Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 64/KH-UBND

Bắc Giang, ngày 17 tháng 07 năm 2013

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN LÝ LỊCH TƯ PHÁP ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG

Thực hiện Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 19/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chiến lược phát triển lý lịch tư pháp đến năm 2020, tầm nhìn 2030", Quyết định số 1713/QĐ-BTP ngày 05/7/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch tổng thể triển khai Chiến lược phát triển lý lịch tư pháp đến năm 2020, tầm nhìn 2030; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Thực hiện có hiệu quả quan điểm định hướng, mục tiêu của Chiến lược phát triển lý lịch tư pháp; xác định thống nhất việc xây dựng và phát triển lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được ban hành kèm theo Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 19/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ, góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XI của Đảng và Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; trong đó xác định rõ những nhiệm vụ cụ thể đối với các hoạt động để triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lý lịch tư pháp.

- Xây dựng hệ thống dữ liệu lý lịch tư pháp từng bước vững chắc theo đúng nguyên tắc của hoạt động này, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài, cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cần được xây dựng theo mô hình tập trung, thống nhất.

2. Yêu cầu

- Thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời những nội dung đã được quy định trong Chiến lược phát triển lý lịch tư pháp; các hoạt động, nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong kế hoạch phải phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương và hoạt động lý lịch tư pháp, bảo đảm tính khả thi, có sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau, cùng hướng tới mục tiêu của Chiến lược phát triển lý lịch tư pháp.

- Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, phát huy hiệu quả phối hợp giữa Sở Tư pháp với cơ quan Tòa án, Viện Kiểm sát, cơ quan Thi hành án dân sự và các cơ quan có liên quan trong việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lý lịch tư pháp.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Giai đoạn 2013 - 2015

1.1. Tham gia xây dựng, hoàn thiện thể chế bảo đảm thi hành Luật Lý lịch tư pháp

- Sơ kết 03 năm thi hành Luật Lý lịch tư pháp và Quyết định số 2369/QĐ-TTg ngày 28/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Xây dựng Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và kiện toàn tổ chức thuộc Sở Tư pháp để xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp" theo Kế hoạch của Bộ Tư pháp;

- Đóng góp ý kiến vào dự thảo Đề án của Chính phủ về xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia lý lịch tư pháp; tổ chức thực hiện đúng các nội dung, mục tiêu của Đề án đã được Chính phủ phê duyệt;

- Đóng góp ý kiến vào dự thảo Đề án thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua bưu điện, qua mạng - cấp độ 3 của dịch vụ hành chính công trực tuyến của Chính phủ; tổ chức thực hiện đúng nội dung, mục tiêu của Đề án sau khi Chính phủ phê duyệt;

- Tổng kết 05 năm thi hành Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch của Bộ Tư pháp; đề xuất, kiến nghị những giải pháp tiếp tục hoàn thiện thể chế về lý lịch tư pháp;

- Ban hành Đề án "Xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp giai đoạn 2016 - 2020.

1.2. Xây dựng, quản lý, sử dụng, khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp

- Tiếp tục tăng cường mối quan hệ phối hợp chặt chẽ, cơ chế phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa cơ quan Tòa án, Viện Kiểm sát, Công an, Thi hành án dân sự, các cơ quan, tổ chức khác và Sở Tư pháp trong tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin, phục vụ công tác xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo quy định của pháp luật và Quyết định số 469/2012/QĐ-UBND ngày 28/12/2012 của UBND tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định quy trình giải quyết các việc đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài và tra cứu, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp ban hành kèm theo Quyết định số 106/2011/QĐ-UBND ngày 31/3/2011 của UBND tỉnh Bắc Giang;

- Tiếp tục triển khai cung cấp thông tin lý lịch tư pháp dưới dạng điện tử giữa Sở Tư pháp và Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia;

- Tiếp tục xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp bằng giấy và điện tử tại Sở Tư pháp; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Sở Tư pháp trong quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp; bảo đảm công tác cung cấp thông tin lý lịch tư pháp giữa Sở Tư pháp và Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được thực hiện theo quy định;

- Đưa cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp điện tử đi vào hoạt động; năm 2013, bảo đảm 30% thông tin lý lịch tư pháp chính thức trao đổi giữa Sở Tư pháp và Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia được thực hiện dưới dạng điện tử. Từ năm 2014-2015, bảo đảm trên 50% thông tin lý lịch tư pháp chính thức trao đổi giữa Sở Tư pháp và Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia được thực hiện dưới dạng điện tử.

1.3. Kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác lý lịch tư pháp

- Bố trí đủ 3 biên chế làm công tác lý lịch tư pháp theo Quyết định số 2369/QĐ-TTg ngày 28/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Xây dựng Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia và kiện toàn tổ chức thuộc Sở Tư pháp để xây dựng, quản lý lý lịch tư pháp;

- Nâng cao chất lượng của đội ngũ công chức, viên chức làm công tác lý lịch tư pháp; bảo đảm đến năm 2015 trên 80% công chức, viên chức làm công tác lý lịch tư pháp và những việc liên quan đến lý lịch tư pháp được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ lý lịch tư pháp. Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ tư pháp cấp xã trong công tác phối hợp tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp.

1.4. Bảo đảm cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ công tác lý lịch tư pháp và phát triển hoạt động lý lịch tư pháp

Bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Sở Tư pháp để thực hiện nhiệm vụ xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp bằng giấy và điện tử theo quy định tại Quyết định số 2369/QĐ-TTg ngày 28/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Xây dựng Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia và kiện toàn tổ chức thuộc Sở Tư pháp để xây dựng, quản lý lý lịch tư pháp và Thông tư số 06/2013/TT-BTP ngày 06/02/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn việc quản lý, sử dụng và khai thác cơ sở dữ liệu tư pháp.

1.5. Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của lý lịch tư pháp

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các nội dung của Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Lý lịch tư pháp trên các phương tiện thông tin đại chúng;

- Phối hợp tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, công chức cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát, Công an, Thi hành án dân sự và UBND cấp huyện, cấp xã về nhiệm vụ của các cơ quan trong việc phối hợp với cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh để tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp.

1.6. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp

- Tăng cường phối hợp kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về lý lịch tư pháp tại các cơ quan có nhiệm vụ cung cấp, tiếp nhận, tra cứu, xác minh, trao đổi thông tin lý lịch tư pháp phục vụ công tác xây dựng, quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và công tác cấp Phiếu lý lịch tư pháp;

- Tổng hợp tình hình thực hiện giai đoạn 2013-2015 của Chiến lược phát triển lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh, báo cáo Bộ Tư pháp theo quy định.

2. Giai đoạn 2016 - 2020

2.1. Tham gia xây dựng, hoàn thiện thể chế về lý lịch tư pháp và các văn bản có liên quan

- Tham gia với Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ và các Ngành ở Trung ương;

- Tổng kết thực tiễn về vai trò của hoạt động lý lịch tư pháp trong tiến trình cải cách tư pháp, đặc biệt là cải cách quy trình tố tụng; kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự có liên quan đến hoạt động lý lịch tư pháp;

- Đóng góp ý kiến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định về chức danh công chức, viên chức làm công tác lý lịch tư pháp theo Kế hoạch của Bộ Tư pháp;

- Nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách cho đội ngũ công chức, viên chức làm công tác lý lịch tư pháp và đội ngũ công chức, viên chức làm công tác tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp;

- Đóng góp ý kiến vào dự thảo Đề án của Chính phủ về chuyển đổi mô hình cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp từ hai cấp sang một cấp trên cơ sở sửa đổi, bổ sung Luật Lý lịch tư pháp;

- Thực hiện các biện pháp phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác lý lịch tư pháp ở địa phương theo Đề án của Chính phủ;

- Đóng góp ý kiến vào dự thảo 03 Đề án của Chính phủ về: (1) Trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp giữa cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và các cơ quan có liên quan dưới dạng dữ liệu điện tử; (2) Về kết nối, trao đổi thông tin giữa cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp với cơ sở dữ liệu hộ tịch, dân cư, hộ khẩu, chứng minh nhân dân; (3) Về thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua mạng trực tuyến - cấp độ 4 của dịch vụ hành chính công trực tuyến. Tổ chức thực hiện đúng nội dung, mục tiêu của các Đề án sau khi Chính phủ phê duyệt.

2.2. Xây dựng, quản lý, sử dụng khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp

- Tiếp tục xây dựng, quản lý, sử dụng, khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp;

- Thực hiện có hiệu quả các Đề án liên quan đến xây dựng, quản lý, sử dụng, khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, đặc biệt là dữ liệu lý lịch tư pháp điện tử. Đến năm 2016, bảo đảm có trên 90% thông tin lý lịch tư pháp chính thức trao đổi giữa Sở Tư pháp và trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia được thực hiện dưới dạng điện tử;

- Triển khai thực hiện cung cấp thông tin lý lịch tư pháp dưới dạng điện tử giữa cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và các cơ quan Tòa án, Viện Kiểm sát, Công an, Thi hành án dân sự qua hệ thống mạng trên cơ sở điều kiện về trang thiết bị, phương tiện làm việc và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan;

- Thiết lập kết nối, chia sẻ thông tin giữa cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và các cơ sở dữ liệu khác trên cơ sở có sự phối hợp, liên kết chặt chẽ và bảo đảm tương thích, phù hợp với điều kiện về trang thiết bị, phương tiện làm việc và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin của cơ quan quản lý các cơ sở dữ liệu này.

2.3. Nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác lý lịch tư pháp

- Tiếp tục xây dựng đội ngũ công chức làm công tác lý lịch tư pháp chuyên nghiệp theo hướng có chức danh cụ thể;

- Cử công chức trực tiếp làm công tác lý lịch tư pháp và phối hợp làm công tác lý lịch tư pháp của Sở Tư pháp và các cơ quan liên quan tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn, các khóa đào tạo về lý lịch tư pháp do các cơ quan trung ương tổ chức;

- Nghiên cứu bổ sung thêm biên chế làm công tác lý lịch tư pháp tại Sở Tư pháp; bảo đảm biên chế làm công tác lý lịch tư pháp phù hợp với tình hình thực tế.

2.4. Bảo đảm cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ công tác lý lịch tư pháp

Tiếp tục đầu tư, bảo đảm cơ sở vật chất, kỹ thuật cho Sở Tư pháp để đáp ứng nhiệm vụ xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp bằng giấy và dữ liệu điện tử; đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin vào xây dựng, quản lý, cung cấp và khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp dưới dạng dữ liệu điện tử.

2.5. Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của lý lịch tư pháp

Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lý lịch tư pháp.

2.6. Tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp

- Tiếp tục tăng cường phối hợp kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về lý lịch tư pháp tại các cơ quan có nhiệm vụ cung cấp, tiếp nhận, tra cứu, xác minh, trao đổi thông tin lý lịch tư pháp phục vụ công tác xây dựng, quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và công tác cấp Phiếu lý lịch tư pháp;

- Tổng hợp tình hình thực hiện giai đoạn 2016-2020 của Chiến lược phát triển lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh, báo cáo Bộ Tư pháp theo quy định.

3. Định hướng đến năm 2030

3.1. Hoàn thiện thể chế

- Tiếp tục tham gia ý kiến với các Bộ, ngành trung ương hoàn thiện thể chế về lý lịch tư pháp và các văn bản pháp luật có liên quan, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và toàn diện của chế định lý lịch tư pháp trong hệ thống pháp luật; phát huy vị trí, vai trò của lý lịch tư pháp theo hướng là công cụ hỗ trợ đắc lực cho hoạt động tư pháp hình sự;

- Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, chính sách liên quan đến lý lịch tư pháp đã được các cơ quan Trung ương ban hành trong giai đoạn năm 2016 - 2020.

3.2. Xây dựng, quản lý, sử dụng, khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp

- Tiếp tục tham gia ý kiến với các Bộ, ngành trung ương xây dựng các văn bản, đề xuất các giải pháp tăng cường mối quan hệ phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp qua môi trường mạng, bảo đảm trên 50% văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và các cơ quan có liên quan được thực hiện dưới dạng điện tử;

- Tham gia xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp theo mô hình một cấp theo hướng dẫn của các cơ quan trung ương. Bảo đảm đáp ứng tốt nhất yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

3.3. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác lý lịch tư pháp

- Tiếp tục cử đội ngũ công chức, viên chức làm công tác lý lịch tư pháp tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng tiếp nhận, xử lý, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp do các cơ quan trung ương tổ chức để đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng của công tác lý lịch tư pháp;

- Tiếp tục tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn về kỹ thuật cung cấp, trao đổi, xác minh thông tin lý lịch tư pháp cho đội ngũ cán bộ làm công tác cung cấp, trao đổi, xác minh thông tin lý lịch tư pháp thuộc các Sở, ngành và đội ngũ cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã.

3.4. Đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật để tăng cường hiệu quả xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp

- Tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý lý lịch tư pháp, bảo đảm thực hiện xây dựng, tổ chức cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và hệ thống cơ quan quản lý lý lịch tư pháp theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức;

- Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật cho các cơ quan có liên quan, bảo đảm việc trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp được thực hiện dưới dạng điện tử.

3.5. Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về lý lịch tư pháp dưới nhiều hình thức

Thường xuyên phối hợp tuyên truyền, phổ biến Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật lý lịch tư pháp; lựa chọn nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến theo các nhóm đối tượng và địa bàn cụ thể.

3.6. Tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp

- Tiếp tục tăng cường phối hợp kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về lý lịch tư pháp tại các cơ quan có nhiệm vụ cung cấp, tiếp nhận, tra cứu, xác minh, trao đổi thông tin lý lịch tư pháp phục vụ công tác xây dựng, quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và công tác cấp Phiếu lý lịch tư pháp;

- Tổng hợp tình hình thực hiện giai đoạn đến năm 2030 của Chiến lược phát triển lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh, báo cáo Bộ Tư pháp theo quy định.

4. Kinh phí thực hiện

Kinh phí thực hiện Chiến lược phát triển lý lịch tư pháp được bảo đảm từ ngân sách nhà nước và được sử dụng trong dự toán chi thường xuyên hàng năm theo quy định về phân cấp ngân sách.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trên cơ sở Chiến lược phát triển lý lịch tư pháp, Sở Tư pháp chủ trì và phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Công an tỉnh, Cục Thi hành án dân sự, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan liên quan triển khai, thực hiện nhiệm vụ được giao, bảo đảm tiến độ đề ra.

2. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh trình Bộ Nội vụ quyết định bổ sung biên chế làm công tác lý lịch tư pháp tại địa phương.

3. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh bố trí ngân sách thực hiện Chiến lược phát triển lý lịch tư pháp; hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng kinh phí thực hiện Chiến lược phát triển lý lịch tư pháp theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật khác liên quan.

4. Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lý lịch tư pháp.

5. Giao Sở Tư pháp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chiến lược phát triển lý lịch tư pháp, kịp thời báo cáo, đề xuất hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; định kỳ hàng năm, từng giai đoạn báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh về tình hình triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lý lịch tư pháp theo quy định./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tư pháp;
- TT Tỉnh ủy; TT HĐND tỉnh;
- UBMTTQ và các đoàn thể nhân dân tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- LĐVP, TH.
- Các sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh;
- Bộ CHQS tỉnh, Công an tỉnh;
- TAND, VKSND, Cục THADS tỉnh;
- Báo Bắc Giang, Đài PT&TH tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu VT, NC;

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Linh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 64/KH-UBND năm 2013 triển khai Chiến lược phát triển lý lịch tư pháp đến 2020, tầm nhìn 2030 tỉnh Bắc Giang

  • Số hiệu: 64/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 17/07/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Giang
  • Người ký: Nguyễn Văn Linh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản