 vạn tấn và các công trình phụ trợ khác. Hoàn thành xây dựng cảng biển VISSAI phục vụ vận chuyển xi măng, cảng chuyên dụng khí và xăng dầu tại Nghi Thiết, Nghi Lộc.
- Mở rộng, nâng cấp sân bay Vinh theo lộ trình trở thành sân bay quốc tế: xây dựng thêm 1 đường cất hạ cánh dài 3.000m, sân đỗ theo quy hoạch; mở thêm một số tuyến bay trong nước và quốc tế đáp ứng nhu cầu giao lưu đối ngoại, phát triển du lịch và thu hút đầu tư.
b. Phân công thực hiện: Sở Giao thông - Vận tải chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, Ủy ban Nhân dân thành phố Vinh và các huyện, thị liên quan tổ chức triển khai và tham mưu thực hiện.
3.3. Phát triển hạ tầng gắn với chỉnh trang đô thị thành phố Vinh
a. Nhiệm vụ:
- Lập Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 trên cơ sở dự báo các nguồn vốn đầu tư. Đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực từ các tổ chức và nhân dân để đầu tư các công trình hạ tầng tại cơ sở như: trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, hệ thống giao thông đô thị, cây xanh, chiếu sáng công cộng v.v....
- Tập trung đầu tư xây dựng các công trình xây dựng cơ bản trên cơ sở khả năng cân đối vốn đầu tư và ưu tiên các công trình như: các gói thầu giai đoạn 2 thuộc Tiểu dự án phát triển đô thị Vinh (đường 72m, đường 35m, hồ điều hòa, kênh Bắc, hào thành cổ...); hoàn thành đường Lê Ninh; đường du lịch Cửa Nam - núi Quyết; mở rộng các tuyến đường: Phan Đình Phùng, Trần Phú, Quang Trung đảm bảo tăng số làn xe lưu thông, đồng thời điều chỉnh đồng bộ hệ thống cây xanh, vỉa hè; đầu tư xây dựng đường bao Tây; mở rộng đường Nguyễn Trường Tộ gắn với việc xây dựng hạ tầng hình thành các khu dân cư mới; xây dựng đường Namyangju - Dasan (vốn hỗ trợ của thành phố Namyangju, Hàn Quốc) nối trục giao thông chính đô thị với khu quy hoạch dân cư mới phường Quán Bàu v.v...
- Bổ sung, điều chỉnh quy hoạch chi tiết và tiến hành đầu tư xây dựng các khu tái định cư, khu chia lô đất ở nhằm khai thác nguồn vốn từ quỹ đất, kết nối hạ tầng và mở rộng các khu dân cư mới.
- Tạo điều kiện thuận lợi đầu tư xây dựng các công trình theo hình thức BT: đường Lý Thường Kiệt; đường Lê Mao kéo dài; đường Nguyễn Sỹ Sách kéo dài; mở rộng đường Nguyễn Viết Xuân, đường Nguyễn Văn Trỗi v.v... Thu hút đầu tư các công trình hạ tầng dịch vụ đô thị như: bãi đỗ xe, khu vệ sinh công cộng v.v...
- Phối hợp, tạo điều kiện để các nhà đầu tư thực hiện các dự án, công trình lớn trên địa bàn, điểm nhấn kiến trúc đô thị như: Tòa tháp EUROWINDOW tại phường Hồng Sơn; Khu tổ hợp thương mại, dịch vụ, văn phòng, nhà ở và căn hộ của Tập đoàn T&T tại phường Quang Trung; Tổ hợp khách sạn và chung cư cao cấp Mường Thanh, Bảo Sơn, Tecco; cải tạo mở rộng khu chung cư Quang Trung v.v...
- Thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư để thu hút vốn tài trợ của ADB để triển khai Dự án quản lý tổng hợp thoát nước và nước thải thành phố Vinh (các hạng mục lớn như kè sông Vinh, kênh tiêu nước chính...)
- Phục hồi, tôn tạo, phát huy giá trị các công trình di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn: đền vua Quang Trung, đền Hồng Sơn, đền Trần Hưng Đạo…; xây dựng mạng lưới trường lớp học các cấp theo các tiêu chí trường chuẩn quốc gia.
- Triển khai thực hiện Đề án di dời nghĩa trang, quy hoạch cây xanh; hoàn thành Đề án xóa nhà ở tập thể cũ vào năm 2017.
b. Phân công thực hiện: Ủy ban Nhân dân thành phố Vinh chủ trì, tổ chức thực hiện.
Để đảm bảo thực hiện được các mục tiêu đề ra, các Sở ngành, Ủy ban Nhân dân thành phố Vinh và các huyện, thị, liên quan cần tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:
1. Triển khai việc điều chỉnh quy hoạch các huyện liên quan
- Tổ chức điều chỉnh quy hoạch chung các huyện Hưng Nguyên và Nghi Lộc để có kế hoạch cơ cấu, tổ chức lại các đơn vị hành chính, trên cơ sở đó tiến hành quy hoạch phân khu chức năng phù hợp với tiến độ mở rộng địa giới hành chính thành phố Vinh và quy hoạch chung của tỉnh. Từng bước hình thành các trung tâm hành chính (trị trấn) mới của các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên trước khi thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Vinh.
- Cần quản lý và thực hiện tốt quy hoạch Vinh - Cửa Lò, lưu ý đến không gian vùng đệm, không gian xanh, bảo toàn các vùng xanh hiện có, phát triển thêm các vùng mới.
- Thu hút, tập hợp nhiều kiến trúc sư giỏi tham gia thiết kế các công trình, xây dựng đô thị có kiến trúc đẹp, đặc trưng, đặc biệt là các cụm công trình lớn.
2. Giải pháp về huy động các nguồn lực đầu tư
- Tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu tiềm năng và lợi thế của tỉnh và thành phố, đẩy mạnh giao lưu hợp tác trong và ngoài nước nhằm xúc tiến thu hút các nhà đầu tư có thế mạnh đầu tư vào thành phố.
- Tập trung cao cho công tác khai thác quỹ đất gắn với nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai, nhằm phát huy hiệu quả và tiết kiệm trong việc sử dụng đất, tạo nguồn vốn đầu tư các công trình hạ tầng như: hệ thống giao thông, thoát nước, chiếu sáng công cộng, các công trình văn hóa, giáo dục...
- Trên cơ sở nhu cầu các dự án ưu tiên, khả năng cân đối các nguồn lực từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương để bố trí lồng ghép các nguồn vốn đảm bảo để triển khai thực hiện.
- Đẩy mạnh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các công trình, dự án đã triển khai, nhất là các dự án lớn như Tổ hợp công nghiệp, dịch vụ và đô thị VISIP, Bệnh viện Đa khoa giai đoạn II v.v...
- Bổ sung kịp thời vào quy hoạch các công trình, dự án đầu tư mới đề xuất phù hợp với sự phát triển kinh tế, xã hội của thành phố nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư sớm triển khai các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT) trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước khó khăn.
- Đẩy nhanh tiến độ để giải ngân đúng kế hoạch vốn ODA Tiểu dự án phát triển đô thị Vinh; hoàn thành công tác chuẩn bị dự án để thu hút vốn tài trợ của Ngân hàng châu Á (ADB) thực hiện dự án Quản lý tổng hợp thoát nước và xử lý nước thải thành phố Vinh; đồng thời tích cực làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ ngành liên quan để có cơ chế ưu tiên tạo điều kiện về vốn vay, vốn đối ứng khi phê duyệt và thực hiện dự án ODA.
- Tiếp tục phát huy cơ chế xã hội hóa trong đầu tư xây dựng và phát triển các lĩnh vực: giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục - thể thao, du lịch v.v... nhằm phát huy tiềm năng vốn đầu tư trong các tổ chức, đơn vị và cộng đồng dân cư, nhằm hoàn thiện các công trình hạ tầng, chỉnh trang đô thị.
3. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, tạo điều kiện thuận lợi trong các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, dịch vụ cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp và hộ kinh doanh
Phát huy thế mạnh của hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể, mặt trận tổ quốc trong việc chỉ đạo, điều hành và thực hiện các cơ chế, chính sách trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án của các nhà đầu tư và các dự án trọng điểm trên địa bàn.
Tăng cường công tác quản lý đô thị, đất đai, vệ sinh môi trường; nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, ý thức người dân trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; gắn mục tiêu tăng trưởng với giải quyết về an sinh xã hội, đảm bảo phát triển bền vững.
Coi trọng việc nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh: tiếp tục cải cách hành chính sâu rộng, nhất là cải cách các thủ tục thực hiện các quy trình trong thu hút đầu tư, đăng ký kinh doanh, cấp phép xây dựng và thủ tục về đất đai. Áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong việc xử lý dịch vụ công, quảng bá giới thiệu sản phẩm như: các sàn giao dịch thương mại điện tử, sàn giao dịch khoa học - công nghệ, đăng ký kinh doanh qua mạng... Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực một cách hiệu quả, tuân thủ luật pháp.
Có cơ chế, chính sách thích hợp để thu hút nhân tài, lao động chất lượng cao, đồng thời coi trọng công tác đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ, công chức nhằm nâng cao chất lượng trong quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.
Tăng cường công tác đối ngoại, quảng bá giới thiệu tiềm năng, lợi thế, các thông tin về phát triển thành phố Vinh nói riêng, tỉnh Nghệ An nói chung. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, liên kết hợp tác giữa thành phố và tỉnh với các thành phần kinh tế, các tỉnh thành trong nước. Tích cực giao lưu văn hóa, thương mại, kinh tế giữa Vinh với các thành phố truyền thống trên thế giới.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch, cấp phép xây dựng, chứng nhận đầu tư v.v... Coi trọng những phản ánh qua kênh thông tin báo chí, phát thanh truyền hình và đóng góp ý kiến của cộng đồng dân cư trong quá trình giám sát, xử lý tình huống, đảm bảo sự tuân thủ các quy định pháp luật và phát triển bền vững, đảm bảo môi trường và an sinh xã hội.
4. Giải pháp về các cơ chế, chính sách
a. Trong phạm vi thẩm quyền tỉnh Nghệ An
Về tài chính, ngân sách: cho phép xây dựng một số cơ chế về tài chính, ngân sách đặc thù đối với thành phố Vinh để đảm bảo nguồn lực triển khai thực hiện các nội dung được phân công tại Quyết định này.
Tổ chức rà soát lại các quy định đã ban hành về việc phân công, phân cấp, ủy quyền thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước trên các lĩnh vực để điều chỉnh, bổ sung theo hướng phân cấp mạnh cho thành phố, trên cơ sở năng lực bộ máy, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng được nâng cao.
b. Đề xuất với Trung ương một số cơ chế, chính sách ưu đãi
Đề nghị các Bộ: Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính khi giao kế hoạch cho tỉnh Nghệ An, ưu tiên bố trí vốn cho các công trình, dự án triển khai thực hiện Quyết định số 2468/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với các dự án huy động vốn của các nhà tài trợ lớn (ODA) để giải quyết những nhiệm vụ trọng yếu của đô thị về môi trường, chống biến đổi khí hậu, đề nghị Chính phủ bảo lãnh vay vốn và cấp phát lại cho thành phố (qua tỉnh) để thực hiện, phần đối ứng thực hiện theo quy định hiện hành.
Để thuận tiện trong việc quản lý và tạo điều kiện cho sự phát triển ngành y tế thành phố trở thành trung tâm vùng Bắc Trung bộ, đề nghị chuyển Trường Đại học Y khoa Vinh về Bộ Y tế quản lý, xây dựng thành trường đại học y khoa cấp vùng.
c. Phân công thực hiện
Các sở, ngành cấp tỉnh chủ trì, phối hợp Ủy ban Nhân dân thành phố Vinh rà soát lại việc phân cấp, ủy quyền trên các lĩnh vực để tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh trình các bộ ngành Trung ương điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách phát triển đối với thành phố, hoặc quyết định các cơ chế chính sách thuộc thẩm quyền tỉnh.
Ủy ban Nhân dân thành phố Vinh chủ động báo cáo đề xuất các khó khăn, vướng mắc trong việc phân cấp, ủy quyền, các cơ chế, chính sách trong quản lý nhà nước trên các lĩnh vực để đề xuất điều chỉnh, bổ sung kịp thời.
(Có danh mục chi tiết kèm theo)
1. Kinh phí thực hiện
Các đơn vị được giao nhiệm vụ có trách nhiệm lập báo cáo đề xuất kinh phí thực hiện các nội dung: xây dựng kế hoạch; xây dựng các chương trình, đề án; soạn thảo và tổng hợp các báo cáo định kỳ tình hình triển khai thực hiện Quyết định số 2468/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Giao Ủy ban Nhân dân thành phố Vinh tham mưu tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tài chính thẩm định, phê duyệt.
Giao Sở Tài chính chủ trì, tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh cân đối, bố trí nguồn kinh phí thực hiện trên cơ sở khả năng nguồn lực để triển khai thực hiện đảm bảo hiệu quả, đúng các quy định hiện hành của nhà nước.
2. Phân công trách nhiệm
Các Sở, ngành đã được giao nhiệm vụ, căn cứ những nội dung liên quan, tiếp tục rà soát các chương trình, đề án và dự án đang triển khai thực hiện để bổ sung, điều chỉnh (nếu có) phù hợp với nội dung Quyết định số 2468/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch này.
Đối với các đề án, dự án mới, các đơn vị được giao có trách nhiệm chủ động phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng đề án, dự án đảm bảo thời gian và chất lượng, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt (hoặc tham mưu trình các Bộ, ngành và Chính phủ phê duyệt đối với các đề án, dự án thuộc thẩm quyền Trung ương) làm căn cứ thực hiện.
Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Giao thông Vận tải; Xây dựng; Giáo dục - Đào tạo; Y tế; Công thương; Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trên cơ sở nhiệm vụ được giao, phối hợp tham mưu đề xuất các Bộ ngành Trung ương và tỉnh ưu tiên phân bổ nguồn vốn đầu tư các đề án, dự án thành phần triển khai thực hiện đề án trong Kế hoạch.
Ủy ban Nhân dân thành phố Vinh, căn cứ Quyết định số 2468/QĐ-TTg, mục tiêu Nghị quyết Đại hội thành phố lần thứ XXIII và nội dung Kế hoạch này để rà soát các chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm, xác định nhiệm vụ hàng năm phù hợp khả năng cân đối nguồn lực, đồng thời triển khai thực hiện tích cực, có hiệu quả hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội năm năm 2016-2020; phối hợp các sở, ngành liên quan tham mưu đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện thành phố nhằm thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh mở rộng thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, trình tỉnh và Trung ương quyết định theo thẩm quyền.
Ủy ban Nhân dân thị xã Cửa Lò, các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên trên tinh thần Nghị Quyết Đại hội Đảng bộ của mình và Kế hoạch này, phối hợp triển khai thực hiện đảm bảo hiệu quả Đề án.
3. Chế độ thông tin, báo cáo
Các Sở, ngành, Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc nội dung nhiệm vụ được giao; xây dựng, triển khai thực hiện các đề án, dự án đã được phê duyệt đảm bảo chất lượng, tiến độ; định kỳ 6 tháng dự thảo báo cáo trình Ủy ban Nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện (qua Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban Nhân dân thành phố Vinh. Thời gian nộp báo cáo: chậm nhất trước ngày 20 của tháng 6 và tháng 12 hàng năm) để tổng hợp, chỉ đạo kịp thời. Giao Ủy ban Nhân dân thành phố Vinh chủ trì, phối hợp Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh theo dõi, đôn đốc thực hiện Kế hoạch; tổng hợp các báo cáo định kỳ theo kế hoạch; tham mưu điều chỉnh nội dung kế hoạch (nếu có) trình Ủy ban Nhân dân tỉnh quyết định./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
CÁC ĐỀ ÁN, DỰ ÁN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 2468/QĐ-TTG NGÀY 29/12/2015 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
(Kèm theo Kế hoạch số 680/KH-UBND ngày 15/11/2016 của UBND tỉnh Nghệ An)
TT | Đề án, dự án | Mục tiêu và nội dung chính | Tiến độ thực hiện | Phân công chỉ đạo | Phân công chủ trì | Ghi chú |
A | Các đề án, dự án tiếp tục thực hiện | |||||
1 | Đề án xây dựng TP Vinh thành trung tâm Công nghệ thông tin của vùng Bắc Trung bộ. |
| -Phê duyệt đề án: Quý IV năm 2006; -Thực hiện: 2006-2020 | Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa | Sở Thông tin - Truyền thông | QĐ số 110/QĐ- UBND ngày 06/11/2006 của UBND tỉnh |
2 | Đề án xây dựng Vinh thành trung tâm văn hóa vùng Bắc Trung bộ. |
| - Phê duyệt đề án: Quý III năm 2007; - Thực hiện: 2007-2020 | Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Thông | Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch | QĐ số 2862/QĐ- UBND.VX ngày 07/8/2007 của UBND tỉnh. |
3 | Đề án xây dựng Vinh trở thành trung tâm giáo dục và đào tạo vùng Bắc Trung bộ. |
| - Phê duyệt đề án: Quý IV năm 2007; - Thực hiện: 2007-2020 | Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Thông | Sở Giáo dục đào tạo | QĐ số 126/QĐ- UBND.VX ngày 31/10/2007 cua UBND tỉnh. |
4 | Đề án: Xây dựng, phát triển y tế kỹ thuật cao để thành phố Vinh trở thành Trung tâm Y tế khu vực Bắc Trung bộ giai đoạn 2015-2020. |
| - Phê duyệt đề án: Quý III năm 2015; - Thực hiện: 2016-2020 | Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Thông | Sở Y tế | QĐ số 4211/QĐ- UBND ngày 21/9/2015 của UBND tỉnh. |
5 | Đề án phát triển thành phố Vinh trở thành trung tâm thể thao vùng Bắc Trung bộ. |
| - Phê duyệt đề án: Quý III năm 2007; - Thực hiện: 2007-2020 | Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Thông | Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch | QĐ số 3273/QĐ- UBND.VX ngày 23/8/2007 của UBND tỉnh. |
6 | Đề án Phát triển thành phố Vinh trở thành trung tâm Khoa học - Công nghệ vùng Bắc Trung bộ |
| - Phê duyệt đề án: Quý III năm 2006; - Thực hiện: 2006-2020 | Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thanh Điền | Sở Khoa học - Công nghệ | QĐ số 71/QĐ- UBND ngày 28/7/2006 |
B | Các đề án, dự án mới | |||||
1 | Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội thành phố Vinh đến năm 2025 | Xây dựng thành phố Vinh phát triển nhanh, bền vững, xứng tầm đô thị loại 1, trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung bộ theo tinh thần Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị trên 10 lĩnh vực: tài chính, thương mại, du lịch, khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hóa, thể thao, giáo dục đào tạo; ổn định về chính trị, quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm | - Phê duyệt đề án: Quý II năm 2017; - Thực hiện: 2016-2025 | Phó chủ tịch UBND Lê Xuân Đại | UBND thành phố Vinh |
|
2 | Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất thành phố Vinh đến năm 2020 | Đảm bảo sự chuyển dịch cơ cấu, chỉ tiêu đất đai phù hợp với Quy hoạch chung thành phố đến năm 2030 tầm nhìn 2050, các quy hoạch phân khu, quy hoạch ngành, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội thành phố đến năm 2020; quản lý việc sử dụng đất đúng mục đích tiết kiệm và hiệu quả | - Phê duyệt đề án: năm 2016- 2017; | Phó chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng | UBND thành phố Vinh |
|
3 | Đề án điều chỉnh địa giới hành chính các huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò để mở rộng địa giới hành chính thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An | Mở rộng địa giới hành chính trên cơ sở thành phố Vinh hiện có, sáp nhập một số vùng phụ cận với quy mô tổng diện tích tự nhiên khoảng 250 km2, ranh giới quy hoạch được xác định: phía Bắc giáp đường Nam Cấm - Cửa Lò và sông Cấm; phía Nam giáp Quốc lộ 1A (đoạn tránh thành phố Vinh) và sông Lam; phía Đông giáp sông Lam đến Cửa Hội và biển Đông; phía Tây giáp xã Nam Giang, huyện Nam Đàn và sông Kẻ Gai | - Xây dựng đề án, thông qua cấp tỉnh Quý II-2019; - Trình Bộ ngành Trung ương Quý III- 2019; - Thực hiện: Quý IV-2019 | Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Xuân Đại | Sở Nội vụ |
|
4 | Đề án phát triển hạ tầng các dịch vụ tài chính, ngân hàng trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016-2020 (*) | Phát triển các loại hình dịch vụ tài chính như: Kiểm toán, bảo hiểm, cho thuê tài chính, tư vấn tài chính, thị trường chứng khoán, giao dịch bất động sản; xây dựng trung tâm giao dịch chứng khoán... Thu hút các Ngân hàng thương mại lớn trong và ngoài nước, công ty tài chính, công ty bảo hiểm và công ty chứng khoán thành lập chi nhánh ở thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò. Từng bước hình thành và phát triển các thị trường vốn trên địa bàn | - Phê duyệt đề án: Quý IV năm 2016; - Thực hiện: 2016-2020 | Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Xuân Đại | Sở Tài chính | Tiếp tục thực hiện theo Đề án thực hiện Nghị quyết 01-NQ/TU của Tỉnh ủy |
5 | Đề án phát triển hạ tầng thương mại tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016-2020 (*) | Phấn đấu đến năm 2020 thành phố Vinh và trở thành đầu mối về xuất nhập khẩu, tập kết, trung chuyển, phân phối hàng hóa và dịch vụ vùng Bắc Trung bộ; xây dựng Trung tâm hội chợ, triển lãm thương mại xứng tầm khu vực nhằm xúc tiến, giao dịch thương mại và các dịch vụ khác; xây dựng Trung tâm Logistics, tổng kho trung chuyển và các trung tâm thương mại theo quy hoạch | - Phê duyệt đề án: Quý IV năm 2016; - Thực hiện: 2016-2020 | Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Xuân Đại | Sở Công thương | Tiếp tục thực hiện theo Đề án thực hiện NQ số 01-NQ/TU của Tỉnh ủy |
6 | Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn 2050 (*) | Tập trung quy hoạch và thu hút đầu tư phát triển các khu, điểm du lịch hiện đại, có chất lượng cao tại Thành phố Vinh, bao gồm. Đầu tư nâng cấp và xây dựng mới các cơ sở lưu trú du lịch theo hướng chất lượng, hiệu quả, thân thiện môi trường, đa dạng hóa các dịch vụ, sản phẩm du lịch. Phát huy giá trị các di tích lịch sử và di sản văn hóa phi vật thể; Tăng cường các hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch trong vùng và cả nước. | - Phê duyệt đề án: Quý IV năm 2016; - Thực hiện: 2016-2020 | Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Thông | Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch | Tiếp tục thực hiện theo Đề án thực hiện NQ số 01-NQ/TU của Tỉnh ủy |
7 | Đề án phát triển công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp “xanh” trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2017-2020 (*) | Nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ trong giá trị sản phẩm, tỷ trọng ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị SX ngành công nghiệp, nhất là các ngành, lĩnh vực có lợi thế như: cơ khí chế tạo, điện tử, tin học, sản xuất lắp ráp ô tô, dệt - may, chế biến nông, lâm, thủy sản...; phấn đấu tăng tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị hàng năm | - Phê duyệt đề án: Quý I năm 2017; - Thực hiện: 2017-2020 | Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thanh Điền | Sở Công thương | Tiếp tục thực hiện theo Đề án thực hiện NQ số 01-NQ/TU của Tỉnh ủy |
8 | Đề án tổng thể ngành giao thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An (*) | Đầu tư xây dựng một số công trình hạ tầng thiết yếu về giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không, cảng biển (hệ thống giao thông đối ngoại thành phố) nhằm tăng cường liên kết thành phố Vinh với các địa phương trong tỉnh, cả nước và quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thu hút đầu tư, phát triển du lịch, thương mại, vận tải, văn hóa và các ngành kinh tế khác | - Phê duyệt đề án: Quý IV năm 2016; - Thực hiện: 2016-2020 | Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thanh Điền | Sở Giao thông - Vận tải | Tiếp tục thực hiện theo Đề án thực hiện Nghị quyết 01-NQ/TU của Tỉnh ủy; |
|
|
|
|
|
|
|
Ghi chú: (*) Đây là các đề án thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 18/12/2015 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An, trong đó có nội dung, nhiệm vụ liên quan đến thành phố Vinh.
1 Căn cứ Quyết định số 52/QĐ-TTg ngày 14/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
- 1Quyết định 1746/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Đề án Phát triển thương mại điện tử thành phố Hải Phòng giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2030
- 2Quyết định 3613/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Đề cương Đề án Phát triển du lịch thành phố Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 do tỉnh Thanh Hóa ban hành
- 3Quyết định 5896/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Đề án Phát triển đội tàu khai thác hải sản tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2030
- 4Quyết định 2679/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát triển rừng cảnh quan nội ô thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng
- 5Quyết định 4082/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Đề án phát triển thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 1Quyết định 2862/QĐ-UBND.VX năm 2007 phê duyệt đề án xây dựng thành phố Vinh thành Trung tâm Văn hoá - Thông tin của vùng Bắc Trung Bộ (giai đoạn 2006-2020) do Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành
- 2Quyết định 71/2006/QĐ-UBND phê duyệt Đề án "Xây dựng thành phố Vinh thành Trung tâm khoa học - công nghệ vùng bắc Trung bộ, giai đoạn 2006 – 2010 và các năm tiếp theo do tỉnh Nghệ An ban hành
- 3Quyết định 110/2006/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Xây dựng thành phố Vinh thành trung tâm Công nghệ thông tin - Truyền thông của vùng Bắc Trung Bộ do tỉnh Nghệ An ban hành
- 4Nghị quyết 26-NQ/TW năm 2013 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 do Bộ Chính trị ban hành
- 5Quyết định 3273/QĐ-UBND năm 2007 phê duyệt Đề án xây dựng thành phố Vinh thành Trung tâm thể thao vùng Bắc Trung bộ giai (đoạn 2007 - 2020) do tỉnh Nghệ An ban hành
- 6Quyết định 7343/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Đề án Phát triển Nghệ An thành Trung tâm khoa học và công nghệ vùng Bắc Trung Bộ, giai đoạn 2015-2020
- 7Quyết định 52/QĐ-TTg năm 2015 phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8Quyết định 620/QĐ-TTg năm 2015 về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An đến đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 9Quyết định 4211/QĐ-UBND năm 2015 về Đề án "Xây dựng, phát triển Y tế kỹ thuật cao để thành phố Vinh trở thành trung tâm y tế khu vực Bắc Trung bộ giai đoạn 2015 - 2020" do tỉnh Nghệ An ban hành
- 10Quyết định 2468/QĐ-TTg năm 2015 về Phê duyệt Đề án Phát triển thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung bộ đến năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 11Quyết định 1746/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Đề án Phát triển thương mại điện tử thành phố Hải Phòng giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2030
- 12Quyết định 3613/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Đề cương Đề án Phát triển du lịch thành phố Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 do tỉnh Thanh Hóa ban hành
- 13Quyết định 5896/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Đề án Phát triển đội tàu khai thác hải sản tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2030
- 14Quyết định 2679/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát triển rừng cảnh quan nội ô thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng
- 15Quyết định 4082/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Đề án phát triển thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
Kế hoạch 680/KH-UBND năm 2016 thực hiện Quyết định 2468/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung bộ đến năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết 26/NQ-TW do tỉnh Nghệ An ban hành
- Số hiệu: 680/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 15/11/2016
- Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
- Người ký: Nguyễn Xuân Đường
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 15/11/2016
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra